Wednesday, October 9, 2013

SỐNG CHUNG TRƯỚC HÔN NHÂN: VUI ÍT, BUỒN NHIỀU



cohabitation1 copy KIM ANH
Theo kết quả điều tra từ đề tài khoa học “Hiện tượng chung sống trước hôn nhân của giới trẻ độc thân tại TP.HCM trong mối quan hệ với độ ổn định của gia đình trẻ” (Sở Khoa học công nghệ TP.HCM quản lý), có đến 45,2% đối tượng phỏng vấn thừa nhận cuộc sống chung của họ đang có nhiều nỗi lo và không loại trừ khả năng có thể chia tay (7,9%)…
Ngay từ khi mới tiến hành đề tài nhóm phỏng vấn đã rất khó khăn để tìm ra đối tượng ở địa bàn cư trú và thuyết phục họ tham gia cuộc phỏng vấn. Vì thế nhóm phỏng vấn đã tìm đến các… bệnh viện phụ sản, nơi có những văn phòng tư vấn cho các cô gái trẻ trước khi tiến hành các ca phẫu thuật nạo phá thai, để có thể tiếp cận với đối tượng.
Sự chia tay được dự báo
Một nam công nhân sinh năm 1980, đang sống chung với người yêu lớn hơn hai tuổi tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Lúc đầu còn thấy vui, 2-3 tháng đầu còn đi chơi, sau đó thấy cuộc sống không thoải mái và nhàm chán. Càng sống với nhau lâu càng chán”.
Họ chán chường vì nhiều lẽ. “Không gian của tình yêu”, theo nghiên cứu, chủ yếu là những phòng trọ có diện tích khoảng 18m2, với mái tôn thấp, nóng bức về mùa hè, ẩm thấp về mùa mưa. Tất cả sinh hoạt: nấu ăn, nghỉ ngơi, giải trí đều gói gọn trong đó… Phương tiện sinh hoạt của các “gia đình trẻ” thường là một tivi cũ, nồi cơm điện và chiếc quạt bàn.


Trích phỏng vấn một nam công nhân sinh năm 1980:
Hỏi: Từ khi sống chung bạn thấy có những thuận lợi gì mà trước đây khi ở riêng không có?
- Tôi nghĩ không có thuận lợi gì hết. Trước mắt tôi không có gì sáng sủa cả, tiền bạc làm không có dư, lương thì ít, hai đứa làm lương tháng triệu rưỡi triệu tám, tiền nhà hết 500.000 đồng/tháng, tiền ăn, tiền thuốc, tiền gửi về quê nữa thì làm sao có dư. Sống chung mà chưa cưới hỏi, chưa nhà cửa, chưa dư tiền thì tương lai thật mù mịt.
Tuy gọi là đến với nhau vì tình yêu nhưng đa số người được hỏi về những điều quan trọng trong cuộc sống thì đồng tiền còn chiếm vị trí quan trọng hơn cả học vấn, địa vị và… tình yêu! Gần 45% thích “có nhiều tiền”, sau đó mới là tình yêu (36%), học vấn (16,7%) và địa vị (13,2%).
Trong hơn 228 người được điều tra có 109 đôi đang sống chung, phần đông họ “góp gạo nấu cơm chung” trên dưới hai năm, có 23% trên ba năm. Càng sống lâu bên nhau thì sự háo hức, vui tươi của thuở ban đầu đã nhường chỗ cho những âu lo cơm áo gạo tiền hằng ngày: chật vật tiền bạc (42,4%), nhà cửa chưa có (20,1%), việc làm chưa ổn định (14,3%)… Sự toan tính khiến tình yêu dần biến mất và những va chạm, nhàm chán bắt đầu xuất hiện.
Khi được đề nghị đánh giá lại quyết định sống chung của mình, trong các đôi có “thâm niên” trên ba năm chỉ 39% cho rằng mình quyết định đúng, còn lại hơn 60% cho rằng đó là “quyết định vội vàng, do hoàn cảnh lôi cuốn”. Với đa số người được hỏi, sống chung trước hôn nhân luôn có nhiều bất trắc, chông chênh mặc dù họ đều trưởng thành, có việc làm. Và sự chia tay của rất nhiều đôi sống chung dường như được báo trước.
Sống chung càng lâu càng né kết hôn
image
 
 
Sống chung vui hay buồn?
 
 
 
 
 
 
 
Phần lớn các đôi sống chung đều ở xa gia đình, không có sự liên hệ gần gũi với người thân và đa số đều không muốn người thân biết “sự kiện” này. Sống chung, sự lo lắng còn ở việc sợ bị gia đình, bạn bè phát hiện, nên thường họ “hoạt động bí mật”, che giấu mối quan hệ bằng mọi cách. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong nhận thức của giới trẻ về sống chung. Thật sự điều này là tiêu cực hay tích cực? Một số đôi bạn cùng chung sống đã phân trần rằng họ thật sự yêu nhau và muốn “sống thật” chứ không phải “sống thử”. Họ không đồng ý dư luận xã hội gọi họ là những người “sống thử”.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lưu Phương Thảo, chủ nhiệm đề tài, các bạn trẻ sống chung vẫn chưa đủ bản lĩnh sống với sự lựa chọn của mình. Vì thế vẫn phải lén lút, không dám công khai. Điều này thấy rõ ở tỉ lệ cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống chung không cao, nhất là phía các bạn gái. Chỉ có 37% bạn cho là “rất vui vẻ và hạnh phúc”, nhưng có tới gần 48% nghĩ cuộc sống chung là “tạm được, có nhiều nỗi lo”. Nếu cho rằng sống chung vì tình yêu thật sự là đẹp đẽ, chính đáng tại sao lại phải giấu giếm?
Những nguyên nhân dẫn đến việc sống chung:
Vì tình yêu (71,7%), vì chưa có điều kiện kết hôn (41,6%), xa nhà cô đơn (19,5%), cho đỡ tốn kém (8,4%).
Nếu mọi gia đình xem con cái là niềm hạnh phúc của đôi lứa thì với những cặp sống chung, con cái là mối nguy hiểm số 1 đe dọa sự tồn tại “mái ấm” của họ. Rất nhiều trường hợp có thai ngoài ý muốn (hơn 54%) phải nạo phá thai dẫn đến những hậu quả khôn lường. Tỉ lệ đi “giải quyết hậu quả” rất cao ở nhóm nữ công nhân trẻ (68%). Và nhiều người không chỉ vỡ kế hoạch một lần mà tới hai, ba lần… Chính những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, niềm tin vào sự bền vững của các cặp sống chung cũng giảm sút. Có đến 44% cho rằng “không biết trước tương lai sẽ ra sao”.
Qua điều tra cũng cho thấy tỉ lệ muốn kết hôn giảm dần theo thời gian chung sống, thay vào đó là sống theo kiểu “nước chảy bèo trôi”, đến đâu hay đến đấy. Những đôi có thời gian chung sống từ dưới một năm đến hai năm có hơn 77% mong muốn tiến đến hôn nhân, trong khi tỉ lệ ấy chỉ còn hơn 58% đối với những đôi sống chung từ ba năm trở lên. Có nghĩa sống chung càng lâu càng né kết hôn. Cũng theo “thâm niên” sống chung, sống chung càng lâu thì tỉ lệ dự định có con càng giảm và tỉ lệ “tới đâu hay tới đó” lại tăng lên.
“Không nên sống chung trước hôn nhân, rất bất hạnh” (27,6%) và “Hãy suy nghĩ thật kỹ để không hối tiếc” (17,5%), đó là lời khuyên của chính các bạn trẻ đang sống chung.
Một bạn gái ở Nha Trang vào TP.HCM năm 1999, là nhân viên bán hàng, trình độ đại học, chung sống với bạn trai hai năm cho biết: “Đừng bao giờ sống chung trước, vì không có gì ràng buộc chắc chắn để giữ được người ta. Với tôi, đến hôm nay vẫn chưa biết người ta có thật lòng với mình hay không, vì ngay cả gia đình anh ở đâu tôi cũng không biết”.
Theo Thạc sĩ Lưu Phương Thảo, nếu đã sống chung các bạn trẻ hãy giữ gìn mối quan hệ và hợp pháp hóa bằng hôn nhân. Sau cùng vẫn là sự lựa chọn và quyết định của những người trong cuộc, dám bảo vệ tình yêu của mình và dành cho nó sự trân trọng nhất bên cạnh sự tôn trọng phẩm giá và nhân cách của chính mình.
Nhóm nghề nghiệp nào cũng có những người trẻ đang chung sống trước hôn nhân, nhưng hiện tượng này rõ nét và tập trung hơn ở giới công nhân trẻ (42,5%), tiếp đến là giới nhân viên văn phòng, trí thức (33,8%). Độ tuổi trung bình sống chung là 22-27 tuổi (62,3%).
SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code