HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
…
Ngày 05 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân
tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về
thừa kế tài sản giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông
Lâm Ngọc Lắm, sinh năm 1943; trú tại: Hoa Kỳ (ông Lắm uỷ quyền cho ông
Lâm Ngọc Hiệu, sinh năm 1928; trú tại ấp Long Hoà 2, xã Long Phú, huyện
Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ nay là tỉnh Hậu Giang).
Bị đơn: Bà
Lâm Thị Mịnh, sinh năm 1927; trú tại: ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện
Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (bà Mịnh uỷ quyền cho con là anh Nguyễn Phước
Hành, sinh năm 1961; trú tại: ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ,
tỉnh Cần Thơ nay là ấp 2 đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Long Mỹ,
huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lâm Thị Ảnh, sinh năm 1946; trú tại: ấp Long Hoà 2, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang);
2. Bà Lâm Thị Kỉnh, sinh năm 1925; trú tại: ấp 5, thị
trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (hiện nay không còn cư trú
tại địa chỉ trên);
3. Ông Lâm Ngọc Hiệu, sinh năm 1928; trú tại: ấp Long Hoà 2, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang);
4. Anh Nguyễn Phước Hành, sinh năm 1961; trú tại ấp
2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp 2 đường
Nguyễn Trung Trực, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).
NHẬN THẤY:
Cụ Lâm Ngọc Hậu (chết năm 1975) có vợ là cụ Hồ Thị
Hứng (chết năm 1990), đều không để lại di chúc. Hai cụ có 5 con là bà
Lâm Thị Mịnh, bà Lâm Thị Kỉnh, ông Lâm Ngọc Hiệu, ông Lâm Ngọc Lắm, bà
Lâm Ngọc Ảnh.
Tài sản của cụ Hậu và cụ Hứng là 1 căn nhà không số trên 76 m2
đất ở tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (cũ). Từ
năm 1985 nhà, đất do anh Nguyễn Phước Hành (con trai bà Mịnh) quản lý và
sử dụng. Trong quá trình quản lý và sử dụng anh Hành có sửa chữa nhỏ.
Bà Mịnh, ông Lắm, ông Hiệu, bà Ảnh và bà Kỉnh đều thống nhất chia thừa kế theo pháp luật căn nhà không số trên 76 m2 đất ở tại ấp 2 và nhất trí thanh toán tiền sửa chữa nhà cho anh Hành.
Ngoài nhà đất trên, bà Mịnh còn khai: Cụ Hậu và cụ
Hứng còn có 1 căn nhà (hiện bà Kỉnh đang quản lý) và số đất ruộng (hiện
đang do bà Ảnh và ông Hiệu quản lý, sử dụng), nên bà Mịnh đề nghị đưa số
tài sản này vào di sản thừa kế của hai cụ để chia.
Ông Hiệu, bà Kỉnh, bà Ảnh, ông Lắm khai: Căn nhà mà
bà Kỉnh đang quản lý là do bà Kỉnh mua và đã dỡ nhà cũ xây nhà mới như
hiện nay; đất ruộng là của ông Hiệu, bà Ảnh mua sau giải phóng và ông
Hiệu và bà Ảnh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không
phải là di sản của cụ Hậu, cụ Hứng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày 26-7-1994, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu của ông Lâm Ngọc Hiệu đòi
chia thừa kế căn nhà (không số) tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long
Mỹ. Hiện nay anh Nguyễn Phước Hành đang ở.
2. Giao căn nhà nói trên cho ông Lâm Ngọc Hiệu quản lý theo yêu cầu của bà Kỉnh, bà Ảnh, ông Lắm thuộc đồng sở hữu 4 người.
3. Anh Nguyễn Phước Hành có trách nhiệm giao căn
nhà hiện nay anh đang ở cho ông Lâm Ngọc Hiệu trong thời hạn 6 tháng
tính từ khi án có hiệu lực.
4. Ông Lâm Ngọc Hiệu đại diện cho 4 người đồng sở hữu (bà Kỉnh, bà Ảnh,
ông Lắm kể cả ông Hiệu) để trả tiền tu sửa 4.059.369 đồng cho anh
Nguyễn Phước Hành lúc giao trả nhà và giao cho bà Lâm Thị Mịnh 9.683.251
đồng bằng 1/5 phần thừa kế.
5. Bác yêu cầu phản tố của bà Lâm Thị Mịnh cho
rằng căn nhà hiện nay bà Lâm Thị Kỉnh đang ở và số đất ruộng hiện nay
ông Lâm Ngọc Hiệu, bà Lâm Thị Ảnh đang canh tác sử dụng là tài sản của cha mẹ cộng chung để chia thừa kế là chưa đủ cơ sở.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 23-8-1994 bà Mịnh kháng cáo cho rằng tài sản của
cha mẹ bà là nhà đất hiện ông Hiệu đang quản lý, nhà đất hiện anh Hành
đang quản lý và nhà đất do bà Kỉnh đang quản lý nhưng Toà án chưa cộng
vào để chia là gây thiệt hại đến quyền lợi của bà.
Ngày 14-01-1995 anh Hành kháng cáo bổ sung cho rằng
phần định giá của Phòng nông nghiệp huyện ngày 06-10-1993 và phần định
giá của Phòng công nghiệp huyện Long Mỹ có sự chênh lệch, như vậy, là
việc định giá chưa hợp lý đề nghị xem xét lại.
Tại bản án phúc thẩm số 07/DSPT ngày 18-01-1995, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày
26-7-1994 của Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ và giao hồ sơ vụ kiện về Toà
án nhân dân tỉnh Cần Thơ để điều tra xét xử lại.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST ngày 31-8-1996, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quyết định:
Bà Lâm Thị Mịnh được hưởng căn nhà tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ do anh Nguyễn Phước Hành đang quản lý và sử dụng.
Anh Hành đại diện cho bà Mịnh giao lại cho Lâm Ngọc Hiệu, Lâm Ngọc Lắm, Lâm Thị Kỉnh, Lâm ThịẢnh mỗi người 9.736.320 đồng (phần ông Lắm giao cho ông Hiệu quản lý).
Bác yêu cầu phản tố đòi chia thừa kế của bà Mịnh đối với căn nhà và đất của ông Hiệu và bà Kỉnh, bàẢnh đang ở và canh tác.
Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 06-9-1996 ông Hiệu, bà Ảnh kháng cáo không đồng ý
với bản án sơ thẩm vì giá trị căn nhà và đất so với giá thị trường quá
chênh lệch mà Toà án lại giao cho bà Mịnh toàn bộ nhà đất và thanh toán
giá trị cho các ông, bà là gây thiệt hại đến quyền lợi của các ông bà.
Ngày 12-9-1996 bà Mịnh kháng cáo yêu cầu đưa nhà, đất
vườn, đất ruộng mà hiện ông Hiệu, bà Kỉnh, bà Ảnh đang quản lý vào khối
di sản của cụ Hậu, cụ Hứng để chia thừa kế.
Tại bản án phúc thẩm số 107/DSPT ngày 27-5-1997, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Xử: Công nhận di sản của ông Lâm Ngọc Hậu và bà Hồ
Thị Hứng là căn nhà tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần
Thơ trị giá 48.681.600 đồng.
Bà Lâm Thị Mịnh được quyền sở hữu căn nhà nói trên
và có trách nhiệm hoàn lại cho ông Lâm Ngọc Hiệu, ông Lâm Ngọc Lắm, bà
Lâm Thị Kỉnh, bà Lâm Thị Ảnh mỗi người 9.736.320 đồng. Phần của ông Lắm giao cho ông Hiệu quản lý.
Tách yêu cầu phản tố của bà Mịnh về việc yêu cầu chia thừa kế nhà đất mà ông Hiệu, bà Ảnh, bà Kỉnh đang quản lý sử dụng để giải quyết thành vụ án khác nếu có yêu cầu.
Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Ngày 04-9-1997 ông Lâm Ngọc Lắm khiếu nại: Toà án cấp
phúc thẩm lấy giá nhà định giá năm 1995 (định giá quá thấp) để chia
thừa kế là gây thiệt hại đến quyền lợi của anh chị em ông.
Ngày 11-8-1997 bà Lâm Thị Ảnh, ông Lâm Ngọc Hiệu
khiếu nại cho rằng tại phiên toà phúc thẩm cả 4 đương sự đều định giá
căn nhà là 300.000.000 đồng. Ông Hiệu xin được nhận nhà và thanh toán
giá trị cho các thừa kế khác hoặc bán nhà để chia tiền.
Tại Công văn số 84 ngày 30-6-1997, Toà án nhân dân
tỉnh Cần Thơ đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án
phúc thẩm vì tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn xin thanh toán cho các
đồng thừa kế khác theo giá trị nhà đất là 300.000.000 đồng để lấy nhà
nhưng Toà án vẫn xác định giá trị nhà đất là 48.681.000 đồng để chia là
gây thiệt hại đến quyền lợi của các đương sự.
Tại Quyết định kháng nghị số 05/KN-DS ngày
14-01-1998, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc
thẩm trên với nhận định:
“Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác
định đúng di sản của cụ Lâm Ngọc Hậu và cụ Hồ Thị Hứng là giá trị căn
nhà và 76m2 đất ở tại đường Nguyễn Trung Trực, ấp 2, thị trấn
Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ; đồng thời cũng xác định đúng
những người hưởng thừa kế.
Tuy nhiên, việc xác định giá trị nhà đất tranh
chấp không chính xác. Tháng 5-1997, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối
cao tại thành phố Hồ Chí Minh mới đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, lúc đó
giá trị nhà đất có nhiều thay đổi. Vì vậy, tại phiên toà phúc thẩm ông
Hiệu và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đề nghị Toà án chấp
nhận giá trị của căn nhà và đất ở với giá 300.000.000 đồng và xin được
nhận sở hữu khối di sản trên, có trách nhiệm thanh toán kỷ phần cho
những người thừa kế khác. Còn phía bị đơn chỉ đề nghị xem xét phần công
sức duy trì và sửa chữa khối di sản. Song Toà án cấp phúc thẩm lại căn
cứ vào biên bản định giá từ năm 1994 để xác định giá trị nhà đất chỉ có
48.681.600 đồng rồi chia hiện vật cho một bên, còn những người thừa kế
khác thì nhận bằng tiền là gây thiệt hại cho những người thừa kế khác”.
Tại Kết luận số 134/KL-DS ngày 30-6-1998, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận xét:
“Tại phiên toà sơ thẩm ngày 12-8-1996 của Toà án
nhân dân tỉnh Cần Thơ, ông Hiệu thống nhất giá trị nhà là 54.000.000
đồng (kể cả phần sửa chữa cải tạo của anh Hành). Như vậy, các đương sự
đều thống nhất phần định giá nêu trên và chia cho 5 kỷ phần thừa kế, mỗi
kỷ phần được 9.736.320 đồng.Án sơ, phúc thẩm giao nhà, đất cho
anh Hành đang ở thừa hưởng phần thừa kế của mẹ là bà Mịnh sau khi hoàn
lại cho 4 người thừa kế là 38.945.280 đồng là hợp tình, hợp lý.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 27-5-1997 ông Hiệu, bà Ảnh tự đặt ra giá trị nhà đất là 60 cây vàng (tương đương 300.000.000 đồng) là không có căn cứ.
Bởi các lẽ trên,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy việc kháng nghị là không cần thiết.
Đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, bác yêu cầu của ông Hiệu, bà Ảnh
giữ nguyên hiệu lực bản án phúc thẩm số 107/DSPT ngày 27-5-1997 của Toà
phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Tại Quyết định số 24/UBTP-DS ngày 27-8-1998 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:
Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự về chia
thừa kế nhà đất giữa nguyên đơn là ông Lâm Ngọc Lắm và bị đơn là bà Lâm
Thị Mịnh cho đến khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao
dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam
định cư ở nước ngoài tham gia.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát
nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ
bản án dân sự phúc thẩm số 107/DSPT ngày 27-5-1997 của Toà phúc thẩm Toà
án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm
số 19/DSST ngày 31-8-1996 của Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) để xét
xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Trong quá trình giải quyết vụ án bà Lâm Thị Mịnh có
yêu cầu phản tố, lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào khoản 1, Điều
31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để buộc bà Mịnh phải
nộp tiền tạm ứng án phí rồi mới thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bà
Mịnh mới đúng. Nhưng Toà án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà Mịnh nộp tiền
tạm ứng án phí và đã thụ lý giải quyết yêu cầu của bà Mịnh là vi phạm
thủ tục tố tụng.
Về giá trị nhà đất: Tại phiên toà sơ thẩm ngày
31-8-1996 toàn bộ các đương sự đều thoả thuận giá trị căn nhà là
54.000.000 đồng nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng giá do hội đồng
định giá năm 1994 để giải quyết vụ án là không phù hợp. Sau khi xét xử
sơ thẩm ông Lâm Ngọc Hiệu, bà Lâm ThịẢnh kháng cáo không đồng ý với bản
án sơ thẩm vì giá Hội đồng định giá đã định có sự chênh lệch so với giá
thị trường. Tại phiên toà phúc thẩm các đương sự vẫn tiếp tục cho rằng
giá do Toà án định giá năm 1994 là không phù hợp với thực tế và ông Hiệu
chấp nhận nhận nhà đất và thanh toán tiền cho các thừa kế khác với giá
60 cây vàng (tương đương 300.000.000 đồng) nhưng Toà án cấp phúc thẩm
vẫn áp dụng giá do Hội đồng định giá từ năm 1994 để giải quyết là không
phù hợp. Hơn nữa, cho đến nay giá nhà đất đã có biến động rất lớn. Do
đó, cần định giá lại thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự, và phù
hợp với thực tế.
Mặt khác, tại thời điểm Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm
xét xử vụ án thì ông Lâm Ngọc Lắm đang định cư ở Mỹ, nhưng đến nay ông
Lắm có thay đổi nơi định cư hay không? Do đó, cần phải xác định rõ thêm
về nơi định cư của
ông Lắm thì mới có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định tại Nghị quyết
số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
ông Lắm thì mới có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định tại Nghị quyết
số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Hơn nữa, do thời gian tạm đình chỉ vụ án đã lâu (từ
năm 1998) cho đến nay chưa xác định được có việc thay đổi về việc tham
gia tố tụng của các đương sự và yêu cầu của các đương sự hay không? Cho
nên khi giải quyết lại vụ án cần xác minh thêm các vấn đề này để giải
quyết vụ án đúng pháp luật.
Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án bà Mịnh khai
ngoài căn nhà đang tranh chấp thì di sản của cụ Hậu, cụ Hứng còn có nhà
đất do bà Kỉnh, ông Hiệu, bà Ảnh quản lý, sử dụng và yêu cầu đưa vào di
sản thừa kế của cụ Hậu, cụ Hứng để chia. Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu
của bà Mịnh. Lẽ ra, nếu có đủ căn cứ để xác định nhà đất ông Hiệu, bà
Kỉnh, bà Ảnh không phải là di sản của hai cụ thì phải bác yêu cầu của bà
Mịnh (như án sơ thẩm) mới đúng. Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm
rõ lại tách yêu cầu của bà Mịnh để giải quyết thành vụ án khác là chưa
giải quyết hết các yêu cầu của đương sự.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và
Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 107/DSPT ngày
27-5-1997 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí
Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST ngày 31-8-1996 của Toà án nhân
dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã xét xử vụ án về tranh chấp di sản thừa kế giữa
nguyên đơn là ông Lâm Ngọc Lắm với bị đơn là bà Lâm Thị Mịnh và những
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân
dân tỉnh Hậu Giang giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định
của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
1. Toà án cấp sơ thẩm không buộc bị đơn nộp tiền tạm
ứng án phí khi bị đơn có yêu cầu phản tố là vi phạm quy định tại khoản 1
Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;
2. Cần tiến hành định giá lại di sản thừa kế;
3. Cần xác định lại nơi cư trú hiện thời của nguyên đơn, việc tham gia tố tụng của các đương sự và yêu cầu của họ.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
1. Thiếu sót trong việc áp dụng quy định của pháp luật về nộp tiền tạm ứng án phí;
2. Thiếu sót trong việc xác định giá trị tài sản thừa kế;
3. Do thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
0 comments:
Post a Comment