Monday, October 21, 2013

HUYỆN CHỨNG DI CHÚC: SAI THẨM QUYỀN

PHAN GIA HI
Chỉ có công chứng viên và UBND cấp xã mới được quyền chứng thực di chúc. Do văn bản chứng thực không phải là một văn bản hành chính đơn thuần nên UBND huyện không được quyền tự hủy bỏ.
Giữa năm 2005, mẹ của ông M. (hơn 90 tuổi, ngụ huyện Vụ Bản, Nam Định) đã đến phòng tư pháp huyện làm di chúc để lại tài sản cho các con. Theo di chúc, bà cụ để lại toàn bộ nhà đất cho tám người con dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên kèm theo lưu ý “không được sang nhượng trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Việc trông coi nhà cửa, thu hoạch hoa màu… được giao cho một người con gái trước giờ vẫn phụng dưỡng bà cụ đảm nhận.
Lúc đó, lấy tư cách thừa ủy quyền của chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng tư pháp huyện đã đóng dấu, ký tên xác nhận vào bản di chúc trên. Vị này đã có những lời chứng như sau: Mẹ ông M. tự nguyện lập di chúc. Tại thời điểm chứng thực, bà cụ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nội dung di chúc phù hợp pháp luật, đạo đức. Người lập di chúc đã nghe ông đọc lại bản di chúc, đã đồng ý nội dung và điểm chỉ trước mặt ông… Ngoài ra, UBND huyện cũng nhận lưu giữ di chúc theo yêu cầu của bà cụ.
Di chúc có nhiều sai sót
Hai năm sau, mẹ ông M. chết. Biết tin, cán bộ phòng tư pháp huyện đã đến nhà bà cụ để công bố di chúc cho những người con biết. Ngay sau đó, một người anh của ông M. gửi đơn khiếu nại việc chứng thực di chúc của UBND huyện.
Theo người anh, di chúc có nhiều điểm sai sót như diện tích đất ghi trong di chúc không khớp với thực tế, gia đình chỉ còn bảy người con (vì có hai người đã chết) nhưng di chúc lại ghi có tám người con được thừa kế. Di chúc còn ghi sai tên của ông và của một người khác nên có khả năng người mẹ đã bị lú lẫn khi lập di chúc. Dù bà cụ không biết đọc và viết, phải nhờ người khác viết giùm nhưng di chúc lại không có ai làm chứng. Từ những lý do này, người anh đề nghị chủ tịch UBND huyện phải hủy bỏ việc chứng thực di chúc.
Ủy ban huyện bị kiện
Sau khi nhận được khiếu nại của người anh, UBND huyện đã có công văn từ chối giải quyết với lý do hết thời hiệu khiếu nại (quá 90 ngày kể từ ngày đương sự nhận được di chúc). Huyện cũng cho biết lời chứng của trưởng phòng tư pháp được ghi theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Khi lập di chúc, bà cụ còn nghe được, điểm chỉ được và làm di chúc theo dạng có chứng thực nên không cần người làm chứng… Tuy nhiên, cuối tháng 3-2009, huyện lại ra quyết định hủy bỏ việc chứng thực di chúc trên với lý do “trưởng phòng tư pháp huyện đã chứng thực không đúng thẩm quyền”.
Không đồng ý với cách xử lý này, ông M. đã khởi kiện để yêu cầu TAND huyện buộc chủ tịch UBND huyện rút quyết định hủy bỏ việc chứng thực nêu trên.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7 (TP.HCM), cho biết theo Nghị định 75 ngày 8-12-2000 (có hiệu lực đối với trường hợp nêu trong bài), chỉ có các phòng công chứng và UBND cấp xã mới có thẩm quyền chứng thực di chúc, còn UBND cấp huyện không được làm việc này. Do văn bản chứng thực không phải là một văn bản hành chính đơn thuần nên khi phát hiện đã chứng thực sai, UBND huyện không được quyền tự hủy bỏ mà phải để TAND cấp huyện hủy bỏ.
“Nếu ông M. đã khởi kiện quyết định hủy bỏ việc chứng thực di chúc của UBND huyện thì tới đây, mọi việc sẽ được thực hiện theo án tòa. Nếu tòa án xác định di chúc đã được chứng thực sai thẩm quyền và các đương sự không thể thương lượng việc phân chia thừa kế thì di sản của bà cụ sẽ được phân chia theo pháp luật” – ông Thắng nói.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code