Thursday, October 10, 2013

QUAN HỆ VỀ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC SẢN XUẤT, KINH DOANH THEO PHÁP LUẬT CỦA CỘNG HOÀ PHÁP

THS. BÙI MINH HỒNG – Khoa Luật dân sự – Đại học Luật HN (NCS tại CH Pháp)
Trong đời sống giao lưu dân sự, kinh tế, có rất nhiều chủ thể mang tư cách vợ (hoặc chồng). Việc thực hiện những quan hệ này còn phải tuân theo những quy định của Luật hôn nhân và gia đình về chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, thực tiễn lập pháp và nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề này dường như còn khá mới mẻ. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Pháp luật của Cộng hoà Pháp có nhiều quy định quan trọng mà chúng ta có thể tham khảo. Trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung giới thiệu về “Sự hợp tác của vợ và chồng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh”, mà tác giả cho rằng chúng có thể có giá trị cho sự hoàn thiện pháp luật Việt Nam phù hợp với đà phát triển của xã hội.
I. Những quy định của luật chung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp của vợ chồng
1.1. Quyền tự chủ của vợ, chồng về nghề nghiệp
Trong phần quy định về các nghĩa vụ và quyền của vợ và chồng, Bộ luật dân sự (BLDS) đã ghi nhận một quyền rất quan trọng cho mỗi bên vợ chồng: quyền tự chủ về nghề nghiệp. Điều 233 quy định: “Mỗi bên vợ chồng có quyền tự do thực hiện nghề nghiệp, thu những món lợi và tiền lương và định đoạt nó sau khi đã đóng góp trách nhiệm đối với đời sống chung”. Sự tự chủ về nghề nghiệp có ý nghĩa đảm bảo cho vợ, chồng thực hiện được trách nhiệm của mình đối với đời sống gia đình nhưng không phá vỡ trật tự của hoạt động về nghề nghiệp đã được tiến hành từ trước khi kết hôn hoặc được thiết lập trong thời kỳ hôn nhân. Hơn nữa, quy định này còn mang một giá trị là nhằm giải phóng và phát triển năng lực của cá nhân.


Trên cơ sở quyền tự chủ này, khi điều chỉnh về quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng, BLDS đã quy định về một hình thức quản lý riêng biệt, theo đó chỉ có một bên vợ hoặc chồng mới có quyền quản lý định đoạt : Vợ chồng thực hiện nghề nghiệp riêng có quyền một mình thực hiện những hành vi quản lý và định đoạt cần thiết cho nghề nghiệp đó (Điều 1421, khoản 2).
Các hoạt động về nghề nghiệp của vợ và chồng có thể diễn ra một cách đa dạng dưới nhiều hình thức: làm công hưởng lương hoặc tổ chức, quản lý một doanh nghiệp.
Phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, nhà làm luật của Pháp đã ban hành nhiều văn bản quy định về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của vợ chồng, như: Luật ngày 4 tháng 7 năm 1980 và Luật ngày 9 tháng 7 năm 1999 về sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Luật ngày 10 tháng 7 năm 1982 về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủ công nghiệp và thương mại… Những quy định này hiện nay đã được đưa vào trong các Bộ luật tương ứng: Bộ luật về nông thôn (Code rural), Bộ luật thương mại (Code du Commerce)
Trong bối cảnh có nhiều chế độ tài sản có thể điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng, quy định về quyền tự chủ về nghề nghiệp (trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh) là một trong những quy định của chế độ chung áp dụng cho mọi trường hợp. Vợ chồng có thể thoả thuận về việc quản lý doanh nghiệp, thanh toán lợi nhuận nhưng họ không thể thoả thuận để phá bỏ nội dung của Điều 233 BLDS.
1.2. Các chế độ tài sản của vợ chồng chi phối các hoạt động nghề nghiệp của vợ chồng
Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp những quy định về các quan hệ tài sản của vợ và chồng đối với nhau và đối với người thứ ba (1).
Chế độ tài sản của vợ chồng ở Pháp được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự do cam kết thoả thuận của các bên vợ chồng. Vì vậy, pháp luật đã tạo ra một sự đa dạng về các chế độ tài sản của vợ chồng, bao gồm chế độ tài sản của vợ chồng do luật định (Chế độ tài sản pháp định) và các chế độ tài sản được lập ra theo những thoả thuận của các bên vợ chồng (Các chế độ tài sản ước định). Theo đó, vợ chồng có quyền lựa chọn một chế độ tài sản phù hợp với điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế của mình. Nguyên tắc tự do thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng còn được thể hiện ngay cả khi chế độ tài sản của vợ chồng đã được xác định (pháp định hoặc ước định), họ vẫn có quyền thay đổi chế độ đó bằng một chế độ khác. Tất nhiên, sự thay đổi này phải tuân theo những điều kiện đã được dự liệu trong Bộ luật dân sự.
Do có nhiều chế độ tài sản trong hôn nhân như vậy, để xác định nội dung của quyền sở hữu của vợ chồng, chúng ta cần phải căn cứ vào chế độ tài sản đã được lựa chọn áp dụng.
1.2.1. Chế độ tài sản pháp định
Luật của Cộng hoà Pháp thực hiện chế độ tài sản pháp định với bản chất là chế độ cộng đồng tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.
Với quan điểm coi tài sản của vợ chồng là một gia tài (patrimoine), luật của Pháp đã chia tài sản của họ thành hai khối: tài sản có và tài sản nợ.
1.2.1.1. Khối tài sản cộng đồng
Tài sản chung của vợ và chồng được xác định theo một tư tưởng chủ đạo là: “tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân”. Quy định về sự suy đoán tài sản được thực hiện theo tinh thần này. Theo đó, những tài sản xuất hiện trong thời kỳ hôn nhân được suy đoán là tài sản chung nếu các bên vợ, chồng liên quan không chứng minh được đó là tài sản riêng của mình theo các quy định của pháp luật.
Phần có của cộng đồng tài sản được quy định tại điều 1401 Bộ luật dân sự (BLDS), gồm những loại tài sản sau:
a- Những tài sản mà vợ chồng (một bên hoặc cả hai bên) làm ra trong thời kỳ hôn nhân;
b- Những tài sản mà vợ, chồng có được từ công việc làm ăn của mỗi bên, như tiền lương, các khoản lợi và những tài sản có được từ tiền lương và những khoản lợi ấy;
c- Những khoản tiết kiệm trên những hoa lợi và lợi tức từ tài sản riêng của họ;
d- Những tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, được tặng cho, hoặc di tặng chung (Điều 1405)
e- Tài sản chung do kết quả của một sự thay thế vật có nguồn gốc từ tài sản chung. Những tài sản mới thay thế cho những tài sản chung nào đó, luôn mang tính chất là tài sản chung;
f- Tài sản chung do kết quả của việc sáp nhập: một tài sản riêng sáp nhập vào tài sản chung với tính chất là phần phụ của tài sản chung, tài sản sáp nhập này chuyển thanh tài sản chung. Tuy nhiên, khi thanh toán cộng đồng tài sản, chủ sở hữu của tài sản riêng đã sáp nhập vào tài sản chung có quyền đòi lại một khoản bồi hoàn.
1.2.1.2. Tài sản riêng của vợ, chồng
a- Tài sản riêng theo bản chất
BLDS Pháp, tại Điều 1404 đã liệt kê những loại tài sản riêng do bản chất của nó, bao gồm:
- Những quần áo, đồ dùng cá nhân của mỗi bên vợ chồng.
- Những công cụ lao động cần thiết cho nghề nghiệp của mỗi bên vợ chồng, trừ trường hợp đó là phần phụ của một cơ sở thương mại hoặc một cơ sở sản xuất là bộ phận của cộng đồng tài sản;
Xuất phát từ những quy định về quyền tự chủ của vợ, chồng trong các hoạt động nghề nghiệp, luật đã thừa nhận rằng trong những trường hợp vợ hoặc chồng thực hiện nghề nghiệp riêng, thì họ là chủ sở hữu riêng đối với những công cụ lao động cần thiết cho những hoạt động đó. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng cho vợ và chồng, Luật Pháp luôn nghĩ tới một sự đền bù cần thiết. Nếu những công cụ lao động này có được từ cộng đồng tài sản (mua bán, trao đổi) thì khi thanh toán tài sản, người vợ hoặc chồng là chủ sở hữu của công cụ lao động phải bồi hoàn lại cho cộng đồng tài sản theo giá trị ở thời điểm thanh toán.
- Những tài sản phát sinh từ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần của vợ hoặc chồng;
- Những quyền đòi nợ và những khoản trợ cấp không thể chuyển nhượng;
- Những tài sản khác, theo nghĩa chung nhất, có tính cách cá nhân và những quyền gắn liền với con người, bao gồm:
b- Tài sản riêng theo nguồn gốc
Đó là những tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn, hoặc có được trong thời kỳ hôn nhân do được tặng cho, được thừa kế, được di tặng riêng.
c- Tài sản riêng do tính chất của sự thay thế
Luật Pháp tồn tại một lý thuyết về sự thay thế vật. Theo lý thuyết này, mặc dù tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng do nguồn gốc, nó vẫn là tài sản riêng. Xuất phát từ một thực tế dịch chuyển các tài sản của vợ chồng do các giao dịch bán, trao đổi tài sản, trong khi tài sản có xu hướng bị thu hút về khối tài sản chung do sự suy đoán tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân, nhà làm luật đã quy định về những hình thức: “thay thế vật tự động” và “thay thế không tự động”.
Thay thế đương nhiên là trường hợp thay thế vật một cách trực tiếp, chẳng hạn trường hợp được quy định tại Điều 1407 BLDS: tài sản mới có được do đổi một tài sản riêng, tài sản mới này vẫn là tài sản riêng; nếu khi đổi tài sản, vợ chồng đã lấy tài sản chung để bù vào thì khi thanh toán tài sản, họ phải bồi hoàn lại cho tài sản chung.
Thay thế không đương nhiên là trường hợp thay thế vật gián tiếp qua một tài sản khác và được thực hiện theo một thể thức tuyên bố. Một tài sản mới có được do vợ hoặc chồng bán tài sản riêng của mình và dung nó để mua một tài sản khác. Theo quy định của Điều 1434, khi thực hiện giao dịch đối với tài sản mới này, vợ, chồng phải tuyên bố là mua cho chính họ. Nếu không thực hiện thể thức này trong lúc giao dịch, thì việc thay thế chỉ có giá trị nếu cả hai vợ chồng đồng ý và điều đó chỉ có giá trị trong quan hệ giữa vợ và chồng mà không có giá trị đối với người thứ ba.
1.2.1.3. Quyền quản lý, định đoạt tài sản
a- Quyền quản lý, định đoạt tài sản chung
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được thể hiện rất rõ trong những quy định về quản lý tài sản. Quyền quản lý tài sản (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm quyền chiếm hữu, hưởng dụng và định đoạt tài sản) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chủ sở hữu bởi thông qua đó, chủ sở hữu tiến hành khai thác những giá trị của tài sản. Xuất phát từ thực tế của đời sống gia đình và xã hội, Luật của Pháp đã phân chia quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng theo ba hình thức:
* Quyền quản lý tài sản của mỗi bên vợ và chồng (gestion concurrente)
Dưới hình thức quản lý này, mỗi bên vợ hoặc chồng có quyền một mình quản lý, và định đoạt tài sản chung với điều kiện phải chịu trách nhiệm về lỗi của mình trong việc quản lý. Giao dịch do một bên thực hiện mà không có sự gian lận, sẽ ràng buộc trách nhiệm đối với vợ (chồng) của họ (Điều 1421, khoản 1 BLDS).
* Quyền quản lý chung của vợ chồng (gestion conjointe)
Đối với những loại tài sản quan trọng hoặc trong một số giao dịch, vợ (chồng) không thể thực hiện một mình thực hiện giao dịch khi không có sự đồng ý của người kia.
Về tài sản, vợ (chồng) không thể chuyển nhượng, xác lập vật quyền đối với:
- Bất động sản;
- Các cơ sở thương mại và mọi cơ sở khai thác;
- Các cổ phần không thể chuyển nhượng;
- Các động sản hữu hình mà việc chuyển nhượng phải tuân theo thể thức công bố.
Vợ (chồng) cũng không thể thu những khoản vốn từ những hoạt động đó, nếu không có sự đồng ý của người kia (Điều 1424 BLDS).
Đối với các loại giao dịch không có tính chất đền bù:
- Vợ (chồng) không thể tặng cho người khác tài sản mà không có sự đồng ý của người kia;
- Vợ (chồng) chỉ có thể di tặng phần tài sản của mình trong khối tài sản cộng đồng.
* Quyền quản lý riêng biệt (gestion exclusive)
Đó là quyền quản lý tài sản gắn liền với nghề nghiệp của mỗi bên vợ, chồng. Chỉ người vợ (chồng) thực hiện nghề nghiệp riêng mới có quyền quản lý, định đoạt cần thiết đối với nghề nghiệp đó ( khoản 2, Điều 1421 BLDS).
b- Quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng
Nguyên tắc tự do quản lý, định đoạt tài sản riêng được thể hiện tại Điều 1428 BLDS: “Mỗi bên vợ chồng có quyền tự do quản lý, hưởng dụng và định đoạt tài sản riêng của mình”. Theo đó, vợ chồng có quyền tự mình quyết định đem tài sản riêng để góp vốn vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, định đoạt nó theo yêu cầu của việc khai thác, quản lý doanh nghiệp. Vợ chồng có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc uỷ quyền cho người khác quản lý.
Tuy nhiên, do có những nghĩa vụ đối với đời sống gia đình, trong một số trường hợp, pháp luật có những quy định hạn chế quyền tự do quản lý, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng. Chẳng hạn, để bảo vệ chỗ ở của gia đình, khoản 3 Điều 215 BLDS có quy định: vợ, chồng không thể định đoạt những quyền đảm bảo về chỗ ở của gia đình cũng như những đồ đạc trong nhà nếu không có sự đồng ý của bên kia. Quy định này áp dụng chung cho các trường hợp, không phân biệt nhà ở đó là tài sản chung hay tài sản riêng.
1.2.1.4. Phần nợ của tài sản vợ chồng
a- Xác định các khoản nợ của vợ chồng
* Phần nợ của cộng đồng tài sản (Điều 1409 BLDS):
- Những khoản tiền cấp dưỡng có tính chất cố định mà vợ chồng phải thực hiện; những khoản nợ mà họ đã vay để duy trì đời sống gia đình và giáo dục con;
- Những khoản nợ khác nảy sinh trong thời kỳ của chế độ tài sản: đó là những khoản nợ phát sinh từ những giao dịch hợp pháp của vợ và chồng hoặc của mỗi bên vợ, chồng, trong đó có những khoản nợ chung phát sinh từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Phần nợ riêng của mỗi bên vợ, chồng
Điều 1410 BLDS có quy định về những khoản nợ có tính chất cá nhân gồm: những khoản nợ mà vợ, chồng có trước khi kết hôn hoặc gắn liền với những tài sản được tặng cho riêng, được thừa kế riêng.
Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất của các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ, trong nhiều trường hợp, mà cần xác định một khoản nợ thuộc cộng đồng tài sản hay thuộc nghĩa vụ riêng của vợ, chồng. Chẳng hạn, những khoản nợ phát sinh từ những giao dịch nhằm thoả mãn nhu cầu của cá nhân vợ, chồng: mua, bán tài sản riêng; những nghĩa vụ phát sinh từ hành vi trái pháp luật…
b- Thực hiện nghĩa vụ và đóng góp thực hiện nghĩa vụ
Thực hiện nghĩa vụ thể hiện ở mối quan hệ giữa vợ, chồng với chủ nợ: chủ nợ có quyền kiện ai trên những tài sản nào, thậm chí có quyền yêu cầu kê biên những tài sản đó để đảm bảo việc thanh toán nợ.
Đóng góp thực hiện nghĩa vụ thể hiện mối quan hệ nội bộ giữa vợ và chồng: khoản nợ đó sẽ được thanh toán bằng nguồn tài sản nào, vợ chồng có trách nhiệm đóng góp để trả khoản nợ đó, nếu đó là khoản nợ của cộng đồng tài sản.
Luật của Pháp có những quy định khá cụ thể về những trường hợp thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, việc thực hiện nghĩa vụ chỉ đặt ra đối với người có nghĩa vụ; chủ nợ chỉ có quyền đối với bản thân người mắc nợ. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong những trường hợp này còn “vướng” tới chế độ tài sản của vợ chồng. Do vậy, trong chế độ tài sản của vợ chồng, Luật của Pháp có những quy định riêng điều chỉnh vấn đề này. (Xem các Điều từ 1411 đến 1418 BLDS).
Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này trong phần nghiên cứu việc thanh toán nghĩa vụ trả nợ của vợ, chồng trong các doanh nghiệp.
1.2.2. Các chế độ tài sản theo hôn ước
Khi vợ chồng lựa chọn một chế độ tài sản không phải là chế độ tài sản pháp định, họ có quyền thoả thuận những nội dung của chế độ đó theo quy định của Điều 1497 BLDS và các quy định khác trong phần các chế độ tài sản theo thoả thuận. Nếu trong những chế độ này mà vợ chồng không có những điều khoản riêng thì những nội dung của chế độ tài sản được giải quyết theo các quy định tương ứng trong chế độ tài sản pháp định.
1.2.2.1. Các chế độ cộng đồng tài sản
a- Chế độ cộng đồng toàn sản
Chế độ này xác định rằng tất cả những tài sản của vợ chồng dù có trước khi kết hôn hay trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc khối tài sản cộng đồng. Chỉ có những tài sản có tính chất là tài sản riêng theo quy định tại điều 1404 vẫn tồn tại là tài sản riêng, trừ khi vợ chồng có thoả thuận khác.
Cộng đồng tài sản phải gánh chịu tất cả những khoản nợ của vợ chồng đã có trước khi kết hôn cũng như sẽ nảy sinh trong thời kỳ hôn nhân.
b- Chế độ cộng đồng về động sản và những tài sản tạo ra trong
thời kỳ hôn nhân
Tài sản chung của vợ và chồng gồm những tài sản chung theo chế độ pháp định; những động sản mà mỗi bên vợ, chồng có được trước khi kết hôn và các động sản mà mỗi bên được tặng cho, được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp người tặng cho, người để lại di sản thừa kế có quy định khác) . Những tài sản riêng theo bản chất được quy định tại Điều 1404 vẫn thuộc tài sản riêng của mỗi người.
Phần nợ của cộng đồng tài sản bao gồm những khoản nợ theo quy định của chế độ tài sản pháp định, những khoản nợ mà mỗi người có trước khi kết hôn và những khoản nợ gắn liền với việc được thừa kế, được tặng cho tài sản.
Trong chế độ này, vợ chồng có thể thoả thuận về vấn đề cùng quản lý đối với tất cả những tài sản chung; về trích khấu tài sản, về quyền lợi của mỗi bên…theo quy định trong BLDS.
1.2.2.2. Các chế độ phân tách tài sản
Trong thực tế, đây là những chế độ tài sản được nhiều khi cặp vợ chồng quan tâm họ có những hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi vì đó là một cơ chế rõ ràng về tài sản và về trách nhiệm đối với vợ và chồng.
a- Chế độ tách riêng tài sản
Trong chế độ này, vợ chồng không có tài sản cộng đồng. Mỗi bên giữ quyền quản lý, hưởng dụng và định đoạt đối với khối tài sản thuộc về mình.
Mỗi bên vợ, chồng chịu trách nhiệm về những khoản nợ riêng và có nghĩa vụ đóng góp vào nhu cầu chung của gia đình. Việc thực hiện theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
b- Chế độ đóng góp những tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân
Đây được coi là một chế độ tài sản hỗn hợp: tách riêng tài sản trong thời kỳ hôn nhân và cộng đồng tài sản khi chấm dứt hôn nhân.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng thực hiện chế độ tách riêng tài sản, mỗi bên giữ một phần tài sản riêng và quyền quản lý, hưởng dụng và định đoạt. Vợ, chồng có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ riêng bằng tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, khi chấm dứt hôn nhân, mỗi bên được hưởng một nửa những tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mà hiện còn.
II. Sự hợp tác của vợ và chồng trong các doanh nghiệp gia đình (Entreprises familiales) (2)
Trong Luật của Pháp có một số văn bản quy định về hoạt động của những doanh nghiệp do vợ và chồng thành lập và tổ chức quản lý. Những quy định này nhằm bổ khuyết cho hệ thống các quy định của Luật thương mại, Luật công ty về một hình thức theo mô hình gia đình. Thực tế, đây là sự cần thiết của công tác lập pháp, bởi vì khác với những chủ thể kinh doanh khác, quan hệ giữa vợ và chồng phản ánh những tính chất riêng và các quan hệ về tài sản của họ đang bị điều chỉnh bởi các chế độ tài sản theo quy định của Luật về gia đình.
2.1. Hợp tác giữa vợ và chồng trong việc quản lý doanh nghiệp
2.1.1. Quyền quản lý của vợ chồng trong các doanh nghiệp tư nhân
Trong một doanh nghiệp tư nhân của vợ chồng, một bên vợ hoặc chồng thực hiện các hoạt động nghề nghiệp với tư cách là chủ doanh nghiệp còn bên kia tham dự một cách ngang bằng hoặc thứ yếu. Hai vợ chồng có tư cách là người cùng khai thác nếu họ đã thực hiện những hoạt động liên quan với tính chất là những hoạt động chính của viêc khai thác. Trong trường hợp sự cùng hợp tác khai thác là không ngang nhau, người vợ, chồng ở vị trí thứ yếu sẽ đóng vai trò làm đại lý hoặc người hưởng lương của người kia (chủ doanh nghiệp).
2.1.1.1. Quy chế của vợ (chồng) của người chủ doanh nghiệp
Vợ (chồng) của chủ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, tuỳ theo mức độ của sự tham gia đó, với những quy chế khác nhau. Luật ngày 4/7/1980 về hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy định về sự khai thác chung của vợ và chồng. Theo quy định của Luật ngày 10/7/1982, vợ (chồng) của chủ doanh nghiệp về thủ công hoặc thương mại có thể tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp với tư cách là người hợp tác, cổ đông hoặc người làm công. Về tư cách cổ đông của vợ (chồng), chúng tôi sẽ đề cập trong phần sau (hoạt động của vợ và chồng trong các công ty).
a- Quy chế của người vợ (chồng) “hợp tác và cùng khai thác”
* Điều kiện để hưởng quy chế “hợp tác và cùng khai thác”
Thứ nhất, cần phải khẳng định chỉ những vợ chồng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công và thương mại mới mang quy chế này. Đối với những người vợ chồng hợp tác trong các nghề tự do, họ không có quy chế dân sự. Điều 46 Luật ngày 17/01/2002 về hiện đại hoá doanh nghiệp có dự liệu rằng: vợ (chồng) hợp tác trong một nghề tự do có thể nhận từ chủ doanh nghiệp những uỷ quyền rõ ràng và trong giới hạn xác định để thực hiện những hành vi về quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc xác định điều kiện để hưởng quy chế này tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ những vợ và chồng thực tế “cùng khai thác và cho chính họ ở cùng một cơ sở nông nghiệp” (Điều L.321-1, khoản 1 Bộ luật về nông thôn) mới có thể được hưởng quy chế cùng khai thác. Đối với những hoạt động trong lĩnh vực thủ công và thương mại, đó phải là những hoạt động được đăng ký trong khuôn khổ của một doanh nghiệp gia đình theo quy định của Luật ngày 10/7/1982. Ngay tại Điều 1 của Luật này khi quy định về các tư cách của vợ (chồng) tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp có quy định rằng: người vợ (chồng) hợp tác được nêu tên trong sổ đăng ký thương mại và công ty, trong danh sách những nghề nghiệp hoặc trong sổ đăng ký các doanh nghiệp được lưu giữ bởi Trung tâm quản lý nghề nghiệp Alsace và Moselle.
* Đối tượng của quy chế về “hợp tác và cùng khai thác” của vợ (chồng) của chủ doanh nghiệp
Quy chế về hợp tác và cùng khai thác trao cho người vợ (chồng) quyền đại diện liên quan đến những hành vi quản lý theo yêu cầu của việc khai thác hoặc của doanh nghiệp. Ngoài những trường hợp thực hiện quyền đại diện do uỷ quyền theo quy định chung (thoả thuận rõ ràng về sự uỷ quyền cho vợ hoặc chồng), người vợ (chồng) có tư cách hợp tác và cùng khai thác trong doanh nghiệp được hưởng một sự suy đoán về uỷ quyền theo các quy định của pháp luật.
Luật pháp không có một sự giải thích cụ thể thế nào là “những hành vi quản lý theo yêu cầu của việc khai thác hoặc của doanh nghiệp”. Trong bối cảnh đó, sự giải thích trong các học thuyết đã được nhiều người chấp nhận, đó là “những hành vi (giao dịch) mà người hợp tác hoặc cùng khai thác thực hiện một cách khách quan là cần thiết, ít nhất là có ích cho việc tiến hành các hoạt động của doanh nghiệp, mà không kéo theo những cam kết vượt quá khả năng của doanh nghiệp”(3).
b- Quy chế của người vợ (chồng) làm công
Như trình bày ở phần đầu, trong trường hợp vợ và chồng cùng tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ở những vị trí khác nhau, một bên là chủ doanh nghiệp, bên kia là người làm công hưởng lương.
Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài, luật pháp cũng như các học thuyết và án lệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không xác định được tính chất của mối quan hệ này. Một câu hỏi lớn đặt ra là: liệu giữa vợ và chồng có thể tồn tại một hợp đồng lao động không? Nguồn gốc của sự khó khăn là do tính chất khác nhau của hai mối quan hệ. Quan hệ giữa vợ và chồng đòi hỏi một nghĩa vụ trợ giúp của các bên – nghĩa vụ không phải thanh toán, trong khi đó quan hệ lao động phản ánh yếu tố phụ thuộc – giữa người chủ và người làm thuê. Đó chính là khó khăn khi muốn dung hoà giữa quy chế hôn nhân và quy chế nghề nghiệp.
Cuối cùng, luật về xã hội và về thuế và đặc biệt là vai trò của Luật ngày 10 tháng 7 năm 1982 điều chỉnh đối với những vợ chồng hoạt động trong các lĩnh vực thủ công và thương mại cũng đã xác định được quy chế của người vợ, (chồng) làm việc cho chồng (vợ) của mình – với tư cách là người khai thác, quản lý doanh nghiệp. Đó là quy chế của người làm công (conjoint salarié). Điều L.243 của Luật năm 1982 này (trở thành Điều L.311-6 của Bộ luật về an sinh xã hội quy định về người vợ (chồng) làm công (conjoint salarié) như sau : tham gia thực sự vào doanh nghiệp hoặc vào hoạt động của chồng (vợ) mình với tính cách nghề nghiệp và thường xuyên và nhận lương phù hợp với lương thông thường của loại công việc đó.
2.1.1.2. Sự đại diện của vợ, chồng trong việc quản lý doanh nghiệp
a- Thực hiện quyền đại diện của vợ, chồng
Quyền đại diện của vợ chồng đã được quy định trong phần các nghĩa vụ và quyền của vợ và chồng, trong các quy định về quản lý tài sản (chung và riêng) của BLDS. Việc đại diện của vợ hoặc chồng trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng như thực hiện những giao dịch mà pháp luật quy định phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng dựa trên cơ sở thoả thuận của vợ và chồng (một cách rõ ràng) hay một sự cho phép ngầm định (biết người kia quản lý nhưng không phản đối).
Trong những trường hợp vợ chồng cùng khai thác, quản lý, Luật còn thừa nhận một sự suy đoán về uỷ quyền của vợ chồng cho nhau. Sự suy đoán này tạo thành một hình thức đại diện khác: đại diện theo pháp luật. Đó là kết quả của việc lập pháp về các doanh nghiệp gia đình trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công, thương mại. Điều L.321-1, khoản 2 Bộ luật về nông thôn (Code rural) có quy định: khi các bên vợ chồng cùng khai thác một cơ sở nông nghiệp, họ được suy đoán là đã trao cho nhau sự uỷ quyền để tiến hành những hành vi quản lý liên quan đến yêu cầu của việc khai thác. Trong lĩnh vực thủ công và thương mại, theo quy định của Bộ luật thương mại, người vợ (chồng) hợp tác được coi như đã nhận được từ chủ doanh nghiệp một sự uỷ quyền nhân danh mình để tiến hành những công việc quản lý liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp (Điều L.121-6 khoản 1).
Khoản 2 Điều 1421 BLDS có quy định: Người vợ (chồng) thực hiện nghề nghiệp riêng có quyền một mình tiến hành những hành vi quản lý, định đoạt cần thiết cho nghề nghiệp của mình. Đây là quyền riêng biệt của người vợ hoặc chồng khai thác trong lĩnh vực nghề nghiệp. Tuy nhiên, vợ (chồng) nhận được sự uỷ quyền của người kia dưới các hình thức khác nhau sẽ thực hiện các hành vi quản lý, định đoạt cần thiết theo nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách của nguời đại diện. Trong những trường hợp này, chúng ta thấy rằng, những hành vi quản lý của vợ và chồng về tài sản hay hoạt động của doanh nghiệp chuyển từ hình thức quản lý riêng biệt (gestion exclusive) sang hình thức quản lý của mỗi bên vợ, chồng (gestion concurrente).
b- Rút quyền đại diện của vợ chồng
Trong trường hợp quyền đại diện phát sinh do sự thoả thuận của vợ chồng, việc rút quyền đại diện được thực hiện theo quy định của Điều 218 BLDS. Theo quy định này, người vợ, chồng đã uỷ quyền có thể tự do huỷ bỏ uỷ quyền trong mọi trường hợp.
Nếu quyền đại diện phát sinh do sự uỷ quyền ngầm định, thì việc huỷ bỏ uỷ quyền đó phải thực hiện thông qua sự phản đối của người vợ, chồng là chủ sở hữu (Theo quy định của các Điều 1432 và 1540 BLDS).
Đối với trường hợp quyền đại diện phát sinh do sự suy đoán về uỷ quyền theo các quy định pháp luật. Theo quy định tại Bộ luật về nông thôn (Điều L.321-1) và Bộ luật thương mại (Điều L.121-6), để chấm dứt quyền đại diện, chủ doanh nghiệp phải tuyên bố huỷ bỏ sự uỷ quyền trước công chứng viên và người vợ (chồng) của mình.
2.1.2. Hợp tác của vợ chồng trong việc quản lý các công ty
Luật pháp hiện hành không có những quy định riêng về loại hình công ty của vợ chồng. Trên cơ sở các loại hình công ty luật định, vợ chồng có thể lựa chọn một mô hình phù hợp. Điều 1832-1 BLDS đã dự liệu về một trường hợp trong đó vợ và chồng sử dụng tài sản cộng đồng để tạo ra một công ty và họ trở thành thành viên của công ty đó : Nếu chỉ dùng tài sản cộng đồng để góp vốn vào công ty hoặc mua cổ phần thì chỉ hai vợ chồng hoặc với những nguời khác có thể là thành viên trong cùng một công ty và cùng tham gia hoặc không vào việc quản lý công ty. Trong những trường hợp đó, pháp luật quy định về tư cách thành viên công ty của vợ và chồng cũng như những thể thức thực hiện các hoạt động trong công ty. Bên cạnh đó, do còn « đóng vai » chủ thể của quan hệ hôn nhân nên vợ chồng còn phải tuân theo những quy định của chế độ tài sản áp dụng đối với mình.
2.1.2.1. Góp vốn vào công ty hoặc mua cổ phần của công ty
a- Thể thức dùng tài sản chung để góp vốn hoặc mua phần quyền sở hữu của công ty
Theo các quy định chung về cùng quản lý tài sản chung của vợ chồng trong các chế độ cộng đồng tài sản, nếu một bên định đoạt tài sản phải có sự đồng ý của bên kia. Tuy nhiên, để dễ dàng cho vợ (chồng) thực hiện nguyên tắc tự chủ về nghề nghiệp, trong một số trường hợp cụ thể, luật công ty đã sử dụng một giải pháp linh hoạt hơn là đòi hỏi một sự ưng thuận của chồng (vợ) của họ.
Khoản 1 Điều 1832-2 BLDS quy định : Vợ hoặc chồng không thể sử dụng tài sản chung để góp vốn vào công ty hoặc mua những cổ phần không thể chuyển nhượng của công ty mà không thông báo cho chồng hoặc vợ mình biết và không thể hiện rõ điều đó trong giao dịch, nếu không thực hiện quy định này, họ sẽ phải chịu chế tài theo quy định của Điều 1427.
Như vậy, trong trường hợp một bên vợ (chồng) dùng tài sản chung để góp vốn vào công ty hoặc mua lại những cổ phần không thể chuyển nhượng của công ty, họ chỉ có trách nhiệm thông báo cho chồng (vợ) mình biết và minh thị rõ trong văn bản giao dịch về nguồn gốc của phần vốn góp và cổ phần mua lại trong công ty. Nghĩa vụ thông báo được quy định ở khoản 1 Điều 1832-2 này, thực chất, có mục đích đặt người vợ (chồng) được thông báo vào một giải pháp thực hiện quyền đòi hỏi về tư cách thành viên công ty cho mình (nếu họ muốn), theo quy định của khoản 3 Điều này. Theo tinh thần của điều luật này, nếu vợ (chồng) không đồng ý với hành vi của người kia thì điều đó chỉ có ý nghĩa đối với việc họ không mang tư cách thành viên của công ty mà không có ý nghĩa trong việc yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.
b- Tư cách thành viên công ty của vợ chồng
Theo quy định của khoản 2 Điều 1832-2 BLDS, tư cách thành viên được thừa nhận đối với người vợ (chồng) góp vốn hoặc mua phần quyền sở hữu của công ty. Nếu hai bên vợ và chồng có thể thoả thuận rằng chỉ một trong hai người là thành viên của công ty thì họ cũng có thể mong muốn cả hai trở thành thành viên công ty bằng cách mỗi người lấy một phần của cộng đồng tài sản để đóng góp vào công ty. Thực tế, các phần vốn góp của mỗi bên có thể khác nhau. Về nguyên tắc, mỗi bên có phần quyền của thành viên công ty tương ứng với phần vốn góp của họ.
Tư cách thành viên công ty của cả hai vợ chồng cũng được thừa nhận đối với trường hợp một bên dùng tài sản chung góp vốn vào công ty hoặc mua những phần quyền sở hữu không thể chuyển nhượng được mà đã thực hiện theo những thể thức được quy định tại khoản 1 Điều 1832-2 BLDS và bên kia đã thông báo cho công ty về mong muốn là thành viên, theo quy định của khoản 3 Điều này. Trong trường hợp này, mỗi bên có tư cách thành viên đối với một nửa số vốn đóng góp hoặc phần sở hữu đã mua. Tuy nhiên, nếu vợ (chồng) của người đă đóng góp hoặc đã mua phần quyền sở hữu đó không muốn trở thành thành viên công ty thì chỉ người đã đóng góp, đã mua phần quyền sở hữu là thành viên của công ty.
2.1.2.2. Ảnh hưởng của quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng đối với việc định đoạt các quyền trong công ty
Quy định về quản lý tài sản chung của vợ chồng tại Điều 1424 BLDS đòi hỏi sự đồng ý của hai vợ chồng khi định đoạt một số loại tài sản chung, trong đó có xác định : các bên vợ chồng không thể chuyển nhượng, xác lập vật quyền đối với những quyền của công ty không thể chuyển nhượng được. Điều đó cho phép chúng ta hình dung ngay về một yêu cầu huỷ bỏ giao dịch liên quan đến những quyền của công ty không thể chuyển nhượng được do một bên vợ (chồng) thực hiện mà không có sự đồng ý của bên kia.
Theo Điều 1427 BLDS, nếu vợ hoặc chồng đã vượt quá quyền hạn của mình đối với tài sản chung thì người kia có thể yêu cầu huỷ những giao dịch đó, trừ khi họ đã xác nhận văn bản ký kết. Thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 2 năm kể từ ngày biết có văn bản và không quá 2 năm kể từ khi giải thể cộng đồng tài sản.
Trong thực tế, án lệ đã đưa ra những giải thích thú vị về việc áp dụng Điều 1427.
Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện yêu cầu huỷ giao dịch có thể vượt quá 2 năm kể từ ngày biết văn bản. Trong Quyết định ngày 15 tháng 7 năm 1993 (4), Toà phá án đã chấp nhận cách thức giải quyết của các Thẩm phán, trong một vụ việc, khi họ cho rằng thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ ngày giao dịch được hoàn tất. Đó là trường hợp người chồng một mình chuyển nhượng phần quyền sở hữu của công ty (sở hữu chung) trong một điều kiện là bên mua được hoãn trả tiền. Các Thẩm phán đă cho rằng thời hạn để người vợ khởi kiện huỷ giao dịch bắt đầu từ ngày việc bán phần quyền sở hữu đó được hoàn thành, do việc thực hiện điều kiện hoãn trả tiền. Như vậy, việc kiện yêu cầu huỷ bỏ giao dịch có thể vượt quá 2 năm, kể từ ngày biết giao dịch đã được ký kết.
Thứ hai, trái lại, trong Quyết định ngày 12 tháng 7 năm 1994 (5), Toà phá án đã tán thành với các Thẩm phán khi họ tuyên bố không áp dụng chế tài được quy định tại Điều 1427. Vụ việc liên quan đến một người chồng là bác sĩ đã tự mình bán phần quyền sở hữu không thể chuyển nhượng được của công ty (thuộc cộng đồng tài sản). Trong quá trình giải quyết, người này đã xuất trình một hối phiếu nhân danh hai vợ chồng và có chữ ký của người vợ về việc thu tiền. Các Thẩm phán đã cho rằng sự hiện diện của hối phiếu này chứng tỏ người vợ đã biết trước việc chuyển nhượng, biết được việc thu tiền đó có ý nghĩa chấm dứt quyền sở hữu của họ đối với những phần quyền trong công ty. Đó là một sự chấp nhận mặc nhiên của người vợ, và vì vậy, yêu cầu huỷ giao dịch chuyển nhượng do người chồng thực hiện đã bị các Thẩm phán bác bỏ.
2.2. Hưởng lợi nhuận và chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp
2.2.1. Hưởng lợi nhuận của việc khai thác
Khác với vấn đề tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp của vợ chồng, vấn đề lợi nhuận của các doanh nghiệp này không nhận được sự quan tâm riêng của nhà làm luật. Thực tế, để giải quyết vấn đề này, cần phải dựa vào những quy định của luật gia đình về các chế độ tài sản của vợ chồng.
Trong khung cảnh của các doanh nghiệp gia đình (doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty), việc xem xét giải quyết lợi nhuận đối với vợ chồng phụ thuộc nhiều ở việc xác định đó là tài sản riêng hay là bộ phận của tài sản cộng đồng. Nếu vợ chồng sống trong những chế độ tài sản thoả thuận, việc xác định tính chất của lợi nhuận, phân chia lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào những thoả thuận của họ. Trong trường hợp chế độ tài sản pháp định được áp dụng, lợi nhuận có được từ hoạt động của doanh nghiệp bao gồm lợi tức, các khoản lợi có được…và tiền lương (của người vợ (chồng) hưởng lương) đều thuộc về tài sản cộng đồng. Kể cả trường hợp thực hiện nguyên tắc quyền tự chủ về nghề nghiệp theo quy định của Điều 223 BLDS (được tự do thu và định đoạt các món lợi và tiền lương sau khi đã thanh toán trách nhiệm đối với gia đình), lương và những khoản lợi còn lại vẫn là bộ phận của tài sản cộng đồng. Điều này dễ dàng được chấp nhận bởi nó được tạo ra từ tài sản chung của vợ chồng hoặc từ lao động của vợ hoặc chồng trong thời kỳ của chế độ tài sản. Những lợi ích này nếu tiếp tục được dùng để đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp, nó vẫn không mất đi tính chất của tài sản chung. Tương tự, nếu như vốn của doanh nghiệp là tài sản riêng của vợ, chồng thì những lợi nhuận sinh ra, tất cả đều thuộc tài sản cộng đồng, với tính cách là lợi tức sinh ra từ tài sản riêng theo quy định của Điều 1401 BLDS.
2.2.2. Thực hiện những nghĩa vụ của doanh nghiệp
2.2.2.1. Trong trường hợp vợ và chồng có vai trò hợp tác ngang nhau
Trong những doanh nghiệp mà vợ và chồng đều có quyền quản lý và tiến hành những hành vi cần thiết theo yêu cầu của việc khai thác, (như chúng ta đã nói đến tư cách của người hợp tác, cùng khai thác của họ) thì vợ và chồng phải cùng nhau chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp.
a- Trong các doanh nghiệp tư nhân
* Quyền của chủ nợ phụ thuộc vào sự thừa nhận tư cách “cùng khai thác, hợp tác” của vợ chồng
Để xác định trách nhiệm của vợ, chồng, luật pháp đòi hỏi một sự xác định về tư cách của vợ, chồng tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Việc xác định tư cách “hợp tác” của vợ (chồng) trong các doanh nghiệp hoạt động về thủ công hoặc thương mại phải dựa vào sổ đăng ký thương mại và công ty, trong danh sách những nghề nghiệp hoặc trong sổ đăng ký các doanh nghiệp được lưu giữ bởi Trung tâm quản lý nghề nghiệp Alsace và Moselle. Việc xác định tư cách “cùng khai thác” của người vợ (chồng) trong doanh nghiệp về nông nghiệp thì phải căn cứ vào thực tế hoạt động của họ: “cùng khai thác và cho chính họ ở cùng một cơ sở nông nghiệp” (Điều L.321-1, khoản 1 Bộ luật về nông thôn).
* Quyền của chủ nợ đối với người vợ, chồng hợp tác, cùng khai thác
- Trong trường hợp hoạt động khai thác không hiệu quả
Khi một doanh nghiệp lâm vào tình trạng không thể thanh toán được những khoản nợ bằng phần tài sản có, thì một thủ tục thanh toán pháp lý sẽ được tiến hành đối với nó. Thủ tục này sẽ chống lại hai vợ chồng với tư cách là những người cùng quản lý doanh nghiệp, mỗi người chịu sự điều chỉnh bởi một thủ tục theo quy định của luật chung áp dụng đối với các con nợ trong tình trạng ngừng việc trả nợ. Qua việc đánh giá khả năng tài chính của từng bên vợ, chồng, Thẩm phán quyết định một bên – người có thể thanh toán được nghĩa vụ bằng tài sản hiện có của mình, phải trả nợ chung.
Khi thanh toán cộng đồng tài sản, người vợ (chồng) đã dùng tài sản riêng của mình để trả nợ chung có quyền yêu cầu tài sản cộng đồng bồi hoàn lại cho mình theo những quy định của chế độ tài sản.
- Trong trường hợp việc khai thác có lãi
Đối với trường hợp hoạt động về thương mại, việc cùng khai thác của hai vợ chồng là cơ sở xác định nghĩa vụ liên đới về việc trả nợ. Trong một vụ việc thực tế, hai vợ chồng kết hôn dưới chế độ tách riêng tài sản cùng hợp tác vào hoạt động khai thác cơ sở thương mại, Toà thương mại của Toà phá án, tại quyết định đưa ra ngày 19/5/1982 đã cho rằng người vợ phải liên đới cùng với chồng trả khoản nợ trong tài khoản được người chồng mở tại một cơ sở tín dụng. Toà đã chỉ ra rằng người vợ đã cùng khai thác sản nghiệp một cách “thường xuyên và không phụ thuộc vào người chồng”, trong khi khoản nợ đang tranh chấp đã được ký kết vì nhu cầu của hoạt động thương mại. Sự tham gia quản lý doanh nghiệp một cách ngang bằng, tương ứng với sự ngang bằng về trách nhiệm đối với những khoản nợ của doanh nghiệp. Hơn nữa, do đây là một hoạt động thương mại nên sự suy đoán về nghĩa vụ liên đới gắn liền với tư cách thương gia của cả hai bên vợ và chồng. Thực tế, chủ nợ của cơ sở khai thác có quyền khởi kiện một trong hai bên vợ chồng về toàn bộ số nợ. Vợ và chồng phải đảm bảo việc thanh toán nợ bằng tất cả tài sản của họ, bất kể họ kết hôn dưới chế độ tài sản nào.
b- Trong các công ty
* Quyền của chủ nợ đối với các công ty có tư cách pháp nhân
- Đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn
Trách nhiệm của vợ chồng là thành viên của công ty chỉ giới hạn trong phần vốn góp. Vợ chồng là người điều hành quản lý công ty (có thể chí gồm hai vợ chồng). Do đó, vợ và chồng phải cùng chịu trách nhiệm về phần nợ của công ty. Chủ nợ có quyền kiện vợ hoặc chồng và quyền đó bị giới hạn trên những tài sản đã đưa vào hoạt động trong công ty.
- Đối với các công ty trách nhiệm vô hạn
Ở Pháp tồn tại một số loại hình công ty mà các thành viên phải chịu trách nhiệm vô hạn. Trong các công ty này, vợ chồng phải chịu trách nhiệm vô hạn về phần nợ của công ty. Trách nhiệm đó có thể là liên đới hoặc không. Trong trường hợp vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới (công ty hợp danh), chủ nợ có quyền yêu cầu vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ trên tất cả tài sản của họ. Nếu không có trách nhiệm liên đới (công ty dân sự), mỗi bên vợ chồng phải chịu trách nhiệm về phần nợ của công ty theo tỷ lệ phần quyền sở hữu của họ trong công ty, và cam kết thực hiện bằng những tài sản khác của họ.
* Quyền của chủ nợ đối với các công ty không có tư cách pháp nhân
Luật của Pháp có quy định về một hình thức công ty mà khi thành lập, các thành viên có thể thoả thuận là không cần đăng ký, được gọi là “Công ty dự phần”. Công ty dự phần không có tư cách pháp nhân. Vợ chồng có thể là thành viên của công ty này.
Về nguyên tắc, mỗi thành viên giao kết nhân danh cá nhân mình và chịu trách nhiệm cá nhân đối với người thứ ba. Chủ nợ có quyền kiện cá nhân mỗi bên vợ hoặc chồng về những nghiã vụ phát sinh từ giao dịch đã thực hiện đối với mình. Vợ, chồng phải cam kết cho những nghĩa vụ của mình bằng phần vốn góp vào công ty và những tài sản khác của họ.
Tuy nhiên, “nếu những người tham gia hành động với tư cách là thành viên công ty mà người thứ ba biết rõ về điều này thì mỗi người trong số họ phải chịu trách nhiệm đối với người thứ ba về những nghĩa vụ phát sinh từ những giao dịch do những người khác thực hiện với tư cách này, nếu trong công ty thương mại thì nghĩa vụ đó là nghĩa vụ liên đới, trong những trường hợp khác nghĩa vụ đó không liên đới” (Khoản 2 Điều 1872-1 BLDS). Như vậy, trách nhiệm vô hạn của các bên vợ chồng có thể là liên đới hay không phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của công ty.
2.2.2.2. Trong trường hợp sự hợp tác của vợ và chồng không ngang nhau
Sự hợp tác không ngang nhau của vợ và chồng thể hiện ở tư cách, vai trò của họ trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp: một bên là người khai thác; bên kia là người làm công hưởng lương, là đại lý hoặc là thành viên công ty nhưng không quản lý. Tuy nhiên, sự khác nhau về vai trò quản lý đó không thể phá bỏ được mối liên hệ về hôn nhân của họ mà trong đó các bên đều được hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp, và vì thế, không thể, một mặt, loại trừ trách nhiệm của người vợ (chồng) tham gia vào doanh nghiệp chỉ có tính chất bổ trợ, mặt khác, bắt người quản lý doanh nghiệp phải gánh chịu tất cả nghĩa vụ của doanh nghiệp. Song, vấn đề là cũng cần phải có một cơ chế giải quyết phần nợ của doanh nghiệp một cách hợp lý, trên cơ sở mối quan hệ giữa quyền quản lý doanh nghiệp và trách nhiệm trực tiếp của người quản lý.
Nếu vợ chồng kết hôn dưới các chế độ tài sản riêng rẽ thì chỉ người vợ (chồng) khai thác phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng tài sản riêng của họ, trách nhiệm đó không ràng buộc đối với người chồng (vợ) là đại lý hoặc hưởng lương (Điều 1536 khoản 2 và Điều 1569 khoản 1 BLDS).
Nếu vợ chồng có chế độ cộng đồng tài sản (pháp định hay ước định), người vợ (chồng) khai thác phải cam kết trách nhiệm đối với chủ nợ bằng tài sản cộng đồng và tài sản riêng của mình, theo quy định của khoản 1 Điều 1418 BLDS. Do xác định đây là phần nợ chung của cộng đồng tài sản, nên vợ chồng sẽ dùng tài sản chung để thanh toán nghĩa vụ.
Trong trường hợp người vợ (chồng) của người khai thác chỉ hành động nhân danh chồng (vợ) mình trong khuôn khổ một sự đại diện theo pháp luật, theo thoả thuận hoặc theo quyết định tư pháp thì chỉ người chồng khai thác – chủ nhân của quyền quản lý doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước chủ nợ về những hậu quả mà người đại diện đã gây ra. Việc thực hiện nghĩa vụ và đóng góp thực hiện nghĩa vụ được giải quyết giống như những trường hợp nêu trên, tức là tuỳ thuộc vào chế độ tài sản của vợ chồng.
b- Trong các công ty có tư cách pháp nhân
Trong khuôn khổ của một công ty chỉ có hai vợ chồng, một người mặc dù có tư cách thành viên nhưng không thể vì thế mà tham gia vào việc lãnh đạo công ty bên cạnh chồng (vợ) của mình. Bên cạnh đó còn có những công ty đối vốn đơn giản mà vợ (chồng) là người hùn vốn và quản lý duy nhất.
Người vợ (chồng) là thành viên chỉ phải đóng góp vào những tổn thất của công ty trong phạm vi vốn góp của mình mà không thể bị khởi kiện do những nghĩa vụ của công ty. Người vợ (chồng) quản lý công ty công ty trách nhiệm hữu hạn của vợ chồng không những phải chịu trách nhiệm đối với phần nợ của công ty bằng phần vốn góp của mình, mà còn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý công ty. Người vợ (chồng) hùn vốn và quản lý công ty đối vốn phải đáp ứng một cách vô hạn về phần nợ của công ty, với một sự bảo lưu duy nhất là đòi hỏi chủ nợ của công ty cần ưu tiên quyền đòi nợ trước hết đối với phần có của công ty (Điều L.624-1 Bộ luật thương mại).
Tài liệu tham khảo:
1. (1): xem Giáo trình Luật dân sự-Những chế độ tài sản của vợ chồng của François Térré – Giáo sư trường Đại học tổng hợp Panthéon-Assas (Paris II) và Philippe Simler – Giáo sư trường Đại học tổng hợp Robert-Schuman (Strasbourg III), xuất bản lần thứ tư, 2005, Dalloz.
2. (2): Xem Doanh nghiệp gia đình (Tuyển chọn luận án tiến sĩ) của Anne KARM (Giáo sư về luật tư của khoa Luật, trường Đại học tổng hợp Rennes 1), Nhà xuất bản Defrénois, 2004
3. (3): Doanh nghiệp gia đình (đã dẫn), trang 48-49
4. (4): Tạp chí luật dân sự, I, số 255, án lệ, 1994, Philippe SIMLER
5. (5): Tạp chí luật dân sự, I, số 246, D.1995, François LUCET
6. Xem Giáo trình Luật dân sự-Gia đình của Gérard Cornu – Giáo sư trường Đại học tổng hợp Panthéon-Assas (Paris II), trang 65, in lần thứ chín, 2006, Montchrestien.
7. Bộ luật dân sự, Bộ luật thương mại, Bộ luật về giao thông, Bộ luật lao động, Bộ luật về an sinh xã hội
8. Luật ngày 4/7/1980 về hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Luật ngày 10/7/1982 về các doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực thủ công và thương mại…
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI. NĂM 2007 – 2008. CHỦ BIÊN: TS. NGUYỄN PHƯƠNG LAN (TÊN ĐỀ TÀI CHƯA XÁC ĐỊNH)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code