Wednesday, October 9, 2013

HÔN NHÂN CÙNG GIỚI: XU HƯỚNG THẾ GIỚI, TÁC ĐỘNG XÃ HỘI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM


Tài liệu này được tổng hợp từ các nghiên cứu khác nhau do Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện với sự đóng góp của nhiều tác giả. Báo cáo được trình bày bởi TS. LÊ QUANG BÌNH, Viện trưởng iSEE
1. HÔN NHÂN CÙNG GIỚI TRÊN THẾ GIỚI
1.1 Các hình thức kết đôi trên thế giới
Đối với nhiều người thì thường chỉ tồn tại hai khái niệm: hôn nhân và không phải hôn nhân. Trên thực tế, pháp luật thế giới tồn tại rất nhiều các chế định khác nhau, thấp hơn hoặc tương tự như hôn nhân. Những chế định này có các tên gọi như quan hệ gia đình (domestic partnership), kết đôi có đăng ký (registered partnership), kết hợp dân sự (civil union) hay các tên gọi khác tùy vào từng quốc gia. Nhìn chung, sự công nhận pháp lý mối quan hệ giữa hai người cùng giới có thể được phân vào ba nhóm chính:
- Hôn nhân là hình thức kết đôi có đăng ký với nhà nước, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn với đầy đủ tất cả những quyền, nghĩa vụ và sự công nhận pháp lý như những cặp khác giới.
- Kết đôi có đăng ký là hình thức kết đôi có đăng ký với nhà nước, được cấp giấy chứng nhận “có quan hệ gia đình,” “kết đôi có đăng ký” hoặc các tên gọi tương tự. Chế định này quy định cho những cặp cùng giới một tình trạng, quyền, nghĩa vụ và sự công nhận pháp lý tương đương (có thể có một vài ngoại lệ). Chế định này thường dành riêng cho những cặp cùng giới; nhưng một vài quốc gia cũng cho phép những cặp khác giới đăng ký theo hình thức này.
- Sống chung không đăng ký là hình thức kết đôi tự nguyện giữa hai người, không đăng ký với nhà nước. Chế định này áp dụng cho cả cặp cùng giới và khác giới, tự động phát sinh khi hai người đã chung sống thực tế với nhau một thời gian theo luật định. Hai người chung sống không đăng ký có một số quyền lợi và nghĩa vụ hạn chế liên quan tới tài sản, nhân thân.
1.2 Có bao nhiêu nước công nhận các hình thức kết đôi giữa hai người cùng giới?
Tính đến ngày 15/6/2012 đã có 11 nước hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Nếu tính những vùng lãnh thổ ở những quốc gia có hình thức cấu trúc nhà nước liên bang (Hoa Kỳ, Mê-hi-cô, Úc…) thì số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới hiện tại là 21.
Bên cạnh đó, có 21 quốc gia và 19 vùng lãnh thổ thừa nhận hình thức “kết đôi có đăng ký” cho các cặp đôi cùng giới. Đặc biệt có ba quốc gia thừa nhận hình thức sống chung không đăng ký cho các cặp đôi cùng giới.
Như vậy, nếu tính tổng tất cả các hình thức luật pháp thừa nhận và bảo vệ quan hệ cùng giới thì đã có 35 quốc gia và 29 vùng lãnh thổ trên thế giới. Cụ thể danh sách được trình bày ở bảng dưới đây.
Bảng 1: danh sách các nước hợp pháp hóa quan hệ cùng giới
 
Số quốc gia công nhận
Số vùng lãnh thổ công nhận
Tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ
Hôn nhân
11 (Hà Lan, Bỉ, Argentina, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Đan Mạch)
10 (Mexico: Mexico City; Hoa Kỳ: Connecticut, Iowa, Massachusetts, New Hamsphire, New York, Vermont, Wahsington, Maryland và đặc khu thủ đô Columbia)
21
Kết đôi có đăng ký
21 (Andorra, Bỉ, Brazil, Colombia, Cộng hòa Séc, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Greenland, Hungary, Ireland, Isle of Man, Jersey, Liechtensein, Luxembourg, New Zealand, Slovenia, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh, Uruguay)
19 (Úc: New South Wales, Queensland, Tasmania, Victoria, địa hạt thủ đô Úc; Mexico: Coahuila; Hoa Kỳ: California, Colorado, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, New Jersey, Nevada, Oregon, Rhode Island, Washington, Wisconsin; Venezuela: Mérida)
40
Chung sống không đăng ký
3 (Úc, Croatia, Israel)
0
3
Tổng
35
29
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xem xét hợp thức hóa quan hệ cùng giới hoặc “nâng cấp” từ “kết đôi có đăng ký” hoặc “kết hợp dân sự” lên “kết hôn” với đầy đù quyền lợi và trách nhiệm. Ví dụ như ngày 15 tháng 3 năm 2012, chính phủ vương quốc Anh chính thức tiến hành tham vấn về việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tháng 5 năm 2012, tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tương tự như vậy, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã công khai quan điểm cá nhân của mình về việc ủng hộ quyền kết hôn của người đồng tính.
1.3 Hôn nhân cùng giới khác gì với kết đôi có đăng ký?
Tại những quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, pháp luật đã định nghĩa lại khái niệm hôn nhân, bãi bỏ điều kiện về giới tính của hai bên phối ngẫu (vợ/chồng) dẫn đến việc ban hành một luật hôn nhân thống nhất không phân biệt giới tính. Ví dụ như Thụy Điển ghi trong luật hôn nhân của mình là “luật này áp dụng cho tất cả mọi người.”
Tại những quốc gia hợp pháp hóa kết đôi giữa hai người cùng giới, bên cạnh hôn nhân giữa hai người khác giới, trong hầu hết trường hợp, sự khác nhau chỉ nằm ở tên gọi. Luật pháp nhiều nơi quy định các quyền, nghĩa vụ dành cho kết đôi có đăng ký giữa hai người cùng giới là hoàn toàn giống với quyền, nghĩa vụ dành cho hôn nhân giữa hai người khác giới. Ví dụ, Bộ luật Kết đôi Dân sự 2004 của Vương quốc Anh quy định những quyền và nghĩa vụ của hai cặp cùng giới trong Kết đôi Dân sự là hoàn toàn giống với hôn nhân của của hai cặp khác giới. Hoặc như Bộ luật Gia đình của bang California (Hoa Kỳ) có một hình thức kết đôi dành riêng cho người đồng tính có tên gọi là “quan hệ gia đình có đăng ký.” Bộ luật Gia đình của bang tại đoạn 297.5(a) quy định rằng “các bên trong quan hệ gia đình có đăng ký có đầy đủ các quyền, sự bảo hộ, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận giống như các quy định dưới luật này.
Có hai nguyên nhân chủ yếu mà nhiều nước bắt đầu thừa nhận quan hệ cùng giới bằng hình thức “kết đôi có đăng ký” hoặc “quan hệ dân sự” là do các nhà lập pháp không muốn thay đổi định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng muốn có một bước đệm, một khoảng thời gian chuyển tiếp để xã hội có thể thay đổi sự suy nghĩ cố hữu về hôn nhân là giữa nam và nữ.
Hình thức kết đôi có đăng ký là mô hình của kỹ thuật lập pháp “tách biệt nhưng bình đẳng” (“seperate but equal”), với ý tưởng rằng không làm đụng chạm đến những chế định truyền thống, nhạy cảm, mà vẫn tạo ra được sự công bằng cho tất cả mọi người một cách hợp pháp. Tuy nhiên, quan điểm của những người ủng hộ hôn nhân không phân biệt giới tính là mặc dù quyền lợi của hai hình thức như nhau, nhưng khi nào vẫn còn sự phân biệt, nghĩa là vẫn chưa có được công bằng thật sự. Ở những quốc gia này, điều mà pháp luật hướng tới là thống nhất lại thành một chế định hôn nhân duy nhất dành cho tất cả mọi người.
Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều nước chuyển từ hình thức kết hợp dân sự hay sống chung có đăng ký sang hình thức hôn nhân cùng giới. Tùy vào từng quốc gia mà thời gian chuyển đổi nhanh hay chậm như được trình bày ở bảng dưới đây.
Bảng 2: Thời gian chuyển đổi ở các quốc gia
Quốc gia
Tên gọi và năm bắt đầu công nhận quyền lợi, nghĩa vụ giữa hai người cùng giới
Năm áp dụng hôn nhân cùng giới/hôn nhân không phân biệt giới tính
Thời gian giữa hai cột mốc
Hà Lan
Quan hệ có đăng ký (1998)
2001
3 năm
Bỉ
Chung sống theo pháp luật (1998)
2003
5 năm
Argentina
Kết hợp dân sự (2002)
2012
8 năm
Tây Ban Nha
Nhận con nuôi của những cặp cùng giới (2004)
2005
1 năm
Canada
Phán quyết đầu tiên về lợi ích pháp lý giữa cặp đồng giới (1999)
2005
16 năm
Nam Phi
Phán quyết đầu tiên về lợi ích pháp lý giữa cặp đồng giới (1994)
2006
12 năm
Na Uy
Quan hệ có đăng ký (1993)
2009
16 năm
Thụy Điển
Quan hệ có đăng ký (1995)
2009
14 năm
Bồ Đào Nha
Chung sống không đăng ký (2001)
2010
9 năm
Iceland
Quan hệ có đăng ký (1996)
2010
14 năm
Đan Mạch
Kết hợp dân sự (1989)
15/6/2012
22 năm
2. ẢNH HƯỞNG CỦA HÔN NHÂN CÙNG GIỚI LÊN XÃ HỘI
Có thể thấy rằng việc thừa nhận hôn nhân cùng giới là một xu hướng tất yếu của xã hội phát triển. Nhìn lại lịch sử việc thay đổi từ “tội phạm hóa đồng tính” đến loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần ở Hoa Kỳ (1973) và Tổ chức y tế thế giới (1990) đến việc Đan Mạch là nước đầu tiên thừa nhận hình thức kết hợp dân sự (1989) và Hà Lan thừa nhận hôn nhân cùng giới (2001) cho đến hiện tại đã có 35 nước và 29 vùng lãnh thổ có các hình thức khác nhau hợp pháp hóa quan hệ cùng giới để thấy xã hội loài người đã có những bước tiến dài trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính. Các thay đổi này có được là nhờ phong trào xã hội bảo vệ quyền của người đồng tính. Tuy nhiên, việc thay đổi này được dựa trên hiểu biết đúng đắn của con người về đồng tính nhờ nhiều nghiên cứu khác nhau được tiến hành bởi các viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới. Phần này sẽ tóm tắt các kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí có hội đồng khoa học đánh giá (peer-review) và báo cáo quốc gia về hôn nhân đồng giới và tác động xã hội ở các nước đã công nhận các hình thức chung sống của người đồng tính để cho thấy rằng những lo ngại này là không có cơ sở[1].
2.1 Hôn nhân đồng giới có làm suy giảm dân số?
Hình thức kết hợp dân sự (civil union) giữa các cặp đồng tính lần đầu tiên được công nhận ở Đan Mạch năm 1989. Trong khi hôn nhân đồng giới được công nhận lần đầu tiên trên thế giới sau đó 12 năm, vào năm 2001 tại Hà Lan. Theo số liệu thống kê chính thức, đến cuối năm 2009 có khoảng 100.000 cặp đồng tính đăng ký kết hôn trên toàn thế giới. Tại các nước châu Âu, số đăng ký kết hôn đồng giới chiếm khoảng 2-3% và ổn định trong tổng số đăng ký kết hôn gần 10 năm qua[3]. Tỷ lệ ly hôn nói chung ở các nước Châu Âu trong khoảng thời gian 2000 – 2010 không thay đổi[4]. Ở các nước Bắc Âu, kể từ khi thông qua luật công nhận kết hợp dân sự của các cặp đồng tính từ năm 1989 cho đến cho phép đăng ký kết hôn, tỷ lệ ly hôn nói chung khá ổn định, thậm chí còn giảm ở Đan Mạch[5]. Điều tra quốc gia 2011 ở Hà Lan chỉ ra có 2,8% là người đồng tính nam, 1,4% nữ là đồng tính nữ và khoảng một phần ba đăng ký sống chung hoặc kết hôn[6]. Như vậy số lượng người đồng tính và tỷ lệ kết hôn của họ chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng dân số và số lượng kết hôn khác giới. Cho đến nay, sự thừa nhận pháp luật đối với các hình thức sống chung của người đồng tính không gây ra tác động gì nhiều đến đặc điểm nhân khẩu học nói chung ở các vùng lãnh thổ và quốc gia.
Tại Đan Mạch, tổng tỷ suất sinh giảm mạnh trong khoảng thời gian 1970-1980 nhưng lại tăng và giữ ổn định suốt từ năm 1980 đến nay. Như vậy, sau 23 năm thừa nhận kết đôi dân sự của người đồng tính và các quyền lợi của họ, dân số Đan Mạch vẫn giữ ở mức ổn định[7]. Tương tự như vậy, tại Hà Lan, tổng tỷ suất sinh cũng bắt đầu giảm từ những năm 1970 và giữ ổn định đến nay. Việc giảm tổng tỷ suất sinh là xu hướng chung của nhiều lục địa và quốc gia trên thế giới khi kinh tế xã hội phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, số lượng dân số ở tất cả các quốc gia vẫn liên tục tăng.
Như vậy tác động của việc thừa nhận các hình thức chung sống của người đồng giới không gây ra những thay đổi nhân khẩu học như lo ngại của một số người dân Việt Nam[8]. Quan ngại về sự diệt vong của xã hội nếu công nhận hôn nhân đồng giới càng không có cơ sở vì tình trạng này chỉ xảy ra khi toàn bộ dân số trong xã hội là người đồng tính và họ lựa kết hôn nhưng không sinh đẻ[2].
2.2 Liệu hôn nhân đồng giới có làm thay đổi thể chế hôn nhân khác giới truyền thống?
Một trong những lo ngại khác về tác động của hôn nhân đồng giới là sẽ gây xói mòn giá trị của hôn nhân vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội theo quan điểm của những người dị tính. Tuy nhiên, quan sát trên thực tế lại ngược lại. Ở các nước cho phép những người đồng tính đăng kí chung sống với nhau giai đoạn 1989-1999 tại Châu Âu, số người cho rằng hôn nhân là hình thức chung sống đã lỗi thời còn ít hơn ở các nước chưa thông qua luật này. Các số liệu nhân khẩu học về xu hướng giảm tỷ lệ kết hôn ở các nước Châu Âu cũng không chỉ ra có mối liên quan nào tới sự công nhận của luật pháp về hình thức chung sống có đăng ký của người đồng tính[2]. Sử dụng số liệu của Văn phòng tham khảo Dân số Mỹ trong khoảng thời gian 1990-2004 để so sánh tác động tới thể chế hôn nhân giữa các bang cấm và các bang cho phép kết hôn hoặc các hình thức đăng ký chung sống giữa hai người đồng giới, các nhà nghiên cứu cho thấy không có bất cứ mối liên hệ nào giữa việc cho phép người đồng tính kết hôn hoặc sống chung với các tác động tiêu cực tới hôn nhân. Trái lại, ở những bang đã cho phép người đồng tính chung sống với nhau lại có mối liên quan có ý nghĩa hơn với sự gia tăng tỷ lệ kết hôn, giảm nạo phá thai và giảm số trẻ em sống trong các gia đình mẹ đơn thân[9].
Bên cạnh đó hôn nhân đồng giới còn mang lại những tác động tích cực cho thể chế hôn nhân truyền thống giữa nam và nữ nói chung. Hôn nhân đồng giới có tính bình đẳng tương đối cao vì hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới. Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh tác động này, nhưng có thể coi đây là một yếu tố giúp thúc đẩy sự bình đẳng giới trong hôn nhân truyền thống[2]. Nghiên cứu tiến hành trong 3 năm ở Vermont, Mỹ về chất lượng cuộc sống lứa đôi của các cặp đồng tính sống chung có đăng ký và các cặp kết hôn truyền thống cho thấy các cặp đồng tính sống chung có đăng ký có mối quan hệ hài hòa hơn, gần gũi nhau hơn và ít xảy ra xung đột hơn so với các cặp kết hôn giữa nam và nữ[10].
Trong khi các quan ngại xã hội chỉ thường tập trung vào việc liệu hôn nhân đồng giới mang lại điều gì cho xã hội, thì trên thực tế, việc không chấp nhận điều này đang gây những tác hại xấu. Do áp lực của xã hội và của bố mẹ về hôn nhân truyền thống để tạo dựng gia đình và từ nhu cầu của chính bản thân để có quyền được có con hoặc cần phải có hôn nhân truyền thống mới được coi là người trưởng thành “bình thường” trong xã hội, nhiều người đồng tính đã kết hôn với người khác giới. Hậu quả để lại là cho dù họ có được những đứa con và vai trò là bố, là mẹ của họ được xã hội thừa nhận, nhưng cuối cùng rất nhiều các hôn nhân kiểu này bị đổ vỡ do họ không thể mãi sống với một cái vỏ bọc và để lại những hậu quả của sự đổ vỡ lên người bạn đời, và ảnh hưởng tiêu cực lên thái độ và hành vi của con cái về vấn đề kết hôn[11].
2.3 Hôn nhân đồng giới mang lại điều gì cho các cá nhân trong xã hội?
Đối với bản thân những người đồng tính:
Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới mang lại cho từng cá nhân cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung[12], khiến cho các cá nhân có cảm nhận về mối quan hệ đồng tính là thực tế, có trách nhiệm và tăng tính cam kết, nỗ lực đầu tư cho cuộc sống chung và do đó làm tăng chất lượng cuộc sống, chất lượng mối quan hệ giữa hai cá thể trong xã hội[13-15] .
Bên cạnh đó, quan sát ở các nước Bắc Âu cho thấy sau khi thông qua luật cho phép đăng ký chung sống, sự gắn bó của các cá nhân có tính lâu dài khi đăng kí sống chung đồng nghĩa với sự cam kết hành vi chung thủy và do đó giảm lây truyền các bệnh qua đường tình dục[16]. Luật pháp ngăn cấm quyền chung sống của người đồng tính cùng với kỳ thị xã hội đã gây ra các vấn đề sức khỏe tâm trí cho người đồng tính[14, 17]. Điều tra tiến cứu trên quần thể người đồng tính ở Massachusetts suốt 12 tháng kể từ khi bang này thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới đã chỉ ra xu hướng giảm một cách có ý nghĩa thống kê số lượng lượt khám bệnh nói chung (trong khi không giảm các xét nghiệm định kỳ), khám tâm thần và do đó giảm đáng kể các chi phí chăm sóc sức khỏe[18]. Tương tự, sau 5 năm kể từ khi luật kết hôn đồng giới thông qua tại Canada, nghiên cứu trên một nhóm quần thể đăng ký kết hôn đầu tiên cũng chỉ ra các cặp đôi này có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống chung tăng lên, lòng tự tin tăng lên và tự kỳ thị giảm đáng kể[19]. Điều quan trọng là sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở các cặp đăng ký sống chung mà còn cho cả cộng đồng những người đồng tính nói chung vì vấn đề kết hôn hoặc không kết hôn lúc này trở thành sự lựa chọn cá nhân, chứ không liên quan đến quyền được kết hôn hay không. Như vậy, các qui định luật pháp cho kết hôn đồng giới còn có ảnh hưởng rất tích cực đến sức khỏe cộng đồng[11, 20] và chi phí hiệu quả đối với các vấn đề liên quan phúc lợi xã hội[21].
Đối với những người xung quanh:
Đối với bố mẹ người đồng tính, họ sẽ có được sự giải tỏa tâm lý khi biết con mình có cơ hội tiến tới hôn nhân và cuộc sống gia đình như những người khác trong xã hội[2]. Sự thừa nhận pháp luật về chung sống có đăng ký hoặc hôn nhân đồng giới sẽ giúp giảm bớt áp lực xã hội lên bố mẹ, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, hôn nhân hợp pháp cũng mang lại cảm giác được thừa nhận và gắn bó với gia đình, bố mẹ của người bạn đời[19]. Mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa các thế hệ gia đình chắc chắn là môi trường tích cực cho sự phát triển tâm lý của tất cả các thành viên gia đình và rõ ràng chức năng xã hội hóa con trẻ của gia đình trong bối cảnh này sẽ được đảm bảo. Điều này giúp tránh được những hậu quả đáng tiếc khi mối quan hệ cha mẹ và con cái đổ vỡ như việc trẻ phải bỏ nhà đi[22], hay các vấn đề sức khỏe tâm trí của bố mẹ[23].
2.4 Chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa con trẻ trong gia đình đồng tính có đảm bảo?
Trước khi thừa nhận hôn nhân đồng giới, rất nhiều nước đã tiến hành các nghiên cứu so sánh kết quả phát triển của trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống và các kiểu hình gia đình khác. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) (2002), Hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (The American Society for Reproductive Medicine) (2006) đã kết luận không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ khi trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Thực tế, hầu hết các nghiên cứu về gia đình trong vòng 40 năm gần đây ở các nước và vùng lãnh thổ thừa nhận một trong các hình thức chung sống của người đồng tính đều chỉ ra sự phát triển và hạnh phúc của trẻ lại phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa trẻ và người lớn, sự cởi mở, trao đổi giữa những người trong gia đình và trẻ, sức khỏe tâm trí, sự hòa hợp và hợp tác của những người lớn trong gia đình mà không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình bố mẹ khác giới hay cùng giới, hay bố mẹ độc thân[24-29]. Một số nghiên cứu còn chỉ ra những đứa con do đồng tính nữ sinh ra và được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính nữ thậm chí có một số khả năng vượt trội hơn trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống[30]. Trong khi nghiên cứu về khả năng nuôi dạy con của các cặp đồng tính nam cho thấy sự vượt trội hơn các ông bố dị tính khi họ có cả các khả năng chăm sóc trẻ giống như người mẹ[31].
Hiện nay, bất cứ cá nhân nào có đủ năng lực dân sự đều được quyền nhận con nuôi theo qui định ở Việt Nam. Người con nuôi sẽ có cơ hội nhận được sự nâng đỡ tâm lý và cảm giác công bằng khi sống với một cặp được luật pháp công nhận như cặp bố mẹ trong các gia đình khác, đặc biệt có được cảm giác ổn định khi cặp bố mẹ đồng tính có mối gắn kết lâu dài thông qua sự thừa nhận của pháp luật[32].
2.5 Chúng ta nên chọn hôn nhân hay hình thức chung sống nào?
Hôn nhân là một thể chế chịu nhiều qui định từ khi có chế độ nhà nước. Khác với Việt Nam, hôn nhân ở nhiều nước theo chế độ tư bản mang lại các lợi ích về vật chất như bảo hiểm, tiếp cận y tế, phúc lợi xã hội, v.v, cho các cá nhân cam kết với nhau trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, ở bất kỳ chế độ xã hội nào, chức năng của hôn nhân bao gồm hai mục đích chung, đó là: i) thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm, cuộc sống của hai cá nhân; ii) sinh con, nuôi dưỡng và xã hội hóa con trẻ. Như vậy hôn nhân là thể chế vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân vừa phục vụ cho mục đích của xã hội. Qui định về hôn nhân nhằm tạo lập và duy trì một gia đình bền vững để các cá nhân có thể hỗ trợ nhau trên mọi phương diện của cuộc sống lâu dài.
Các hình thức chung sống đa dạng là một xu hướng phát triển tất yếu theo sự vận động và nhu cầu của chính xã hội, nhưng lợi ích mang lại cho các thành viên trong gia đình của các hình thức chung sống này là khác nhau. Cho dù sự phát triển của trẻ không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình như đã nêu ở trên, nhưng sự lựa chọn của cá nhân đối với các loại hình chung sống khác nhau phần nào phản ánh mức độ cam kết với cuộc sống chung của họ. Bên cạnh đó, sự ràng buộc, qui định chặt chẽ của pháp luật ở các mức độ sống chung cũng là yếu tố góp phần khiến các cá nhân nỗ lực để có cuộc sống hòa hợp và giải quyết các xung đột. So sánh chất lượng cuộc sống lứa đôi giữa các loại hình chung sống, chất lượng cuộc sống của các cặp lựa chọn đăng ký kết hôn cao hơn so với đăng ký sống chung – thể hiện ở số lượng xung đột, bạo lực ít hơn, mức độ thỏa mãn với cuộc sống chung cao hơn[33]. Do đó chức năng xã hội hóa trẻ em của các gia đình có kết hôn vượt hơn so với các loại hình gia đình bố mẹ độc thân hoặc chung sống có đăng ký[34].
Như vậy, hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến phát triển dân số, quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ. Ngược lại, việc hợp pháp hôn nhân ở các nước còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội. Các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có những đặc điểm tôn giáo, văn hóa, chính trị và trình độ nhận thức xã hội của người dân khác nhau, nên họ có những bước đi khác nhau để hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Do vậy việc ban hành các qui định mới trong luật pháp ở Việt Nam cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác động, nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận. Điều quan trọng cuối cùng là pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân.
3. THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM
3.1 Có bao nhiêu người đồng tính ở Việt Nam?
Chưa có cuộc điều tra nào ước lượng số người là đồng tính ở Việt Nam. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu khác nhau nhưng cho các tỉ lệ khác nhau, biến động từ 1% đến 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là người đồng tính và song tính. Điều tra quốc gia về phát triển gia đình ở Hoa Kỳ năm 2002 cho kết quả 4,1% nam giới và 4,1% nữ giới tự nhận mình là người đồng tính và song tính. Ở Canada, theo kết quả điều tra tháng 6 năm 2012 thì có 5% dân số tự nhận mình là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Điều tra quốc gia ở Pháp năm 1991 cho kết quả có 10,7% nam giới và 3,3% phụ nữ có hành vi tình dục đồng giới và 8,5% nam giới và 11,7% phụ nữ thừa nhận có hấp dẫn tình dục đồng giới nhưng không có hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Như vậy, nếu lấy tì lệ trung bình, “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 59 vào khoảng 1,65 triệu người (Tính theo dân số Việt Nam năm 2007 có 55,38 triệu người trong độ tuổi 15-59.)
3.2 Định kiến và kỳ thị xã hội
Khác với nhiều nước trên thế giới, quan hệ đồng giới ở Việt Nam không bị tội phạm hóa. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của iSEE thì kỳ thị với người đồng tính còn phổ biến, đặc biệt là qua lời nói với 95% người đồng tính nam được hỏi đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện là người đồng tính 20% mất bạn, 15% bị gia đình chửu mắng hoặc đánh đập; Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công vì là người đồng tính, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính.
Có lẽ, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là hiểu biết về xu hướng tình dục đồng tính ở Việt Nam còn hạn chế, thậm chí là sai lệch. Theo kết quả nghiên cứu của iSEE năm 2011 về hiểu biết của xã hội về đồng tính ở Hà Nội, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh và An Giang thì một phần lớn người dân đang có kiến thức sai về đồng tính hoặc có thái độ tiêu cực về đồng tính như được trình bày ở bảng 3 dưới đây.
Bảng 3: Quan điểm sai lầm về đồng tính
Quan điểm về đồng tính
Đồng ý (%)
Đồng tính có thể chữa được
48
Đồng tính là trào lưu xã hội
57
Người đồng tính không thể sinh con
62
Thất vọng nếu con là đồng tính
77
Ngăn cản con chơi với người đồng tính
58
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh vào năm 1990. Đã không phải là bệnh thì không phải chữa và không thể chữa. Xu hướng tình dục là tự nhiên, không thể học đòi hoặc thay đổi nên một người là dị tính thì không thể học đòi thành đồng tính và ngược lại. Người đồng tính là những người nam giới hoặc phụ nữ như những người dị tính với khác biệt duy nhất là xu hướng tình dục – thay vì yêu người khác giới họ yêu người cùng giới. Chính vì vậy, khả năng sinh con là bình thường như những người dị tính. Qua các con số trên thấy rằng cần phải có nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục để giảm định kiến và kỳ thị tiến tới bảo vệ quyền bình đẳng cho người đồng tính.
3.3 Bạo lực gia đình và sức khỏe tâm trí
Trong các nghiên cứu của iSEE và Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), vấn đề bạo lực gia đình với người đồng tính khá phổ biến. Khi phát hiện con là đồng tính, cha mẹ thường sốc thậm chí là hoảng loạn. Vì không có kiến thức về đồng tính và thậm chí kỳ thị hoặc lo lắng con mình không có tương lai nên cha mẹ thường có những hành vi không kiểm soát dẫn đến đánh đập, xích, nhốt, hoặc cấm đoán khác. Nhiều bậc cha mẹ đưa con đi tư vấn tâm lý hoặc thậm chí “chữa trị” vì nghĩ con có vấn đề về tâm thần. Những hành vi bạo lực để lại những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý như trầm cảm, lo sợ thậm chí là có ý định tự tử hoặc hành vi tự tử. Ở Mỹ, tỉ lệ thanh niên đồng tính tự tử cao gấp 4 lần tỉ lệ trung bình và những thanh niên không được thừa nhận bởi gia đình thì có tỉ lệ tự tử cao gấp 9 lần tỉ lệ trung bình. Bên cạnh đó, nhiều em bỏ nhà vì không khí gia đình ngột ngạt hoặc do cha mẹ không chấp nhận bị rơi vào môi trường đường phố, công viên với nhiều cạm bẫy như sử dụng chất gây nghiện, mại dâm, trộm cắp, nguy cơ nhiếm HIV và bệnh lây qua đường quan hệ tình dục.
3.4 Che dấu, tạo bình phong và hậu quả xã hội
Nhiều người đồng tính chia cuộc sống của mình thành hai thế giới riêng biệt, với cộng đồng của mình họ sống thật, có người yêu hoặc bạn tình cùng giới. Với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè họ hoàn toàn bí mật, sống với vỏ bọc của một người dị tính. Trong nghiên cứu “Câu chuyện của bốn mươi người nữ yêu nữ” của iSEE năm 2010 thì một trong những chiến lược phổ biến được sử dụng bởi người đồng tính nữ, đặc biệt khi bị nghi ngờ hoặc ép lấy chồng là yêu một người nam giới. Nhiều người đồng tính đã và muốn lập gia đình với người khác giới để thoát khỏi những sức ép và tạo vỏ bọc dị tính cho mình. Theo kết quả nghiên cứu nam đồng tính, 19% người được hỏi dự định lập gia đình với người khác giới, 40% không muốn và 41% chưa có ý định rõ ràng. Lý do muốn lập gia đình là vì người đồng tính muốn có con (66%), vì sức ép gia đình (50%), vì muốn có ai đó để nương tựa (44%) và vì áp lực của xã hội (40%). Nhiều người trong số họ, sau khi lập gia đình vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng tính ở nhiều mức độ khác nhau như người yêu, bạn tình hoặc bạn bè. Điều này gây ra nhiều sức ép về tâm lý, lo lắng và có thể dẫn đến những đổ vỡ gia đình khi bị phát hiện.
3.5 Tương lai quan hệ bất định và các hậu quả pháp lý
Trên thực tế, nhiều người trong cộng đồng đồng tính không dám tin vào quan hệ lâu dài do không được thừa nhận và bảo vệ. Những sức ép từ gia đình, định kiến từ xã hội và sự cấm đoán kết hôn của pháp luật hiện tại làm cho người đồng tính gặp trở ngại trong quan hệ. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng người đồng tính sống công khai, có quan hệ tình cảm với nhau ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu đồng tính nữ năm 2012 thì tại thời gian hỏi có 62% đang có người yêu là nữ và 87% đang hoặc đã từng có người yêu. Chính vì vậy, chắc chắn ngày càng có nhiều người đồng tính có nhu cầu sống chung và muốn được pháp luật bảo vệ. Khi sống chung, có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của các cặp đôi đồng tính như sở hữu tài sản, đầu tư chung hoặc sinh con và nuôi con nên nhu cầu mong được pháp luật bảo vệ ngày càng tăng.
3.6 Mong muốn kết hôn của cộng đồng đồng tính
Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của iSEE năm 2012 có 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu trên 2,401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Trong điều tra tương tự năm 2012 do Trung tâm ICS thực hiện với hơn hai nghìn người đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. Trong nghiên cứu đồng tính nữ, nếu pháp luật cho phép, 77% cho rằng họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% cho rằng kết hôn hay không không quan trọng và số còn lại không rõ mong muốn của mình. Về nhu cầu sinh con, 70% người đồng tính nữ muốn có con, 13% không muốn và 17% không rõ.
4. KẾT LUẬN
Như vậy, ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thừa nhận hôn nhân cùng giới hoặc các hình thức kết đôi có đăng ký tương tự hôn nhân. Đây là xu hướng tiến bộ, đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền của người đồng tính. Hơn nữa, việc thừa nhận hôn nhân cùng giới cũng có tác dụng tích cực đến gia đình và xã hội như các nghiên cứu khoa học khác nhau trên thế giới đã chỉ ra.
Việc Việt Nam xem xét sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình với nội dung hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới là hợp lý, đúng xu hướng thế giới và đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam. Để có những bước đi cụ thể và hợp lý, tôi xin đề xuất định hướng cho việc sửa đổi nội dung liên quan đến hôn nhân cùng giới như sau:
- Bỏ khoản 5 điều 10 trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vì điều này đi ngược lại quyền bình đẳng của người đồng tính, trái với xu hướng thế giới và định hướng bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
- Nếu bỏ khoản 5 điều 10 thì cần phải bổ sung một điều thay thế quy định về hôn nhân cùng giới, không thể không quy định gì vì (i) thực tế đòi hỏi phải thừa nhận quan hệ cùng giới và hậu quả pháp lý và (ii) chúng ta không thể mất 12 năm để quay lại vạch xuất phát như trước năm 2000.
- Xem xét hai định hướng sửa đổi: định hướng thứ nhất là thừa nhận hôn nhân cùng giới với đầy đủ quyền và nghĩa vụ như hôn nhân khác giới. Định hướng thứ hai là xem xét hình thức “kết đôi có đăng ký” vì theo kinh nghiệm quốc tế đây là một bước đệm cho việc tiến tới hôn nhân bình đẳng cho tất cả mọi người.
- Nên có một điều quy định riêng ở “Chương I – những quy định chung” về “hôn nhân cùng giới” hoặc “kết đôi có đăng ký” để hợp pháp hóa quan hệ cùng giới. Ví dụ như Bộ luật gia đình của bang california quy định “các bên trong quan hệ gia đình [cùng giới] có đăng ký có đầy đủ các quyền, sự bảo hộ, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận giống như các quy định dưới luật này.” Trong trường hợp có khác biệt cần quy định rõ những khác biệt là gì.
Như vậy, việc định hướng sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình theo hướng hoặc là thừa nhận hôn nhân cùng giới, hoặc là thừa nhận “kết đôi có đăng ký” là phù hợp. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt đến hơn một triệu rưỡi người đồng tính, gia đình họ cũng như toàn xã hội. Hướng đi này cũng chứng minh được cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt là người thiểu số. Nó sẽ có ảnh hưởng to lớn đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như có tác dụng lan tỏa vì Việt Nam đang là một trong 3 nước và vùng lãnh thổ đầu tiên ở Châu Á xem xét hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cùng Đài Loan và Nepal. Nếu Việt Nam thừa nhận hôn nhân cùng giới hoặc kết đôi có đăng ký vào năm 2013 thì sẽ trở thành nước đầu tiên ở Châu Á bảo vệ quyền bình đẳng của người đồng tính bằng pháp luật cụ thể.
Tài liệu tham khảo cho phần 2 (ảnh hưởng của hôn nhân cùng giới lên xã hội)
1. International Statistics, US Census Bureau. p. 840.
2. Badgett, M., When Gay People Get Married: What Happens When Societies Legalize Same-Sex Marriage. . 2009: New York: New York University Press.
3. Chamie, J. and B. Mirkin., Same-Sex Marriage: A New Social Phenomenon. Population and Development Review, 2011. 37(3): p. 529-551.
4. Divorce Rates per 1000 persons. , Eurostat. .
5. Badgett, M., Will Providing Marriage Rights to Same-Sex Couples Undermine Heterosexual Marriage? . Sexuality Research & Social Policy. , 2004. 1(3).
6. Duncan, C., The tenth anniversary of Dutch same-sex marriage: How is marriage doing in the Netherlands? . 2011, Institute for Marriage and Public Policy.
7. Denmark National Statistics. http://www.dst.dk/.
8. Nghiên cứu thái độ xã hội với người đồng tính. 2012, Hà Nội: Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường. .
9. Langbein, L. and M. Yost, Same-sex marriage and negative externalities. Social science quarterly, 2009. 90(2): p. 292-308.
10. K Balsam, et al., "Three-year follow-up of same-sex couples who had civil unions in Vermont, same-sex couples not in civil unions, and heterosexual married couples." Development Psychology, 2008. 44 (1): p. 102-116.
11. Cunningham, M. and A. Thornton, The influence of parents’ marital quality on adult children’s attitudes toward marriage and its alternatives: main and moderating effects Demography 2006. 43(4): p. 659-672.
12. Lannuti, P., Security, recognition, and misgivings: Exploring older same-sex couples’ experiences of legally recognized same-sex marriage. Journal of Social and Personal Relationships, 2010. 28(1): p. 64-82.
13. Lannutti, P., The Influence of Same-Sex Marriage on the Understanding of Same-Sex Relationships. . Journal of Homosexuality, 2007. 53(3): p. 135-151.
14. Hatzenbuehler, M.L., et al., Effect of same-sex marriage laws on health care use and expenditures in sexual minority men: a quasi-natural experiment Am J Public Health 2012. 102(2): p. 285-291.
15. Shulman, J., G. Gotta, and R.J. Green, Will marriage matter? Effects of marriage anticipated by same-sex couples. Journal of Family Issues, 2012. 33(2): p. 158-181.
16. Eskridge, W. and D. Spedale, Gay Marriage: For Better or for Worse? . 2006, New Yotk: Oxford University Press.
17. Buffie, W.C., Public health implications of same-sex marriage. Am J Public Health 2011. 101(6): p. 986-990.
18. Hatzenbuehler, M.L., et al., The impact of institutional discrimination on psychiatric disorders in lesbian, gay, and bisexual populations: a prospective study. . Am J Public Health 2010. 100 (3): p. 452-459.
19. MacIntosh, H., E. Reissing, and H. Andruff, Same-sex marriage in Canada: The impact of legal marriage on the first cohort of gay and lesbian Canadians to wed. . The Canadian Journal of Human Sexuality 2010. 19(3): p. 79-90.
20. King, M. and A. Bartlett, "What same sex civil partnerships may mean for health." J Epidemiol Community Health, 2006. 60(3): p. 188-191.
21. Portelli, C., Economic Analysis of Same-Sex Marriage. Journal of Homosexuality, , 2004. 47(1): p. 95-109.
22. Thực trạng trẻ đường phố là đồng tính, song tính và chuyển giới. 2012, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường: Hà Nội.
23. Trang, N.Q., et al., Sống trong một xã hội dị tính- Nghiên cứu 40 người nữ yêu nữ. 2010, Hà Nội: Nhà xuất bản thế giới.
24. Millbank, J., From here to maternity: A review of the research on lesbian and gay families. . Australian Journal of Social Issues, 2003. 38: p. 541-600.
25. Tasker, F., Same-sex parenting and child development: Review the contribution of parental gender. Journal of Marriage and Family, 2010. 72: p. 35-40.
26. Fitzgerald, B., Children of lesbian and gay parents: A review of the literature. . Marriage and Family Review, 1999. 29: p. 57-75.
27. Flood, M., Fatherhood and fatherlessness: Discussion Paper Number 9. . 2003, The Australia Institute.: Melbourne.
28. Chan, R.W., B. Raboy, and C.J. Patterson, Psychosocial adjustment among children conceived via donor insemination by lesbian and heterosexual mothers. . Child Development, 1998. 69: p. 443-457.
29. Lipman, E.L., et al., Child well-being in single-mother families. Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, 2002. 41: p. 75-82.
30. Goldberg, A.E., Gay and lesbian parents and their children: Research on the family life cycle. . 2010, American Psychological Association.: Washington DC:.
31. Hicks, S., Maternal men – perverts and deviants? Making sense of gay men as foster carers and adopters. Journal of GLBT Family Studies, 2006. 2 (1): p. 93-114.
32. Meezan, W. and J. Rauch, "Gay marriage, same-sex parenting, and America’s children." Future Child 2005. 15(2): p. 97-115.
33. Brown, S.L. and A. Booth, A Cohabitation Versus Marriage: A Comparison of Relationship Quality. Journal of Marriage and Family 1996. 58 (3): p. 668-678.
34. William, J., The Effects of Several of the Most Common Family Structures on the Academic Achievement of Eighth Graders. Marriage and Family Review, 2000. 30(1-2).

[1] Phần tóm tắt này là do TS. Phạm Thu Nam – Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y Tế) thực tổng hợp
SOURCE: TỌA ĐÀM CHUYÊN GIA VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT HNGĐ (SỬA ĐỔI) CỦA ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. Hà Nội, ngày 8/10/2012

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code