Wednesday, March 19, 2014

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC: DÙNG DẰNG MỘT VỤ BỒI THƯỜNG OAN

VĂN ĐOÀN
VKS tối cao khẳng định đã bị oan nhưng VKS tỉnh và huyện lại bảo không. Gần 10 năm nay, ông Cao Văn Quý (ngụ phường 15, quận 8, TP.HCM) vẫn kiên trì đeo đuổi việc khiếu nại đòi VKSND huyện Kim Động, Hưng Yên phải bồi thường cho ông vì đã khởi tố, truy tố và bắt giam oan ông.
Từ lừa đảo đến không phạm tội
Theo hồ sơ, tháng 3-1989, khi làm chủ nhiệm Hợp tác xã bao đay 27-7, ông Quý đã vay 300 tấn thóc của Chi cục Dự trữ tỉnh Hải Hưng cũ với thời hạn trả là tháng 7-1989. Sau khi nhận gần 300 tấn thóc, hợp tác xã đã cho một số cá nhân vay với lãi suất 5%/tháng. Đến thời hạn trả nợ, hợp tác xã chỉ trả được gần 70 tấn thóc.
Tháng 10-1990, cho rằng ông Quý vay thóc sử dụng không đúng mục đích và không trả đủ trong hạn định, Công an huyện Kim Thi, Hải Hưng cũ đã khởi tố, bắt giam ông Quý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Đến tháng 7-1991, VKSND tỉnh Hải Hưng đã ra cáo trạng truy tố ông Quý ra tòa về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình điều tra, ông Quý đã bỏ trốn. Tháng 4-1999, ông Quý bị bắt theo lệnh truy nã và vụ án được phục hồi điều tra. Tháng 6-1999, Công an tỉnh Hưng Yên thay đổi tội danh của ông Quý từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN sang tội sử dụng trái phép tài sản XHCN. Tháng 8-1999, sau hơn chín tháng tạm giam, Công an huyện Kim Động đã trả tự do cho ông Quý.

Tháng 9-1999, VKSND huyện Kim Động ra cáo trạng truy tố ông Quý về tội danh nêu trên. Ba tháng sau, TAND huyện Kim Động ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhưng đến giữa tháng 12-1999, trước khi tòa mở phiên tòa, VKSND huyện Kim Động đã ra quyết định rút toàn bộ quyết định truy tố. Ngay sau đó, TAND huyện Kim Động đã ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “hành vi của Quý không cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản XHCN”.
Trên đồng ý bồi thường, dưới không
Ngay sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, ông Quý đã nộp đơn đòi bồi thường việc bị khởi tố, bắt giam oan. Thế nhưng theo VKSND huyện Kim Động thì trường hợp của ông Quý không được bồi thường. VKSND tỉnh Hưng Yên cũng có quan điểm tương tự. Không đồng ý, ông Quý đã “kêu oan” đến VKSND tối cao.
Tháng 3-2008, VKSND tối cao đã gửi công văn đến VKSND tỉnh Hưng Yên khẳng định trường hợp của ông Quý được xem xét để bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi lẽ theo quyết định rút truy tố của VKSND huyện Kim Động, hành vi của ông Quý không cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản XHCN. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Quý là VKSND huyện Kim Động. Do vậy, VKSND tỉnh Hưng Yên phải chỉ đạo VKS huyện này tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Quý.
Thế nhưng đến tháng 5-2008, VKSND tỉnh Hưng Yên lại có công văn gửi ngược lại VKSND tối cao cho hay trường hợp của ông Quý không thể được bồi thường oan. Tháng 6-2008, VKS tỉnh cũng trả lời cho ông Quý như thế. Hiện ông Quý đã lại nộp đơn và đang chờ VKSND tối cao xem xét vụ việc.
Ai đúng, ai sai?
Trong công văn ký ngày 21-4-2005, VKSND huyện Kim Động cho biết sở dĩ viện này rút quyết định truy tố ông Quý vì ông Quý thuộc diện được miễn trách nhiệm hình sự do sự chuyển biến của tình hình. Kế tiếp, trong công văn ký ngày 7-2-2007, VKSND tỉnh Hưng Yên cũng đã bắt lỗi TAND huyện Kim Động ở chỗ thay vì phải ra quyết định đình chỉ xét xử và chuyển hồ sơ sang VKS để viện ra quyết định đình chỉ vụ án thì tòa này lại tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án. Chưa hết, thay vì ghi vào quyết định là ông Quý “được miễn trách nhiệm hình sự”, tòa này lại ghi hành vi của ông Quý “không cấu thành tội phạm”. Cũng theo VKS tỉnh, mặc dù các cơ quan pháp luật cấp huyện có một số sai sót về tố tụng nhưng không vì thế mà nói rằng ông Quý đã bị khởi tố, bắt giam oan.
Theo Điều 181 Bộ luật Tố tụng hình sự, “nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định (như không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự v.v…) hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì VKS rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị tòa án đình chỉ vụ án”. Đối chiếu quy định này với những nhận xét nêu trên của VKSND tỉnh Hưng Yên thì chính viện này đã sai chứ không phải TAND huyện Kim Động đã làm sai. Mặt khác, khi lý do đình chỉ vụ án chỉ có một và đã được thể hiện rành rành trên quyết định đình chỉ do TAND huyện ban hành đúng pháp luật thì nay VKS cấp huyện và tỉnh không thể vịn vào bất cứ lý do nào khác để thoái thác trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh từ việc khởi tố và bắt giam oan ông Quý.
Đề nghị VKSND tối cao khẩn trương xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc của ông Quý theo hướng ràng buộc trách nhiệm pháp lý của VKSND huyện Kim Động trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code