Wednesday, March 19, 2014

LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): QUYỀN CỦA CHỦ SỞ HỮU

TRẦN MINH SƠN – Bộ Tư pháp
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, nhưng chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai thực hiện quyền sử dụng và quyền định đoạt của mình đối với đất đai như thế nào và hưởng những lợi ích gì từ đất đai?
Không làm rõ được các vấn đề đó thì quyền sở hữu toàn dân chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực thi. Khắc phục khiếm khuyết này, Luật Đất đai (sửa đổi) đã khẳng định: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và các phương thức thực hiện quyền sử dụng đất. Với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, Nhà nước không trực tiếp thực hiện quyền sử dụng đất, mà thực hiện quyền này thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đấtvà quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trực tiếp.
Quan điểm mới này đã làm rõ hơn cách thức thực hiện quyền sử dụng của chủ sở hữu đất đai, vừa xác lập mối quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là người đại diện và những người trực tiếp sử dụng đất. Lần đầu tiên, Luật Đất đai (sửa đổi) chú trọng đến quyền định đoạt để hưởng các nguồn lợi của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, một quyền rất quan trọng của chủ sở hữu. Theo quy định mới, một trong những nguồn lợi từ đất tăng thêm giá trị mới do Nhà nước lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất, do đô thị hoá và do xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển, làm tăng giá trị quỹ đất đai thì Nhà nước phải được hưởng lợi ích đó với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Trong mối quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu và người sử dụng đất, đại diện chủ sở hữu toàn dân thực hiện quyền năng sử dụng đất một cách gián tiếp, thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất trực tiếp; Nhà nước đảm bảo quyền sử dụng đất hợp pháp, ổn định và lâu dài cho người sử dụng đất trực tiếp thông qua các hình thức: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thừa nhận việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng hợp pháp để bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội…
Nếu xét về phương diện mở rộng quyền của người sử dụng đất, thì quyền tặng, cho quyền sử dụng đất là một quyền mới phát sinh từ thực tiễn hiến tặng nhà tình nghĩa cho các đối tượng có công với nước, hiến tặng, cho đất để xây dựng trường học, cơ sở y tế, làm đường giao thông nông thôn diễn ra ở các địa phương trong cả nước. Quyền này được thực hiện có điều kiện đối với từng loại người sử dụng đất. Ví dụ, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cho cộng đồng dân cư để xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng…. Quyền này cũng được áp dụng với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền đã trả cho việc chuyển nhượng đó không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code