LÊ HÙNG TUẤN
Gần đây, TAND TP
Phan Thiết đã đưa vụ đòi nợ vay giữa bà H. với luật sư NHT (Đoàn luật
sư tỉnh Bình Thuận) ra xử sơ thẩm. Tòa tuyên luật sư T. phải trả cho bà
H. 200 triệu đồng tiền vay cộng 115 triệu đồng tiền lãi. Phiên xử này
vắng mặt bị đơn do tòa đã triệu tập nhiều lần nhưng luật sư T. không đến
tham gia.
Mượn tiền không trả, bị kiện
Năm 2004, bà H. và luật sư T. quen biết nhau. Hai người cùng đi du lịch nhiều nơi và có chụp ảnh chung với nhau.
Theo bà H., từ tháng 2 đến tháng 9-2004, bà đã cho
luật sư T. vay tiền bốn lần, tổng cộng 235 triệu đồng với lãi suất 2%.
Do hai người có quan hệ tình cảm với nhau nên không viết giấy nhận nợ.
Sau đó, luật sư T. đã trả được 45 triệu đồng tiền gốc và nợ lại 190
triệu đồng. Sau khi luật sư T. trả 45 triệu đồng xong cũng là lúc ông
này cố tình tránh mặt bà và không trả lãi hàng tháng như thỏa thuận.
Ngày 12-10-2005, phát hiện luật sư T. đang ngồi trong
một quán cà phê ở Phan Thiết, bà H. đã yêu cầu ông này viết giấy nhận
nợ, gồm tiền gốc và 10 triệu đồng tiền lãi và hẹn thời hạn trả nợ trong
vòng một năm. Sau khi viết xong giấy nhận nợ, từ đó đến nay luật sư T.
vẫn không trả tiền nên bà H. phải kiện ra tòa.
Tố cáo không có cơ sở
Theo TAND TP Phan Thiết, sở dĩ vụ kiện trên gần đây
mới đưa ra xử được như trên là do phải chờ kết luận của cơ quan điều tra
làm rõ lá đơn tố cáo bà H. của luật sư T. trước đó.
Theo lá đơn này, luật sư T. nói mình không hề nợ hoặc
vay tiền bà H. Việc ông viết giấy mượn tiền vào ngày 12-10-2005 là do
bà H. dùng những thủ đoạn, phương tiện nguy hiểm để buộc ông viết. Cụ
thể, bà H. đe dọa sẽ dùng xăng đốt, tạt axít, sẽ dùng xe máy đâm vào xe
ông nếu gặp trên đường. Ngoài ra, bà H. dọa dùng những cuốn băng ghi âm
về đời tư của ông cùng những hình ảnh ông và bà chụp chung lúc quen nhau
để tố cáo đến các cơ quan tố tụng vì vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Cạnh đó, bà H. còn dọa nếu luật sư T. không viết giấy
mượn tiền theo yêu cầu thì bà sẽ gửi đơn đến Đoàn luật sư tỉnh Bình
Thuận yêu cầu xóa tên ông ra khỏi danh sách luật sư của đoàn. Theo luật
sư T., trong tình thế “hết sức căng thẳng” như vậy, ông phải miễn cưỡng
viết giấy mượn 200 triệu đồng theo ý của bà H.
Gần đây, Công an TP Phan Thiết đã có thông báo về lá
đơn tố cáo trên của luật sư T. Qua điều tra, Công an TP Phan Thiết khẳng
định: “Không có chứng cứ để chứng minh, không đủ cơ sở để kết luận hành
vi cưỡng đoạt của bà H. đối với ông T.”.
Lại tố cáo và vắng mặt
Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng – chủ tọa phiên tòa sơ thẩm
trên cho biết ngay sau phiên xử, luật sư T. đã làm đơn tố cáo cho rằng
hội đồng xét xử đã ra bản án trái pháp luật. Ngoài ra, luật sư T. cũng
làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên sau đó, theo TAND tỉnh Bình Thuận, khi tòa
này hai lần mở phiên phúc thẩm, triệu tập luật sư T. thì cả hai lần ông
này đều vắng mặt như ở phiên sơ thẩm nên phiên tòa phải hoãn. Tới đây,
căn cứ vào khoản 2 Điều 60 và Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự, dù luật
sư T. có đến dự hay không thì TAND tỉnh Bình Thuận vẫn xét xử phúc thẩm.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment