Wednesday, January 1, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG: LÀM MẤT HÀNH LÝ CỦA KHÁCH, VIETNAM AIRLINES CHỈ PHẢI ĐỀN … 3 USD?

TRỌNG MẠNH – TRUNG DUNG
Sáng ngày 16/9/2008, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ bà Trương Hoàng Vy kiện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) yêu cầu bồi thường hơn sáu triệu đồng giá trị tài sản bị mất và xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng ba kỳ liên tiếp.
Vietnam Airlines chịu trả 120 USD
Bà Vy là hành khách trên chuyến bay số hiệu VN 2366 từ TP.HCM đi Hà Nội vào đêm 9-10-2007, có gửi túi hành lý trọng lượng 6 kg. Trong quá trình đưa hành lý ra băng chuyền vận chuyển, túi xách của bà Vy bị rách. Bà Vy bị mất máy ảnh Canon A540, bộ sạc pin và một số thẻ nhớ chứa dữ liệu phục vụ công tác.
Bộ phận hành lý của sân bay Tân Sơn Nhất thông báo sẽ giải quyết sự việc tại sân bay Nội Bài (nơi đến). Tại sân bay Nội Bài, đại diện Vietnam Airlines lập biên bản ghi nhận làm rách túi hành lý của bà Vy, vết rách dài 35-40 cm, trọng lượng hành lý còn 5,85 kg. Bà Vy đã làm thủ tục khai báo số hành lý bị mất. Vietnam Airlines hẹn sẽ thông báo cho bà việc bồi thường sau.
Hơn 20 ngày trôi qua, bà Vy không nhận được hồi âm từ Vietnam Airlines nên gửi thư yêu cầu Vietnam Airlines trả lời. Ngày 30-10-2007, Vietnam Airlines có công văn trả lời rằng theo quy định của Vietnam Airlines và Luật Hàng không thì mức giới hạn trách nhiệm cho hành lý ký gửi là 20 USD/kg trong trường hợp bị mất hoặc thiếu hụt trọng lượng. Trường hợp của bà Vy, Vietnam Airlines đồng ý bồi thường với mức giới hạn trách nhiệm tối đa là 120 USD (6 kg x 20 USD/kg). Không chấp nhận, bà Vy khởi kiện ra TAND quận Tân Bình đòi bồi thường gần 6,2 triệu đồng.
Tòa chỉ buộc bồi thường ba USD
Tại phiên xử hôm qua, đại diện Vietnam Airlines nói Vietnam Airlines nhận thấy việc này đã đem lại nhiều phiền toái cho bà Vy nên quyết định bồi thường 120 USD dù trọng lượng hành lý bị thất lạc chỉ nặng 150 g. Còn việc bà Vy yêu cầu phải xin lỗi ba kỳ liên tục trên báo thì Vietnam Airlines không chấp nhận vì đây là tranh chấp về tài sản, không xâm phạm uy tín, danh dự của bà. Tuy nhiên, đại diện Vietnam Airlines cũng ngỏ lời xin lỗi và chia sẻ với những thiệt hại đã gây ra cho bà Vy.
Về phần mình, bà Vy cho biết: “Vietnam Airlines làm mất tài sản của tôi thì phải bồi thường là đương nhiên. Chiếc máy ảnh Canon A540, bộ sạc pin và một số thẻ nhớ, túi xách… có giá gần 6,2 triệu đồng nên đề nghị tòa buộc bị đơn phải bồi thường đúng số tiền đó”. Về yêu cầu Vietnam Airlines xin lỗi, bà Vy cho biết vì “tức cung cách phục vụ không tốt” của Vietnam Airlines. Trên thực tế, việc Vietnam Airlines làm mất tài sản gây thiệt hại lớn cho bà. Ngoài các vật dụng, toàn bộ thông tin, dữ liệu lưu trữ trong các thẻ nhớ để phục vụ cho chuyến công tác bị mất khiến bà không làm được việc, gây tổn hại uy tín của bà với đối tác. Vietnam Airlines lại giải quyết sự việc không hợp lý, viện dẫn những quy định chung chung, không phù hợp pháp luật dân sự để làm cơ sở bồi thường cho những thiệt hại vật chất và tinh thần của bà.
Cuối cùng, tòa nhận định: Việc túi xách của bà Vy bị rách và mất tài sản là có thật. Lúc gửi hành lý túi nặng 6 kg, lúc cân lại còn 5,85 kg, tức trọng lượng bị mất là 150 g. Lấy 150 g x 20 USD/kg thì Vietnam Airlines phải bồi thường ba USD (khoảng hơn 49 ngàn đồng). Ngoài ra, giá trị chiếc túi xách bị rách trị giá 400 ngàn đồng. Tổng cộng, Vietnam Airlines chỉ phải trả hơn 449 ngàn đồng. Cạnh đó, theo tòa, việc Vietnam Airlines làm mất tài sản không xâm phạm đến uy tín, danh dự của bà Vy nên không phải xin lỗi.
Sau phiên xử, bà Vy cho biết sẽ kháng cáo và đeo đuổi vụ kiện tới cùng.
Luật sư Phạm Tấn Thắng (Đoàn luật sư TP.HCM), người bảo vệ quyền lợi của bà Vy:
Phải bồi thường bằng giá trị thực tế
Vietnam Airlines dựa vào Luật Hàng không để đưa ra mức bồi thường 120 USD. Thế nhưng theo Điều 161, Điều 162 Luật Hàng không, bên vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường cho người gửi hàng hóa, giá trị bồi thường hành lý xách tay bị mất là “bằng giá trị tài sản thực tế” chứ không phải quy đổi số kg hành lý bị mất thành tiền.
Ngoài ra, Vietnam Airlines thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách còn bị Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Điều 593 bộ luật này cũng quy định bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo tôi, căn cứ vào Luật Hàng không và Bộ luật Dân sự, Vietnam Airlines phải bồi thường bằng giá trị thực tế cho hành khách.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=227941

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code