Wednesday, January 1, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ: BÁC SĨ PHÁP KIỆN BỆNH VIỆN VIỆT – PHÁP

K. NGỌC
Ngày 26/12, nguyên đơn là bác sĩ Philippe Leon (quốc tịch Pháp) đã khởi kiện Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội vì đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa 2 bên vào ngày 27/2/2002 với mức bồi thường lên tới 39.000 USD.
Theo đơn khởi kiện ngày 9/7 gửi Toà dân sự TAND TP Hà Nội của bác sĩ Philippe Leon thì: Đầu năm 2003, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã bùng phát tại Việt Nam mà khởi đầu từ Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội. Các bác sĩ người Pháp của bệnh viện đều được triệu tập về nước. Riêng bác sĩ Leon đã ở lại bệnh viện để chăm sóc một số bác sĩ đồng nghiệp và các bệnh nhân bị nhiễm SARS đang điều trị tại bệnh viện. Sau đó, chính bản thân bác sĩ Leon cũng bị nhiễm SARS nhưng may mắn là một trong 2 bác sĩ người Pháp trong số 5 bác sĩ người Pháp bị nhiễm SARS đã được điều trị khỏi bệnh.
Ngày 4/3/2003, khi đang ở giai đoạn cuối của đợt cách ly kiểm dịch trong quá trình điều trị bệnh SARS thì giữa bác sĩ Leon và một bảo vệ của bệnh viện là ông Nguyễn Mai Lâm đã xảy ra một cuộc cãi vã vì ông Lâm kiên quyết ngăn cản một người bạn Việt Nam của bác sĩ Philippe Leon đến bệnh viện.
Sau khi xảy ra sự việc, tháng 8/2003, bác sĩ Leon bị chấm dứt hợp đồng vì cho rằng cuộc cãi vã giữa bác sĩ Philippe Leon và ông Nguyễn Mai Lâm là… một lỗi nghề nghiệp! Trong khi đó, bác sĩ Leon cho rằng, tại thời điểm xảy ra cuộc cãi vã, ông đang là một bệnh nhân và đang được điều trị bệnh, chứ không phải là một bác sĩ X-quang đang hành nghề.
Trong đơn khởi kiện, bác sĩ Leon đề nghị Hội đồng xét xử Toà dân sự TAND TP Hà Nội xác nhận mình đã không phạm bất kỳ lỗi nghề nghiệp nào trong suốt quá trình hành nghề của mình tại Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội.
Tiếp theo, bác sĩ Leon đề nghị Hội đồng xét xử buộc Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ ngày 27/2/2002 với mình. Cuối cùng, bác sĩ Leon yêu cầu Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội bồi thường tổng số tiền là hơn 39.000 USD.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Bản, Phó tổng giám đốc bệnh viện Việt – Pháp, người đại diện cho bệnh viện Việt – Pháp trong vụ kiện này lại cho rằng: Nguyên tắc của bệnh viện Việt – Pháp là khi bệnh nhân đang ở trạng thái cách ly thì cấm không ai được tiếp xúc. Ngày 4/3/2003, vì người bạn Việt Nam của bác sĩ Leon đến thăm nhưng bị bảo vệ kiên quyết từ chối nên giữa bác sĩ Leon và nhân viên bảo vệ đã có cuộc cãi vã rất căng thẳng, bác sĩ Leon đã có hành vi hà hơi vào mặt nhân viên bảo vệ mà lúc đó, bác sĩ Leon chưa khỏi hẳn bệnh SARS. Còn việc ký hợp đồng dịch vụ giữa bệnh viện Việt -Pháp với bác sĩ Leon thì không có gì sai cả, mỗi năm 2 lần bác sĩ Leon từ Pháp sang Việt nam để làm việc, nay không ký hợp đồng dịch vụ nữa thì Việt- Pháp cũng không có gì sai trái cả.
Vụ việc này cũng đã được đưa ra toà lao động, song qua xem xét hồ sơ, toà lao động cho rằng đây chỉ là hợp đồng dịch vụ giữa bệnh viện Việt – Pháp và bác sĩ Leon nên đã chuyển sang toà dân sự thụ lý.
Theo dự kiến, ngày 30/12, phiên toà sẽ được mở lại.
K.Ngọc
——————————————————————————————————————-
Sau một ngày xét xử vụ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng dịch vụ của bác sĩ người Pháp Phillipe Leon kiện bệnh viện Việt – Pháp (BVVP) vì đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự, chiều qua, TADN TP Hà Nội đã bác đơn kiện của bác sĩ Leon.
Trong các phần xét hỏi, tranh luận, nguyên đơn là bác sĩ Leon cũng như luật sư bào chữa cho quyền lợi của bác sĩ này đã trình bày: Xuất phát từ việc công ty mẹ của BVVP là Eukaria có ký 2 hợp đồng hành nghề độc quyền năm 1997 và hợp đồng thoả thuận góp vốn năm 1998 với bác sĩ Leon bởi lẽ ông Leon đã đóng 25.000 USD để xây dựng BVVP tại Việt Nam. Việc đóng cổ phần xây dựng này còn có 279 bác sĩ Pháp, mỗi người đóng từ 25.000 đến 27.000 USD. Vì vậy, BVVP đã ký hợp đồng dịch vụ với bác sĩ Leon từ năm 2002 đến khi bác sĩ này nghỉ hưu với cương vị là bác sĩ chuyên khoa X-quang. Trung bình mỗi năm 2 lần, mỗi lần 6 tuần.
Tuy nhiên, từ sau dịch SARS, tháng 8/2003, bác sĩ Leon không được BVVP mời sang làm việc theo đúng lịch trình của đoàn bác sĩ thực hành Pháp theo hợp đồng dịch vụ. Việc làm này của bệnh viện Việt – Pháp là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với ông Leon và đã làm tổn thất về tinh thần cũng như vật chất cho bác sĩ Leon. Vì vậy, sau 1 năm đi lại nhiều lần thương lượng không có kết quả, bác sĩ Leon đã có đơn kiện gửi TAND TP Hà Nội can thiệp, đòi bồi thường hơn 900 triệu đồng.
Đại diện phía bị đơn là ông Võ Văn Bản, Phó TGĐ bệnh viện Việt – Pháp cùng luật sư thì cho rằng: Việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa BVVP với bác sĩ Leon không liên quan đến 2 hợp đồng mà bác sĩ Leon ký với công ty mẹ là Eukaria và ông cũng không quan tâm đến công ty Eukaria vì công ty mẹ của BVVP là công ty IMC ở Austraylia. Vì vậy việc ký hợp đồng dịch vụ với bác sĩ Leon là hoàn toàn do BVVP quyết định và có bệnh viện chỉ mời bác sĩ Leon sang Việt Nam làm việc khi cần thiết, còn khi không cần thì không mời. Hiện nay, bệnh viện đã có một bác sĩ Việt Nam chuyên khoa X-quang nên không cần thiết phải mời bác sĩ Leon, còn hợp đồng dịch vụ giữa bệnh viện và bác sĩ Leon vẫn còn hiệu lực, chứ không bị đơn phương chấm dứt như bên nguyên đơn trình bày.
Qua việc trình bày của 2 bên, cuối buổi chiều nay, chủ toạ phiên dân sự, thẩm phán Đào Thị Thành đã bác đơn kiện của bác sĩ Leon với các lý do: Căn cứ vào điều 1, khoản 2 của hợp đồng dịch vụ thì khi cần đến nghiệp vụ của bác sĩ thì sẽ mời. Còn 2 hợp đồng thoả thuận góp vốn và hợp đồng hành nghề độc quyền của bác sĩ Leon với công ty Eukaria không thể hiện sự liên quan với hợp đồng dịch vụ nên không được xét đến tại phiên toà này. Các khoản chi phí khác, BVVP đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với bác sĩ Leon nên không phải bồi thường khoản nào từ khi bác sĩ Leon không được mời sang làm việc tại Việt Nam. Bác sĩ Leon còn phải nộp 26 triệu án phí toà dân sự sơ thẩm.
Kết thúc phiên toà, bác sĩ Leon bày tỏ sự thất vọng và cho biết sẽ tiếp tục kháng án. Còn bác sĩ Beltrando, tổng thư ký Đoàn bác sĩ thực hành Pháp có mặt tại phiên toà bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai của mình vì tôi cũng như bác sĩ Leon đã đóng cổ phần vào BVVP và rồi cuối cùng lại không được mời sang làm việc theo đúng hợp đồng là không công bằng”.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code