Wednesday, January 1, 2014

TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG: BỎ VIỆC, PHẢI TRẢ CÔNG ĐÀO TẠO?

VĂN ĐOÀN
Tòa cho rằng vì vi phạm hợp đồng đã ký kết nên người lao động phải hoàn trả cho công ty chi phí đào tạo.
Ngày 23-9, trong phiên xử vụ án đòi bồi thường chi phí đào tạo giữa Công ty Chuyên Việc Promaids ở TP.HCM và bà T. – nhân viên cũ của công ty, TAND quận 4 đã xử cho nguyên đơn thắng kiện. Số tiền thua kiện tuy không lớn nhưng bài học kinh nghiệm rút ra cho nhiều người từ vụ án này lại không nhỏ.
Tại tòa, đại diện Công ty Chuyên Việc cho biết: Tháng 9-2007, bà T. ký cam kết một hợp đồng đào tạo với công ty. Theo đó, công ty có nhiệm vụ đào tạo lý thuyết kỹ năng chăm sóc người già, người bệnh cho bà T. trong thời gian hai tuần tại Bình Dương. Sau đó, bà T. được thực tập ba tuần tại bệnh viện. Tháng 11-2007, sau khi được đào tạo xong, bà T. đã ký hợp đồng làm việc với công ty trong thời hạn một năm. Tất cả điều kiện mà công ty đưa ra trong hợp đồng đều được bà T. chấp nhận và bà đã đồng ý ký tên. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, bà T. đã nhiều lần vi phạm hợp đồng. Đến đầu tháng 7-2008, bà T. nộp đơn xin nghỉ việc trước thời hạn nhưng không có lý do chính đáng. Sau đó, bà T. đã tự ý nghỉ việc và còn đòi công ty phải trả cho bà khoản tiền công cho những ngày bà đã làm việc. Công ty đã ký quyết định sa thải và yêu cầu bà T. phải bồi thường chi phí đào tạo cho công ty nhưng bà không chấp nhận. Nay công ty kiện đòi bà T. phải trả lại cho công ty 2,5 triệu đồng chi phí đào tạo.

Bà T. cho biết: Lúc đầu, Công ty Chuyên Việc quảng cáo trên báo là sẽ đào tạo miễn phí. Nhưng trong thời gian học việc, công ty này lại đưa ra bản cam kết đào tạo để bà ký tên. Trong quá trình làm việc, bà không được công ty đối xử tốt. Bà phải làm việc, chăm sóc người già, người tâm thần rất cực khổ, lại làm việc vào ban đêm. Một tháng bà chỉ được nghỉ hai ngày khiến sức khỏe của bà bị ảnh hưởng. Vào lễ, Tết, công ty cũng không bồi dưỡng gì thêm… Nay bà không đồng ý bồi thường cho công ty, đồng thời bà đòi công ty phải trả cho bà khoản tiền công của hơn 20 ngày còn lại.
Chủ tọa hỏi: “Công ty có thể giảm bớt số tiền đòi bồi thường chi phí đào tạo cho bà T. hay không?”. Đại diện công ty dứt khoát: “Không!”. Theo vị này, số tiền đòi bồi thường không lớn và bà T. cần phải chịu trách nhiệm vật chất đối với các vi phạm của mình.
Tòa nhận định, bà T. đã tự nguyện ký hợp đồng lao động, chấp nhận các điều kiện làm việc cụ thể do công ty đưa ra. Trong quá trình làm việc, bà T. không khiếu nại, thắc mắc gì về chế độ làm việc cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Lý do bà T. đưa ra để chấm dứt hợp đồng lao động không có cơ sở. Cho nên việc bà T. tự ý nghỉ việc là vi phạm hợp đồng đã cam kết với công ty. Tòa buộc bà T. phải bồi thường cho Công ty Chuyên Việc 2,5 triệu đồng tiền chi phí đào tạo. Ngược lại, công ty phải trả cho bà T. 20 ngày công làm việc là gần một triệu đồng.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code