THS. CAO MINH NGHĨA & THS. NGUYỄN THỊ HOÀNG MỸ
Cuộc khủng hoảng kinh
tế toàn cầu hiện nay dẫn đến việc mô hình kinh tế tư bản tự do bị lên án
mạnh mẽ tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới, kể cả những người từng ủng hộ
mạnh mẽ nhất. Chuyên gia kinh tế Francis Fykuyama giảng dạy tại đại học
John Hopkins, xem đây là “sự sụp đổ của mô hình kinh tế Mỹ” và “sự cáo
chung của các học thuyết Reagan và Thatcher” (theo: Asiaweek, 13/10/2008).
Một số nhà phân tích và dư luận Mỹ đang nói đến việc
Mỹ quay trở lại học thuyết Keynes và mô hình kinh tế “tân chính sách”
dưới thời Tổng thống F.D.Roosvelt thời kỳ 1933-1939, hoặc theo mô hình
dân chủ xã hội giống như các nước Đức, Pháp hoặc tìm mô hình khác với
tên gọi mới như “chủ nghĩa tư bản có kiểm soát”, hay “chủ nghĩa tư bản
có phòng vệ”, hay “chủ nghĩa tư bản sáng tạo”. Theo George Soros “… đặc
điểm nổi bật của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là nó không xuất
phát từ cú sốc bên ngoài nào đó…. Chính hệ thống hiện thời tự thân nó
tạo ra cuộc khủng hoảng này”.
Tờ nhật báo Pháp Le Monde, đã trích dẫn quan điểm của
nhà trí thức, triết gia người Slovania Slavoj Zizek, một người thường
xuyên thuyết trình tại các đại học Mỹ về cuộc khủng hoảng hiện nay “chủ
nghĩa tư bản cần được xét lại một cách triệt để” vì “người ta từng lên
án sự can thiệp của Nhà nước, xem đó là trở ngại cho sự vận hành của một
nền kinh tế thị trường, trừ phi sự can thiệp đó là để phục vụ cho hệ
thống tư bản”.
1. Đặc trưng của mô hình:
Chỉ tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, trên nền tảng của
cùng một phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thế giới đã trải qua 3
giai đoạn: chủ nghĩa tự do cổ điển trước đại khủng hoảng kinh tế giai
đoạn 1929-1933, chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai; chủ nghĩa tư
bản "nhân dân" của học thuyết Keynes từ năm 1950 đến 1975 và chủ nghĩa
tự do mới từ cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 cho đến nay. Tương
ứng với ba hình thái đó là ba hình thức Nhà nước: Nhà nước mạnh; Nhà
nước phúc lợi can thiệp và Nhà nước tối thiểu thu hẹp cả chức năng kinh
tế lẫn chức năng xã hội.
Mặc dù, cuộc khủng hoảng năm 1974 do tăng trưởng
thấp, lạm phát cao làm tiền đề cho thời cơ của chủ nghĩa tự do mới nhưng
bước ngoặt chỉ đến từ năm 1979 khi ở Anh, bà Margaret Thatcher lên nắm
quyền. Đây là chính phủ tư bản phát triển đầu tiên công khai cam kết áp
dụng chủ nghĩa tự do mới trong hoạt động thực tiễn. Một năm sau (năm
1980), Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Mỹ thì thập kỷ tự do mới
bắt đầu hình thành ở Mỹ. Kinh tế Mỹ đã trải qua một cuộc tái cơ cấu sâu sắc ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tái cơ cấu tự do mới đó tập trung vào biến đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, kéo theo việc hạn
chế sử dụng chi tiêu của Chính phủ và đánh thuế để điều hòa chu kỳ kinh
doanh, nới lỏng hoặc hủy bỏ điều tiết của Chính phủ đối với hành vi của
tư bản trong các lĩnh vực trong nước và quốc tế, tư hữu hóa các doanh
nghiệp nhà nước và tiện ích công, cắt giảm mạnh ngân sách cho các chương
trình xã hội. Sự tái cơ cấu đó được gọi là “tự do mới” bởi nó là một
hình thái được cập nhật và cực đoan hơn của lý thuyết kinh tế “tự do cổ
điển” do Adam Smith và David Ricardo phát triển trong thế kỷ XVIII và
XIX, với lập luận rằng nền kinh tế tư bản chủ yếu tự điều tiết thông qua
hoạt động của các lực lượng thị trường.
Chủ nghĩa tự do mới ngày nay có quy mô rộng lớn hơn
do sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã
làm cho các dân tộc gần với nhau hơn và do toàn cầu hóa cùng với hội
nhập quốc tế đang diễn ra trên một phạm vi rộng hơn với cường độ mạnh
mẽ hơn.
2. Những ưu điểm và nhược điểm của mô hình:
2.1. Ưu điểm:
Sự thắng lợi của nền kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới
được minh chứng bằng sự thăng hoa của kinh tế Mỹ nửa sau thập kỷ 90 với
tăng trưởng kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp khá thấp và ít lạm phát, sản
lượng và năng suất cao hơn.
Mô hình kinh tế tự do mới đề cao vai trò cá nhân.
Thật vậy, một xã hội muốn phát triển thịnh vượng trước hết phải phát huy
tính độc lập, sáng tạo của mọi cá nhân và muốn làm được như vậy phải có
một môi trường xã hội tự do, thông thoáng. Sự can thiệp quá sâu của Nhà
nước có thể dẫn đến tình trạng mất đi tự do và khả năng tự chủ, sáng
tạo của cá nhân. Chính sách kinh tế dựa trên tư tưởng thị trường tự do
với yếu tố chủ đạo của tư tưởng này là cần hạn chế vai trò của Chính phủ
và thay thế bằng các lực lượng thị trường.
Mô hình kinh tế tự do mới giúp tăng tính cạnh tranh
cao giữa các doanh nghiệp dẫn đến nền sản xuất sẽ hiệu quả hơn, hàng hóa
sẽ đa dạng và phong phú hơn.
Mô hình kinh tế tự do mới giúp cho đồng vốn lưu thông
dễ dàng hơn. Điều đó giúp cho các nước đang phát triển thu hút được
nhiều vốn đầu tư từ đó hấp thu, tiếp cận nhanh hơn với khoa học – công
nghệ cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho dân bản xứ đồng thời nâng
cao thu nhập, mức sống người dân.
2.2. Nhược điểm
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, mô hình
kinh tế tự do mới không thể tránh khỏi những hạn chế nghiêm trọng. Mô
hình kinh tế tự do mới làm cho các nước dễ tổn thương trước việc đồng
vốn bỏ đi nơi khác, đồng tiền không ổn định và do đó làm cho cả nền kinh
tế cũng trở nên bấp bênh, nếu không có sự giám sát chặt chẽ của Nhà
nước.
Mô hình kinh tế tự do mới dẫn đến nền tài chính mong
manh và khủng hoảng bằng cách tạo nên đầu cơ thay vì một nền kinh tế
hướng mạnh vào sản xuất, làm cho kinh tế đình đốn và bất bình đẳng thêm
trầm trọng.
Chủ nghĩa tự do mới tạo nên một tầng lớp tư sản rất
giàu – một tầng lớp mại bản – có thu nhập, tài sản và quyền lực chính
trị tại các nước đang phát triển. Chủ nghĩa tự do mới làm tăng vị thế
mặc cả của tư bản đối với lao động. Cải cách tài chính tự do mới ngăn
cản các chính sách tiến bộ. Các nước đang phát triển gặp khó khăn trong
việc thi hành những chính sách kinh tế và xã hội độc lập.
Cụ thể, chủ nghĩa tự do mới áp dụng ở các nước châu
Mỹ Latinh đã gây ra những hậu quả tiêu cực rõ rệt, như cắt giảm chi phí
của Nhà nước cho phúc lợi xã hội, giảm thu nhập của công nhân; tư nhân
hóa hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước; làm hàng chục nghìn doanh nghiệp
nhỏ phá sản; tài nguyên quốc gia lọt vào tay tư bản nước ngoài.
3. Bài học kinh nghiệm cho sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế Việt Nam:
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định phương châm “Việt
Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước và tổ chức quốc tế trên cơ sở
tôn trọng độc lập và chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi”. Là nước
đi sau do những hoàn cảnh lịch sử, chúng ta rất xem trọng học tập và
tiếp thu những thành tựu của các quốc gia đi trước một cách có chọn lọc
và vận dụng thích hợp với tình hình thực tế của nước ta. Vì vậy, trước
những luận thuyết kinh tế mới chúng ta phải thận trọng cân nhắc, biết
chọn lọc cái đúng, gạt bỏ cái sai, không phủ định hết cũng không học tập
một cách giáo điều.
Khi chủ nghĩa tự do mới hối thúc tư hữu hóa, Nhà nước
Việt Nam chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua
lỗ. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam vừa hợp tác vừa cạnh tranh với
các doanh nghiệp tư bản nước ngoài nên cần giảm mạnh những doanh nghiệp
nhỏ, thua lỗ và tập trung hơn vào các ngành và lĩnh vực then chốt. Doanh
nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò nồng cốt trong toàn bộ nền kinh tế
đất nước, đáp ứng cơ bản những yêu cầu về quốc phòng và an ninh, về
những dịch vụ công ích hướng về người nghèo. Nhà nước giữ cổ phần chi
phối trong những doanh nghiệp quan trọng với quốc kế dân sinh. Chúng ta
cổ phần hóa chứ không tư hữu hóa, kiên quyết chống lại những khuynh
hướng lệch lạc nhằm biến cổ phần hóa thành tư hữu hóa. Chủ nghĩa xã hội
dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, chứ không dựa trên
chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất.
Khi chủ nghĩa tự do mới ráo riết đòi “người sử dụng
phải trả tiền” hoặc chính sách “thu hồi chi phí”, Nhà nước Việt Nam đã
có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và rất xem trọng chính
sách đối với người nghèo. Hàng loạt các chương trình đã ra đời và đi vào
cuộc sống như xây dựng nhà tình thương cho người nghèo không đủ tiền để
xây nhà; xây dựng nhà tình nghĩa cho người thân của các liệt sĩ đã hy
sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; khám chữa bệnh miễn phí đối với trẻ
em dưới 6 tuổi; giảm 50% học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường
đối với những học sinh bị khuyết tật; miễn 100% học phí và các khoản
đóng góp xây dựng trường đối với những học sinh bị khuyết tật thuộc diện
hộ nghèo; học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo; học sinh mồ côi
cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ mà người còn lại không đủ khả năng nuôi
dưỡng; học sinh bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng. Đó là những cố gắng
hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho những học sinh
nghèo trong hoàn cảnh một nước nghèo như Việt Nam mà chuẩn nghèo mới đối
với khu vực thành thị là những hộ có thu nhập bình quân dưới 260.000
đồng/người/tháng (trước đây là 150.000 đồng/người/tháng); đối với khu
vực nông thôn là dưới 200.000 đồng/người/tháng (trước đây là 80.000 –
100.000 đồng/người/tháng).
Khi chủ nghĩa tự do mới muốn lôi cuốn Việt Nam vào
nền kinh tế thị trường không hạn chế, tất cả để cho “bàn tay vô hình của
thị trường” xếp đặt, Nhà nước ta chủ trương một nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Khi chủ nghĩa
tự do mới lấy cạnh tranh làm động lực duy nhất, Nhà nước ta chủ trương
nâng cao sức cạnh tranh đi đôi với đoàn kết và thi đua xã hội chủ nghĩa,
không phải là cạnh tranh bóp chết đối thủ để tìm kiếm siêu lợi
nhuận. Khi chủ nghĩa tự do mới hối thúc tư hữu hóa dịch vụ xã hội, Nhà
nước ta khuyến khích tăng cường các dịch vụ cho người nghèo thông qua
đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục đào
tạo.
Khi chủ nghĩa tự do mới đòi hỏi “lao động linh hoạt”
buộc công nhân làm thêm 400 – 500 giờ một năm, Nhà nước ta nhận thấy làm
thêm cũng là cần thiết trong sản xuất thời vụ hoặc khi đến thời điểm
giao hàng… nhưng khống chế trong phạm vi 200 giờ một năm đi kèm trả công
làm thêm và các chế độ khác. Người lao động trong các doanh nghiệp bị
phá sản mà có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo mức lương cũ và
được điều chỉnh tăng thêm 10%.
Khi chủ nghĩa tự do mới yêu cầu tự do hóa lĩnh vực
tài chính – ngân hàng, Nhà nước ta rất thận trọng bởi đây là vấn đề sinh
tử của quốc gia. Ngân hàng Sài Gòn thương tín (SACOMBANK) đang đàm phán
với Ngân hàng ANZ về các khoản chi tiết trước khi ký hợp đồng chính
thức sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho SACOMBANK bán
10% cổ phần cho ANZ. Ngân hàng này sẽ là cổ đông nước ngoài thứ ba sở
hữu cổ phần của SACOMBANK sau Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Công ty
quản lý quỹ DRAGON CAPITAL. Những trường hợp bán cổ phần của Ngân hàng
Ngoại thương (VIETCOMBANK) và Ngân hàng đồng bằng sông Cửu Long đã được
nghiên cứu rất kỹ trước khi có quyết định.
4. Nhận xét chung:
Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là hình
thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
có sự quản lý của Nhà nước. Chủ trương này dựa trên quan điểm “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng một Nhà nước vì dân, một
nền kinh tế công bằng, một xã hội không còn đói nghèo, dốt nát và kém
văn hóa. Đây là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam hướng tới chứ không phải
một kiểu tự do hại người lợi mình, cạnh tranh không lành mạnh, lấy bất
bình đẳng làm động lực của phát triển, lấy thị trường làm thống soái,
đặt cá nhân quyền thế và giàu sang lên trên hết.
Tài liệu tham khảo
1. TS.Đinh Sơn Hùng – Sách tham khảo ”Những vấn đề cơ bản của các lý thuyết kinh tế” – Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh – năm 1993.
2. Nguyễn Văn Thanh – Sách tham khảo ”Nhận diện chủ nghĩa tự do mới” – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội – năm 2005.
3. Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
4. Thời báo Kinh tế Việt Nam.
5. Các tin tức trên TuanVietnam – Vietnamweek – Asiaweek.
SOURCE: BẢN TIN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI SỐ THÁNG 12 NĂM 2009, VIÊN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TPHCM
0 comments:
Post a Comment