Wednesday, October 16, 2013

TRANH CHẤP VỀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON: NHẬN NGƯỜI ĐÃ CHẾT LÀ CHA

NGUYÊN TRƯỜNG
Năm 1955, khi mẹ bà C. đang mang thai với ông T. được ba tháng thì hai người phát sinh mâu thuẫn. Sau đó, mẹ bà C. lấy chồng khác. Đến khi sinh ra bà C., do gia đình chồng sau không biết bí mật trên nên đã khai sinh cho bà C. là con ruột.
Chưa kịp làm thủ tục nhận cha
Đến năm 1975, mẹ bà C. mới cho con gái biết sự thật. Song bà ấy không cho C. nhận cha vì bà còn giận chồng cũ và ngại mất danh dự với chồng sau. “Chính vì lý do này tôi chưa thể làm thủ tục nhận cha đẻ của mình dù trong lòng rất muốn” – bà C. giãi bày.
Kể từ đó, bà C. lén lút mẹ tới lui thăm nom, chăm sóc cha đẻ. Họ hàng của ông T. (trong đó có em gái ruột duy nhất còn lại của ông T.) cũng nhìn nhận bà C. là con đẻ của ông T.
Sau khi mẹ mất, bà C. cũng dự định làm thủ tục nhận cha nhưng lần lựa một thời gian thì ông T. qua đời. Hung tin ập đến khi một người cháu kêu ông T. bằng bác ruột khăng khăng bà “C. không phải là con đẻ của ông T.”. Thì ra, người cháu này muốn loại bà C. ra rìa trong “cuộc chiến” phân chia di sản của ông T. để lại. Không đồng ý, bà C. đã gửi đơn đến UBND xã Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre) và được nơi đây ra quyết định công nhận bà là con đẻ của ông T.
Người cháu đã khiếu nại quyết định này. Bấy giờ, UBND thị xã Bến Tre đã ra quyết định hủy quyết định công nhận nêu trên của UBND xã với lý do “bà C. chưa đủ điều kiện đăng ký việc nhận cha, con (do có tranh chấp); không có giấy tờ, đồ vật và các chứng cứ khác làm cơ sở chứng minh quan hệ cha con”.

Lần này, bà C. đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND thị xã Bến Tre hủy quyết định của UBND thị xã. Xử sơ thẩm, TAND thị xã Bến Tre đã cho bà C. thắng kiện. Chừng xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre lại xử cho bà C. thua kiện.
Ai có thẩm quyền giải quyết?
Theo nhận định của TAND tỉnh Bến Tre, việc UBND xã Mỹ Thạnh An ra quyết định công nhận ông T. là cha của bà C. trái với quy định nêu tại khoản 2 Điều 32, khoản 2 Điều 34 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ.
Theo các quy định này, khi cha, mẹ đã chết, nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp thì trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Ở trường hợp cụ thể này, do có tranh chấp của người cháu nên việc công nhận cha cho con không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã mà là của tòa án. Như vậy, muốn được công nhận cha cho con, bà C. phải khởi kiện ra TAND thị xã Bến Tre để được xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, theo tờ trình của UBND xã Mỹ Thạnh An gửi TAND tối cao để yêu cầu nơi đây xem xét lại bản án phúc thẩm thì “xã có quyền giải quyết vụ việc”. Trước đó, khi xác minh đơn khiếu nại của người cháu ông T. về việc công nhận cha con của UBND xã Mỹ Thạnh An, Phòng Tư pháp thị xã Bến Tre và Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cũng đề xuất UBND thị xã Bến Tre bác đơn của người cháu. Theo nhận định của hai cơ quan này, người cháu không có tư cách khiếu nại bởi việc tranh chấp bà C. có phải con đẻ của ông T. hay không (nếu có) là chuyện của người em ông T. vì việc này có liên quan đến quyền lợi của bà. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chủ tịch UBND thị xã Bến Tre phê chuẩn…
Trước đây, Báo Pháp Luật TP.HCM có phản ánh một trường hợp được UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TP.HCM) ra quyết định công nhận cha con. Sau đó, vì có khiếu nại của người vợ đã ly hôn nên TAND quận Bình Tân đã xử hủy quyết định công nhận với các lý do: Có tranh chấp; người cha đã mất tại thời điểm làm thủ tục; không có cơ sở khoa học xác định đứa trẻ là con.
Xem ra khi muốn nhận người đã chết làm cha (mẹ) mà có tranh chấp, các đương sự nên khởi kiện ra TAND cấp huyện để được giải quyết dứt dạt.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code