Wednesday, October 9, 2013

TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: KHUẤT TẤT QUANH VỤ LY HÔN 54 TỶ ĐỒNG

THANH LƯU – TÂM PHÚC
PHẦN 1
Sống chung 21 năm, có đăng ký kết hôn, có hai mặt con nhưng người vợ vẫn bị “đẩy” ra đường tay trắng…
TAND thị xã Tân An (Long An) vừa xử sơ thẩm một vụ ly hôn gây xôn xao dư luận địa phương vì chuyện “một ông ba bà” và tài sản tranh chấp lên tới 54 tỷ đồng.
Một ông ba bà
Năm 1977, ông B. chung sống không đăng ký kết hôn với bà T. tại xã Long Trì (Châu Thành). Mười năm sau, khi đã có với nhau hai mặt con, ông B. bỏ lên thị xã ăn ở với bà K. Hai người sống tại nhà cha mẹ bà K., năm năm sau mới ra ở riêng.
Năm 1995, ông B. cùng một nhóm bạn đi buôn gỗ ở Campuchia. Sau hai năm, ông thành một đại gia ở thị xã Tân An. Cùng năm này, ông và bà K. có với nhau đứa con thứ hai và mua một miếng đất ở một vị trí đẹp để xây khách sạn PN (đặt theo tên hai con chung của ông bà). Một năm trước, hai người đã ra phường làm giấy đăng ký kết hôn.

Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, đến năm 2000 họ tiếp tục xây thêm một khách sạn lớn tên PN 2 đối diện bên kia đường. Năm 2001, họ đã thành lập một công ty TNHH PN đứng tên chung của hai vợ chồng.
Thế rồi cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” xuất hiện khi ông B. quan hệ với người phụ nữ khác. Vì chuyện này, bà K. đã nhiều lần gửi đơn tố cáo chồng đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Cuối năm 2007, do không thể cứu vãn được quan hệ, bà K. đã gửi đơn lên TAND thị xã Tân An để xin ly hôn với ông B.
Sống chung 21 năm chỉ là… “cặp chơi” (!)
Trong vụ này, suốt quá trình tòa hòa giải giữa ông B. và bà K., người vợ trước của ông B. là bà T. hoàn toàn không tham gia nhưng tới khi tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xử, bà này lại đột nhiên xuất hiện, gửi đơn lên tòa đòi ông B. chia phần tài sản!
Theo bà T., thời còn chung sống bà dành dụm được 200 cây vàng và đã đưa cho ông B. đi làm ăn, nay biết ông B. và bà K. ly hôn nên muốn lấy lại phần tài sản này. Cạnh đó, bà còn khai rằng biết ông B. có vợ bé (tức bà K.) nhưng vẫn cam chịu cảnh chồng chung bấy lâu nay chứ không hề đoạn tuyệt quan hệ.
Về phần mình, sống với bà K. 21 năm nay và có hai mặt con nhưng tại tòa, ông B. vẫn bảo mình chỉ… “cặp chơi”, còn giấy đăng ký kết hôn thì chẳng qua do cần hộ khẩu thị xã để thuận tiện cho việc làm ăn. Ông còn bổ sung “chứng cứ quan trọng” là giấy xác nhận của UBND xã Long Trì (nơi bà T. sống) trước khi vụ án đưa ra xử 10 ngày, nội dung là ông vẫn còn chung sống như vợ chồng với bà T., thường xuyên về thăm nom, chăm sóc vợ con và vẫn hạnh phúc bình thường.
Trong khi đó, bà K. và gia đình khẳng định những công việc làm ăn của ông B. đều do một tay bà góp sức. Về việc công ty TNHH trước đây đứng tên của hai vợ chồng nhưng hiện chỉ còn một mình ông B. đứng tên thì người con chung của họ khẳng định đã bị ông B. ép ký thay mẹ để làm thủ tục sang tên.
Thế nhưng TAND thị xã Tân An chỉ dựa vào lời khai của ông B. và bà T. để công nhận hôn nhân thực tế giữa họ, tuyên hủy quan hệ hôn nhân giữa ông B. và bà K. Tòa cũng xét rằng khối tài sản hiện nay do một tay ông B. làm ra, bà K. không có đóng góp nào (?). Tài sản chung của ông B. và bà K. chỉ là hơn ba tỷ đồng doanh thu khách sạn từ năm 2001 đến 2007. Do ông B. có chứng cứ chứng minh bà K. giữ số tiền này nên bà K. phải trả lại một nửa…
“Đánh lận con đen”?
Như vậy, với phán quyết trên, bà K. không những phải ra đi tay trắng sau 21 năm làm vợ mà còn “ôm” thêm món nợ hơn 1,5 tỷ đồng cùng khoản án phí trên 200 triệu đồng.
Trong vụ này, một căn cứ để tòa công nhận hôn nhân thực tế giữa ông B. với bà T. là xác nhận của UBND xã Long Trì rằng ông B. vẫn còn chung sống như vợ chồng với bà T., thường xuyên về thăm nom, chăm sóc vợ con. Vậy mà khi phóng viên Pháp Luật TP.HCM làm việc với chủ tịch UBND xã Long Trì là ông Phan Văn Tèo, ông này lại bảo mình có xác nhận nhưng chuyện ông B. có sống chung với bà T. thật hay không thì ông không rõ!? Khi phóng viên trò chuyện với người con trai của ông B. và bà T., anh này khẳng định “ba không hề về ở với má tại nhà riêng”.
Về phần mình, bà T. trả lời là “vợ chồng hiện sống rất hạnh phúc”. Phóng viên chất vấn: “Ông B. sống với bà K. suốt 21 năm có tới hai mặt con, gần đây lại sống chung với người phụ nữ thứ ba mà bà vẫn nghĩ mình hạnh phúc hay sao?”. Bà T. nói: “Tôi an phận chịu đựng, miễn sao ông ấy chăm lo đầy đủ cho con cái và gia đình là hạnh phúc rồi”. Nói thế nhưng trong khi ông B. là đại gia thì theo ghi nhận của chúng tôi, trước đó bà T. vẫn ở trong một căn nhà tồi tàn, đi làm thuê đủ mọi việc để kiếm sống như nhổ cỏ, cấy lúa, ngắt đọt dưa…
Hiện bà K. đã làm đơn kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Long An xem xét lại bản án sơ thẩm. Khi đó, chắc chắn những điểm phi lý và bất thường trong vụ ly hôn này sẽ phải được cấp phúc thẩm làm rõ.
PHẦN 2
TAND tỉnh Long An cần xem lại bất thường từ việc cấp sơ thẩm gạt người vợ có đăng ký kết hôn của tỷ phú ra rìa.
Như chúng tôi đã phản ánh trên số báo trước (Phần 1 – Civillawinfor) đã bộc lộ một loạt khuất tất khi bà K. – người vợ thứ hai của ông B., sống chung 21 năm, có đăng ký kết hôn, có hai mặt con, bị “đẩy” ra đường tay trắng. Đã không được hưởng đồng nào từ khối tài sản 54 tỷ đồng, bà còn phải “gánh” món nợ gần hai tỷ đồng gồm tiền trả nợ cho ông B. và án phí.
Sống chung cả làng xã đều biết
Hôm qua, chúng tôi đã đến TAND thị xã Tân An, tìm gặp Chánh án Võ Văn Hiếu – chủ tọa phiên tòa nhưng ông này cương quyết không tiếp vì lý do bận họp. Nhiều lần chúng tôi gọi điện thoại cho một hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử cũng không ai nghe máy.
Sau phiên xử, bà K. về sống tại nhà con ở phường 4 trong tình trạng thần kinh căng thẳng, nhiều lúc không kiểm soát được suy nghĩ, lời nói. Nhiều người dân địa phương bày tỏ sự không đồng tình với phán quyết của tòa. Họ kể thời gian đầu ông B. chung sống với bà K. thì cảnh nhà rất cực khổ. Hàng ngày, bà K. đi bỏ mối thuốc lá còn ông B. ở nhà nuôi heo, chăm con. Lúc ông B. đi buôn gỗ bên Campuchia, lâu lâu còn đón vợ con đi theo làm cùng.
Các cán bộ UBND phường 4 đều biết về gia đình họ. Hội trưởng Hội phụ nữ phường cũng xác nhận họ sống với nhau từ lâu. Ông Đặng Văn Điệp, phụ trách Ban lao động thương binh xã hội của phường, nói biết rất rõ gia đình ông B. và bà K. vì là hàng xóm. Theo ông, đương nhiên họ là vợ chồng hợp pháp vì có đăng ký kết hôn, có con cái đàng hoàng, khỏe mạnh. Quá trình chung sống với nhau rất dài, cả làng, cả xã đều biết nên quyết định của tòa chưa thuyết phục. Ông Điệp lắc đầu: “Tôi cũng như nhiều người thấy rất tội nghiệp cho chị K. sau phiên tòa này”.
Bất thường…
Bất thường đầu tiên là việc tòa công nhận bà T.,vợ đầu của ông B., có hôn nhân thực tế với ông B., để từ đó bác quan hệ hôn nhân giữa ông B. và bà K.
Trước ngày tòa xử, bà này mới đột nhiên xuất hiện, khai rằng 21 năm trước, bà có đưa cho ông B. 200 cây vàng để làm ăn, nay đến để đòi phần. Người ta không thể không đặt câu hỏi: Có phụ nữ nào đưa hàng trăm cây vàng cho chồng để chồng đi ở với người đàn bà khác suốt 21 năm mà không có ý kiến gì trong khi bản thân thì nghèo túng?
Lý giải thế nào khi bà T. được tham gia vào vụ án lại rút đơn tranh chấp 200 cây vàng với ông B.?
Đứng trước gian nhà tuềnh toàng, ẩm thấp, chật hẹp của bà T. ở xã Long Trì (Châu Thành), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về cuộc hôn nhân “rất hạnh phúc” với ông B. mà bà trình bày tại tòa. Chính ở ngôi nhà này, bà đã cùng hai người con sống chật vật hàng chục năm, trong khi ông B. thì sung túc với bà K. tại trung tâm tỉnh Long An.
Người con trai của ông B. và bà T. nói với chúng tôi rằng nhờ vay mượn và trả góp, anh mới mua được chín máy may công nghiệp để mở cơ sở. Trước đây, anh đi làm thuê đủ nghề gánh rơm, chạy ghe mướn… Hoàn toàn trái ngược lời mẹ, anh tiết lộ: “Thỉnh thoảng ba có về nhà thăm ông nội, dự đám tiệc nhưng không hề về với mẹ trong ngôi nhà này”. Hỏi rằng ba anh là tỷ phú mà không giúp mẹ con làm ăn và cho tiền sửa nhà hay sao, anh chỉ cười xòa rồi lờ đi không trả lời.
Chúng tôi gặp bà T. khi bà tất tả từ ngoài đồng trở về sau một ngày làm thuê. Bà thiệt tình kể không chỉ thường làm những việc như nhổ cỏ, cấy lúa, cắt lúa, ngắt đọt dưa…, bà còn làm cả phần việc của đàn ông: leo cao mé nhánh me tây trong vườn thanh long. Một ngày làm thuê, bà có được khoản thu nhập 30–40 ngàn đồng.
Bà khoe từ tháng 7 âm lịch năm trước được ông B. cho chuyển qua ở nhà mới (căn nhà của ba ông B. để lại). Trong ngôi nhà mới sang trọng, cảnh sống lam lũ 21 năm qua của bà vẫn không thể giấu được trên gương mặt sạm nắng và đôi bàn tay chai sần.
… Nối tiếp bất thường
Trong vụ án, cuộc hôn nhân “còn mặn nồng” giữa ông B. và bà T. được củng cố bằng văn bản xác nhận của UBND xã Long Trì trước khi phiên xử diễn ra 10 ngày rằng họ vẫn còn sống chung như vợ chồng và rất hạnh phúc. Ký văn bản giấy trắng mực đen là thế vậy mà chính Chủ tịch xã Phan Văn Tèo lại thừa nhận với chúng tôi rằng “chuyện quan hệ tình cảm riêng tư của hai người thì tôi không rõ!”. Gặp chúng tôi, ông B. bảo rằng ông chỉ “cặp chơi” với bà K., rằng khối tài sản hàng chục tỷ đồng chỉ do một tay ông làm ra, rằng chuyện đăng ký kết hôn chỉ là giả tạo để ông có hộ khẩu thị xã. Nếu chỉ “cặp chơi”, chỉ giả tạo thì lý giải sao về sự xuất hiện của hai người con chung, lý giải sao về hai khách sạn đứng tên hai người con ấy, lý giải sao về cái công ty TNHH hai thành viên trước đó cũng mang tên hai người con mà cả ông B. và bà K. cùng đứng tên trên giấy tờ?
Cuối cùng, bất thường lớn nhất trong vụ án, theo chúng tôi là từ những trình bày đầy vô lý của bà T. và ông B., từ xác nhận “có vấn đề” của chủ tịch xã Long Trì, TAND thị xã Tân An sẵn sàng gạt bỏ giấy đăng ký kết hôn, gạt bỏ các chi tiết hiện thực chứng tỏ cuộc hôn nhân hợp pháp của bà K. để “đẩy” bà ra bên lề.
Và đó chính là điều mà TAND tỉnh Long An cần quan tâm, làm rõ!
PHẦN 3
Ngày 15/8/2008, TAND tỉnh Long An đã xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông B. và bà K. mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh (xem phần 1, 2 bài viết này – Civillawinfor). Phiên tòa có rất đông người dân đến dự, ngồi chật kín cả phòng xử.
Trước đây, rất nhiều ý kiến không đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND thị xã Tân An khi bà K., một người vợ sống chung 21 năm có đăng ký kết hôn, có hai con chung bị đẩy ra đường tay trắng. Đã không được hưởng đồng nào từ khối tài sản 54 tỷ đồng, bà còn phải gánh món nợ gần hai tỷ đồng gồm án phí và tiền trả nợ cho người chồng đại gia.
Có phải hôn nhân thực tế?
Tại tòa, luật sư của bà K. đưa ra hàng loạt chứng cứ chứng minh việc cấp sơ thẩm công nhận hôn nhân thực tế giữa ông B. và bà T. (vợ đầu) là không có cơ sở.
Cụ thể về mặt pháp luật, để xác định là hôn nhân thực tế thì phải có đủ hai yếu tố: sống chung với nhau từ trước ngày 3-1-1987 và việc sống chung phải liên tục, không bị gián đoạn. Vị luật sư đã đến tận xã Long Trì – nơi bà T. sống để hỏi chủ tịch xã về tờ giấy xác nhận rằng “ông B. vẫn chung sống hạnh phúc với bà T”. Chủ tịch xã bảo do thấy ôtô của ông B. hay đậu trước nhà của người cha nên tưởng thế chứ việc họ có sống với nhau không thì không biết. Hơn nữa, ông lên làm chủ tịch xã chưa tới 10 năm nên không biết chuyện trước kia thế nào.
Cạnh đó, luật sư của bà K. còn có giấy xác nhận của nhiều nhân chứng khác cùng địa phương với bà T. khẳng định ông B. và bà T. đã thôi nhau từ lâu lắm rồi. Sau khi ông B. lên thị xã năm 1986, gia đình ông còn đuổi bà T. ra khỏi căn nhà trước đây họ ở. Bà T. từng phải đâm đơn cầu cứu xã, huyện, cuối cùng nhờ cơ quan chức năng hòa giải bà mới được ở lại trong nhà cũ.
Trước tòa, ông B. nói dù sống với bà K. nhưng vẫn thường xuyên chăm sóc mẹ con bà T. về vật chất lẫn tinh thần. Tòa thắc mắc: “Sao lúc ông nhà cao cửa rộng ở thị xã, vợ con ông ở quê phải ở trong căn nhà ọp ẹp, vợ ông phải đi làm mướn nuôi con?”. Ông B. trả lời: “Tôi là người làm ăn, có lời tới đâu tôi lo tới đó”. Tòa “vặn”: “Sao sống chung với nhau 21 năm mà ông nói là cặp chơi?”. Ông B.: “Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường”!?
Về phần bà T., luật sư hỏi sao năm 1986 mà bà có tới 200 lượng vàng đưa ông B. đi làm ăn để rồi phải làm mướn nuôi con, bà T. nói: “Giàu thì giàu nhưng tôi vẫn đi làm thuê để… tập thể dục”(!?) Bà còn nói biết ông B. có vợ bé nhưng cam chịu cảnh “một ông hai bà” và vẫn thấy rất hạnh phúc!?
Cha của ông B. thì trả lời tòa rằng ông chỉ có người con dâu duy nhất là bà T., ông chưa từng gặp và chẳng biết bà K. là ai cả. Đến khi luật sư của bà K. đưa ra những bức ảnh có mặt ông trong đám cưới con của ông B. với bà K. cùng ảnh đám tân gia (ông đứng sát bên cười nói với bà K.) thì ông này ấp a ấp úng.
Không ai chịu ai
Từ những bằng chứng trên, phía bà K. cho rằng quan hệ hôn nhân giữa ông B. và bà K. là hoàn toàn đúng pháp luật. Từ khi chung sống với bà K., ông B. không còn quan hệ gì với bà T. nữa. Ngoài ra, ông B. và bà K. còn làm giấy đăng ký kết hôn nên phải công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Từ đó, việc phân chia tài sản cũng phải xác định lại vì đây là tài sản chung.
Ngược lại, luật sư của ông B. nói bản án sơ thẩm là hợp lý. Những chứng cứ trong hồ sơ đều cho thấy hôn nhân giữa ông B. và bà T. là hôn nhân thực tế. Hơn nữa, mọi tài sản đều tạo dựng từ nguồn vốn tự có của ông B., đứng tên ông B., còn bà K. chẳng có tài sản nào. Nếu tính thiệt hơn, bà K. còn chiếm giữ số tài sản gần 10 tỷ đồng của ông B. bao gồm căn nhà bà đang ở, máy móc, số tiền doanh thu khách sạn. Trong khi đó, ông B. đang nợ “ngập đầu” và nếu trừ hết các khoản nợ ra thì tài sản của ông B. chỉ còn lại khoảng… năm tỷ đồng.
Theo đại diện VKSND tỉnh Long An, bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của những người làm thuê, đối tác làm ăn, những người có quyền lợi đối nghịch với bà K. như bà T. và cha ông B. để xác định khối tài sản 54 tỷ đồng là của riêng ông B. là không có cơ sở. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi công ty (kinh doanh xe gắn máy và khách sạn mà ông B. và bà K. thành lập khi chung sống) không có biên bản nào của hội đồng thành viên về phần vốn góp; các chữ ký của bà K. lại bị giả mạo mà bà K. không biết. Vì vậy, căn cứ vào phần vốn góp ban đầu của công ty, căn cứ vào công sức đóng góp của ông B. và bà K., VKS đề nghị chia khối tài sản chung giữa họ theo tỷ lệ 7/3. Ngoài ra, VKS không kháng nghị về mặt quan hệ hôn nhân.
Năm 1977, ông B. cưới bà T. tại xã Long Trì (Châu Thành), sinh được hai người con. Năm 1986, ông bỏ vợ con lên thị xã Tân An sống chung với bà K., sinh thêm được hai người con nữa. 10 năm sau, ông và bà K. đi đăng ký kết hôn.
Trong 21 năm chung sống, họ thành lập Công ty TNHH PN kinh doanh xe máy, khách sạn. Tuy nhiên, đến năm 2007 thì xảy ra mâu thuẫn và bà K. xin ly hôn. Tòa đang thụ lý vụ ly hôn này thì bà T. bất ngờ xuất hiện, bảo trước khi ông B. lên thị xã, bà có đưa… 200 lượng vàng cho ông đi làm ăn, giờ biết ông sắp ly hôn với bà K. nên đòi lại. Từ đó, ông B. một mực khẳng định vẫn sống rất hạnh phúc với bà T., việc sống với bà K. chỉ là cặp chơi.
Về phần tài sản, lúc đầu bà K. là một trong những thành viên của Công ty TNHH PN nhưng sau nhiều lần chuyển đổi, công ty dần dần trở thành công ty TNHH một thành viên đứng tên một mình ông B. Bà K. không biết gì về chuyện này vì mọi giấy tờ ông B. bắt người con gái lớn giả chữ ký của mẹ để hợp thức hóa.
Trong phiên sơ thẩm, TAND thị xã Tân An đã công nhận hôn nhân giữa ông B. và bà T. là hôn nhân thực tế, hủy hôn nhân giữa ông B. và bà K. Gần như toàn bộ tài sản đang đứng tên ông B. nên bà K. không những không được hưởng đồng nào mà còn phải trả ngược cho ông B. gần hai tỷ đồng. Sau đó, bà K. kháng cáo. VKSND tỉnh Long An cũng kháng nghị rằng việc phân chia tài sản của tòa sơ thẩm là không có cơ sở.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
TRÍCH DẪN TỪ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code