KHẢI HÀ
Có ý kiến cho rằng với loại đất của chung họ tộc thì không nên chia thừa kế.
Năm 2007, bà A. huyện
(Châu Thành, Long An) mất không để lại di chúc. Sáu người con của bà đã
khởi kiện đòi phân chia di sản của mẹ để lại. Số di sản này gồm có gần
10.000 m2 đất lúa, đất vườn, đất thổ, trên đó có một căn nhà thờ và nhiều mồ mả của ông bà, dòng họ.
Giành đất để cúng giỗ
Theo người con trưởng, mặc dù đất đai do mẹ đứng tên
nhưng đó là đất của thân tộc. Ông giành quyền quản lý, sử dụng số tài
sản trên để làm nơi thờ cúng tổ tiên, đồng thời yêu cầu người em út kiếm
nơi khác ở.
Người em gái út không đồng ý, viện lẽ có nhu cầu canh tác phần ruộng của mẹ để lại để lo việc cúng giỗ.
Sau đó, năm người em thống nhất đòi chia thừa kế di
sản. Đối với nhà làm nhà thờ và các tài sản bên trong, họ xin được hưởng
và giao lại phần của mình cho người em út để có nơi thờ cúng ông bà.
TAND huyện Châu Thành đã xử bác yêu cầu của người con
trưởng. Theo tòa, không có cơ sở cho đó là đất của gia tộc (ngay cả khi
trên đất có mồ mả). Bởi lẽ mảnh đất trên được cha mẹ ông trực tiếp quản
lý, sử dụng từ trước đến nay. Khi mẹ ông được cấp chủ quyền mảnh đất
trên cho đến khi bà mất, bản thân ông và thân tộc không khiếu nại.
Tòa này quyết định chia tài sản thành sáu phần đều
nhau và cho phép năm người em hưởng phần đất có ngôi nhà thờ để người em
út tiếp tục việc thờ cúng.
Bỏ ngỏ đất hương hỏa
Nhân vụ án này có thể đặt ra vấn đề: Phải xác định
thế nào là đất của thân tộc, đất hương hỏa; nên chia hay không chia và
chia ra sao?
Trước đây, ở Cà Mau và Long An… cũng đã có những
tranh chấp tương tự như trên. Có tòa xác định đó là đất chung của thân
tộc giao cho một người quản lý, sử dụng nên tuyên không chia. Có tòa lại
cho rằng đất đó được cá nhân đăng ký sử dụng đúng theo quy định nên là
di sản thừa kế.
Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đang có lỗ hổng về
đất hương hỏa, thân tộc. Tuy giấy đỏ không đề cập nhưng trên thực tế có
loại đất này đã tồn tại. Từ Nam chí Bắc, nhiều dòng họ đã dành ra một
mảnh đất chung xây nhà thờ, trồng hoa màu để lấy chi phí thờ cúng… nên
mới có tên gọi như vậy. Chính vì không được chính thức thừa nhận nên các
tòa mới có cách xử lý bất nhất như trên.
Nên chăng để hạn chế những tranh chấp liên quan, cần
có quy định về đất hương hỏa, người quản lý, cách quản lý… Với loại đất
của chung họ tộc thì không chia thừa kế. Người quản lý chỉ được quyền sử
dụng vào mục đích chung của họ tộc mà không được quyền định đoạt.
Hiểu sao về đất hương hỏa?
Theo pháp luật trước đây, đất hương hỏa là một phần
tài sản dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Người thừa hưởng không phải là
chủ đất mà phải giữ gìn và khi mãn phần thì giao lại cho người thừa tự.
Đất hương hỏa có đặc điểm không được chuyển dịch, không bị tiêu diệt
thời hiệu…
Sau giải phóng, khái niệm đất hương hỏa được nhắc đến
trong Thông tư 81 ngày 24-7-1982 của TAND tối cao hướng dẫn giải quyết
các tranh chấp về thừa kế. Theo đó, đất đai (kể cả đất canh tác, đất ở,
đất hương hỏa) không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân nên không thể
là di sản thừa kế…
Bộ luật Dân sự hiện hành chỉ quy định nếu người lập
di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản
đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định
trong di chúc quản lý.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment