Sunday, October 13, 2013

THƯƠNG HIỆU – TÀI SẢN QUÍ


image ĐÔNG SƠN
DAUTU - Gần đây, không có các vụ tranh chấp thương hiệu nổi “đình đám” như mấy năm trước. Song không vì thế mà các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh thôi không “nhòm ngó” vào “tài sản quý” của đối thủ. Để tránh bị tranh chấp thương hiệu, DN cần luôn cảnh giác để khỏi mất oan “tài sản quý”.
Chuyện cũ vẫn còn nóng
Năm 2002, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã bị Công ty Sumatra (trụ sở chính tại Indonesia) kiện vì đã bán sản phẩm thương hiệu Vinataba tại thị trường Lào và Campuchia. Sau một thời gian tìm hiểu, Vinataba mới biết rằng, thương hiệu của mình đã bị “đánh cắp”, vì Sumatra đã “nhanh chân” đăng ký tên sản phẩm mà chẳng có một bao thuốc lá nào bán ra thị trường. Vì vậy, để thương hiệu được công nhận tại hai thị trường trên, Vinataba đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tham gia “cuộc chiến pháp lý”. Tuy nhiên, với những thị trường xa, Vinataba đành phải nhượng quyền sở hữu thương hiệu (do chi phí cho việc giành lại thương hiệu quá tốn kém).
Trước đó, tháng 7/2000, Công ty Cà phê Trung Nguyên sang Mỹ để tiếp cận Rice Field với mục đích đưa sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ. Mặc dù vẫn đang trong quá trình thương thảo, nhưng nhãn hiệu Trung Nguyên đã bị phía Rice Field nhanh chân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO). Cuối cùng, sau 2 năm ròng rã thương thảo, Trung Nguyên mới đòi lại được quyền bảo hộ thương hiệu, nhưng đổi lại công ty này phải chấp nhận để Rice Field làm nhà phân phối sản phẩm của Trung Nguyên tại Mỹ. Không chỉ thương hiệu sản phẩm bị đe dọa, ngay cả tên miền của Trung Nguyên (trungnguyen.com) cũng bị một Việt kiều ở tận… CH Séc đăng ký và rao bán.
Câu chuyện võng xếp Duy Lợi đòi lại quyền sở hữu thương hiệu cũng gây xôn xao dư luận khi đã thắng kiện tại Mỹ vào năm 2005. Tháng 9/2001, Võng xếp Duy Lợi xuất một container hàng sang Mỹ, sau đó không thấy đơn đặt hàng nào từ Mỹ nữa. Nhờ luật sư tra cứu trên mạng, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Duy Lợi, phát hiện doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng giống hệt võng xếp của Duy Lợi. Chính bằng sáng chế này đã “khóa cánh cửa” thị trường Mỹ đối với Duy Lợi và nhiều DN khác. Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của ông Lâm Tấn Lợi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày 23/3/2000, trong khi ông Chung Sen Wu lại nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ vào ngày 15/8/2001. Từ tháng 5/2004, Công ty Duy Lợi đã ủy quyền cho luật sư tiến hành các bước đề nghị cơ quan chức năng của Mỹ hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế Mỹ đã cấp cho ông Chung Sen Wu.
DN cần cảnh giác và có cái nhìn dài hơi
Việc Vinataba phải nhượng quyền thương hiệu cũng là chuyện chẳng đừng, trong khi đó, để đòi lại thương hiệu, Trung Nguyên cũng phải để cho Rice Field trở thành nhà phân phối với những điều kiện nhất định. Số tiền mà Duy Lợi dùng để theo đuổi vụ kiện tại Mỹ xung quanh bản quyền chiếc võng xếp vẫn chưa được tiết lộ, song một thời gian dài không có đơn đặt hàng từ Mỹ cũng là một thiệt thòi lớn cho Công ty.
Trong những hội thảo gần đây về vấn đề cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các luật sư trong và ngoài nước luôn khuyến cáo DN Việt Nam cần phải cẩn trọng và có cái nhìn “dài hơi” trong quá trình phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài.
Theo ông Neil F. Greenblum, Công ty Luật Greenblum & Bernstein, PLC (Hoa Kỳ), các DN khi vào thị trường Hoa Kỳ cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải am hiểu Luật Sáng chế Mỹ. Các DN Việt Nam sở dĩ rơi vào tình trạng bị đối thủ đánh cắp thương hiệu và dồn vào thế bí trước những điều kiện của họ chính là chưa thực hiện lời khuyên này của các luật sư. LS. Nguyễn Quang Vinh, Văn phòng Luật sư Leadco (Hà Nội) cho biết, các DN cần đặc biệt chú ý tới việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài. Mỗi DN nên lựa chọn một loại hình đăng ký phù hợp để tiết kiệm chi phí.
Không chỉ ở nước ngoài, mà ngay tại thị trường nội địa, các DN cũng đang phải đối mặt với tình trạng bị xâm phạm về nhãn hiệu hàng hoá cũng như thương hiệu. Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Banca, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hoá ở trong nước ngày càng tinh vi. Nhiều DN lớn với thương hiệu nổi tiếng đang gặp khó khăn khi thương hiệu sản phẩm luôn trong tình trạng bị đe dọa. “Các cuộc tranh chấp liên quan tới lĩnh vực này thường rất khó được giải quyết nhanh chóng. Do đó, để hạn chế lâm vào tình trạng phải tranh chấp thương hiệu, các DN cần phải luôn cảnh giác để tài sản của chính mình không bị xâm hại”, bà Vân khuyến cáo.
SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code