Monday, October 21, 2013

THỰC TIỄN THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ: MỘT PHẦN DI SẢN HẾT THỜI HIỆU KHỞI KIỆN, XỬ SAO?


imageLS. NGUYỄN HỒNG HÀ – Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Nhiều tòa án địa phương đã đề nghị TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn chính thức nhưng chính TAND Tối cao cũng thấy lúng túng.
Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế, các tòa đã gặp nhiều trường hợp mà một phần di sản còn thời hiệu khởi kiện, một phần di sản hết thời hiệu và cũng không thuộc trường hợp chuyển sang để chia tài sản chung. Gặp tình huống này, vì chưa có quy định nên mỗi tòa xử một kiểu…
Ông NQB (Việt kiều Mỹ) và ông NTT ngụ TP Nha Trang vốn là hai anh em ruột. Năm 1996, cha của họ mất, đến năm 2008, người mẹ cũng qua đời, để lại di sản thừa kế là nhà đất. Tranh chấp, ông B. đã khởi kiện ông T. ra tòa.
Tòa chấp nhận chia
Hòa giải không thành, tòa sơ thẩm đã đưa vụ kiện ra xét xử, tuyên chấp nhận chia di sản thừa kế như yêu cầu của ông B.
Ông T. kháng cáo án sơ thẩm về nhiều nội dung, trong đó có chuyện tòa sơ thẩm đã sai khi xử chia phần di sản thừa kế mà người cha để lại vì thời hiệu khởi kiện đã hết (đã quá 10 năm).
Tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông T. với nhận định khối di sản đang tranh chấp là tài sản chung của cha mẹ hai bên đương sự vì vậy không thể tách rời phần di sản của người cha ra để xác định còn hay không còn thời hiệu. Mặt khác, tòa lập luận do các đương sự không có tranh chấp gì về diện, hàng thừa kế, đều xác định tài sản của người cha chưa chia nên tòa giải quyết theo quan hệ chia tài sản chung. (Đây là điều khá vô lý vì tên gọi vụ kiện vẫn là tranh chấp di sản thừa kế và không có các điều kiện để chuyển sang chia tài sản chung như hướng dẫn trong Nghị quyết 02 ngày 8-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao – NV).
Tòa không chia nhưng lúng túng
Trái ngược với hướng giải quyết trên, gặp tình huống tương tự, nhiều tòa khác lại chọn cách chỉ phân chia phần di sản còn thời hiệu, còn phần di sản hết thời hiệu thì tách ra để đó. Vấn đề là xử lý phần tách ra này theo hướng nào thì các tòa còn rất lúng túng.

Cùng chung một lập luận là luật chưa có quy định và phần di sản hết thời hiệu không đủ điều kiện để chia tài sản chung theo Nghị quyết 02, có tòa tiếp tục giải quyết rồi bác yêu cầu, có tòa lại tuyên bố đình chỉ giải quyết. Có tòa “làm lơ” hẳn, không đề cập gì cả nhưng cũng có tòa lại mạnh dạn tuyên “tạm giao” cho đương sự đang quản lý phần di sản hết thời hiệu được tiếp tục quản lý…
Phải bổ sung quy định mới
Điều 645 BLDS hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm nhưng lại không có điều luật nào quy định đối với phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thì giải quyết như thế nào.
Vì thiếu quy định nên một số trường hợp người dân khởi kiện đòi chia di sản thừa kế (chủ yếu là nhà đất) thì tòa trả lại đơn với lý do đã hết thời hiệu, kiện đòi chia tài sản chung thì cũng không có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 02. Nếu có thụ lý thì mỗi tòa lại xử một kiểu như đã nói ở trên. Khi đương sự đi đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu phải có sự đồng ý của tất cả đồng thừa kế hoặc bản án của tòa giao quyền sở hữu cho họ nên mọi việc bế tắc.
Trước tình hình này, nhiều tòa án địa phương đã đề nghị TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn chính thức để áp dụng pháp luật thống nhất. Tuy nhiên, chính TAND Tối cao cũng thấy lúng túng. Vì vậy, từ hai năm trước (tháng 3-2010), Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã từng phải kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi BLDS thì cần có quy định về việc giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất đối với trường hợp đã hết thời hiệu chia thừa kế mà các đồng thừa kế không thỏa thuận được.
Quan điểm của Tòa Dân sự TAND Tối cao
Theo báo cáo tham luận từ năm 2007 của Tòa Dân sự TAND Tối cao, đối với các trường hợp đương sự tranh chấp di sản thừa kế mà trong đó có một phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện, còn một phần di sản vẫn trong thời hiệu khởi kiện thì tòa án có thẩm quyền phải nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án nếu đương sự thực hiện đúng quy định tại các điều 164, 165, 166 BLTTDS và đã nộp tiền tạm ứng án phí (đối với trường hợp phải nộp). Thời hiệu khởi kiện được tính từ khi đương sự có đơn khởi kiện tại tòa chứ không phải từ thời điểm tòa thụ lý vụ án.
Khi giải quyết, tòa án chỉ phân chia theo yêu cầu của các bên đương sự đối với phần di sản còn thời hiệu khởi kiện, còn phần di sản hết thời hiệu thì không giải quyết.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code