Thursday, October 17, 2013

THỰC TIỄN ÁP DỤNG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: ĐÒI SÍNH LỄ

KIM PHƯỢNG – THANH TÙNG
Nhiều người cho rằng tòa chưa xét lỗi của hai bên mà đã vội tuyên nhà gái phải trả lại sính lễ là chưa thuyết phục cả về tình lẫn lý. Cô N. rưng rưng nước mắt: “Họ chỉ nghĩ đến tiền mà không nghĩ đến uy tín, danh dự của tôi sau sự cố này…”.
Mới đây, TAND huyện Giá Rai (Bạc Liêu) đã buộc gia đình cô N. phải trả lễ vật gần 23 chỉ vàng, 10 triệu đồng tiền mặt cho gia đình anh P. vì đám cưới của hai người bị hủy, không diễn ra như dự kiến. Gia đình cô N. bức xúc cho rằng tòa tuyên như vậy là sai sót vì chưa xét đến phong tục, tập quán và phẩm giá của phụ nữ.
Hủy đám cưới, đòi lễ vật
Theo hồ sơ, năm 19 tuổi, qua mai mối, cô N. gặp anh P. Sau đó hai gia đình đồng ý định ngày cưới cho đôi trẻ. Lúc đám hỏi, nhà trai mang sính lễ đến nhà gái theo đúng phong tục địa phương gồm 13,5 chỉ vàng 24K; 8,9 chỉ vàng 18K; 10 triệu đồng tiền mặt và mâm quà trà rượu. Ai nấy đều vui vẻ mong đến ngày thành hôn.
Tuy nhiên, lúc chuẩn bị đám cưới, gia đình hai bên nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Trong một buổi gặp gỡ dàn xếp, cha chú rể bỗng đứng lên tuyên bố hủy hôn. Ông còn dứt khoát: “Không đòi toàn bộ vòng vàng, tiền bạc của lễ ăn hỏi mà để lại hết cho nhà gái, coi như… xui rủi”.
Đám cưới đã không diễn ra đúng như lời tuyên bố của nhà trai. Chỉ có điều là sau đó cha chú rể lại kiện ra TAND huyện Giá Rai, yêu cầu phía nhà gái phải trả lại toàn bộ lễ vật.
Xử sơ thẩm hồi cuối tháng 9 vừa qua, TAND huyện Giá Rai đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc gia đình cô N. phải hoàn trả đầy đủ lễ vật. Theo tòa, đây là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Nguyên đơn dùng số tiền, vàng trên làm lễ vật tặng nhà gái là để đạt điều kiện hai trẻ cưới nhau. Thực tế không có đám cưới, nhà trai đòi lại lễ vật là hợp lý, cần chấp nhận. Cạnh đó, các bên không yêu cầu bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho tài sản nên tòa không xem xét đến phần lỗi của các bên.

Thiếu tình
Sau phiên xử, gia đình cô N. khá buồn vì cho rằng quyết định của tòa chưa thấu lý đạt tình khi chưa xem xét vì sao có việc hủy hôn. Tòa cũng đã không xác định được phần lỗi của nguyên đơn để buộc họ phải đền bù một phần vật chất.
“Tòa tuyên án như vậy cũng chưa xét đến phong tục, tập quán của địa phương. Theo đó, ngày lễ hỏi bên nhà trai cho cô dâu bông tai, vàng bạc và cô gái gọi cha mẹ chồng là cha mẹ. Sau buổi lễ này được xem là con dâu trong gia đình. Việc đòi lại sính lễ đã cho là trái với phong tục có từ rất lâu đời” – cha cô N. bảo.
“Chưa kể, tòa cũng không xét đến việc danh giá, nhân phẩm của phụ nữ khi bị từ hôn. Con gái tôi đã bị từ hôn, lại còn bị buộc trả lại toàn bộ lễ vật. Uy tín, danh dự của gia đình tôi sẽ ra sao khi cả làng, cả xã ai cũng biết tình trạng của nó như vậy” – người cha bức xúc.
Còn cô N. thì rưng rưng nước mắt: “Họ chỉ nghĩ đến tiền mà không nghĩ đến uy tín, danh dự của tôi sau sự cố này”.
Chưa thuyết phục
Luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ngay cả trong trường hợp hai đương sự không yêu cầu, tòa cũng phải hỏi nguyên nhân vì sao đám cưới không thực hiện được để xác định lỗi của các bên. Nếu nhà gái chủ động từ chối đám cưới, họ phải trả lại lễ vật là đương nhiên. Ngược lại, nhà trai có lỗi thì không có cơ sở tuyên nhà gái trả lại sính lễ.
“Trường hợp hai bên có lỗi ngang nhau… thì mỗi bên chịu thiệt theo phần lỗi của mình. Bản án trên là cứng nhắc, thiếu sót cả về lý lẫn tình” – luật sư Thanh khẳng định.
Đồng tình, một thẩm phán TAND TP.HCM nói: “Xét về lý, bản thân đám hỏi là một giao kèo và sính lễ chính là tiền đặt cọc để thực hiện một nghĩa vụ tình cảm sau đó. Do vậy, ai có lỗi thì phải đền cọc. Còn xét về tình thì bất cứ trường hợp nào, phía nguyên đơn cũng phải bồi thường cho cô N. vì cô bị mất uy tín… Tòa khi xem xét lỗi phải thấu đáo như vậy thì bản án mới có sức thuyết phục”.
Bắt buộc phải xác định lỗi
Trong bất cứ quan hệ dân sự nào cũng bắt buộc phải xác định yếu tố lỗi để làm cơ sở tuyên án. Tòa không thể lấy lý do đương sự không yêu cầu mà bỏ qua.
Nếu kỹ càng hơn, tôi cho rằng khi bị kiện, phía bị đơn hoàn toàn có thể phản tố yêu cầu nguyên đơn bồi thường danh dự, nhân phẩm cho mình. Phẩm giá của người con gái thiêng liêng, nhất là chuyện cưới hỏi. Người khác làm các thủ tục dạm ngõ rồi lại từ chối, thử hỏi sau sự cố này thì làng xóm, xã hội sẽ đánh giá thế nào về cô và uy tín của cô ra sao? Điều này tuy vô hình nhưng gây hậu quả rất lớn.
Cạnh đó, nếu đúng nguyên nhân hủy cưới là do nhà trai thì họ sẽ bị mất toàn bộ số lễ vật đó. Bởi thực chất đó là tài sản họ cho con dâu tương lai nhưng bản thân họ không thừa nhận tư cách người con dâu đó. Do vậy những gì đã cho đi rồi sẽ không thể lấy lại.
Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20101008111042904p1063c1016/doi-lai-sinh-le.htm

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code