Wednesday, October 16, 2013

THỰC TIỄN ÁP DỤNG LUẬT DÂN SỰ: CỬ NGƯỜI GIÁM HỘ, THEO LUẬT NÀO?

VĂN ĐOÀN
Các đồng thừa kế có sự xung đột về lợi ích, đợi để họ thỏa thuận chọn một người làm giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự là điều rất khó.
Xung quanh việc chính quyền địa phương cử người giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên, giữa Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình hiện đang có sự xung đột.
Một vụ tranh chấp thừa kế mà TAND TP.HCM thụ lý hiện đang bị ách lại vì chính quyền địa phương chưa thể cử được người giám hộ cho một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tòa nhờ ủy ban
Tháng 10-2008, TAND TP.HCM thụ lý vụ tranh chấp thừa kế mà ông T. là bị đơn. Ông H. ở Việt Nam và bốn người em khác ở nước ngoài được tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, ông H. từng bị TAND TP tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự. Theo luật, các giao dịch dân sự của ông phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện nên ngày 8-3-2010, TAND TP.HCM có công văn gửi UBND phường 4, quận 3 yêu cầu UBND phường cử người giám hộ cho ông H.
Theo công văn trên, ông H. và ông T. là anh em ruột, ở cùng một nhà nhưng ông T. không phải là người giám hộ đương nhiên cho ông H. Do ông T. có đơn tự nguyện làm người giám hộ cho ông H. nên căn cứ vào Điều 63 Bộ luật Dân sự, tòa đề nghị UBND phường 4 có văn bản cử ông T. làm người đại diện theo pháp luật cho ông H. để giải quyết vụ kiện. Công văn của tòa cũng nêu rõ nếu UBND phường 4 không thực hiện được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tòa biết.
Ủy ban vướng luật
Từ đó đến nay đã hai tháng nhưng UBND phường 4 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tòa.

Theo bà Trần Ngọc Thu, Chủ tịch UBND phường 4, Điều 63 Bộ luật Dân sự quy định: Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. Nếu hiểu theo tinh thần của điều luật thì UBND phường chỉ cần ra văn bản cử ông T. làm người giám hộ là xong mà không cần thông qua các anh em của ông T.
Tuy nhiên, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 lại quy định: Trong trường hợp anh, chị, em ruột cần được giám hộ thì anh, chị, em đã thành niên có năng lực hành vi dân sự thỏa thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện làm người giám hộ. Như vậy, nếu hiểu theo tinh thần của điều luật thì UBND phường chỉ có thể ra văn bản cử ông T. làm người giám hộ một khi các anh em của ông T. (kể cả những người đang ở nước ngoài) có văn bản đồng ý.
Theo bà Thu, trước đây, Phòng Tư pháp quận 3 từng hướng dẫn nghiệp vụ một vụ tương tự cho phường khác là phải áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình. Do đó, dù đã bị đương sự khiếu nại vì không làm theo yêu cu của tòa nhưng UBND phường 4 không thể làm khác. Nếu phường đồng ý cử ông T. làm người giám hộ mà không thông qua các anh em khác của ông, lỡ mai kia họ về nước, dựa vào Luật Hôn nhân và Gia đình khiếu nại thì phường biết trả lời sao. Vì vậy, phường đành phải chờ ông T. nhận được sự đồng ý của tất cả anh em mới có thể trả lời cho tòa biết là có cử ông T. làm người giám hộ được hay không.
Áp dụng luật nào?
Năm 2006, TAND quận 3 thụ lý một vụ tranh chấp sang nhượng nhà của ông B. Ông này trước đó được bệnh viện tâm thần xác định bị bệnh hoang tưởng, không có khả năng chịu trách nhiệm về năng lực hành vi nên TAND quận 3 có công văn yêu cầu UBND phường 14, quận 3 cử người giám hộ cho ông theo Điều 63 Bộ luật Dân sự.
UBND phường 14 xin ý kiến của UBND quận 3. Ngay sau đó, UBND quận có công văn cho rằng TAND quận căn cứ vào Điều 63 Bộ luật Dân sự để đề nghị UBND phường 14 cử người giám hộ cho ông B. là chưa đúng. Ông B. còn ba người anh ruột nên cần phải căn cứ vào Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết. Nghĩa là các anh em của ông B. phải thỏa thuận cử một người ra làm giám hộ cho ông B.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia pháp lý lại cho rằng trong trường hợp này, chính quyền địa phương áp dụng Bộ luật Dân sự mới chính xác.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “khi trong gia đình có người cần được giám hộ thì việc giám hộ được thực hiện theo các quy định về giám hộ của Bộ luật Dân sự và luật này”. Điều đó có nghĩa là cả Bộ luật Dân sự cùng Luật Hôn nhân và Gia đình sẽ được áp dụng trong trường hợp trên. Mà Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình không quy định cụ thể về việc không có giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự trong khi Điều 63 Bộ luật Dân sự lại quy định rất rõ. Do đó, UBND phường 4 hoàn toàn có quyền căn cứ vào Điều 63 Bộ luật Dân sự để cử người giám hộ cho ông H.
Đồng tình, thẩm phán Lê Thành Văn, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, phân tích thêm: Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình giải quyết các tranh chấp phát sinh về tài sản trong hôn nhân, gia đình mà thôi. Còn tranh chấp về di sản thừa kế, về giám hộ thì cần phải vận dụng Bộ luật Dân sự hiện hành để giải quyết. Trong trường hợp này, các đồng thừa kế có sự xung đột về lợi ích mà đợi để họ thỏa thuận chọn một người làm đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự là điều rất khó thực hiện. Như thế, quá trình giải quyết vụ án của tòa sẽ bị bế tắc…
Theo “bộ luật mẹ”
Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định phù hợp với Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về vấn đề cử người giám hộ, nghĩa là tất cả anh em phải đồng ý thì một người mới có làm giám hộ được. Thế nhưng Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định khác với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo tôi, Bộ luật Dân sự là “bộ luật mẹ”, nếu có mâu thuẫn, xung đột pháp luật thì nên áp dụng Bộ luật Dân sự mới hợp lý.
Luật sư TRẦN VĂN VIỆT, Đoàn Luật sư TP.HCM
Phường phải cử người giám hộ
Ông H. là người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có người giám hộ, trong khi anh chị em không phải là người giám hộ đương nhiên cho nhau. Chính vì thế, khi có đơn của anh chị em tự nguyện làm giám hộ cho nhau thì UBND phường 4 cần cử ngay người đó làm giám hộ theo Điều 63 Bộ luật Dân sự mà không cần có sự đồng ý của các anh em còn lại. Bởi lẽ Bộ luật Dân sự có giá trị pháp lý cao nhất và quy định khá rõ về vấn đề giám hộ nên cần phải áp dụng luật này. Nếu xét thấy quyền lợi của các đương sự có mâu thuẫn nhau thì phường có quyền từ chối ông T. và đề nghị một tổ chức đứng ra giám hộ cho khách quan chứ không thể mãi chờ đợi như thế.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM
Phường làm đúng
Tôi ủng hộ quan điểm của UBND phường 4 bởi lẽ Luật Hôn nhân và Gia đình cũng có quy định về vấn đề giám hộ. Nếu các anh em ông T. không đồng ý cử ông này làm người giám hộ, mai đây họ về khiếu nại thì UBND phường biết ăn nói sao. Việc UBND phường yêu cầu như vậy, theo tôi là cần thiết và không sai.
Luật sư NGUYỄN HỮU DANH, Đoàn Luật sư TP.HCM
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100506111730848p1063c1016/cu-nguoi-giam-ho-theo-luat-nao.htm

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code