Monday, October 21, 2013

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN THỪA KẾ: NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN (Bài viết theo qui định của BLDS năm 1995)

THS. Lê Minh Hùng - Khoa Luật dân sự – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Quy định của pháp luật hiện hành về thời hiệu khởi kiện thừa kế còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, chưa hợp lý. Thực tiễn áp dụng các quyđịnh này vẫn còn khá lúng túng, chưa nhất quán. Để góp thêm ý kiến trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, bài viết sau đây phân tích một số điểm bất cập trong các quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện thừa kế và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
1. Điều 648 không quy định thời hiệu khởi kiện đòi nợ từ di sản do người chết để lại
Đây là sự thiếu sót cả về nội dung và cơ cấu của điều luật dẫn đến sự thiếu nhất quán trong các quy định của pháp luật hiện hành về thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự (1). Theo hướng dẫn tại điểm 1-b mục III, TTLN 03/1996, đối với các trường hợp thừa kế mở từ ngày 01-7-1996 thì người có quyền khởi kiện đòi nợ do người chết để lại không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước toà án. Hướng dẫn này tạo cơ sở pháp lý để toà án thụ lý giải quyết các đơn kiện đòi nợ từ di sản thừa kế, nhưng cũng dẫn đến sự bất cập về hai phương diện sau:
(i) Về đường lối giải quyết là thiếu nhất quán đối với hai trường hợp đòi nợ tương tự.
Trước khi BLDS được ban hành, thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đã từng được quy định trong các văn bản pháp luật trước đó (xem Hộp 1).
———————————————————————————————————
Hộp 1: Điều 56 của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự (PLHĐDS) quy định thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng là 3 năm tính từ ngày vi phạm nghĩa vụ dân sự và Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế quy định thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để lại là 3 năm tính từ thời điểm mở thừa kế.
———————————————————————————————————
Do BLDS không quy định về thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung và đòi thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, vì vậy, đối với khoản nợ mà ngày đáo hạn hoặc ngày người mắc nợ chết sau khi BLDS có hiệu lực, thì chủ nợ có quyền khởi kiện đòi nợ vào bất kỳ lúc nào (2). Tuỳ thuộc vào việc người mắc nợ chết trước hay chết sau (dù chỉ một ngày) ngày BLDS có hiệu lực, mà thời hiệu khởi kiện sẽ khác nhau. Quy định này không có tính kế thừa từ Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế nên đã thiếu nhất quán trong đường lối giải quyết đối với cùng một loại việc đòi nợ do người chết để lại làm xáo trộn các quan hệ xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người thừa kế của người mắc nợ.
(ii) Về chứng cứ trong tố tụng
Việc không hạn chế thời hiệu gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động chứng minh và việc lưu giữ bằng chứng về việc đã trả nợ, không bảo đảm an toàn pháp lý cho người đã trả xong nợ từ rất lâu nhưng không lưu giữ được bằng chứng trả nợ.
Thông thường, nếu người chủ nợ trong một thời gian dài không khởi kiện đòi nợ, thì pháp luật suy đoán là món nợ đó đã được thực hiện xong hoặc chủ nợ đã tự nguyện xoá nợ cho người mắc nợ. Không ai lại tự nguyện để cho người khác thiếu nợ quá lâu mà không yêu cầu trả nợ. Bởi thế, pháp luật của Việt Nam và nhiều nước quy định thời hiệu khởi kiện đòi nợ từ các hợp đồng dân sự thông thường là 3 năm, tính từ ngày vi phạm nghĩa vụ trả nợ và thời hiệu khởi kiện đòi thực
hiện nghĩa vụ ngoài hợp đồng là 4 năm, tính từ ngày gây thiệt hại3. BLDS không quy định thời hiệu trong trường hợp này và được “chữa cháy” bằng các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, cách qui định như hiện nay về thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để chưa bảo đảm an toàn pháp lý cho người thừa kế của người mắc nợ. Bất cứ lúc nào, họ cũng có thể bị khởi kiện về nghĩa vụ mà có thể họ đã thực hiện xong từ rất lâu, nhưng không thể lưu giữ bằng chứng. Trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thì việc chứng minh đã trả nợ lại càng khó khăn hơn vì người mắc nợ đã chết, không thể đối chứng hay khai báo về việc đã trả nợ.
Từ những phân tích trên cho thấy, việc bổ sung quy định về thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung và thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nói riêng, là yêu cầu cấp thiết. Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ BLDS không quy định thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để lại vì tranh chấp loại này sẽ được áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với nghĩa vụ dân sự (nói chung). Theo chúng tôi, ý kiến này không phù hợp.
Xét về mặt lý luận cũng như thực tiễn thì thời hiệu khởi kiện đòi nợ người có nghĩa vụ còn sống và thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để lại là hai loại thời hiệu khác nhau do có tính chất khác nhau. Về mặt lý luận, thể hiện ở 4 điểm sau đây: (i) trong việc thực hiện nghĩa vụ thông thường thì bị đơn chính là bản thân người có nghĩa vụ, còn trong việc đòi nợ của người chết thì bị đơn là những người thừa kế của người chết; (ii) đối tượng của nghĩa vụ thường là bất kỳ những nghĩa vụ tài sản nào (kể cả các nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, các nghĩa vụ gắn liền với nhân thân, các nghĩa vụ không chuyển dịch được do thoả thuận hoặc do pháp luật quy định…), còn đối tượng của nghĩa vụ do người chết để lại chỉ có thể là các nghĩa vụ tài sản chuyển dịch từ người chết sang cho người thừa kế, mang tính tài sản thuần tuý; (iii) mức trách nhiệm của nghĩa vụ đối với cá nhân thiếu nợ là vô hạn, còn mức trả nợ của người thừa kế là có giới hạn trong phạm vi di sản được hưởng; (iv) thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ của người mắc nợ tính từ ngày nghĩa vụ bị vi phạm, còn thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại tính từ ngày mở thừa kế…
Về mặt thực tiễn, cũng có sự khác biệt giữa người mắc nợ tự mình thực hiện nghĩa vụ và thực hiện nghĩa vụ thông qua người thừa kế. Trong trường hợp thừa kế, người chủ nợ có thể phải khởi kiện nhiều người thừa kế; di sản do người chết để lại có thể bị biến động theo chiều hướng xấu tới mức di sản để lại không đủ để trả nợ; việc thi hành án đối với nợ do người chết để lại khó khăn hơn so với món nợ do chính người mắc nợ thực hiện khi còn sống…
Đề xuất
Với phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào BLDS hai quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự do người chết để lại như sau:
Một , bổ sung khoản 2 của Điều 648 của BLDS như sau: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại là 3 năm, tính từ thời điểm mở thừa kế”. Quy định này kế thừa nội dung của Khoản 2, Điều 36, Pháp lệnh Thừa kế, phân biệt được sự khác nhau giữa thời hiệu khởi kiện yêu cầu người có nghĩa vụ còn sống tự mình thực hiện nghĩa vụ so với thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.
Hai là, đồng thời với việc quy định như trên nên bổ sung trong BLDS điều khoản quy định về các điều kiện cần thiết làm cơ sở cho người chủ nợ thực hiện quyền khởi kiện chỉ trong những trường hợp sau đây:
(i) đó phải là nghĩa vụ tài sản;
(ii) nghĩa vụ đó được phép chuyển dịch thông qua giao dịch dân sự hoặc để lại thừa kế;
(iii) nghĩa vụ đó chưa được người chết thực hiện khi còn sống và vào thời điểm người có nghĩa vụ chết, thời hiệu khởi kiện đòi nợ vẫn còn;
(iv) người thừa kế chỉ phải trả nợ trong phạm vi phần di sản mà mình được thừa kế, theo tỷ lệ tương ứng so với các đồng thừa kế khác (nếu có).
Vì thế, kiến nghị bổ sung Điều 640b quy định về điều kiện để được khởi kiện đòi nợ từ di sản của người chết (xem Hộp 2)
———————————————————————————————————
Hộp 2: “Điều 640b Các trường hợp không được khởi kiện đòi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại:
1- Các nghĩa vụ dân sự đã hết thời hiệu khởi kiện vào thời điểm mở thừa kế;
2- Các nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân, nghĩa vụ phải do người chết tự mình thực hiện;
3- Các nghĩa vụ mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định không được phép chuyển giao;
4- Các nghĩa vụ tài sản khác pháp luật quy định là đã chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết.
Trong trường hợp các nghĩa vụ nói ở khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này là một nghĩa vụ có thể được chuyển thành một loại nghĩa vụ tài sản khác, chuyển giao được hoặc tính được bằng tiền khi người có nghĩa vụ chết, thì người có quyền vẫn được khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện theo quy định tại Điều 640 Bộ luật này. Đối với những nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ đã nhận thù lao nhưng chưa được thực hiện xong nghĩa vụ, thì người có quyền được khởi kiện yêu cầu người thừa kế hoàn trả khoản tiền tương ứng với khoảng thời gian chưa thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 640, trừ trường hợp nói tại khoản 1 Điều này”.
———————————————————————————————————Quy định này nhằm giới hạn những nghĩa vụ mà người chủ nợ được khởi kiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền trong các trường hợp họ đã trả toàn bộ tiền thù lao, nhưng người có nghĩa vụ đã chết mà chưa hoàn thành nghĩa vụ, thì người có quyền vẫn được đòi lại một phần tiền thù lao đã trả, tương ứng với phần công việc chưa được thực hiện. Ví dụ: thân chủ đã trả đủ tiềnđể được luật sư bảo vệ trước tòa hoặc để được bác sỹ khám bệnh và điều trị, nhưng mới làm được một phần công việc thì luật sư hoặc bác sỹ đó qua đời. Do nghĩa vụ cung cấp dịch vụ pháp lý hay dịch vụ khám chữa bệnh không thể chuyển giao cho những người thừa kế thực hiện. Vì vậy, người cóquyền vẫn được quyền đòi người thừa kế hoàn lại số tiền, tương ứng với phần công việc chưa được thực hiện.
2. Điều 648 chưa tính đến việc điều chỉnh quan hệ thừa kế có đối tượng là di sản dùng vào việc thờ cúng
Quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế là chưa phù hợp với tập quán thờ cúng tổ tiên và thực tiễn xét xử về tranh chấp loại việc này. Theo tập tục thờ cúng tổ tiên tại các vùng đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ, thì thời hạn thực hiện việc cúng giỗ người chết không tính theo năm mà tính theo “đời người”. Dân gian có câu tục ngôn là “ngũ đại mai thần chủ” (người chết qua năm đời, thì chôn bài vị vào trong góc sau nhà), nghĩa bóng là con cháu cúng giỗ người chết đến đời thứ năm (4) thì không cúng giỗ riêng mà cúng chung cùng với các ông tổ của dòng họ. Vì vậy, sự bất hợp lý trong Điều 648 là theo quy định này thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm, trong khi việc lưu truyền di sản thờ cúng thường qua nhiều thế hệ. Hơn nữa, di sản hương hoả được giao cho người thừa kế thực hiện nghĩa vụ thờ cúng, nếu quy định sau 10 năm những người thừa kế khác không được khởi kiện nữa, thì đã mặc nhiên thừa nhận rằng nghĩa vụ thờ cúng sau 10 năm coi như đã được thực hiện xong. Những người thừa kế hợp pháp khác của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng không thể khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ thờ cúng. Đó là một điều bất hợp lý. Vì thế, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng phải có một quy định về thời hạn lưu truyền di sản dùng vào việc thờ cúng và thời hiệu khởi kiện riêng cho việc tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thời cúng. Thời hạn lưu truyền di sản dùng vào việc thờ cúng là thời hạn mà nghĩa vụ thờ cúng được thực hiện, nên được tính theo đời người hay theo thế hệ (thứ bậc trong tông – chi). Trong trường hợp nghĩa vụ thờ cúng đã được thực hiện xong thì di sản dùng vào việc thờ cúng (nếu còn) sẽ thuộc quyền sở hữu của người sau cùng hoàn thành nghĩa vụ thờ cúng.
Người thừa kế hợp pháp của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền khởi kiện trong hai trường hợp: Thứ nhất, yêu cầu toà án xác định hiệu lực pháp luật của di chúc được lập để định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng (như kiện huỷ bỏ di chúc vô hiệu do có nội dung trái pháp luật và đạo đức, do bị giả mạo, do bị lừa dối, do không còn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc); Thứ hai, là khi nghĩa vụ thờ cúng bị vi phạm thì người thừa kế có quyền yêu cầu toà án giải quyết hậu quả của việc vi phạm đó (hoặc chỉ định người khác tiếp tục thực hiện việc thờ cúng hoặc di sản được chia theo pháp luật).
Từ phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai quy định có liên quan trực tiếp đến thời hiệu khởi kiện đối với di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
(i) Một là, cần được bổ sung thêm một mục quy định riêng về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Phần thứ tư, Chương II; trong đó, phải có một điều luật riêng quy định các trường hợp làm căn cứ chấm dứt nghĩa vụ thờ cúng;
(ii) Hai là, bổ sung quy định tại Điều 648 khoản 3 với nội dung như sau:
“Khoản 3- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến di sản thờ cúng:
a) Thời hiệu khởi kiện yêu cầu toàn án huỷ bỏ di chúc liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng, do vô hiệu, là 10 năm tính từ thời điểm mở thừa kế.
b) Trong trường hợp người hưởng di sản thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng, thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm tính từ thời điểm vi phạm nghĩa vụ thờ cúng”.
Yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu không giống như tuyên bố giao dịch dân sự thông thường, do người lập di chúc đã không còn sống để có thể đối chứng hay cung cấp chứng cứ chứng minh về sự vô hiệu của di chúc, mà người thừa kế có thể là người ở xa, hoặc là người chưa thành niên hoặc là con (bị bỏ rơi, thất lạc…) chưa có điều kiện để xin xác định cha, mẹ ruột. Do đó, quy định như trên vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khi có sự giả mạo di chúc hoặc di chúc vô hiệu, vừa bảo đảm sự trong sáng và nghiêm túc trong việc thực hiện nghĩa vụ thờ cúng của người được chỉ định trong di chúc để lo việc thờ cúng.
3. Quy định tại Điều 648 chưa tính đến quy định của điều 671 về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung
Vợ, chồng có quyền lập di chúc chung và xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc chung (Xem Hộp 3).
———————————————————————————————————
Hộp 3: Điều 671 của BLDS quy định: “…nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời
điểm hiệu lực của di chúc thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”.
———————————————————————————————————
Nếu người vợ (hay người chồng) vẫn còn sống sau 10 năm từ thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản của người chồng (hay người vợ) đã chết trước, thì những người thừa kế của người chết trước không còn quyền khởi kiện để đòi quyền thừa kế. Việc không khởi kiện được không phải do sự kiện bất khả kháng, cũng không do trở ngại khách quan, mà do di chúc chưa có hiệu lực thi hành. Do đó, quy định tại Điều 648 về thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm, nếu áp dụng cho trường hợp di chúc chung quy định tại Điều 671 thì thời hiệu khởi kiện thừa kế sẽ bị rút ngắn, thậm chí bị triệt tiêu, nếu người còn lại vẫn sống đến hơn 10 năm sau khi mở thừa kế của người chết trước. Khi điều này xảy ra mà thời hiệu khởi kiện không được cộng thêm tương ứng, thì quyền khởi kiện của những người thừa kế hợp pháp của người chết trước sẽ không được đảm bảo.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung nội dung quy định về các trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện và thiết kế thành một điểm mới trong một khoản mới của Điều 648 (Xem Hộp 4).
———————————————————————————————————
Hộp 4: Đề xuất khoản mới, Điều 648 “Ngoài những trường hợp quy định tại Điều 170 của Bộ luật này, những trường hợp sau đây cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện thừa kế:
a). Khoảng thời gian từ thời điểm mở thừa kế của người chết trước cho đến thời điểm mở thừa kế của người chết sau, nếu vợ, chồng thoả thuận trong di chúc chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung là thời điểm người sau cùng chết theo quy định tại Điều 671 của Bộ luật này… ”
———————————————————————————————————
4. Quy định tại Điều 648 cũng chưa tính đến các trường hợp làm gián đoạn thời hiệu do hạn chế phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế
Điều 689 quy định việc phân chia di sản bị giới hạn trong hai trường hợp: khi người để lại di sản nói rõ trong di chúc hoặc khi tất cả những người thừa kế thoả thuận hạn chế phân chia di sản trong một thời hạn nhất định, thì trong khoảng thời gian đó, di sản không được chia thừa kế.
Như vậy, việc hạn chế phân chia di sản trong những trường hợp nói trên sẽ làm cho thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế bị gián đoạn. Nếu thời gian này không được trừ ra thì thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế trên thực tế sẽ bị rút ngắn, thậm chí triệt tiêu. Ví dụ: ông A và bà B có tài sản chung là một căn nhà. Ông A lập di chúc để lại ngôi nhà cho vợ và các con là C, D, E nhưng lại nói rõ trong di chúc là các con C, D, E chỉ được chia thừa kế ngôi nhà khi mẹ của C, D, E (bà B) qua đời. Giả sử sau khi ông A chết, bà B còn sống thêm hơn 20 năm nữa, thì thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với di chúc của ông A sẽ không còn.
Theo chúng tôi, việc hạn chế phân chia di sản trong các trường hợp này cũng không phải là do sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan vì thời hạn không khởi kiện chia di sản nói ở đây là dựa trên ý chí chủ quan của người lập di chúc, của những người thừa kế. Trong khi đó, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo điểm a khoản 1 Điều 170 của BLDS thì phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, tức những sự kiện mang tính khách quan, ngoài ý muốn của các bên chủ thể tham gia quan hệ, chứ không do ý chí chủ quan của người có quyền khởi kiện. Mặt khác, thời hiệu là thời hạn do luật định mà không ai có thể thoả thuận để kéo dài hay rút ngắn. Trên thực tế, việc người lập di chúc hoặc tất cả những người thừa kế thoả thuận về việc phân chia di sản đã làm cho thời hiệu khởi kiện bị rút ngắn, thay vì 10 năm như quy định của Điều 648. Do vậy, nếu khoảng thời gian hạn chế phân chia di sản không được cộng thêm vào thời hiệu, thì sẽ làm cho quyền khởi kiện của người thừa kế bị xâm phạm. Để khắc phục bất cập này, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm nội dung này vào khoản 4 Điều 648 giống như trường hợp nói tại mục 2.3 trên đây và thiết kế thành điểm b.
Tương tự như trên, thời gian hạn chế phân chia di sản do Toà án tuyên bố theo quy định tại Điều 31 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 (LHN&GĐ) cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện 5.
Khoản 4 Điều 648 (bổ sung) sẽ có thêm các nội dung sau: “Ngoài những trường hợp quy định tại Điều 170 Bộ luật này, những trường hợp sau đây cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện thừa kế:
a) Khoảng thời gian từ thời điểm mở thừa kế của người chết trước cho đến thời điểm mở thừa kế của người chết sau, nếu vợ, chồng thoả thuận trong di chúc chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung là thời điểm người sau cùng chết theo quy định tại Điều 671 Bộ luật này;
b) Khoảng thời gian hạn chế phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế theo quy định tại Điều 689 của Bộ luật này;
c) Khoảng thời gian hạn chế phân chia di sản khi toà án tuyên bố hạn chế phân chia di sản theo yêu cầu của một bên vợ, chồng còn sống theo quy định tại Điều 31 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn của Luật này”
5. Đối chiếu với quy định tại Điều 171 thì Điều 648 chưa quy định rõ các trường hợp mà thời hiệu khởi kiện thừa kế phải được tính lại từ đầu
Theo quy định tại Điều 171, khoản 1, điểm c, thì thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu khi các bên tự hoà giải với nhau. Như vậy, nếu những người thừa kế có thoả thuận được với nhau thì thời hiệu khởi kiện thừa kế 10 năm sẽ được tính từ ngày thoả thuận giữa những người được xác lập, chứ không tính từ ngày mở thừa kế như quy định tại Điều 648. Tuy nhiên, quy định này cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất.
ý kiến thứ nhất cho rằng, trong quá trình giải quyết tranh chấp di sản, nếu những người thừa kế hoà giải, thoả thuận được với nhau thì thời hiệu khởi kiện thừa kế sẽ bắt đầu lại theo quy định tại Điều 171, khoản 1, điểm c như vừa trình bày.
ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện quy định ở Điều 171 khoản 1, điểm c chỉ có thể áp dụng với giao dịch dân sự chứ không áp dụng đối với mọi loại thời hiệu khởi kiện, nên không áp dụng đối với thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Quan điểm thứ nhất không hoàn toàn thuyết phục, vì trong trường hợp hoà giải của đương sự đã được toà án công nhận bằng một quyết định hay bản án có hiệu lực pháp luật, thì người tham gia tố tụng không được khởi kiện lại vì vụ án đã được giải quyết, trừ trường hợp hoà giải và rút đơn kiện. Còn hoà giải sau khi thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết thì cũng không bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vì người thừa kế không còn quyền khởi kiện. Quan điểm thứ hai rõ ràng là suy đoán chủ quan, vì quy định tại Điều 171 của BLDS không quy định điều luật này chỉ áp dụng cho thời hiệu khởi kiện đối với các giao dịch dân sự mà không áp dụng cho thời hiệu khởi kiện thừa kế. Vì thế, khi những người thừa kế thoả thuận, hoà giải được với nhau thì sự kiện đó cũng làm cho thời hiệu khởi kiện thừa kế được bắt đầu lại, nếu hội đủ các điều kiện pháp luật quy định.
6. Thừa kế di sản là tài sản chung của vợ, chồng trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đòi chia thừa kế đối với di sản của người chết trước đã hết, nhưng thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản của người chết sau vẫn còn trong hạn luật định
Thực tế có nhiều trường hợp người vợ và người chồng chết cách nhau quá 10 năm Nay các thừa kế tranh chấp di sản là tài sản chung của họ, thì giải quyết như thế nào?
dụ: ông A và bà B có 3 người con là C, D, E. Tài sản chung của ông và bà B là ngôi nhà trị giá 600 triệu đồng. Ông A chết năm 1991, bà B và anh C vẫn ở trong ngôi nhà. Bà B chết năm 2002, anh C tiếp tục quản lý và sử dụng ngôi nhà chung của bố, mẹ. Năm 2003, E đã khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế ngôi nhà của bố, mẹ mà anh C đang quản lý, hưởng dụng. Vậy có nên Về trường hợp này, có 3 ý kiến khác nhau:
ý kiến thứ nhất cho rằng: từ khi ông A chết (năm 1991) đến khi E khởi kiện (năm 2003) là 12 năm, theo quy định tại Điều 36 PLTK thì thời hiệu khởi kiện đòi chia thừa kế của ông A đã hết. Yêu cầu của E chỉ được Toà án xem xét đối với phần di sản của bà B. Toà án không giải quyết yêu cầu của E liên quan đến phần di sản của ông A.
ý kiến thứ hai cho rằng: nhà ở là bất động sản, có thời hiệu xác lập quyền sở hữu là 30 năm, nên tuy thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với ông A không còn, nhưng người thừa kế vẫn có quyền khởi kiện đòi nhà theo quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Bởi lẽ, thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết chỉ làm chấm dứt quyền khởi kiện của người thừa kế chứ không phải là căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với di sản.
ý kiến thứ ba cho rằng phần di sản của ông A do bà B quản lý, hưởng dụng từ khi ông A chết với tư cách là đồng sở hữu chủ. Trong thời gian bà B quản lý, nếu không có ai khởi kiện đòi chia thừa kế, thì phần di sản của ông A để lại cũng đã thuộc về bà B. Bà B được xác lập quyền sở hữu trên toàn bộ tài sản chung của vợ, chồng. Khi bà B chết, toàn bộ tài sản chung của bà với ông A phải được xem là tài sản riêng của bà B. Do đó, anh E có quyền đòi chia thừa kế đối với toàn bộ di sản.
Thực tế có Toà án đã đưa toàn bộ di sản của vợ, chồng ra chia thừa kế, có Toà án chỉ chia phần di sản của người chết sau, có Toà án không thụ lý giải quyết6. Toà Dân sự- TAND Tối cao đã hướng dẫn các Toà án địa phương giải quyết vấn đề này theo theo hướng chấp nhận một phần các ý kiến nêu trên và “tuỳ trường hợp mà xử lý…”7.
Theo quan điểm của chúng tôi, ý kiến của Toà dân sự – TAND tối cao như vừa trình bày cũng như cả ba ý kiến trên đều chưa có sự thuyết phục.
ý kiến thứ nhất trong nhiều trường hợp cũng chưa phù hợp, vì nếu con cái mà đi kiện người cha hay người mẹ còn sống, người đã sinh thành và nuôi dạy mình nên người, đuổi họ ra khỏi ngôi nhà là tài sản chung của họ với người quá cố, để chia thừa kế thì có đúng luật, nhưng không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngược lại, nếu người thừa kế đã không khởi kiện trong thời hiệu, chờ đến khi người cha hoặc mẹ còn lại qua đời mới khởi kiện, thì việc ấy tuy có phù hợp với đạo đức, nhưng không được pháp luật công nhận. Căn cứ Điều 648 mà tuyên bố hết thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp này thì tuy hợp lý, nhưng không hợp tình.
ý kiến thứ hai cũng không thuyết phục vì còn vướng hai yêu cầu pháp lý: Một là, người thừa kế đã không có quyền khởi kiện về thừa kế do thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết; Hai là, trên thực tế, người thừa kế vẫn chưa có tư cách của sở hữu chủ (hoặc người chiếm hữu hợp pháp), nên họ không có tư cách pháp lý để khởi kiện người đang thực tế chiếm hữu di sản phải hoàn trả tài sản đó được.
ý kiến thứ ba cũng chưa hợp lý vì trên thực tế, thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với di sản thừa kế của người chết trước đã hết. Sau 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện hoặc không được kéo dài thời hiệu, thì thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết, người có quyền khởi kiện đã mất quyền khởi kiện. Mặt khác, sau
10 năm kể từ ngày mở thừa kế, di sản do người chết để lại cũng không đương nhiên thuộc quyền sở hữu của người vợ hay người chồng còn sống. Do vậy, khi người còn lại chết, phần tài sản của người vợ hay người chồng chết trước chưa phải là tài sản riêng của người chết sau, nên không phải là di sản của người chết sau. Công nhận tài sản chung của vợ, chồng là tài sản riêng của người chết sau để chia thừa kế là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế của người chết trước.
ý kiến của Toà dân sự -TAND tối cao, cũng còn nhiều sơ hở. Thứ nhất, đối với bất động sản như nhà, quyền sử dụng đất, công trình kiến trúc, v-ờn cây lâu năm… thì thời hiệu xác lập quyền sở hữu trong trường hợp tương ứng là 30 năm. Vì thế, chỉ với những di sản là bất động sản của người chết đã được người vợ hoặc chồng còn sống tiếp tục quản lý, hưởng dụng liên tục sau 30 năm kể từ ngày mở thừa kế, thì phần di sản đó mới được coi là tài sản riêng của của người vợ hoặc chồng còn sống. Lẽ tất nhiên, phần di sản của người vợ hay chồng chết trước để lại không thể trở thành di sản của người chết sau, nên không thể chia thừa kế cho người thừa kế của chết sau. Thứ hai, hướng dẫn của Toà Dân sự-TAND Tối cao chưa nhất quán trong hai trường hợp: người chết sau chỉ có thể để lại thừa kế đối với toàn bộ tài sản chung với người vợ hay người chồng chết
trước, nếu họ là người thừa kế duy nhất ở hàng thứ nhất của người chết trước và đang thực tế quản di sản; còn nếu người vợ hay chồng chết trước có nhiều người thừa kế ở hàng thứ nhất (bao gồm vợ hoặc chồng còn sống, cha, mẹ, các con) mà nay những người thừa kế ở hàng thứ nhất đó khởi kiện đòi thừa kế di sản của cả hai vợ chồng hoặc người chết sau không trực tiếp quản lý phần di sản do người chết trước để lại, thì Toà án chỉ có thể giải quyết đối với phần di sản của người chết sau (còn thời hiệu), còn đối phần di sản của người vợ hay người chồng chết trước thì tách ra không giải quyết. Chúng tôi không đồng ý với ý kiến này của Toà dân sự. Vì thật ra, hai trường hợp này không có gì khác nhau. Một câu hỏi mà chúng tôi rất lấy làm băn khoăn là nếu giải quyết theo hướng này, phần di sản của người vợ hay chồng chết trước không được chia thừa kế cho ai cả thì sẽ do ai hưởng, hưởng theo cơ sở pháp lý nào? Cần lưu ý là phần di sản đó cũng không thuộc về người vợ hay chồng chết sau vì nếu phần di sản đó thuộc quyền sở hữu của người chết sau thì đã được chia thừa kế cho những người thừa kế của họ. Nếu câu hỏi này không được phúc đáp, thì việc tranh chấp sẽ càng trở nên phức tạp hơn, do phần di sản của người chết trước được tách ra, không được toà án giải quyết nhưng chúng cũng chẳng thuộc quyền sở hữu của ai cả. Về pháp lý, người thực tế đang quản lý di sản cũng không thể xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản của người chết trước để lại, do thủ tục hành chính đòi hỏi phải có bằng chứng về việc được hưởng thừa kế hợp pháp (di chúc hợp pháp chỉ định họ được hưởng thừa kế phần đó) hoặc có sự thoả thuận, cam kết của các đồng thừa kế giao tài sản đó cho họ hưởng (mà điều này thì không xảy ra, vì phần di sản đó đang bị tranh chấp). Còn nếu di sản thừa kế là một bất động sản không người thừa kế, thì Nhà nước xác lập quyền sở hữu theo quy chế hưởng tài sản vô chủ, mà như vậy thì thật vô lý và không phù hợp với tập quán.
Thực tiễn khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay đối trường hợp một bên vợ hay chồng đã chết mà các con chung của họ chưa thành niên, thì người vợ hay chồng còn sống vẫn sẽ tiếp tục quản lý tài sản chung của vợ chồng và nuôi dạy các con. Trường hợp này, pháp luật quy định một bên còn sống đại diện cho con chưa thành niên và có quyền quản lý tài sản của các con để thực hiện việc chăm sóc và nuôi day chúng. Những người con chưa thành niên sẽ rất khó tự mình khởi kiện để đòi chia thừa kế di sản của người cha, mẹ đã chết để lại. Nếu sau này, những người con đó trưởng thành và muốn khởi kiện đòi chia thừa kế, nhưng thời hiệu khởi kiện chỉ được trừ ra có một năm như quy định tại Điều 170 của BLDS, thì quyền lợi hợp pháp của họ không được đảm bảo. Tình trạng không yêu cầu phân chia di sản là tài sản chung của vợ chồng khi một bên còn sống là hết sức phổ biến, vì không ai nỡ đuổi ông, bà hay cha, mẹ còn sống ra khởi nơi nương náu của gia đình để giành chia nhau tài sản.
Vì thế theo chúng tôi, không nên áp dụng máy móc Điều 648 để từ chối giải quyết yêu cầu chia thừa kế trong trường hợp trên. Cơ quan thực thi pháp luật nên giải quyết vấn đề này theo hướng cho phép con (hoặc cháu hay chắt được thừa kế thế vị) được hưởng quyền khởi kiện thừa kế, bắt đầu tính từ thời điểm người sau cùng chết, giống như trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện hoặc không tính vào thời hiệu khởi kiện7.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo một trong ba phương án sau đây:
Phương án 1: Đối với phần di sản của người vợ hay người chồng đã chết mà người còn sống vẫn quản lý, hưởng dụng đến sau
10 năm tính từ ngày mở thừa kế, mà không có ai khởi kiện đòi chia thừa kế, thì người vợ hay người chồng còn sống được xác lập quyền sở hữu. Phương án này cho phép những người thừa kế của người chết sau (có thể họ đồng thời cũng là người thừa kế hợp pháp của người chết trước như con đẻ, con nuôi…) được quyền khởi kiện đòi chia thừa kế không chỉ đối với một phần di sản của người chết sau mà còn có thể đòi thừa kế trên toàn bộ di sản. Tuy vậy, phương án này có những điều khó khăn sau đây:
(i) Thứ nhất, để có thể áp dụng các quy định này, trước hết, phải sửa đổi, bổ sung thêm quy định tại Điều 176 của BLDS về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu: “Người vợ hay chồng còn sống trực tiếp quản lý, hưởng dụng đối với phần di sản của người đã chết trong khối tài sản chung của vợ, chồng cho đến khi hết thời hiệu khởi kiện thì được xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản đó”; đồng thời bổ sung khoản 5 Điều 648 về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện: “Khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì người thừa kế đang trực tiếp quản lý di sản được xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản đó”.
(ii) Thứ hai, phương án này tạo ra bất hợp lý là những người thừa kế hợp pháp của người chết sau không đồng thời là người thừa kế của người chết trước (như cha, mẹ, con riêng, con nuôi, vợ, chồng, con với đời vợ hay đời chồng sau…) cũng được hưởng toàn bộ tài sản chung của vợ, chồng người chết sau và người chết trước, trong khi những người thừa kế khác ở hàng thứ nhất của người chết trước (con riêng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi…) lại bị mất quyền khởi kiện.
Phương án 2: kéo dài thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với bất động sản sao cho có thời hiệu tương ứng với thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản quy định tại khoản 1, Điều 255 của BLDS. Do đó, sửa đổi Điều 640 theo hướng quy định về hai thời hiệu khởi kiện khác nhau: “thời hiệu khởi kiện thừa kế di sản đối với động sản là 10 năm và đối với bất động sản là 30 năm, tính từ thời điểm mở thừa kế”. Phương án cũng sẽ có những vấn đề phức tạp như sau:
(i) Quy định không nhất quán về thời hiệu khởi kiện thừa kế sẽ làm cho việc xét xử loại việc này trở nên rắc rối và phức tạp;
(ii) Thời hiệu khởi kiện 30 năm là đồng nhất với thời hiệu xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu và thực tế chứng minh, thời hiệu như thế là quá dài, nhiều trường hợp di sản hoặc không còn tồn tại hoặc do sự biến thiên lớn về giá trị khiến cho việc xác định giá trị di sản để chia thừa kế là rất khó khăn;
(iii) Vẫn không khuyến khích việc duy trì đạo hiếu của người Việt Nam đối với ông, bà, cha, mẹ vì nếu người thừa kế không kiện trong thời hiệu luật định thì họ vẫn lại mất quyền khởi kiện…
Phương án 3: bổ sung thêm một căn cứ làm gián đoạn thời hiệu khởi kiện là trường hợp: người thừa kế là con, cháu của người chết đã không kiện để tranh giành di sản thừa kế do một bên chết để lại, khi một bên vợ hoặc chồng của người để lại di sản đang còn sống. Phương án này cũng có những điểm khó khăn do khoảng thời gian không tính vào thời hiệu là khá dài, nên những biến đổi trong quá trình tôn tạo, tu bổ hoặc quá trình hao mòn, tiêu huỷ của khối di sản dẫn đến việc xác định giá trị ban đầu của di sản là rất khó khăn. Tuy vậy, theo chúng tôi, phương án 3 là phương án tối ưu hơn cả so với hai phương án 1 và 2. Chỉ lưu ý rằng, phương án này chỉ áp dụng hạn chế trong một trường hợp duy nhất đối với con, cháu có quyền khởi kiện đòi chia thừa kế của cha, mẹ hoặc ông bà, nhưng đã không khởi kiện vì một bên vợ hay chồng còn sống và đang quản lý tải sản là cha-mẹ hoặc ông bà của mình, tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người đang thực tế quản lý tài sản (ví dụ: người quản lý, hưởng dụng đang bệnh nặng, hoặc là người già yếu, hoặc đang mang thai, đang nuôi con nhỏ hoặc nuôi cả gia đình…).
Bởi thế, chúng tôi chọn phương án ba để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế, cụ thể là thiết kế thành điểm d, khoản 4 (bổ sung) Điều 648 như sau:
“Ngoài những trường hợp quy định tại Điều 170 Bộ luật này, những trường hợp sau đây cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện thừa kế:

d). Khoảng thời gian từ khi mở thừa kế di sản của người chết trước cho đến khi mở thừa kế của người chết sau, trong trường hợp di sản là tài sản chung của vợ, chồng chết vào hai thời điểm khác nhau và người có quyền khởi kiện là các con hoặc cháu hay chắt của họ”.
=======================================================
1 Báo cáo tham luận của Toà dân sự TAND tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành toà án năm 2003 có đưa ra hai phương án như sau:
- Phương án 1: áp dụng quy định tại Điều 648, BLDS để hướng dẫn thời hiệu khởi kiện là 10 năm.
- Phương án 2: Do BLDS không quy định thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp nói trên, nên thời hiệu khởi kiện loại việc này không bị hạn chế về thời gian.
2 Xem Nghị quyết ngày 28-10-1995 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự Thông t- liên ngành số 03 ngày 10/8/1996 của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3 Xem Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam 2000: Điều 30 (thời hiệu 3 năm), Luật Th-ơng mại Việt Nam 1997: Điều 242 (2 năm), Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam 1991: Điều 81 (1 năm), Bộ luật Dân sự Sài Gòn 1972:
các Điều 1475-1478, Bộ luật Dân sự Cộng hoà Pháp: Điều 91, Bộ luật Dân sự CHLB Đức: Điều 196, Những nguyên tắc chung của Luật Dân sự CHND Trung Hoa 1986: Điều 135- 136, Bộ luật Dân sự Nhật Bản: Điều 173- 174 cũng quy định thời hiệu khởi kiện từ 1-4 năm đối với các loại nghĩa vụ trên.
4 Đời thứ nhất từ thời bố mẹ của cụ (gọi cao tổ); các cụ ( tăng tổ) là đời thứ hai; ông – bà là đời thứ ba, cha mẹ đời thứ , con cháu đời thứ năm. Do đó, từ đời cao tổ trở về trước thì không cúng giỗ riêng cúng giỗ chung một lần vào đầu năm.
5 Điều 31 LHN&GĐ cũng quy định trường hợp việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một bên vợ hoặc chồng còn sống, thì bên còn sống quyền yêu cầu toà án chưa chia di sản trong một thời hạn nhất định. Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định này tại điểm b, mục 4 Nghị quyết 02/NQ-HĐTP ngày 23 – 12 – 2000 xác định thời gian chưa chia di sản trong trường hợp nói trên là 3 năm.
6 Xem báo cáo tham luận của Toà án Dân sự –TAND tối cao tại hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 2003, tr.5.
6 Báo cáo tham luận của Toà án dân sự- TAND tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 2003, tr.5 hướng dẫn về vấn đề này như sau: “…đối với loại việc này, tuỳ từng trường hợp mà xử lý như sau:
+Nếu người vợ hoặc người chồng chết trước chỉ một người thừa kế hàng thứ nhất chính người vợ hoặc người chồng còn sống, họ đã thực hiện trên thực tế việc hưởng quyền thừa kế của người chết trước thì khối tài sản của họ đã bao gồm phần di sản của người chết trước. Do đó không cần tách bạch phần di sản của người chết trước với phần di sản của người chết sau. Hay nói cách khác, thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản của người vợ hay người chồng chết trước đã hết không ảnh hưởng đến việc những người thừa kế của người chết sau xin chia toàn bộ khối di sản đó. Còn nếu người thừa kế hàng thứ 2, thứ 3 của người chết trước xin hưởng di sản của người chết trước thì toà án không chấp nhận đơn của họ.
+ Nếu phần di sản của người vợ hoặc người chồng chết trước chưa chuyển hoá sang người khác, nay thời hiệu khởi kiện không còn, các thừa kế kiện yêu cầu chia di sản của người này thì toà án không thụ lý giải quyết nếu họ xin chia thừa kế của người vợ hoặc người chồng chết sau (còn thời hiệu) thì thụ giải quyết, toà án cần tách bạch phần di sản của người chết trước người chết sau toà án chỉ cần giải quyết phần di sản của người chết sau còn thời hiệu khởi kiện theo thủ tục chung”. (Phần di sản hết thời hiệu khởi kiện thì áp dụng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để trả lại đơn khởi kiện, nếu chưa thụ lý (Khoản 2, Điều 36) hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án, nếu đã thụ lý (khoản 4, Điều 46).
7 Trong tình huống này thì cả hai trường hợp trên đều tương tự như nhau khoảng thời gian từ khi mở thừa kế di sản của người chết trước cho đến khi mở thừa kế của người chết sau khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Điều này đồng nghĩa với việc chưa từng áp dụng thời hiệu, nên thời hiệu vẫn tính lại từ đầu 10 năm từ ngày người sau cùng chết.
========================================
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 9/2004

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code