Sunday, October 13, 2013

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ SAO CHỤP HÌNH ẢNH ĐỒNG TIỀN

HỒNG HẠNH – Cục PH&KQ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Vừa qua, tại một số địa phương xuất hiện “Tiền giấy đồ chơi” là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nền nhựa, được bày bán với tính chất như “đồ chơi”. Trước hiện tượng này, các cơ quan chức năng (công an, quản lý thị trường và cả Ngân hàng Nhà nước) đã vào cuộc để xem xét việc sao chụp hình ảnh đồng tiền Việt Nam có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không, nếu có thì xử lý đối với hành vi này như thế nào, chế tài xử phạt ra sao. Bài viết này xin trao đổi một số vấn đề về quy định sao chụp đồng tiền nhằm quản lý được một cách chặt chẽ hành vi sao chụp đồng tiền Việt Nam, góp phần vào hoạt động phòng, chống tiền giả.
1. Kinh nghiệm của các nước
- Làm tiền giả là hành vi phạm tội bị pháp luật nghiêm cấm, mặc dù những quy định nhằm ngăn chặn việc làm tiền giả ở mỗi nước có khác nhau, nhưng mỗi quốc gia đều có những quy định pháp lý nhằm hạn chế về việc sao chụp hay tái tạo (reproduction) hình ảnh đồng tiền của nước họ rất nghiêm ngặt, có nước thì cho phép sao chụp trong khuôn khổ quy định của Ngân hàng Trung ương, chính phủ; nhưng có nước quy định bất cứ hành vi sao chụp hình ảnh đồng tiền – thậm chí với mục đích nghệ thuật hoặc quảng cáo – là hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, các nước cũng rất chú trọng đến việc vận dụng các kỹ thuật để chống sao chụp đồng tiền.
- Nhóm Chống giả của Ngân hàng Trung ương (CBCDG – gồm 10 cơ quan phát hành tiền lớn trên thế giới) đã phát triển Hệ thống Ngăn chặn Tiền giả (CDS) nhằm ngăn chặn việc làm tiền giả bằng máy tính cá nhân, thiết bị xử lý hình ảnh kỹ thuật số và các phần mềm khác. Hệ thống này đã được các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm các thiết bị sao chụp kỹ thuật số và xử lý hình ảnh tự nguyện ứng dụng. Hệ thống Ngăn chặn Tiền giả bao gồm kỹ thuật ngăn ngừa máy tính cá nhân và các công cụ kỹ thuật số sao chụp hình ảnh của đồng tiền đã được bảo vệ. Chẳng hạn, khi đưa một đồng EURO, đồng USD hay đồng Yên vào máy photocopy màu để sao chụp thì máy sẽ tự động dừng lại và/hoặc đưa ra lời cảnh báo về hành vi bị cấm.
- Ở Mỹ, Sắc Luật phát hiện tiền giả năm 1992, Công Luật 102-550, Phần 441 của Danh mục 31 của Luật Liên bang (Mỹ) cho phép minh hoạ bằng màu hình ảnh đồng tiền của nước Mỹ, với điều kiện là hình ảnh minh hoạ có cỡ nhỏ hơn 75% hay lớn hơn 150% kích thước của đồng tiền thật; hình ảnh minh hoạ một mặt; và mọi phim âm bản, dương bản, bản in, lưu trữ bằng kỹ thuật số, các flie đồ hoạ, phương tiện từ tính, dụng cụ lưu trữ quang học hay bất kỳ dụng cụ gì khác dùng để minh họa toàn bộ hay một phần hình ảnh phải được phá huỷ/xoá bỏ hoặc tẩy xoá sau khi sử dụng lần cuối.
- Khu vực đồng Euro: Hành vi làm mất uy tín của đồng tiền Euro là phạm tội. Sao chụp hình ảnh đồng tiền phải không được đưa đến hành vi phạm tội. Việc sao chụp cũng bị cấm vì vi phạm luật bản quyền với đồng Euro. Tuy nhiên, sao chụp một mặt thì kích thước cả chiều dài và chiều rộng tối thiểu 125% và tối đa 75% tiền thật; sao chụp hai mặt kích thước tối thiểu 200% hoặc tối đa 50% tiền thật. Sao chụp một mặt một phần hình ảnh mặt trước hay mặt sau thì hình ảnh sao chụp phải nhỏ hơn 1/3 hình ảnh trên đồng tiền thật.
- Luật của Úc quy định hành vi sao chụp hình ảnh đồng tiền là phạm tội nếu hình ảnh đồng tiền sao chụp có khả năng làm cho một người nhầm tưởng rằng đó là đồng tiền thật, trừ khi có sự cho phép trước của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) hoặc Bộ Tài chính. Luật pháp quy định trách nhiệm của người muốn sao chụp hình ảnh đồng tiền để đảm bảo rằng không gây nhầm tưởng là tiền thật. Những hình ảnh sao chụp gây nhầm lẫn hoặc được coi là có thể gây nhầm lẫn phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc. Trường hợp, sao chụp dưới hình thức in ấn, những người muốn sao chụp hình ảnh đồng tiền phải tính đến những rủi ro xảy ra từ những vật được tạo ra trong quá trình sao chụp. Việc sao chụp phải đảm bảo những vật như bản chụp, phim âm bản, dương bản và hình ảnh quét lưu trữ quang học, file đồ hoạ hoặc những thiết bị khác được cất trữ an toàn và không sử dụng sai mục đích. Mặc dù không phải là bắt buộc chung, nhưng RBA khuyến nghị nên huỷ tất cả những vật này sau khi hoàn thành việc sao chụp. RBA giữ bản quyền về mẫu thiết kế tiền của Úc và không phản đối việc sử dụng hình ảnh đồng tiền trong các tài liệu quảng cáo hoặc đào tạo với điều kiện là hình ảnh không gây nhầm lẫn. Các quy định về sao chụp dưới hình thức file điện tử cũng tương tự như in ấn.
2. Liên hệ ở Việt Nam
Qua tìm hiểu quy định về sao chụp hình ảnh đồng tiền của một số quốc gia như trên, chúng ta thấy rằng luật pháp của các nước này quy định rất đầy đủ, chi tiết về các tiêu chuẩn, điều kiện sao chụp hình ảnh đồng tiền của nước họ, về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. Ở Việt Nam hiện nay tuy đã có quy định về sao chụp tiền Việt Nam, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp và chưa có chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ v/v bảo vệ tiền Việt Nam: “Sao chụp tiền Việt Nam không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước” là hành vi bị nghiêm cấm. Chúng ta thấy rằng việc quy định như vậy vẫn còn bất cập, đó là chưa quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp hình ảnh đồng tiền và việc quản lý sao chụp. Mặt khác, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ v/v xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng không có quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử phạt đối với hành vi sao chụp tiền Việt Nam không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, vừa qua khi xuất hiện "Tiền giấy đồ chơi" tại một số địa phương như đã đề cập ở phần đầu bài viết thì các cơ quan chức năng gặp khó khăn để xác định việc sản xuất (sao chụp tiền Việt Nam) này có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì xử lý như thế nào. Mặc dù trên thực tế, việc sao chụp hình ảnh đồng tiền trên giấy cứng hoặc nền nhựa có kích thước nhỏ hơn 50% kích thước tiền thật không phải là hành vi làm tiền giả, nhưng những người thực hiện việc sao chụp hình ảnh đồng tiền Việt nam để in trên các ấn phẩm này đã vi phạm Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ v/v bảo vệ tiền Việt Nam vì không đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận trước khi thực hiện.
3. Một số đề xuất
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống tiền giả; đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sao chụp hình ảnh đồng tiền Việt Nam với mục đích sử dụng vào các hoạt động không bị pháp luật cấm như quảng cáo, kinh doanh, tập huấn nghiệp vụ… Tác giả bài viết xin đề xuất như sau:
Một là, cần bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp tiền Việt Nam như quy định màu sắc hình ảnh sao chụp (đen trắng hoặc sao chụp màu); sự khác nhau giữa kích thước hình ảnh sao chụp và kích thước đồng tiền thật – có thể đưa ra quy định sao chụp một mặt, sao chụp cả hai mặt nhưng với kích thước nhỏ hơn đồng tiền thật thì tối đa bằng 70% và tối thiểu là 150%; chất liệu dùng để sao chụp.
Hai là, cần phổ biến, thông tin rộng rãi quy định của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để công chúng biết và thực hiện đúng.
Ba là, cần bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm việc sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Kể cả xử phạt vi phạm hành chính và phạt tù.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code