Thursday, October 17, 2013

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH


TRẦN THỊ THU HIỀN – Phó Chánh Tòa Lao động, TANDTC
Trong quá trình giải quyết các vụ án về Hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy còn một số sai sót khiến cho việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
1. Về xác định thẩm quyền: Chưa chú ý đến thẩm quyền xét xử đối với vụ án có nhân tố nước ngoài.
Ví dụ: Vụ án “chia tài sản khi ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Cả (Kevin Nguyễn) với Bị đơn là bà Nguyễn Thị Toàn Minh, do Tòa án nhân dân huyện ĐB, tỉnh QN xét xử sơ thẩm; TAND tỉnh QN xét xử phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 17/2009/HNGĐ-PT ngày 20/8/2009).
Ông Nguyễn Văn Cả (Kevin Nguyễn) và bà Nguyễn Thị Toàn Minh kết hôn năm 2006. Ngày 16/6/2008, ông Cả nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh QN, trong đơn khởi kiện ông đã ghi rõ ông có quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ (trong hồ sơ có tài liệu thể hiện ông Cả mang hộ chiếu Hoa Kỳ). Theo xác nhận của Công an xã Điện Nam Đông, huyện ĐB thì ông Cả có đăng ký tạm trú tại địa phương từ ngày 28/02/2008 đến ngày 25/12/2008. Như vậy, tuy ông Cả có quốc tịch Việt Nam và thời điểm nộp đơn khởi kiện ông Cả cũng có mặt tại Việt Nam nhưng trường hợp này thì ông Cả vẫn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 mục 4 phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ- HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì: “Đương sự ở nước ngoài bao gồm:… Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự…”. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Nhưng sau khi nhận được đơn khởi của ông Cả, Tòa án nhân dân tỉnh QN lại chuyển đơn cho Tòa án nhân dân huyện ĐB thụ lý và giải quyết là không đúng. Vụ án này còn có sai sót về việc thu thập chứng cứ không đầy đủ nên chưa có căn cứ xác định nhà đất tranh chấp là tài sản riêng hay tài sản chung; ông Nguyễn Văn Cả đã có đủ điều kiện để được sở hữu nhà ở Việt Nam hay không thì chưa được làm rõ, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông Cả quản lý, sử dụng nhà đất. Vì vậy, khi Chánh án TANDTC kháng nghị về phần tài sản đã phải hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm giao cho Tòa án nhân dân tỉnh QN xét xử sơ thẩm lại.
2. Vi phạm nghiêm trọng các quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng.
Ví dụ: vụ án “xin ly hôn và chia tài sản chung” có nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Ngần với bị đơn là chị Tạ Thị Hòa, do Tòa án nhân dân tỉnh VP đình chỉ xét xử phúc thẩm tại Quyết định số 09/2007/QĐ-PT ngày 28-9-2007.

Sau khi xét xử sơ thẩm (Bản án số 06/2007/HNGĐ-ST ngày 20-7-2007, Tòa án nhân dân huyện ML, tỉnh VP) ngày 23-7-2007, anh Ngần có đơn kháng cáo về phần tài sản. Ngày 19-9-2007 và ngày 26-9-2007 Tòa án nhân dân tỉnh VP lập biên bản vắng mặt đương sự tại phiên tòa với nội dung anh Ngần đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn không có mặt để tham gia phiên tòa phúc thẩm. Ngày 28-9-2007, Tòa án nhân dân tỉnh VP ra Quyết định số 09/2007/QĐ-PT đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên với lý do: tại phiên tòa phúc thẩm các ngày 19-9-2007; 26-9-2007 nguyên đơn anh Nguyễn Văn Ngần là người kháng cáo đã được Tòa án triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt không có lý do.
Ngày 17-8-2009 anh Ngần có đơn đề nghị xem xét lại quyết định phúc thẩm nêu trên với lý do anh không được tống đạt hợp lệ giấy triệu tập đương sự để tham gia phiên tòa phúc thẩm vì khi đó anh đi làm ăn ở Miền Nam.
Xem xét các tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc triệu tập anh Nguyễn Văn Ngần thì thấy rằng: không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện việc anh Nguyễn Văn Ngần đã được triệu tập để tham gia phiên tòa phúc thẩm theo hình thức nào (qua bưu điện hay tống đạt trực tiếp, niêm yết công khai). Nếu trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp giấy triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm cho anh Ngần thì Tòa án nhân dân tỉnh VP phải làm thủ tục niêm yết công khai theo quy định tại Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án cũng không có tài liệu nào thể hiện việc Tòa án nhân dân tỉnh VP không thể tiến hành tống đạt trực tiếp giấy triệu tập tham gia phiên tòa cho anh Ngần và đã làm thủ tục niêm yết công khai. Như vậy, Tòa án nhân dân tỉnh VP đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng. Do đó, nội dung tại hai biên bản vắng mặt ngày 19-9-2007 và ngày 26-9-2007 nêu trên là không có cơ sở, dẫn đến Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự.
Quyết định nêu trên đã bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị và đã được xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm tại Quyết định số 888/2010/DS-GĐT ngày 23-12-2010 (hủy quyết định phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh VP xét xử phúc thẩm lại).
3.Về áp dụng pháp luật:
Trường hợp thứ nhất: Chưa vận dụng đúng các quy định của pháp luật khi phân chia tài sản chung trong quan hệ hôn nhân bất hợp pháp.
Ví dụ: Trong vụ án “xin ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung với ông Lý Kim Bình, do TAND huyện BM, tỉnh VL xét xử sơ thẩm (Bản án sơ thẩm số 61/2008/HN-ST ngày 28/8/2008) và TAND tỉnh VL xét xử phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 08/2009/HNGĐ-PT ngày 18/2/2009).
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định hủy hôn nhân trái pháp luật giữa bà Dung và ông Bình; Tòa án cấp phúc thẩm quyết định không công nhận bà Dung và ông Bình là vợ chồng. Tuy nhiên, khi chia tài sản chung là ngôi nhà cấp 4 gắn với diện tích đất 68,6m2, thuộc thửa số 192, khóm 1, thị trấn Cái Vồn, huyện BM, tỉnh VL thì các Thẩm phán chưa chú ý đến quy định của khoản 3 Điều 17 nêu trên nên không chú ý đến việc phải xác định rõ công sức đóng góp của các bên. Cụ thể tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Tại phiên hòa giải ngày 29-4-2008 và tại biên bản đối chất ngày 29-7-2008, ông Bình và bà Dung đều khai thống nhất là tiền mua đất 3 cây vàng do ông Bình đi làm ăn ở Campuchia mang về; tiền làm nhà hết 29 triệu đồng, trong đó: ông Bình có 17 triệu đồng và ông Bình bán 2 công ruộng của bố mẹ ông Bình để lại được 1,8 lượng vàng; bà Dung vay của gia đình bà Dung (bà Bê, chị Trang) 1,6 lượng vàng.
Như vậy, sau khi quy đổi có thể thấy rằng tiền làm nhà do ông Bình bỏ ra là chính (khoảng hơn 80%). Có nghĩa là ông Bình có công sức đóng góp nhiều hơn so với bà Dung trong việc tạo lập nên khối tài sản chung là nhà và đất. Và đây cũng là tài sản có giá trị lớn nhất trong khối tài sản chung của ông Bình và bà Dung.
Khi chia tài sản chung, có trường hợp chưa chú ý đến yếu tố quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không hợp pháp. Theo quy định của Luật HN$GĐ và hướng dẫn tại điểm 3 TTLT số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3-1-2001 thì nếu quan hệ hôn nhân hợp pháp thì khi chia tài sản chung phải căn cứ vào Điều 95; còn nếu không hợp pháp, hoặc trường hợp không được công nhận là vợ chồng thì căn cứ vào khoản 3 Điều 17 (khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau: “Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.
Đúng ra, khi giải quyết về tài sản chung của ông Bình và bà Dung, Tòa án phải xác định công sức đóng góp của từng người trong khối tài sản chung, cụ thể là xác định công sức của ông Bình nhiều hơn bà Dung để chia tài sản chung mới phù hợp.
Tòa án các cấp không xem xét công sức đóng góp của ông Bình vào khối tài sản chung mà lại chia đôi tài sản cho mỗi bên (bà Dung nhận bằng hiện vật và phải thanh toán cho ông Bình ½ giá trị tài sản), trong khi ông Bình và bà Dung không có thoả thuận khác là không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Vì vậy, bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, theo đó hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại.
Trường hợp thứ hai: Khi giải quyết về tranh chấp nuôi con chung còn có trường hợp quyết định về người trực tiếp nuôi con chung không căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể các quy định tại các điều 47, 48, 93.
Ví dụ: Vụ án “xin thay đổi người trực tiếp nuôi con” giữa chị Khổng Thị Hà với ông Khánh, bà Định do TAND huyện PN xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh PT xét xử phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 35/2009/HNGĐ-PT ngày 10/8/2009).
Năm 2008, anh Nguyễn Đức Trung và chị Khổng Thị Hà thuận tình ly hôn và thỏa thuận việc nuôi con chung, anh Trung nuôi cháu Nguyễn Đức Thành sinh ngày 18/10/2006, chị Hà nuôi cháu Nguyễn Thị Như Phương sinh ngày 21/9/2000; những thỏa thuận này đã được Tòa án công nhận tại Quyết định sơ thẩm số 50/2008/QĐ-ST-HNGĐ ngày 01/7/2008. Sau đó, anh Trung và cháu Thành ở cùng ông Khánh, bà Định (ông bà nội của cháu Thành). Tuy nhiên, ngày 09/7/2008, anh Trung chết, chị Hà có nguyện vọng được trực tiếp nuôi cháu Thành.
Tại bản án phúc thẩm số 35/2009/HNGĐ-PT ngày 10/8/2009, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định “công nhận” cho ông Khánh và bà Định được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Thành.
Theo quy định tại Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình thì: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”.
Như vậy, về mặt pháp lý, sau khi anh Trung chết thì chị Hà có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Thành. Theo quy định tại Điều 47, 48 Luật Hôn nhân và gia đình thì ông bà nội chỉ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Thành trong trường hợp cha mẹ hoặc anh, chị em của cháu không còn hoặc không có điều kiện để nuôi dưỡng. Thực tế, khi ly hôn chị Hà được giao nuôi dưỡng cháu Phương (chị cháu Thành); hiện chưa có căn cứ khẳng định chị Hà nuôi cháu Phương là không đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt của cháu Phương. Mặt khác, cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định chị Hà không có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cả hai con, hoặc có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên, đồng thời ông Khánh, bà Định có đủ điều kiện chăm sóc tốt cho cháu về tất cả các mặt. Thực tế, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì cả ông Khánh và bà Định tuổi đã cao, theo ông Khánh thì bà Định lại bị bệnh tai biến mạch máu não. Vì vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm giao cháu Thành cho ông Khánh, bà Định nuôi dưỡng là không đúng pháp luật.
Bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo hướng hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.
4. Về xác định tài sản chung, riêng:
Chưa thu thập đầy đủ chứng cứ dẫn đến không chính xác trong việc xác định tài sản chung, riêng.
Ví dụ: Vụ án “xin ly hôn giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thùy Dương với Bị đơn là ông Đinh Trọng Nhơn (Đây), do TAND thành phố TK, tỉnh QN xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh QN xét xử phúc thẩm.
Tài sản hai bên tranh chấp là lô đất A21 có diện tích 112,3m2, đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất đứng tên ông Nhơn.
Tài liệu trong hồ sơ thể hiện: Bà Dương khai: ông Nhơn mua đất khi nào bà không biết, chỉ khi trong nhà thiếu đi một khoản tiền mới biết là ông Nhơn lấy mua đất nên nguồn tiền mua đất là của hai vợ chồng; ông Dương khai: nguồn tiền mua đất là của bố mẹ ông, nhưng cũng có lúc ông khai lô đất này của bạn ông. Về phía bà Nga (mẹ ông Nhơn) thì cho rằng vào năm 2003, bà bán một phần ngôi nhà của bà để mua đất tại Tam Xuân, còn thừa 90.000.000 đồng nên bà nhờ con trai là ông Nhơn mua hộ lô đất trên. Vì vậy, bà Nga không đồng ý xác định lô đất nêu trên là tài sản chung của bà Dương và ông Nhơn.
TAND thành phố TK quyết định không công nhận lô đất này là tài sản chung của ông Nhơn và bà Dương; TAND tỉnh QN (Bản án phúc thẩm số 19/2008/HNGĐ-PT ngày 19/11/2008), quyết định lô đất tranh chấp nêu trên là tài sản chung của ông Nhơn và bà Dương.
Quyết định nêu trên của Tòa án các cấp là chưa đủ căn cứ vì: Lời khai của các đương sự là rất khác nhau về nguồn tiền mua đất nhưng tài liệu trong hồ sơ thể hiện chưa bên nào xuất trình được đầy đủ chứng cứ chứng minh cho lời khai của mình. Đúng ra trong trường hợp này Tòa án các cấp phải lấy lời khai, thu thập thêm chứng cứ để làm rõ thời điểm mua đất, mua của ai, quá trình sử dụng, đăng ký, kê khai. Về nguồn tiền mua đất phải lấy lời khai và xác minh về công việc, nguồn thu nhập của bà Dương và ông Nhơn; xác minh lời khai của bà Nga, ông Khôi (chồng bà Nga) về việc bán đất, cũng như có việc mua đất ở Tam Xuân không? Mua với giá bao nhiêu, còn thừa bao nhiêu tiền, và quan trọng là có chứng cứ đưa tiền cho ông Nhơn mua đất hay không, đưa bao nhiêu… cần cho đối chất để làm rõ.
Do Tòa án các cấp chưa thu thập chứng cứ làm rõ các vấn đề nêu trên nên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm đều chưa đủ căn cứ, dẫn đến bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo hướng hủy bản án phúc thẩm, án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại.
b. Chưa xem xét đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ của vụ án, dẫn đến xác định tà sản chung hay riêng chưa chính xác.
Ví dụ: Vụ án “chia tài sản sau ly hôn” giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Bích Thủy với Bị đơn là anh Nguyễn Hòa Thuận, do TAND thành phố RG xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh KG xét xử phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 10/2008/DS-PT ngày 27/3/2008).
Đối  tượng tranh chấp là phần đất 360m2 (đo thực tế 376,8m2), có nguồn gốc của ông trai và bà Xem (bố mẹ chị Thủy) cho chị Thủy.
Tài liệu trong hồ sơ thể hiện: Ngày 10/4/1998, ông Trai và  bà Xem đã lập bản di chúc chia cho chị Thủy phần đất này. Từ năm 1998, chị Thủy đã cùng chồng là anh Nguyễn Hòa Thuận xây dựng 02 căn nhà cùng các công trình phụ trên thửa đất này. Năm 2002, ông Trai và bà Xem đã thay thế bản di chúc bằng việc lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất trên cho chị Thủy và anh Thuận, theo đó, Tại Mục giá bán trong hợp đồng có ghi “cha ruột chuyển cho con ruột”, mục bên chuyển nhượng có chữ ký của ông Trai và bà Xem, bên nhận chuyển nhượng có chữ ký của anh Thuận và chị Thủy. Hợp đồng đã được Ủy ban nhân dân phường xác nhận với nội dung: ông Trai cho chị Thủy; hợp đồng có ý kiến cho phép chuyển nhượng của Phòng địa chính và Ủy ban nhân dân thị xã RG.
Ngày 24/8/2002, chị Thủy đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên và có đề mục tên người chồng là anh Nguyễn Hòa Thuận. Do đó, ngày 13/01/2003 Ủy ban nhân dân thị xã RG đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chị Thủy và anh Thuận. Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả hai vợ chồng, chị Thủy cũng không có ý kiến gì.
Tại Bản án phúc thẩm số 10/2008/DS-PT ngày 27/3/2008, TAND tỉnh KG xác định diện tích đất nêu trên là tài sản riêng của chị Thủy (như án sơ thẩm).
Việc giải quyết như nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là không đúng vì có cơ sở để xác định, mặc dù ông Trai, bà Xem chỉ cho riêng chị Thủy thửa đất này như trình bày của ông Trai, bà Xem và chị Thủy, nhưng đến ngày 24/8/2002 chị Thủy đã thể hiện ý chí sáp nhập thửa đất được cho riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng. Do đó, thửa đất có diện tích 376,8 m2 tại số 11 A Trương Định, khu phố 5, phường An Bình, thành phố RG, tỉnh KG là tài sản chung của chị Thủy và anh Thuận.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào mục giá chuyển nhượng của hợp đồng có ghi “cha ruột chuyển cho con ruột” và phần ghi ý kiến của Ủy ban nhân dân phường, Công văn số 149/UBND-NCTH ngày 08/6/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố RG để xác định diện tích đất trên là tài sản riêng của chị Thủy là chưa đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án.
Bản án nêu trên cũng đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị, theo hướng hủy bản án phúc thẩm, án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại. Tuy nhiên, do nguồn gốc thửa đất này là của bố mẹ chị Thủy cho nên công sức đóng góp của chị Thủy nhiều hơn, do đó tại kháng nghị, Chánh án TANDTC cũng đã lưu ý khi vụ án được xét xử lại thì cần  xem xét và chia cho chị Thủy phần nhiều hơn anh Thuận.
5. Chưa bám sát  những nguyên tắc chia tài sản:
Để việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự thì ngoài việc xác định đúng khối tài sản chung vợ chồng thì tòa án cần phải lưu ý đến những nguyên tắc chia tài sản. Trong một số vụ án, Thẩm phán đã xác định đúng khối tài sản chung của vợ chồng nhưng khi chia tài sản cụ thể thì một số trường hợp vẫn có sai sót. Có trường hợp thì sai sót trong việc chia hiện vật, có trường hợp thì sai sót trong việc đánh giá công sức đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung. Do đó, khi giải quyết quan hệ tài sản của vợ chồng cần xem xét toàn diện; có tính đến hoàn cảnh của mỗi bên; tình trạng tài sản; công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau đây là một số sai sót cụ thể cần rút kinh nghiệm:
- Chưa chú ý đến công sức đóng góp của các bên khi chia tài sản,
Ví dụ: Vụ án “tranh chấp tài sản sau ly hôn” giữa nguyên đơn là Bà Bùi Thị Phái và Bị đơn là ông Trần Đình Khiêm.
Tài sản tranh chấp trong vụ án này là phần đất có diện tích 132,2 m2, trên đất có 2 căn nhà cấp 4 tọa lạc tại 271 Phan Chu Trinh, thành phố BMT. Bà Phái cho rằng, nhà là tài sản chung còn phần đất này là tài riêng của bà do bà mua trước khi kết hôn với ông Khiêm. Ông Khiêm thì cho rằng nhà, đất đều là tài sản chung của hai người vì ông có đóng góp tiền mua cùng bà Phái.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 01/1/1990 bà Bùi Thị Phái nhận chuyển nhượng lô đất A19 có diện tích 250m2, tọa lạc tại phường Thắng Lợi, thị xã BMT (nay là số 271 Phan Chu Trinh, thành phố BMT) của bà Bùi Thị Toan với giá 16 chỉ vàng. Đến ngày 29/12/1990, bà Phái kết hôn với ông Trần Đình Khiêm. Sau khi kết hôn hai người cùng xây nhà chung sống trên diện tích đất này.
Ngày 06/9/1999, bà Phái và ông Khiêm cùng viết “Giấy bán đất ở”, bán cho vợ chồng ông Phan Bính ½ lô đất (diện tích 125m2) nói trên. Diện tích đất còn lại, bà Phái làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ngày 15/9/2006, Ủy ban nhân dân thành phố BMT đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG871092 cho hộ bà Bùi Thị Phái và chồng là Trần Đình Khiêm đối với diện tích đất 132,2m2 tại số 271 Phan Chu Trinh, thành phố BMT. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên ông Khiêm bà Phái không có khiếu nại (do bà đứng tên kê khai).
Tại bản án sơ thẩm số 58/2008/DS-ST ngày 10/9/2008 của TAND thành phố BMT; bản án phúc thẩm số 10/2009/DS-PT ngày 12/3/2009 của TAND tỉnh ĐL xác định nhà đất số 271 Phan Chu Trinh, thành phố BMT có tổng trị giá là 2.320.742.800 đồng là tài sản chung của ông Khiêm và bà Phái và chia cho bà Phải được hưởng toàn bộ nhà, đất; bà có trách nhiệm bù chênh lệch tài sản cho ông Khiêm là 1.100.000.000 đồng.
Việc Tòa án các cấp xác định nhà tranh chấp là tài sản chung của bà Phái và ông Khiêm là đúng vì có cơ sở xác định bà Phái đã tự nguyện nhập phần đất nêu trên vào khối tài sản chung của vợ chồng.
Do có căn cứ xác định đất có nguồn gốc do bà Phái mua trước thời điểm bà và ông Khiêm kết hôn, nên phải xác định công sức đóng góp của bà Phái trong khối tài sản chung là nhà đất tại số 271 Phan Chu Trinh là chủ yếu. Vì vậy, khi chia tài sản chung, Tòa án các cấp cần phải căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên để chia cho bà Phái phần tài sản nhiều hơn ông Khiêm mới phù hợp quy định của pháp luật.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định nhà đất tại số 271 Phan Chu Trinh, thành phố BMT có tổng trị giá là 2.320.742.800đồng là tài sản chung của ông khiêm và bà Phái, nhưng lại chia cho bà Phái và ông Khiêm phần tài sản gần bằng nhau, bà Phái được hưởng 1.220.742.800đồng, ông Khiêm được hưởng 1.100.000.000đồng là không đúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Phái.
Do có sai sót trong việc đánh giá công sức đóng góp đối với khối tài sản chung vợ chồng nên bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét xử, hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.
6. Không xác minh thực tế dẫn đến quyết định phân chia tài sản không thi hành án được.
Ví dụ: Vụ án “xin ly hôn” giữa nguyên đơn là anh Lê Xuân Sáu với bị đơn là chị Nguyễn Thị Hoàn.
Tài sản tranh chấp là căn nhà cấp 4 và một số công trình phụ khác nằm trên diện tích đất 120 m2. Theo anh Sáu, trước khi kết hôn với chị Hoàn, anh được anh trai là Lê Văn Tuyển cho mượn một căn nhà cấp 4 xây trên diện tích 120 m2. Sau khi kết hôn, vợ chồng có xây thêm một gian bếp, công trình phụ, bờ kè, tường, cổng sắt. Chị Hoàn cho rằng, khi về sống chung vợ chồng có xây các công trình như anh Sáu khai, ngoài ra còn xây thêm bể nước, đổ 100 xe đất xuống mương nước vào vườn nhà, khai phá được 250 m2. Chị yêu cầu anh Sáu chia cho chị một gian nhà mà vợ chồng xây thêm, ½ diện tích đất khai phá.
Tại bản án sơ thẩm số 26/2007/DS-ST ngày 19/7/2007, Tòa án nhân dân thành phố HL, tỉnh QN quyết định: “… tạm giao cho chị Hoàn sử dụng một gian nhà 7,81 m2, một bể nước phía trước và phần đất 36 m2 (vườn tạp) trước thửa 21, tờ bản đồ số 28 trong sổ địa chính mang tên anh Lê Văn Sáu có kích thước dài 06m sát bờ kè phía trước giáp nhà anh Trung, rộng 06m kéo từ kè sâ nhà anh Sáu ra phía bờ suối, đi theo lối sau nhà ngang phía vườn cạnh nhà anh Trung…”.
Tại bản án phúc thẩm số 31/2007/HNGĐ-PT ngày 14/9/2007 Tòa án nhân dân tỉnh QN quyết định: anh Sáu được quyền sở hữu một gian nhà 23,66 m2 (nằm trong thửa 21 tờ bản đồ số 28 trong sổ địa chính mang tên anh Lê Văn Sáu… – có sơ đồ kèm theo)…; tạm giao cho chị Hoàn sử dụng một gian nhà 7,81 m2 có giá trị 2.952.000 đồng và một bể nước phía trước có giá trị 5000.000 đồng; và phần đất 36 m2 (vườn tạp) nằm ngoài thửa 21 tờ bản đồ số 28 trong sổ địa chính mang tên anh Lê Văn Sáu, có kích thước dài 06m sát bờ kè phía trước giáp nhà anh Trung, rộng 06m kéo từ kè sân nhà anh Sáu ra phía bờ suối, đi theo lối sau nhà ngang phía vườn cạnh nhà anh Trung; chị Hoàn có trách nhiệm liên hệ cơ quan có thẩm quyền để xin phép sử dụng đất…
Tại Công văn số 138/2008/THA ngày 25/8/2008, thi hành án dân sự thành phố HL đề nghị TANDTC xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên vì lý do việc giao nhà đất theo bản án tuyên không thực hiện được do không xác định được nhà, đất trên thực địa.
Xem xét đề nghị của cơ quan thi hành án cùng với các tài liệu kèm theo, cũng như các tài liệu trong hồ sơ vụ án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm thì thấy rằng: Khi phân chia tài sản chung là bất động sản, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tạm giao cho chị Hoàn sử dụng 01 gian nhà diện tích 7,81m2 và 01 bể nước, nhưng không xác định cụ thể các tài sản này nằm trên phần đất ở vị trí nào. Đối với diện tích đất 36m2 (vườn tạp), Tòa án tuyên tạm giao cho chị Hoàn sử dụng. Mặc dù Tòa án các cấp có tuyên vị trí, tứ cận nhưng Cơ quan Thi hành án khi thi hành án và hai bên đã không xác định được ranh giới trên thực địa, dẫn đến quyết định của bản án không thể thi hành được. Hơn nữa, Tòa án các cấp không xác định cụ thể lối đi vào phần nhà, đất mà chị Hoàn được tạm giao. Do cần phải xác định lại vị trí, tứ cận chính xác các tài sản (đất và công trình trên đất) chia cho chị Hoàn sử dụng, xác định lối đi cụ thể vào phần nhà, đất này. Ngoài ra, Tòa án các cấp không xem xét, giải quyết đối với yêu cầu của chị Hoàn về 250 m đất mà chị Hoàn sai là do vợ chồng khai hoang cũng là thiếu sót.
Do đó, bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại.
7. Về định giá: Tại mục 12 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của HĐTP TANDTC đã quy định “việc xác định giá trị khối tài sản chung của vợ chồng hoặc phần giá trị mà họ phải thanh toán, họ được hưởng là căn cứ vào giá giao dịch thực tế tại địa phương vào thời điểm xét xử”. Tuy nhiên, trong việc định giá còn có những sai sót sau:
- Tài sản vợ chồng gồm nhiều thửa đất với các loại đất khác nhau nhưng Thẩm phán lại xác định một giá chung cho tất cả các loại đất.
Ví dụ: Vụ án “xin ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Võ Văn Được với Bị đơn là bà Phạm Thị Lệ.
Tài sản tranh chấp trong vụ án này có các thửa đất số 176, 177, 178, 221 thuộc tờ bản đồ số 65, ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại có tổng diện tích là 5.160 m2 do bà Lệ đăng ký sử dụng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó: thửa số 176 có diện tích 2.166 m2 (bao gồm:  1.866 m2 đất trồng cây lâu năm, 300 m2 đất ở tại nông thôn); thửa số 177 có diện tích 1.227 m2 đất trồng lúa; thửa số 178 có diện tích 1.244 m2 đất trồng lúa; thửa số 221 có diện tích 523m2 đất nuôi trồng thủy sản.
Tại bản án dân sự số 20/2008/HNGĐ-ST ngày 23/5/2008 Tòa án nhân dân huyện BĐ, tỉnh BT và bản án phúc thẩm số 59/2008/HNGĐ-PT ngày 23/7/2008 Tòa án nhân dân tỉnh BT đều xác định quyền sử dụng đất tại các thửa đất nêu trên là tài sản chung của ông Võ Văn Được và bàn Phạm Thị Lệ. Tòa án cấp sơ thẩm đã chia đôi quyền sử dụng các thửa đất 176, 177, 178, 221 cho ông Được, bà Lệ và xác định giá đất của các thửa đất này là 15.000 đồng/m2 để tính án phí. Tòa án cấp phúc thẩm cho ông Được được hưởng bằng giá trị (1/2 diện tích các thửa đất số 176, 177, 178, 221) và vẫn xác định giá đất chung cho các thửa là 15.000 đồng/m2 và buộc bà Lệ phải trả cho ông Được 37.027.500 đồng đối với 2468,5 m2.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định quyền sử dụng đất tại các thửa số 176, 177, 178, 221 thuộc tờ bản đồ số 65 ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại có tổng số diện tích là 5.160 m 2 (đo thực tế là 4.937 m2), là tài sản chung của ông Võ Văn Được và bà Phạm Thị Lệ là có căn cứ. Tuy nhiên, vấn đề định giá tòa án các cấp có sai sót sau:
Theo “Biên bản về việc định giá tài sản quyền sử dụng đất, vật kiến trúc và tài sản khác” ngày 21/12/2007 của Hội đồng định giá – bán đấu giá tài sản huyện BĐ, thì các loại đất thuộc ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại có giá cụ thể là: đất thổ cư ven tỉnh lộ 883 (từ mốc lộ giới vào 35m) có giá 650.000đ/1m2; đất trồng cây lâu năm có giá15.000đ/1m2; đất trồng cây hàng năm có giá 12.000đ/1m2; đất nuôi trồng thuỷ sản có giá 150.000đ/1m2.
Các thửa đất số 176, 177, 178, 221 bao gồm nhiều loại đất khác nhau và Hội đồng định giá cũng đã xác định giá của mỗi loại đất đó, nhưng Tòa án các cấp không căn cứ vào chứng cứ do cơ quan Nhà nước cung cấp và cũng không tiến hành xác minh theo giá thị trường của từng loại đất nêu trên tại thời điểm xét xử sơ thẩm là bao nhiêu. Tòa án cấp sơ thẩm đã chia đôi quyền sử dụng đất các thửa đất số 176, 177, 178, 221 cho ông Được, bà Lệ và chỉ xác định giá đất của các thửa đất này là 15.000 đồng/1 m2 để tính án phí. Tòa án cấp phúc thẩm cho ông Được được hưởng bằng giá trị (1/2 diện tích các thửa đất số 176, 177, 178, 221) và vẫn xác định giá đất chung cho các thửa là 15.000 đồng/1 m2 để buộc bà Lệ phải trả cho ông Được 37.027.500 đồng đối với 2468,5 m2. Như vậy, việc xác định giá chung cho các loại đất để phân chia tài sản chung như tòa án các cấp là không có căn cứ và không đảm bảo quyền lợi cho ông Được.
Ngoài ra, theo đo đạc thực tế thì toàn bộ diện tích đất thuộc tờ bản đồ số 65 nêu trên còn thiếu so với diện tích ghi trong hồ sơ địa chính là 223 m2 nhưng tòa án các cấp không xác định rõ ràng phần đất thiếu là loại đất nào để tính giá trị khi chia là không đầy đủ.
Vì vậy, bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
- Không căn cứ vào giá do Hội đồng định giá xác định
Ví dụ: Vụ án “chia tài sản chung khi ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Nhự với bị đơn là ông Hà Văn Nết.
Tài sản các đương sự yêu cầu chia trong vụ án này ngoài các tài sản là động sản còn có các tài sản là bất động sản như sau:
- Một căn nhà cấp 4 tọa lạc tại ấp Thới Thuận, thị trấn Thới Lai, huyện CĐ, thành phố CT có diện tích rộng 4,8 m x dài 21,33 m, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có nhà.
- Một thửa đất cặp lề rộng 16 m x dài 5 m tọa lạc tại thị trấn Thới Lai, huyện CĐ (có một căn nhà dùng để hốt thuốc nam).
- Một thửa đất có diện tich 800 m2 tọa lạc tại Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện CĐ, thành phố CT, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00167 cấp ngày 02/10/2003 do bà Nhự đứng tên (trên đất này có căn nhà làm phòng thuốc nam).
- Một căn nhà kho tại ấp Thới Phước, thị trấn Thới Lai, diện tích rộng 8,6 m x dài 14,4 m được xây cất trên phần đất của bà Trần Thị Thủy (là em ruột bà Nhự).
Tòa án nhân dân huyện CĐ, thành phố CT (tại bản án số 56/2007/HNGĐ-ST ngày 10/9/2007) và Tòa án nhân dân thành phố CT (tại bản án số 43/2007/HNGĐ-PT ngày 27, 28/12/2007) đều xác định tài sản chung của ông Nết, bà Nhự bao gồm: căn nhà cấp 4 tọa lạc tại ấp Thới Thuận, thị trấn Thới Lai, huyện CĐ, thành phố CT; một căn nhà kho tọa lạc tại ấp Thới Phước, xã Thới Lai (cất tạm trên phần đất của bà Thủy); một mảnh đất có diện tích 800 m2 (đo thực tế là 771,56 m2), cùng với một số tài sản là động sản khác; căn nhà làm phòng thuốc nam nếu phát sinh tranh chấp thì giải quyết thành vụ kiện khác. Tuy nhiên, khi định giá nhà đất nêu trên tòa án các cấp còn có các sai sót sau:
- Đối với mảnh đất có diện tích 800m2 tại ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai (đo thực tế là 771,56m2): trong hồ sơ vụ án có hai Biên bản định giá. Theo Biên bản định giá ngày 20/6/2006 thì xác định giá trị mảnh đất là 53.777.732 đồng, còn Biên bản định giá ngày 14/5/2007 thì xác định giá trị mảnh đất là 46.139.288 đồng. Nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định giá trị mảnh đất là 254.460.488 đồng và cũng không nêu rõ căn cứ áp dụng giá này, là không đúng pháp luật.
- Đối với thửa đất có nhà tọa lạc tại ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai (nhà chia cho ông Nết), Tòa án chỉ định giá ngôi nhà, còn thửa đất thì chỉ định giá đối với 40,56m2, phần còn lại không định giá. Đồng thời, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm chỉ quyết định giao sở hữu nhà cho ông Nết, diện tích đất không thể hiện giao cho ai sử dụng, là không đúng. Hơn nữa, trong hai lần định giá tài sản ông Nết đều không ký tên, không có mặt tại buổi định giá nhưng hồ sơ vụ án thì không thể hiện lý do vắng mặt của ông Nết.
Do có sai sót về định giá như đã nêu trên và một số sai sót khác về công nợ chưa đủ căn cứ vững chắc về việc tách căn nhà thuốc nam để giải quyết bằng một vụ án khác là giải quyết chưa triệt để và sẽ khó khăn trong thi hành án vì phần đất có căn nhà đã được giao cho bà Nhự sử dụng nên dẫn đến bản án phúc thẩm bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm, án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm theo đúng pháp luật.
- Không chú ý đến vị trí đất khi định giá:
Ví dụ: Vụ án “chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Niệm với bị đơn là ông Trần Văn Xự.
Tài sản chung của bà Nguyễn Thị Niệm và ông Trần Văn Xự là ngôi nhà cấp 4 (gồm 01 phòng chính và 03 phòng trọ), trên diện tích đất 72,5m2, tọa lạc tại số 20/22 khu phố Thắng Lợi 1, thị trấn DA, huyện DA, tỉnh BD. Bà Niệm yêu cầu chia tài sản nêu trên, còn ông Xự không đồng ý yêu cầu chia tài sản của bà Niệm.
Tại bản án sơ thẩm số 07/2007/DS-ST ngày 29/3/2007, Tòa án nhân dân huyện DA, tỉnh BD quyết định chia cho bà Niệm và ông Xự mỗi người được hưởng ½ khối tài sản chung nêu trên, theo đó, bàn Niệm được sở hữu toàn bộ nhà, đất, đồng thời có trách nhiệm thanh toàn cho ông Xự ½ giá trị tài sản bằng tiền là 62.927.465 đồng.
Tại bản án phúc thẩm sô 28/2007/DS-PT ngày 04,11/9/2007, Tòa án nhân dân tỉnh BD quyết định: Giao cho ông Xự quản lý diện tích phần nhà chính gắn liền diện tích đất 22 m2, tổng giá trị là 46.200.000 đồng (có tuyên về tứ cận); giao cho bà Niệm quản lý 3 phòng trọ gắn liền diện tích đất 32,6 m2, tổng trị giá là 68.250.000 đồng (có tuyên về tứ cận); diện tích 18,6 m2 gồm sân và lối đi ông Xự và bà Niệm quản lý, sử dụng; bà Niệm bồi hoàn cho ông Xự phần chênh lệch diện tích 10,5 x 1.200.000 đồng (giá trị đất) x 900.000 đồng (giá trị nhà) = 22.050.000 đồng.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: theo hồ sơ nhà đất thì việc Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông Xự quản lý diện tích phần nhà chính gắn liền phần diện tích đất 22m2 là phần tiếp giáp mặt đường; giao cho bà Niệm quản lý 03 phòng trọ gắn liền diện tích đất 32,5m2 là phần phía trong, không tiếp giáp mặt đường nhưng lại tính giá đất là ngang nhau. Như vậy, vị trí đất chia cho các bên so với mặt đường là khác nhau nhưng khi chia, Tòa án cấp phúc thẩm lại không chú ý đến yếu tố giá trị đất sẽ thay đổi theo vị trí của đất để xác định giá trị chính xác phần đất chia cho các bên, nhằm bảo đảm đúng quyền lợi của các đương sự.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn có sai sót trong việc xác định bà Niệm nhận phần đất nhiều hơn ông Xự 10,5 m2 là không chính xác vì tổng diện tích đất của ông Xự và bà Niệm chỉ có 72,5 m2, sau khi trừ đi diện tích sử dụng chung là 18,6 m2 thì diện tích đất còn lại là 53,9 m2. Tòa án các cấp đều nhận định tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, theo đó bà Niệm được chia 32,5 m2 là chỉ được nhiều hơn ông Xự 5,55 m2 nhà gắn liền đất.
Vì vậy, bản án phúc thẩm nêu trên bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được Hội đồng giám đốc thẩm xét xử, hủy bản án phúc thẩm, án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại.
- Không thành lập Hội đồng định giá
Ví dụ: Vụ án “xin ly hôn” giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Hoa với bị đơn là anh  Nguyễn Thế Phong.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định tài sản chung của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa và anh Nguyễn Thế Phong gồm có: 01 căn nhà tường (có kết cấu cột bê tông cốt thép, đỡ mái gỗ, vách tường, mái tole, nền gạch Ceramic có đóng trần Lamri nhựa), 01 nhà vệ sinh cất trên phần đất thổ cư (đất ở) có diện tích 78,7m2, tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện CT, tỉnh TG, được Ủy ban nhân dân huyện CT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 979525 ngày 27/9/2005; 150.000.000 đồng tiền gửi ngân hàng và một số tài sản sinh hoạt khác.
Về việc xác định giá trị quyền sử dụng 78,7m2 đất: Ngày 4/7/2007, Tòa án cấp sơ thẩm đã thành lập Hội đồng định giá và xác định giá đất thổ cư là 3 triệu đồng/1m2.
Sau khi có kháng cáo về giá đất, Tòa án cấp phúc thẩm không thành lập Hội đồng định giá, chỉ hỏi một cán bộ địa chính xã Bình Đức (ông Huỳnh Minh) và được cán bộ này cho biết giá chuyển nhượng đối với đất thổ cư từ 2,8 đến 2,9 triệu đồng/1m2, đối với đất vườn từ 1,8 đến 2 triệu đồng/1m2; đối với phần đất của chị Hoa, anh Phong là: đất ở (đất thổ cư). Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định 78,7m2 đất thổ cư tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức có giá 2 triệu đồng/1m2 là không đúng.
Ngoài ra, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ anh Phong ngày 27/9/2005 thì trong số 78,7m2 đất có 8,8m2 đất lộ giới; chỉ còn 69,9m2 là đất thổ cư. Nhưng Tòa án vẫn xác định giá 8,8m2 đất này tương đương với giá đất thổ cư.
Như vậy, việc tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào giá do Hội đồng định giá xác định mà không đưa được căn cứ để cho rằng giá do Hội đồng định giá là sai và khi xác định lại giá tòa án cấp phúc thẩm không lập Hội đồng định giá mà lại căn cứ vào giá do một cán bộ địa chính đưa ra là không đúng theo quy định của luật tố tụng về định giá.
Vì vậy, bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị và đã được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại.
- Thu thập chứng cứ để xác định giá trị tài sản tranh chấp
Ví dụ: Vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Vũ Văn Tuyến (tức Vũ Thanh Tuấn) với bị đơn là bà Dương Thị Nghĩa, các đương sự có tranh chấp tài sản chung là ngôi nhà số 84 Quang Trung, thành phố NT, cụ thể như sau:
Theo ông Tuyến khai: nhà đất là tài sản chung vợ, chồng. Mặc dù mua trước khi kết hôn (mua nhà năm 1993, kết hôn năm 1994) nhưng ông có bán nhà ở Thái Bình để góp tiền mua ngôi nhà này. Năm 1997 cả ông và bà Nghĩa làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai vợ chồng và năm 1999 UBND thành phố NT đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tến cả hai vợ chồng. Giá nhà đất tranh chấp trị giá 60 lượng vàng.
Theo bà Nghĩa khai: nhà đất là của bà mua trước khi kết hôn, nên là tài sản riêng của bà. Do đó, bà không đồng ý nhà đất là tài sản chung vợ chồng mà là tài sản riêng của bà có trước hôn nhân. Giá nhà đất khi tranh chấp trị giá 54 lượng vàng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 560/HNGĐ-ST ngày 11/12/2001, Tòa án nhân dân thành phố NT, tỉnh KH đã quyết định phần tranh chấp nhà đất như sau: Giao cho bà Nghĩa sở hữu nhà đất và có nghĩa vụ thanh toán cho ông Tuyến 100 chỉ vàng 96%.
Ông Tuyến kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 02/HNGĐ-PT ngày 25/3/2002 Tòa án nhân dân tỉnh KH đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại quyết định số 304/2010/KN-DS ngày 15/4/2010 Chánh án TANDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại quyết định tái thẩm số 674/2010/DS-TT ngày 19/10/2010 Tòa Dân sự TANDTC đã nhận định:
Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều nhận định căn nhà số 84 Quang Trung là tài sản chung vợ chồng là có căn cứ. Tòa án hai cấp nhận định căn nhà hẻm 84 Quang Trung là tài sản chung vợ chồng ông Tuyến và bà Nghĩa nhưng lại không phân chia tài sản này là không đúng. Lẽ ra, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm cần xác minh làm rõ những vấn đề như: có việc ông Tuyến bán nhà ở Thái Bình để góp tiền mua nhà hẻm 84 Quang Trung hay không? Nếu có việc ông Tuyến góp tiền cùng mua nhà với bà Nghĩa thì ông Tuyến góp bao nhiêu tiền? Trên cơ sở đó mới có căn cứ xác định mức độ đóng góp của ông Tuyến, bà Nghĩa vào việc tạo lập tài sản chung vợ chồng. Đồng thời cần xác định giá nhà đất trên tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo giá thị trường; từ đó mới có căn cứ phân chia nhà, đất của vợ chồng bà Nghĩa, ông Tuyến được công bằng, chính xác.
Trong khi chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên nhưng tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định giao toàn bộ nhà và đất của vợ chồng cho bà Nghĩa sở hữu; ghi nhận sự tự nguyện của bà Nghĩa thanh toán cho ông Tuyến 100 chỉ vàng là không có cơ sở, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự vì chính bà Nghĩa xác định giá trị nhà đất là 54 lượng vàng, ông Tuyến thì xác định giá nhà đất là 60 lượng vàng. Tại biên bản định giá ngày 13/6/2000 xác định giá trị nhà, đất của vợ chồng ông Tuyến là 40.700.000 đồng; nếu quy ra vàng tại thời điểm đó là 4.635.000 đồng/lượng thì chỉ được khoảng 10 lượng vàng, thấp hơn nhiều so với giá mà các đượng sự công nhận.
Tại công văn số 2472/STC-VG ngày 25/9/2008, Sở Tài chính tỉnh KH xác định giá nhà đất khu vực đường Quang Trung, thành phố NT tại thời điểm từ tháng 4 – 12/2000 có giá trị lớn hơn nhiều so với giá nhà, đất nêu trong biên bản định giá nhà, đất ngày 13/6/2000. Công văn cung cấp giá nhà, đất nêu trên là tài liệu, chứng cứ mới rất quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết vụ án; vì có xác định chính xác giá trị nhà, đất tranh chấp thì mới giải quyết đúng việc phân chia nhà đất của vợ chồng ông Tuyến bà Nghĩa. Hơn nưa, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều có sai sót nghiêm trọng trong việc phân chia tài sản chung vợ chồng ông Tuyến, bà Nghĩa như phân tích trên. Do đó cần hủy phần chia tài sản chung vợ chồng của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật, phân chia tài sản chung vợ chồng đúng với công sức đóng góp của các bên vào việc tạo lập tài sản chung mới bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code