Wednesday, October 2, 2013

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG BLHS NĂM 1999

TRỊNH TIẾN VIỆT -  Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
I. Về MộT Số ĐIểM MớI SửA ĐổI, Bổ SUNG:
Trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình nói riêng, cũng như bảo vệ, giữ gìn, phát huy truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, dân chủ và hạnh phúc, Chương XV trong BLHS Việt Nam năm 1999 quy định về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình đã có một số điểm mới sửa đổi, bổ sung so với BLHS năm 1985 cũng quy định về vấn đề này. Cụ thể như sau:
1. Điểm mới đầu tiên trong chương này là việc BLHS năm 1999 đã có sự điều chỉnh phạm vi bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo hướng thu hẹp lại – có nghĩa chương XV chỉ bao gồm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, còn các tội phạm đối với người chưa thành niên (đặc biệt là trẻ em) được chuyển sang các chương khác phù hợp hơn. Cụ thể, Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em được chuyển sang Chương XII – Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Điều 120); Tội dụ dỗ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp được chuyển sang chương XIX – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Điều 252) để phù hợp với yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm, về khách thể bị xâm hại, về đường lối xử lý đối với các hành vi phạm tội, cũng như đảm bảo sự hợp lý về kỹ thuật lập pháp và tính logíc của BLHS năm 1999.
2. Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình nói riêng, Chương XV – BLHS năm 1999 cũng đã bổ sung thêm hai tội danh mới, đó là Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149) và Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152). Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật được bổ sung vào BLHS năm 1999 với mục đích góp phần bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Luật hôn nhân và gia đình, đồng thời đề cao trách nhiệm của những người làm công tác hộ tịch ở UBND xã, phường, thị trấn trong việc đăng ký kết hôn cho người xin đăng ký kết hôn cũng như xử lý những người vi phạm nghĩa vụ của mình. Tương tự như vậy, việc bổ sung Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng vào BLHS năm 1999 cũng có vai trò quan trọng nhằm đề cao, giáo dục các thành viên trong gia đình Việt Nam về các chuẩn mực, giá trị đạo đức. Bởi lẽ, thời gian vừa qua cho thấy đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội đang bị xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống đạo đức của gia đình và dân tộc Việt Nam. Mặt khác, việc bổ sung tội danh này còn phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình nước ta năm 1986 (và năm 2000) cũng đã quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong các gia đình1.
3. Ngoài việc bổ sung hai tội phạm mới, tại Chương XV – BLHS năm 1999 còn bổ sung, sửa đổi cấu thành một số tội phạm theo hướng hạn chế bớt khả năng xử lý hình sự đối với các loại tội này. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình – lĩnh vực riêng tư và đặc biệt, thì chủ yếu là áp dụng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và xử lý hành chính để giải quyết. Chỉ xử lý bằng biện pháp hình sự trong những trường hợp thật cần thiết khi mà các biện pháp giáo dục, phòng ngừa, xử lý hành chính không có hiệu quả và khả năng ngăn chặn. Trong chương XV này, một số tội phạm được sửa đổi, bổ sung bao gồm bốn tội: Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146); Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147); Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148) và Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151). Cụ thể các tội phạm đó được sửa đổi, bổ sung như sau:
a. Về Tội cưỡng ép hôn nhân hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146) thì về cơ bản vẫn được giữ nguyên như BLHS năm 1985, chỉ bổ sung thêm yếu tố định tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm nhằm thu hẹp phạm vi xử lý về hình sự đối với tội phạm này. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng và chống các tội xâm phạm hôn nhân và gia đình đó là chỉ khi xử lý bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và xử phạt hành chính không có tác dụng và hiệu quả, thì mới áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn – biện pháp hình sự.
b. Về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147) thì được bổ sung, sửa đổi theo hướng bổ sung thêm chủ thể của tội phạm này và các yếu tố định tội. Cụ thể, theo quy định trong BLHS năm 1985 thì chủ thể là người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Tuy nhiên, trong thực tế còn rất nhiều trường hợp người chưa có vợ, có chồng lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng. Đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình – nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng 2, đồng thời nó còn phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác mà vẫn chưa bị pháp luật nghiêm trị. Do vậy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nói trên, Chương XV – BLHS năm 1999 quy định bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Ngoài ra, Điều luật cũng bổ sung thêm hai yếu tố định tội mới nhằm hạn chế khả năng xử lý tràn lan về hình sự đối với tội phạm này. Đó là chỉ xử lý về hình sự nếu hành vi nói trên gây hậu quả nghiêm trọng thì mặc dù là vi phạm lần đầu hoặc cũng bị xử lý về hình sự nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm.
c. Về Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148) thì về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu thành tội phạm như trong BLHS năm 1985 nhưng có bổ sung thêm một yếu tố định tội là đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm nhằm hạn chế phạm vi xử lý về hình sự đối với tội này. Tinh thần chung là giải quyết bằng các biện pháp mang tính giáo dục, phòng ngừa hoặc các biện pháp tác động xã hội là chính. Chỉ trong trường hợp người phạm tội không chịu sửa chữa mà vẫn cố tình tiếp tục vi phạm thì mới xử lý hình sự.
d. Về Tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151) có bổ sung thêm đối tượng bị hành hạ, ngược đãi và các yếu tố định tội. Bởi lẽ, trong xã hội thực tế cho thấy còn xảy ra nhiều trường hợp hành hạ, đối xử ngược đãi không chỉ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, mà còn cả giữa những người thân thích khác trong gia đình như giữa cháu với ông bà, giữa cháu với cô, dì, chú, bác…, thậm chí có người còn ngược đãi, hành hạ, đối xử tệ bạc với chính người đã có công nuôi dưỡng mình. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm thô bạo đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và đạo lý của gia đình truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, BLHS năm 1985 chỉ mới trừng trị hành vi của những người là cha mẹ, vợ chồng, con cái, còn hành vi của những người khác trong gia đình như đã nêu trên thì bị xử lý quy định tại Điều 111 BLHS năm 1985 trước đây về tội hành hạ người khác. Điều này chưa hợp lý vì cũng là một loại chủ thể phạm tội nhưng lại bị xử lý ở các chương, điều khác nhau về cùng một hành vi phạm tội. Vì vậy, BLHS năm 1999 đã có sửa đổi, bổ sung, cụ thể bổ sung thêm đối tượng bị ngược đãi, hành hạ là ông bà, cháu và người có công nuôi dưỡng người phạm tội; đồng thời bổ sung thêm các yếu tố định tội
gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
e. Về Tội loạn luân (Điều 150) vẫn giữ nguyên như trong BLHS năm 1985 do nó vẫn phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống loại tội phạm này.
4. Về kỹ thuật lập pháp trong Chương này, khác với BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 quy định hình phạt bổ sung ngay trong từng điều luật. Việc quy định như vậy đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, tránh việc bỏ quên không áp dụng hoặc áp dụng không chính xác hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.
II. MộT Số VấN Đề CầN LƯU Ý KHI ÁP DụNG CÁC QUY ĐịNH TạI CHƯƠNG CÁC TộI XÂM PHạM CHế Độ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH:
Để có sự thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các hành vi phạm tội thuộc Chương XV – Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong BLHS năm 1999, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 25 tháng 09 năm 2001, hướng dẫn một số điểm trong Chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Nội dung của Thông tư đã hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:
1. Thứ nhất, về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” trong cấu thành tội phạm các Điều 146, 147, 148, 151 và 152 cần chú ý bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một điều luật nói trên, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện chính hành vi đó (ví dụ: trước đó A bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn…) hoặc thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật tương ứng đó (ví dụ: trước đó A bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ…). Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện 3. Như vậy, nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính.
2. Ngoài ra, trong Thông tư này cũng đã hướng dẫn cụ thể các quy định trong từng điều luật tại Chương này bằng việc giải thích các cụm từ, các biểu hiện của hành vi khách quan trong các cấu thành tội phạm, chủ thể của tội phạm, đối tượng bị xâm hại, điều kiện để một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó v.v… Tuy nhiên, đối với từng tội phạm cụ thể trong Chương này, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
a. Về hành vi dùng “thủ đoạn khác” trong Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146) cần được hiểu là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ, bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ tự nguyện kết hôn v.v…
b. Về hành vi “chung sống như vợ chồng” trong Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147) cần được hiểu là người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được minh chứng bằng việc có con chung, được xã hội và hàng xóm chung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… Ngoài ra, cũng cần lưu ý là trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS năm 1999.
c. Về Tội tảo hôn (Điều 148) thì điều kiện để một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
- Người vi phạm cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn.
- Đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
d. Về Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149) thì chủ thể là người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn, cụ thể là:
- Người đại diện chính quyền hoặc người đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ta ở nước ngoài có thẩm quyền ký giấy chứng nhận kết hôn;
- Cán bộ hộ tịch làm thủ tục đăng ký kết hôn ở UBND xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ của Sở Tư pháp đối với trường hợp đăng ký kết hôn có nhân tố nước ngoài;
- Cán bộ làm thủ tục đăng ký kết hôn ở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
e. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội loạn luân (Điều 150) cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 115 BLHS năm 1999). Ngoài ra, trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 111 BLHS năm 1999) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS năm 1999). Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 113 BLHS năm 1999) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 114 BLHS năm 1999). Trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS năm 1999).
f. Về Tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151) thì một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi khách quan thuộc một trong hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất, người đó có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS năm 1999). Trong trường hợp gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tùy trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (thương tích hoặc tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên) hoặc về Tội giết người – Điều 93. Nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bức tử theo Điều 100 BLHS năm 1999.
- Trường hợp thứ hai, người đó có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bị cơ quan Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này 4 mà còn vi phạm, tức là vẫn tiếp tục ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý là, chỉ những trường hợp hành hạ, ngược đãi các đối tượng nêu trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Nếu hành vi hành hạ, ngược đãi được thực hiện đối với người không thuộc những đối tượng nêu trên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 BLHS năm 1999. Trường hợp hành vi hành hạ, ngược đãi chỉ là thủ đoạn của tội “Cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” theo quy định tại Điều 146 BLHS năm 1999.
g. Về chủ thể của Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152) là người có nghĩa vụ, trách nhiệm cấp dưỡng cho người khác theo quy định của pháp luật (có thể là cha mẹ đối với con nhỏ, con đối với cha mẹ già yếu, giữa vợ và chồng sau khi ly hôn…) được quy định tại Chương VI Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, đồng thời người đó có khả năng về kinh tế (khả năng thực tế) để thực hiện công việc cấp dưỡng. Trên thực tế, phải chứng minh được rằng người được yêu cầu có đủ điều kiện thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (dựa vào căn cứ nào đó như: tài sản hay mức thu nhập bình quân hàng tháng) mà họ cố ý từ chối hoặc trốn tránh thì mới phạm tội. Trong trường hợp mặc dù có yêu cầu cấp dưỡng và thực tế do không được cấp dưỡng nên đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng lại cũng chứng minh được rằng bản thân người được yêu cầu hoàn toàn không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ này (ví dụ bản thân họ cũng không kiếm ra tiền để đủ nuôi sống mình) thì họ cũng không phạm tội v.v…
Mặt khác, cần phân biệt tội phạm này với Tội không chấp hành án (Điều 304). Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này cần lưu ý nếu đã có bản án, quyết định của Tòa án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 BLHS năm 1999 về Tội không chấp hành án.
III. MộT Số KếT LUậN VÀ Đề XUấT NHằM HOÀN THIệN CHƯƠNG CÁC TộI XÂM PHạM CHế Độ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG BLHS NĂM 1999:
1. Như vậy, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong BLHS năm 1999 đã và đang góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình mới, dân chủ, bình đẳng, tiến bộ, đồng thời xây dựng các chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, xử lý kịp thời, công minh các hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
2. Một số sửa đổi, bổ sung tại Chương XV – Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong BLHS năm 1999 đã đánh dấu sự hoàn thiện của pháp luật trong việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình mới, tiến bộ, dân chủ và bình đẳng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một khi trong xã hội những phong tục lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để, những luồng tư tưởng ngoại nhập vẫn tràn lan, sự suy đồi, xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong xã hội, thì các vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình vẫn còn tiếp tục xảy ra. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình thuộc nhóm tội phạm mà tính nguy hiểm cho xã hội không cao nhưng dưới góc độ đạo đức xã hội thì chúng lại có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hôn nhân và gia đình. Cụ thể trong nhiều trường hợp việc xử lý bằng các chế tài pháp lý khác chưa đủ sức ngăn chặn và phòng ngừa nên trong những trường hợp mà người phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Chính vì thế, để phòng chống, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với loại tội phạm này đạt hiệu quả cần tiến hành đồng bộ với nhiều biện pháp hành chính, dân sự và trong một số trường hợp cần thiết phải áp dụng pháp luật hình sự. Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng cần được triển khai rộng khắp, liên tục, đồng bộ và trên tất cả mọi vùng, mọi miền của đất nước.
3. Bên cạnh đó, để áp dụng đúng đắn và thống nhất các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của BLHS Việt Nam năm 1999, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các quy định cụ thể từng điều luật tại Chương này. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nhằm mục đích giáo dục cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời răn đe và phòng ngừa chung. Như vậy, cùng với việc hoàn thiện Chương XV – Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong BLHS năm 1999, văn bản hướng dẫn và văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã hình thành một hệ thống văn bản hoàn thiện giúp cho Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể áp dụng đồng bộ, thống nhất trong thực tiễn.
4. Qua nghiên cứu Chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong BLHS năm 1999 hiện hành, chúng tôi có một số kiến nghị cần bổ sung thêm các đối tượng bị ngược đãi, hành hạ là anh, chị, em của người phạm tội vào tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng (Điều 151). Bởi lẽ, cả BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 mới chỉ trừng trị hành vi của những người là cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cháu và người có công nuôi dưỡng người phạm tội, còn đối với những người khác trong gia đình thì bị xử lý theo quy định tại Điều 110 BLHS năm 1999 (Điều 111 BLHS năm 1985 trước đây) về tội hành hạ người khác. Đây là điều chưa hợp lý vì cùng một loại chủ thể phạm tội, có cùng hình thức thực hiện hành vi phạm tội và cùng xâm hại đến một loại đối tượng có mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì cần phải bị xử lý như nhau tại cùng một Điều luật với cùng một tội danh, không nên xử lý một hành vi theo các Chương, Điều khác nhau. Mặt khác, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Bộ luật dân sự Việt Nam năm 1995 cũng đã quy định nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em trong trường hợp không còn cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con
5, cũng như quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ đều bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật trong đó có đối tượng là anh ruột, chị ruột và em ruột của người chết
6. Như vậy, mối quan hệ giữa anh chị em ruột là mối quan hệ thân thiết, gần gũi và gắn bó trong gia đình. Việc vi phạm nghĩa vụ đạo lý này nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì theo chúng tôi cần thiết phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cùng một tội danh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Xem cụ thể hơn: Chương VI Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 50 đến Điều 62).
2 Xem: Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
3 Xem: Điều 3 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
4 Xem: Điều 11 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
5 Xem cụ thể hơn: Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
6 Xem: Khoản 1 Điều 70 và điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1/2003

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code