Wednesday, October 9, 2013

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ THI HÀNH ÁN CẤP DƯỠNG NUÔI CON

LÊ LANH
Thi hành án dân sự về cấp dưỡng là một trong những loại việc khó thi hành, mất nhiều thời gian công sức và không đơn giản để kết thúc nhanh một vụ việc thi hành án. (Trừ trường hợp hai bên đương sự tự nguyện thoả thuận thi hành trực tiếp với nhau). Loại việc này, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, chịu khó và rèn luyện kỹ năng thuyết phục hai bên đương sự hoặc theo dõi thi hành dần hàng tháng, hàng quí…
Có những vụ việc phải thi hành mãi cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt mới kết thúc được hồ sơ. Một chuỗi thời gian khá dài phải tính đến hàng năm để thuyết phục hai bên đương sự tự nguyện thi hành với nhau . Bởi vì, thi hành án dân sự về cấp dưỡng đa số là loại việc thi hành dần trong một số vụ án về “ Vi phạm… an toàn giao thông; hôn nhân và gia đình…” số tiền cấp dưỡng chỉ từ 100.000đ đến 300.000đ/ tháng/ một cháu. Nếu đối tượng phải thi hành án không tự nguyện thi hành và điều kiện thi hành án của đối tượng đó vẫn có đủ đi chăng nữa, thì cơ quan thi hành án đôi khi cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để kê biên tài sản nhanh được. Bỡi lẽ số tiền đưa ra thi hành rất ít so với giá trị tài sản kê biên.

Thực tế, nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án có đủ điều kiện nhưng họ không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án cũng phải “đợi” và “chờ” đến một năm, hai năm hoặc nhiều hơn nữa… để xác định được số tiền đưa ra thi hành khá mới có đủ cơ sở, điều kiện tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản. Và chỉ có thể kê biên tài sản có giá trị như : Ti vi, xe máy… để khấu trừ số tiền phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án đó mà thôi, chứ không thể tiến hành kê biên một tài sản có giá trị lớn (nhà ở, quyền sử dụng đất…) để khấu trừ hết một lần được.. Thế rồi, số tiền cấp dưỡng định kỳ ở giai đoạn kế tiếp cũng phải theo dõi thi hành cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định pháp luật mới kết thúc. Chính vì lẽ đó, mà thực tiễn thi hành án đối với loại việc này vẫn tồn tại và kéo dài, khó kết thúc nhanh được vụ việc thi hành án. Để chứng minh cho thấy sự khó khăn và vướng mắc trong thực tiễn thi hành án, tôi nêu ra một vụ việc đang tổ chức thi hành vào thế “Tiến thoái lưỡng nan” . Đó là việc ly hôn giữa anh Trần Văn Tám và Chị Phạm Thị Loan, được Toà án nhân dân thành Phố H xử cho ly hôn tại Bản án số: 99/HNGĐ-ST ngày 30/7/2003. Chị Loan được nuôi hai cháu ( Nga- sinh năm 1997, Tuyết- sinh năm 1999) . Anh Tám, phải cấp dưỡng nuôi hai đứa con, mỗi tháng 290.000đ/tháng đến khi hai cháu đủ 18 tuổi.
Quá trình thi hành án, Anh Tám đã tự nguyện thi hành được hai năm đầu, sau đó anh Tám không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa. Nhiều lần cơ quan THA thuyết phục hai bên đương sự bằng nhiều lời lẽ, vừa động viên vừa giáo dục để Anh Tám ý thức thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ dân sự của mình, nhưng vẫn không tác dụng gì. Cơ quan THA tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, thì hiện tại anh Tám đã kết hôn với Chị Huệ và có một ngôi nhà cấp 4 do anh Tám và Chị Huệ đứng tên sở hữu, trong nhà còn có một số tài sản có giá trị như :Ti vi, tủ lạnh… Nói chung là Anh Tám có đủ điều kiện thi hành án, nhưng vẫn không thể tiến hành kê biên được. Nếu kê biên ngôi nhà thì giá trị tài sản của ngôi nhà rất lớn so với số tiền phải thi hành án và lại là tài sản chung của anh Tám và chị Huệ. Còn những tài sản khác, chị Huệ cho rằng là tài sản của chị, mặc dù chúng ta biết là tài sản chung của hai người, nhưng thực tế những loại tài sản điện tử này không quy định đăng ký quyền tài sản và khó xác định được là tài sản của ai? Cho nên, không đủ cơ sở để tiến hành kê biên, còn trả lại đơn yêu cầu lại càng không phù hợp theo quy định pháp luật. Nếu chúng ta tiến hành kê biên ngôi nhà thì lại là vấn đề rắc rối và phức tạp, lý do tài sản đó là tải sản chung và số tiền cấp dưỡng là thi hành dần theo từng tháng và rất ít, nên không thể thi hành khấu trừ một lần được … Đây là một trong những vấn đề phức tạp và khó khăn trong thực tiễn hành án về cấp dưỡng.
Vì thế, để kết thúc nhanh và đúng quy trình pháp luật đối với loại việc thi hành về cấp dưỡng, chúng tôi thường áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục giữa các bên đương sự tự nguyện thoả thuận thi hành trực tiếp với nhau không qua cơ quan thi hành án. Có nghĩa là quan hệ cấp dưỡng và được cấp dưỡng chấm dứt tại cơ quan thi hành án. Hoặc có những vụ việc, chúng tôi vận động bên cấp dưỡng nộp đủ một lần số tiền cấp dưỡng của một giai đoạn cấp dưỡng nào đó, đồng thời thuyết phục bên được cấp dưỡng nhận và thoả thuận từ bỏ quyền lợi được hưởng ở giai đoạn cấp dưỡng tiếp theo (thay vì họ chỉ được nhận số tiền rất ít của hàng tháng dần dần cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng). Có như vậy chúng ta mới có cơ sở đình chỉ và kết thúc nhanh được hồ sơ vụ việc.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành án dân sự về cấp dưỡng gặp không ít khó khăn và vướng mắc, chủ yếu áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục là chính hoặc theo dõi thi hành dần theo năm tháng cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt mới thôi.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
Trích dẫn từ:  http://tha.moj.gov.vn

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code