Wednesday, October 9, 2013

MỘT ÔNG LẤY HAI BÀ: AI LÀ VỢ HỢP PHÁP?

Một vụ án ly hôn hy hữu vừa được TAND quận 10, TP HCM, đưa ra xét xử. Người chồng chung sống không đăng ký với 2 bà vợ, nay muốn ra tòa ly hôn với bà vợ đầu tiên và chia tài sản. Nhưng tòa không chấp nhận mà lại tuyên hủy cuộc hôn nhân trái pháp luật của ông với bà vợ thứ hai.
Vấn đề pháp lý nảy sinh trong vụ án này là ai được công nhận làm vợ hợp pháp của nguyên đơn – ông L. Thời điểm ông ăn ở với hai người phụ nữ diễn ra trước 1/6/1976 – ngày thống nhất pháp luật giữa hai miền Nam – Bắc, trong đó có luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Theo hồ sơ xác minh của tòa án, năm 1958, ông L. và bà S. sống chung tại một căn hộ do chính quyền cũ cấp cho ông. Sau nhiều năm chung sống và sinh hạ được 7 người con, hai người phát sinh mâu thuẫn. Ông L. thường bỏ nhà đi nơi khác.

Năm 1972, ông L. chính thức sống như vợ chồng với bà T., và có với nhau 3 mặt con. Gần đây, ông quay về căn nhà cũ sống cùng bà S. Dù được bà chăm sóc chu đáo, nhưng ông L. cho rằng con cái thiếu tôn trọng cha nên gia đình thường xảy ra mâu thuẫn. Ông đề nghị được ly hôn và chia tài sản là ngôi nhà trên.
Phó chánh tòa dân sự TP HCM Nguyễn Văn Triệu:Chỉ có một người hợp pháp.
Theo tôi, điều kiện để được công nhận là hôn nhân thực thế là hai người phải sống chung như vợ chồng trước ngày 3/1/1987, có con chung, được họ hàng và láng giềng thừa nhận. Nếu ai có đủ điều kiện này thì được xem xét, công nhận. Nếu có nhiều người cùng đủ điều kiện thì ưu tiên công nhận cho người đến trước. Nếu họ không đủ thì mới xét đến trường hợp sau. Một khi đã công nhận người nào đó thì phải bác người kia”.
Theo TAND quận 10, quan hệ hôn nhân giữa ông L. và bà S. là hôn nhân thực tế, thể hiện qua việc hai người đã sống chung từ năm 1958, và có 7 người con. Tòa nhận định, gia đình có xảy ra mâu thuẫn, nhưng chưa đến mức trầm trọng. Các con và vợ vẫn chăm sóc ông chu đáo. Mục đích xin ly hôn chỉ để chia tài sản, do vậy không thể vì lý do này mà nói ông không còn tình cảm với gia đình. Đặc biệt, khi chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng với bà S., ông lại sống chung với bà T. Đây là việc làm trái pháp luật, không thể duy trì và chấp nhận được. Nếu không hủy bỏ thì khác nào tiếp tay cho một quan hệ xấu…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật, căn cứ những điều kiện được công nhận là hôn nhân thực tế thì bà S. và T. đều như nhau. Quan hệ giữa họ với ông L. cùng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) và có con chung…
Có ý kiến phải xem xét đến mối quan hệ thực của “cuộc tình tay ba” này. Có thể với một bà, ông L. chỉ chung sống mà không có tình cảm. Còn trường hợp kia, ông lại yêu thương. Khi đó, không thể nói rằng bà nào đến trước thì được công nhận. Việc chung sống là tự nguyện không đăng ký kết hôn, với mỗi người ông L. đều sống một thời gian dài, có nhiều tình cảm khăng khít, có con và tài sản chung… Do vậy không thể nói rằng bà này được, bà kia không.
Họ cho rằng không thể đem luật hiện nay để áp dụng cho những gia đình đã hình thành trước khi có luật. Luật hôn nhân và gia đình ở miền Nam trước đây tuy có quy định chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nhưng thực tế vẫn chấp nhận cho người đàn ông lấy vợ lẽ. Tại thông tư 69 hướng dẫn thực hiện Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 ở miền Bắc, giải thích với các trường hợp gia đình một chồng nhiều vợ hình thành trước khi luật có hiệu lực chỉ hủy hôn nhân hoặc cho ly hôn khi người vợ có yêu cầu. Theo quan niệm này, cả hai người phụ nữ trên đều là vợ hợp pháp.
SOURCE:  Pháp Luật TP HCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code