Thursday, October 3, 2013

HIỂU THẾ NÀO VỀ YẾU TỐ “HÔN” TRONG TỪ “HÔN NHÂN”


NGUYỄN TRUNG THUẦN
Vì “hôn nhân 婚姻” là một từ gốc Hán, nên ta thử tìm hiểu một cách lí giải về yếu tố “Hôn 婚” trong từ này của các tác giả Trung Quốc.
Hình thức cưới xin của loài người trong xã hội thời thượng cổ là như thế nào vẫn đang còn là một dấu hỏi đối với mỗi chúng ta. Một số học giả Trung Quốc trước đây cho rằng, trong lịch sử nước họ chỉ có hình thức hôn nhân “sính lễ ăn hỏi (“sính thú hôn”) theo lệnh của cha mẹ, theo lối của người làm mối mà thôi, còn thì không có hình thức hôn nhân nào khác. Họ không muốn đi sâu vào tìm hiểu diện mạo thật của nó, vì sợ làm mất thể diện của tổ tiên.
Sự thật là ngoài hình thức “sính thú hôn” ra, ở Trung Quốc còn có cả một vài hình thức khác nữa. Điều này đã được bộc lộ ra trong lời quẻ Truân của “Chu Dịch”, tức “Kinh dịch” – bộ sách ra đời cách đây khoảng 3000 năm. Lời quẻ Truân: “Thừa mã ban như, khấp huyết liên như, phỉ khấu hôn cấu”. Có nghĩa là: Tiếng vó ngựa vang lộp cộp, người con gái khóc nước mắt đầm đìa, kẻ cướp nàng làm cô dâu. Hiểu được câu này, thì nghĩa của từ “hôn” đã được giải đáp. “Bọn cướp” đi “cướp” cô dâu tất nhiên không thể “cướp” vào ban ngày được, mà dứt khoát phải là sau lúc hoàng hôn. Cho nên, trong các sách cổ của Trung Quốc, “hôn nhân” đều được viết là 昏姻 hoặc 昏因 (chữ “hôn 昏” này chính là “hôn” trong “hoàng hôn 黄昏” và có nghĩa “hoàng hôn”). Trong sách “Bạch hổ thông nghĩa. Giá thú thiên” ở đời Hán còn nói: “Hôn nhân là gì vậy”? Là hành lễ (cưới) vào lúc hoàng hôn, cho nên gọi là hôn vậy”. Cho đến nay, nghĩa này vẫn còn được bảo lưu. Chẳng hạn, khi một người nào đó vẫn còn chưa có “đối tượng”, nếu người khác đột nhiên hỏi anh ta đã kết hôn chưa, có thể anh ta sẽ dí dỏm mà đáp lại rằng: “kết hôn, kết hoàng hôn”. Qua đây có thể thấy, từ xưa đến nay ở Trung Quốc, giữa “kết hôn” và “hoàng hôn” luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Vì sao người xưa lại cứ phải đón dâu vào lúc tối trời? Lời quẻ Truân đã trả lời bằng “phỉ khấu hôn cấu”. Thì ra hình thức hôn nhân ở Trung Quốc thời thượng cổ là “hôn nhân cướp đoạt” (tức “lược đoạt hôn”). “Hôn nhân cướp đoạt” là chỉ bên nhà trai dùng phương thức cướp đoạt để cưỡng chiếm một người con gái làm vợ khi người con gái ấy cùng người thân của cô còn chưa có ý kiến gì. Mà đã là chuyện cướp đoạt phụ nữ thì chỉ có thể ra tay vào lúc nhập nhoạng tối tăm. (Tục “cướp vợ” tồn tại trong một vài dân tộc ít người ở Việt Nam chắc hẳn cũng là theo hình thức hôn nhân này). Việc kết hôn các đời sau đó vẫn diễn ra theo tập quán này, tức đều đón dâu vào lúc trời đã ngả tối. Chính vì thế mà khái niệm “hôn nhân” đã dần được hình thành, và lễ cưới được gọi là “hôn lễ”.

Sách “Lễ kí .Tăng Tử Vấn có ghi: “Khổng Tử nói: Nhà gái ba đêm không tắt nến, vì nghĩ đến sự xa cách nhau vậy; nhà trai ba ngày không cử nhạc, vì nghĩ tới người thân cô dâu sẽ kéo đến vậy”. Cách nói này đã để lộ đầu mối của hình thức “hôn nhân cướp đoạt”. Trong “Lễ kí . Giao đặc sinh” có nói: “Hôn lễ không mừng”, dụng ý của nó cũng là vì sợ tin tức về việc hôn lễ. Kẻ cướp và hôn lễ là hai việc khác hẳn nhau, vì sao lại nói gộp với nhau? Phải chăng thủ đoạn cướp người trong lễ cưới thời xưa lại chẳng có dính dáng với bọn cướp? (Lương Khải Siêu “Trung Hoa văn hoá sử. Xã hội tổ chức thiên”, chương 2). Cách lí giải này là có lí, kẻ cướp và hôn lễ được nêu ra cùng với nhau hẳn là nhằm thể hiện hình thức “hôn nhân cướp đoạt”, điều này còn có thể thấy được qua ẩn ý của điển tích.
Qua ghi chép trong các cổ tích, ở thời Trung Quốc cổ đại đã từng có hình thức “sư hôn”, tức lợi dụng thủ đoạn chiến tranh để cướp đoạt thê thiếp, đây chính là hình thức “hôn nhân cướp đoạt” chính hiệu! Chu U Vương khi đánh họ Bao đã lấy Cao Tự; Tấn Hiếu Công khi đánh rợ Li đã lấy nàng Li Cơ; Tào Tháo khi phá đất Nghiệp đã cướp vợ Viên Hi làm vợ cho con trai mình; Minh Tông đời Hậu Đường trong thời gian làm kị tướng, khi tranh đoạt Bình Sơn đã lấy được người con gái họ Vương, về sau trở thành hoàng hậu; Nguyễn Thái Tổ khi chinh phục Diệc Nan Sát Hãn đã chiếm đoạt vợ ông ta; Minh Hiến Tông khi đánh Man đã bắt nàng họ Kỉ, sau bà này sinh ra Hiếu Tông; Thanh Cao Tông khi bình định biên cương tộc Hồi đã cướp được Hương Phi rồi đưa vào hậu cung, sủng ái một thời. Những việc như thế xảy ra rất nhiều từ đời Hán đến đời Đường. Chuyện thủ lĩnh các dân tộc thiểu số ở chốn biên cương Trung Quốc dùng thủ đoạn chiến tranh để mưu đồ lấy vợ là đám phụ nữ trong hoàng thất ở Trung Nguyên cũng không phải là ít.
Trong lịch sử, việc dựa vào thế lực để chiếm vợ người cũng không phải là điều hiếm thấy. Thời Xuân Thu, cả Vệ Tuyên Vương và Sở Bình đều chiếm vợ của con mình; thời Tam Quốc, Tôn Lạc nước Ngô chiếm vợ của Phùng Thuần, rồi đưa vào cung phong là Tả phu nhân; Đường Huyền Tông đưa phi tử của Thọ Vương là Dương Thị vào cung, rồi lấy cho Thọ Vương người vợ khác là con của Vi Chiêu Huấn. Trong “Tần Nguyên sử” có ghi: Thái Tổ khi diệt Tứ Bộ Tháp, Tháp Nhi đầu tiên chiếm hoàng hậu Dã Thúc Can, sau nghe nói chị bà này còn đẹp hơn, vừa mới lấy chồng, cũng cướp lấy luôn rồi giết cả chồng bà ta.
Trong dân gian cũng có chuyện vì không nộp nổi đồ sính lễ mà đã phải “cướp vợ”. Trong “Tả truyện . Tương Công nhị thập ngũ niên” có ghi: Một người lái buôn nhỏ nước Trịnh trên đường đi buôn sang nước Tấn khi gặp một đám đón dâu, liền cướp ngay lấy cô dâu làm vợ. “Bắc sử . Cao Ngang truyện” có chép: Khi Cao Càn hỏi con gái họ Thôi làm vợ, nhà gái hiềm anh ta không quyền, không thế nên không bằng lòng. Thế là anh ta liền rủ cậu em trai tên là Cao Ngang đến cướp cô gái đó. Ra đến ngoài thôn, Cao Ngang sợ nhà gái ra cướp lại nên nói với anh mình rằng: Sao anh không tiến hành hôn lễ ngay đi? Cao Càn hiểu ý em, liền “ngủ” luôn với cô này ở ngay tại cánh đồng rồi mới đưa về nhà mình.
Cần phải biết rằng, hình thức “hôn nhân cướp đoạt” của tầng lớp thống trị khác với trong dân gian về tính chất: một đằng là kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, còn một đằng là buộc phải làm như vậy. Tầng lớp thống trị có thể ngang nhiên cướp vợ của người khác để hưởng lạc, song để duy trì trật tự cho nền thống trị của mình, lại nghiêm cấm người dân không được làm chuyện đó.
(Theo “Bát quái thần bí”)
SOURCE: NEWVIETART.COM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code