Sunday, October 13, 2013

CHÍNH SÁCH VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM ĐƯỢC PHÁT HIỆN

CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN, BỘ TÀI CHÍNH
Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Dân sự thì một bộ phận tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được chủ sở hữu thì được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Tại Bộ luật Hàng hải, Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hoá, Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 8/7/2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/2/2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển đã quy định về xác định chủ tài sản chìm đắm; trục vớt, bảo quản, giao nhận tài sản chìm đắm; thăm dò, khai quật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước; khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia v.v…
Thời gian vừa qua, ngoài việc trục vớt các tài sản gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải để đảm bảo an toàn giao thông đường biển, Nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc khai quật, tìm kiếm, trục vớt các tàu cổ chìm đắm tại vùng biển ở một số địa phương (Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Nam, Bình Thuận, Cà Mau…). Các cổ vật trục vớt được từ các con tàu cổ này chủ yếu được chuyển giao cho các Bảo tàng của Nhà nước (như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nhà nước một số tỉnh, thành phố…) để thực hiện quản lý, lưu giữ, trưng bày theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Một số trường hợp, sau khi phân loại, đưa vào lưu giữ tại các Bảo tàng của Nhà nước đối với các hiện vật độc bản hoặc tập hợp thành các bộ sưu tập có giá trị văn hoá, lịch sử, khoa học (khoảng 10% số hiện vật trục vớt được), số hiện vật còn lại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu để bán đấu giá tại nước ngoài (như cổ vật trục vớt tại Cù Lao Chàm – Quảng Nam, cổ vật trục vớt được tại vùng biển Bình Thuận, Cà Mau v.v…).

Có thể nói, việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy trong thời gian vừa qua đã góp phần vào việc đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng hải; góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hoá, khoa học, lịch sử của di sản văn hoá; khai thác nguồn thu cho ngân sách nhà nước phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ các di sản văn hoá, xây dựng cơ sở vật chất của các Bảo tàng cấp tỉnh v.v… Tuy nhiên, còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đối với tài sản bị chôn giấu mới chỉ được quy định về xử lý tài sản sau khi tìm thấy tại Điều 187, Điều 240 của Bộ luật Dân sự và các văn bản ưới luật. Tuy nhiên, tại các văn bản hiện hành chưa quy định trình tự xử lý từ khi tiếp nhận thông tin có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm do các tổ chức, cá nhân thông báo; các phương thức xử lý; thẩm quyền lập, phê duyệt phương án xử lý; tổ chức xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cũng như quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm v.v…; do đó khi phát hiện hoặc xử lý tài sản tìm thấy rất lúng túng; cụ thể, đối với tài sản bị chìm đắm đã được quy định tại Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/2/2006 của Chính phủ chưa được khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức thăm dò, trục vớt, xử lý tài sản được tìm thấy; chưa quy định hoặc quy định chưa rõ về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan đến công việc này.
Thứ hai, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể việc bán di vật, cổ vật thuộc sở hữu của Nhà nước. Số di vật, cổ vật khai quật, trục vớt được sau khi đưa vào lưu giữ tại các Bảo tàng, địa phương có di vật, cổ vật khai quật, trục vớt được muốn bán để thu tiền nộp ngân sách nhà nước phải báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho xuất khẩu để bán đấu giá tại nước ngoài. Trong khi đó, việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật ở trong nước chưa được thực hiện do chưa có quy định.
Thứ ba, do thiếu kinh nghiệm về thị trường cổ vật thế giới, dẫn tới thiếu chính xác trong việc lựa chọn đối tác bán đấu giá, số lượng và chủng loại cổ vật cho mỗi cuộc bán đấu giá, thị trường tổ chức bán đấu giá… làm cho hiệu quả bán đấu giá không cao, ảnh hưởng tới uy tín của cổ vật Việt Nam. Việc ký Hợp đồng uỷ thác bán đấu giá còn chưa chặt chẽ, dẫn tới việc xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan khi xảy ra tranh chấp rất khó thực hiện (như cổ vật Cù Lao Chàm – Quảng Nam).
Thứ tư, chưa có cơ sở pháp lý quy định việc quản lý nguồn thu và nhiệm vụ chi cho việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy, dẫn tới các cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý đối với từng vụ việc cụ thể.
Thứ năm, thực tế việc xử lý tài sản trục vớt được không chỉ dừng ở việc bán đấu giá mà còn phải xử lý chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng lưu giữ, quản lý, thực hiện tiêu huỷ đối với tài sản không được phép lưu thông…; do đó, quy định việc xử lý tài sản trục vớt với hình thức bán đấu giá dẫn đến địa phương lúng túng trong việc xử lý tài sản trục vớt.
Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn dấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam; trong đó, trình tự xử lý tài sản trục vớt đã được quy định khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức thăm dò, trục vớt, xử lý tài sản được tìm thấy; đồng thời, quy định rõ về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan đến việc xử lý tài sản trục vớt cũng như quy định rõ việc quản lý tài chính (các khoản chi phí, nguồn kinh phí, nguồn thu) trong việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm … đã tạo lập hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản khai quật, trục vớt được, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ về khuôn khổ pháp lý đối với việc xử lý tài sản trục vớt./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN, BỘ TÀI CHÍNH – THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ CHƯA ĐƯỢC CẬP NHẬT

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code