Wednesday, October 9, 2013

BÀN VỀ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN: TỪ TUỔI ĐÃ THÀNH NIÊN ĐẾN TUỔI KẾT HÔN CỦA NAM GIỚI


TS NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG – PHÓ CHỦ NHIỆM KHOA LUẬT DÂN SỰ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM
Với sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay đã vượt trội hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều về thể chất và tâm sinh lý. Chiếc áo tuổi thành niên vì vậy không còn phù hợp để khoác lên mình trẻ nữa. Chính vì không được cho những quyền tương thích với sự phát triển tự nhiên nên đã dẫn đến nhiều trẻ bức bối, xé rào quy định tuổi, dẫn đến những sự việc đau lòng. Nhiều vụ án trẻ em phạm tội thực chất các em đã là người lớn. Những nhận định này liệu có cơ sở và có nên thay đổi quy định tuổi thành niên, một cơ sở để xác lập nhiều quyền công dân khác cho trẻ? Chúng tôi giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia dưới đây và mong nhận được những ý kiến luận bàn khác để soi rọi thấu đáo hơn vấn đề này.
Việc đưa ra độ tuổi kết hôn là căn cứ trên sự phát triển về tâm sinh lý, sức khoẻ và sự phát triển của nhận thức người đó. Trước đây, người ta cho rằng, sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của nữ thường sớm hơn so với nam. Tuy bằng tuổi, nhưng con gái thường dậy thì trước và nhận thức cũng già dặn hơn bạn nam cùng tuổi. Vì vậy, tuổi kết hôn của nữ ít hơn nam hai tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay đã khác trước rất nhiều. Điều này thể hiện ở chất lượng cuộc sống hiện đại ngày càng cao. Trẻ ngày nay được nuôi dưỡng đầy đủ về mặt dinh dưỡng nên sự phát triển cơ thể đang có xu hướng sớm hơn trước đây, nhất là trẻ em ở thành phố. Bên cạnh đó là môi trường giáo dục tri thức, nhận thức cho trẻ. Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều điều kiện để hoàn thiện tri thức, học hỏi nâng cao nhận thức từ nhiều kênh khác nhau. Và việc phát triển này tương đối đồng đều giữa nam và nữ, chứ ít có chênh lệch rõ ràng như trước.
Nam giới lập gia đình ở độ tuổi 18, về mặt thể lực và sự phát triển tâm sinh lý, họ có thể gánh vác được trách nhiệm gia đình. Thứ nữa là về mặt nhận thức, trí thức so với mặt bằng xã hội, để người ta có một nhận thức nhất định, để có thể ứng xử trong gia đình, thực hiện nghĩa vụ trong gia đình tốt… họ cũng được thụ hưởng tương đương với nữ giới. Người ta từng đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, vậy tại sao việc quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay có sự bất bình đẳng như vậy mà lại không được điều chỉnh?
Quy định tuổi thành niên hiện hành
Theo quy định của bộ luật Dân sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, người từ dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên theo các quy định của bộ luật Hình sự thì người chưa thành niên từ 14 tuổi trở lên đã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự cũng không quy định thế nào là thành niên hay chưa thành niên nhưng bộ luật này cho phép xác định người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên. Nhìn từ góc độ tổng quát nhất, Hiến pháp Việt Nam dành đủ một chương về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, theo đó, một người chỉ có trọn vẹn quyền công dân khi họ đủ 21 tuổi trở lên.
Ở nhiều nước trên thế giới, tuỳ điều kiện xã hội, văn hoá từng nơi mà họ đưa ra tuổi kết hôn cho phù hợp. Ở những nước ít dân số, điều kiện dân sinh tốt thì 16 tuổi đã có thể lập gia đình. Đó cũng là cách để đẩy nhanh sự tăng trưởng dân số. Còn những nước có tỷ lệ tăng dân số cao, hoặc ổn định thì độ tuổi kết hôn được đưa ra có thể là 17, 18 tuổi, tuỳ theo quy định nước đó. Xét đến khía cạnh tuổi kết hôn từ xưa đến nay người ta dựa trên những yếu tố như đã đề cập ở trên chứ không căn cứ vào tuổi có thể sinh con. Thực tế là thời phong kiến, 13 – 14 tuổi là người nữ có thể sinh con rồi. Vấn đề là cuộc sống hiện đại, giáo dục làm sao để đừng xảy ra tình trạng những người trẻ mới 13 – 14 tuổi đã sinh con trong khi chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức, cả mẹ và con trở thành gánh nặng của xã hội. Trong thực tế cũng có nhiều em, biết là chưa đủ tuổi và vi phạm pháp luật nhưng vẫn để tình yêu vượt quá giới hạn. Khi phạm phải điều cấm kỵ, đặc biệt là những em nữ, để tránh dư luận xã hội, các em buộc phải giữ bí mật, dẫn tới hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng như nạo hút thai ngoài ý muốn, phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, những dằn vặt bản thân… Chúng ta cần nhiều thời gian để luận giải thấu đáo những trường hợp này.
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ đã có ý thức trách nhiệm của mình để tránh hậu quả, biết lưu ý về tình dục an toàn và hoàn toàn chủ động trong hành vi tình dục của mình. Hiện nay, luật pháp quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là 20 tuổi, nữ là 18 tuổi. Tuy nhiên, theo tôi, cần điều chỉnh độ tuổi kết hôn của nam ngang bằng với nữ, tức 18 tuổi để tránh bất bình đẳng giới cũng như phù hợp với sự phát triển của trẻ hiện nay. Cuộc sống của giới trẻ và quan niệm về tình yêu của họ bây giờ đã khác trước rất nhiều. Vì vậy rất cần có sự quan tâm và những giải pháp phù hợp, theo kịp sự phát triển của tâm lý lứa tuổi này. Trong đó, gia đình là điểm tựa đầu tiên giúp trẻ vững vàng, có nghị lực và có khả năng đối phó với các giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì và tự tin bước vào đời. Đồng thời định hướng cho con trẻ có lối sống lành mạnh.
Vấn đề trên tôi đã nêu ra ở một số buổi hội thảo, diễn đàn và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Dĩ nhiên, cần thêm những ý kiến luận bàn khác để có nhìn nhận chính xác hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Tuổi thành niên ở một số nước
Theo tổ chức Y tế thế giới, lứa tuổi 10 – 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên. Như vậy người trên tuổi 19 sẽ được coi là thành niên. Tuy nhiên các nước lại có quy định tuổi thành niên khác nhau. Quy định chung tuổi thành niên của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 20 tuổi, của Úc, Canada, Ấn Độ, Philippines, Anh, Brazil, Croatia, Mỹ là 18 tuổi. Một số nước xác định tuổi trưởng thành để kết hôn lại thấp hơn như: Angola (12 tuổi), Senegal (13 tuổi) Algeria (16 tuổi), Nga (16 tuổi), Bồ Đào Nha (14 tuổi), Uruguay (15 tuổi), Colombia (14 tuổi), Malaysia (16 tuổi)…
K.D (WIKIPEDIA
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI XUNG QUANH VẤN ĐỀ TRÊN
PGS.TS Trần Thị Quý (nguyên cán bộ viện Nghiên cứu phát triển xã hội):
Tuổi không phù hợp, trẻ sẽ xài lén quyền
Để đi đến một kết luận nên tăng hay giảm quy định tuổi thành niên của trẻ em Việt Nam, cần có những số liệu cụ thể về sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn xã hội. Nếu sự phát triển đó rõ ràng là đi lên cùng với xã hội, trẻ em Việt Nam đang ngày càng tiến gần với sự phát triển của trẻ em một số nước khác, thì việc thay đổi quy định tuổi theo tôi là cần thiết. Một quy định luật pháp nếu phù hợp với sự phát triển tự nhiên sẽ dễ làm người ta chấp pháp hơn là một quy định khiên cưỡng, buộc người ta phải ép mình, phải “đẽo chân cho vừa giày”.
Một người trưởng thành được các nhà nghiên cứu chia thành hai lĩnh vực rõ ràng, đó là sự trưởng thành sinh học và sự trưởng thành xã hội. Tuổi trưởng thành sinh học thì tương đối đồng đều, tuy nhiên sự trưởng thành về mặt xã hội lại rất khác nhau, đó chính là sự hiểu biết, kinh nghiệm sống, ý chí và ý thức xây dựng gia đình. Có nhiều ý kiến cho rằng tuổi trẻ thì chưa nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm gia đình nên kết hôn sẽ gặp khó khăn. Điều đó xét theo bình diện chung thì đúng, tuy nhiên trong hôn nhân điều thiết yếu không phải ở chỗ nhiều hay ít tuổi mà là ở chỗ ý thức và điều kiện xây dựng gia đình.
Trong nhiều vụ việc trẻ em phạm pháp, sớm có những hành vi không phù hợp lứa tuổi (yêu đương, quan hệ tình dục…) chúng ta kết luận trẻ vi phạm là vì chúng ta đã lấy cái chuẩn do chúng ta quy định ra mà xét nét, chứ nếu xuất phát từ sự phát triển tự nhiên của trẻ, sẽ dễ dàng nhận ra với những phát triển về tâm sinh lý như vậy và điều kiện sống như vậy, trẻ có những việc làm đó là đương nhiên, là tự nhiên, bản thân trẻ khó mà cưỡng lại. Không được cho mình những quyền lẽ ra đương nhiên thuộc về mình thì trẻ phải sử dụng lén lút, vụng trộm cũng là điều dễ hiểu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền hội Luật gia TP.HCM:
Trẻ có phát triển nhưng chưa toàn diện
Dễ dàng bắt gặp những thông tin về việc kết hôn của những người vị thành niên chưa đến tuổi kết hôn mà pháp luật quy định (tảo hôn) trên báo chí. Có người đã lấy nhau được ba năm nhưng chưa đăng ký kết hôn vì cô dâu chưa đủ tuổi, hoặc chưa đến tuổi vẫn cưới vợ, bị kiện vì yêu cô dâu chưa đủ tuổi… Đây là hiện tượng xảy ra rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng quê, nơi mà người dân còn thiếu kiến thức pháp luật, đồng thời cũng là nơi còn chịu nhiều ảnh hưởng của các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, trọng nam khinh nữ… Chính điều này đã dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình phổ biến, thậm chí vi phạm cả pháp luật hình sự. Theo quy định tại bộ luật Dân sự 2005, người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên, người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên với độ tuổi kết hôn, luật hôn nhân và gia đình 2000 có quy định khác so với độ tuổi thành niên. Cụ thể luật này quy định độ tuổi được kết hôn của nam là từ hai mươi tuổi trở lên và độ tuổi được kết hôn của nữ là từ mười tám tuổi trở lên.
Gần đây cũng có nhiều người cho rằng do điều kiện vật chất và tinh thần để nuôi dạy trẻ đã tốt hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước nên các em dậy thì khá sớm. Vì vậy, cần thay đổi quy định độ tuổi trưởng thành, độ tuổi kết hôn để phù hợp với tình hình thực tế phát triển của trẻ. Theo tôi thì lúc này vẫn không nên thay đổi độ tuổi thành niên cũng như độ tuổi kết hôn theo chiều hướng giảm. Đặc biệt là không nên thay đổi độ tuổi người chưa thành niên, trẻ em trong quy định tại luật hình sự bởi tuy các em có điều kiện chăm sóc tốt hơn và dậy thì sớm hơn nhưng do đặc điểm thể chất của người Việt Nam cũng như trình độ phát triển trí não, tâm lý… các em vẫn chưa thể phát triển toàn diện như người trưởng thành được. Rõ ràng là các em vẫn cần được pháp luật bảo vệ cho đến khi đủ tuổi trưởng thành theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình, hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam:
Chọn độ tuổi nào cần có quá trình
Khi đưa ra độ tuổi trưởng thành cho trẻ nói chung và tuổi kết hôn nói riêng, người ta phải căn cứ nhiều mặt như sức khoẻ sinh sản, sự phát triển của nhân cách, nhận thức xem người đó có đủ bản lĩnh làm cha làm mẹ hay không. Một đứa bé 16 tuổi có thể sinh đẻ nhưng về mặt nhận thức thì sao, đến bản thân còn chưa phải là người lớn thì làm sao dạy con được? Ngày xưa, người ta quan niệm là “nữ thập tam, nam thập lục”, tức con gái 13 tuổi lấy chồng, con trai 16 tuổi có thể lấy vợ nhưng lúc đó cấu trúc gia đình nó khác. Có thể là tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường cho nên người con dâu sinh con nhưng việc dạy dỗ có thể có cha mẹ, ông bà. Còn bây giờ gia đình hạt nhân, chỉ có vợ và chồng, vì vậy mà bố mẹ chỉ 16, 17 tuổi thì làm sao dạy con.
Công bằng mà nói, do điều kiện sống ngày càng nâng cao, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn đảm bảo đầy đủ nên trẻ ngày nay phát triển sớm. Nhiều em nữ mới 10 – 11 tuổi đã hành kinh rồi. Do sinh lý phát triển thì đương nhiên tâm lý cũng phát triển theo. Thứ hai, do tác động của môi trường xã hội, ngày nay trẻ yêu đương rất sớm, quan niệm tình yêu thoáng và quan hệ tình dục cũng sớm. Tuy nhiên việc đưa ra độ tuổi nào phải trải qua quá trình trao đổi, phản biện, cần nhiều thời gian chứ không đơn giản chỉ là để đáp ứng nhu cầu bản năng của con người. Theo đà phát triển của xã hội, việc phát triển tâm sinh lý, nhân cách đến sớm với người trẻ và nhu cầu điều chỉnh tuổi là một thực tế thì tôi nghĩ lúc đó người ta có thể thay đổi quy định.
TRUNG DŨNG (GHI)
altNguyễn Hữu Thọ (27 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông):
Tăng tuổi sẽ tốt hơn
Hiện việc giáo dục cho giới trẻ hoàn toàn là giáo dục kiến thức chứ những kỹ năng sống, giới tính thì hoàn toàn bỏ ngỏ, hay không hiệu quả nên tất yếu là giới trẻ không hiểu hoặc không nhận được đầy đủ những gì mình làm, và họ cũng sẽ không đủ nhận thức về trách nhiệm khi quan hệ, lập gia đình. Hạ tuổi có thể giúp tình trạng phá thai giảm vì nhiều cặp nam nữ sẽ hợp thức hoá việc có thai ngoài ý muốn nhưng tỷ lệ ly hôn sẽ cao vì những khoảng trống kỹ năng sống của họ. Tôi nghĩ nên tăng độ tuổi kết hôn của nữ lên 20 tuổi còn nam thì 22 vì mặc dù giới trẻ hiện có sự phát triển nhanh về thể chất, trí tuệ song kỹ năng sống, nhận thức gia đình, tính trách nhiệm thì rất thiếu, thậm chí có phần lệch lạc.
altChâu Thị Diệu Hiền (25 tuổi, nhân viên văn phòng):
Giảm tuổi là hợp lý
Theo tôi nên tạo sự công bằng trong quy định độ tuổi kết hôn là 18 cho cả nam và nữ vì ở tuổi này, đa phần cả hai giới đã hoàn thành chương trình phổ thông, có những hiểu biết căn bản để nhận thức cuộc sống và có trách nhiệm với hành động của mình. Xét về yếu tố tâm sinh lý thì độ tuổi 18 cơ thể cũng đã phát triển khá hoàn chỉnh và nhu cầu sinh lý bắt đầu có. Việc gia hạn đến 20 tuổi vô hình trung buộc nam giới phải nén lòng, và với những người không nén được thì sao? Đó là tình trạng quan hệ trước hôn nhân, giải toả nhu cầu bên ngoài (vô tình tạo thêm tiêu cực xã hội). Đành rằng “sống và làm theo pháp luật” nhưng luật khó lòng cấm được hành vi phát triển tự nhiên, bản năng
SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP THEO BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code