Wednesday, January 29, 2014

Doanh nghiệp không được cho nhau vay tiền mặt từ 1/3/2014.

Kể từ 1/3/2014, các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cũng không được sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Chính phủ vừa ban hành nghị định về thanh toán bằng tiền mặt.

Theo quy định trong dự thảo, kể từ 1/3/2014, các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cũng không được sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Các giao dịch chứng khoán cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định này với quy định cụ thể là: tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán. Các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán cũng không được thanh toán bằng tiền mặt.



Ngoài ra, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các doanh dịch, trừ một số trường hợp theo quy định của Bộ Tài chính và của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định này cũng không quy định cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán nhà, ô tô và các tài sản có giá trị lớn khác như dự thảo lần 1.

Thỏa thuận về nhu cầu rút tiền mặt

Theo nghị định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch rút tiền mặt và việc khách hàng thông báo trước khi rút tiền mặt với số lượng lớn.

Các đơn vị khi giao dịch với Kho bạc nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ tài chính.

Ngân hàng Nhà nước ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt với khách hàng của mình và niêm yết công khai.



Quy định tại nghị định 222/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

"1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau".

 

NGHỊ ĐỊNH VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
2. Thanh toán bằng tiền mặt là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mặt để trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.
3. Dịch vụ tiền mặt là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước cung cấp cho khách hàng trong việc nộp, rút tiền mặt hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến tiền mặt.
4. Tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Tổ chức sử dụng vốn nhà nước là tổ chức có sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.
Chương 2.
THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT ĐỐI VỚI MỘT SỐ GIAO DỊCH THANH TOÁN
Điều 4. Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và tổ chức sử dụng vốn nhà nước
1. Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 5. Giao dịch chứng khoán
1. Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.
2. Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Điều 7. Giải ngân vốn cho vay
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 8. Thỏa thuận và đăng ký về nhu cầu rút tiền mặt
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch rút tiền mặt và việc khách hàng thông báo trước khi rút tiền mặt với số lượng lớn.
2. Các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước thực hiện việc đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 9. Phí dịch vụ tiền mặt
1. Ngân hàng Nhà nước ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN
Điều 10. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
1. Hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 4, Điều 7 và Điều 9 của Nghị định này.
2. Làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin tuyên truyền phục vụ triển khai thực hiện Nghị định này.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Hướng dẫn thực hiện Khoản 1 Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
Điều 12. Trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền và triển khai tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nghị định này.
2. Các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện Nghị định trong lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình, gửi Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Sunday, January 26, 2014

Những lời chúc Tết Giáp Ngọ hay và ý nghĩa


Những lời chúc Tết Giáp Ngọ hay và ý nghĩa

Chúc mừng năm mới 2014. Chúc năm mới sức khỏe dẻo dai, công việc thuận lợi thăng tiến dài dài, phi những nước đại tiến tới thành công.
- Năm hết Tết đến – Đón Ngựa tiễn Rắn – Chúc ông chúc bà – Chúc cha chúc mẹ – Chúc cô chúc cậu – Chúc chú chúc dì – Chúc anh chúc chị – Chúc luôn các em – Chúc cả các cháu – Dồi dào sức khoẻ – Có nhiều niềm vui – Tiền xu nặng túi – Tiền giấy đầy bao – Đi ăn được khao – Về nhà người rước – Tiền vô như nước – Tình vào đầy tim – Chăn ấm nệm êm – Sung sướng ban đêm – Hạnh phúc ban ngày – Luôn luôn gặp may – Suốt năm con Ngựa.
- Năm con Ngựa, chúc mọi người vui vẻ như Chim sẻ, khỏe mạnh như Đại bàng, giàu sang như chim Phụng, làm lụng như chim Sâu, sống lâu như Đà điểu nhé!
- Mùa xuân xin chúc – Khúc ca an bình – Năm mới phát tài – Vạn sự như ý – Già trẻ lớn bé – Đầy ắp tiếng cười – Trên mặt ngời ngời – Tràn đầy hạnh phúc.
- Chúc mừng năm mới 2014 – Chúc bạn luôn: Đong cho đầy hạnh phúc – Gói cho trọn lộc tài – Giữ cho mãi an khang – Thắt cho chặt phú quý.
- Năm mới thái độ yêu đời mới! – Chúc các bạn nhiều lý do để vui vẻ năm tới – Chúc bạn luôn vui vẻ, bình an và hạnh phúc trong năm mới.
- Mừng 2014 phát tài phát lộc Tiền vô xồng xộc, tiền ra từ từ – Sức khoẻ có dư, công danh tấn tới – Tình duyên phơi phới, hạnh phúc thăng hoa – Xin chúc mọi nhà một năm đại thắng.
- Năm mới 2014: Chúc luôn hoan hỷ, sức khỏe bền bỉ, công danh hết ý, tiền vào bạc tỉ, tiền ra ri rỉ, tình yêu thỏa chí, vạn sự như ý, luôn cười hi hi, cung hỷ cung hỷ.
 Ảnh minh họa: Internet.
- Chúc năm mới:
- Vừa đủ Hạnh phúc để giữ tâm hồn bạn được ngọt ngào.
- Vừa đủ Thử thách để giữ bạn luôn kiên nhẫn.
- Vừa đủ Muộn phiền để giữ bạn thật sự tỉnh táo.
- Vừa đủ Hy vọng để cho bạn được hạnh phúc.
- Vừa đủ Thất bại để bạn mãi khiêm nhường.
- Vừa đủ Thành công để giữ bạn mãi nhiệt tâm.
- Vừa đủ Bạn bè để bạn được an ủi.
- Vừa đủ Vật chất để đáp ứng các nhu cầu vật chất của bạn.
- Vừa đủ Nhiệt tình để bạn cho đời thêm hân hoan.
- Vừa đủ Niềm tin để xua tan những thất vọng.
- Mùa xuân xin chúc – Khúc ca an bình – Năm mới phát tài – Vạn sự như ý – Già trẻ lớn bé – Đầy ắp tiếng cười – Trên mặt ngời ngời – Tràn đầy hạnh phúc – Xuân đến hy vọng – Ấm no mọi nhà – Kính chúc ông bà – Sống lâu trăm tuổi – Kính chúc ba mẹ – Sức khoẻ dồi dào – Đôi lứa yêu nhau – Càng thêm nồng ấm – Các em bé nhỏ – Học giỏi chăm ngoan – Chúc mọi người – Năm mới hoan hỷ – Gặp nhiều niềm vui.
- Mỗi năm là một mùa hoa nở, mỗi năm là một mùa bội thu. Cuộc sống như cái cây đang lớn. Đó là lời chúc bạn trong năm mới.
- Đong cho đầy hạnh phúc. Gói cho chọn lộc tài. Giữ cho mãi an khang. Thắt cho chặt phú quý. Cùng chúc nhau như ý. Hứng cho chọn an khang. Chúc năm mới bình an.
- Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc một năm mới: nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
- Chúc mừng năm mới 2014. Chúc năm mới sức khỏe dẻo dai, công việc thuận lợi thăng tiến dài dài, phi những nước đại tiến tới thành công.
- Kính chúc mọi người một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Vui trong sức khoẻ, trẻ trong tâm hồn, khôn trong lý tưởng, trưởng thành trong tất cả mọi lĩnh vực.
- Năm mới chúc anh em: Sức khỏe vô biên, kiếm được nhiều tiền, đời sướng như tiên, chẳng ai làm phiền!
Cung kính mời nhau chén rượu nồng Chúc mừng năm đến, tiễn năm xong Tân niên phúc lộc khơi vừa dạ Xuân mới tài danh khởi thỏa lòng. Vạn chuyện lo toan thay đổi hết Sự gì bế tắc thảy hanh thông Như anh, như chị, bằng bè bạn Ý nguyện trọn đời đẹp ước mong
Ảnh minh họa: Internet
- Tết tới . Xuân sang đắc lộc. Gia đình hạnh phúc. Vạn sự cát tường! Năm Ngọ sắp đến. Chúc bạn đáng mến. Sự nghiệp tiến lên. Gặp nhiều điều hên!
- Cùng chúc nhau “Như ý”. Hứng cho tròn “An khang”. Chúc năm mới “Bình an”. Cả nhà đều “Sung túc”.
- Ra đi gặp được bạn hiền
Quay về gặp được người thương yêu mình
Sang xuân sự nghiệp hanh thông
Tài cao, chí lớn vẫy vùng đó đây
- Chiềng làng chiềng xã, thượng hạ đông tây, xa gần đó đây, vểnh tai nghe chúc: “ sung túc, lắm phúc nhiều duyên, trong túi nhiều tiền, tâm hồn vui sướng”.
- Chúc bạn: 12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8760 giờ sung túc, 525,600 phút thành công, 31,536,000 giây vạn sự như ý.
- Công thức nấu món đêm 30 tết:
- Lấy toàn thể 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị, thù oán…rồi để cho ráo nước
- Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hay 31 phần.
- Trộn đều với: Một chút tin yêu – Một chút kiên nhẫn – Một chút can đảm – Một chút cố gắng – Một chút hy vọng – Một chút trung thành.
- Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin và hài hước.
- Rồi đem ngâm một lát trong dung dịch “những điều tâm niệm của riêng mình”.
- Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào “nồi yêu thương” và nấu với “lửa vui mừng”.
- Đem ra ăn với “nụ cười” trong chén “bao dung”.
- Sang năm mới chúc mọi người có một bầu trời sức khoẻ, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung , một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng. Chúc các bà, các ông, các cô, các chú, các chị, các anh sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm, chung với cơm và sắc son với . Chúc mừng năm mới!
Văn Hiến tổng hợp

Saturday, January 25, 2014

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO XÂM PHẠM MỒ MẢ: ĐỀN BÙ CHƯA XONG ĐÃ SAN LẤP MỘ CỦA DÂN?

VÕ BÁ
Một hộ dân khiếu nại mồ mả thân tộc bị chủ đầu tư san lấp lén lút. Người dân nói có mộ, còn chủ đầu tư nói không, công an huyện đã xác minh theo đơn tố cáo. Ngày 5-4 – 2009, các cơ quan chức năng huyện Thuận An (Bình Dương) đã tổ chức thăm dò khu đất nghi có mộ táng nằm trong phạm vi dự án khu dân cư Vĩnh Phú do Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (quận 3, TP.HCM) làm chủ đầu tư. Việc làm này xuất phát từ đơn khiếu nại của người dân, qua đó đã tìm thấy ba ngôi mộ nằm sâu dưới đất cát san lấp của công trình.
Ngang nhiên lấp mộ
Trước đó, anh Nguyễn Văn Vàng (36 tuổi, ngụ ấp Đông, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An) phát hiện gần 5.000 m2đất của gia đình, trong đó có khu mộ gia tộc bị san bằng, chuẩn bị mặt bằng thi công dự án nhà ở tại địa phương. Điều đáng nói là anh Vàng cùng nhiều hộ dân khác chưa thỏa thuận mức đền bù với chủ đầu tư.
Bà Phạm Thị Cất (75 tuổi, mẹ anh Vàng) nhớ lại: “Tôi sống ở đây gần trọn đời người, khu thổ mộ gia đình do tôi chăm lo hương khói. Rồi một đêm cuối năm 2003, phía Công ty Tân Vũ Minh bơm cát san lấp cả khu đất rộng lớn, chôn vùi hết mồ mả dòng tộc của tôi. Tôi ngăn cản, xáng hút cát tạm ngưng nhưng đến tối lại tiếp tục bơm cát lấp. Sáng hôm sau toàn bộ khu thổ mộ đã nằm sâu dưới cát”.
Từ đó, gia đình anh Vàng không xác định được vị trí khu mộ gia tộc nằm ở đâu trong khu dự án rộng hàng chục ha. Mỗi lần đến ngày giỗ, anh Vàng cứ thắp nhang vái tứ phương.
Công an vào cuộc
Đầu năm 2008, anh Vàng làm đơn tố cáo việc mồ mả ông bà bị xâm hại gửi Công an huyện Thuận An.
Công an huyện Thuận An triệu tập hai bên làm rõ. Tại buổi làm việc, anh Vàng cho biết khu mộ có nguồn gốc hàng chục năm, có bốn ngôi mộ nhưng Công ty Tân Vũ Minh đã ngang nhiên lấp mộ làm mất vết tích. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Tân Vũ Minh, cho rằng do chưa thỏa thuận đền bù với gia đình anh Vàng nên công ty đã “khoanh vùng”, chỉ bơm cát san lấp các thửa đất xung quanh, có thể lâu ngày các vật chắn hư hỏng, cát tràn sang phần đất nhà anh Vàng. Phía chủ dự án cũng không xác định được phần đất trên có mộ hay không.

Người dân nói có mộ, còn chủ đầu tư nói không, công an huyện đã xác minh theo đơn tố cáo.
Giữa tháng 3-2009, Công an huyện Thuận An triển khai phương tiện, lực lượng dùng xăm tìm kiếm mộ nhưng không có kết quả. Sau đó, xe ủi, máy xúc cào bớt lớp đất phía trên thì phát hiện hai quan tài gỗ bị vùi sâu gần 2 m. Trưa 2-4, lực lượng khai quật tiếp tục phát hiện một quan tài trong khu vực thửa đất nhà anh Vàng.
Anh Vàng cho biết cơ quan chức năng sẽ tiếp tục khai quật tìm mộ phần còn lại vào ngày 8-4. Sau khi hoàn tất việc tìm mộ, gia đình anh sẽ làm đơn gửi cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự hành vi xâm phạm mồ mả.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Không thể nói công ty xâm phạm mồ mả. Chúng tôi không chủ ý san lấp khu mộ gia đình anh Vàng. Những quan tài tìm thấy chỉ là những quan tài rỗng, có thể do ai đó khai quật cải táng rồi bỏ lại”.
Được biết, đây là dự án mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận đền bù xong với nhiều hộ dân do dân khiếu nại mức đền bù.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN: 22 NĂM ĐI KIỆN CHƯA XONG

SONG AN
Đến khi hai bên đương sự thỏa thuận được thì vụ án lại bị tắc do tòa sai sót! Sau bốn năm khiếu nại, đương sự mới được tòa giải thích vì sao không ra quyết định công nhận hòa giải thành. Năm 1987, bà L. được hóa giá một căn nhà ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Sau khi đã đóng tiền mua, trong lúc chờ được cấp chủ quyền, bà bán lại nhà cho ông T. với giá năm lượng vàng. Hai bên thỏa thuận sau khi giao đủ vàng, bà L. sẽ giao nhà, sang tên cho ông T.
Hủy hợp đồng sai
Tháng 11 cùng năm, bà L. đã bảo lãnh cho gia đình ông T. vào ở dài hạn trong căn nhà này. Tuy nhiên sau đó, cho rằng ông T. chưa giao đủ vàng nên bà chưa giao toàn bộ căn nhà cho ông. Hai bên lục đục và ông T. khởi kiện ra TAND quận Phú Nhuận.
Đầu năm 1992, tòa quận xử sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng giữa hai bên, giao nhà lại cho phòng xây dựng quận giải quyết vì nhận định căn nhà đang thuộc sở hữu nhà nước, bà L. chưa làm thủ tục hóa giá. Ngay sau đó, cả hai bên đương sự đều kháng cáo rằng án sơ thẩm xử chưa đúng bởi bà L. đã ký hợp đồng mua hóa giá nhà từ giữa năm 1987, chỉ chờ cấp chủ quyền nữa là xong. Điểm khác nhau giữa hai bên là bà L. không muốn bán nhà nữa, còn ông T. vẫn muốn được giao nhà.
Giữa năm 1992, TAND TP xử phúc thẩm, kết luận tòa sơ thẩm hủy hợp đồng mua bán nhà là đúng. Ông T. khiếu nại. Giữa năm 1993, phó chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định cấp phúc thẩm xử hủy hợp đồng là thiếu căn cứ. Trong trường hợp này, cần phải điều tra làm rõ vì sao ông T. chưa nộp đủ vàng cho người bán mà người bán lại làm giấy bảo lãnh cho ông cư trú dài hạn và cho ông được sửa chữa nhà. Trên cơ sở đó, nếu có đủ căn cứ ông T. đã giao đủ vàng mua nhà thì tòa chấp nhận hợp đồng mua bán.
Cuối năm, TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để TAND TP xử lại theo hướng mà phó chánh án TAND tối cao kháng nghị.
Quên mời đại diện ủy ban
Một năm sau, TAND TP ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì bà L. bị xử lý hình sự trong một vụ khác. Căn nhà tranh chấp cũng chưa được cấp chủ quyền bởi bà L. phải đi thụ án tù.

Đầu năm 1999, sau khi bà L. thụ án xong, TAND TP thụ lý lại vụ tranh chấp trên. Tháng 7-2000, tòa lập biên bản hòa giải thành giữa hai bên với nội dung bà L. đồng ý bán nhà cho ông T. với giá 55 lượng vàng. Sau khi có quyết định của tòa, ông T. sẽ giao trọn gói 55 lượng vàng, còn bà L. phải dọn đi, giao nhà cho ông T.
Biên bản hòa giải được gửi sang VKSND TP. Một tháng sau, VKS có kết luận đồng ý với thỏa thuận hòa giải giữa các đương sự. Tuy nhiên sau đó, điều mà các đương sự chờ đợi là một quyết định hòa giải thành thì… chẳng thấy đâu. Chờ mãi không thấy tòa có động tĩnh gì, ông T. liên tục khiếu nại, VKS cũng có công văn gửi tòa thắc mắc là tại sao chưa có quyết định hòa giải thành nhưng đều không được hồi âm.
Sự im lặng kỳ lạ này kéo dài đến… bốn năm sau. Tháng 8-2004, TAND TP mới ra văn bản trả lời cho ông T. biết là căn nhà tranh chấp vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước nhưng khi lập biên bản hòa giải thành, tòa không triệu tập cơ quan quản lý tham gia tố tụng. Đây là thiếu sót và không đúng quy định nên tòa không thể ra quyết định hòa giải thành.
Bức xúc, ông T. đã nhờ TAND tối cao giải đáp xem lý do trên có phù hợp hay không bởi theo ông, tòa bảo mình sai để không ra biên bản hòa giải thành là chuyện khá lạ lùng và càng lạ hơn là mãi đến bốn năm mới chịu trả lời ông. Cuối năm 2005, Tòa dân sự TAND tối cao đã có văn bản trả lời ông rằng việc TAND TP không ra quyết định hòa giải thành là đúng bởi ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu nhà nước, do ủy ban quản lý. Tòa hòa giải mà thiếu ủy ban là vi phạm tố tụng.
Lại tạm đình chỉ không đúng
Đến đây, ông T. chịu thua, phải quay lại tiếp tục đeo đuổi vụ kiện. Giải quyết tiếp, giữa năm 2007, lấy lý do đã triệu tập và tống đạt hợp lệ nhiều lần nhưng ông T. lại không đến làm việc nên tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Ông T. vội kháng cáo. Tháng 9-2007, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM nhận định việc đình chỉ vụ án của TAND TP là không có căn cứ bởi luật sư của ông T. đã thông báo rõ lý do vắng mặt của thân chủ cho tòa biết, đồng thời ông T. còn có giấy tờ bệnh viện chứng minh vợ ông phải mổ cấp cứu trong ngày được triệu tập. Do vậy, tòa phúc thẩm đã hủy quyết định đình chỉ, giao hồ sơ trở lại cho TAND TP giải quyết lại.
Sau khi TAND TP thụ lý lại, hai bên đương sự đã xin tòa cho tạm đình chỉ vụ án để có thời gian suy nghĩ tìm hướng giải quyết vấn đề. Đến nay, theo các bên, họ chưa đạt được sự thống nhất nào bởi ngoài họ còn có phía UBND quận Phú Nhuận tham gia vào vụ án. Cả hai dù có thương lượng được chuyện gì đi nữa mà không có ý kiến của ủy ban thì cũng sẽ “vô hiệu” như lần trước mà thôi.
Tuổi già ập tới…
Tiếp cận với tình cảnh của các đương sự mới thấy thấm thía câu “vô phúc đáo tụng đình”. Cả hai ông bà giờ đều đã đối mặt với chuyện tuổi già, sức yếu. Tính ra bà L. đã gần 80, còn ông T. cũng gần 70 tuổi. Một phần quãng đời hơn 20 năm đeo đuổi vụ kiện làm cho họ không được thanh thản, bỏ mất bao công sức, thời gian. Mỗi người đều có cái lý của mình với chuyện tranh chấp nhưng cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm của tòa khi một vụ kiện không có nhiều tình tiết gay cấn, phức tạp mà lại bị kéo quá dài.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN: CÁI MÁY BIẾN ÁP “TỰ NHIÊN” CHÁY

HOÀNG YẾN
Các bên tranh cãi quyết liệt về nguyên nhân làm máy biến áp cháy gây thiệt hại hàng tỷ đồng… Tháng 1-2008, Công ty T. (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ký hợp đồng mua một máy biến áp hiệu S. với giá gần 260 triệu đồng từ Công ty A. (đại lý chính thức của nhãn hiệu máy biến áp này ở quận 11, TP.HCM). Theo hợp đồng, đây là loại máy biến áp mới 100%, được bảo đảm đúng tiêu chuẩn và quy cách sản xuất, có thời hạn bảo hành hai năm…
Cháy công ty
Theo phía Công ty T. trình bày, tháng 7-2008, chiếc máy biến áp trên được lắp đặt tại nhà máy sản xuất tôn và bắt đầu vận hành thử từ ngày 19-7. Đến ngày 8-8, dây chuyền sản xuất chạy bình thường từ sáng đến chiều thì ngưng. Riêng máy biến áp vẫn hoạt động (chạy nguội), tới khoảng 19 giờ 15 thì xảy ra vụ cháy làm Công ty T. bị thiệt hại nặng.
Giữa tháng 10-2008, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an có kết quả giám định. Theo đó, vùng cháy đầu tiên là khu vực đặt máy biến áp, nơi xuất phát cháy đầu tiên là bên trong máy biến áp. Cơ quan này loại trừ khả năng cháy do đốt phá hoại, do thuốc nổ gây cháy và cả cháy do sự cố kỹ thuật điện trên các đường dây bên ngoài máy biến áp. Theo cơ quan này, nổi lên khả năng nguyên nhân cháy là vỏ dây dẫn điện trong máy biến áp bị giảm độ cách điện do chịu tác động của nhiệt độ, lại bị ảnh hưởng bởi sự thoát nhiệt chậm làm phát sinh sự cố phóng điện.
Sau khi có kết quả giám định, Công ty T. thông báo kết quả thiệt hại và mời đại lý A. cùng giải quyết hậu quả nhưng không đạt được thỏa thuận. Vì thế, Công ty T. đã kiện đại lý A. ra TAND quận 11 (TP.HCM) đòi bồi thường vì đã “giao hàng không đúng quy cách chất lượng, không đúng thông số kỹ thuật dẫn đến hậu quả cháy gây thiệt hại”.
Tranh cãi căng thẳng
Ban đầu, Công ty T. yêu cầu đại lý A. bồi thường tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng nhưng sau đó đã rút lại một số khoản, chỉ yêu cầu bồi thường khoảng sáu tỷ đồng. Theo Công ty T., đây là chi phí lắp đặt lại hệ thống tủ điều khiển hệ thống dây chuyền mạ tôn bị hư, tiền mua máy biến áp mới, tiền lương công nhân, chuyên gia và tiền thuê đất trong ba tháng liền công ty không hoạt động được.
Ngược lại, đại lý A. nói mình chỉ là trung gian trong việc mua bán máy biến áp. Theo đại lý A., người mua muốn mua máy với thông số thế nào thì đại lý bán đúng như vậy nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ cháy.

Trong khi đó, nhà sản xuất máy biến áp S. – bên liên quan trong vụ án lại có lời giải thích khác về nguyên nhân cháy. Theo nhà sản xuất, người sử dụng đã lắp đặt máy trong môi trường không thông thoáng dẫn đến hậu quả như trên. Nhà sản xuất không chịu trách nhiệm khi người sử dụng máy không đúng gây ra vụ cháy…
Phản bác, Công ty T. trưng ra bằng chứng là máy biến áp giao cho công ty có tiết diện đầu vào, đầu ra không đúng thông số mà nhà sản xuất đưa ra và đại lý giới thiệu. (Sau khi xảy ra vụ cháy, muốn tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng máy đã mua, công ty đem mẫu dây trong máy biến áp gửi cho cơ quan giám định thì biết rằng dây có tiết diện nhỏ hơn tiêu chuẩn.)
Qua hai lần hòa giải, các bên không thể thỏa thuận được với nhau nên tòa lên lịch đưa vụ án ra xử vào đầu tháng 4 này. Tuy nhiên cận ngày xử, phía đại lý và nhà sản xuất máy biến áp đã xin hoãn xử để xem lại một số vấn đề.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LỪA, BẮT NẠT VÀ ĂN HIẾP DÂN

PHẠM VIẾT ĐÀO
Những ngày gần đây dư luận đang rộ lên vụ Công ty CP Thương mại tổng hợp quốc tế D&T (gọi tắt là Công ty D&T) đã bán cho 47 hộ dân những lô đất trong dự án xây biệt thự tại An Khánh-Hà Đông thu về ước tính hơn 262 tỷ đồng. Trước đó, với dự án này, ngày 10-12-2007, Công ty D&T đã ký hợp đồng tín dụng (số 215/HĐTD-GPB/07) với NH TMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) để vay hơn 140 tỷ đồng bằng tài sản thế chấp chính là lô đất để triển khai dự án. Ngân hàng GP Bank, Công ty Bảo Sơn, Công ty D&T đã ký cam kết: 3 bên thống nhất chi tiết về tài sản bảo đảm và các nội dung thế chấp khác thể hiện trong hợp đồng kinh tế mà các bên đã ký kết.
Như vậy lô đất dự án này đã thuộc quyền xiết nợ của Ngân hàng GP Bank; điều này có nghĩa 47 hộ gia đình đã bỏ ra 262 tỷ tiền kia đã bị mất trắng khoản tiền mua đất này vì mua nhầm phải tải sản đã được đem thế chấp ?!
Trong hợp đồng vay tiền tín dụng này có một chi tiết đáng chú ý: Các bên tham gia ký hợp đồng vay gồm Ngân hàng dịch vụ dầu khí Toàn cầu, Công ty Bảo Sơn và Công ty D & T đã cam kết ghi trong hợp đồng: Không bên nào tiết lộ nội dung các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết ?
Trước đó trong hợp đồng hợp tác giữa Công ty Bảo Sơn và Công ty D&T, Công ty Bảo Sơn cho phép Công ty D&T được quyền bán các lô đất xây dựng biệt thự cho dân?
Qua hai hợp đồng kinh tế có dấu hiệu bất minh này một cái chốt pháp lý đã lộ ra và cần phải được khẳng định: Cả ba doanh nghiệp: Công ty D &T, Công ty Bảo Sơn và Ngân hàng (GP Bank) đã bí mật thế chấp để vay ngân hàng một số tiền 140 tỷ đồng bằng lô đất dự án biệt thự rồi sau đó đem bán cho dân? Có cả một đường giây đã cố tình tạo ra màn kịch mua bán ảo này ?
Như vậy trong vụ kinh doanh mua bán ảo này, ai là người không nắm được pháp luật, ai vi phạm pháp luật và ai là người phải gánh chịu hậu quả, rủi ro của một vụ lừa đảo hy hữu bằng nghiệp vụ ngân hàng này? Trước hết chúng ta xem xét trường hợp 47 hộ dân, những người đã bỏ ra 262 tỷ tiền túi của mình ra? Họ có vi phạm pháp luật trong vụ mua bán đất biệt thự này không? Họ có cố tình bỏ tiền ra mua một tài sản bất hợp pháp không? Theo Luật Hình sự và Luật Thương mại: nếu một chủ thể nào đó cố tình mua, bán, tiêu thụ một tài sản bất hợp pháp thì phải gánh chịu mọi hậu quả pháp lý thậm chí phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Trong trường hợp này theo chúng tôi 47 hộ dân hoàn toàn không vi phạm pháp luật vì họ mua đất có trong quy hoạch dự án và được chào bán công khai, được ký kết hợp đồng kinh tế giữa bên bán là Công ty D & T và bên mua là 47 hộ dân! Chắc chắn trong hợp đồng có điều khoản: các bên căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và các quy định pháp luật khác để ký và cam kết thực hiện hợp đồng?
Rồi đây vụ việc này chắc chắn sẽ được đưa ra toà án hình sự để phân giả chứ không phải là toà kinh tế vì có dấu hiệu lừa đảo. Vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm hình sự và phải gánh chịu hậu quả pháp lý: 47 hộ dân, Giám đốc Công ty D & T hay tất cả những người tham gia vào các trò lừa đảo mua bán ảo này trong đó có cả trách nhiệm của Công ty Bảo Sơn và Ngân hàng GP Bank ?
Theo chúng tôi 47 hộ dân trong vụ mua bán bất hợp pháp này là nạn nhân họ hoàn toàn vô can, vô tội do đó các cơ quan pháp luật: toà án, viện kiểm sát phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ; phía cố tình vi phạm pháp luật mua bán có dấu hiệu lừa đảo đầu tiên là những người trực tiếp ký hợp đồng bán tài sản bất hợp pháp này. Để phân giải vụ này các cơ quan bảo vệ pháp luật phải căn cứ vào các căn cứ pháp lý sau đây:
1/ Theo Luật Ngân hàng thì mọi tài sản đã thế chấp ngân hàng không được chuyển nhượng, mua bán, thế chấp cho một đối tác khác; trong các hợp đồng kinh tế, điều khoản này cũng phải được ghi rõ, cả bên cho vay và và vay phải cam kết tuân thủ; nếu trong hợp đồng kinh tế mà các bên ký kết không có điều khoản này thì hợp đồng đó trái pháp luật và do đó vô giá trị! Rồi đây các cơ quan toà án, viện kiểm sát phải căn cứ vào hợp đồng mà Ngân hàng GP Bank đã ký với Công ty D % T, Công ty Bảo Sơn có điều khoản này không, nếu không có thì Ngân hàng GP Bank không được phép xiết nợ bằng cách thu hồi lại các lô đất mà Công ty D & T đã bán cho 47 hộ dân vì đã ký một hợp đồng kinh tế không tuân thủ các căn cứ pháp lý. Khi một đương sự không tự nguyện chấp hành pháp luật thì pháp luật không có trách nhiệm bảo hiểm cho họ khi họ gặp rủi ro!
2/ Theo thể lệ tín dụng của NH Nhà nước và các quy định khác, các bên sau khi ký hợp đồng cho vay bằng hình thức thế chấp phải ký hợp đồng công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, từ đó thông tin giao dịch tín dụng được đưa công khai trên mạng, phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì hợp đồng vay và thế chấp này mới có giá trị pháp lý? Nếu cá nhân nào đơn vị nào không chấp hành đúng pháp luật quy định này thì pháp luật tất nhiên sẽ không đứng về phía họ!
3/ Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có trách nhiệm làm rõ một điều trong khoản đã được ghi trong hợp đồng có chữ ký và đóng dấu của 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về chữ ký của mình đó là: Ngân hàng GP Bank, Công ty Bảo Sơn và Công ty D & T: Các bên cam kết không tiết lộ bí mật các điều khoản được ghi trong hợp đồng vay tiền bằng việc thế chấp lô đất dự án biệt thự tại An Khánh-Hà Đông ?
Trong Luật thương mại và Luật Ngân hàng có những điều khoản quy định cho phép giữ bí mật kinh doanh cho khách hàng; vấn đề ở chỗ: Việc vay thế chấp này có nằm trong diện pháp luật bảo hộ là phải giữu bí mật không ? Rồi đây trước toà các doanh nghiệp như Ngân hàng GP Bank, Công ty Bảo Sơn có trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp của điều khoản này; nếu không chứng minh được điều khoản đã ký kết này nằm trong khuôn khổ được pháp luật bảo hộ thì hợp đồng cho vay 140 tỷ đồng mà Ngân hàng GP Bank đã ký cho Công ty Bảo Sơn và Công ty D & T vay là không có giá trị pháp lý do vậy mọi hậu quả rủi ro phía Ngân hàng phải gánh chịu chứ không thể đổ lên đầu 47 hộ dân đã bỏ “tiền tươi thóc thật” ra mua đất !
4/ Đứng về phương diện pháp lý, Ngân hàng GP Bank không thể đổ cho một mình Công ty D & T gánh chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi lừa khách hàng mà cả GP Bạnk đã vô ý hay cố tình tạo ra những lớp lang để cho màn lừa đảo này được thực hiện trót lọt. Cả đối với Công ty Bảo Sơn một mặt ký cho phép Công ty D & T được bán các lô đất lại ký sau đó vào hợp đồng để bảo lãnh cho Công ty D & T đứng ra sử dụng lô đất bán đem thế chấp để vay 140 tỷ là một việc làm phi pháp: vẽ đường cho hươu chạy của Công ty Bảo Sơn? Phía Công ty Bảo Sơn rồi đây chắc chắn sẽ nại lý do: Mình sơ hở, mình quá tin người, mình không lường được “quả lừa” của Công ty D & T đối với 47 khách hàng…Công ty Bảo Sơn là chủ dự án đầu tư này do đó phải chịu trách nhiệm quản lý trước nhà nước về tài sản mà mình được giao quản lý phải được sử dụng vào các mục đích hợp pháp; Công ty Bảo Sơn là một trong các chủ thể đã ký vào hợp đồng vay 140 tỷ đồng và thế chấp bằng lô đất dự án mà mình là chủ thể quản lý và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý; Việc chào bán và thu 262 tỷ đồng của Công ty D & T thông qua hợp đồng kinh tế không giống với việc dấm dúi mua heroin hay mua một chiếc kim ở hàng xén do vậy Công ty Bảo Sơn không thể trả lời là không biết gì và không chịu trách nhiệm pháp lý gì?! Công ty Bảo Sơn không thể không chịu trách nhiệm về cái điều khoản oái oăm được ghi trong hợp đồng: các bên cam kết giữ bí mật ???
Trong các quan hệ pháp lý thì khi đã gây ra hậu quả pháp lý thì mọi hành vi dẫn đến hậu quả trên dù vô tình hay cố ý đều phải gánh chịu trách nhiệm hình sự ! Không thể nói: Do tôi vô tình lơ đãng, không làm chủ tốc độ, không quan sát cẩn thận nên gây ra tai nạn giao thông do đó đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Không một pháp luật nào cho phép điều đó !
Tóm lại, nếu Ngân hàng GP Bank không chứng minh được lý do hợp pháp của điều khoản giữ bí mât nội dung hợp đồng mà mình đã ký kết; việc không công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các điều khoản của hợp đồng cho vay và thế chấp này như các quy định của Ngân hàng nhà nước về thể lệ tín dụng thế châp thì hợp đồng mà Ngân hàng GP Bank đã ký cho vay 140 tỷ đó không có giá trị pháp lý. Khi đã ký một hợp đồng kinh tế không có đầy đủ các yếu tố pháp lý thì mọi rủi ro Ngân hàng GP Bank phải gánh chịu ! 47 hộ dân chỉ phải chịu rủi ro khi họ biết rõ thông tin về lô đất này đã thế chấp cho Ngân hàng GP Bank rồi nhưng vẫn cứ mua.
Trong vụ mua bán đầy khuất tất này không được phép lợi dụng lợi thế và sức mạnh của phe cánh, không được “lấy thịt đè người”; không được sử dụng con dấu và quyền được nhà nước trao để lừa, bắt chẹt, ăn hiếp dân ?
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ VĂN

DỌA KIỆN CHỦ ĐẦU TƯ NHÀ VÌ BỒI THƯỜNG THEO LÃI SUẤT USD

VŨ LÊ
Khách hàng mua căn hộ Ruby, dự án Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP HCM) đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện chủ đầu tư vì giao nhà chậm 12 tháng nhưng bồi thường theo lãi suất tiền USD thay vì bằng tiền đồng. Cách làm này khiến người mua nhà bị mất vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Bà Ngô Thị Nguyệt Minh, chủ căn hộ số 3104 Ruby Tower 1, dự án Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) dự định sẽ kiện Công ty Saigon Land vì giao nhà chậm 12 tháng nhưng chủ đầu tư thông báo chỉ bồi thường theo lãi suất USD thay vì phải nộp phạt bằng tiền đồng.
Cụ thể, đối với trường hợp của bà Minh, Saigon Land chốt giá bồi thường 1.900 USD theo lãi suất tiền USD, trong khi nếu phải trả lãi suất Việt Nam đồng số tiền nộp phạt phải hơn 420 triệu đồng, chưa tính khoản tiền bồi thường thiệt hại phát sinh. Bởi bà Minh tính toán, nếu theo lãi suất tiền USD thì chỉ 4% một năm, còn lãi tiền đồng 18%, vào thời điểm năm 2008.
Bà Minh cho rằng, như vậy việc bồi thường của Saigon Land không rõ ràng, theo luật, chủ đầu tư phải trả lãi suất tiền đồng thì họ nộp lãi suất tiền USD. Hai hình thức này lãi vênh nhau những 14% một năm nên khách hàng bức xúc cho rằng mình bị thiệt hại ít nhất vài trăm triệu đồng.
Theo hợp đồng hứa mua bán khách hàng ký với Công ty Saigon Land vào năm 2005, giá trị hợp đồng tính bằng USD và quy đổi ra tiền Việt Nam đồng để thanh toán. Nếu chủ đầu tư chậm giao nhà sẽ nộp phạt khoản tiền bồi thường theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm chậm giao nhà. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán ký lại với khách hàng đã loại bỏ phần phụ lục về việc bồi thường, đổi lại giá trị hợp đồng là tiền Việt Nam đồng nhưng chủ đầu tư chỉ chấp nhận nộp phạt theo lãi suất tiền USD.
Cho rằng chủ đầu tư từ chối bồi thường theo lãi suất tiền Việt Nam đồng là vi phạm luật và đi ngược lại với những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng, bà Minh ủy quyền cho luật sư sẵn sàng kiện tới cùng nếu không đạt được thỏa thuận về việc này.

Một trường hợp khác, bà Trần Thị Thanh Thủy mua 2 căn hộ Ruby 1 và 2 cũng bất bình với cách bồi thường chậm giao nhà theo lãi suất tiền USD của Saigon Land.
Theo bà Thủy, vì Saigon Land giao nhà trễ hơn hợp đồng 1 năm nên bà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn tìm chỗ ở do đã bán nhà cũ. Song việc áp giá bồi thường chậm giao nhà của chủ đầu tư quy ra tiền USD tương đương 3.100 USD (khoảng hơn 51 triệu đồng) cho hai căn hộ 1208 và 2304. Tính toán nếu trả lãi tiền đồng thì theo bà Thủy, tổng giá trị bồi thường phải hơn 770 triệu đồng, khiến bà mất kiên nhẫn.
Hiện nay do bức bách về nhà ở nên bà Thủy đã nhận căn hộ 1208 Ruby 2 để ở. Tuy nhiên đối với căn hộ còn lại khách hàng này kiên quyết không nhận và yêu cầu được chủ đầu tư bồi thường đúng luật. Bà cũng dọa sẽ khởi kiện nếu như Saigon Land không thực hiện bồi thường theo yêu cầu.
Khách hàng này kể lại, khi mua căn hộ 3104, bà cứ đinh ninh rằng đến tháng 3/2008 sẽ được nhận nhà như đã giao kèo trong hợp đồng. Thế nhưng mãi đến tháng 3/2009 dự án vẫn còn nhiều hạng mục dở dang. Ngoài việc không thuận cách bồi thường chậm giao nhà, khách hàng Saigon Land còn tố chủ đầu tư ép ký hợp đồng mua bán căn hộ nhưng văn bản này đã có nhiều điều chỉnh gây bất lợi cho người mua, một số phụ lục trong hợp đồng sau này đã bị điều chỉnh và thay đổi so với hợp đồng hứa mua bán trước đó.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc kinh doanh Công ty Saigon Land Nguyễn Phú cho biết: "Yêu cầu bồi thường chậm giao nhà theo lãi suất tiền đồng của khách hàng không thể đáp ứng được vì các điều khoản của hợp đồng không hề quy định chuyện này".
Theo ông Phú, trước đây trong hợp đồng hứa mua bán giữa khách hàng và chủ đầu tư, mặc dù giá trị căn hộ được tính theo đơn vị USD nhưng khi thanh toán phải đổi ra tiền đồng. Vì thế, khi bồi thường chậm giao nhà Saigon Land cũng áp dụng tương tự, tính lãi suất tiền phạt bằng USD rồi quy đổi ra tiền Việt để chi trả.
Quan điểm của ông Phú là cách làm của Saigon Land hoàn toàn hợp lý mặc dù hợp đồng mua bán sau này đã điều chỉnh lại giá trị căn hộ bằng tiền đồng cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ông Phú giải thích, sở dĩ có chuyện ồn ào đòi bồi thường chậm giao nhà bằng tiền đồng chẳng qua là do trong năm 2008 lãi suất tiền Việt đã bị đẩy lên quá cao so với lãi suất USD.
Lãnh đạo Công ty Saigon Land khẳng định thêm, trong trường hợp khách hàng vẫn khăng khăng không thuận theo cách làm của chủ đầu tư thì Saigon Land sẵn sàng hầu tòa.
Nhận định vấn đề này, Trưởng ban tuyên truyền Hội luật gia TP HCM Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Hiện nay luật pháp Việt Nam không cho phép giao dịch, ký kết hợp đồng bằng USD, theo đó, việc bồi thường và thanh toán các khoản tài chính theo cam kết trong hợp đồng đều không được vi phạm quy định này”.
Theo luật sư Hậu, nếu trước đó hợp đồng hứa mua hứa bán quy định giá trị hợp đồng bằng USD thì đến nay phải điều chỉnh lại bằng tiền đồng mới có giá trị. Theo đó, cách bồi thường cũng phải tính theo lãi suất tiền đồng chứ không phải là USD.
Riêng trường hợp nhiều khoản phụ lục có trong hợp đồng hứa mua bán nhưng lại bị cắt bớt trong hợp đồng mua bán, theo ông Hậu, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm, vì khi tòa án phân xử luôn lấy hợp đồng hứa mua bán làm căn cứ. Theo nguyên tắc, hợp đồng sau chỉ là văn bản bổ sung cho hợp đồng trước. Do đó, hợp đồng mua bán được ký sau là một bộ phận của hợp đồng hứa mua bán ký trước đó. Hai bản hợp đồng này không tách rời nhau.
"Bồi thường chậm giao nhà tính theo lãi suất USD là vô lý. Bởi vì bản chất của các hợp đồng đều quy ra tiền Việt, vì vậy, khi thanh toán các khoản tiền phát sinh đều phải tính lãi suất tiền đồng", ông Hậu nhấn mạnh.
Còn Giám đốc Ngân hàng Indovina chi nhánh Chợ Lớn Trần Văn Hồng lại cho rằng, giữa hợp đồng hứa mua bán với hợp đồng mua bán chốt giá trị thanh toán bằng hai loại tiền khác nhau là mâu thuẫn. Thông thường phải căn cứ vào giá trị giao dịch ghi rõ trong hợp đồng để tính lãi suất tiền phạt và chốt giá bồi thường. Theo đó, giao dịch bằng USD thì được tính lãi suất USD, ngược lại giao dịch bằng tiền đồng thì phải tính lãi suất tiền đồng. "Ở đây có hai loại tiền trong hai hợp đồng và phần phụ lục về bồi thường đã bị loại bỏ trong hợp đồng mua bán nên rất khó phân giải", ông nói.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Hồng, hợp đồng này có điểm gây bất lợi cho khách hàng vì không nói rõ sẽ tính bồi thường chậm giao nhà bằng loại tiền nào, chỉ nói chung nộp phạt theo lãi suất ngân hàng thì khách hàng buộc lòng phải chịu thiệt.
SOURCE: VNEXPRESS.NET

TRANH CHẤP THI CÓ GIẢI: TRÚNG THƯỞNG ĐẤU GIÁ VÀ MỘT NĂM “KHỐN KHỔ” ĐÒI NỢ GIẢI

A.Q
Nhận được tin báo thắng phiên đấu giá với giải thưởng là Nokia 7500 Prism trị giá 3.559.000 đồng, anh Trung nhanh chóng chuyển đủ tiền cho đơn vị tổ chức với hy vọng sớm nhận giải. Tuy nhiên, sau 1 năm trời liên lạc, gọi điện…, anh mới được đối tác trả số tiền tương đương sản phẩm trúng đấu giá.
Phần thưởng bỗng dưng… "mọc cánh"
Theo đơn trình bày của anh Nguyễn Đăng Trung (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội), ngày 22/3/2008, anh ra giá 454.000 đồng cho sản phẩm máy điện thoại Nokia 7500 Prism trị giá 3.559.000 đồng (giá thời điểm đó) tại phiên đấu giá số 64 trong chương trình Đấu giá ngược trên kênh Info TV, do Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Hà Thành (HTD Telecoms) tổ chức, và trở thành người trúng giải.

image
Giải thưởng trong chương trình "Đấu giá ngược" của HTD Telecoms trong phiên đấu giá P64 (Ảnh minh họa)
Theo hướng dẫn của chương trình, anh đã gọi điện thoại đến tổng đài 19001548 của HTD Telecoms để xác nhận người trúng giải và chuyển số tiền 454.000 đồng vào tài khoản của Công ty HTD Telecoms để nhận được lời hứa sẽ “rinh” về giải thưởng trong 1 tháng.
“Qua 1 tháng, tôi không thấy người của Công ty liên lạc nên chủ động gọi vào tổng đài 19001548 thì chỉ nhận được lời hẹn của nhân viên tổng đài là sẽ chuyển đến người có trách nhiệm. Sau đó, sự việc chìm vào im lặng, tôi hoàn toàn không nhận được thông tin gì nữa”, anh Trung bức xúc.
Bất bình với cách làm việc “tiền hậu bất nhất” nói trên, anh Trung đã kiên nhẫn gọi thêm vài lần nữa, nhưng anh cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự từ nhân viên tổng đài, sau khi phải trình bày lại toàn bộ sự việc. Các nhân viên trực tổng đài khất lần lữa với lý do họ “chỉ làm việc bán thời gian nên không biết gì hết” (!?).
Cách làm việc "đem con bỏ chợ"
“Lúc đó, tôi đã rất nản chí và không muốn tiếp tục gọi để nhận thưởng nhưng nghĩ lại nếu mình không làm rõ thì nhỡ có nhiều người khác cũng rơi vào tình cảnh như mình thì sao? Bởi chương trình này diễn ra hàng tuần”, anh Trung cho biết

image
Anh Trung phải giữ tờ hoá đơn này gần 1 năm để làm bằng chứng. (Ảnh: A.Q)
Nghĩ vậy nên anh đã vào website của công ty Hà Thành để tìm địa chỉ Công ty và người có trách nhiệm trao thưởng.
Phản ánh với phóng viên VTC News , anh Trung cho biết anh đã vô cùng thất vọng khi tìm đến địa chỉ trên website ở 121 Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bởi bảo vệ tòa nhà này cho biết HTD Telecoms đã chuyển đi đâu không rõ. Nhưng rất may, anh vẫn còn số di động của chị Thúy Anh, người phụ trách trao giải của HTD Telecoms.
Anh chủ động liên hệ và nhận được sự hứa hẹn từ Thúy Anh. Nhưng chị này viện dẫn nhiều lý do như còn làm giấy tờ, phiếu thu chi, rồi thì kế toán ốm, đi vắng, đi công tác,… nên giải thưởng của anh vẫn “bặt vô âm tín”.

“Trong thời gian đó, mỗi tháng tôi thực hiện vài cuộc gọi cho Thúy Anh. Cô ấy cứ hứa lên hẹn xuống với muôn vàn lý do và thời gian kéo dài gần một năm, quả thật rất mất thời gian và bực mình. Tôi phải cất giữ tờ hóa đơn gửi tiền đấu giá suốt gần một năm nay, không dám mang máy điện thoại đi sửa dù nó bị hỏng bởi sợ mất tin nhắn báo trúng thưởng thì không biết lấy gì ra làm bằng chứng", anh Trung bức xúc.
Đến ngày 20/3/2009, gần một năm sau khi trúng thưởng với các cuộc điện thoại đòi giải liên tục, HTD Telecoms mới đồng ý trả anh số tiền tương đương với giải thưởng là hơn 3,2 triệu tiền mặt (sau khi đã trừ thuế VAT) bởi lý do mà đại diện HTD Telecoms đưa ra là sản phẩm anh trúng thưởng khi đấu giá hiện không còn bán trên thị trường.
Anh Trung sau khi nhận được giải thưởng đã phải thốt lên: “Thật trớ trêu là mình đã tốn tiền nhắn tin đấu giá, khi trúng giải thì lại tốn tiền gọi điện, mất công để “đòi” giải thưởng để cuối cùng, thứ nhận được chỉ là số tiền tương đương sản phẩm mình trúng giá”.

Sau khi nhận được đơn phản ánh của anh Nguyễn Đăng Trung , chúng tôi đã tìm cách tiếp cận người có trách nhiệm của Công ty HTD Telecom nhằm tìm hiểu lý do của sự chậm trễ trả thưởng cho anh Trung tới 1 năm sau ngày đấu giá. Chị Mai Anh, nhân viên Công ty đã hẹn chúng tôi ngày hôm sau, Công ty sẽ có câu trả lời về vụ việc nhưng khi phóng viên chủ động liên lạc lại thì thấy “bặt vô âm tín”.
Liên hệ lại với chị Thúy Anh, người đã trao giải cho anh Trung thì được chị này khẳng định mình đã không còn làm ở công ty HTD Telecoms nữa.
Chúng tôi lại liên lạc đến tổng đài của Công ty HTD Telecom thì được nhân viên trực điện thoại cho biết: “Cả Thúy Anh và Mai Anh đều đi ra ngoài gặp khách hàng”. Điều này mâu thuẫn với sự khẳng định của Thuý Anh trước đó, rằng cô đã không còn làm ở công ty Hà Thành. Dù vậy, Mai Anh lại nói rằng chờ Thúy Anh về sẽ có câu trả lời cụ thể (?!).
SOURCE: VTCNEWS

TRANH CHẤP THỪA KẾ: ĐAU VÌ … ĐẤT

HÀ VŨ
Đất đai mang lại hoa thơm quả ngọt cho đời. Đời người sinh ra từ đất, lớn lên trên mặt đất rồi khi chết cũng lại trở về với đất. Nhưng cũng từ đất, đã có biết bao nhiêu tấn bi kịch xảy ra. Trong những tấn bi kịch đầy đau đớn ấy, tất nhiên đất không có tội mà tội lỗi sinh ra từ lòng tham tự trong chính mỗi con người. Một câu chuyện đau lòng vừa xẩy ra ở ngay thủ đô Hà Nội, nguyên do phát sinh cũng từ đất mà hai chị em ruột suýt lâm cảnh "nồi da nấu thịt "…
Phán quyết chưa công bằng…
Theo tìm hiểu của ĐS &PL tại địa phương, thực hiện chính sách giãn dân, năm 1976, HTX nông nghiệp Đại Mỗ đã cấp cho 2 vợ chồng cụ là Nguyễn Văn Sửu và Lê Thị Mứt (ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm – Hà Nội) được 351m2 đất ở thuộc thửa 381, 383 tờ bản đồ số 3. Sau đó, vợ chồng cụ Sửu cùng các con đã xây dựng một căn nhà cấp 4. Tiếp theo đó, năm 1986, vợ chồng cụ Sửu đã cho người con trai thứ của mình là ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên chủ sử dụng đất trong trích lục bản đồ của UBND xã Đại Mỗ. Từ năm 1992 tới 1997 hai vợ chồng cụ Sửu mất đột ngột nên không để lại di chúc. Tuy nhiên, để ổn định cuộc sống và mảnh đất của cha mẹ để lại, năm 2005, vợ chồng ông Sơn làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức xét duyệt và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được UBND huyện Từ Liêm chính thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn).
Tuy nhiên, theo ông Sơn trình bày thì cuộc sống của gia đình đang bình yên, bất ngờ tháng 5.2007, không hiểu lý do gì bà Nguyễn Thị Tài (chị gái ruột của ông Sơn), đã đâm đơn khởi kiện em trai mình và yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà và mảnh đất trên của ông Sơn.
Theo bản án sơ thẩm số 30/2007/DS-ST ngày 28.9.2007 của TAND huyện Từ Liêm, HĐXX chấp nhận "tuốt tuột" hầu hết yêu cầu của bà Tài. Tòa sơ thẩm còn nhận định bà Bảo đã tự ý kê khai cấp "sổ đỏ" và cho rằng việc bà Bảo làm "sổ đỏ" bà Tài không biết (?). Phán quyết cuối cùng của Tòa là nhà đất có diện tích 351m2 thuộc thửa 16, tờ bản đồ 6 tại thôn Chợ là tài sản chung của vợ chồng cụ Sửu nên phải chia đều cho 6 người con, trong đó có bà Tài và ông Sơn, mỗi kỷ phần là 43, 8m2. Ngoài ra ngôi nhà cấp 4 cũng là tài sản chung (trị giá khoảng 27, 5 triệu đồng) cũng được chia làm 6 phần.

Quá bất bình trước bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm, vợ chồng ông Sơn đã làm đơn kháng án. Phần đông chị em ruột của ông Sơn đều quả quyết, mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Sơn vì đã được bố mẹ cho riêng. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, TAND TP.Hà Nội đã không xem xét thấu đáo những nội dung trên mà cho rằng việc tòa sơ thẩm xác định mảnh đất 351m2 và căn nhà cấp 4 mà vợ chồng ông Sơn đang sử dụng là tài sản chung của 2 vợ chồng cụ là Nguyễn Văn Sửu và LêThị Mứt là đúng.
Đất có "sổ đỏ": Vẫn bị cưỡng chế?
Vì sao tòa án các cấp lại phủ nhận giá trị của Giấy CNQSDĐ mà UBND huyện Từ Liêm đã cấp cho gia đình ông Sơn? ông Nguyễn Viết Hùng (Phó chủ tịch UBND xã Đại Mỗ) khẳng định với ĐS &PL, trong quá trình lập hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ, UBND xã đã làm đúng qui định của pháp luật. Theo đó, dựa trên tờ khai của hộ bà Nguyễn Thị Bảo, ngày 4.2.2005, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức xét duyệt và tuyệt nhiên từ đó tới nay không có khiếu kiện gì. Tháng 8.2005, xã có tờ trình gửi UBND huyện Từ Liêm và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được chính thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn). Bên cạnh đó, cũng theo tìm hiểu của ĐS &PL, ông Lê Văn Bi (cán bộ quản lý ruộng đất xã Đại Mỗ cũng thừa nhận: "Ban đầu mảnh đất trên là đất giãn dân được cấp cho cụ Nguyễn Văn Sửu, sau đó chuyển tên cho con trai là ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong sổ địa chính của xã".
Rõ ràng trong quá trình xét xử, các cấp tòa đã đưa ra những phán quyết chưa công bằng, thiếu khách quan, không xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Sơn, người đã quản lý, sử dụng mảnh đất trên hàng chục năm trời. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có gì uẩn khúc sau những bản án "nghiêng" về phía nguyên đơn?
Về vụ chia thừa kế trên, luật sư Vương Trọng Thế (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: TAND huyện Từ Liêm chia thừa kế về đất như vậy là sai. Năm 1976, 351m2 đất giãn dân ở thửa 16, tờ bản đồ số 6 thôn Chợ được cấp cho cụ Sửu. Năm 1986 (thời điểm chưa có Luật Đất đai và Bộ Luật Dân sự) vợ chồng cụ Sửu vẫn còn sống nhưng đã để cho ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong trích lục bản đồ là mặc nhiên thừa nhận chủ sử dụng đất là ông Sơn. Như vậy, kể từ năm 1986, mảnh đất không còn là tài sản của vợ chồng cụ Sửu nữa.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI: LẠI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN BÔNG

QUỲNH NHƯ
Doanh nghiệp dệt Việt Nam không nắm hết các quy định, điều khoản trong giao dịch mua bán bông nên khi có tranh chấp rất dễ bị thiệt. Cuối năm 2008, một số công ty Việt Nam bị một công ty Mỹ phản ứng vì “xù” hợp đồng mua bông. Mới đây, đến lượt một công ty Ấn Độ phản ứng với nội dung tương tự.
Đặt mua khi giá cao…
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết sự vụ lần này liên quan đến ba doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam. Đầu năm 2008, ba doanh nghiệp này đã đặt mua khoảng 3.000 tấn bông từ Công ty D.D Cotton (Ấn Độ), giá bông lúc đó còn cao và trên đà tăng giá, cao điểm đến 1.750 USD/tấn bông. Tuy nhiên, trong lúc chưa chuyển hàng, nhận hàng gì thì giá bông thế giới tụt rất nhanh, còn 1.400 USD/tấn. Vì vậy mà doanh nghiệp dệt sợi không muốn tiếp tục hợp đồng.
Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hợp đồng và nhận bông thì phải thanh toán cho Công ty D.D Cotton số tiền tương ứng với giá bông thời điểm ký hợp đồng trước đây (giá cao). Sau khi nhận, nếu doanh nghiệp bán sang tay số bông này cho doanh nghiệp khác thì phải bán theo giá thị trường sau này (giá thấp). Nếu không sang tay mà dùng bông này làm ra sợi hoặc dệt vải và bán cho các doanh nghiệp dệt may thì cũng phải bán theo giá thị trường (giá thấp), nếu bán giá cao thì công ty dệt may sẽ tìm mối hàng khác giá rẻ. Như vậy, tính đường nào cũng chịu lỗ, cứ nhận về mỗi tấn bông thì doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng 300 USD. Như vậy, 3.000 tấn bông sẽ lỗ 900.000 USD, tương đương 15,3 tỷ đồng.
Vào lúc khác thì cũng có thể bấm bụng thanh toán cho xong, coi như rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2008-2009 là thời điểm khó khăn tài chính, mất một đồng cũng đau lòng xót dạ, nói gì 15,3 tỷ đồng. Do đó, các doanh nghiệp này mới muốn hủy hợp đồng, không mua bông nữa.
Trì hoãn giao hàng, chờ giá thấp?
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với nhà cung cấp bông ở Mỹ (Công ty Louis Grewfus). Cuối năm ngoái, nhà cung cấp này đã sang Việt Nam làm việc với Bộ Công thương để yêu cầu mười doanh nghiệp mua bông giải quyết. Mười doanh nghiệp này đã đặt mua khoảng 6.000 tấn bông (doanh nghiệp mua nhiều nhất là 1.000 tấn, ít nhất là 200 tấn) vào thời điểm giá cao.

Ông Tuấn cho biết nhà cung cấp bông của Mỹ đã thực hiện việc mua bán khá uy tín. Do đó, khi sự việc xảy ra, dù biết phải chịu lỗ nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chấp nhận rủi ro. Hiện đã có tám trong số mười doanh nghiệp đàm phán thống nhất phương pháp giải quyết tranh chấp. Theo đó, nhà cung cấp cũng đồng ý giảm giá bán để bên này đỡ lỗ hoặc là họ sẽ không giao hàng nữa nhưng bên mua phải đền một khoản tiền, dù sao cũng nhẹ hơn khoản lỗ nếu nhận hàng…
Hơn nữa, nếu doanh nghiệp dệt sợi “xù” hợp đồng mua bông thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, ở Mỹ, ngành bông liên kết chặt chẽ với ngành dệt may, nếu nhà cung cấp bông liên kết với nhau và gây tác động trong ngành, phản ứng với doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến lượng dệt may xuất khẩu sang thị trường này. Trong khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam thì các doanh nghiệp dệt sợi khó có thể để mất uy tín, gây ảnh hưởng cả ngành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết trong vụ tranh chấp với nhà cung cấp Ấn Độ, khi hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp giải trình thì các doanh nghiệp cho biết phía nhà cung cấp đã từng trì hoãn, từ chối giao hàng khi giá bông lên cao hơn giá ký hợp đồng, giao không đủ số lượng, không đúng chất lượng…
Không rành pháp lý, khó mà thắng kiện
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết về mặt pháp lý, phải thừa nhận rằng doanh nghiệp dệt Việt Nam còn rất yếu, không nắm hết các quy định, điều khoản trong giao dịch mua bán bông nên khi có tranh chấp rất dễ bị thiệt. Các nhà cung cấp bông luôn dựa vào các văn bản, các thỏa thuận mà Hiệp hội Bông quốc tế (ICA – International Cotton Association) soạn sẵn. Các văn bản này có rất nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của nhà cung cấp bông nhưng doanh nghiệp ta không hiểu hết.
Một ví dụ, khi không có tàu để chở bông thì nhà cung cấp bông có quyền giao hàng trễ mà không bị bắt lỗi. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp Việt Nam cho rằng nhà cung cấp bông đã từng cố tình trễ hẹn giao hàng khi giá cao thì nhà cung cấp lại cho rằng trễ đó là trễ chính đáng do không có tàu, không có container. Doanh nghiệp Việt Nam lại không có điều kiện đi chứng minh là nhà cung cấp cố tình trì hoãn chứ không phải do kẹt tàu… Hơn nữa, khi nhà cung cấp trễ giao hàng, giao hàng không chất lượng… thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không làm thủ tục khiếu kiện gì cả nên bây giờ cũng khó “bắt giò”.
Quả thật, ngày 19-3, Công ty D.D Cotton đã có văn bản gửi cho Hiệp hội Sợi “vặn” lại các doanh nghiệp dệt sợi với lập luận như trên. Công ty này cho rằng vào tháng 2, tháng 3-2008, tại các cảng bốc hàng, tình hình thiếu container rất nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu bên mua cho rằng chất lượng bông không đạt thì bên mua phải thông báo cho bên bán ngay lập tức trong thời hạn quy định theo Luật ICA nhưng bên mua chưa từng có thông báo nào…
Vì không nắm rõ luật lệ, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vào thế kẹt, nợ nặng vì bông.
Trên thế giới có khoảng 100 quốc gia trồng bông, tổng sản lượng đạt 24 triệu tấn/năm. Trong đó có một số quốc gia cung cấp chính. Trung Quốc trồng tám triệu tấn nhưng nhu cầu đến chín triệu tấn nên phải nhập khẩu một triệu tấn; Ấn Độ trồng năm triệu tấn, nhu cầu chỉ bốn triệu, có thể xuất khẩu một triệu tấn; Mỹ xuất khẩu hai triệu tấn; Brazil xuất khẩu một triệu tấn…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 24/2006/DS-GĐT NGÀY 07-9-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN NHÀ”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Ngày 7 tháng 9 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Ông Trần Tấn Hiệp, sinh năm 1943;
2. Bà Vũ Thị Thục Đức, sinh năm 1943 (vợ ông Hiệp).
Cùng trú tại: Số 75 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Bị đơn:
1. Ông Lê Trọng Đỉnh, sinh năm 1949;
2. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh, sinh năm 1952 (vợ ông Đỉnh).
Cùng trú tại: Số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện ngày 5-6-2002 và các lời khai tại Toà án ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức trình bày: Ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của vợ chồng chúng tôi. Từ tháng 3-2000 đến tháng 6-2000 vợ chồng chúng tôi đã vay ông Đỉnh nhiều lần tiền để kinh doanh; tháng 9-2000 vợ chồng chúng tôi đã cho vợ chồng ông Đỉnh vào ở nhờ ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ. Khi đó hồ sơ về ngôi nhà vợ chồng chúng tôi đang thế chấp tại Ngân hàng Hàng Hải để vay tiền kinh doanh. Vợ chồng chúng tôi có vay ông Đỉnh một số tiền; sau này chúng tôi được biết số tiền ông Đỉnh cho chúng tôi vay thực chất là tiền của Công ty Bắc Sơn mà chúng tôi là đồng sở hữu, ông Đỉnh đã rút ra cho chúng tôi vay lại. Khoảng năm 2000 Ngân hàng Hàng Hải là nơi chúng tôi thế chấp ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ để vay tiền đã thúc ép chúng tôi phải thanh toán tiền cho Ngân hàng, do vậy vợ chồng tôi đồng ý để ông Đỉnh nộp một phần tiền với tư cách chúng tôi nợ ông Đỉnh để trả nợ Ngân hàng Hàng Hải và giải chấp ngôi nhà trên. Ngày 01-02-2001, Ngân hàng Hàng Hải đã trả toàn bộ giấy tờ nhà cho chúng tôi. Sau khi giải
chấp ngôi nhà, do nghĩ là vợ chồng tôi đã nợ ông Đỉnh một số tiền lớn nên
ngày 06-3-2001, vợ chồng chúng tôi đã viết giấy nhận nợ ông Đỉnh 5 tỷ đồng, cùng ngày chúng tôi đưa ông Đỉnh toàn bộ giấy tờ của ngôi nhà. Mục đích chúng tôi đưa giấy tờ nhà cho ông Đỉnh là tạo điều kiện cho ông Đỉnh thế chấp nhà để vay tiền Ngân hàng.

Ngày 26-5-2001, vợ chồng chúng tôi và vợ chồng ông Đỉnh đã lập tờ khai mua bán ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Hai bên thống nhất giá 7,6 tỷ đồng, sau khi trừ số tiền chúng tôi còn nợ ông Đỉnh 5 tỷ đồng, số tiền vợ chồng ông Đỉnh còn phải thanh toán cho vợ chồng chúng tôi là 2,6 tỷ đồng. Vì vậy, tại bản khai mua bán ngày 26-5-2001 chúng tôi thống nhất chỉ ghi giá là 2,6 tỷ đồng, khi nào vợ chồng ông Đỉnh trả đủ tiền sẽ làm hợp đồng mua bán nhà đất. Sau đó, vợ chồng ông Đỉnh tự động mang bản khai mua bán nhà trên ra Uỷ ban nhân dân phường Quảng An để xác nhận. Ông Đỉnh đã “chạy chọt” để sang tên nhà đất nhưng chưa được. Chúng tôi khẳng định giữa vợ chồng chúng tôi và vợ chồng ông Đỉnh không có việc mua bán nhà đất trên và đề nghị huỷ thoả thuận mua bán nhà số 6 đường Âu Cơ, Hà Nội; buộc ông Đỉnh phải trả lại ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ cho vợ chồng chúng tôi.
Ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh trình bày: Chúng tôi quen biết ông Hiệp từ năm 1989, đến tháng 02-2000, chúng tôi gặp lại nhau tại Hà Nội, qua trao đổi trò chuyện, chúng tôi được biết ông Hiệp cần một số tiền để kinh doanh phải cầm cố xe ô tô để vay tiền. Chúng tôi đã cho ông Hiệp vay tiền để trang trải công nợ từ tháng 3-2000 đến tháng 7-2001, ông Hiệp đã nợ chúng tôi số tiền là 417.900 USD và 2.601.527.400 đồng Việt Nam.
Do ông Hiệp nợ nần quá nhiều và nhà số 6 đường Âu Cơ đang phải thế chấp Ngân hàng để vay tiền, trước tình hình đó ông Hiệp, bà Đức đã gợi ý bán nhà số 6 đường Âu Cơ cho chúng tôi và đây là lý do chúng tôi nộp tiền tại Ngân hàng Hàng Hải để thanh toán nợ cho ông Hiệp. Sau khi giải chấp được nhà số 6 đường Âu Cơ, ông Hiệp đã đưa toàn bộ giấy tờ của ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ cho vợ chồng chúng tôi. Sau đó giữa vợ chồng chúng tôi và vợ chồng ông Hiệp thoả thuận giá mua ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ là 5,5 tỷ đồng Việt Nam; số tiền này nhỏ hơn số tiền mà vợ chồng ông Hiệp nợ vợ chồng chúng tôi. Ngày 26-5-2001, ông Hiệp đã lập 4 bản khai mua bán quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Trong giấy tờ chuyển nhượng có tên chủ bán là vợ chồng ông Hiệp, bà Đức và người mua là vợ chồng chúng tôi, diện tích nhà đất là toàn bộ ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ có diện tích mặt sàn là 160m2 trên thửa đất 108 rộng 626m2 với số tiền là 2,6 tỷ đồng Việt Nam. Giấy tờ chuyển nhượng có đầy đủ chữ ký của
4 người: Tôi, vợ tôi (Thịnh), ông Hiệp, bà Đức (vợ ông Hiệp). Bản kê khai mua bán nhà đất trên đã được Uỷ ban nhân dân phường Quảng An xác nhận vào
ngày 04-7-2001. Đến tháng 7-2001, giữa tôi (Đỉnh) và ông Hiệp đã làm đơn đề nghị Sở Địa chính Hà Nội xin được làm sổ đỏ cho ông Hiệp và sau đó làm tiếp thủ tục sổ đỏ từ tên ông Hiệp sang tên tôi là Lê Trọng Đỉnh.
Từ khi mua ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ đến nay, vợ chồng chúng tôi đã sửa chữa cải tạo lại như: Xây dựng mới từ gara ô tô lên 3 tầng, diện tích 45,5m2, phòng cạnh bếp làm thêm từ tầng 1 lên 3 tầng diện tích 48,7m2; sửa chữa cải tạo tôn nền sân, bếp, làm lại toàn bộ công trình phụ. Tổng số tiền sửa chữa hết hơn 700 triệu đồng. Nay ông Hiệp xin huỷ hợp đồng mua bán nhà vợ chồng chúng tôi không chấp nhận, vì việc mua bán chuyển nhượng giữa hai bên đã hoàn tất.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 01-11-2002 Toà án nhân dân quận Tây Hồ đã xử:
1- Bác yêu cầu xin huỷ hợp đồng mua bán nhà số 6 đường Âu Cơ giữa ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh.
2- Ngôi nhà số 6 Âu Cơ diện tích 192m2 thuộc quyền sở hữu của ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh.
Diện tích 434 m2 đất chưa hợp thức ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải chấp hành các quyết định của cơ quan nhà đất địa phương.
3- Án phí sơ thẩm ông Hiệp, bà Đức nộp 189.336.000đ, đã nộp 20.000.000đ, còn phải nộp 169.000.000đ.
Ngày 07-11-2002, ông Hiệp, bà Đức có đơn kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 63/DSPT ngày 09-4-2003 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã sửa toàn bộ án sơ thẩm, xử:
- Giao dịch mua bán nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ giữa ông Trần Tấn Hiệp và vợ là Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh và vợ là Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh vô hiệu.
- Quan hệ ở nhờ nhà số 6 đường Âu Cơ giữa vợ chồng ông Hiệp với vợ chồng ông Đỉnh và quan hệ vay tiền giữa ông Hiệp và ông Đỉnh do hai bên tự giải quyết, nếu không xong các bên có quyền khởi kiện tại Toà án bằng vụ kiện dân sự khác.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Đỉnh có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 79/DS-TK ngày 01-12-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng có cơ sở xác định vợ chồng ông Hiệp đã bán nhà số 6 đường Âu Cơ cho vợ chồng ông Đỉnh. Tuy nhiên, việc mua bán hai bên không lập thành văn bản theo quy định của pháp luật, chưa trước bạ sang tên, còn tranh chấp về giá bán nhà. Bên bán khởi kiện xin huỷ hợp đồng, Toà án các cấp cần xác định đúng giá cả mua bán và áp dụng Điều 139 Bộ luật Dân sự để các bên hoàn tất thủ tục mua bán theo quy định của pháp luật, bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu phải bồi thường theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Dân sự.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 49 ngày 26-4-2004 Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và quyết định huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 01-11-2002 Toà án nhân dân quận Tây Hồ và bản án dân sự phúc thẩm số 63/DSPT ngày 09-4-2003 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội nêu trên để Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 06-01-2005 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
1- Chấp nhận yêu cầu xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội của ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức.
Xác định giao dịch chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ giữa ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh là hợp đồng vô hiệu.
2- Vợ chồng ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ cho vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức.
3- Ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức phải có trách nhiệm thanh toán trả ông Đỉnh, bà Thịnh số tiền giao dịch chuyển nhượng nhà là 5 tỷ (5.000.000.000 đồng), giá trị thiệt hại là 11.132.216.000 đồng và 446.983.000 đồng phần giá trị vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà số 6 đường Âu Cơ, cộng ba khoản là 16.579.199.000 đồng (mười sáu tỷ năm trăm bảy mươi chín triệu một trăm chín mươi chín nghìn đồng).
4- Ông Lê Trọng Đỉnh phải có trách nhiệm trả ông Hiệp các giấy tờ gốc liên quan đến ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội gồm:
- Hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hoãn và ông Hiệp;
- Giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất ngày 08-01-1992 mang tên Trần Tấn Hiệp;
- Giấy phép được xây dựng nhà ngày 06-4-1992 của Uỷ ban nhân dân huyện Từ Liêm;
- Bản khai nộp lệ phí trước bạ.
5- Gia đình ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải chuyển khỏi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội sau khi đã nhận đủ 16.579.199.000 đồng (mười sáu tỷ năm trăm bảy mươi chín triệu một trăm chín mươi chín nghìn đồng) của ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức.
6- Đối với các khoản nợ khác được đối trừ trong việc thanh toán tiền chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ giữa ông Hiệp và ông Đỉnh, các bên tự giải quyết. Nếu các bên có yêu cầu được giải quyết bằng một vụ kiện khác.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 14-01-2005, ông Hiệp và bà Đức làm đơn kháng cáo có nội dung:
Giữa gia đình ông và gia đình ông Đỉnh không có hợp đồng chuyển nhượng nhà, gia đình ông không phải thanh toán tiền mà ông Đỉnh đã sửa chữa nhà.
Không giải quyết việc vay nợ giữa gia đình ông và gia đình ông Đỉnh trong vụ kiện này.
Đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm.
Ngày 18-01-2005, ông Đỉnh, bà Thịnh kháng cáo có nội dung: Vợ chồng ông đã mua bán dứt điểm nhà số 6 đường Âu Cơ với vợ chồng ông Hiệp từ
ngày 26-5-2001. Toà án cấp sơ thẩm xác định vợ chồng ông phải chịu 20% lỗi là không đúng.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 172/2005/DSPT ngày 19-8-2005 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội sửa một phần của bản án dân sự sơ thẩm, xử:
Chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh. Bác nội dung đơn kháng cáo của ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức. Sửa một phần quyết định của bản án dân sự sơ thẩm như sau:
Áp dụng Điều 131; 139; 146; 443 và 444 Bộ luật dân sự.
Căn cứ Nghị quyết số 01 ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Xử: Giao dịch chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ giữa vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh là hợp đồng vô hiệu.
Vợ chồng ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức.
Ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức phải có trách nhiệm thanh toán trả ông Đỉnh bà Thịnh số tiền là 19.736.455.128 đồng (mười chín tỷ bảy trăm ba mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi năm nghìn một trăm hai mươi tám đồng)
Ông Lê Trọng Đỉnh phải có trách nhiệm trả ông Hiệp các giấy tờ gốc liên quan đến ngôi nhà số 6 Âu Cơ, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội gồm:
+ Hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hoãn và ông Hiệp.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28-1-1992 mang tên ông Trần Tấn Hiệp.
+ Giấy phép được xây dựng nhà ngày 06-4-1992 của Uỷ ban nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội.
+ Bản khai nộp lệ phí trước bạ.
Gia đình ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải chuyển khỏi số nhà 6 Âu cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội sau khi đã nhận đủ số tiền 19.736.455.128 đồng (mười chín tỷ bảy trăm ba mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi năm ngàn một trăm hai mươi tám đồng) của ông Hiệp, bà Đức trả.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn có quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Hiệp, bà Đức có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 57/QĐ-KNGĐT-DS ngày 26-6-2006 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 06-01-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và bản án dân sự phúc thẩm số 172/2005/DSPT ngày 19-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác minh, xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm với lý do: “Có cơ sở xác định lúc đầu gia đình ông Lê Trọng Đỉnh vào ở nhà số 6 Âu Cơ là ở nhờ; song vì có việc vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp vay nợ vợ chồng ông Lê Trọng Đỉnh và thế chấp nhà; sau đó do vợ chồng ông Hiệp không có khả năng thanh toán trả nợ nên đã thoả thuận bán nhà đất số 6 đường Âu Cơ cho vợ chồng ông Đỉnh. Tuy nhiên, việc mua bán chưa được hai bên lập hợp đồng theo quy định của pháp luật, còn tranh chấp về giá mua bán nhà làm cho hợp đồng không thực hiện được.
Toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ của ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức và xác định giao dịch chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ giữa ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh là hợp đồng vô hiệu là phù hợp.
Tuy nhiên, việc xác định giá tài sản, xác định số tiền nợ để cấn trừ và xác định lỗi còn những điểm không chính xác, cụ thể:
- Án sơ thẩm và án phúc thẩm đã thống nhất việc xác định giá trị ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ tại thời điểm năm 2001 với cách tính giá trị đất quy ra 1.212 cây vàng rồi quy ra tiền là 5.757.000.000 đồng để cho rằng vào thời điểm năm 2001 giá nhà số 6 đường Âu Cơ là hơn 5 tỷ đồng phù hợp với lời khai của ông Đỉnh là chưa chính xác, vì chưa tính giá trị của ngôi nhà.
- Việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 139 Bộ luật Dân sự để buộc các bên tiếp tục thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà số 6 đường Âu Cơ cũng được Toà phúc thẩm chấp nhận để quy lỗi cho một bên phải chịu 100% lỗi là chưa chính xác, vì trong khi nội dung giao dịch cả hai bên đương sự còn chưa thống nhất, thì không thể thực hiện hợp thức về mặt hình thức giao dịch được.
- Số tiền nợ thực dùng để cấn trừ cũng không được Toà án hai cấp xác định rõ ràng.
Vì vậy giải quyết vụ án chưa toàn diện, gây thiệt hại cho các bên đương sự”.
Tại phiên toà giám đốc, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì có cơ sở xác định vợ chồng ông Hiệp và vợ chồng ông Đỉnh có thoả thuận mua bán ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ. Theo hợp đồng mua bán ngày 26-5-2001 thì giá nhà đất ghi trong hợp đồng là 2,6 tỷ đồng. Ông Hiệp khai hai bên thoả thuận giá là 7,6 tỷ đồng số tiền này trừ nợ 5 tỷ đồng còn ông Đỉnh phải trả tiếp 2,6 tỷ đồng, nên trong bản khai mua bán chỉ ghi 2,6 tỷ đồng; có lúc ông Hiệp lại khai giá thực tế mua bán là 7 đến 8 tỷ đồng. Còn ông Đỉnh khai nhiều lần với các giá khác nhau, lúc đầu khai giá mua bán là 2,6 tỷ đồng, sau đó lại khai hơn 4 tỷ đồng, rồi 5 tỷ đồng, rồi 5,5 tỷ đồng và ông Đỉnh cũng công nhận giá 2,6 tỷ đồng ghi trong bản khai mua bán ngày 26-5-2001 không phải là giá thực tế. Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm (lần 2) đã đánh giá chứng cứ, tài liệu, lời khai của các bên đương sự về giá nhà đất; đồng thời, tham khảo tài liệu lưu tại Ngân hàng Hàng Hải vào thời điểm năm 1998, khi Công ty Trần Tấn (do ông Trần Tấn Hiệp làm giám đốc) thế chấp nhà số 6 đường Âu Cơ trị giá là 5 tỷ đồng và tài liệu xác minh tại Uỷ ban nhân dân phường Quảng An thì thời điểm năm 2001 trị giá nhà đất số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ khoảng 1.212 cây vàng, giá vàng vào thời điểm tháng 5-2001 là 475.000đ/chỉ, 1.212 cây vàng ´4.750.000đ/cây vàng = 5.757.000.000đ để xác định giá thực tế mà hai bên thoả thuận mua bán nhà đất số 6 đường Âu Cơ là 5,5 tỷ đồng là không trái pháp luật. Giá này đã bao gồm cả nhà và đất chứ không phải chỉ có giá trị đất như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại Bản khai mua bán quyền sở hữu nhà, công trình và quyền sử dụng đất trong khuôn viên đề ngày 26-5-2001 giữa bên chủ bán là ông Hiệp, bà Đức và bên chủ mua là ông Đỉnh, bà Thịnh (có chữ ký của cả hai bên, có xác nhận về việc mua bán nhà của Uỷ ban nhân dân phường Quảng An ngày 04-6-2001) thể hiện diện tích nhà đất và diện tích khuôn viên đất mua bán gồm toàn bộ ngôi nhà số 6 đường Âu cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ có diện tích mặt sàn là 165 m2, trên thửa đất số 108 rộng 625 m2. Việc ông Hiệp, bà Đức bán nhà cho ông Đỉnh, bà Thịnh là tự nguyện và được Uỷ ban nhân dân phường Quảng An xác nhận nhà đất không có tranh chấp và yêu cầu gia đình ông Hiệp làm thủ tục mua bán tại Sở Địa chính nhà đất thành phố. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 139 Bộ Luật Dân sự ra quyết định buộc hai bên phải thực hiện hợp đồng trong thời gian 01 tháng, nhưng ông Hiệp đã không đi hoàn tất thủ tục, nên Toà án cấp phúc thẩm xác định ông Hiệp không đi hoàn tất thủ tục mua bán theo quy định của pháp luật, nên ông Hiệp là bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là đúng.
Theo “Giấy biên nợ” ngày 06-3-2001 thì vợ chồng ông Hiệp, bà Đức có nợ tiền vợ chồng ông Đỉnh, bà Thịnh là 5.000.000.000 đồng, giấy biên nợ
này thay cho các tờ biên nhận nợ trước đây. Tại biên bản phiên toà sơ thẩm
ngày 6-1-2005 ông Đỉnh không yêu cầu ông Hiệp phải thanh toán nợ còn lại ngoài 5,5 tỷ đồng tiền nhà và sẽ khởi kiện bằng vụ kiện khác. Do đó, Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm (lần 2) đã quyết định: Đối với các khoản nợ khác chưa được đối trừ trong việc thanh toán tiền chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ giữa ông Hiệp và ông Đỉnh, các bên tự giải quyết. Nếu các bên có yêu cầu được giải quyết bằng một vụ kiện khác là không trái pháp luật.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
Không chấp nhận kháng nghị số 57/QĐ-KNGĐT-DS ngày 26-6-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 172/2005/DSPT ngày 19-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn là ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức với bị đơn là ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh.
____________________________________________
- Lý do không chấp nhận kháng nghị:
Quyết định của bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Tải về
 QDGDT_24-2006-DS-GĐT.doc
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
Trích dẫn từ: http://www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/cbba/dtba

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code