Thursday, August 8, 2013

Khảo lược Bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại(phần 8)

Điều 201. Kẻ nào làm gãy răng của mouchkinou Kẻ đó sẽ phải trả (cho người bị hại) một phần ba (1/3) mine bạc. Bình luận Theo luật pháp Lưỡng Hà, nếu làm gãy răng của người cùng đẳng cấp thì áp dụng nguyên tắc Talion, nhưng nếu làm gãy răng của mouchkinou (tức là người ở đẳng cấp dưới người tự do nhưng trên người nô lệ) thì bị phạt một phần ba (1/3) mine bạc. Số tiền này được trả trực tiếp cho người bị hại. Không có điều luật nào qui định việc xử phạt người tự do hay mouchkinou đánh gãy răng nô lệ. Đây có lẽ không phải là thiếu sót của pháp luật Lưỡng Hà mà là chính sách của nhà lập pháp lúc đó.
 
Điều 202.
         Kẻ nào đánh vào đầu người ở đẳng cấp trên mình
         Kẻ đó sẽ bị đánh 60 roi gân bò ở giữa nơi công cộng.
Bình luận
         Tinh thần phân biệt cũng thể hiện rõ trong điều luật. Bản Pháp văn có dùng cụm từ: “frapper le cerveau”. “cerveau” là “óc”, “não”. Có lẽ “frapper le cerveau” là “đánh vào đầu”.
         Dù sao, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự cũng được quán triệt tương đối cụ thể trong luật Hammurabi.
         Cùng một tội danh (như cách chúng ta gọi ngày nay là “tội cố ý gây thương tích”), nhà làm luật phân biệt thành 3 tội khác nhau với chính sách xử lý khác nhau:
         Tội làm hỏng mắt người khác
         Tội làm gãy tay (chân) người khác
         Tội đánh vào đầu người khác
         Theo điều luật, người nào đánh vào đầu người ở đẳng cấp trên mình sẽ bị đánh 60 roi gân bò ở nơi công cộng. Như thế, tính trừng trị của hình phạt ở đây thể hiện trên hai phương diện:
         Phương diện thân thể (vật chất): bị đánh đòn
         Phương diện tinh thần: hạ nhục ở nơi công cộng.
         Tội phạm trên chỉ được nhà làm luật mô tả dấu hiệu hành vi. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.
 
Điều 203.
         Kẻ nào đánh vào đầu một người ở cùng đẳng cấp với mình, sẽ phải trả (cho người bị hại) một phần hai (1/2) mine bạc.
Bình luận
         Điều 203 là sự tiếp nối Điều 202.
         Tội phạm qui định tại Điều 203 tương tự như tội phạm nói tại Điều 202, chỉ khác về đối tượng tác động. Đối tượng tác động của tội phạm nói tại Điều 203 là người cùng đẳng cấp với người phạm tội.
         Sự thay đổi của đối tượng tác động dẫn tới sự thay đổi trong chính sách xử lý: từ hình phạt thân thể (theo Điều 202) được chuyển sang hình phạt tiền (theo Điều 203).
 
Điều 204.
         Kẻ nào đánh vào đầu mouchkinou sẽ phải trả (cho người bị hại) mười siele bạc.
Bình luận
         Điều 204 là sự tiếp nối Điều 203.
         Điều luật không qui định rõ chủ thể của tội phạm, nhưng căn cứ vào Điều 202, có thể khẳng định chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là người tự do.
         Đối tượng tác động của tội phạm này là mouchkinou, người ở đẳng cấp thấp hơn người tự do.
         Chế tài: phải trả cho người bị hại 10 sieles bạc.
 
Điều 205.
         Tên nô lệ nào dám đánh vào đầu người tự do thì nó phải bị cắt tai.
Bình luận
         Có sự mâu thuẫn giữa bản tiếng Pháp với bản tiếng Anh về chủ thể thực hiện tội phạm.
         Bản tiếng Pháp viết:
         “S’il a frappé le cerveau d’un esclave d’un homme libre on lui coupera l’oreille”.
         Nghĩa là:
         “ Nếu hắn đánh vào đầu một nô lệ của người dân tự do, người ta sẽ cắt tai hắn”.
         Bản tiếng Anh viết:
         “ If the slave of a freed man strike the body of a freed man, his ear shall be cut off”.
         Nghĩa là:
         “ Nếu tên nô lệ nào dám đánh chủ, nó sẽ bị cắt tai”
         Trong hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp nêu trên, bản tiếng Anh có lẽ chính xác hơn. Bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu cũng tương tự như bản tiếng Anh.
 
Điều 206.
         Kẻ nào, trong cuộc cãi lộn với người khác, đã làm bị thương người đó, mà thề rằng: “Tôi không cố ý làm bị thương anh ta”.
         Kẻ đó sẽ phải trả tiền thuốc chữa trị cho người bị hại.
Bình luận
         Theo điều luật trên, nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại không coi là tội phạm hành vi vô ý gây thương tích cho người khác.
         Người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác chỉ phải trả tiền thuốc chữa thương cho người bị hại.
 
Điều 207.
         Nếu như nạn nhân bị chết trong tay hắn, mà hắn vẫn thề rằng hắn không cố ý
         Và nếu như người bị chết là con trai của người tự do
         Thì hắn sẽ phải trả (cho người tự do là cha của đứa bé bị chết) một phần hai (1/2) mine bạc.
Bình luận
          Điều 207 là sự tiếp nối Điều 206.
         Điều luật qui định tội vô ý làm chết con của người tự do. Tội này có cấu thành như sau:
         Hành vi: làm chết người
         Đối tượng tác động: con trai của người tự do
         Hoàn cảnh diễn ra tội phạm: người phạm tội thực hiện tội phạm trong khi cãi lộn với người bị hại.
         Lỗi: vô ý
         Hậu quả: chết người.
         Chế tài: phải trả cho gia đình người bị hại một phần hai (1/2) mine bạc.
 
Điều 208.
         Nếu nạn nhân là con trai của một mouchkinou, hắn sẽ phải trả (cho cha của người bị chết) một phần ba (1/3) mine bạc.
Bình luận
         Điều 208 là sự tiếp nối Điều 207 và Điều 206.
         Tinh thần phân biệt đẳng cấp được thể hiện trong chính sách xử lý của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại:
         Nếu nạn nhân chết do hành vi vô ý của người phạm tội là con trai người tự do, người phạm tội phải trả cho người tự do một phần hai (1/2) mine bạc (Điều 207).
         Nếu nạn nhân là con của mouchkinou, người phạm tội chỉ phải trả cho mouchkinou một phần ba (1/3) mine bạc mà thôi.
Điều 209.
         Kẻ nào đánh con gái của người tự do, làm cô ta xảy thai sẽ phải trả (cho cô ta) mười sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật qui định tội “đánh con gái của người tự do, dẫn đến xảy thai”. Tội phạm này có cấu thành như sau:
         Hành vi: đánh phụ nữ có thai
         Đối tượng tác động: là con gái người tự do và là người đang mang thai.
         Hậu quả: làm nạn nhân xảy thai.
         Lỗi: cố ý. Có thể khẳng định lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, bởi bản Pháp văn có dùng từ “prapper”, nghĩa là “đánh”, mà “đánh” là một xử sự cố ý.
         Chế tài: người phạm tội phải trả cho nạn nhân 10 sicles bạc.
 
Điều 210.
         Nếu cô ta chết, phải giết con gái kẻ phạm tội.
Bình luận
         Điều 210 là sự tiếp nối Điều 209.
         Qua điều luật, có thể thấy rằng người Lưỡng Hà cổ đại đã biết đến hình thức lỗi hỗn hợp. Có thể diễn giải Điều 210 như sau:
         Người nào đánh phụ nữ có thai
         Mà người phụ nữ này là con gái người tự do
         Dẫn đến hậu quả người phụ nữ chết
         Thì phải giết chết con gái của kẻ đó. 
         Như thế, theo điều luật, hành vi của người phạm tội là hành vi cố ý gây thương tích. Lỗi của người phạm tội đối với hành vi này là lỗi cố ý. Hậu quả của tội phạm là chết người và người phạm tội (giả định) là không nhận thức và kiểm soát được hậu quả này. Nói cách khác, người phạm tội vô ý với hậu quả chết người.
         Điều luật áp dụng triệt để nguyên tắc Talion trong trừng trị người phạm tội.
 
Điều 211.
         Kẻ nào đánh con gái của một mouchkinou, làm cô ta xảy thai sẽ phải trả (cho cô ta) năm sicle bạc.
Bình luận
         Chính sách hình sự của nhà lập pháp Lưỡng Hà phân biệt theo địa vị pháp lý của người bị hại:
         Nếu người bị hại là con gái người tự do, kẻ phạm tội sẽ bị phạt 10 sicles bạc.
         Nếu là con gái của một mouchkinou, kẻ phạm tội sẽ chỉ bị phạt 5 sicles bạc.
 
Điều 212.
         Nếu cô ta chết, kẻ phạm tội phải trả (cho người thân của nạn nhân) một phần hai (1/2) mine bạc.
Bình luận
         Điều 212 là sự tiếp nối Điều 210 và Điều 211.
         Như thế, cùng một hành vi, cùng một hậu quả nhưng địa vị của người bị hại khác nhau, mức hình phạt dành cho người phạm tội cũng khác nhau:
         Nếu làm chết con gái của người tự do (đang có thai) thì phải giết chết con gái người phạm tội (Điều 210).
         Nếu làm chết con gái của người thuộc tầng lớp mouchkinou thì chỉ phạt tiền người phạm tội (Điều 212).
Điều 213.
         Kẻ nào đánh nữ nô lệ đang mang thai của người tự do và làm cô xảy thai sẽ phải trả hai sicles bạc.
Bình luận
         Điều 213 là sự tiếp nối Điều 209 và Điều 211.
         Tội phạm nói tại Điều 213 cũng tương tự như tội phạm nói tại hai điều luật trên, chỉ khác về đối tượng tác động.
         Đối tượng tác động của tội phạm nói tại Điều 213 là nữ nô lệ đang mang thai.
         Chế tài đối với tội phạm này là người phạm tội bị phạt 2 sicles bạc.
         Hai sicles bạc này sẽ được trả cho chủ của người bị hại (nữ nô lệ bị xảy thai).
 
Điều 214.
         Nếu đứa nữ nô lệ đó chết, kẻ phạm tội phải trả một phần ba mine bạc.
Bình luận
         Điều 214 là sự tiếp nối Điều 210 và Điều 212.
         Hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này chỉ là phạt người đó một phần ba (1/3) mine bạc.
 
Điều 215.
         Nếu người thầy thuốc chữa vết thương nặng cho người tự do bằng một con dao đồng và chữa khỏi vết thương cho anh ta
         Nếu người thầy thuốc mổ một khối mủ mắt cho người tự do bằng một con dao đồng và chữa khỏi mắt cho anh ta
         Người thầy thuốc sẽ được trả công một số tiền là mười sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh quan hệ tiền công chữa bệnh của người thầy thuốc.
         Theo điều luật, nếu người thầy thuốc chữa:
         Lành vết thương nặng cho người tự do;
         Lành khối mủ trong mắt của người tự do người tự do
         Sẽ được trả công là 10 sicles bạc.
         Điều luật chỉ rõ người được chữa khỏi bệnh trong trường hợp này là người tự do.
Điều 216.
         Nếu người bệnh là một mouchkinou, người thầy thuốc sẽ được trả công một số tiền là năm sicles bạc.
Bình luận
         Theo điều luật, tiền công của người thầy thuốc được trả căn cứ theo địa vị xã hội của bệnh nhân.
         Nếu bệnh nhân là người thuộc đẳng cấp mouchkinou thì tiền công của người thầy thuốc được trả chỉ bằng một nửa so với tiền công ông ta nhận được khi chữa bệnh cho người tự do.
 
Điều 217.
         Nếu người bệnh là nô lệ của người tự do, thì chủ của nô lệ sẽ trả cho người thầy thuốc hai sicles bạc.
Bình luận
         Điều 217 là sự tiếp nối Điều 215 và Điều 216.
         Theo tinh thần của điều luật, người nô lệ khi bị ốm cũng được chữa bệnh và chủ nô có nghĩa vụ phải trả tiền chữa bệnh cho nô lệ. ở một ý nghĩa nào đó, Điều 217 là một qui định có tính chất tiến bộ.
 
Điều 218.
         Nếu người thầy thuốc chữa vết thương nặng cho người tự do bằng một con dao đồng đã làm chết người tự do đó
         Nếu người thầy thuốc chữa khối u trong mắt cho người tự do bằng một con dao đồng làm hỏng mắt người tự do đó
         Người thầy thuốc sẽ bị chặt tay.
Bình luận
         Điều 218 là sự tiếp nối Điều 115.
         Pháp luật Lưỡng Hà qui định rõ: người thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân sẽ được nhận tiền công, nếu làm bệnh nhân chết hoặc hỏng mắt sẽ bị trừng phạt.
         Điều luật đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc nhưng qui định hình phạt chặt tay họ thì quá nghiêm khắc.
 
Điều 219.
         Nếu ngư­ời thầy thuốc chữa vết thư­ơng nặng cho nô lệ của một mouchkinou bằng một con dao đồng đã làm chết nô lệ đó
Ng­ười thầy thuốc sẽ phải đền cho chủ của tên nô lệ bị chết một tên nô lệ khác.
Bình luận
         Điều 219 là sự tiếp nối Điều 218.
         Theo qui định của điều luật, người thầy thuốc làm chết nô lệ của người khác sẽ phải đem nô lệ của mình ra đền cho người đó.
         Nếu coi nô lệ là tài sản của chủ nô thì ở đây, khi xử lý vấn đề bòi thường thiệt hại, nhà làm luật đã lựa chọn phương pháp bồi thường: vật đổi vật, người đổi người.
 
Điều 220.
         Nếu ngư­ời thầy thuốc chữa khối u trong mắt của đứa nô lệ bằng một con dao đồng đã làm hỏng mắt của đứa nô lệ đó
         Ng­ười thầy thuốc sẽ phải bồi thường cho  người chủ một số tiền tương đương với một phần hai (1/2) giá trị của đứa nô lệ này.
Bình luận
         Điều 220 là sự tiếp nối Điều 218 và Điều 219.
         Nếu như người thầy thuốc làm chết nô lệ của người khác phải trả cho chủ nô người nô lệ mới thì việc ông ta làm hỏng mắt người nô lệ sẽ dẫn đến việc phải bồi thường một phần hai giá trị của đứa nô lệ đó.
 
Điều 221.
         Nếu người thầy thuốc chữa lành chỗ xương bị gãy hay phần cơ thể bị sưng của một người tự do
         Người tự do đó sẽ phải trả cho thầy thuốc năm sicles bạc.
Bình luận
         Tuỳ theo loại bệnh khác nhau, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại qui định mức tiền khác nhau mà người bệnh phải trả cho thầy thuốc.
         Bản tiếng Pháp dùng từ “guerir” nghĩa là chữa khỏi bệnh. Nếu người thầy thuốc không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thì không được trả tiền công.
 
Điều 222.
         Nếu người bệnh là con của một mouchkinou, cha người bệnh trả cho thầy thuốc ba sicles bạc.
Bình luận
         Điều 222 là sự tiếp nối Điều 221.
         Nếu như mức tiền chữa bệnh thông thường (chữa lành xương gãy hoặc chữa lành vết thương phần mềm bị sưng- không gây nguy hiểm tính mạng) cho người dân tự do là năm sicles bạc thì mức tiền này chỉ là ba sicles bạc nếu bệnh nhân là người của tầng lớp mouchkinou.
 
Điều 223.
         Nếu người bệnh là nô lệ của một người tự do thì người tự do (chủ của nô lệ) sẽ phải trả cho thầy thuốc hai sicles bạc.
Bình luận
         Điều 223 là sự tiếp nối của Điều 222 và Điều 221.
         Theo Điều 223, giá tiền chữa bệnh thông thường cho nô lệ  cũng bằng giá tiền chữa bệnh mắt và các bệnh nặng khác (Điều 217).
 
Điều 224.
         Khi người làm nghề chữa bệnh cho gia súc (bò hoặc lừa) chữa lành vết thương nặng của một con gia súc (bò hoặc lừa)
         Thì chủ của con gia súc phải trả cho người đó một phần sáu (1/6) sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật nói tới người chuyên chữa bệnh cho gia súc. Như thế, ngay từ thời kỳ cổ đại đã có một nghề mà ngày nay chúng ta gọi là nghề “bác sĩ thú y”.
         Điều luật điều chỉnh quan hệ tiền công chữa bệnh cho gia súc. Nếu chữa được lành một vết thương nặng cho gia súc thì người “bác sĩ thú y” sẽ được nhận một phần sáu (1/6) sicles bạc.
 
Điều 225.
         Nếu người làm nghề chữa bệnh cho gia súc (bò hoặc lừa) trong khi chữa vết thương nặng cho con gia súc (bò hoặc lừa) đã làm con gia súc đó chết
         Thì phải bồi thường cho chủ con gia súc bị chết một số tiền tương đương với một phần tư (1/4) giá trị của con gia súc đó.
Bình luận
         Điều 225 là sự tiếp nối của Điều 224.
         Pháp luật Lưỡng Hà qui định rõ ràng: nếu chữa khỏi bệnh cho gia súc ốm (hoặc bị thương) sẽ được trả tiền công; ngược lại, chữa không khỏi, lại làm gia súc chết thì phải bồi thường thiệt hại.
         Điều luật đề cao trách nhiệm của người làm nghề chữa bệnh cho gia súc.
 
Điều 226.
         Người thợ cắt thóc nào tự tiện xoá bỏ dấu ấn nô lệ của một tên nô lệ mà không được phép của chủ nhân nó sẽ bị chặt tay.
Bình luận
         Điều luật này bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ ở Lưỡng Hà cổ đại.
         Trong xã hội cổ đại, việc đóng các hình dấu lên thân thể người nô lệ nhằm các mục đích:
         Phân biệt nô lệ với người tự do
         Cho phép truy lùng nô lệ bỏ trốn
         Xác định người nô lệ đó thuộc quyền sở hữu của ai.     
         Vì các mục đích trên, các hình dấu trên thân thể người nô lệ có ý nghĩa quan trọng. Xoá bỏ các hình thức dấu đó trên thân thể nô lệ là tội phạm. Tội phạm này có cấu thành như sau:
         Hành vi: xoá bỏ dấu ấn nô lệ trên thân thể người nô lệ.
         Chủ thể: là người cắt tóc. trong bản Pháp văn, người ta dùng từ “chirurgien”, nghĩa là, bác sĩ phẫu thuật. trong bản Anh văn cũng như bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu đều dùng từ “thợ cắt tóc”. Tôi cho rằng xác định chủ thể của tội phạm này là người cắt tóc có lẽ sẽ đúng hơn, bởi trong thời kỳ cổ đại chưa thể tồn tại “bác sĩ phẫu thuật”.
         Đối tượng tác động của tội phạm: người nô lệ.
         Chế tài: người phạm tội (người thợ cắt tóc) sẽ bị chặt tay.
         Qua chế tài này, có thể thấy hình phạt đối với tội “xoá bỏ dấu ấn nô lệ” là khá nặng.
 
Điều 227.
         Nếu kẻ nào lừa dối người thợ cắt tóc để cho người thợ cắt tóc này xoá bỏ dấu ấn của một tên nô lệ
         Kẻ đó phải bị xử tử hình
         Xác kẻ đó chôn ngay trong nhà của nó.
         Còn về phần người thợ cắt tóc, nếu y thề: “Tôi không cố ý làm việc này”.
         Người thợ cắt tóc đó sẽ được tha.
Bình luận
         Điều 227 là sự tiếp nối của Điều 226.
         Điều luật đề cập tới chế định đồng phạm theo cách khẳng định người cắt tóc không đồng phạm với người đã xúi giục anh ta xoá bỏ dấu ấn trên thân thể một nô lệ.
         Về mặt khách quan, trong việc xoá bỏ dấu vết trên thân thể người nô lệ có hai người tham gia; có người trực tiếp thực hiện tội phạm (người thợ cắt tóc) và người xúi giục (người đã lừa dối người thợ cắt tóc).
         Về mặt chủ quan: hai người này không cùng cố ý thực hiện tội phạm, bởi người trực tiếp thực hiện tội phạm bị lừa dối. 
         Theo pháp luật Lưỡng Hà, vì không thoả mãn dấu hiệu chủ quan của đồng phạm nên không tồn tại quan hệ đồng phạm giữa người thợ cắt tóc và người xúi giục anh ta.
         Trong trường hợp này, mỗi người phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi của mình. Người xúi giục người thợ cắt tóc xoá bỏ dấu ấn của một nô lệ sẽ bị tử hình. Người thợ cắt tóc, do không có lỗi (vì bị lừa dối) nên được miễn trách nhiệm hình sự.
         Có thể trong tư duy pháp lý của người Lưỡng Hà cổ đại không (hoặc chưa) tồn tại lý luận về đồng phạm như trên, song cách xử lý tình huống của họ thì không khác gì với quan điểm của luật hình sự hiện đại.
Điều 228.
         Người thợ xây nào nhận xây một ngôi nhà cho người khác
         Và đã xây được một ngôi nhà chắc chắn
         Người thợ xây đó sẽ được trả công một số tiền là hai sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh quan hệ tiền công của người thợ xây nhà. Theo qui định của điều luật này, tiền công của việc xây một ngôi nhà là hai      sicles bạc.
 
Điều 229.
         Người thợ xây nào nhận xây một ngôi nhà cho người khác
         Và đã xây được một ngôi nhà không chắc chắn
         Ngôi nhà sụp làm chết chủ nhà
         Người thợ xây đó phải chết.
Bình luận
         Quan điểm của nhà làm luật là: có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt; làm chết người thì phải chết. Người thợ xây thiếu trách nhiệm trong việc xây nhà, nhà xây xong sụp làm chết chủ nhà thì người thợ xây phải bị giết.
         Điều luật thể hiện tương đối rõ nguyên tắc trả thù ngang bằng (Talion).
 
Điều 230.
         Nếu con chủ nhà chết thì phải giết chết con người thợ xây.
Bình luận
         Điều 230 là sự tiếp nối của Điều 229.
         Cũng như Điều 229, Điều 230 áp dụng triệt để nguyên tắc trả thù ngang bằng.
 
Điều 231.
         Nếu nô lệ của chủ nhà bị chết
         Thì người thợ xây phải đền nô lệ khác cho chủ nhà.
Bình luận
         Điều 231 là sự tiếp nối của Điều 230.
         Do nô lệ được quan niệm là tài sản của chủ nô nên khi nô lệ của chủ nhà chết thì người thợ xây phải đền nô lệ khác cho chủ nhà (bồi thường tài sản tương đương).
 
Điều 232.
         Nếu tài sản của chủ nhà bị thiệt hại thì người thợ xây, do xây nhà không cẩn thận, làm nhà sụp, phải bồi thường toàn bộ tài sản bị thiệt hại cho chủ nhà.
         Người thợ xây đó còn phải xây lại nhà cho chủ nhà bằng chính tiền của anh ta.
Bình luận
         Điều 232 là sự tiếp nối của Điều 228, Điều 229, Điều 230 và Điều 231.
         Như thế, nếu xây nhà không cẩn thận, làm ngôi nhà bị sụp thì người thợ xây phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại đã gây ra, từ thiệt hại về thể chất đến thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, người thợ xây còn phải xây đền cho chủ nhà một ngôi nhà mới.
 
Điều 233.
         Nếu người thợ xây xây nhà cho một người khác
         Mà xây không chắc chắn
         Dẫn đến tường của ngôi nhà bị đổ
         Thì người thợ xây phải xây lại bức tường đó bằng tiền của chính anh ta.
Bình luận
         Điều 233 tiếp nối các điều luật nêu trên.
         Trường hợp nói tại điều luật, hành vi xây nhà không chắc chắn của thợ xây chưa gây thiệt hại cho tính mạng hay tài sản của chủ nhà. Do đó, nhà làm luật chỉ buộc người thợ xây phải gia cố ngôi nhà và xây lại phần tường nhà bị đổ mà thôi.
 
Điều 234.
         Người chèo thuyền nào xảm một con thuyền (có trọng tải) 60 gour cho người khác
         Anh ta sẽ nhận được hai sicles tiền công.
Bình luận
         Bản Pháp văn có dùng từ  “calfater”, nghĩa là “xảm thuyền”. Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học giải thích “xảm” là trít khe hở. Xảm thuyền là trít khe hở của thuyền. Từ điển Larousse de Poche năm 1990 giải thích từ “calfater” (xảm thuyền) là “trít những khe hở trên vỏ (giữa những mảnh ván) của một con thuyền bằng xơ gai dầu và nhựa cây”.
         Trong điều luật, người chèo thuyền (batelier) không phải là chủ sở hữu con thuyền mà anh ta đang sử dụng. Anh ta chỉ là người làm thuê. Theo qui định của Điều 234, người chèo thuyền thuê mà giúp chủ sở hữu xảm thuyền sẽ được người đó trả công một số tiền là hai sicles bạc.
 
Điều 235.
         Người chèo thuyền nào xảm một con thuyền cho người khác
         Mà xảm không cẩn thận
         Dẫn đến hậu quả khi đưa thuyền vào sử dụng
         Gây hư hại cho con thuyền
         Người chèo thuyền đó sẽ phải bỏ tiền túi ra sửa chữa lại con thuyền bị hư hại
         Sau đó trả con thuyền đã được sửa chữa về cho chủ sở hữu của nó.
Bình luận
         Điều 235 là sự tiếp nối của Điều 234.
         Cũng vẫn tinh thần: có công nhận thưởng, có tội chịu phạt, nhà làm luật đã buộc người xảm thuyền không cẩn thận sửa chữa lại con thuyền bị hư hại trước khi trả nó về cho người chủ sở hữu.
 
Điều 236.
         Kẻ nào cho người chèo thuyền thuê con thuyền thuộc sở hữu của mình
         Mà người chèo thuyền điều khiển con thuyền không đúng cách
         Dẫn đến chìm thuyền
         Người chèo thuyền sẽ phải đền cho chủ thuyền một con thuyền khác.
Bình luận
         Người chèo thuyền (batelier) nói trong điều luật không phải là người làm thuê cho chủ thuyền (như Điều 234 và Điều 235) mà là người có quan hệ giao dịch thuê thuyền của chủ thuyền.
         Nếu người thuê thuyền của người khác mà điều khiển con thuyền không đúng cách, dẫn đến chìm thuyền thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ thuyền bằng một con thuyền khác.
 
Điều 237.
         Kẻ nào thuê người chèo thuyền và một chiếc thuyền
         Rồi dùng chiếc thuyền đi chở thuê lúa gạo, len, dầu ăn và các loại hàng hoá khác
         Người chèo thuyền thuê cho kẻ đó lại điều khiển con thuyền không đúng qui cách
         Dẫn đến chìm thuyền
         Người chèo thuyền sẽ phải bồi thường cho người thuê hắn một con thuyền khác, cũng như toàn bộ số hàng hoá chở trên con thuyền bị chìm.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh một tình huống giao dịch dân sự có bốn bên: người chủ sở hữu thuyền - người thuê thuyền - người chèo thuyền (là người làm thuê của người thuê thuyền) - người chủ sở hữu của số hàng hoá chở thuê trên thuyền.
         Các mối quan hệ phức tạp này được nhà làm luật bóc tách ra và xử lý mối quan hệ chính là quan hệ giữa người thuê thuyền (và nhận chở hàng thuê) với người chèo thuyền.
         Người chèo thuyền chèo thuê cho người khác mà điều khiển con thuyền không đúng cách dẫn đến chìm thuyền, gây thiệt hại lớn về tài sản phải bối thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho người thuê mình.
 
Điều 238.
         Nếu con thuyền được trục vớt lên thì người chèo thuyền chỉ phải bồi thường một phần hai (1/2) giá trị của con thuyền đó.
Bình luận
         Điều 238 là sự tiếp nối của Điều 237.
         Nhà làm luật giảm mức bồi thường cho người chèo thuyền thuê làm chìm thuyền nếu như con thuyền được trục vớt lên.
 
Điều 239.
         Kẻ nào thuê người khác chèo thuyền thuê cho mình
         Thì phải trả cho người chèo thuyền thuê đó 6 gour thóc trong một năm.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh quan hệ tiền lương được người chủ (bên thuê lao động) trả cho người lao động (người chèo thuyền).
         Tiền công được trả cho một năm là 6 gour thóc6 gour thóc.
 
Điều 240.
         Nếu một con tàu chở hàng đụng phải một con thuyền khác và làm cho con thuyền này bị chìm
         Thì chủ con thuyền bị chìm phải khai báo trung thực trước thần linh về những thiệt hại đã xảy ra
         Và chủ của con tàu đã đụng phải con thuyền có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đó.
Bình luận
         Theo tinh thần của điều luật, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra.
         Pháp luật Lưỡng Hà cổ đại không xem xét đến lỗi của người có hành vi vi phạm.
 
Điều 241.
         Kẻ nào vắt kiệt sức con bò thuê của người khác sẽ phải trả cho chủ của con bò đó một phần ba (1/3) mine bạc.
Bình luận
         Nguyên bản Pháp văn điều luật này là:
         “Si un homme a contraint le beuf d’un autre au travail force’, il payera un tiers de mine d’argent”
         Nghĩa là:
         “Nếu người đàn ông nào buộc con bò của người khác làm việc quá nhiều, người đàn ông đó sẽ phải trả (cho chủ bò) một phần ba (1/3) mine bạc.
         Điều luật bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp. Có thể coi hành vi trong điều luật như là tội “lạm dụng sức kéo của súc vật” và khoản tiền một phần ba (1/3) mine bạc là tiền phạt.
 
Điều 242.
         Giá thuê một con bò dùng để đi cày là bốn gour lúa cho một năm thuê.
Bình luận
         Nhà lập pháp qui định rõ giá thuê (được qui ra hiện vật) của một con bò dùng trong sản xuất nông nghiệp.
 
Điều 243.
         Giá thuê một con bò thồ hàng là ba gour lúa.
Bình luận
         Điều luật qui định giá thuê một con bò thồ hàng là ba gour lúa, nhưng không rõ ba gour lúa đó là tiền thuê trong một năm hay là tiền thuê cho việc làm một công việc cụ thể nào.
 
Điều 244.
         Kẻ nào cho người khác thuê một con bò hoặc một con lừa
         Mà con bò hoặc con lừa đó bị sư tử ăn thịt
         Thì chủ của con bò hay con lừa bị ăn thịt phải tự gánh chịu lấy thiệt hại ấy.
Bình luận
         Điều luật xử lý mối quan hệ giữa người chủ gia súc cho thuê với người thuê gia súc trong trường hợp gia súc bị sư tử ăn thịt. Gia súc bị sư tử ăn thịt nghĩa là tài sản cho thuê không còn tồn tại nữa do sự kiện bất ngờ. Khi sự kiện bất ngờ xảy ra dẫn đến tài sản thuê không còn nữa thì người thuê tài sản được miễn trách nhiệm. Nói cách khác, trong trường hợp này, chủ tài sản cho thuê phải tự gánh chịu rủi ro khi cho thuê tài sản là gia súc của mình.
 
Điều 245.
         Kẻ nào thuê một con bò của người khác
         Mà đánh đập con bò thuê hoặc chăm sóc con bò không cẩn thận
         Dẫn đến hậu quả con bò chết
         Kẻ đó phải bồi thường cho chủ con bò một con bò khác.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh giao dịch dân sự thuê mướn gia súc trong trường hợp gia súc chết do lỗi của bên thuê.
         Trong trường hợp này, bên thuê phải bồi thường cho chủ con bò một con bò mới (bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra).
 
Điều 246.
         Kẻ nào thuê một con bò của người khác
         Mà đánh gãy chân bò hoặc cắt bướu bò đi
         Kẻ đó sẽ phải đền cho chủ con bò một con bò khác.
Bình luận
         Điều luật trừng trị người cố ý huỷ hoại tài sản của người khác.
         Theo điều luật, nếu người nào thuê bò của người khác mà vì một lý do nào đó đánh gãy chân hay cắt bướu của con bò thuê, nghĩa là làm cho con bò thuê này không thể làm việc được nữa, sẽ phải đền cho người chủ sở hữu một con bò khác.
 
Điều 247.
         Kẻ nào thuê bò của người khác
         Mà làm hỏng mắt con bò đó
         Sẽ phải đền cho chủ bò một khoản tiền tương đương đương với một phần hai (1/2) giá trị của con bò.
Bình luận
         Điều luật trừng trị hành vi làm hỏng mắt bò. Hành vi làm hỏng mắt con bò thuê có thể là cố ý hoặc vô ý. Luật buộc người có hành vi này phải bồi thường cho chủ bò một phần hai (1/2) giá trị của con bò.
 
Điều 248.
         Kẻ nào thuê bò của người khác mà làm gãy sừng bò, cắt đuôi bò hay cắt phần trên của mõm bò, sẽ phải trả cho chủ bò một số tiền tương đương với một phần tư (1/4) giá trị của con bò.
Bình luận
         Điều 248 là sự tiếp nối của Điều 247.
         Hành vi vi phạm ít nghiêm trọng hơn thì mức bồi thường thiệt hại cũng được qui định thấp hơn.
 
Điều 249.
         Kẻ nào thuê bò của người khác
         Mà không may con bò thuê lại bị chết
         Kẻ đó phải thề trước thần linh về sự vô tội của mình
         Và hắn sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bình luận
         Điều 249 cũng tương tự như Điều 244, hay nói cho đúng hơn, rộng hơn Điều 244. Cả hai điều luật này đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc chủ sở hữu tài sản cho thuê phải gánh chịu rủi ro khi cho thuê tài sản của mình nếu như tài sản bị thiệt hại, thậm trí bị mất đi không do lỗi của người thuê.
 
Điều 250.
         Trường hợp con bò bị lồng lên khi đang đi trên đường húc vào một người
         Và làm người này chết
         Thì gia đình người chết không thể kiện chủ của con bò.
Bình luận
         Trường hợp con bò húc phải người khác dẫn đến hậu quả chết người có thể coi là trường hợp bất khả kháng. Theo Điều 250, người chủ của con bò, trong trường hợp bất khả kháng như thế không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
         Qua điều luật, có thể thấy rằng nhà lập pháp cổ đại đã biết đến khái niệm mà ngày nay chúng ta gọi là “nguồn nguy hiểm cao độ” (Điều 623 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005).
 
Điều 251.
         Nếu như con bò thường xuyên húc sừng của nó về phía người khác
         Người chủ bò đã biết tật xấu này của con bò mà không cưa bớt sừng bò hay buộc nó lại cẩn thận
         Dẫn đến việc con bò húc chết con trai người dân tự do
         Người chủ bò sẽ phải bồi thường (cho gia đình người bị hại) một phần hai (1/2) mine bạc.
Bình luận
         Điều 251 là sự tiếp nối của Điều 250, qui định về vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
         Mặc dù trong việc con bò húc chết người, chủ bò không có lỗi, song nếu như anh ta đã biết tật xấu của con bò thuộc sở hữu của mình mà không có biện pháp phòng ngừa, anh ta vẫn phải bồi thường cho người bị hại.
 
Điều 252.
         Nếu con bò húc chết nô lệ của người tự do, chủ bò sẽ phải đền (cho người chủ của nô lệ bị chết) một phần ba (1/3) mine bạc.
Bình luận
         Theo tư duy của người Lưỡng Hà cổ đại, mức bồi thường căn cứ  vào mức thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra cho người tự do được quan niệm là lớn hơn thiệt hại đối với nô lệ. Do đó, mức bồi thường qui định tại Điều 252 thấp hơn so với Điều 251.
 
Điều 253.
         Kẻ nào thuê người khác ngủ ngoài cánh đồng để trông đàn gia súc (bò) và cày cấy hiện trên cánh đồng đó
         Mà kẻ đươc thuê bị bắt quả tang trộm cắp hạt giống và cây giống của chủ
         Kẻ trộm cắp sẽ bị người ta chặt tay.
Bình luận
         Điều luật qui định tội “Trộm cắp tài sản của người thuê mình”.
         Tội này có cấu thành như sau:
         Hành cắp tài sản của người thuê lao động
         Đối tượng của tội tội phạm: hạt giống hoặc cây giống của người thuê lao động.
         Người phạm tội: là người làm thuê.
         Chế tài: chặt tay (chặt bàn tay - couper les mains) người phạm tội.
 
Điều 254.
         Nếu kẻ đó lấy trộm hạt giống mà không chăm sóc gì đến đám gia súc, hắn sẽ phải bồi thường toàn bộ số hạt giống đã lấy trộm.
Bình luận
         Điều 254 là sự tiếp nối của Điều 253.
         Nhà lập pháp buộc người có hành vi trộm cắp phải bồi thường.
 
Điều 255.
         Nếu kẻ đó vừa lấy trộm hạt giống, vừa đem gia súc của chủ cho người khác thuê lại
         Kẻ đó sẽ bị truy tố trước Toà
         Và phải bồi thường cho người chủ 60 gour lúa cho 100 gan đất.
Bình luận
         Điều 255 là sự tiếp nối của Điều 254.
         Người phạm tội trong điều luật có hai hành vi:
         Trộm cắp thóc giống của chủ
         Đem trâu bò của chủ dùng vào cày cấy cho người khác thuê trái phép.
         Không rõ, người phạm tội có bị chặt tay vì hành vi trộm cắp thóc giống của chủ hay không, bởi vì theo Điều 253, người phạm tội chỉ bị chặt tay khi người khác bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trộm cắp.
         Tuy vậy, một điều chắc chắn là người phạm tội sẽ bị phạt 60 gour lúa cho 100 gan đất. Mức phạt người phạm tội được tính trên cơ sở diện tích đất người chủ đã thuê họ làm công.
 
Điều 256.
         Nếu không nộp tiền phạt thì người ta sẽ quẳng kẻ đó ra ngoài đồng để hắn đi cày với lũ gia súc (với những con bò).
Bình luận
         Điều 256 là sự tiếp nối của Điều 255 nêu trên.
 
Điều 257.
         Kẻ nào thuê người khác làm việc trên cánh đồng của mình sẽ phải trả cho người làm thuê 8 gour lúa cho một năm.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh quan hệ tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Một năm lao động trên cánh đồng, người làm công được trả 8 gour lúa.
 
Điều 258.
         Kẻ nào thuê người khác chăn bò phải trả cho người chăn bò 6 gour lúa cho một năm.
Bình luận
         Nếu như đi làm ruộng thuê được trả 6 gour lúa cho một năm thì chăn bò thuê chỉ được trả 6 gour lúa cho một năm.
         Người làm luật xác định làm ruộng vất vả hơn công việc chăn bò.
 
Điều 259.
         Kẻ nào trộm cắp guồng tưới nước trên cánh đồng sẽ phải trả cho người chủ guồng tưới nước đó năm sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật qui định tội “Trộm cắp guồng tưới nước” nhằm bảo vệ công trình thuỷ lợi và qua đó bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
         Hình phạt cho tội phạm này là năm sicles bạc.
 
Điều 260.
         Kẻ nào trộm cắp cần lấy nước (chadouf) hoặc cày cuốc của người khác sẽ phải trả cho chủ nhân nông cụ bị trộm cắp ba sicles bạc.
Bình luận
         Điều luật qui định tội “Trộm cắp cần lấy nước hoặc cày cuốc của người khác”. Do đây là những nông cụ có tầm quan trọng thấp hơn so với guồng nước tưới (Điều 259) nên mức phạt tiền cũng thấp hơn.
 
Điều 261.
         Kẻ nào thuê người chăn chiên chăn những con cừu sẽ phải trả cho người chăn chiên đó 8 gour lúa cho một năm.
Bình luận
         Bản Pháp văn dùng hai từ khác nhau để chỉ người trông giữ động vật:
         1) “Bouvier” (người chăn bò”
         2) “Pâtre” (người chăn chiên-chăn cừu)
         Tiền công của người chăn bò là 6 gour lúa cho một năm (Điều 258). còn của người chăn chiên là 8 gour lúa cho một năm (Điều 261).
 
Điều 262.
         Kẻ nào ... có một con bò hoặc cừu...
Bình luận
         Điều luật này bị mờ trên tảng đá bazan nên không rõ nội dung.
 
Điều 263.
         Nếu hắn làm mất con bò hoặc con cừu mà người ta giao cho hắn
         Hắn sẽ phải đền cho người chủ một con bò hoặc một con cừu khác.
Bình luận
         Điều 263 là sự tiếp nối của Điều 262.
         Theo qui định của Điều 263, người nào nhận bò hoặc cừu của người khác mà làm mất những con bò hoặc cừu đó thì phải bồi thường cho người chủ đàn bò (hoặc đàn cừu).
 
Điều 264.
         Người chăn chiên nào được người chủ của đàn gia súc (bò hoặc cừu) trả một mức tiền công thích hợp để chăn thả đàn gia súc của ông ta
         Mà không làm tốt công việc chăn chiên của mình, làm giảm số lượng những con bò và hao hụt số lượng cừu, làm cho chúng sinh ra ngày một ít số lượng các con con
         Người chăn chiên đó sẽ bị trừ tiền công và phải làm thêm để bù vào số lượng gia súc bị hao hụt.
Bình luận
         Điều luật điều chỉnh mối quan hệ giữa người chủ đàn gia súc với người làm công (người chăn chiên) trong trường hợp số lượng gia súc bị hao hụt.
         Người làm luật qui trách nhiệm làm hao hụt đàn gia súc co người chăn chiên và buộc người chăn chiên phải bồi thường cho chủ đàn gia súc.
 
Điều 265.
         Người chăn chiên nào được chủ đàn gia súc giao cho chăn thả đàn gia súc của ông ta
         Mà có hành vi gian dối với chủ đàn gia súc về số lượng gia súc trong đàn để lén bán một số gia súc đi
         Người chăn chiên đó phải bị truy tố trước Toà án
         Hắn phải đền cho người chủ đàn gia súc gấp 10 lần số gia súc mà hắn đã bán.
Bình luận
         Điều luật này qui định tội phạm mà theo cách gọi của chúng ta ngày nay là “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tài sản nói trong điều luật là gia súc được thuê chăn thả (bò hoặc cừu). Như thế có thể tạm gọi tội này là tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt gia súc của người khác”.
         Cấu thành cụ thể của tội này là:       
         Hành vi: chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối trên cơ sở lạm dụng lòng tin của chủ tài sản
         Chủ thể: là người làm công cho chủ tài sản được chủ tài sản giao tài sản để quản lý.
         Chế tài: người phạm tội bị phạt số lượng gia súc gấp mười lần số gia súc đã chiếm đoạt.
 
Điều 266.
         Nếu việc hao hụt số lượng gia súc trong đàn là do sư tử ăn thịt hoặc do một sự cố bất ngờ trong chuồng trại
         Thì người chăn chiên phải chứng minh sự vô tội của mình trước thần linh
         Thiệt hại do chủ đàn gia súc gánh chịu.
Bình luận
         Điều luật giải phóng trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người làm công (người chăn chiên thuê) khi thiệt hại xảy ra một sự kiện bất ngờ. Sự kiện bất ngờ này có thể là:
         Một số gia súc bị sư tử ăn thịt
         Chuồng trại gặp sự cố bất ngờ.
         Trong trường hợp này, luật buộc người làm công (người chăn chiên thuê) phải chứng minh về sự vô tội của mình.
 
Điều 267.
         Nếu người chăn chiên có lỗi trong việc chuồng trại bị hỏng
         Thì hắn ta có nghĩa vụ phải khắc phục chỗ hư hỏng đó
         Và phải bồi thường cho chủ đàn gia súc số gia súc đã thoát ra khỏi chỗ hư hỏng của chuồng trại.
Bình luận
         Điều 267 là sự tiếp nối của Điều 266.
         Quan điểm của nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại là: nếu có lỗi thì phải bồi thường. Trong trường hợp người chăn chiên có lỗi đối với tình trạng hư hỏng của chuồng trại, anh ta phải:
         Sửa chữa chỗ hư hỏng đó
         Bồi thường cho chủ đàn gia súc số gia súc đã bỏ trốn qua chỗ hư hỏng của chuồng trại.
 
Điều 268.
         Giá tiền thuê một con bò đập lúa là 20 qa lúa.
Bình luận
         Điều luật qui định giá dịch vụ cho thị trường.
 
Điều 269.
         Giá tiền thuê một con lừa đập lúa là 10 qa lúa.
Bình luận
         Điều 269 là sự tiếp nối của Điều 268.
Điều 270.
         Giá tiền thuê một con lừa con hoặc một con bê là một qa lúa.
Bình luận
         Điều 270 là sự tiếp nối của Điều 269 và Điều 268.
 
Điều 271.
         Giá tiền thuê cho một ngày một cỗ xe bò (có cả bò và người đánh xe bò) là 180 qa lúa.
Bình luận
         Điều 271 là sự tiếp nối của 3 điều luật trên.
 
Điều 272.
         Giá tiền thuê cho một ngày một cỗ xe bò (không có bò và người đánh xe bò) là 40 qa lúa.        
Bình luận
         Điều 272 là sự tiếp nối các điều luật trên.
 
Điều 273.
         Giá thuê người làm công cho một ngày trong 6 tháng đầu năm là 6 gerahs.
         Giá thuê người làm công cho một ngày trong 6 tháng cuối năm là 5 gerahs.
Bình luận
         Theo bản Anh văn thì giá thuê người làm công nhật từ tháng 4 đến tháng 8 là 6 gerahs; từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau là 5 gerahs.
 
Điều 274.
         Tiền công nhật của thợ thủ công được qui định như sau:
         Thợ ... được trả 5 gerahs/ngày
         Thợ làm gạch được trả 5 gerahs/ngày
         Thợ may được trả 5 gerahs/ngày
         Thợ làm đá (chế tác đá) được trả ... /ngày
         Thợ ... được trả ... /ngày
         Thợ ... được trả ... /ngày
         Thợ mộc được trả 4 gerahs/ngày
         Thợ ... được trả ... /ngày
         Thợ xây được trả ... /ngày
Bình luận
         Tiền công của người thợ thủ công được chủ trả tính theo ngày làm việc. Nói chung, mức tiền công tính theo ngày của những người thợ thủ công chỉ dao động trong khoảng 4 đến 5 gerahs/ngày.
         Điều luật có một số chỗ bị mờ nên không đọc được.
 
Điều 275.
         Giá thuê một con thuyền là 3 gerahs một ngày.
Bình luận
         Điều 275 tiếp tục qui định giá thuê tài sản.
 
Điều 276.
         Giá thuê một con tàu là hai gerahs rưỡi mỗi ngày.
Bình luận
         Điều 276 là sự tiếp nối các điều luật trên qui định vấn đề mức giá thuê hàng hoá, dịch vụ.
 
Điều 277.
         Giá thuê một con tàu (có trọng tải) 60 gour là sáu siles bạc một ngày.
Bình luận
         Điều 277 tiếp tục qui định vấn đề giá cả.
 
Điều 278.
         Kẻ nào mua một nam hay nữ nô lệ
         Mà trong vòng một tháng, đứa nô lệ đó đổ bệnh (bị liệt)
         Có quyền đem trả nó về cho chủ cũ
         Người chủ cũ phải hoàn lại tiền cho người mua.
Bình luận
         Điều luật qui định quyền trả lại tài sản đã mua (tài sản trong trường hợp này là người nô lệ), nếu trong vòng một tháng tài sản có vấn đề trục trặc (nô lệ bị bệnh nặng).
         Điều luật này làm ta liên tưởng đến việc bán hàng có bảo hành trong xã hội hiện đại.
 
Điều 279.
         Kẻ nào mua một nam nô lệ hoặc nữ nô lệ từ người khác
         Mà có người thứ ba tranh chấp đứa nô lệ này
         Thì người bán đứa nô lệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bình luận
         Điều luật bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngaytình trong các giao dịch dân sự.
 
Điều 280.
         Trường hợp một người mua nam hay nữ nô lệ ở nước ngoài
         Đến khi dẫn nô lệ về nước thì có người (khác) đến nhận (số nô lệ đã mua ở nước ngoài) là của hắn ta
         Nếu việc đó là sự thật (và những người nô lệ mua ở nước ngoài vốn là người địa phương)
         Thì người mua nô lệ ở nước ngoài phải hoàn lại toàn bộ số nô lệ đó cho người chủ cũ.
Bình luận
         Điều luật bảo vệ quyền sở hữu của chủ nô đối với nô lệ ngay cả trong trường hợp trên thực tế không còn chi phối được người nô lệ nữa.         
         Trường hợp nói tại điều luật có lẽ là người nô lệ, sau khi trốn khỏi nhà chủ ra nước ngoài lại bị bắt làm nô lệ và bị đem bán cho người trong nước. Người trong nước này mua nô lệ mà không biết đó là nô lệ nước mình bỏ trốn. Đến khi anh ta đem nô lệ về nước thì xảy ra tranh chấp. Pháp luật Lưỡng Hà cổ đại đã vô hiệu hoá giao dịch mua nô lệ ở nước ngoài, buộc người mua phải đem nô lệ trả về cho chủ cũ mà không được đền bù số tiền đã bỏ ra để mua nô lệ bỏ trốn.
 
Điều 281.
         Nếu sự việc là đúng sự thật những người nô lệ không phải người địa phương     
         Người mua phải thề trước thần linh về số tiền hắn bỏ ra mua nô lệ
         Người chủ nô lệ phải trả số tiền đó thì mới được đem nô lệ của mình về.
Bình luận
         Nhà lập pháp phân biệt nô lệ mua ở nước ngoài thành hai loại:
         Nô lệ vốn là người địa phương (cùng quê với người mua)
         Nô lệ không phải là người địa phương (là người nước ngoài)
         Đối với trường hợp thứ nhất, hợp đồng mua bán nô lệ của người mua ở nước ngoài bị vô hiệu; người mua bị xem là người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Anh ta phải trả lại nô lệ cho chủ cũ mà không được quyền bồi hoàn số tiền đã bỏ ra.
         Đối với trường hợp thứ hai, người mua được chủ nô lệ bồi hoàn số tiền đã bỏ ra mua nô lệ ở nước ngoài.
 
Điều 282.
         Đứa nô lệ nào dám nói với chủ của nó rằng: “Ông không phải là chủ của tôi”
         Cần phải kiểm tra sự thật câu nói đó
         Nếu người mà nó chối bỏ chính là chủ của nó
         Thì nó phải bị cắt tai.
Bình luận
         Điều luật bảo vệ trật tự xã hội chiếm hữu nô lệ và khẳng định quyền sở hữu nô lệ của chủ nô.
         Điều 282 trừng phạt người nô lệ không thừa nhận người chủ của mình.    

Nguồn tin: Nguyễn Đức

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code