Thursday, August 15, 2013
KẾT LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ MÔN KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ
7:50 AM
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tổ bộ môn dân sự, Khoa Đào tạo Thẩm phán đã họp và thống nhất một số nội dung chuyên môn để áp dụng vào công tác đào tạo Thẩm phán
Thứ nhất: trong vụ án chia thừa kế là tài sản gắn liền với đất (nhà và đất là di sản thừa kế) người để lại di sản có 02 khối tài sản. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia 01 khối tài sản và đã được UBND xã, phường hoà giải theo Điều 136 Luật đất đai. Khi Toà án thụ lý vụ án và thông báo thụ lý thì bị đơn có yêu cầu chia thừa kế cả khối tài sản thứ 02. Yêu cầu của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố không? Toà án có thụ lý, giải quyết cùng với vụ án chia thừa kế hay giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác?
- Yêu cầu chia thừa kế khối tài sản thứ hai của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố vì yêu cầu này cùng với yêu cầu của nguyên đơn. Mặt khác, trong vụ án chia thừa kế các đương sự (người thừa kế) đều có quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế.
- Tòa án thụ lý yêu cầu chia khối tài sản thứ hai của bị đơn để giải quyết trong cùng vụ án thừa kế nếu khối tài sản thứ 02 không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã và bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án.
Thứ hai: Xác định cha mẹ cho con trong trường hợp cha, mẹ đã chết có thuộc thẩm quyền của Toà án không? Thụ lý, giải quyết Toà án có phải trưng cầu giám định ADN không?
- Theo quy định tại Điều 32, Điều 33 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện việc đăng ký cha, mẹ, con đối với người con đã thành niên hoặc người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp. Như vậy, việc xác định cha, mẹ cho con mà không có tranh chấp thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết. Do đó, việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp cha, mẹ đã chết có tranh chấp thì Toà án có thẩm quyền giải quyết. Tranh chấp này được quy định tại Khoản 4 Điều 27 BLTTDS.
- Khi giải quyết tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con thì Toà án căn cứ vào các tài liệu, giấy tờ (giấy khai sinh, giấy tờ tương đương…) và các chứng cứ khác để xác định cha, mẹ, con. Nếu không xuất trình được các tài liệu, giấy tờ chứng minh về quan hệ cha, mẹ, con thì phải thực hiện việc trưng cầu giám định ADN theo quy định tại Điều 90 BLTTDS
Thứ ba: Người khởi kiện có đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn, nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và chia tài sản chung. Khi Toà án thụ lý vụ án thì có yêu cầu người khởi kiện nộp tạm ứng án phí ly hôn, cấp dưỡng và chia tài sản không hay chỉ nộp tạm ứng án phí ly hôn và chia tài sản? Nếu các đương sự rút yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản và thỏa thuận được việc ly hôn và nuôi con thì Tòa án giải quyết như thế nào cũng như xử lý về tiền tạm ứng án phí trong trường hợp này như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 BLTTDS, khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, về nguyên tắc vụ án có bao nhiêu loại án phí thì đương sự phải nộp bấy nhiêu loại tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Như vậy trong vụ án ly hôn, người khởi kiện có đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn; nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và chia tài sản thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện nộp 03 loại tạm ứng án phí: tạm ứng án phí ly hôn, cấp dưỡng nuôi con và chia tài sản.
- Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn đương sự rút yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản và thỏa thuận được việc ly hôn và nuôi con Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong đó ghi nhận việc rút yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản chung và công nhận sự thỏa thuận về việc ly hôn, nuôi con. Theo quy định tại khoản 2 Điều 192 của BLTTDS; Khoản 6 Điều 18 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì mới sung vào công quỹ nhà nước tiền tạm ứng án phí đương sự đã nộp. Pháp luật tố tụng dân sự không có quy định nào đối với trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu thì tiền tạm ứng án phí sung vào công quỹ nhà nước. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý để sung vào công quỹ nhà nước tạm ứng án phí khi đương sự rút yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Do đó, Tòa án trả lại tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện.
Thứ tư: Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, biên bản hoà giải tranh chấp đất tại UBND cấp xã không có thành phần Mặt trận Tổ Quốc tham gia hoà giải thì Toà án có chấp nhận biên bản hoà giải đó hay không?
Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để tiến hành hòa giải”. Do vậy nếu biên bản hòa giải không có thành phần Mặt trận Tổ Quốc tham gia hòa giải thì Tòa án không chấp nhận biên bản hòa giải đó.
Thứ năm: Trong vụ án hôn nhân gia đình Toà án đã ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn là 200.000 đồng, sau đó đương sự bổ sung yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng. Toà án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí bổ sung đối với yêu cầu chia tài sản có đúng không?
Khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định “nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này”. Vì vậy, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí bổ sung đối với yêu cầu chia tài sản là đúng.
Thứ sáu: Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử, Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do Thẩm phán hay Hội đồng xét xử ra quyết định?
- Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì sau khi thụ lý vụ án, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, mặc dù pháp luật quy định là Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và không có quy định cụ thể Thẩm phán hay Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, vì Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (Hội đồng xét xử đã được ấn định) quyết định này đã được gửi cho những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát cùng cấp nên về mặt pháp lý việc giải quyết vụ án kể từ thời điểm này thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử do đó việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án phải do Hội đồng xét xử quyết định.
- Mặt khác nếu trong vụ án bị đơn có yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì phải mở phiên tòa công khai để giải quyết vấn đề thay đổi địa vị tố tụng nếu bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập.
Thứ bảy: Khi xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nếu đương sự chỉ có quyền lợi không có nghĩa vụ thì xác định họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đúng không hay chỉ xác định là người có quyền lợi liên quan?
Bộ luật tố tụng dân sự chỉ quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không quy định người có quyền lợi liên quan, người có nghĩa vụ liên quan (Khoản 4 Điều 56 BLTTDS) nên đương sự chỉ có quyền lợi hoặc chỉ có nghĩa vụ liên quan thì vấn xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ tám: ông A là người Đài Loan không biết Tiếng Việt mà chỉ nghe và nói được ít Tiếng Việt. Ông A có đơn khởi kiện bằng Tiếng Việt và ký tên ở dưới. Trong trường hợp này đơn khởi kiện có được chấp nhận hay không?
Theo quy định của BLTTDS thì đơn khởi kiện phải thỏa mãn các điều kiện về hình thức và nội dung quy định tại Điều 164 BLTTDS. Như vậy, trong trường hợp này đơn khởi kiện của ông A bằng Tiếng Việt, ông A ký tên, đảm bảo điều kiện về nội dung và hình thức thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và vào sổ nhận đơn theo thủ tục chung.
Thứ chín: Trong giải quyết vụ án hình sự, phần dân sự được tách ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm nào (từ khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay từ khi bản hình sự có hiệu lực pháp luật)?
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Điều 28 BLTTHS và mục 2 phần I Công văn 121/2003/KHXX về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự).
- Theo quy định tại Điều 607 BLDS 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm, phạm do đó thời hiệu khởi kiện trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tính từ ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác. Trường hợp giải quyết vụ án hình sự, Tòa án tách phần dân sự để giải quyết bằng một vụ án khác thì thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 161 BLDS 2005 thì thời gian các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Thứ mười: Trong vụ án hình sự cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thời hiệu khởi kiện tính từ khi quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm hay từ khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự?
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này cũng được tính từ khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, thời gian cơ quan điều tra giải quyết vụ án hình sự không tính vào thời hiệu khởi kiện theo Khoản 1 Điều 161 BLDS.
Thứ mười một: Trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng người khởi kiện xác định trong đơn khởi kiện người bị kiện không đúng thì xử lý như thế nào, thụ lý vụ án hay trả lại đơn khởi kiện? Thụ lý vụ án thì có đưa người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không? Và nếu nguyên đơn không thay đổi yêu cầu vẫn kiện người không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có buộc người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại không hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn?
- Trường hợp người khởi kiện xác định người bị kiện không đúng thì Tòa án phải hướng dẫn người khởi kiện thay đổi người bị kiện (là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nội dung). Nếu người khởi kiện không thay đổi thì Tòa án vẫn thụ lý vụ án nếu có đủ điều kiện thụ lý vụ án (vì không thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo Điều 168 BLTTDS). Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đưa người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn không yêu cầu người bị kiện bồi thường thiệt hại mà chuyển sang yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại thì Tòa án buộc người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn (nếu có căn cứ), nếu nguyên đơn vẫn yêu cầu người không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại (là người bị kiện theo đơn khởi kiện) thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu
Thứ mười ba: Khi bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; đương sự bổ sung yêu cầu thì TA có phải thông báo về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, yêu cầu mới không?
- Điều 178 BLTTDS quy định “thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”, mục 12 Phần I Nghị Quyết 02/2006/NQ-HĐTP. Như vậy, khi có yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập thì Tòa án phải thông báo cho các đương sự biết.
- BLTTDS không có quy định về thông báo trong trường hợp đương sự bổ sung yêu cầu tuy nhiên áp dụng các nguyên tắc cơ bản của BLTTDS: cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự thì Tòa án phải thực hiện việc thông báo cho các đương sự biết về yêu cầu bổ sung.
Thứ mười bốn: Trong vụ án ly hôn, người con chưa thành niên là đối tượng được cấp dưỡng tham gia tố tụng với tư cách gì?
Trong trường hợp này, người con chưa thành niên là người có quyền lợi được cấp dưỡng nên căn cứ khoản 4 Điều 56 BLTTDS được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên giải quyết vụ án ly hôn có những đặc thù riêng, để tránh tình trạng ảnh hưởng tinh thần, thể chất của người con chưa thành niên nên áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Tòa án không đưa người con chưa thành niên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ mười lăm: Người gây thiệt hại chưa đủ 15 tuổi trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tham gia tố tụng với tư cách gì?
Trường hợp 1: người gây thiệt hại chưa đủ 15 tuổi trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tài sản của cha, mẹ họ không đủ để bồi thường mà họ có tài sản riêng theo Khoản 2 Điều 606 BLDS “người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại điều 621 của Bộ Luật này”.
Trường hợp 2: người gây thiệt hại chưa đủ 15 tuổi trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không có tài sản riêng thì đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người gây thiệt hại.
Thứ mười sáu: Đương sự có phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu bổ sung hay không?
- Về nguyên tắc, khi đương sự có yêu cầu thì phải nộp tạm ứng án phí. Do vậy, trường hợp đương sự có yêu cầu bổ sung thì cũng phải nộp tạm ứng án phí bổ sung.
- Căn cứ: Khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh 10/2009/PL-UBTVQH12 “nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này”.
Thứ mười bảy: Khi đương sự bổ sung yêu cầu, tòa án thụ lý yêu cầu này giải quyết trong cùng vụ án thì thời hạn xét xử có tính lại không?
Pháp luật tố tụng dân sự không có quy định về việc tính lại thời hạn xét xử trong trường hợp Tòa án thụ lý yêu cầu bổ sung của đương sự nên thời hạn xét xử không tính lại.
Trưởng Bộ Môn
ThS. Nguyễn Thị Hạnh
Trưởng Khoa ĐT Thẩm phán
PGS.TS. Nguyễn Thành Trì
0 comments:
Post a Comment