Tuesday, August 13, 2013

Để thực thi quyền sáng kiến pháp luật của Đại biểu Quốc hội

Trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, thì sáng kiến pháp luật được coi là công đoạn đầu tiên của quy trình. Một trong các chủ thể quan trọng có quyền sáng kiến pháp luật là đại biểu Quốc hội.

Trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, thì sáng kiến pháp luật được coi là công đoạn đầu tiên của quy trình. Một trong các chủ thể quan trọng có quyền sáng kiến pháp luật là đại biểu Quốc hội.

1. Căn cứ pháp lý của vấn đề

Quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội đã được chính thức ghi vào các văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến Luật tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) và Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Hiến pháp năm 1992, Điều 87 quy định Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội. Thủ tục trình Quốc hội dự án luật, kiến nghị về luật do luật định. Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định” (Điều 48); “Đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành” (Điều 71). Khoản 2 Điều 22 Luật BHVBQPPL năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật được quy định tại Điều 87 của Hiến pháp năm 1992 gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và đồng thời gửi đến Chính phủ, trong đó phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản, các điều kiện cần thiết cho việc soạn thảo văn bản; kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội cũng được gửi đến UBTVQH và Chính phủ”; “đối với dự án luật, dự án pháp lệnh do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trình, thì UBTVQH thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của cơ quan, đại biểu Quốc hội trình dự án” (khoản 1 Điều 25); “việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh do Ban soạn thảo đảm nhiệm. Ban soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án về tiến độ và chất lượng dự án” (khoản 2); “đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự án pháp lệnh có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này (a/ Chỉ đạo Ban soạn thảo và thường xuyên cho ý kiến về việc soạn thảo dự án; b/ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến dự án). Văn phòng Quốc hội đảm bảo điều kiện cần thiết cho Ban soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh do đại biểu Quốc hội trình” (khoản 2 Điều 28). Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (năm 2002) quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước UBTVQH theo trình tự, thủ tục do Luật BHVBQPPL quy định” (Điều 9).

Như vậy, quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội được mở rộng từ việc trình kiến nghị về luật, dự án luật (quy định của Hiến pháp), đến việc trình dự án pháp lệnh ra UBTVQH (quy định của Luật tổ chức Quốc hội). Trong việc trình kiến nghị về luật và dự án luật thì gồm cả dự án luật mới và dự án luật sửa đổi, bổ sung.

Các văn bản pháp luật cũng đã quy định cụ thể bốn vấn đề: trước hết, ai là người nhận sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội (là UBTVQH và Chính phủ); hai là ai thành lập Ban soạn thảo luật, pháp lệnh (UBTVQH); ba là quyền hạn, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật; bốn là, Văn phòng Quốc hội phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc soạn thảo luật, pháp lệnh theo sáng kiến pháp luật của đại biểu.

Như vậy, quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội đã được quy định khá đầy đủ trong những văn bản pháp luật rất quan trọng.

2. Thế nào là sáng kiến pháp luật

Trong các văn bản pháp luật quy định quyền sáng kiến pháp luật của các chủ thể sáng kiến pháp luật, không có điều khoản nào về giải thích thuật ngữ sáng kiến và sáng kiến pháp luật. Thuật ngữ sáng kiến trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng 1997) trang 816 giải thích sáng kiến là ý kiến mới, có tác dụng làm cho công việc được tiến hành tốt hơn. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập III trang 730, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2003) thì sáng kiến pháp luật là việc đưa ra kiến nghị với Quốc hội về việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật. Như vậy phạm vi của sáng kiến là khá rộng vì có thể có sáng kiến ở nhiều lĩnh vực, còn sáng kiến pháp luật thì hẹp hơn nhiều (vì chỉ đề cập đến sáng kiến trong một lĩnh vực, đó là lĩnh vực pháp luật).

Trong nội hàm của khái niệm sáng kiến có hai yếu tố: một là ý kiến mới, hai là tác dụng tốt hơn. Mới thì không phải bàn gì thêm, nhưng tốt hơn thì phải bàn thêm, vì tốt là nói về chất lượng, còn số lượng thì có gồm trong chữ tốt được không? Vì vậy, có thể nói rõ hơn về sáng kiến pháp luật như sau: “Sáng kiến pháp luật là việc đưa ra kiến nghị với Quốc hội hoặc UBTVQH về việc xây dựng, ban hành văn bản luật; xây dựng, ban hành văn bản pháp lệnh trong một năm hoặc trong một nhiệm kỳ Quốc hội, góp phần bảo đảm đủ số lượng và nâng cao được chất lượng”.

3. Nội dung của sáng kiến pháp luật

Theo các tài liệu tham khảo và kết quả nghiên cứu về công tác lập pháp của một số nước, thì quyền sáng kiến pháp luật của nghị sĩ gồm hai quyền rõ rệt. Một là quyền được trình một hoặc nhiều dự án luật ra Nghị viện /Quốc hội để được xem xét thông qua; hai là trình kiến nghị về luật, tức là đề nghị Nghị viện /Quốc hội xem xét để quyết định soạn thảo một dự án luật (người khác soạn thảo chứ không phải người đề nghị phải trực tiếp soạn thảo).

ở nước ta, ngoài luật còn có pháp lệnh; đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật ra Quốc hội, trình dự án pháp lệnh ra UBTVQH (theo Điều 48 của Luật tổ chức Quốc hội). Nhưng theo Luật BHVBQPPL (khoản 2 Điều 22) thì đại biểu Quốc hội còn có quyền kiến nghị về pháp lệnh (tức là đề nghị UBTVQH xem xét quyết định xây dựng một dự án pháp lệnh).

Tuy nhiên phạm vi, mức độ về quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội Việt Nam có khác với quyền của nghị sĩ ở nhiều nước trên thế giới:

- Trong một chừng mực nào đó, quyền này có rộng hơn vì ở Việt Nam có hình thức văn bản quy phạm pháp luậtpháp lệnh, mà các nước khác không có loại văn bản này. Mặt khác, tuy không có văn bản nào quy định nhưng thực tế cho thấy đại biểu Quốc hội cũng có thể có sáng kiến về nghị quyết (những nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật). Luật BHVBQPPL (mới) được Quốc hội thông qua ngày 02/6/2008 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2009, đã công nhận nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật là một loại văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2).

- ở một mức độ khác thì quyền này lại hẹp hơn, vì nghị sĩ các nước khi trình dự án luật là trình cả dự thảo văn bản pháp luật cùng với bản thuyết minh dự thảo luật. Còn đại biểu Quốc hội Việt Nam thì chỉ phải “nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản, các điều kiện cần thiết cho việc soạn thảo văn bản (khoản 2 Điều 22 Luật BHVBQPPL). Luật BHVBQPPL (mới) đã bổ sung thêm các nội dung: những quan điểm, chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản; dự kiến nguồn lực...; báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản; thời gian dự kiến đề nghị Quốc hội, UBTVQH thông qua (Điều23). Việc soạn thảo dự thảo luật thì “UBTVQH thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của cơ quan, đại biểu Quốc hội trình dự án luật (khoản 1 Điều 25 Luật BHVBQPPL năm 1996; khoản 1 Điều 30 Luật BHVBQPPL mới). Như vậy, đại biểu Quốc hội Việt Nam không trực tiếp soạn thảo mà chỉ cho ý kiến chỉ đạo Ban soạn thảo và yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu.

Từ thực tế các quy định này, chúng ta có thể thấy:

- Có tới 4 văn bản pháp luật quy định về quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội, nhưng chưa thống nhất. Nếu chỉ dừng lại ở Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội thì có thể hiểu là đại biểu Quốc hội phải xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh để trình Quốc hội hoặc UBTVQH theo trình tự, thủ tục quy định. Khi Luật BHVBQPPL ra đời thì lại không phải như vậy. Đã đến lúc, các văn bản phải thống nhất về nội dung, còn hình thức thể hiện thì tuỳ loại văn bản mà thể hiện cho phù hợp.

- Luật BHVBQPPL quy định theo hướng mở rộng phạm vi sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội thì có trái với các quy định của Hiến pháp không? Hiến pháp là luật gốc, là văn bản pháp luật cao nhất được ban hành trước, nhưng Luật tổ chức Quốc hội, Luật BHVBQPPL được ban hành sau. Theo nguyên tắc, các quy định của các luật được ban hành sau là việc cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp, song ở đây, quy định đại biểu Quốc hội có ý kiến hoặc trình dự án pháp lệnh (ngoài dự án luật) lại là quy định mới.

- Giữa việc kiến nghị luật, pháp lệnh với việc trình dự án luật, pháp lệnh mới tưởng là khác nhau, nhưng khi thực hiện, xét cho cùng thì không khác nhau. Để được Quốc hội chấp thuận kiến nghị xem xét xây dựng một dự án luật hay UBTVQH xem xét xây dựng một dự án pháp lệnh, thì đại biểu Quốc hội vẫn phải trình bày cụ thể, rõ ràng sự cần thiết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; những nội dung cơ bản của dự án. Nghĩa là, đại biểu cũng phải trình bày các bước hệt như việc trình dự án luật, dự án pháp lệnh. Do đó, trong điều kiện hiện nay, vấn đề này có thể phải quy định lại cho rõ ràng.

4. Thực tiễn thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội

Trong 11 khoá Quốc hội Việt Nam (từ tháng 3/1946 đến tháng 7/2007), Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 220 đạo luật; UBTVQH đã xây dựng và thông qua được 199 pháp lệnh. Trong đó, kể từ ngày 15/4/1992, Quốc hội khoá VIII thông qua Hiến pháp 1992 có quy định quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội, đến hết khoá XI, Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 160 đạo luật; UBTVQH xây dựng và thông qua được 119 pháp lệnh, nhưng chưa có đạo luật hay pháp lệnh nào do cá nhân đại biểu Quốc hội trình.

Thực tế, chỉ có một đại biểu Quốc hội chuyên trách khoá XI có nguyện vọng trình một dự án pháp lệnh về lĩnh vực tư pháp. Đại biểu này đã chủ động soạn thảo pháp lệnh, đã báo cáo với Thường trực một Uỷ ban của Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách công tác pháp luật. Nhưng vì nội dung của dự thảo pháp lệnh là một vấn đề đang được tranh luận, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng, vì thế, dự án này đã không được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.

Còn việc kiến nghị về luật, pháp lệnh cũng có một trường hợp. Một đại biểu Quốc hội khoá X đã kiến nghị bổ sung dự án Luật Thuế sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002 của Quốc hội. Kiến nghị này đã được Quốc hội chấp nhận (tuy nhiên trình tự thủ tục không thật hợp lý).

Có thể nói, quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật, nhưng việc thực thi còn rất hạn chế (nếu không muốn nói là chưa thực hiện được). Hiện trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể đề cập tới một số nguyên nhân sau:

- Trong tiềm thức của chúng ta, xây dựng pháp luật được coi là một vấn đề cực kỳ thiêng liêng và hệ trọng, phải là một tập thể có quyền uy, giàu trí tuệ mới làm được, còn một cá nhân nào đó thực hiện là rất khó. Dư luận xã hội càng khó chấp nhận một đạo luật có nguồn gốc từ một cá nhân.

- Không ít đại biểu Quốc hội cũng không hoàn toàn nắm chắc quyền sáng kiến pháp luật. Mỗi khoá Quốc hội thường có hơn 1/3 số đại biểu mới lần đầu tham gia Quốc hội, chưa có dịp tìm hiểu kỹ càng quyền sáng kiến pháp luật, trong khi đó, ngay từ năm đầu của mỗi khoá, Quốc hội đã phải xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ.

- Riêng việc trình dự án luật, pháp lệnh phải trải qua trình tự bốn bước: 1) đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật gửi đề nghị của mình đến UBTVQH, đồng thời gửi Chính phủ để tập hợp. Chính phủ trình UBTVQH dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 2) Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự kiến Chương trình do Chính phủ trình (trong đó có kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội); 3) UBTVQH xem xét, lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội; 4) Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua quy trình này.

Trình tự này được sắp xếp theo quy định của Luật BHVBQPPL. Nhưng trình tự nói trên không quy định đại biểu Quốc hội được bảo vệ sáng kiến của mình ở Chính phủ, ở Uỷ ban Pháp luật, ở UBTVQH hay ở Quốc hội như thế nào, nên rất khó thực hiện.

- Muốn đề xuất được một sáng kiến pháp luật, đại biểu Quốc hội hoặc phải là người nắm vững được công việc của một chuyên ngành và nắm vững được các kiến thức pháp luật, hoặc chí ít là một trong hai loại kiến thức đó. Đặc biệt là phải có kiến thức pháp luật cần thiết mới có thể đưa ra được sáng kiến. Trong bốn nhiệm kỳ liên tục (từ khoá IX đến khoá XII), số đại biểu có chuyên môn pháp luật đều tăng lên đáng kể. Khoá IX chỉ có 21 đại biểu /395 đại biểu (chiếm 5,31%); khoá X có 65/450 đại biểu (14,44%); khoá XI có 98/498 đại biểu, (19,68%); khoá XII lên tới 150/493 đại biểu, (30,42%). Tuy nhiên, số lượng đại biểu Quốc hội có chuyên môn pháp luật mới chỉ có tác động thiết thực nhất là giúp Quốc hội đẩy nhanh được tiến độ và nâng số lượng các văn bản luật được thông qua; còn việc tăng cường sáng kiến pháp luật thì vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể.

- Như đã nói, giữa việc kiến nghị pháp luật với việc trình dự án luật, dự án pháp lệnh, quy định thì có vẻ rạch ròi, nhưng thực hiện thì hầu như chẳng khác gì nhau (đều phải nói rõ sự cần thiết, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, những nội dung cơ bản của dự án. Nếu chỉ kiến nghị tên dự án luật, pháp lệnh mà không nói đầy đủ các yêu cầu thì không đủ căn cứ để có thể được chấp nhận). Tuy nhiên, nói cho cùng thì cả kiến nghị pháp luật và việc trình dự án luật hay pháp lệnh, đều được bắt đầu từ các cá nhân trong một tập thể. Các cá nhân này đều có vị thế chính trị hay vị thế trong bộ máy quản lý và có uy tín cao, họ khởi xướng rồi chuyển hoá thành ý kiến tập thể qua sự chỉ đạo, lãnh đạo và qua các cuộc bàn thảo để đi đến thống nhất. Cách làm từ sáng kiến cá nhân trở thành sáng kiến tập thể hầu như đã thành nề nếp và cũng có hiệu quả. Có lẽ cũng vì vậy mà rất hiếm khi có một cá nhân đại biểu nào tách khỏi tập thể để trình sáng kiến độc lập riêng rẽ.

- Thực tế cho thấy, nghị sĩ các Nghị viện /Quốc hội trên thế giới trình dự án luật và được Nghị viện /Quốc hội thông qua thì thường là, các dự án luật đó rất ngắn, chỉ có 1-2 điều về nội dung. Ví dụ, Luật Giắc -xơn Va -ních (cấm vận Cu -ba, cấm vận Liên Xô và cấm vận cả Việt Nam) thì nội dung chỉ là phạt, cấm vận kinh tế vì mục đích chính trị. Trong khi đó ở nước ta, nhiều người cho rằng, đã trình một dự án luật thì dự án phải bề thế, tầm cỡ, ít nhất cũng phải có vài chục điều, mà như thế thì lại chưa đủ sức để kham nổi.

5. Một số kiến nghị

- Trước hết phải làm rõ (một cách rành rọt) nội dung sáng kiến pháp luật; các văn bản quy định về vấn đề này phải thống nhất nội dung, phạm vi, mức độ (không thể tiếp tục tình trạng văn bản sau lại quy định rộng hơn văn bản trước và có thể hiểu khác văn bản trước). Sáng kiến pháp luật vẫn có thể gồm hai nội dung như quy định hiện hành (đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh và kiến nghị về dự án luật, dự án pháp lệnh), nhưng phải thực chất hơn. Theo chúng tôi, phải nâng cấp mức độ, nghĩa là đại biểu trình kiến nghị về luật, pháp lệnh thì thực hiện như quy định về trình dự án luật, dự án pháp lệnh hiện nay. Tức là phải chứng minh được cuộc sống đang đòi hỏi cấp thiết phải có luật, pháp lệnh đó. Phải làm rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản của luật, pháp lệnh. Còn đại biểu trình dự án luật, dự án pháp lệnh thì sau khi được chấp nhận, đại biểu phải trình dự án hoàn chỉnh (gồm cả tờ trình và dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh), tức là đại biểu phải trực tiếp soạn thảo chứ không phải chỉ có sáng kiến cho người khác làm. Quy định như thế này sẽ rành rọt, cá nhân ra cá nhân, tập thể ra tập thể, không biến cái của cá nhân thành cái của tập thể một khi sáng kiến đó đích thực là của cá nhân đại biểu Quốc hội mà đại biểu này không muốn tập thể hoá. Quy định như vậy sẽ vừa đề cao được trách nhiệm của đại biểu, vừa khuyến khích được đại biểu có khả năng, có năng lực mạnh dạn hơn trong thực hiện quyền sáng kiến pháp luật. Tuy nhiên, nên bắt đầu từ những dự án luật, pháp lệnh đơn giản, ngắn gọn hoặc những dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 1-2 điều luật, pháp lệnh hiện hành thì sẽ dễ thành công hơn. Chúng ta đang mong muốn đến một lúc nào đó, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội sẽ tự soạn thảo lấy nhiều dự án luật, pháp lệnh và đây có thể là bước đi ban đầu cho ý tưởng đó.

Nếu vì lý do bất khả kháng mà đại biểu không thể tự dự thảo được, thì UBTVQH sẽ thành lập Ban soạn thảo để dự thảo luật, pháp lệnh do đại biểu trình.

Nhân đây cũng xin được nói thêm là, một số quy định hiện hành rất khó thực hiện được nếu không nói là hình thức. Ví dụ, đại biểu Quốc hội chỉ đạo Ban soạn thảo trong quá trình soạn thảo dự án luật do mình đề xuất. Nếu giữ quy định này thì chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

- Hiến pháp đã quy định quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội, nhưng để thực hiện được quyền này thì phải quy định rõ ràng, cụ thể cơ chế thực hiện, trong đó vấn đề đầu tiên là đại biểu Quốc hội phải được quyền bảo vệ sáng kiến của mình trước cơ quan chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nếu đại biểu chứng minh được đó là một sáng kiến cần thiết cho việc quản lý, điều hành hoạt động của một lĩnh vực nhất định thì sáng kiến đó phải được đưa vào dự kiến Chương trình (vì nếu không được trình bày thì rất có thể những người có trách nhiệm không thấy hết được ý nghĩa sáng kiến của đại biểu). Đây cũng là cách làm dân chủ, phát huy được trí tuệ của từng cá nhân đại biểu Quốc hội (Luật BHVBQPPL (mới) tại khoản 1 Điều 26 đã công nhận quyền này).

- Quy định hiện hành (tại khoản 2 Điều 28 Luật BHVBQPPL) chỉ nói Văn phòng Quốc hội đảm bảo điều kiện cần thiết cho Ban soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh do đại biểu Quốc hội trình. Trong việc bảo đảm các điều kiện, thì điều kiện về tài chính là rất quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy, do cơ chế trình và thực hiện sáng kiến chưa rành mạch nên hầu như chưa bao giờ đại biểu thực hiện được sáng kiến, do đó cũng chưa bao giờ được hỗ trợ trực tiếp một khoản tài chính nào. Nếu luật sửa đổi lại quy định nội dung sáng kiến (như nói trên đây) thì phải quy định hình thức hỗ trợ trực tiếp (thậm chí là đầu tư) cho đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh. Nếu đại biểu thực sự có năng lực, có nhiệt tình, có trách nhiệm thì sự hỗ trợ này sẽ rất hiệu quả, có thể tiết kiệm tới 1/3 kinh phí cho mỗi dự án (chúng ta không khỏi băn khoăn trước thực trạng, có dự án Ban soạn thảo được hình thành một đội hình rất đẹp, nhưng thực tế chỉ có một hai chuyên viên thao tác đầu tắt mặt tối trong tất cả mọi việc). Đầu tư nguồn lực cho sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội vừa phát huy cao độ được nguồn nhân lực, trí tuệ, lại vừa tiết kiệm được kinh phí một cách thiết thực.

TS. Bùi Ngọc Thanh

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code