Tuesday, August 13, 2013

Trưng cầu ý dân

TTCN - Bộ luật trưng cầu ý dân đang được soạn thảo, và bản dự thảo đầu tiên đã được hoàn thiện vào ngày 25-2. Những vấn đề hệ trọng nào của đất nước được đưa ra trưng cầu ý dân? Có nên qui định những ‘’vùng cấm’’ trong trưng cầu ý dân về chế độ, thể chế chính trị...

TTCN trao đổi với GS. TSKH Đào Trí Úc, viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, phó trưởng ban soạn thảo Luật trưng cầu ý dân.

Không đưa ra trưng cầu ý dân có tính bắt buộc về những vấn đề sau:

Hệ thống chính trị và thể chế chính trị; những vấn đề đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản VN; nghị quyết các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản VN; các luật thuế, ngân sách nhà nước, chính sách giá cả; chính sách dân tộc, tôn giáo; các vấn đề rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội; các vấn đề đại xá, đặc xá.

Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước bao gồm: Thông qua hiến pháp mới, thông qua bổ sung, sửa đổi hiến pháp hiện hành; những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước; những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của Quốc hội.

Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân đối với những vấn đề về sửa đổi hiến pháp, những vấn đề liên hệ đến vận mệnh quốc gia và những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc vùng lãnh thổ, việc chia tách, thay đổi ranh giới hành chính cấp tỉnh.
Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân đối với những vấn đề về sửa đổi hiến pháp, những vấn đề liên hệ đến vận mệnh quốc gia và những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc vùng lãnh thổ. Sáng kiến trưng cầu ý dân được thông qua nếu có quá bán số đại biểu Quốc hội tán thành.
(Trích một số nội dung bản dự thảo số 0 của Luật trưng cầu ý dân)
</td></tr></tbody></table>* Xin ông cho biết những khó khăn khi xây dựng đạo luật này?

- Khó khăn của ban soạn thảo là tính chất mới mẻ của dự luật này. Đây là đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực trưng cầu ý dân, thể hiện hóa điều qui định trong hiến pháp. Thực tiễn trưng cầu ý dân ta lại chưa có, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản.

Trước hết là chủ trương dân chủ hóa đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng. Nhiều năm gần đây chúng ta đã thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Trưng cầu ý dân thì không có nhưng thực tiễn dân chủ trực tiếp ta có bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Trưng cầu ý dân cũng là một hình thức dân chủ trực tiếp nhưng ở mức rất cao.

* Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường xuyên được nghe đến việc trưng cầu ý dân ở các nước. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của họ về lập pháp và tổ chức trưng cầu ý dân?

- Chúng tôi cũng dành thời gian, tâm trí vào chuyện học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Nhiều nước có luật trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân ở mức độ khác nhau. Qua nghiên cứu mới thấy rất đa dạng. Tất nhiên phổ biến nhất vẫn là ở châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có loại trưng cầu căn cứ vào luật. Hai là trưng cầu theo từng trường hợp, tức là khi nào cần thì trưng cầu. Ở Nhật không có luật về trưng cầu ý dân nhưng không có nghĩa họ không trưng cầu ý dân.

Thứ hai là mức độ, có nước trưng cầu ở cấp toàn quốc. Có nước thì chỉ ở cấp thấp hơn. Ví dụ Mỹ không trưng cầu ý dân ở liên bang nhưng có ở các bang. Hay Nhật không có toàn quốc mà chỉ ở địa phương. Thậm chí Thụy Sĩ có cả ở toàn quốc và cả ở địa phương, cho đến xã. Chính quyền xã cũng trưng cầu ý dân.

Có nước chỉ trưng cầu những vấn đề hệ trọng của đất nước. Thí dụ như chia tách địa phương, gia nhập hiệp ước, khối nọ, khối kia. Nhưng phổ biến nhất là trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Khi cần sửa đổi hiến pháp phải trưng cầu ý dân chứ không phải cơ quan nhà nước quyết định.

Kết quả trưng cầu có tính bắt buộc nhưng cũng có cái trưng cầu để tham khảo. Như Thụy Sĩ chẳng hạn, là ‘’đất tổ’’ của trưng cầu ý dân, thường xuyên trưng cầu ý dân. Họ trưng cầu ở hai mức độ: kết quả bắt buộc thi hành và trưng cầu tham khảo.

* Kinh nghiệm của họ giúp được gì cho việc xây dựng Luật trưng cầu ý dân của VN?

- Hiến pháp 1946 của nước ta có nói khi nào trưng cầu ý dân. Đó là trong trường hợp sửa đổi hiến pháp. Quốc hội muốn sửa hiến pháp phải trưng cầu ý dân. Nhưng bản hiến pháp sau ta không nói rõ, chỉ nói là trưng cầu ý dân về ‘’những vấn đề quan trọng’’.

Hiến pháp 1992 hiện hành chỉ nói nhân dân có quyền thực hiện trưng cầu ý dân khi cơ quan nhà nước đưa ra trưng cầu. Quốc hội là cơ quan có quyền trưng cầu ý dân, còn cơ quan thực hiện trưng cầu ý dânỦy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng trong bản hiến pháp này không nói rõ khi nào phải trưng cầu ý dân, vấn đề gì cần đưa ra trưng cầu ý dân...

Ở đây về thực tiễn và lý thuyết có hai loại: Một là xác định phạm vi, đối tượng trưng cầu, tức là loại vấn đề mà đụng đến nó anh phải trưng cầu ý dân. Ví dụ Hiến pháp 1946 nói rõ là sửa đổi hiến pháp. Loại thứ hai không nói rõ ràng vấn đề có thể được trưng cầu ý dân và cơ quan có thẩm quyền quyết định, Quốc hội thấy cần thì trưng cầu ý dân. Mà thấy không cần trưng cầu là quyền của Quốc hội.

* Nghĩa là chưa xác định được phạm vi vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân?

- Vấn đề gì có thể trưng cầu cần được làm rõ. Bởi vì không phải cái gì cũng đưa ra trưng cầu. Tổ chức trưng cầu rất tốn kém, không phải năm nào cũng làm. Có người nói là trưng cầu ‘’những vấn đề quan trọng về kinh tế và xã hội’’. Nói chung chung như thế không được! Phải rõ tiêu chí quan trọng là cái gì, mức độ nào là quan trọng? Ngay trong hiến pháp cũng chỉ ghi thẩm quyền Quốc hội đưa ra trưng cầu ý dân những ‘’vấn đề quan trọng’’.

Chính vì thế một số nước mới qui định những vấn đề không được đưa ra trưng cầu. ‘’Các anh trưng cầu gì nhưng cái đó thì không!’’. Vấn đề đó thường là chế độ chính trị hay thay đổi thể chế chính trị. Chẳng hạn đang là chế độ tổng thống muốn chuyển sang chế độ gì đấy.

Chúng tôi đang nghiên cứu, thảo luận rất kỹ vấn đề này: Qui định tốt hơn hay không qui định thì tốt hơn?

* Ở đây Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân, nhưng ai là người có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân?

- Quyền đưa ra trưng cầu ý dânQuốc hội nhưng để Quốc hội có căn cứ đưa ra có thể dựa trên sáng kiến. Như xây dựng pháp luật, Quốc hội là cơ quan có quyền lập pháp là rõ, nhưng sáng kiến pháp luật có rất nhiều cơ quan. Ví dụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, của Thủ tướng, chánh án TANDTC, viện trưởng VKSNDTC, đại biểu Quốc hội...

Sáng kiến trưng cầu ý dân thì nên như thế nào? Có nước qui định đại biểu quốc hội được quyền nêu sáng kiến. Cũng có nước qui định cử tri phải thu thập được bao nhiêu chữ ký nhất định nào đấy thì được trình một vấn đề ra trưng cầu.

* Xin ông nói cụ thể về việc cử tri thu thập chữ ký để đề đạt sáng kiến trưng cầu ý dân?

- Có phương án chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ Quốc hội cho đến đại biểu Quốc hội được nêu sáng kiến trưng cầu dân ý. Cũng có ý kiến nói nên mở rộng thêm. ‘’Tại sao không phải là cử tri? Bởi vì trưng cầu ý dân sáng kiến phải từ dân. Phải có sáng kiến từ dân nữa’’. Họ lập luận như thế.

* Sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, thì ‘’ý dân’’ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trưng cầu ý dân được thực hiện đối với vấn đề quan trọng, lớn, không phải chỉ là tham khảo. Cho nên tôi đứng giữa hai giải pháp:có cả những vấn đề mang tính bắt buộc thực hiện và cả những vấn đề tham khảo. Mà tham khảo cũng ở mức cao. Ta mở hết cỡ dân chủ để làm tốt hơn.

Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân được thể hiện ý kiến của mình, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của mình. Mình cứ ‘’mở’’ để cho ‘’thông’’ nguyện vọng của dân. Chứ vấn đề bắt buộc thực hiện ít khi làm quá! Nhưng có người bảo nếu chỉ để tham khảo thì không gọi là trưng cầu.

* Theo ông, dự thảo Luật trưng cầu ý dân có kịp trình ra Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay?

- Chúng tôi mong muốn trình Quốc hội vào cuối năm nay. Điều này phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu đến đâu thì chưa xác định được. Nhưng tôi tin thảo luận một cách sát sườn sẽ ra vấn đề. Cách chúng tôi muốn làm là nêu rất nhiều phương án để rộng đường cho các cơ quan có thẩm quyền góp ý.



Trong lịch sử 60 năm qua, VN chưa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nào mặc dù điều này đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định.
TRẦN ĐỨC BÌNH thực hiện
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/1...cau-y-dan.html

Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân thể hiện ý kiến của mình. Chúng ta “mở hết cỡ” dân chủ trực tiếp thì sẽ tốt hơn... Đó là tinh tần của dự án luật Trưng cầu dân ý đang được tiến hành.

GS.TSKH Đào Trí Úc- Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân – Dự án luật lần đầu tiên được soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Ông Úc nói:

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta từ năm 1946, và các bản Hiến pháp sau đó đều có đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân.

Bản Hiến pháp đầu tiên đã có qui định tại điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…”. Điều 32 qui định: “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý…”.

Đến Hiến pháp năm 1959, việc trưng cầu ý dân được qui định trong Điều 53 (giao ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định). Hiến pháp năm 1980 qui định việc trưng cầu ý dân trong điều 100 (giao Hội đồng Nhà nước quyết định), còn Hiến pháp hiện hành (1992) qui định tại điều 53 và điều 84 (giao Quốc hội quyết định). (Cũng cần nói thêm là Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X cũng có đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân).

Tuy nhiên, những qui định nói trên, trong thực tế chưa được thực hiện do chưa có cơ chế. Cũng vì chưa thực hiện nên chúng ta đồng thời chưa có thực tiễn về trưng cầu ý dân.

Như vậy, Dự án luật này được soạn thảo là để thể chế hoá các bản Hiến pháp nói trên. Mặc dù thực tiễn trưng cầu ý dân ở nước ta chưa có, nhưng cùng với chủ trương dân chủ hoá đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đó là một thực tiễn có liên quan đến việc trưng cầu ý dân, ví như hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp cơ sở mà báo Tiền Phong đã từng đề cập.

Về sự cần thiết của một Đạo luật trưng cầu ý dân, có ý kiến cho rằng trình độ nhân dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp…?

Bản thân các thành viên trong Ban soạn thảo Dự án luật không ai tự nhận là có kinh nghiệm với việc soạn thảo một đạo luật về trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, để làm công việc của mình, Ban soạn thảo phải dựa trên một hệ quan điểm, mà quan điểm bao trùm là thực hiện nhất quán xu hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa, với tinh thần cương quyết xây dựng được một đạo luật về trưng cầu ý dân.

Vừa qua, đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định, nói cách khác là không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân.

Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, vì vậy để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, thì đã đến lúc luật hóa vấn đề này.

Tinh thần soạn thảo của Dự án luật về hiệu lực của kết quả trưng cầu dân ý là...?


Sẽ có những vấn đề mà kết quả của trưng cầu mang tính bắt buộc có hiệu lực và những vấn đề mang tính tham khảo, nhưng cá nhân tôi cho rằng nếu tham khảo thì cũng phải tham khảo ở mức cao. Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân thể hiện ý kiến của mình. Chúng ta “mở hết cỡ” dân chủ trực tiếp thì sẽ tốt hơn.

Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng X trên báo Tiền Phong, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã cho rằng “Ban hành định chế trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn sẽ chứng minh Đảng ta tin dân và quyết tâm dựa vào dân để phát triển đất nước” ?

Một đạo luật về trưng cầu dân ý, cần phải quy định những vấn đề mà khi “chạm” đến nó thì Nhà nước phải đưa ra trưng cầu ý dân trước khi quyết định.

Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện rõ nguyên tắc này, ở một mức độ khiêm tốn hơn thì Hiến pháp hiện hành đã không thể hiện rõ nguyên tắc đó bằng Hiến pháp đầu tiên. Ngoài ra, có một nguyên tắc khác là không phải bất cứ vấn đề gì cũng có thể được đưa ra trưng cầu.

Ở đây, câu chuyện còn liên quan đến quy định ai là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân?. Theo Hiến pháp hiện hành, quyền trưng cầu ý dân là của Quốc hội, nhưng để Quốc hội có căn cứ để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân thì cần phải dựa trên một sáng kiến.

Vấn đề này lại cũng có nhiều mô hình khác nhau, có nước thì quy định chỉ có đại biểu Quốc hội là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân, có nước lại quy định là cử tri thu thập được số lượng chữ ký nhất định thì được trình một vấn đề để Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân.

Nhưng dù là mô hình nào, thông thường việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. Trong Dự án luật, phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân cũng được đưa ra để thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể.

Xin cảm ơn GS!
---------------------

Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân

1. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước:



  • a) Thông qua Hiến pháp mới, thông qua bổ sung, sửa đổi Hiến pháp hiện hành;
  • b) Những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước;
  • c) Những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của Quốc hội

2. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân ở địa phương:


  • a) Việc chia tách, nhập các đơn vị hành chính;
  • b) Những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương;
  • c) Những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của HĐND cấp tỉnh được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân

Không đưa ra trưng cầu ý dân có tính bắt buộc những vấn đề sau đây:



  • 1. Hệ thống chính trị và thể chế chính trị;
  • 2. Những vấn đề đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng CSVN; Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng CSVN;
  • 3. Các luật thuế, ngân sách Nhà nước, chính sách giá cả;
  • 4. Chính sách dân tộc, tôn giáo;
  • 5. Các vấn đề rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội nước CHXHCNVN;
  • 6. Các vấn đề đại xá, đặc xá.

(Nguồn: Dự thảo số 0 Luật Trưng cầu ý dân )

Võ Văn Thành - Tien_Phong - http://vietbao.vn/Xa-hoi/Luat-Trung-.../70042762/157/Bên lề cuộc hội thảo về Luật trưng cầu ý dân tổ chức tại Hà Nội ngày 2 và 3-8, TS đã có cuộc trao đổi với chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh (ảnh), trưởng ban soạn thảo dự án luật này. Ông Anh nói:

- Trong dự Luật trưng cầu ý dân, chúng tôi không qui định cần phải có bao nhiêu phần trăm đại biểu Quốc hội (QH) nêu ra hoặc bao nhiêu phần trăm đại biểu QH có chữ ký để đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý một vấn đề.

Cá nhân tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải đa số đại biểu QH đưa ra mới là sáng kiến trưng cầu ý dân mà có thể rất ít đại biểu cũng được. Quan trọng là vấn đề nêu ra có xác đáng không? Nếu tập thể Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng đó là việc hệ trọng thì đưa ra QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân.

“Chúng ta nên mạnh dạn làm trưng cầu ý dân. Cá nhân tôi đánh giá đây sẽ là bước đi đột phá - một bước tiến trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, nhất là việc người dân tự mình quyết định những việc hệ trọng của đất nước, của địa phương mình”. Đó là ý kiến của phó trưởng Ban Dân vận trung ương Vũ Trọng Kim tại cuộc hội thảo khoa học bàn về Luật trưng cầu ý dân, do Hội Luật gia VN và Viện Khoa học xã hội VN tổ chức tại Hà Nội ngày 2 và 3-8.
+ Tôi đề nghị chúng ta nên trao quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân không chỉ cho các cơ quan nhà nước mà cả người dân. Dân ở đây có hai dạng: các cá nhân, các nhóm người dân cùng đồng thuận về một vấn đề nào đó bức xúc cần phải lấy ý kiến nhân dân; dạng thứ hai cũng là dân - như chúng ta vẫn thường nhắc đến xã hội dân sự - là các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp rất đông đảo. Cũng nên để tổ chức này có quyền nói tiếng nói đối với những việc bức xúc.
(Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, khoa luật ĐHQG Hà Nội)

+ Trưng cầu ý dân đã có ở nhiều nước trên thế giới, trong đó đáng lưu ý là việc người dân tự mình đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân thông qua các hoạt động thu thập đủ số chữ ký cần thiết theo luật định. Vì sao dự thảo Luật trưng cầu ý dân không đề cập tới vấn đề này?

- Khi xây dựng dự luật, cũng có ý kiến nói rằng trưng cầu ý dân là phải lấy ý kiến của dân, người dân thể hiện bằng ý kiến, bằng chữ ký của mình. Tuy nhiên, đối với việc vận dụng vào VN, qua thảo luận chúng tôi thấy rằng trước mắt có lẽ chưa nên thực hiện hình thức đó, vì thực tế hiện nay chúng ta khó có thể kiểm soát được đâu là chữ ký thật, đâu là chữ ký không thật, ký hộ hoặc ký thay.

Tôi nghĩ vấn đề này phải gắn với cải cách hành chính, người dân đăng ký chữ ký và Nhà nước kiểm soát chữ ký đó qua hệ thống máy tính. Chẳng hạn ở Thụy Sĩ, qua máy tính người ta phát hiện ngay chữ ký nào là giả.

Cũng cần nhấn mạnh, tổ chức mỗi cuộc trưng cầu là hoạt động rất tốn kém và không đơn giản. Vì vậy, ngay ở châu Á cũng chưa có bao nhiêu nước xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Chủ yếu vẫn là các nước châu Âu có nền dân chủ cách đây hàng mấy trăm năm.

+ Vì sao chúng ta không qui định ngay trong luật những vấn đề nhất thiết phải tổ chức trưng cầu ý dân?

- Qui định ngay trong luật những vấn đề nhất thiết phải trưng cầu ý dân là quá cứng. Tôi có dịp trao đổi với Tòa bảo hiến ở Pháp và được biết họ cũng không qui định về những vấn đề phải trưng cầu ý dân. Ngay cả Thụy Sĩ cũng khuyên ta không nên qui định cứng. Đối với VN, đây là lần đầu tiên xây dựng Luật trưng cầu ý dân, chúng tôi nghĩ càng không nên cứng quá, sau này lại thành tự mình bó mình.

+ Dự thảo luật đề cập việc trưng cầu ý dân đối với những vấn đề quan trọng, hệ trọng của đất nước, của một khu vực, địa phương. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau về mức độ hệ trọng thì ai sẽ phân xử?

- Trong dự luật, chúng tôi nói rõ tất cả sẽ do Ủy ban Thường vụ QH đề xuất và QH quyết định. Trách nhiệm cuối cùng và cao nhất là của QH. Ở địa phương, cá nhân tôi cho rằng việc tổ chức trưng cầu ý dân có thể nhiều hơn so với trưng cầu trên phạm vi toàn quốc. Trong thực tiễn cuộc sống, có rất nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương. Theo tôi, những vấn đề của địa phương thì nên đưa ra trưng cầu ý dân ở một địa phương đó.

+ Theo ông nói, QH quyết định việc trưng cầu ý dân, còn cơ quan nào sẽ triển khai thực hiện?


- Việc tổ chức trưng cầu ý dân do QH quyết định và QH sẽ lập ra hội đồng trưng cầu ý dân. Hiện chưa rõ hội đồng gồm những thành viên nào, nhưng với thể chế chính trị như của ta hiện nay thì MTTQ vẫn giữ vai trò quan trọng.

+ Với tiến độ xây dựng luật như hiện nay, khi nào VN có thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên, thưa ông?


- Kỳ họp X của QH sẽ cho ý kiến lần đầu và dự kiến kỳ họp đầu năm 2007 QH sẽ thông qua và luật có hiệu lực ngay. Còn bao giờ chúng ta tổ chức trưng cầu ý dân lại là vấn đề khác, tôi chưa dám khẳng định ngay. Nhưng đối với các địa phương, tôi nghĩ trước các vấn đề bức xúc có thể làm ngay và nên làm ngay.

N.V.HẢI thực hiện - tuoitre

“Đừng nghĩ trưng cầu ý dân chúng ta chưa có thực tiễn nên không dám làm, mà việc này trên thực tế xuất phát từ chính nhu cầu của xã hội” - phó giáo sư, tiến sĩ Võ Khánh Vinh (Viện Khoa học xã hội VN) nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại hội thảo khoa học bàn về Luật trưng cầu ý dân, tổ chức tại Hà Nội ngày 2 và 3-8.

Bàn về việc người dân có được thu thập chữ ký để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân hay không, tiến sĩ Khánh Vinh bày tỏ sự ủng hộ “sáng kiến từ dân”, nhưng là người dân “đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân thông qua các tổ chức (tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...) đại diện cho mình”. Để làm được điều đó, trước hết cần “hoàn thiện cơ chế để người dân phát biểu ý kiến thông qua tổ chức đại diện của mình”, ông Khánh Vinh đề nghị.

“Nên có cả hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân tùy nghi” - tiến sĩ Trần Minh Hương (chủ nhiệm khoa luật hành chính, Đại học Luật Hà Nội) lên tiếng. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đào Trí Úc (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Luật gia VN, viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật) cho biết ban soạn thảo nghiêng về “trưng cầu ý dân tùy nghi” cho phù hợp với điều kiện VN.

Tiến sĩ Trần Minh Hương đề nghị không nên trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảo, vì mỗi lần trưng cầu là một lần tổ chức tốn kém. Hơn nữa, nếu chỉ tham khảo ý kiến nhân dân, lâu nay đã có các hình thức tổ chức lấy ý kiến rộng rãi.

Tiến sĩ Trần Đình Hảo nhấn mạnh muốn trưng cầu đạt kết quả, người dân cần được cung cấp đầy đủ thông tin. Ở Thụy Sĩ, theo phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Ngọc Vượng (Viện Nhà nước và pháp luật), mỗi khi trưng cầu ý dân, người dân được nhận kèm theo phiếu trưng cầu là tài liệu thuyết minh cho từng phương án để người dân lựa chọn, quyết định.

Thực chất, mục đích của trưng cầu ý dân là để “giải quyết hài hòa các xung đột trong xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội để có thể phát triển tốt hơn” - tiến sĩ Trần Đình Hảo kết luận.

N.V.HẢI  


Công dân, các tổ chức xã hội của công dân “có quyền kiến nghị trưng cầu ý dân về một vấn đề” khi thu thập được 1 triệu chữ ký cử tri của hai phần ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn 100 ngày.

Đó là một điều khoản cụ thể trong dự Luật trưng cầu ý dân do Hội Luật gia VN xây dựng. Theo đó, trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước được tổ chức thực hiện về các vấn đề: sửa đổi hiến pháp; chính sách quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân; dự án kinh tế - kỹ thuật đặc biệt quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước; việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn các điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng...

Đối với tỉnh, thành phố, trưng cầu ý dân được tổ chức khi có vấn đề chia tách, nhập huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc chia tách tỉnh; những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Dự luật cũng đặt vấn đề: kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực kể từ ngày công bố mà không cần sự phê chuẩn của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Hiệu lực này chỉ chấm dứt khi có kết quả một cuộc trưng cầu ý dân khác về cùng vấn đề được tổ chức không sớm hơn hai năm sau đó.

N.V.HẢI - Việt Báo (Theo_TuoiTre)

“Ban hành định chế trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn sẽ chứng minh Đảng ta tin dân và quyết tâm dựa vào dân để phát triển đất nước”.

Can trung cau y dan ve cac quyet sach lon
Ông Nguyễn Khắc Mai (phải) trong việc hoạt động xã hội
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong về chủ đề góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng X.

Câu chuyện ở đây là “người đầy tớ” không được bắc ghế ngồi cao hơn “ông chủ” của mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển đều đã, đang và sẽ phải trải qua việc tôn vinh trí thức.

Dân tộc ta từng nêu một nguyên lý: hiền tài là nguyên khí quốc gia. Có thể nói đây là một minh triết cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Các nước phát triển đã bước lên bậc thang cao của nhân loại với một tầng lớp trí thức hùng hậu, cùng với những chính sách rất tốt với trí thức.

Chúng ta đã phê phán khẩu hiệu tả khuynh, sai lầm một thời “trí-phú-địa-hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, nhưng đây đó cái tâm lý kỳ thị trí thức ấy vẫn còn.

Không thể phủ định một sự thật tốt đẹp là mấy chục năm qua đất nước ta đã tạo ra được một đội ngũ trí thức nay được tính bằng con số triệu, trong đó kể cả bộ phận ở nước ngoài, đã có những nhân cách những tên tuổi lớn được quốc tế thừa nhận.

Nhưng cũng có một sự thật thứ hai như là mặt trái của tấm huy chương, đó là vấn đề chất lượng, nhân cách, phương pháp công tác, lối sống và cả sự thiếu đồng bộ, thiếu cân đối trong phân phối lực lượng, điều đáng lo ngại là nổi lên hiệu ứng “tiến sĩ giấy”.

Có thể nói bộ mặt của đội ngũ trí thức cũng sẽ phần nào phản ánh được năng lực phản biện của dân tộc.

Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước phải cổ vũ và xây dựng “văn hóa nghe” để cho vai trò phản biện và dự báo xã hội của trí thức nảy nở.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đảng viên được làm kinh tế tư nhân, vì thực ra ở đây chúng ta chỉ đẩy cánh cửa khi nó đã được mở chốt... Việc xác định Đảng đại diện rộng hơn là một vấn đề lớn, nhưng khi đề cập thì đồng thời chúng ta cũng phải suy nghĩ về vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của Đảng.

Tôi từng được tham gia ba chương trình nghiên cứu lớn: Một là đổi mới hệ thống chính trị; Hai là đổi mới phương thức lãnh đạo; Ba là phương pháp luận để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng.

Tôi có niềm tin rằng nếu lựa chọn được phương thức hoạt động đúng tự nó sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng đảng viên, chất lượng cán bộ và hiệu quả hoạt động của Đảng.

Với mô hình hiện nay, có cảm tưởng rằng cái gì Đảng cũng phải “nhúng tay” vào, sự chồng chéo đôi khi dẫn đến tình trạng giống như người cầm gậy nhúng xuống nước rồi phán nước lạnh hay nóng!

Vào thời điểm xây dựng Hiến pháp 1992, tôi có trình bày trong nhóm nghiên cứu rằng Đảng cần xây dựng một đạo luật cho hoạt động của mình. ý kiến ấy về sau cũng được một vị lãnh đạo cao cấp nêu ra, nhưng cũng có người bảo rằng “như thế lại hoá ra tự sắm dây buộc mình”.

Đến nay vấn đề đã chín muồi. Bởi mọi cộng đồng, mọi thiết chế xã hội ở nước ta hầu như đều hoạt động theo Hiến định và luật định, vừa có ghi trong Hiến pháp lại được luật hoá.

Chỉ có thiết chế Đảng là mới có Hiến định mà thôi. Vì thế có rất nhiều sự thiếu trách nhiệm đã xảy ra. Luật hóa hiến định về Đảng nên xây dựng như thế nào thì toàn Đảng phải cùng suy nghĩ, vì đây trước hết là vấn đề tự thân của Đảng, nhưng nên trưng cầu ý kiến của nhân dân và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và nhất là các chuyên gia pháp luật.

Cốt lõi của phương thức lãnh đạo là không được xây dựng phòng thí nghiệm cho bất kỳ ý muốn chủ quan nào đó. Bởi vì phòng thí nghiệm thì trăm sai mới có một đúng. Nhưng cục diện hiện nay không cho phép bất cứ một sự sai lầm nào.

Võ Văn Thành ghi
Việt Báo (Theo_Tien_Phong) 
Thời sự & Suy nghĩ:

Từ trước tới nay, chúng ta luôn có thói quen là các công trình phục vụ dân sinh thường do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm mọi khâu, từ hoạch định, thiết kế cho đến thi công.

Điển hình nhất là việc thay trụ đèn giao thông ở TP.HCM trong thời gian vừa qua.

Việc thay trụ đèn tín hiệu giao thông chỉ có thể là chủ trương đúng khi các trụ đèn cũ không còn đảm bảo hiệu quả hoạt động cũng như chức năng thẩm mỹ cho đô thị. Ấy vậy mà người ta cũng cứ thay với lý do thật buồn cười. Những ý kiến của người dân dù có quyết liệt bao nhiêu chăng nữa thì ngành giao thông của TP cũng đã thay mới các trụ đèn rồi.

Như vậy, ý kiến của người dân chỉ là “nói cho có” chứ thực tế không hề mang lại cho ngành giao thông những ý kiến bổ ích. Có chăng là bài học rằng: những công trình phục vụ dân sinh không nên “làm kín”.

Cũng mới đây thôi, việc phân luồng giao thông ở ngã tư Phù Đổng Thiên Vương và ngã sáu Cộng Hòa cũng gây không ít bức xúc cho người dân bởi cách làm ăn không giống ai của ngành giao thông.

Người dân cũng nêu ý kiến, các tờ báo của TP cũng kêu gọi trả lại hiện trạng ban đầu cho hai nút giao thông quan trọng này, nhưng ngành giao thông vẫn giữ thái độ im lặng. Rồi việc đào đường, trồng lại cột điện... cũng trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc nhất.

Và còn rất nhiều công trình khác phục vụ dân sinh mà người dân chỉ có thể có ý kiến khi các công trình đã hoàn thành.

Vậy nên, vấn đề ở đây có lẽ nằm ở thói quen không tham khảo ý kiến người dân của các cơ quan chức năng chứ không nằm ở ý thức của người dân. Những gì liên quan đến đời sống, đến quốc gia, chắc chắn người dân không thờ ơ. Vậy tại sao ý kiến của họ chỉ đi sau mà không phải là đi trước?
Hoặc là các cơ quan chức năng cho rằng mình đã đủ năng lực nhìn thấy nhu cầu của người dân, của xã hội; hoặc là các cơ quan chức năng không nhìn thấy nơi người dân trách nhiệm mà họ luôn có?

Đã đến lúc chúng ta phải làm quen với việc “trưng cầu ý dân” đích thực. Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng những công trình, kế hoạch, chủ trương lớn liên quan đến đời sống dân chúng rất cần được “trưng cầu ý dân”.

CHÂN LUẬN

Việt Báo (Theo_TuoiTre)

(SGGP). – Sáng 2-12, đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch và Nguyễn Đăng Trừng tiếp xúc với cử tri quận 3.

Một số ý kiến đề nghị Trung ương sớm triển khai thực hiện thí điểm đề án chính quyền đô thị ở một số địa phương, trong đó có TPHCM. Nếu mô hình này được thực hiện sẽ là một bước đột phá về cải cách hành chính, hạn chế được tình trạng cắt khúc trong hệ thống chính quyền, giảm bớt tình trạng họp hành và các quyết định của UBND TP cũng sẽ được thực hiện nhanh hơn, thủ tục hành chính sẽ giảm bớt vì đã được phân cấp rõ. Cử tri đề nghị Quốc hội ban hành Luật Trưng cầu ý dân, vì luật này là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao.

Theo đó, trong luật này có thể cho phép việc trưng cầu ý dân đối với những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương; những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của HĐND cấp tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt…

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Thám, Nguyễn Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Thu Cúc đã tiếp xúc với hơn 240 cử tri quận Bình Thạnh.

Các cử tri phản ánh thời gian qua Luật Khiếu nại tố cáo vẫn chưa đi vào cuộc sống, có nhiều khiếu nại của người dân kéo dài. Nguyên nhân chỉ vì lãnh đạo cơ quan hành chính chậm trễ hoặc không giải quyết, vì vậy hai Luật Khiếu nại và Tố cáo sắp ban hành phải khắc phục được vấn đề trên, tránh việc đùn đẩy giữa các cơ quan hành chính với nhau gây khó cho dân.

Cũng trong ngày 2-12, các đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập và Đặng Ngọc Tùng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Chánh. Vấn đề về quy hoạch, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các chính sách trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… cử tri đề nghị các khiếu nại, tố cáo của người dân nên cần giải quyết nhanh, khi có kết quả phải tổ chức thông báo để người dân biết.

Cử tri cũng phản ánh đến các đại biểu Quốc hội về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực địa chính - xây dựng vẫn chưa hết nhiêu khê; tình trạng tranh chấp đất đai chưa được giải quyết rốt ráo; vấn đề khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết; vấn đề nước sạch cho người dân nông thôn, người dân ngoại thành; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết dứt điểm…

Chiều cùng ngày, 2 đại biểu Huỳnh Thành Lập và Đặng Ngọc Tùng cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân. Cử tri quan tâm đến các vấn đề như tăng quyền cho Thanh tra Nhà nước; vụ Vinashin phải xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội; việc xây dựng hàng loạt thủy điện tại miền Trung và vấn đề xả lũ. Vấn đề bạo lực học đường cũng được cử tri quan tâm và đề nghị phải kiên quyết dẹp bỏ.
NHÓM PV

[URL]http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2010/12/244882/
1. Trưng cầu ý dân ở một số nước trên thế giới

Thuật ngữ trưng cầu ý dân trong tiếng Anh là referendum (số nhiều referendums hoặc referenda) [1], được hiểu là việc nhân dân (cả nước hay một địa phương) bỏ phiếu tán thành hay không tán thành khi được hỏi về một vấn đề cụ thể. Đó có thể là việc thông qua hiến pháp mới; sửa đổi, bổ sung hiến pháp, thông qua một đạo luật, hoặc đơn giản là một chính sách cụ thể của nhà nước. Ngoài ra, còn có thuật ngữ khác là plebiscite và thuật ngữ này có thể thay thế cho referendum.

Một cuộc trưng cầu ý dân thông thường đưa ra hai sự lựa chọn cho cử tri là đồng ý hay không đồng ý về phương án đưa ra. Ở Thụy Điển, trưng cầu ý dân năm 1957 có hai sự lựa chọn; năm 1980 có ba sự lựa chọn.

Dự thảo trưng cầu ý dân có thể được soạn thảo bởi hội đồng lập hiến trước khi đưa ra bỏ phiếu. Trong nhiều trường hợp, có thể do quốc hội hoặc sáng kiến từ nhân dân. Ở một số nước, trưng cầu ý dân bắt buộc phải do quốc hội quyết định và trong một số trường hợp, bắt buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề nhất định, như sửa đổi hiến pháp. Hầu hết các cuộc trưng cầu ý dân được thông qua khi được đa số cử tri đi bỏ phiếu tán thành. Tuy nhiên, cũng có một số cuộc phải được đa số tuyệt đối, như hai phần ba tán thành. Ở Lithuania, kết quả phải được ba phần tư tán thành.

Quyền bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân có thể không giống như trong một cuộc bầu cử. Ở Cộng hòa Ailen, chỉ có công dân Ailen mới có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân, trong khi đó công dân Anh thường trú tại Ailen có quyền tham gia vào cuộc tổng tuyển cử.

Sự tán thành trong cuộc trưng cầu ý dân là cần thiết để sửa đổi Hiến pháp Úc. Dự án phải được thông qua bởi hai viện của quốc hội hoặc trong hoàn cảnh hạn chế, có thể được thông qua tại một viện, sau đó đưa ra nhân dân phúc quyết. Nếu kết quả ở các bang khác nhau, dự án sẽ phải sửa đổi.

Đã có 43 cuộc trưng cầu ý dân ở Úc kể từ Liên bang Úc được thành lập (từ 1901) nhưng chỉ có 9 cuộc trưng cầu được thông qua. Úc là một trong những nước có hệ thống trưng cầu ý dân chặt chẽ trong các nước phát triển.

Trưng cầu ý dân hiếm khi được thực hiện tại Canada và chỉ ba lần xảy ra ở cấp liên bang: năm 1898 về cấm rượu mạnh, năm 1942 về cưỡng bức nghĩa vụ quân sự và lần gần đây nhất là vào năm 1992 về Hiến pháp Liên bang [2]. Ngoài ra, trưng cầu ý dân cũng đã thực hiện ở địa phương (theo thống kê, tới nay đã có 43 cuộc trưng cầu ở “cấp tỉnh” ở Canada). Chẳng hạn, vào năm 1980 và năm 1995, trưng cầu ý dân đã được tổ chức ở Quebec về việc tách ra khỏi Canada. Tại British Columbia, gần đây nhất (vào 17.5.2005) đã trưng cầu ý dân về việc hệ thống bầu cử mới [3].

Hiến pháp hiện hành của Ailen được thông qua bằng trưng cầu dân ý vào 1. 7.1937. Việc sửa đổi Hiến pháp ở Cộng hòa Ailen bắt buộc phải thông qua bằng trưng cầu ý dân và từ 1937 đến nay đã có trên 20 lần thực hiện. Hiến pháp Italia qui định trưng cầu ý dân là mang tính chất bắt buộc. Một cuộc trưng cầu có thể để bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần của một đạo luật, nhưng chỉ khi có đòi hỏi của 50.000 cử tri hoặc của 5 hội đồng bầu cử vùng. Cuộc trưng cầu chỉ có giá trị khi có quá nửa tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Không được trưng cầu ý dân đối với những đạo luật về luật tài chính hoặc những luật liên quan đến chi tiêu hoặc phê chuẩn các điều ước quốc tế. Italia đã tổ chức 64 cuộc trưng cầu ý dân (cấp quốc gia) và 21 cuộc trưng cầu (cấp địa phương).

Ở Thụy Sĩ, trưng cầu ý dân được thực hiện ở cả 3 cấp độ:liên bang, tổng (caton) và thành phố (municipality). Trưng cầu ý dân là đặc điểm cơ bản của đời sống chính trị ở Thụy Sĩ. Có hai loại trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ: trưng cầu ý dân không bắt buộc và trưng cầu ý dân bắt buộc.

Ở cấp độ liên bang (hoặc quốc gia), trưng cầu ý dân chưa từng được thực hiện ở Mỹ. Canada có 4 lần trưng cầu ý dân (lần gần nhất vào ngày 26.12.1992 về Hiến pháp Liên bang). Nước Nga đã từng tổ chức 5 cuộc trưng cầu ý dân, lần gần đây nhất vào ngày 12.12 1993 về Hiến pháp mới. Hy Lạp đã từng tổ chức 8 cuộc trưng cầu ý dân (lần gần đây nhất là vào ngày 8.12.1974 về hình thức nhà nước. Cộng hòa Pháp đã 34 lần tổ chức trưng cầu ý dân (lần gần nhất tổ chức vào ngày 29.5.2005 về Hiến pháp Châu Âu). Thụy Điển đã tổ chức 10 cuộc trưng cầu ý dân và lần gần đây nhất vào 14.9.2003 về đồng tiền chung Châu Âu. Đan Mạch đã tổ chức 19 lần, lần mới nhất vào ngày 28.9.2000 về việc gia nhập Liên minh Châu Âu. Phần Lan đã có 3 lần (lần mới nhất được tổ chức vào ngày 16.10.1994 về việc gia nhập Liên minh Châu Âu). Hunggary đã có 9 cuộc trưng cầu ý dân, lần gần đây nhất là ngày 5.12.2004 về hai quốc tịch. Italia đã có tổng cộng 64 lần, lần mới nhất vào ngày 13.6.2005. Hà Lan cũng đã tổ chức trưng cầu ý dân vào 1.6.2005 về Hiến pháp Châu Âu. Hàn Quốc có 6 lần trưng cầu ý dân và lần gần nhất vào ngày 27.10.1987 về Hiến pháp. Cu Ba đã tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp vào 24.2.1976.

Hiện nay, trên thế giới cũng có nhiều nước chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân (ở cấp liên bang hoặc quốc gia) như Nhật Bản, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

Ở cấp độ bang (đối với các nước liên bang) hoặc ở các vùng (địa phương) ở một số nước cũng diễn ra hoạt động trưng cầu ý dân. Khác với cấp độ liên bang, ở nhiều bang của Mỹ, trưng cầu ý dân diễn ra thường xuyên. Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, nhiều bang ở Mỹ đã thực hiện trưng cầu ý dân đối với Hiến pháp (như Massachusetts từ năm 1778, New Hampshire 1783, Rhode Island năm 1788). Đến thế kỷ XIX, trưng cầu ý dân tiếp tục được mở rộng đến các bang khác và đến nay, hoạt động này được áp dụng ở tất cả các bang của Mỹ (chỉ trừ bang Delaware). Đặc biệt, riêng bang Massachusetts đã tổ chức 167 cuộc trưng cầu dân ý [4]. Ở Canada, số liệu thống kê cho thấy đã có 43 lần trưng cầu ý dân được tổ chức ở các bang và vùng lãnh thổ. Các vùng, miền ở Pháp đã 16 lần tổ chức các hoạt động này. Cũng ở cấp độ này, nước Nga cũng có 3 cuộc bỏ phiếu, Đan Mạch có 6 cuộc bỏ phiếu, Phần Lan 2 lần, Italia 21 lần, Hà Lan 5lần, Hunggary1 lần, Đức đã có 45 cuộc trưng cầu ý dân ở các bang, Ấn Độ có 4 lần, Indonesia 1 lần.

2. Bản chất và xu hướng phát triển

Trong các nhà nước quân chủ chuyên chế chưa có khái niệm quyền lực nhân dân. Ở các nhà nước đó, quyền lực nằm trong tay Vua (hay Hoàng đế), người được coi là “thiên tử”, tức là thay Trời giáng thế xuống trị vì thiên hạ. Khái niệm quyền lực nhân dân ra đời cùng với khái niệm dân chủ và lần đầu tiên xuất hiện ở Nhà nước Hy Lạp cổ đại. Người Hy Lạp ngay từ thời cổ đại đã cho rằng dân chủ có nghĩa là chính quyền thuộc về nhân dân.

Chủ quyền nhân dân (quyền lực nhân dân) là bản chất và là đặc trưng của mọi nhà nước và xã hội dân chủ. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc về chủ quyền nhân dân thì vấn đề lại không hề đơn giản trong các nhà nước và xã hội. Thực chất, đó là vấn đề xử lý mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân trong xã hội có nhà nước. Do đó, các hình thức thực hiện quyền lực cũng như vai trò của từng hình thức thực hiện quyền lực là những vấn đề cơ bản của mọi nhà nuớc và xã hội. Có thể khái quát rằng có hai hình thức cơ bản để thực hiện quyền lực nhân dân là dân chủ đại diện (representative democracy) và dân chủ trực tiếp (direct democracy).

Việc thực hiện các hình thức này như thế nào, phạm vi, cách thức tiến hành của từng hình thức ra sao, điều đó phụ thưộc vào nhiều yếu tố, trước hết phụ thuộc vào kiểu nhà nước, vào trình độ dân trí (trình độ chính trị, pháp lý...), vào truyền thống, đặc điểm dân tộc, vào xu thế phát triển của thời đại... Cũng có một vài quốc gia như Thụy Sĩ, một số bang của Mỹ thường xuyên thực hiện dân chủ trực tiếp trực tiếp bằng những hình thức khác nhau như bầu cử (election), việc bãi miễn các chức danh do dân bầu (recall) và đặc biệt là sáng kiến của nhân dân, nhất là trong hoạt động lập pháp (initiative) và trưng cầu ý dân (referendum). Tuy nhiên, cần khẳng định rằng ở đa số các quốc gia hiện nay, hình thức chủ yếu thực hiện quyền lực (chủ quyền) nhân dân là dân chủ đại diện, ngay ở Thụy Sĩ, một quốc gia điển hình về dân chủ trực tiếp, thì dân chủ đại diện vẫn là hệ thống cơ bản, nền tảng.

Dân chủ đại diện là phương thức chủ yếu để thực hiện quyền lực nhân dân; hay nói cách khác, chủ quyền nhân dân được thực hiện chủ yếu thông qua nhà nước và các thiết chế chính trị khác, nhưng cần thống nhất một vấn đề mang tính chất nguyên tắc là nhà nước và các thiết chế đó là do nhân dân thiết lập và trao quyền. Nhà nước là tổ chức chính trị đặc biệt do nhân dân lập ra và ủy thác quyền lực. Nhà nước chỉ là một bộ phận nhưng không phải là tất cả của nền dân chủ, “ trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước thể hiện ra là một trong những tính qui định, cụ thể là sự tự qui định của nhân dân.

Trong chế độ quân chủ, chúng ta có chế độ nhà nước; trong chế độ dân chủ, chúng ta có chế độ nhà nước của nhân dân... Ở đây, chế độ nhà nước không chỉ tự nó, xét theo bản chất của nó, mà còn xét theo sự tồn tại của nó, theo tính hiện thực của nó, ngày càng hướng tới cơ sở thực hiện của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện đúng chân tướng của nó, tức là xuất hiện với tính cách là sản phẩm tự do của con người...

Tuy nhiên, đặc điểm riêng biệt của xã hội dân chủ là: ở đây chế độ nhà nước nói chung chỉ là một yếu tố của sự tồn tại của nhân dân, chế độ chính trị tự bản thân nó, ở đây, không tạo thành nhà nước”[5]. Quyền lực nhà nước được nhân dân trao cho là có giới hạn và chịu sự giám sát của nhân dân. Đến lượt nó, quyền lực nhà nước được trao cho các cơ quan khác nhau (cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp) và bản thân các quyền này có giới hạn và được ấn định trong hiến pháp.

Như vậy, bản chất của vấn đề là: nhân dân lập ra và trao quyền cho các cơ quan nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực (để quản lý xã hội); một mặt, các cơ quan này phải chịu sự giám sát của nhân dân và mặt khác, chỉ được thực hiện quyền lực trong giới hạn cho phép. Trong nhiều trường hợp, nhà nước không được quyết định (đúng hơn là không có thẩm quyền quyết định hoặc không cần thiết phải quyết định) mà để nhân dân trực tiếp quyết định. Một trong các cách mà nhân dân trực tiếp quyết định là thông qua trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ.

Xung quanh về trưng cầu ý dân hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau. Ở Anh, dưới học thuyết “chủ quyền nghị viện”, nên ở đất nước này, trưng cầu ý dân rất hiếm khi được tổ chức[6]. Hay ở Mỹ (ở cấp độ liên bang), người ta cho rằng chỉ cần thông qua các chức danh do nhân dân bầu ra là có thể thể hiện cho ý chí cuả họ mà không cần phải thông qua dân chủ trực tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng kết quả của trưng cầu ý dân là sự lựa chọn của những công dân mà trong số họ, nhiều người không đủ khả năng quyết định những vấn đề vốn dĩ phức tạp, lại ảnh hưởng bởi những cuộc vận động của các nhóm lợi ích, các đảng phái, các phe phái, trong khi đó lại phải thể hiện trong những lá phiếu mà thủ tục phức tạp. Hơn nữa, trình tự và cách thức thực hiện và xác định kết quả không phải lúc nào hoặc ở đâu cũng rõ ràng, dễ hiểu, cho nên kết quả đó không phải lúc nào cũng thể hiện đúng đắn ý chí của nhân dân... Thậm chí, dư âm các cuộc trưng cầu ý dân mà các nhà độc tài như Napoleon, Hitler và Mussolini thực hiện [7] có tác giả thậm chí còn bài trừ trưng cầu ý dân [8].

Ở góc độ khác, chúng ta có thể thấy xu thế phát triển của các nền chính trị dân chủ là thực hiện và mở rộng dân chủ trực tiếp. Trong tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948 tại khoản 3, Điều 21 có qui định “Ý chí của nhân dân là cơ sở của quyền lực chính phủ. Brian Beedham đã viết: sự khác nhau giữa chính trị ngày nay với chính trị của thế kỷ tới (tức là thế kỷ XXI –NV) dường như là sự thay đổi “nhân dân muốn gì” trong nền dân chủ, là sự luân phiên từ dân chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp. Có rất nhiều các nhà khoa học xã hội ca tụng dân chủ trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý và sáng kiến trực tiếp từ nhân dân. Romer và Rosenthan cho rằng trưng cầu ý dân ngăn cản các cơ quan công quyền sử dụng vượt quá thẩm quyền của mình. Gerber thì kết luận rằng khi luật được nhân dân thông qua thì kết quả là nó phản ánh đa số ý chí của nhân dân[9]. Trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách chế độ bầu cử vào ngày 17.5.2005 tại British Columbia (thuộc Victoria, Canada), Chủ tọa Hội đồng nhân dân Jack Blaney kết luận rằng: “Đó thực sự là quyền lực thuộc về nhân dân” [10].

Viện nghiên cứu về sáng kiến nhân dân và trưng cầu ý dân Châu Âu (The Initiative and Referendum Institute Europe) cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, sáng kiến nhân dân và trưng cầu ý dân đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị ở khắp các nước Châu Âu và trên toàn thế giới. Tại cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu lần thứ ba vào mùa xuân năm 2004 tại Warsaw đã thống nhất về việc thiết lập và vận hành hình thức diễn đàn mới trong tương lai, một trong những hình thức được ưu tiên trong diễn đàn quốc tế là phát triển các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp. Liên minh Châu Âu cũng cho rằng sáng kiến nhân dân và trưng cầu ý dân đã và đang trở thành những yếu tố rất cần thiết trong quá trình hội nhập. Sau sự phản đối về Hiến pháp Châu Âu ở một số nước thông qua trưng cầu ý dân, tương lai của Hiến pháp Châu Âu dường như sẽ là chủ đề của cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Châu Âu, nhưng trước hết Liên minh Châu Âu sẽ phải tập dượt, tính đến các bước trước đó về việc nguời dân quyết định từng giai đoạn của cả quá trình, từ đó đem lại sự thống nhất về ý kiến của nhân dân toàn Châu Âu về lịch trình của quá trình đó [11].

Như vậy, trưng cầu ý dân là vấn đề phức tạp và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Trên thế giới hiện nay, chế định này cũng chưa thực sự được áp dụng một cách rộng rãi; kể cả Thụy Sĩ là quốc gia tiêu biểu nhất trong số các quốc gia áp dụng dân chủ trực tiếp nói chung và trưng cầu dân ý nói riêng một cách thường xuyên, nhưng điều đó không có nghĩa là chế độ chính trị của họ dựa trên nền tảng là dân chủ trực tiếp, mà dân chủ đại diện vẫn là nền tảng cơ bản. Vị trí, vai trò của dân chủ trực tiếp nói chung và của trưng cầu dân ý nói riêng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia như thế nào, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, trình độ chính trị, trình độ pháp lý, thói quen thực hiện dân chủ của người dân trong từng nước; phụ thuộc vào sự tác động của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới... Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, khi dân chủ càng phát triển, thì càng tạo điều kiện mở rộng và phát huy trưng cầu dân ý. Ngược lại, ở đâu và nơi nào quan tâm và chú trọng dân chủ trực tiếp cũng như trưng cầu dân ý, thì ở đó, nền dân chủ mới thực sự phát triển và chế độ chính trị ở đó mới thực sự mang bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nói cách khác, dân chủ là tiền đề để thực hiện và mở rộng trưng cầu ý dân; và ngược lại, trưng cầu ý dân là công cụ, phương tiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của dân chủ kể cả về phạm vi và mức độ.

3. Trưng cầu ý dân ở Việt Nam và một số ý kiến

Ở nước ta, ngay từ Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), tại Điều 21 có qui định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia”và Điều 32 qui định: ”Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý”. Đến Hiến pháp 1959, việc trưng cầu ý dân được qui định trong Điều 53 (do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định), Hiến pháp 1980 qui định trong Điều 100 (do Hội đồng Nhà nước quyết định), Hiến pháp 1992 qui định trong Điều 53 và Điều 84 (do Quốc hội quyết định).

Như vậy, chế định trưng cầu ý dân đã được qui định từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cho nên qui định này chưa được thực hiện trong thực tiễn[12]. Khi chúng ta chưa luật hóa, chưa “chuyển tải” qui định này của Hiến pháp vào thực tiễn của đời sống chính trị pháp lý, thì có thể nói rằng việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta còn ở mức độ hạn chế.

Hiện nay có một số tác giả (ở cả trong và ngoài nước) cho rằng trình độ người dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp, nhất là đối với những người dân có trình độ thấp[13]. Một người dân, khi tham gia quyết định những vấn đề chính trị, thì họ phải nhìn nhận theo tiêu chí riêng của họ. Rõ ràng, khó có thể nói rằng việc lựa chọn phương án nào (trong số các phương án đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý) là khôn ngoan nhất. Vấn đề là ở chỗ, kết quả của trưng cầu ý dân là sự phản ánh đa số ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nói một cách khác, không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Chúng tôi cho rằng đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó rõ ràng góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và nhất là phải hợp lòng dân. Đúng là hiệu quả việc thực hiện dân chủ trực tiếp nói chung và trưng cầu ý dân nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi cho rằng, mọi vấn đề đều có tính hai mặt ưu điểm và hạn chế. Không phải tất cả các cuộc trưng cầu ý dân ở các nước đã được thực hiện đều có kết quả tốt, không phải tất cả các phương án mà nhân dân lựa chọn là phương án khoa học nhất, “khôn ngoan” nhất. Và có thể ở một vài quốc gia trong những giai đoạn lịch sử nhất định những cuộc trưng cầu ý dân không phản ánh đúng bản chất của nó (xem chú thích 7 ở trên), nhưng rõ ràng, hầu hết các cuộc trưng cầu ý dân đều phát huy ý nghĩa của nó, đó là phản ánh ý chí của nhân dân, cũng như nó đang và sẽ xảy ra trong đời sống chính trị của nhiều nước và nhiều khu vực, và xu thế đó, có lẽ sẽ ngày càng rõ nét hơn.

Lịch sử ra đời và phát triển của dân chủ cũng như bất cứ một sự vật, hiện tượng nào khác là quá trình phát triển từ thấp đến cao. Nếu không tổ chức và tập dượt cho nhân dân thực hiện quyền lực thì họ không thể làm chủ được. Theo Lênin “Chính quyền Xô viết là một bộ máy, nhờ bộ máy này quần chúng có thể bắt tay vào việc học tập quản lý nhà nước và tổ chức sản xuất trên qui mô toàn quốc” [14] và “toàn thể công dân, không trừ một ai, đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước và điều quan trọng đối với chúng ta là thu hút toàn thể những người lao động không trừ một ai tham gia vào việc quản lý nhà nước “. [15] Phê phán quan điểm cho rằng một người công nhân hoặc nông dân bình thường không thể điều khiển nhà nước được, Lênin khẳng định: “người công nhân bình thường hoặc người nông dân bình thường có thể điều khiển được nhà nước và sẽ học cách điều khiển nhà nước nếu người đó bắt tay vào điều khiển nhà nước” [16].

Mặt khác, nếu có băn khoăn về cách thức tính toán và tổng hợp, hoặc các câu hỏi đưa ra chưa rõ ràng, rõ nghĩa... thì đó chẳng qua đó chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật, tác nghiệp, những hạn chế đó không phải xuất phát từ bản thân chế định trưng cầu ý dân, mà đó là những bất cập của quá trình tổ chức trong việc thực hiện. Do vậy, để khắc phục những hạn chế đó, cần khắc phục những bất cập trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Nghiên cứu chế định trưng cầu ý dân ở một số nước và xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng nên tham khảo cách qui định của Hiến pháp 1946, nhất là về phạm vi những vấn đề gì cần đưa ra trưng cầu dân ý; cần xem xét một cách thận trọng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng, trên bình diện quốc gia trong điều kiện hiện nay, chúng ta cũng chỉ nên qui định trưng cầu dân ý đối với hiến pháp, và hiến pháp nhất thiết phải được thông qua bằng trưng cầu dân ý. Chúng tôi cho rằng dự thảo luật trưng cầu ý dân mà chúng ta đang xây dựng cần qui định hiến pháp phải qua trưng cầu dân ý và có thể nói rằng đây là một trong những nội dung quan trong nhất của dự thảo luật này [17] . Chúng tôi khẳng định vấn đề này bởi những lý do sau đây:

- Một là, quyền lập hiến là quyền đặt ra các nguyên tắc cai trị, nó có cả một lịch sử hình thành, bắt nguồn từ tư tưởng hiến trị (constitutionnalism), sau này, tư tưởng hiến trị từng bước phát triển ở Châu Âu, Châu Mỹ và trên thế giới[18] , trong đó khẳng định rằng quyền lập hiến phải có một chỗ đứng cao hơn quyền lập pháp. Nói một cách rõ hơn, quyền lập hiến phải là một quyền riêng biệt, tách khỏi quyền lập pháp, và quyền lập pháp phải bắt nguồn từ quyền lập hiến. Có lẽ luận điểm này không những giải thích vì sao hiến pháp phải được xây dựng bằng cơ chế đặc biệt, mà nó còn là cội nguồn, là cơ sở cho việc nghiên cứu, tìm kiếm mô hình bảo hiến (bảo vệ hiến pháp) một cách căn bản và hữu hiệu. Rõ ràng, đây là một tư tưởng tiến bộ và đã được ghi nhận vào Hiến pháp 1946. Theo chúng tôi, Điều 21, Điều 70 Hiến pháp 1946 là những qui định tiến bộ nhất của Hiến pháp 1946, vì không những qui định quyền lập hiến là một quyền đặc biệt, tách khỏi quyền lập pháp, mà còn chỉ rõ hiến pháp phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Có lẽ sau đó, vì điều kiện chiến tranh nên chúng ta đã không ghi nhận cụ thể trong Hiến pháppháp luật. Đã đến lúc chúng ta cần khôi phục, và quan trọng là phải qui định trong luật trưng cầu ý dân để có cơ chế cụ thể để thực hiện.

- Hai là, việc thông qua hiến pháp bằng trưng cầu ý dân cũng đồng nghĩa với việc nhân dân trực tiếp quyết định các nguyên tắc chính trị cơ bản nhất (nguyên tắc cai trị) của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Hay nói cách khác, bằng Hiến pháp, nhân dân qui định về phạm vi, giới hạn của quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) cũng như các quyền tư do, dân chủ của công dân. Điều cần khẳng định là những vấn đề này, về nguồn gốc phải thuộc chủ quyền nhân dân. Chính vì vậy, có thể nói rằng việc nhân dân thông qua hiến pháp là nội dung quan trọng nhất, nó đứng trên tất cả các qui định khác. Khi nhân dân trưng cầu các vấn đề khác, suy cho cùng cũng là những vấn đề nằm trong hiến pháp, hoặc ít nhất cũng không được trái với hiến pháp.

- Ba là, mặc dù về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng về mặt thực tiễn, việc thực hiện nó có thể gặp rất nhiều phức tạp. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu và nhiều chính khách còn lo ngại về việc thực hiện biện pháp này. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ chính trị - pháp lý của nhân dân... mặc dù không phải là không có cơ sở để thực hiện, nhưng so với nhiều nước khác, rõ ràng cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi. Do đó, việc vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm ( như những việc gì cần trưng cầu ý dân, những vấn đề gì không nên trưng cầu; điều kiện, hoàn cảnh nào thuận lợi và không thuận lợi cho việc trưng cầu; cách thức trưng cầu ra sao, đưa ra một phương án hỏi người dân đồng ý hay không không đồng ý hay đưa ra hai hoặc nhiều phương án để người dân lựa chọn; nếu không được đa số phiếu tán thành thì xử lý như thế nào...) là rất cần thiết.

- Bốn là, theo hiểu biết của chúng tôi, chế định trưng cầu dân ý ở các nước đều qui định hiến pháp là đối tượng quan trọng nhất cần được áp dụng.

Ngoài ra, hiện nay Hiến pháp nước ta qui định về trưng cầu ý dân vào chung với một số quyền chính trị của công dân trong một điều và nằm trong chương V “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”[19]. Điều đó cũng có tính hợp lý nhất định. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chúng ta nên cơ cấu lại. Trưng cầu ý dân có lẽ mang tính đa diện hơn chứ không chỉ đơn thuần chỉ là một quyền chính trị của công dân. Ở góc độ khác, qui định này chi phối hoạt động của các cơ quan nhà nước và bộ máy nhà nước. Do vậy, trước mắt qui định này (cùng với qui định về bầu cử phổ thông đầu phiếu) nên qui định trong chương I (chương Chế độ chính trị) [20]. Còn về lâu dài, Hiến pháp nước ta nên qui định trong chương chế độ chính trị (hoặc đổi thành chương các nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp) về phương thức thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân với các hình thức cụ thể như trưng cầu ý dân, bầu cử phổ thông đầu phiếu, sáng kiến trực tiếp từ nhân dân, thông qua tự quản địa phương...

[1] Tuy nhiên, hiện nay vẫn có ý kiến khác nhau: Từ điển Oxford English Dictionary ( theo [URL]http://en.wikipedia.org/wiki/referendum) và Từ điển Oxford American Dictionary (theo [URL]http://www.answers.com) thì cho rằng thuật ngữ này gốc Latin không có số nhiều. Referendums trong tiếng Anh có nghĩa là kết quả lấy ý kiến nhân dân về một vấn đề (ballots on issue), còn referenda trong tiếng Latin có nghĩa là những vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân (plurality of issues).
[2] Theo http://c2d. unige.ch/int/queryint.php?type=votefull&entit=32〈=
[3] Theo http://c2d. unige.ch/int/queryint.php?type=votereg&entit=32&lev=〈=
[4] Theo [URL]http://c2d.unig.ch/int.
[5] Các Mác và Ăngghen toàn tập, tập 1, 1995, tr. 349.
[6] Theo [URL]http://en.wikipedia.org/wiki/referendum.
[7] Hitler và Mussolini đã dùng trưng cầu ý dân để hợp pháp hóa chính sách đàn áp của họ. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao ở Đức, kể từ khi chiến tranh thế giới lần II đến nay không qui định về trưng cầu ý dân ở cấp Liên bang (theo [URL]http://www.answer.com).
[8] Liên quan đến khả năng của một cuộc trưng cầu ý dân ở Liên hiệp Anh về Hiến pháp Châu Âu, Chris Patten-một chính khách Anh cho rằng: trưng cầu ý dân là phản lại nền dân chủ (theo [URL]http://www.answer.com).
[9] Theo [URL]http://www.isr.umich.edu/cps/pewpa/archive.pdf
[10] Theo [URL]http://www.citizensassembly.bc.ca/public
[11] Theo [URL]http://www.iri-europe.org
[12] Ở miền Nam, Ngô Đình Diệm đã tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 23.10.1955 về hình thức nhà nước và nguyên thủ quốc gia. Ngày 26.10.1955, chế độ Cộng hòa đã được công bố ở miền Nam Việt Nam. Pháp, Mỹ và Anh đã công nhận Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên ở miền Nam Việt Nam. Trong cuộc bỏ phiếu, cử tri nhận được một tờ giấy mỏng với hình Diệm (màu đỏ) và hình Vua Bảo Đại (màu xanh) và họ bỏ vào một cái thùng hình mà họ lựa chọn. Với cách này, lá phiếu vừa thể hiện sự lựa chọn của cử tri về người đứng đầu nhà nước, đồng thời, thể hiện sự lựa chọn của họ về hình thức nhà nước. Kết quả: đồng ý chế độ Cộng hòa với Ngô Đình Diệm là Tổng thống là 5721735 phiếu( 98,91%); đồng ý chế độ Quân chủ với Vua là Bảo Đại là 63017 phiếu ( 1,09%)
(Theo [URL]http://www.c2d.unige.ch/int/queryint.php?type)
[13] Chẳng hạn, theo Chris Patten- một chính khách Anh như đã nói ở trên (xem trong chú thích 12 ở trên).
Hoặc xem Popular Attitudes towards Direct Democracy, Shaun Boler-Univesity of California, River Side; Todd Donovan- Western Washington University; Jeffrey Karpp- Texas Tech University & University of Twente; page 4 (Theo http://www.ac.wwu.edu/~donovan/bdkapsa03.pdf).
Hoặc xem Nghiên cứu lập pháp, số 8/2005, tr. 13.
[14] Lênin toàn tập, tập 36, 1977, tr 65.
[15] Sđd, tr. 68.
[16] Lênin toàn tập, tập 33, 1976, tr. 333.
[17] Theo Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19/11/2005 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến họp vào tháng 10/2006), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân.Theo Nghiên cứu lập pháp, số 8, tháng 8/2005, dự án Luật trưng cầu ý dân đã được UBTVQH giao cho Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu và soạn thảo.
[18] Chẳng hạn theo Georges Vel del, quyền lập hiến là một quyền đặc biệt, một quyền nguyên thủy, là biểu hiện của chủ quyền quốc gia. Hoặc theo Thomas Jefferson - tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ, quyền lập hiến phải có chỗ đứng cao hơn quyền lập pháp.
[19] Điều 53 Hiến pháp 1992 qui định: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
[20] Có thể tham khảo Hiến pháp Liên bang Nga về vấn đề này: Khoản 3, Điều 3, Hiến pháp Liên bang Nga 1993 có qui định: trưng cầu ý dân và bầu cử tự do là biểu hiện trực tiếp cao nhất của quyền lực nhân dân.

Ths Vũ Văn Nhiêm - Trường Đại Học Luật TP.HCM 
Trưng cầu dân ý trước hết là một ý tưởng chính trị nhằm phát huy vai trò dân chủ. Từ khi ra đời, đây đã là một công cụ của dân chủ bán trực tiếp. Song, trưng cầu ý dân không phải là một sự bảo đảm cho dân chủ.

Trưng cầu dân ý là một hình thức biểu quyết, vì nó cho phép người dân tham gia vào việc quyết định những vấn đề về nội dung. Trưng cầu ý dân khác với bầu cử, bởi vì người dân khi bầu cử là đưa ra ý kiến của mình về một con người. Bầu cử là chế định đặc trưng cho cơ chế đại nghị, theo đó người được bầu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề. Về nguyên tắc, trưng cầu dân ý và bầu cử là hai chế định song song tồn tại trong khuôn khổ dân chủ bán trực tiếp.
Quyền sáng kiến của nhân dân (hay còn gọi là sáng quyền nhân dân) cũng là một bộ phận của dân chủ bán trực tiếp. Đây là quyền của người dân được đưa ra yêu cầu mang tính ràng buộc về mặt pháp lý mà hệ quả của yêu cầu đó có thể thay đổi tùy theo từng hệ thống pháp lý. Đó có thể là yêu cầu sửa đổi, bổ sung toàn bộ hoặc một phần của Hiến pháp, yêu cầu xây dựng một đạo luật mới hoặc ban hành một văn bản hành chính. Sáng quyền nhân dân cũng có thể dẫn tới chỗ buộc cơ quan hành chính phải thực hiện một công việc nào đó, ví dụ như quy hoạch đô thị.

Tuy rằng sáng quyền nhân dân và trưng cầu dân ý có những mối liên hệ hết sức chặt chẽ, nhưng chúng ta không được nhầm lẫn hai khái niệm này. Một yêu cầu do người dân đưa ra nếu thu thập được đủ số lượng chữ ký quy định thì chắc chắn sẽ dẫn đến chỗ phải tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề được yêu cầu (do vậy, không thể không đề cập đến sáng quyền nhân dân khi nghiên cứu về trưng cầu dân ý), còn trưng cầu ý dân thì không nhất thiết xuất phát từ yêu cầu của nhân dân. Hơn nữa, sáng quyền nhân dân trong lĩnh vực lập pháp có thể được thực hiện để thay thế cho một trong các loại hình trưng cầu dân ý, đó là trưng cầu dân ý về luật và giúp khắc phục được những giới hạn của hình thức trưng cầu dân ý này. Thật vậy, trong trường hợp không thể tổ chức trưng cầu ý dân về việc ban hành một đạo luật do hết thời hạn trưng cầu dân ý, thì vẫn có thể sử dụng đến sáng quyền xây dựng văn bản luật thay thế. Có thể nói trưng cầu dân ý là khâu cuối cùng của quá trình ra quyết định cho phép thực hiện một hành vi do cơ quan nhà nước đề xuất nhưng không thể quyết định khi chưa tham khảo ý kiến của một chủ thể khác nắm chủ quyền tối cao. Trong khi đó, sáng quyền nhân dân là bước đầu tiên làm phát sinh một quá trình ít nhiều phức tạp, mà thường được kết thúc bằng việc tổ chức trưng cầu ý dân.

Người ta phân biệt trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảo v�trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc cho dù trên thực tế sự phân biệt này không thực sự rõ ràng. Thật vậy, nếu sau khi trưng cầu dân ý tư vấn mà đại đa số người tham gia đều có ý kiến như nhau thì rất khó để không thực hiện theo ý kiến đó. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghĩa vụ mang tính chất đạo đức chính trị, chứ không phải là một nghĩa vụ pháp lý. Vì được tiến hành trên quy mô lớn kèm theo cả một chiến dịch tuyên truyền cho nên trưng cầu dân ý tư vấn hoàn toàn khác với thăm dò ý kiến.

Trưng cầu dân ý không phải là một sự bảo đảm cho dân chủ; bởi vì bên cạnh trưng cầu dân ý dân chủ còn có trưng cầu ý dân bị thao túng về kết quả. Đây là sự phân biệt chủ yếu mang tính chủ quan, trừ trường hợp có những thủ đoạn thao túng rõ ràng, ví dụ như đánh đồng việc không đi bỏ phiếu với sự đồng ý (cơ chế do Napoléon áp đặt cho người Thụy Sỹ), cơ chế trưng cầu dân ý hợp cách tài sản (phải nộp một khoản tiền mới được quyền bỏ phiếu) hay cho tiến hành bỏ phiếu trong không khí lo sợ (trường hợp của nước Pháp thời kỳ cách mạng tư sản).

Nếu muốn trưng cầu dân ý thực sự là một công cụ dân chủ, thì phải bãi bỏ mọi quy định về mặt thủ tục có thể làm đình chỉ hoặc cản trở diễn biến của quá trình trưng cầu dân ý.

____________________
(*) Giáo sư luật của trường Đại học Paris XI


Michele Guillaume- Hofnung*


Trưng cầu dân ý không phải là chế định bắt buộc ở tất cả các nước trên thế giới. Hầu như ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ không áp dụng chế định này. Đó là vì các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ luôn coi trọng tính tối cao của Nghị viện.
Trưng cầu dân ý không bao giờ được tiến hành ở Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức ở cấp độ liên bang mà chỉ tiến hành ở cấp độ tiểu bang. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, theo Luật năm 1949 trưng cầu dân ý được tiến hành ở 2 hay một số bang khi có sự thay đổi lãnh thổ của bang hay thành lập bang mới. Điều đó do Luật Liên bang quy định. Cử tri cần phải trả lời câu hỏi được đưa ra rất xác định: có đồng ý duy trì ranh giới cũ hay cần thành lập bang mới?

Nhiều nước châu Á hầu như không bao giờ tiến hành trưng cầu dân ý.Trưng cầu dân ý được áp dụng tại Singapore duy nhất một lần vào năm 1963 về vấn đề tách khỏi Malaysia hay vẫn là một bang của Malaysia. Tại Indonesia trưng cầu dân ý cũng được áp dụng một lần khi quyết định vấn đề độc lập của Đông Timor. Nhật Bản không có luật trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, trưng cầu dân ý được áp dụng ở các địa phương theo quy định của từng tỉnh. Các tỉnh tổ chức trưng cầu dân ý chủ yếu về các vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường sắt qua tỉnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay xây cầu... Lần đầu tiên trưng cầu dân ý được tiến hành theo đề nghị của cử tri vào năm 1996 tại tỉnh thành phố Maki, tỉnh Niigata về dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử.
Trả Lời Với Trích Dẫn 
#12
hieuto's Avatar
hieuto is offline NEVER EAT ALONE.
Bên cạnh những quy định bắt buộc về trưng cầu dân ý nói chung và trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp nói riêng, pháp luật các nước cũng quy định rõ những điều kiện và thủ tục tổ chức trưng cầu dân ý.
Điều 89 Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Tuy nhiên, theo tinh thần của Hiến pháp, trưng cầu dân ý sẽ được tiến hành trong trường hợp tác giả của dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là các nghị sỹ Quốc hội.

Luật Hiến pháp của Pháp quy định việc sử dụng rộng rãi chế định trưng cầu dân ý. Pháp luật của Pháp quy định trưng cầu dân ý về hiến pháp, nếu như những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thông qua theo sáng kiến của các nghị sỹ tại Quốc hội (nếu theo sáng kiến của Tổng thống thì có khả năng tiến hành trưng cầu dân ý và cũng có khả năng Nghị viện biểu quyết tại phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện).

Ở Pháp trưng cầu ý dân không được tiến hành về các vấn đề sau:


  • 1) Tổ chức quyền lực nhà nước;
  • 2) Thỏa thuận về Khối Liên hiệp Pháp (Hiện nay Khối Liên hiệp Pháp không còn nữa nên quy định này không còn hiệu lực pháp lý);
  • 3) Ủy quyền về phê chuẩn những điều ước quốc tế nếu các điều ước quốc tế đó không trái với Hiến pháp và có ảnh hưởng đến hiệu lực của các định chế Nhà nước.

Việc áp dụng quy định tại Điều 11 Hiến pháp phải đáp ứng 3 điều kiện:



Hiến pháp năm 1958 quy định trật tự pháp luật loại trừ mọi sự kiểm tra đối với hành vi của Tổng thống. Lĩnh vực trưng cầu dân ý cũng đã được mở rộng. Chẳng hạn hiện nay vấn đề cải cách trong chính sách kinh tế và xã hội cũng được coi là vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý. Do vậy, khả năng đưa ra trưng cầu dân ý các vấn đề thuộc chính sách kinh tế và xã hội đã loại trừ ra khỏi thẩm quyền độc tôn của Quốc hội với đa số phiếu tán thành tại các kỳ họp của Quốc hội.

Pháp luật Italy quy định: để tiến hành trưng cầu dân ý cần phải thu thập được 500 ngàn chữ ký cử tri. Ở Hungary cần có đề nghị của 50 nghị sỹ, còn theo quy định của pháp luật Italy trưng cầu dân ý cũng được tiến hành nếu có đề nghị của 5 trên tổng số 20 hội đồng tự quản. Pháp luật của nhiều nước quy định trình tự kiểm tra việc tuân thủ mọi thủ tục nêu sáng kiến trưng cầu dân ý kể cả việc kiểm tra do tòa án Hiến pháp thực hiện. Khi các điều kiện cần thiết đã được tuân thủ thì sáng kiến trưng cầu dân ý sẽ do Nghị viện hoặc Tổng thống thông qua vì hình thức chính thể của Nhà nước (Cộng hòa Tổng thống hay Cộng hòa đại nghị) ảnh hưởng rất lớn tới chế định trưng cầu dân ý.

Hiến pháp Cộng hòa Armenia quy định khá cụ thể về trưng cầu dân ý. Điều 111 Hiến pháp Cộng hòa Armenia quy định Hiến pháp được thông qua hay sửa đổi, bổ sung bằng trưng cầu dân ý theo sáng kiến của Tổng thống nước Cộng hòa hay Quốc hội. Tổng thống quyết định trưng cầu dân ý theo đề nghị hay sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội. Trong thời hạn 21 ngày kể từ khi nhận được dự thảo Hiến pháp hay dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Tổng thống có thể chuyển dự thảo tới Quốc hội với những ý kiến, quan điểm của mình và yêu cầu Quốc hội thảo luận. Trong thời hạn do Quốc hội quy định Tổng thống đưa dự thảo ra trưng cầu dân ý. Đối với các đạo luật khác được thông qua do trưng cầu dân ý thì việc sửa đổi hay hủy bỏ cũng chỉ được tiến hành thông qua trưng cầu dân ý. Một đạo luật được coi là đã được thông qua tại cuộc trưng cầu dân ý nếu quá nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành (tuy nhiên cuộc trưng cầu dân ý phải có sự tham gia của ít nhất 1/3 số cử tri có trong danh sách).Lâm Hoàng


Thực tiễn cho thấy hiện nay đa số các nước quy định thủ tục thông quan, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đều được thực hiện bằng hình thức trưng cầu dân ý, tức là toàn dân tham gia biểu quyết về việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Nga: Cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử

Tuyên ngôn về chủ quyền nhà nước của Liên bang Nga năm 1990 cũng tuyên bố về hai hình thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước: trực tiếp và thông qua cơ quan đại diện và nhấn mạnh rằng, vấn đề về lãnh thổ của Liên bang Nga chỉ có thể được giải quyết thông qua sự thể hiện ý chí của nhân dân tại các cuộc trưng cầu ý dân. Sau khi các đạo luật trên được ban hành ở Nga đã có nhiều cuộc trưng cầu dân ý.

Ngày 12.12.1993, trên cơ sở Sắc lệnh số 1633 của Tổng thống Liên bang Nga ban hành ngày 15.10.1993 “Về tiến hành trưng cầu ý dân toàn Nga về dự thảo Hiến pháp Liên bang Nga ngày 12.12.1993”, đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý toàn Nga.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Người dân Nga đánh giá cao và đã đồng ý với Dự thảo Hiến pháp do Tổng thống đưa ra. Đã có 58.187.775 cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu và đa số (32.937.630 người (tức 58,4%) ủng hộ việc thông qua Hiến pháp. Ngày tiến hành bầu cử cũng được coi là ngày thông qua Hiến pháp Liên bang Nga.

Thụy Sỹ: Quá trình xây dựng dân chủ bán trực tiếp

Những cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử Thụy Sỹ không phải nhằm phát huy dân chủ mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ nền độc lập của các bang vì ở thời đó, những người đại diện tại Quốc hội, trước khi quyết định một vấn đề nào đó, đều tham khảo ý kiến các Thống đốc bang mà không tham khảo ý kiến người dân. Đến năm 1831, hầu hết các bang đều bỏ phiếu thông qua loại hình trưng cầu dân ý về Hiến pháp, thông qua sáng quyền nhân dân và trưng cầu nhằm đình chỉ hiệu lực của đối tượng trưng cầu theo mô hình của Bang Saint-Hall. Đỉnh cao của phong trào này diễn ra vào năm 1869, được coi là năm của pháp luật nhân dân.

Quá trình xây dựng hình thức dân chủ bán trực tiếp ở phạm vi liên bang được bắt đầu bằng Hiến pháp ngày 12.9.1848, đánh dấu bước phát triển của các quyền chính trị liên bang khi ghi nhận cho người dân quyền phê chuẩn và sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, do không có sự phân biệt giữa sửa đổi toàn bộ và sửa đổi một phần Hiến pháp nên cơ chế này bộc lộ rất nhiều nhược điểm. Năm 1891, Hiến pháp liên bang đã có một sửa đổi quan trọng khi thừa nhận việc người dân có quyền đưa ra yêu cầu sửa đổi một phần Hiến pháp liên bang (chứ không phải chỉ có quyền yêu cầu sửa đổi toàn bộ Hiến pháp). Như vậy, người dân có thể thực hiện quyền yêu cầu sửa đổi Hiến pháp một cách dễ dàng hơn.

Hiến pháp Thụy Sỹ dành chương 2 để quy định về thủ tục, trình tự tiến hành trưng cầu dân ý. Điều 138 Hiến pháp quy định Hiến pháp sẽ được sửa đổi nếu có ý kiến đề nghị của 100.000 cử tri. Khi đã thu thập được 100.000 chữ ký cử tri đề nghị sửa đổi Hiến pháp thì cần phải tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 139, Nghị viện sẽ soạn thảo những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và đưa dự thảo ra để trưng cầu dân ý. Nếu đã có đủ số cử tri yêu cầu sửa đổi Hiến pháp nhưng Nghị viện lại không đồng ý với sáng kiến của cử tri thì vấn đề có sửa đổi Hiến pháp hay không cũng cần phải đưa ra trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định.

Nếu kết quả trưng cầu dân ý cho thấy đa số cử tri ủng hộ sáng kiến sửa đổi Hiến pháp thì Nghị viện sẽ phải soạn thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp Thụy Sỹ cũng quy định về trưng cầu dân ý bắt buộc (Điều 140): đó là những vấn đề như: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; Gia nhập tổ chức an ninh tập thể hay các tổ chức, cộng đồng trên quốc gia; ban hành các đạo luật tạm thời, tức là các đạo luật không có cơ sở Hiến pháp và chỉ có hiệu lực không quá 1 năm. Cũng phải tiến hành trưng cầu dân ý bắt buộc về sáng kiến sửa đổi Hiến pháp Liên bang; về sáng kiến sửa đổi một phần của Hiến pháp Liên bang khi có đề nghị của cử tri nhưng Nghị viện không đồng ý với đề nghị đó; về vấn đề có sửa đổi toàn diện Hiến pháp hay không khi còn có bất đồng ý kiến giữa các Viện của Nghị viện.

Bulgaria: Phải “hỏi ý kiến nhân dân”

Hiến pháp Bulgaria năm 1971 quy định “Hỏi ý kiến nhân dân”, một khái niệm bao gồm cả trưng cầu dân ý và việc toàn dân thảo luận các dự thảo luật. Tính chất bắt buộc của trưng cầu dân ý cũng được pháp luật các nước quy định. Chẳng hạn, tại khoản 1, Điều 123 Hiến pháp Thụy Sỹ, Hiến pháp hay một phần của Hiến pháp Liên bang được sửa đổi và có hiệu lực nếu như chúng được đa số công dân Thụy Sỹ tán thành qua trưng cầu dân ý.

Trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện lớn khác đã diễn ra, thể hiện vai trò quan trọng của trưng cầu ý dân như đại đa số những cuộc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp từ năm 1989 tại Đông Âu; Quá trình xây dựng Liên minh châu Âu, trong đó có những vấn đề quan trọng như: phê chuẩn Hiệp ước Maatrischt hay Hiến pháp châu Âu; Việc tìm kiếm sự cân bằng trong Hiến pháp của Canada hay những đổi mới về chính trị ở Italy... Tất cả những dữ liệu và sự kiện trên đây cho thấy, trưng cầu dân ý là một chế định rất đáng quan tâm và hiện nay, cũng đã bắt đầu trở thành đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu.


Minh Trâm
Trả Lời Với Trích Dẫn 
Trong trường hợp tổ chức trưng cầu dân ý, thường xảy ra hiện tượng, chỉ có một bộ phận cử tri đi bỏ phiếu nhưng đa số cử tri đi bầu vẫn bỏ phiếu ủng hộ. Vấn đề quan trọng được đặt ra là, liệu ý kiến của thiểu số có thể được coi là ý kiến của nhân dân hay không?
Câu trả lời ở đây có thể là khẳng định, cũng có thể là phủ định. Nếu số phiếu tán thành là đa số so với số người tham gia bỏ phiếu nhưng những người tham gia bỏ phiếu lại chỉ chiếm số ít trong số cử tri có trong danh sách thì hiển nhiên số đồng ý là rất ít so với cử tri. Tuy nhiên cũng cần phải thấy một thực tế là những người không tham gia bỏ phiếu là những người thờ ơ với công việc chung và do vậy đối với họ không có vấn đề gì là quan trọng cả.

Pháp luật nhiều nước quy định phương án tán thành phải là sự lựa chọn của đa số cử tri tham gia bỏ phiếu và số phiếu đó phải là phiếu hợp lệ. Theo Điều 45, khoản Hiến pháp Áo, “Khi tiến hành trưng cầu ý dân kết quả là nghiêng về phía có số phiếu đa số tương đối” (quá bán). Theo Điều 73, Hiến pháp Macedonia, quyết định được thông qua nếu có đa số phiếu tán thành với điều kiện quá nửa số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu. Theo khoản 3, Điều 132 Hiến pháp Namibia, mọi dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải được sự đồng ý của 2/3 tổng số phiếu thuận cử tri qua trưng cầu ý dân. Tại Thụy Sỹ, để thông qua một đạo luật thường, cần có sự đồng ý của quá nửa cử tri tham gia trưng cầu ý dân, còn dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần được sự đồng ý của đa số tuyệt đối cử tri tham gia trưng cầu ý dân. Pháp luật Italy quy định đối với các cuộc trưng cầu ý dân địa phương vấn đề đưa ra được thông qua nếu có được sự đồng ý của đa số phiếu đồng ý của các đại biểu cơ quan tự quản địa phương.


Trả Lời Với Trích Dẫn 
 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code