Monday, August 12, 2013

YẾU TỐ TÂM LÝ PHÁP LUẬT TRONG QUÁ TRÌNH NÂNG CAO Ý THỨC PHÁP LUẬT Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Thay đổi trạng thái tâm lý -
Ảnh: www.usao.edu
PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan
Nguồn: Khoa học pháp lý, Số 4/2004, 
truy cập đường link gốc tại đây

I. Ý thức pháp luật được xem là điều kiện quan trọng, là tiền đề tư tưởng trực tiếp cho việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật; là cơ sở hình thành văn hoá pháp lý của các chủ thể pháp luật, tạo cho chủ thể có khả năng và kỹ năng sử dụng có hiệu quả cơ chế điều chỉnh pháp luật để bảo vệ lợi ích cho bản thân mình, cho nhà nước và cho xã hội, xử sự đúng đắn, phù hợp trong các mối quan hệ xã hội.

Ý thức pháp luật được tạo nên bởi hệ tư tưởng pháp luật (nhận thức pháp lý) và tâm lý pháp luật. Nếu hệ tư tưởng pháp luật là kết quả của sự phản ánh tự giác, có mục đích, có tính tổ chức cao của các họat động tư duy lý luận, thì tâm lý pháp luật chỉ là sự phản ánh những tâm trạng, cảm xúc, thái độ, tình cảm của con người với pháp luật và quá trình điều chỉnh pháp luật, tinh thần và hành vi thực hiện pháp luật một cách tự phát nhiều hơn. Tâm lý pháp luật bị chi phối bởi hệ tư tưởng pháp luật, nó phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm và trình độ nhận thức lý luận của cá nhân. Và ngược lại, tâm lý pháp luật là tiền đề thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các tư tưởng, quan điểm pháp luật phù hợp.

Tâm lý pháp luật chứa đựng trong nó những rung động về tâm hồn của con người đối với những hành vi được điều chỉnh bằng những tiêu chuẩn pháp lý như: niềm tin, sự trân trọng, định kiến, thù ghét, ác cảm.... Tâm lý pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp của chủ thể và góp phần nâng cao phẩm giá, nhân cách con người, từ đó hình thành trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, lớn hơn nữa là với quê hương, nhân loại.

II. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng yếu tố tâm lý pháp luật ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Việc củng cố nâng cao ý thức pháp luật thời gian qua chúng ta mới chỉ chủ yếu tập trung vào xây dựng hệ tư tưởng pháp luật nhiều hơn mà ít chú ý tới việc củng cố, định hướng để hình thành những thái độ, tình cảm pháp luật đúng đắn, phù hợp trong cán bộ và nhân dân. Do vậy, có thể nói hiện nay ý thức pháp luật ở nước ta đã được nâng cao một bước, nhưng tâm lý pháp luật trong cán bộ và nhân dân thì diễn biến còn khá phức tạp.

Tâm lý pháp luật là một hiện tượng tương đối bền vững, nó hình thành và biến đổi chậm chạp cùng với những truyền thống, thói quen của con người. Tính chất của nền kinh tế đất nước ta hiện nay cho thấy, phần đông dân cư ở nước ta đã và đang gắn bó với nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, manh mún, phân tán, với những tập tục phức tạp, rườm rà, do vậy ý thức pháp luật của nhiều người dân còn thấp, một bộ phận dân cư chưa có thói quen sống và làm việc theo pháp luật, thậm chí có một số người còn xem pháp luật như là một sự trói buộc, thường tìm cách trốn tránh, bất tuân pháp luật. Nếu nhìn lại lịch sử chúng ta thấy thái độ bất tuân pháp luật đã hình thành và phát triển từ rất lâu trong xã hội thực dân phong kiến. Khi đó pháp luật chủ yếu thể hiện ý chí và mang lại lợi ích cho thực dân, phong kiến, khi mà giữa nhà nước và nhân dân lao động luôn có sự đối lập nhau, thì người dân lao động luôn tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật, không tuân theo pháp luật. Khi đó những tập tục của cộng đồng làng, bản..., nơi những người dân phải co cụm lại vì lợi ích cục bộ của cộng đồng và bản thân đôi khi còn quan trọng, được tôn trọng và thực hiện nghiêm hơn cả pháp luật của nhà nước thực dân phong kiến (phép vua, thua lệ làng).

Trong xã hội ta nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân còn “pháp luật là thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân...”1 nên cả nhà nước và nhân dân cùng quan tâm tới việc thực hiện pháp luật nghiêm minh. Tuy nhiên, do tính chất bền vững của tâm lý pháp luật mà thái độ bất tuân pháp luật đã trở thành thói quen, đã ăn sâu, bám rễ trong ý thức của nhiều người; do vậy, trong họ luôn tiềm ẩn khuynh hướng tìm mọi cách để lẩn tránh luật pháp, tìm cách “lách luật”, tìm ra những kẽ hở, những khiếm khuyết, hạn chế của pháp luật để hễ có cơ hội thì vụ lợi. Chẳng hạn, khi nhà nước đưa ra quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, thì chỉ sau một thời gian ngắn đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức gian dối lợi dụng để chiếm đoạt bất hợp pháp tiền bạc của nhà nước; thời kỳ nhà nước nghiêm cấm mua bán đất thì người ta nghĩ ngay đến việc che giấu mua bán đất dưới hình thức như mua bán nhà ở, cây lâu năm...; khi các trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông hoạt động mạnh thì các lái xe đã liên kết với nhau, tìm cách thông báo cho về các trạm kiểm soát của cảnh sát đặt ở đoạn đường nào để đến đó thì họ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông còn trước đó và sau đó thì họ tìm mọi cách vi phạm như chạy quá tốc độ, chở quá quy định... Cũng cần phải thừa nhận một thực tế là có những trường hợp chủ thể bất tuân pháp luật không nhằm mục đích vụ lợi mà chỉ nhằm để thoả mãn trạng thái tâm lý là “không ai làm gì được mình”, thậm chí chỉ là để “thể hiện mình” trước những người xung quanh.

Cũng do việc định hướng tình cảm pháp luật chưa tốt nên trong xã hội ta tâm lý ác cảm với cảnh sát, với người đại diện chính quyền vẫn còn tồn tại. Thậm chí có trường hợp khi cảnh sát xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nào đó thì một số cá nhân khác lại ủng hộ, bênh vực, giúp đỡ kẻ vi phạm, tạo điều kiện cho kẻ vi phạm trốn tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Những kẻ ủng hộ này thường là đồng bọn của kẻ vi phạm hoặc là những kẻ xưa nay vẫn vi phạm pháp luật nhưng không bị phát hiện hoặc không bị xử lý. Một số người dân tuy không ủng hộ việc làm sai trái đó nhưng lại thờ ơ, không ủng hộ việc làm đúng của cảnh sát, không ủng hộ cái đúng và như vậy, vô hình trung họ đã tạo điều kiện để cái sai, cái xấu vẫn tồn tại và hoành hành trong xã hội. Nhưng khi cái xấu có liên quan đến họ thì họ lại ra sức trách móc, trông chờ sự giúp đỡ người khác đặc biệt là của cảnh sát hoặc chính quyền. Việc tác động để hình thành những tình cảm, xúc động đúng đắn đối với pháp luật, đối với hành vi của những người thừa hành pháp luật có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa những hành vi không phù hợp, trái với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực pháp luật trong xã hội.

Trong nhiều hoạt động nhà nước ở nước ta vẫn còn biểu hiện của tâm lý cửa quyền, muốn được cầu cạnh, ban phát theo kiểu “con không khóc thì mẹ không cho bú” và đứa con nào khóc to, biết cách khóc, khóc hay thì sẽ được bú nhiều. Chính thói quen tâm lý này đã góp phần tạo ra trong xã hội ta cơ chế “xin - cho”, mọi thứ đều phải “xin” thì mới được những người đại diện nhà nước “cho”. Cơ chế “xin - cho” đã làm mất đi tính chủ động phục vụ nhân dân của những người có chức vụ, quyền hạn. Rất nhiều kẻ gian tham đã lợi dụng cơ chế “xin - cho” để vụ lợi, chúng coi tài sản nhà nước như “một thứ tự nhiên mà có” xin được càng nhiều càng tốt, tìm mọi mánh khóe để cậy cục xin, ỷ lại, trông chờ vào việc xin. Kẻ được cho thì coi tài sản nhà nước như là của mình, mình ban ơn, mình cho ai thì người đó được hưởng. Và không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tài sản, cơ chế “xin - cho” còn lan sang cả các lĩnh vực khác như công tác thi đua khen thưởng, công tác tổ chức cán bộ... gây ra dư luận không tốt trong nhân dân. Chính cơ chế “xin - cho” đã làm cho người có thẩm quyền áp dụng pháp luật tùy tiện mà người bị áp dụng pháp luật cũng tự do, tuỳ tiện, theo kiểu bất tuân các quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền áp dụng pháp luật thì cho rằng đó là “quyền của mình”, mình muốn làm gì thì làm, mình cho, mình làm ơn thì người dân được hưởng, được nhờ còn mình không cho, không làm thì người dân phải cậy cục nhờ vả, van xin... hoặc là nếu là người thân quen thì xử lý khác, còn người không thân quen thì xử lý khác.... Nhiều chủ thể bị áp dụng pháp luật đã coi thường, không chấp hành quyết định áp dụng pháp luật, với tâm lý “làm gì nhau” và nếu gặp trường hợp thiếu kiên quyết, “đánh trống bỏ dùi”, thiếu triệt để của các cơ quan nhà nước thì chẳng sao cả, càng làm cho tâm lý thách thức, coi thường người đại diện chính quyền tăng lên trong xã hội.

Tâm lý tuỳ tiện tiểu nông còn thể hiện ở việc chấp hành thời gian lao động, sinh hoạt, hội họp. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà hầu hết các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, ngày làm việc đã không được thực hiện đúng giờ. Để đảm bảo thời gian chính xác trong lao động nhiều cơ quan, đơn vị nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã phải áp dụng các biện pháp thưởng phạt về vật chất rất nghiêm khắc mới có thể khắc phục được hiện tượng đi muộn, về sớm của một số người. Tuy nhiên, hiện tượng tuỳ tiện về thời gian trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp thì hầu như chưa được khắc phục, vì tâm lý “chẳng chết ai” và “không ảnh hưởng gì ghê gớm lắm”. Hiện tượng đi muộn trong nhiều cơ quan, đơn vị lại chính là những người có chức vụ, quyền hạn, người chủ trì, chủ toạ các cuộc hội họp hoặc là những đại biểu cấp trên được mời tham dự. Hình như những người này tự coi là mình được quyền đến muộn hoặc có đến sớm thì cũng vào phòng chậm, muộn hơn những người khác. Điều đó như là để thoả mãn tâm lý là họ “quan trọng hơn người khác”, chưa có họ là chưa bắt đầu được. Đối với một số người đến muộn thậm chí còn để thể hiện sự “oai phong của mình”, nhiều trường hợp người đến muộn còn được “vỗ tay chào đón”, do vậy một số người cố ý đến muộn hoặc cố ý vào muộn chứ không phải vì những lý do nào khác.

Trong đời sống sinh hoạt và lao động nhiều khi người dân do không hiểu biết đầy đủ pháp luật dẫn đến tâm lý thiếu tự tin trong các hoạt động, làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Điều này, một mặt làm giảm khả năng của người dân trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại, mặt khác có thể góp phần làm tăng khả năng khiếu kiện bừa bãi, không đủ căn cứ, không đúng thủ tục... dẫn tới bất ổn định xã hội. Tình trạng kém hiểu biết về pháp luật cũng dễ tạo nên tâm lý thờ ơ, lãnh đạm, thậm chí coi thường pháp luật, dẫn đến người dân có những hành vi xử sự không đúng với quy định của pháp luật.

Ở nước ta có thời kỳ do công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị được chú trọng hơn so với tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã dẫn đến hiện tượng người dân Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ cán bộ đến người dân bình thường luôn có sự quan tâm đến chính trị, đến tình hình thế giới nhiều hơn là quan tâm đến pháp luật của chính đất nước mình, những quy định pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của chính mình.

Thời gian qua công việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua xét xử đã bước đầu được chú trọng, góp phần tạo nên niềm tin của nhân dân vào các quyết định của toà án, nhưng nếu nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc thì công viêc này chưa được chú trọng ở tất cả các cấp tòa án và trong một toà án thì chưa được tất cả các thẩm phán, hội thẩm nhân dân quan tâm đúng mức. Khi xét xử, hội đồng xét xử mới chỉ chú ý đến việc giải quyết việc cụ thể, do ít chú ý đến mục đích giáo dục, nên nhiều trường hợp không phổ biến các quy định của pháp luật, không giải thích cặn kẽ các quy định của pháp luật, do vậy tính thuyết phục, sự giáo dục của các quyết định áp dụng pháp luật chưa cao. Ngôn ngữ sử dụng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với những người dân có liên quan đôi khi còn chưa phù hợp, thậm chí mang tính miệt thị, đay nghiến hay nạt nộ, không thể hiện được thái độ tôn trọng, không đảm bảo tính công bằng, dân chủ của pháp luật, và thường là ngôn ngữ mang tính xã hội, tính gia đình (với sự phân tầng đẳng cấp, trên dưới) ít mang tính công sở, tính pháp lý… chưa đúng với văn hoá pháp lý hiện đại. Kể cả tâm lý thiếu tôn trọng của cán bộ cấp trên đối với cấp dưới, của cán bộ đối với nhân dân. Do vậy, những người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan nhà nước trước hết hãy tôn trọng cấp dưới, tôn trọng nhân dân tức cũng có nghĩa là tôn trọng chính mình, khi đó cũng sẽ được những người khác tôn trọng thực lòng, chứ không “bị buộc phải tôn trọng”.

Mặc dù không nói ra, nhưng thông qua những cách nghĩ, cách làm của nhiều cán bộ, công chức cho chúng ta thấy tâm lý “trừ mình ra”, “mình phải hơn người khác” hơn ở đây là về mặt lợi ích được hưởng nhiều hơn, còn về nghĩa vụ, trách nhiệm, thì chỉ phải thực hiện ít hơn hoặc không phải thực hiện, “mình được quyền như thế” đã ăn sâu bám rễ vào nhiều thế hệ cán bộ, công chức của chúng ta do ảnh hưởng của chế độ quan lại thời kỳ phong kiến trước kia và của một số vị “quan cách mạng sau này”. Vì thế, ngành nào, lĩnh vực nào cũng tự đặt ra cho mình những đặc quyền, đặc lợi mà họ cho rằng mình xứng đáng hoặc đương nhiên phải được hưởng. Điều này đã làm mất đi yếu tố tự đánh giá cá nhân là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của tâm lý pháp luật, thể hiện thái độ của mỗi người đối với hành vi của mình. Do thiếu đi sự tự đánh giá cá nhân cần thiết nên trong nhiều cán bộ, công chức những cảm xúc như tự hào, buồn lo, xấu hổ... gần như cũng không có. Họ không hề thấy xấu hổ đối với những hành vi cửa quyền, nhận hối lộ, tham nhũng của mình. Đây là một hiện tượng vô cùng nguy hại cho các hoạt động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Trong cuộc sống hiện nay người ta nói nhiều đến đạo đức của mọi ngành, mọi nghề. Song cần chú ý đến đạo đức người quản lý, lãnh đạo mà khi đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường căn dặn cán bộ, công chức khi đó là “ Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta...”2. Thực tiễn ở nước ta vừa qua, việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp là việc làm có lợi cho dân, cho nước thì lại thường bị các cơ quan, những người có trách nhiệm “hết sức tránh” bằng cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thông qua việc “kính chuyển”, “kính gửi” vòng vo. Như vậy, sự xúc động, lương tâm con người của họ gần như không còn, họ im lặng, vô cảm trước những yêu cầu bức xúc của người dân hoặc của các doanh nghiệp. Có thể nói sự quan liêu, vô cảm của các cơ quan, các cán bộ, công chức nhà nước đối với đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước là hiện tượng còn nguy hại hơn nhiều so với những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Như vậy, từ những trạng thái tâm lý tưởng như rất nhỏ, vặt vãnh, ít ai để ý đến nhưng chúng lại có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc của bộ máy nhà nước, đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của một xã hội công nghiệp, văn minh và hiện đại. Trong tiến trình đổi mới, mở cửa và hội nhập đời sống xã hội nói chung, đời sống pháp luật nói riêng ngày càng trở nên phức tạp hơn, trong xã hội đã xuất hiện rất nhiều tư tưởng, quan điểm pháp luật mới đòi hỏi những tình cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và quá trình điều chỉnh pháp luật cũng phải có những thay đổi cho phù hợp.

Việc thay đổi những tình cảm, thái độ pháp lý không phù hợp và tạo dựng, củng cố tâm lý pháp luật đúng đắn là việc làm vô cùng khó khăn hiện nay, bởi tính chất bền vững, bám rễ của yếu tố tâm lý trong ý thức của mỗi người trong chúng ta. Nó đòi hỏi sự kiên trì, quan tâm đúng mức của đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội và mỗi người dân trong xã hội ta vì một xã hội văn minh, hạnh phúc.

III. Để có những đổi mới tích cực trong tâm lý pháp luật ở nước ta hiện nay theo chúng tôi trước hết cần tạo ra những cơ chế, chính sách đúng đắn, kiên quyết sửa đổi hoặc loại bỏ một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp, những chính sách dễ bị lợi dụng, dễ phát sinh ra hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Triệt để hơn nữa trong việc xoá bỏ cơ chế “xin- cho” trong các hoạt động nhà nước, từng bước chuyển bộ máy nhà nước sang cơ chế phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước phải “đều là công bộc của dân,..gánh việc chung cho dân...”3

Kiên quyết loại bỏ những cán bộ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân. Cương quyết và triệt để hơn nữa trong đấu tranh, xử lý các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật cho dù người vi phạm là bất cứ ai. Tình trạng nhân nhượng, nể nang của một số cơ quan chức năng và cán bộ, công chức nhà nước trong việc bảo vệ pháp luật, duy trì trật tự pháp luật nhất là cách giải quyết “phạt, cho tồn tại” chính là những yếu tố góp phần tạo ra tâm lý chây, ỳ, thách thức chính quyền, khinh nhờn dư luận của một số ít kẻ bất tuân pháp luật. Không có sự phát triển nào lại không phải trả giá, để có được sự tự giác chấp hành pháp luật nghiêm minh nhiều trường hợp xuất phát từ những bài học đắt giá mà chủ thể hoặc xã hội đã phải trải qua. Theo chúng tôi Đảng, Nhà nước và xã hội đã đến lúc phải chấp nhận những sự hy sinh cần thiết nhất định, kiên quyết xử lý nghiêm khắc những kẻ thoái hóa biến chất, bất kể người đó là ai để tạo ra một trật tự, kỷ cương đảm bảo cho xã hội phát triển nhanh và bền vững. Không thể chấp nhận được hiện tượng dân chủ quá trớn, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, cản trở tiến trình phát triển đất nước của một số cá nhân.

Xây dựng một nền hành chính trong sạch và hiệu qủa, nền hành chính phục vụ nhân dân. Người dân đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước, do vậy, bộ máy nhà nước phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Củng cố tình cảm, thái độ đúng đắn đối với pháp luật, với quá trình thực hiện và bảo vệ pháp luật. Tất cả cán bộ, công chức và mỗi người dân không những phải hiểu biết pháp luật mà còn phải có thói quen “sống, làm việc theo pháp luật”. Muốn tạo ra thói quen sống, làm việc theo pháp luật trước hết phải bắt buộc, nói cách khác khi đầu là bắt buộc dần dần mới thành thói quen, để có được thói quen, sự tự giác, lúc đầu cần phải nghiêm khắc, thậm chí là rất nghiêm khắc. Lênin đã từng nhấn mạnh: “Nếu không rơi vào không tưởng thì không thể nghĩ rằng sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, người ta sẽ tức khắc có thể làm việc cho xã hội mà không cần phải có tiêu chuẩn pháp luật nào cả, hơn nữa, việc xoá bỏ chủ nghĩa tư bản không thể đem lại ngay được những tiền đề kinh tế cho một sự thay đổi như vậy”4. Đành rằng giáo dục, thuyết phục là quan trọng, nhưng sau khi đã giáo dục, thuyết phục, đã giải quyết có tình, có lý mà vẫn không thực hiện thì cần phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế cứng rắn một cách cương quyết, triệt để. Kinh nghiệm của một số trường hợp giải phóng mặt bằng và lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông thời gian qua đã cho thấy cần phải cương quyết cứng rắn hơn nữa. Cha ông ta đã có câu “mềm nắn, rắn buông”, việc Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nền dân chủ rộng rãi trong các hoạt động nhà nước và xã hội không có nghĩa là thiếu đi những biện pháp cương quyết, cứng rắn khi cần thiết vì lợi ích của cả cộng đồng. Tất nhiên để cương quyết được thì trước hết các cơ quan nhà nước, các nhà chức trách phải giải quyết, quyết định các vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, vô tư, không thiên vị, vì lợi ích chung theo tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Tóm lại, nâng cao ý thức pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền là vô cùng quan trọng. Bởi nếu ý thức pháp luật thấp thì khó có thể xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống pháp luật khoa học, phù hợp, đồng thời với ý thức pháp luật thấp thì các chủ thể cũng khó có thể nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật chính xác, có hiệu quả cao được. Việc nâng cao ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay không nên chỉ chú ý tới việc xây dựng, hoàn thiện những tư tưởng quan điểm pháp lý mà còn cần phải chú trọng cả tới việc hình thành thái độ, tình cảm, cảm xúc pháp lý phù hợp, đúng đắn; có như vậy thì việc điều chỉnh pháp luật mới thực sự có hiệu quả cao.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi chúng ta không chỉ có chủ trương, chính sách đúng mà còn cần phải chuẩn bị những con người có trí tuệ, thông minh, có trình độ chuyên môn cao, có thói quen và ý thức sống, làm việc, lao động theo pháp luật, đồng thời phải có tâm lý pháp luật đúng đắn, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc.
-------


1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật Hà Nội 1987, tr. 120.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 1995 trang 56-57.

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 1995 tr. 56.

4. V. I. Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ Matxcova 1976, tr. 116.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code