Thursday, August 15, 2013

Ai bảo vệ những người “chiến đấu” với tử thần?

(PL&XH) - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ bác sĩ bị đe dọa, hành hung do người nhà bệnh nhân cho rằng cái chết của người thân bắt nguồn từ việc bác sĩ thờ ơ, vô trách nhiệm. Đằng sau những sự việc trên ẩn chứa điều gì?

Những hành vi phạm tội...

Ngày 8 – 8 - 2013, ông Nguyễn Xuân Hồng, 75 tuổi, trú tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nhập viện vào khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh để điều trị vì bị viêm xương, đau nhức khắp cơ thể (theo chẩn đoán của bác sĩ). Đến khoảng 11g ngày 12 - 8, sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh, bệnh nhân Hồng bị sốc phản vệ, ngừng tuần hoàn và có nguy cơ tử vong. Các bác sĩ đã chuyển ông Hồng lên khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị. Lúc này bệnh nhân đã rơi vào tình trạng chết lâm sàng.

Khi biết được thông tin bệnh nhân tử vong, khoảng 10 người nhà của bệnh nhân Hồng bức xúc cho rằng đó là lỗi của các y, bác sĩ nên đã lao vào hành hung 4 y, bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực.

Hậu quả bác sĩ Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) bị rách vùng trên mắt, bác sĩ Trung bị đánh rách giác mạc, đập vỡ kính cận. Y tá Anh Quang và Thảo (khoa Chấn thương) bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập phá một chiếc máy sốc tim có giá trị mấy trăm triệu đồng (cả viện chỉ có 2 cái dùng để cấp cứu), đập vỡ toàn bộ kính phòng điều trị của khoa Hồi sức tích cực.

Chỉ đến khi có mặt của khoảng 40 chiến sỹ CA tại hiện trường, sự việc trên mới được ngăn chặn, khống chế.

Nguồn tin của PV cho biết, người nhà bệnh nhân yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong. Đến khoảng 18g cùng ngày, thi thể bệnh nhân Hồng được đưa về để tổ chức mai táng. CA TP Hà Tĩnh đang điều tra vụ việc.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về thực trạng hành hung bác sĩ. Dường như xung đột giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở việc tố cáo hay khiếu kiện thầy thuốc. Hàng loạt bác sĩ bị người nhà bệnh nhân bao vây hành hung ngay tại nơi làm việc. Có thể kể đến các trường hợp như nhân viên cấp cứu ở BV Bạch Mai bị chửi mắng, đạp vào bụng. Nghiêm trọng hơn là trường hợp xảy ra ở BVĐK huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đối tượng Nguyễn Xuân Dũng, SN 1993 cùng một số người thân trong gia đình đưa anh trai Nguyễn Văn Hùng, SN 1991, trú tại thôn Nẽ Châu, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, vào cấp cứu tại BVĐK huyện Vũ Thư. Do tình trạng nhập viện của anh Nguyễn Văn Hùng quá nặng, mặc dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Cho rằng ê kíp cấp cứu, trong đó có bác sĩ Phạm Đức Giầu chậm trễ trong việc cấp cứu cho anh trai mình, Dũng đã luôn miệng chửi bới, đe dọa ê kíp cấp cứu.

Sau đó, Dũng đi ra ngoài rồi vào phòng bệnh nhân lấy con dao của người nhà bệnh nhân, quay trở lại phòng cấp cứu, đâm bác sĩ Nguyễn Ngô Hoàn và bác sĩ Phạm Đức Giầu khiến bác sĩ Hoàn mất 18% sức khỏe, bác sĩ Giầu tử vong. Với hành vi phạm tội này, Nguyễn Xuân Dũng bị kết án chung thân cho tội giết người, 4 năm cho tội cố ý gây thương tích. Tổng hình phạt chung cho cả 2 tội là chung thân.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng: “Mỗi khi sự việc không mong muốn xảy ra – dù không có cơ sở, nhiều người nhà bệnh nhân vội vàng “trở mặt” đổ tất cả nguyên nhân là do bác sĩ, thậm chí hành hung họ dã man”. Ảnh: Sỹ Hào

“Sự thật” phía sau…

Cần phải khẳng định, hành vi hành hung bác sĩ là trái pháp luật, trái đạo lý. Thế nhưng, sau những phút bốc đồng, lý giải cho hành động trái pháp luật của mình, những người tổ chức hành hung bác sĩ đều biện minh rằng, do “bức xúc” trước thái độ thờ ơ của bác sĩ - họ cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân mình.

Thực tế, cũng có ý kiến “lý giải” cho việc nở rộ những hành động trái pháp luật, trái đạo lý như trên là do “tức nước vỡ bờ”, bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể vì sự giao tiếp không tốt, thái độ vô trách nhiệm của những người làm nghề thầy thuốc cứu người. Những vụ kiện tụng liên quan đến y đức và chuyên môn của người thầy thuốc, dường như ngày càng phổ biến. Mặt khác trong rất nhiều vụ việc, kết luận cuối cùng của cơ chức năng cũng cho thấy phần lỗi không nhỏ thuộc về phía BV, bao gồm cả sự tắc trách, thái độ lơ là, lẫn trình độ chuyên môn và nhiều biểu hiện tiêu cực khác... của người thầy thuốc.

Hiện trạng tại khoa Hồi sức tích cực, BVĐK Hà Tĩnh sau khi bị người nhà bệnh nhân “bức xúc” đập phá máy móc, hành hung bác sĩ vào ngày 12 – 8.

Nhiều “sơ sảy” của thầy thuốc đã để lại những hậu quả nghiêm trọng khiến thai phụ và thai nhi tử vong; người bệnh phải cưa chân; bệnh nhân mổ thận trái bị cắt nhầm thận phải; hay bỏ quên dụng cụ trong người bệnh nhân… cũng từng xảy ra.

Mặt khác, ở một góc nhìn xã hội học, nhiều ý kiến lại cho rằng đời sống hiện đại đang tạo cho con người rất nhiều áp lực và những rủi ro. Sự “tức nước vỡ bờ” còn có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ khác: những áp lực cuộc sống không được giải tỏa; sự khó chịu dồn nén trong tâm tư của mỗi người… khiến nhiều người mất thăng bằng. Tất cả “cộng dồn” lại, và BV trở thành một trong những nơi… bùng nổ, khi hiện tại bác sĩ đã mất dần vị thế “thần tượng” để mọi người tôn kính, ngưỡng mộ.

Trên thực tế, không ai có thể lường trước được những rủi ro sẽ đến với mình. Và rủi ro thường đến vào những lúc khó ngờ nhất – đồng nghĩa với nguy hiểm nhất. Rất nhiều trường hợp không có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy sự bệnh tật, thế nhưng chỉ sau một đêm, nhiều người đã ngủ một giấc vĩnh viễn, mà những người thân không bao giờ hiểu được nguyên nhân.

Bác sĩ Mai Văn Lục– một trong những nạn nhân trong vụ hành hung tại BVĐK Hà Tĩnh. Ảnh: Sỹ Hào

Trong phần lớn trường hợp, rủi ro đến với con người được xem là sự… thường tình. Thế nhưng, bác sĩ lại không được dư luận nhìn nhận ở góc độ “bình thường” như vậy. Bác sĩ mặc nhiên được xem là người có “quyền năng” đặc biệt, nhiều người đã hi vọng (hão huyền) bác sĩ có thể cứu chữa được tất cả bệnh nhân, dẫu cho tình trạng bệnh tật của họ nghiêm trọng đến thế nào đi nữa. Và niềm hi vọng càng lớn dẫn đến sự thất vọng càng nhiều, khi sự việc không như mong muốn, nhiều người đã không kiềm chế được bản thân mình và gây ra tội ác.

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề trên, một bác sĩ công tác tại BV trên địa bàn Hà Nội tâm sự: “Mỗi khi có chuyện “không hay” xảy ra, trước tiên bác sĩ liên quan sẽ bị kỷ luật, để trấn an dư luận, mà không cần biết bác sĩ đó đúng hay sai? Cách “xử lý” này, lúc học cách quản lý BV, người ta cũng dạy những người thầy thuốc như vậy. Tức là chưa cần biết đúng sai, khi người nhà bệnh nhân “bày tỏ bức xúc” cho rằng lỗi thuộc về bác sĩ nào, thì ngay lập tức bác sĩ đó phải ngừng công tác và bị yêu cầu viết bản kiểm điểm, mọi chuyện đúng sai rồi sẽ tính sau. Có thể, điều này sẽ mang lại hiệu quả trong việc trấn an nỗi “bức xúc” của người dân, thế nhưng rất có thể cũng tạo ra những suy nghĩ sai lầm – khẳng định bác sỹ “sai” nên mới chịu hình thức kỷ luật, dù sự thật có khi không như vậy. Với người trí thức, trọng danh dự, có trách nhiệm trong công việc, cách “xử lý” này là một sự xúc phạm ghê gớm. Nhưng rơi vào trường hợp này, các bác sĩ không có cách nào khác ngoài sự ngậm ngùi chấp nhận…”.

Nói như vậy không có nghĩa là người thầy thuốc không có lỗi. Trên thực tế, có nhiều chuyện rất đau lòng xuất phát từ bác sĩ: Thờ ơ, vô trách nhiệm, hù dọa bệnh nhân để lấy phong bì. Nhưng những con người như vậy chỉ chiếm số lượng vô cùng ít so với phần lớn các bác sĩ hết lòng hết dạ với nghiệp cứu người. Chính vì vậy, đừng vì thiểu số, đừng vì những “bức xúc” không đáng có rồi viện cớ hành hung bác sĩ, việc này là không thể chấp nhận.

Nhìn nhận sự việc ở góc độ pháp luật, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, khẳng định: “Thực trạng hành hung bác sĩ đang diễn ra ngày một đáng ngại và khó kiểm soát. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật đồng thời vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Nếu bác sĩ vi phạm y đức, đã có các cơ quan chức năng tiến hành điều tra kết luận và xử lý. Người dân chỉ có quyền khiếu nại tố cáo, chứ không có quyền hành hung bác sĩ, bởi lẽ tính mạng và sức khỏe của con người là bất khả xâm phạm. Những trường hợp lấy lý do “bức xúc” rồi hành hung bác sĩ, đập phá tài sản BV, vừa phạm pháp, vừa gây rối trật tự công cộng, vừa vi phạm đạo đức, cần phải bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe kẻ khác.”

“Không có bác sĩ nào lại không mong bệnh nhân của mình mau bình phục. Họ đã quên ăn, quên ngủ điều trị cho bệnh nhân. Lẽ ra phải tôn trọng và bày tỏ lòng biết ơn, thế nhưng mỗi khi sự việc không mong muốn xảy ra – dù không có cơ sở, nhiều người lại vội vàng “trở mặt” đổ tất cả nguyên nhân là do bác sĩ, thậm chí hành hung họ dã man. Việc này là không thể chấp nhận” – Luật sư Hoàng Văn Hướng phân tích thêm.

Cũng theo luật sư Hoàng Văn Hướng, “thực trạng” hành hung bác sĩ diễn ra phức tạp như hiện nay, còn bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa, đó là quan điểm chưa đúng của một số người tạo nên “dư luận”.

“Cụ thể, khi nói đến sai sót giữa bác sĩ với bệnh nhân thì dư luận thường đứng về phía bệnh nhân, không cần biết đúng sai. Những hành vi “không chuẩn” của bệnh nhân cùng người nhà thì ít được dư luận đề cập, bởi theo họ, bệnh nhân bao giờ cũng đúng, nhu cầu của bệnh nhân là đúng. Khi tiếp cận sự việc, dẫu biết rằng gia đình bệnh nhân rất cần sự chia sẻ, thế nhưng sự việc xảy ra cũng rất cần sự khách quan, công tâm để định hướng dư luận, tháo gỡ vấn đề. Tránh việc “thổi phồng” hay đưa thông tin một chiều, thiếu những cơ sở khoa học khiến sự việc thêm phần phức tạp” – luật sư Hoàng Văn Hướng phân tích.

Sỹ Hào

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code