Vào thời kỳ cổ đại, vùng Lưỡng Hà bao chiếm một khu vực tương ứng với nước Irak ngày nay. Lãnh thổ Lưỡng Hà phía Bắc có tên gọi là Assyrie (At-xi-ri), phía Nam được gọi là Babylone. Vùng Babylone được chia làm hai khu vực nhỏ hơn là Akkad (Ac-cát) ở phía Bắc và Sumer (Xume) ở phía Nam.
2. Lưỡng Hà thời tiền sử và sơ sử
Vào thời kỳ tiền sử ( la préhistoire) , con người đã đến sinh sống trên mảnh đất Lưỡng Hà. Những mảnh gốm đầu tiên được các nhà khảo cổ học tìm thấy có niên đại khoảng 7.000 năm trước công nguyên. Cũng trong thời kỳ này, đã có những bằng chứng cho thấy dấu vết của sự thuần hoá động vật hoang dã và sự cải biến một số loại cây cỏ mọc hoang làm thức ăn cho người. Con người thời đó có thể đã cư trú quy tụ lại thành từng làng xóm nhỏ bởi có sự xuất hiện của những dạng gạch ngói chưa nung để xây cất nhà.
Sang thời kỳ sơ sử (la protohistoire), đồ đồng xuất hiện làm thay đổi cuộc sống của cư dân Lưỡng Hà theo hướng tích cực hơn. Vào thời kỳ này, nông nghiệp được xem như là một nghề trong xã hội. Người ta đã làm những công trình thuỷ lợi thô sơ để đem nước tưới cho cây trồng. Khoảng 6.000 năm trước công nguyên, đã xuất hiện những bức tranh tường lớn, đồ gốm được làm tinh xảo hơn. Đời sống tâm linh của con người cũng phát triển. Họ bắt đầu xây dựng những đền, điện để thờ phụng các vị thần.
Từ năm 6.000 trước công nguyên đến nửa sau thiên niên kỷ thứ năm trước công nguyên, ba nền văn hoá đan xen và nối tiếp nhau xuất hiện:
- Văn hoá Hassuna (tồn tại từ năm 5.800 trước CN đến năm 5.500 trước CN).
- Văn hoá Samarra (khoảng từ năm 5.600 trước CN đến năm 5.000 trước CN).
- Văn hoá Halaf (khoảng từ năm 5.500 trước CN đến năm 4.700 trước CN).
Khoảng năm 4.700 trước CN, người Sumer, một tộc người có nguồn gốc từ vùng Trung á xâm nhập và định cư ở vùng đất phía Nam lãnh thổ Lưỡng Hà. Lịch sử của vùng đất này bước sang một giai đoạn phát triển mới.
3. Lưỡng Hà thời văn minh cổ đại
Sau khi thiên di đến Lưỡng Hà vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ năm trước công nguyên, người Sumer đã sống tập trung với nhau để tiến hành sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Xã hội Sumer chuyển dần từ chế độ công xã nguyên thuỷ sang nền văn minh cổ đại. Người Sumer trong giai đoạn này đã tạo dựng nên ba nền văn hoá nối tiếp nhau là: văn hoá Eubedi (hay còn gọi là Obeid), văn hoá Uruk và văn hoá Constantinople.
Văn hoá Eubedi bắt đầu từ khoảng năm 4.300 đến năm 3.500 trước công nguyên. Trong thời kỳ này, người Sumer đã bắt đầu xây dựng nên những thành thị nguyên thuỷ. Tại các thành thị, nhà ở của người dân chia thành hai loại, loại thứ nhất dùng gạch và bùn để xây, loại thứ hai được dựng nên nhờ có những vật liệu là cây lâu sậy mọc phổ biến ở Nam Lưỡng Hà. Xã hội Sumer thời Eubedi đã có sự chia tách thành các giai cấp song mức độ phân hoá còn hạn chế. Điều này được chứng minh qua những di chỉ khảo cổ ở Eridu khi người ta khai quật được tượng một người đàn ông, tay phải cầm gậy và bên trên cây gậy đó có gắn một viên đất tròn tượng trưng cho quyền lực của thủ lĩnh quân sự của Thị tộc hoặc quyền lực của người gia chủ trong một gia đình đông người.
Từ khoảng năm 3.500 đến năm 3.100 trước công nguyên, xã hội Lương Hà bước sang thời kỳ văn hoá Uruk. Những gì mà khảo cổ học ngày nay tìm được chứng tỏ xã hội Sumer trong thời kỳ văn hoá Uruk đã khá phát triển. Đồ vật bằng đồng và đố gốm chế tác bằng bàn xoay được sử dụng rất phổ biến. Thời kỳ này, chữ viết đã ra đời. Các nhà khảo cổ học đã tìm được hơn 2000 ký tự tượng hình mô tả các bộ phân cơ thể còn người, các loại thực vật, động vật, đền đài và đồ dùng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy một chiếc bình có chiều cao 92 cm bằng thạch cao; phần thân bình mô tả một buổi tế lễ thần linh. Trong buổi tế lễ thần linh này, ngoài một đoàn người người loã thể đang bưng những chiếc rổ đựng đồ hiến tế còn có chủ tế và một số quý tộc mặc áo dài. Qua bức tranh, ta có thể thấy được phần nào cảnh sinh hoạt xã hội và mức độ phân hoá giai cấp thời bấy giờ.
Văn hoá Constantinople là sự tiếp nối của văn hoá Uruk kéo dài từ năm 3.100 đến năm 2.900 trước công nguyên. Trong thời kỳ này, các ngành nghề nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất đồ dùng thủ công ở Lưỡng Hà có sự phát triển mạnh. Người ta trồng chủ yếu hai loại ngũ cốc là đại mạch và tiểu mạch, chăn bò, dê cừu và chế tác nhiều đồ gốm. Trong xã hội, sự phân công lao động lần thứ 3 xuất hiện và hình thành tầng lớp thương nhân. Chế độ tư hữu tài sản phát triển, thể hiện qua các con dấu tròn ghi rõ chủ sở hữu tài sản trên nắp các đồ vật đựng lương thực, dầu, mỡ, rượu của người dân. Một điều đáng chú ý là trên một trong những nắp đồ vật đó có khắc một con sử tử ngồi trên ngai vua, xung quanh sư tử có rất nhiều loài động vật như lừa, dê đang hướng về phía sư tử và dâng lễ vật cho nó. [2] Hình chạm khắc này phản ánh sự phân hoá xã hội thành các giai cấp có quyền lợi đối lập diễn ra khá sâu sắc trong thời kỳ văn hoá Constantinople của người Sumer.
Như thế, từ năn hoá Uruk đến văn hoá Constantinople, những tiền đề cho sự xuất hiện Nhà nước thay thế cho chế độ công xã thị tộc đã hình thành trong xã hội Sumer . Khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ tư trước công nguyên, nhiều nhà nước-thành bang (cités- états) đã ra đời ở miền đất phía Nam của Lưỡng Hà cổ đại, quan trọng nhất là các thành bang Ur (Ua), Eridu (E-ri-đu), Lagash (La-gát), Kish (Kít-sơ), Surupak (Su-ru-pác), Uruk (U-rúc) và Nippur (Níp-pua). Các thành bang này rộng chừng 3000 km2 được cấu tạo bởi một đô thị và các vùng đất đai phụ cận xung quanh. Mỗi thành bang như một tiểu vương quốc nhỏ, đứng đầu là các Patêsi (hay còn gọi là Lugal - ông chủ). Bên cạnh các Patêsi còn có đại hội nhân dân và Hội đồng trưởng lão. Điều này cho thấy tổ chức Nhà nước thời Sumer còn mang dậm dấu ấn của chế độ dân chủ quân sự.
Để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình, các thành bang vùng Nam Lưỡng Hà không ngừng đấu tranh với nhau. Chiến tranh xảy ra liên miên trong suốt nửa sau của thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên. Đầu thế kỷ XXV trước công nguyên, thời patêsi Eannatum (Ê-an-na-tum), Lagash trở thành một thành bang mạnh nhất đem quân đi chinh phạt các thành bang khác. Eannatum đã đánh bại quân của Umma, thành bang mạnh nhất ở Sumer thời bấy giờ. Năm 2.460 trước công nguyên, Eannatum dựng “Tấm bia con ó” buộc Umma phải tả lại vùng thảo nguyên mà họ đã xâm chiếm, đồng thời cắm lại cột mốc mới để chia ranh giới giữa hai thành bang Umma và Kish. Tiếp đó, Eannatum còn xua quân đi đánh các thành bang Kish, Ơ-pít và Elam. Những chiến thắng quân sự làm cho quyền lực tập trung vào trong tay các patêsi ở Lagash nhanh chóng. Giới quý tộc địa chủ và tăng lữ nhân đó cũng tăng cường cướp ruông đất của công xã nông thôn và bóc lột nông dân.
Đến thế kỷ thứ XXIV trước công nguyên, quần chúng nhân dân bao gồm các thành viên của công xã nông thôn, thợ thủ công, nô lệ và một số tăng lữ ở Lagash đã nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của patêsi. Một người trong giới quý tộc có tên là Urukagina (U-ru-ca-gin-na), được sự ủng hộ của những người làm bạo loạn đã lên nắm quyền ở Lagash vào năm 2.378 trước công nguyên. Urukagina đã tiến hành một số cải cách như :
- Bãi bỏ những viên quan giám sát thu cống phẩm thuyền bè, bãi chăn nuôi, nơi đánh cá và trang trại của tăng lữ.
- Không bắt dân phải nộp bạc thay cừu trắng, cừu non.
- Khôi phục địa vị kinh tế của các đền miếu bằng cách trả lại cho giới tăng lữ ruộng đất đã bị những patêsi trước kia tước đoạt.
- Giảm nhẹ thuế chôn cất những người chết cho người nhà của họ.
- Bảo vệ quyền lợi cho binh lính; cấm quan lại cướp bóc trắng trợn tài sản của họ. Nếu như quan lại muốn mua những đồ vật thuộc sở hữu của binh lính thì phải thanh toán tiền sòng phẳng.
- Khôi phục lại các tổ chức xét xử của công xã nông thôn để công xã có thể tự giải quyết các mâu thuẫn nội bộ; bãi bỏ các chức quan tư pháp do các patêsi trước đây bổ nhiệm xuống công xã.
- Giải phóng một phần cư dân của Lagash khỏi tình trạng bị nô dịch vì nợ nần; đấu tranh chống các hành vi lừa đảo và cướp bóc;
- Cho đào đắp và sử chữa, nạo vét lại hệ thống kênh máng tưới tiêu cho ruộng đồng.
Nhìn chung, những cải cách của Urukagina có nhiều điểm tiến bộ, mặc dù về chủ yếu nó vẫn nhằm củng cố, bảo vệ cho giai cấp hữu sản và giới tăng lữ ở Lagash. Công lao của Urukagina được thần thành hoá trong các văn kiện được ghi chép vào thời kỳ này: “Luật pháp thần thánh trước kia bắt đầu được thực hiện, khi thần Niu-gin-xu, dũng sĩ của thần En-lin, trao cho Urukagina vương quốc Lagash và thiết lập cho ông quyền lực đối với 36.000 người dân ở nơi này”.[3]
Sự thịch vượng của Lagash dưới thời Urukagina làm cho các thành bang khác ở Sumer cảm thấy lo ngại. Lu-gan-dắc-gi-di, patêsi của thành bang Umma đã liên minh với thành bang Uruk chống lại Lagash. Cuộc chiến giữa Lagash với các thành bang khác vùng Nam Babylone nổ ra. Urukagina thất bại vào năm 2.371 trước công nguyên sau khi ông lên cầm quyền được 7 năm. Các cải cách của ông bị xoá bỏ. Thừa thắng, Lu-gan-dắc-gi-di mở rộng phạm vi chinh phạt, đánh chiếm luôn cả Uruk, Ur, Nippur và lần đầu tiên thống nhất vùng Sumer.
Trong khi các quốc gia Nam Babylone mải mê trong chiến tranh và chinh phạt thì rất nhiều bộ tộc người Sémites (Sê-mít) đã thiên di từ miền ngoại Cáp-ca-dơ xuống định cư khắp cả một dãi đất từ Xê-ri đến sa mạc Arập. Khoảng năm 3.500 trước công nguyên, họ đã định cư ở vùng trung du Lưỡng Hà (phía Bắc của Babylone hay Sumer – xem bản đồ Lưỡng Hà cổ đại, tại phần Phụ lục) tại một miền đất gọi là Akkad. Người Sémites sinh sống ở Akkad được gọi luôn là người Akkad. Vào lúc người Sumer dựng lên các thành bang thì người Akkad cũng đã dời bỏ đời sống du mục để chuyển sang làm nghề nông.
Trên lưu vực hai dòng sông Tigre vàEuphrate, người Sumer và người Akkad đã liên tục đánh nhau suốt máy trăm năm để dành quyền bá chủ. Người Sumer vốn đi vào xã hội văn minh sớm hơn nên lúc đầu họ đánh thắng người Akkad. Tuy nhiên, sau khi Urukagina thất bại, các cuộc chiến tranh nội bộ giữa người Sumer với nhau làm cho thế lực của họ suy yếu dần. Lợi dụng cơ hội này, khoảng những năm cuối thế kỷ XXIV trước công nguyên, Sargon I, sau khi làm chủ vùng Akkad đã mở cuộc tổng tấn công vào thành bang Umma của Sumer, bắt sống Lu-gan-dắc-gi-di, người đã chiến thắng Urukagina của thành bang Lagash, làm tù binh giải về Nippur giết chết để làm vật tế thần En-lin.[4] Không dừng lại ở đó, quân đội thường trực của Sargon I tiếp tục tiến đánh Uruk và hơn 50 thành bang khác, thống nhất toàn cõi Babylone bao gồm cả phần đất của người Sumer và người Akkad. Tiếp đến, Sargon I mở những cuộc viễn chính mới đến Syrie và Palestine. Thế là một quốc gia rộng lớn của người Akkad đã ra đời trải dài từ vùng Vịnh Pecxích đến vùng thượng lưu sô Tigre. Thời kỳ này nền kinh tế nông nghiệp của Lưỡng Hà được pháp triển. Hàng loạt các công trình thuỷ nông tưới nước được sửa chữa, tu bổ. Hệ thống đo lường trong khu vực Lưỡng Hà được thiết lập thống nhất.[5]
Sau khi Sargon I chết, triều đại do ông lập nên suy yếu dần. Người kế vị Sargon là Rimush phải liên tiếp điều động quân đội đi trấn áp các cuộc bạo loạn xảy ra ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Ông ta đã từng than: “Những địa phương mà cha ta, Sargon, đã để lại cho ta đều chống ta. Không có một địa phương nào trung thành với ta cả”. Đến thời Manishtusu, vua Akkad đời thứ ba, tình hình còn tồi tệ hơn nữa. Qua một tấm bia được dựng nên vào thời kỳ này, người ta biết rằng ảnh hưởng của nhà vua đối với chính quyền địa phương là khá yếu, vua không thể tuỳ ý chiếm dất đai của các thành bang về cho mình.
Năm 2270 trước công nguyên[6], Naram Shin, cháu nội của Sargon I lên ngôi vua. Ông ngay lập tức đàn áp sự chống đối của các thành bang Sumer cũ, đứng đầu là thành bang Kish. Tiếp đó các cuộc chinh phạt của Naram Shin được mở rộng tới vùng trung lưu sông Euphrate, tiến sang Acmêni, Syrie và thẳng tới bờ Địa Trung Hải. Do những thắng lợi ấy, Naram Shin được mệnh danh là “vua của bốn phương”. Người đời tung hô ông là “Naram Shin thần thánh, vị chúa hùng mạnh xứ Akkad”.
Dùng sức mạnh quân sự của Akkad đã lên đến đỉnh điểm thời Naram Shin song sau khi ông ta chết, quốc gia này lại rơi vào sự hỗn loạn. Lịch sử Lưỡng Hà đã ghi lại: trong vòng 3 năm, Akkad đã thay đến bốn đời vua. Vào triều vua cuối cùng của quốc gia này là Sacalisara ( khoảng năm 2253 đến năm 2230 trước công nguyên), Lưỡng Hà lâm vào trạng thái khủng hoảng toàn diện: kinh tế suy sụp, các công trình thuỷ lợi không được tu bổ, đời sống người nông dân công xã lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Sự suy yếu từ bên trong đã làm cho vương triều do Sargon lập nên không sao chống đỡ được các cuộc xâm lăng của ngoại tộc từ bên ngoài ào ào đổ tới: Người Amorite (A-mô-rít) đánh từ phía Đông, người Elam đánh từ phía Tây và đặc biệt là người Gutis (Gu-ti) từ phía Đông bắc đánh tới.
Năm 2228 trước công nguyên, vương triều Akkad sụp đổ, Lưỡng Hà đã phải chịu đựng sự thống trị của người Gutis kéo dài trên dưới một trăm năm. Trong thời gian này, một số thành bang ở Nam Lưỡng Hà như Lagash vẫn giữ được nền độc lập tương đối và phát triển mạnh.
Năm 2150 trước công nguyên, vua thành bang Uruk là Utukhegal (U-tu-ke-gan) tập hợp lực lượng đánh đuổi được người Gutis ra khỏi Lưỡng Hà, khổi phục lại nền độc lập cho người Sumer. Lúc này, lãnh thổ Lưỡng Hà lại bị chia cắt thành nhiều thành bang nhỏ.
Trong bối cảnh rối ren như trên, Ur-Nammu, người đã sáng lập ra triều đại Ur III đã cùng con trai là Shulgi
xây dựng thành bang Ur thành một tiểu quốc hùng mạnh. Hai người đã
dùng sức mạnh quân sự thống nhất toàn cõi Lưỡng Hà vào khoảng năm 2.132
trước công nguyên. Sau đó, Ur-Mammu trở thành vua của cả người Sumer và
người Akkad. Ông đã ban hành bộ luật đầu tiên trong lịch sử thế giới gọi
là “Bộ luật Mammu”.[7]
Bộ luật này không còn tồn tại cho đến ngày nay nhưng những dấu tích của
nó được phản ánh trong các thư tịch thời Babylone cổ. Nội dung Bộ luật
có lẽ bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ bởi một trong số những điều của Bộ
luật này có quy định: Nếu ai bắt được một nữ nô lệ trốn khỏi nhà chủ
và đem nữ nô đó về trả lại cho ông ta thì người chủ phải thưởng công
cho người bắt giữ được nữ nô lệ này.[8]
Năm 2024 trước công nguyên, quân đội Elam, Marie và Amorite ào ạt tấn
công Lưỡng Hà và bắt sống vua Ibixi. Vương triều Ur III tồn tại ngót 100
năm (từ năm 2.132 đến năm 2.024 trước công nguyên) đến đây sụp đổ hoàn
toàn.
Nếu như người Elam sau khi đánh
bại vương triều Ur III chỉ cướp bóc của cải, đốt phá thành luỹ của
Lưỡng Hà rồi rút quân về nước thì người Amorite đã định cư luôn ở trên
mảnh đất này và dần dần đồng hoá với dân địa phương. Họ lập nên hai
thành bang ở vùng Nam Babylone là Isin và Larsa. Phía bắc Babylone lúc
này lại nổi lên hai thành bang mới là Esnunna và Marie. Lưỡng Hà một lần
nữa lại rơi vào cảnh bị chia cắt thành các tiểu vương quốc nhỏ.
Khoảng năm 1894, một chi nhánh của tộc người Amorite do Sumnabum cầm đầu xâm nhập và chiếm đóng thành Babylon
ở miền Trung của Lưỡng Hà. Tên gọi cũ của Babylone là Ba-bi-li, nghĩa
là “cánh cổng của thần”. Thành Babylone nằm ngay bên bờ sông Euphrate, là nơi gặp gỡ của nhiều tuyến giao thông thuỷ bộ của vùng Tiểu á nên có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng phát triển. [9]
Vào nửa cuối thế kỷ XIX trước Công nguyên, tiểu quốc Larsa bị người
Elam chinh phục. Các thành bang Marie và Esnunna lần lượt bị lệ thuộc
vào Assyria.
Trong khi các thành bang khác đều suy yếu thì Babylone phát triển ngày một cường thịnh. Hammurabi
(từ năm 1792 đến năm 1750 trước công nguyên), đời vua thứ sáu của
Babylone có những nỗ lực lớn để thống nhất Lưỡng Hà. Trước hết, ông ta
giữ quan hệ thân thiện với Larsa lúc này đang nằm dưới sự thống trị của
người Elam để tập trung sức mạnh tấn công Uruk và Isin. Tiếp đó, ông ta
đánh chiếm Esnunna. Sau khi đã củng cố được lực lượng, năm
1762, Hammurabi cho quân ào ạt tấn công Larsa và chiếm đóng luôn vùng
Tây cao nguyên Iran, nhập lãnh thổ của người Elam vào đế quốc của mình.
Sự nghiệp thống nhất Lưỡng Hà của Hammurabi căn bản hoàn thành khi ông
ta tiêu diệt nốt thành bang Marie. Từ đây, toàn miền Lưỡng Hà có tên gọi
mới là đất nước Babylone. Mọi người dân sông trên lãnh thổ Babylone, dù là người Sumer, Akkad, Elam hay Amorite đều được gọi dưới một cái tên chung là người Babylon.
Dưới thời vua Hammurabi, Lưỡng Hà trở nên cường thịnh hơn bao giờ hết.
Nhà vua cho mở mang các công trình thuỷ lợi, phát triển nông nghiệp,
khuyến khích thương nghiệp và các ngành nghề thủ công, mở rông chăn
nuôi. Hammurabi đã từng tự hào khi nói rằng: “Ta tu bổ sông ngòi,
đem nước nguồn về tưới đồng ruộng vùng Sumer và vùng Akkad. Ta biến đất
đai hai bên bờ sông thành đồng cỏ xanh tươi. Ta đảm bảo cho mùa màng
được phong phú….”.[10] Chính bộ luật Hammurabi cũng ra đời vào khoảng thời gian này.
Sau khi Hammurabi, con của ông là Samsuiluna lên nối ngôi, mâu thuẫn
nội bộ bắt đầu phát sinh. Một số thành bang ở Nam Lưỡng Hà đứng lên dành
độc lập. Lợi dụng cơ hội này, người Sémite từ vùng duyên hải Sumer,
người Elam từ phía đông, người Kassites từ phía Đồng bắc trỗi dậy tấn
công Babylone.
Vương triều cổ Babylon
(còn gọi là Vương triều Babylone I) suy yếu dần và sụp đổ vào năm 1600
trước công nguyên bởi sự tấn công của người Hittite. Sau đó, liên minh
các thành quốc Elam, Esnunna, Isin, Uruk và một số
thành quốc khác hợp sức lại buộc người Hittite phải rút khỏi Lưỡng Hà và
lập nên vương triều Babylone II. Tuy vậy, vương triều này cũng chỉ tồn
tại đến năm 1518 trước công nguyên thì bị Gan-đát, vua của Kassites, một tộc người sống ở vùng núi phía Đông sông Tigre tiêu diệt. Vương triều của người Kassites được gọi là Vương triều Babylone III, tồn tại từ năm 1518 trước công nguyên đến năm 1165 trước công nguyên thì bị Đế quốc Assyria phía Bắc của Lưỡng Hà tiêu diệt. [11]
Đế quốc Assyria phát triển qua hai thời kỳ là Cổ Assyria (từ thế kỷ
XV trước công nguyên trở về trước) và Trung Assyria (từ thế kỷ XV đến
thế kỷ XI trước công nguyên). Trong thời kỳ Trung Assyria, nhà nước này
có ban hành một Bộ luật gọi là Bộ luật Asyria.
Bộ luật Assyria được ghi lại trên ba tấm đất sét nung. Tấm thứ nhất chỉ
còn lại 20 điều luật quy định về chế độ ruông đất. Tấm thứ hai còn lại
nửa dưới với 12 điều nói về việc vay nợ. Tấm thứ ba còn khá nguyên vẹn,
có tổng cộng 59 điều luật quy định về địa vị của người phụ nữ trong xã
hội Assyria.[12]
Mặc dù là một trong những đế quốc mạnh nhất thời kỳ cổ đại song như một
quy luật tất yếu, Assyria cũng dần dần đi vào con đường suy vong. Vào
thế kỷ thứ VII trước công nguyên, một loạt các quốc gia mới đã nổi nên ở
vùng Tây á cạnh tranh với Assyria. Tướng Nabopalassar, nguyên
là Tổng đốc của Assyria vùng Nam Lưỡng Hà, vốn thuộc tộc người Chaldée
(một chi nhánh của người Sémite thiên di đến Nam Lưỡng Hà khoảng thế kỷ
thứ XI trước công nguyên, sau người Akkad, người Assyria và người
Amorite) đã xưng vương vào năm 630 trước công nguyên. Năm 626 trước công
nguyên, ông ta chiếm thành Babylone và xây dựng nhà nước Babylone mới (sử gọi là Vương triều Tân Babylone hay Vương quốc Chaldée).
Năm 612 trước công nguyên, Nabopalassar liên minh với Media tấn công thủ đô Nineveh (Ni-ni-vơ), thủ đô của Assyria. Sau hơn hai tháng bao vây, Nineveh
bị hạ. Hầu hết các quý tộc người Assyria bị liên quân Babylone-Media
giết chết. Lực lượng còn lại của Assyria do At-xua-ru-ba-lit cầm đầu
chạy về Kha-ran và đến năm 605 cũng bị Babylone tiêu diệt nốt. Đế quốc
Assyria hùng mạnh đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lãnh thổ Lưỡng Hà bị chia
làm hai nửa: nửa phía Bắc (thuộc Bắc và Đông Bắc của Assyria) do Media chiếm lĩnh; phần Nam Lưỡng Hà, Syria, Israel và một phần lớn đất đai của Phénicie (Phê-ni-xi)[13] thuộc Babylon.
Năm 604 trước công nguyên, Nabopalassar chết. Con của ông là Nabuchodonosor lên thay, Babylone trở nên cường thịnh. Năm 597 trước công nguyên, Nabuchodonosor tấn
công Jérusalem, bắt toàn bộ quý tộc của vương quốc Do thái giải về
Babylone. Tiếp đó, ông ta tiến đánh Syrie, Phénicie và đưa quân vào cướp
bóc Ai-cập. Phạm vi ảnh hưởng của Babylone thời bấy giờ ra đến tận bờ
Địa Trung Hải. Nabuchodonosor cho xây dựng lại rất nhiều các
thành phố cũ như Nippur, Uruk và biến thành Babylone thành một thủ đo
tráng lệ. Một trong bảy kỳ quan thế giới thời cổ đại là khu vườn treo Babylone nổi tiếng cũng được ông vua này cho xây dựng nên để chiều lòng người vợ của mình.
Sau khi Nabuchodonosor chết,
Vương triều Tân Babylone rơi vào khủng hoảng. Năm 538, người Ba tư ồ ạt
tiến quân vào thành Babylon. Nước Babylone mới hoàn toàn sụp đổ sau 88
năm tồn tại. Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại đến đây kết thúc./.
Phụ lục
Về Cơ sở kinh tế cho sự ra đời của bộ luật Hammurabi
K.Marx viết: “Việc
sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp…tạo ra một cơ
sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm
pháp quyền, nghệ thuật và thậm trí cả những quan niệm tôn giáo của con
người ta…”(1)Đoạn văn trên của K.Marx có hàm nghĩa rằng sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, là nguồn gốc, tiền đề, nhân tố có tính chất quyết định nội dung của pháp luật thuộc mọi thời đại lịch sử.
1. Nông nghiệp và chế độ sở hữu đất đai ở Lưỡng Hà cổ đại
“Nền văn minh đích thực chỉ có thể nảy sinh trên các khu vực nơi mà tính chất của đất đai và khí hậu
cho phép thu được một sản lượng thặng dư mà không tốn quá nhiều sức
lực. Chỉ như thế thì con người mới được giải thoát khỏi sự cần thiết
phải dành tất cả nghị lực và trí thông minh của mình để giải quyết vấn
đề sống sót; chỉ có như thế thì con người mới có thể, thông qua việc
trao đổi hàng hoá, mà tìm kiếm cho mình được những của cải có thể cải
thiện được cuộc sống và thúc đẩy sự tiến bộ, mà con người không tìm ra
được trong đất nước của mình. Hơn nữakhu vực sinh sống phải đủ rộng lớn;
thật vậy, cần phải nuôi sống được một dân số đủ đông để có thể kích
thích các cá nhân chuyên môn hoá công việc, và do đó tạo nên sự phát
triển các cấu trúc xã hội. Khi đó chúng ta sẽ được chứng kiến giai đoan
đầu tiên của nền văn minh”.(2)
Bộ luật Hammurabi
ra đời trong cái nôi của nền văn minh Lưỡng Hà, một trong những nền văn
minh cổ xưa nhất và rực rỡ nhất của nhân loại thời kỳ cổ đại. Cũng như
các nền văn minh khác, văn minh Lưỡng Hà xuất hiện nơi hạ lưu các con
sông lớn, sông Tigre và sông Euphrate. Hai con sông ấy đều phát nguyên
từ miền rừng núi Ac-mê-ni ở Đông bắc bộ Tiểu á, hướng về phía nam mà
chảy ra vịnh Ba Tư (vịnh Péc-xích). Nguyên xưa kia hai con sông chảy
riêng thành hai dòng đổ ra biển, sau vì chất đất phù sa do chúng cuốn từ
nguồn về ứ đọng lại gần cửa sông, lâu ngày tạo thành một vùng đất bồi
nổi hẳn lên ven biển khiến cho hai con sông đến đây nhập lại thành một
dòng. Thành phố Êriđu xưa kia nằm ngay bên bờ biển, nay đã cách xa bờ
biển đến 180 km.(3)Toàn thể Lưỡng Hà là một vùng đồng bằng rộng lớn có diện tích chừng 140.000 km2. Đồng bằng này xưa kia bị các đồng lầy bao phủ. Khí hậu nóng và ẩm, đất đai phì nhiêu do được bồi đắp bởi phù sa hai con sông Tigre và Euphrate. Vì thế “lúa mì, lúa mạch mọc dễ dàng gần như tự nhiên và có thể cho tới ba mùa một năm”.(4)
Tuy vậy, việc sản xuất nông nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thời điểm xảy ra các cơn lũ lớn ở hai con sông Tigre và Euphrate hầu như không thể dự đoán được do chúng phụ thuộc vào các điều kiện khí tượng trên các dãy núi miền Anatolie, nơi các dòng sông này được khởi đầu do hiện tượng tuyết tan. Thông thường, lũ diễn ra vào cuối mùa xuân, khoảng giữa tháng tư và đầu tháng sáu, và thường rất khốc liệt. Điều này hoàn toàn bất lợi cho các hoạt động trồng trọt của người nông dân. Việc gieo hạt phụ thuộc vào khí hậu: vào mùa xuân thì giống vụ đông đã mọc, còn giống vụ hè thì vẫn ở dưới đất. Nếu như thửa đất bị chìm dưới một mét nước, thì cả hai vụ đều bị chết cả, và sau trận lụt sẽ là quá muộn để gieo lại. Do đó, khác với Ai cập, nơi thần Lụt Apis được xem là Thiện thần thì ở Lưỡng Hà, lũ lụt được xem là kẻ thù của người nông dân, và Nin-Girsou và Tiamat, những thần linh cai quản sự hỗn độn của nước, được xem là những sức mạnh ma quái.(5)
Do đó, để có thể tiến hành sản xuất nông nghiệp, người Lưỡng Hà cổ đại bắt buộc phải làm thuỷ lợi. Việc làm thuỷ lợi ở đây phụ thuộc vào đặc điểm của các con sông. Mặt sông Tigre quá thấp so với vùng đất ven bờ nên người ta không thể đào các kênh dẫn nước qua bờ sông. Điều này dẫn tới việc các công trình thuỷ lợi chủ yếu tập trung trên vùng hạ lưu sông Euphrate.
Đặc điểm của sông Euphrate là có dòng chảy rất mạnh nơi thượng nguồn (ở Karkémish tốc độ dòng chảy lên đến 7,5 km/h) những tới hạ lưu thì con sông lại khá hiền hoà. Nước chảy trên bề mặt sông chậm hơn nước chảy dưới lòng sông. Phù sa do con sông mang lại, một phần lắng xuống lòng sông làm cho dòng sông chảy ở mức nước cao hơn bình nguyên, phần phù sa còn lại bồi đắp hai bên bờ tạo nên một tuyến đê gần như tự nhiên để tránh những cơn lũ bất lợi. Với hình thế như vậy, người nông dân chỉ việc mở một khe ở bờ sông là có thể dẫn nước theo các kênh đến tưới cho ruộng đồng.
Muốn có được các vụ mùa bội thu, người nông dân, một mặt cần gia cố các tuyến đê ven bờ sông Euphrate, mặt khác cần hình thành nên hệ thống kênh mương dẫn nước vào nội đồng. Để có thể đem nước đến tưới những động ruộng ở xa con sông, cần tính toán kích thước các con kênh đào phù hợp. Nếu con kênh quá bé thì không thể đưa nhiều nước đi xa, nhưng nếu khoảng cách hai bờ kênh quá rộng thì một phần đáng kể nước sẽ bị ngấm xuống đất hay bị bốc hơi hết. ở Lưỡng Hà cổ đại, một số kênh lớn có bề rộng tới hai mươi lăm mét, tạo nên những tuyến đường thuỷ thuận tiến cho giao thông cũng như cho việc tưới tiêu. Ngoài các kênh chính, người ta còn đào một hệ thống các kênh nhỏ để phân phối nước và hồ để dự trữ nước dùng cho nông nghiệp.
Thực ra, hiện tượng lũ lụt cũng không hoàn toàn chỉ mang lại những điều bất lợi cho người nông dân Lưỡng Hà. Lũ lụt tuy phá hoại mùa màng và gây rối loạn lịch trình giao trồng các vụ lúa nhưng nó đem về cho đồng ruộng nhiều phù sa. Việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi như trên dẫn đến việc làm nghèo đi độ mầu mỡ của đất. Trên những cánh đồng được cấp nước bằng hệ thống kênh đào, lượng nước thừa nếu không được thoát đi sẽ tạo thành những vũng ao hay đầm lầy; Dưới sức nóng của mặt trời, lớp nước vũng ao hay đầm lầy này bốc hơi để lại trên mặt đất một lớp muối có hại cho nông nghiệp; Đất đai vì thế càng cằn cỗi hơn. Vì lý do này mà trên miền Lưỡng Hà, việc tiêu nước cũng cơ bản như việc tưới nước. Để tiêu nước thừa, hệ thống kênh cũng được thiết kế một cách thích hợp.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ các công trình thuỷ lợi cũng được phản ánh một cách rõ nét trong bộ luật Hammurabi. Trong bộ luật, nhà lập pháp đặt nhiều mối quan tâm của mình đối với việc bảo vệ hệ thống các công trình thuỷ nông qua một loạt các điều luật, từ Điều 53 đến Điều 56. Theo Điều 53 bộ luật Hammurabi, người nông dân có ruộng gần bờ sông hay gần bờ các kênh mương phải có trách nhiệm gia cố bờ bao và các con đê, nếu để xảy ra ngập lụt thì phải chịu bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây cho những người có ruộng khác. Nếu không đủ tài sản bồi thường thì người gây thiệt hại phải bán thân làm nô lệ lấy tiền để bồi thường. Điều 55 và Đều 56 bộ luật quy định vấn đề tưới nước và tiêu nước cho ruộng. Việc tưới tiêu nước, theo quy định của bộ luật, phải đảm bảo không gây úng ngập cho ruộng của người khác.
Sự phát triển của nền nông nghiệp Lưỡng Hà không chỉ được phản ánh ở sự hoàn bị của hệ thống các công trình thuỷ lợi mà còn thể hiện trong kinh nghiệm canh tác và trong các giống lúa được sử dụng bởi người nông dân. ở Lưỡng Hà cổ đại, người ta đã biết đến nhiều loại giống ngũ cốc khác nhau. Hơn thế nữa, họ còn biết cách cải tiến các giống có sẵn trong thiên nhiên thành loại giống phù hợp với đất đai và khí hậu nơi trồng trọt.
Thần thoại của Lahar và Ashnan có câu nói rằng trước khi tạo ra con người thì :
“chưa có hạt-shesh loại ba mươi ngày
chưa có hạt-shesh loại bốn mươi ngày
chưa có các loại hạt nhỏ, hạt miền núi, hạt các giống thuần chủng và sống động”.(6)
Thần thoại Inanna kể:
“người chủ trại trồng các loại cây mọc nhanh
người chủ trại trồng các loại cây có nhiều hạt”(7)
Kinh nghiệm canh tác của người nông dân Lưỡng Hà trải qua nhiều thế hệ cũng đã đạt đến trình độ tương đối cao. Những kinh nghiệm này không những truyền khẩu mà còn được ghi chép cẩn thận trong một tác phẩm có tên gọi là Nông lịch (Almanach du fermier) ra đời vào khoảng năm 1700 trước Công nguyên, nghĩa là gần tương đương với năm ra đời của bộ luật Hammurabi.
Tác phẩm Almanach du fermier được xem là do thần Ninurta truyền xuống cho dân xứ Lưỡng Hà thông qua lời một người chủ trang trại nói với con trai ông ta:
“Ngày
xửa ngày xưa, một người chủ trại chỉ dẫn cho con trai: khi con bắt đầu
trồng trọt trên thửa ruộng của con, con hãy mở các cống tưới nước thật
cẩn thận sao cho nước không ngập quá sâu trong ruộng. Sau khi con đã
tháo nước đi, hãy chú ý làm sao cho mặt ruộng thật bằng phẳng; đừng bao
giờ để cho bò đi lang thang dẫm lên ruộng. Hãy xua đuổi những tên ăn
cắp, hãy coi như thửa ruộng đã được trồng cấy. Hãy xới đất lên bằng mười
lưỡi rìu hẹp (không nặng hơn) ba trăm năm mươi gam mỗi cái. Cần phải
nhổ rơm rạ bằng tay và bó lại thành bó; phải dùng một cái liêm cắt để
cắt các chỗ hẹp; cần phải rào bề thừa ruộng cả bốn bên lại…..(Khi đến
mùa hè) cần phải gia cố lại cái vai bò, sửa lại cái roi bằng đinh; hãy
bảo trẻ con và người làm công sửa lại cán roi…(Khi gieo hat), hãy làm
sao cho người giao hạt dùng hai ngón tay (giang rộng) để đặt hạt giống
cho đều đặn…Chỗ nào con đã cày thẳng luống thì phải bừa chéo đi….(Phải
tưới nước) như cái chiếu ở giữa lòng thuyền… (Phải) gặt lúa khi nó đang
khoẻ mạnh nhất…” (8)
Người Lưỡng Hà cổ
đại rất quan tâm cải tiến công cụ lao động. Thủa ban đầu người ta gieo
hạt bằng cách đặt hạt giống dưới đáy cái lỗ được tạo ra bởi một cây gậy
nhọn đầu. Về sau, việc cày bừa và gieo hạt được tiến hành đồng thời nhờ
một cái máy gọi là “máy gieo hạt”. “Máy gieo hạt” thực chất là một cái
bừa được thiết kế thêm chiếc bình đựng thóc giống, và dưới bình đó là
một cái phễu. Khi người nông dân đẩy cái bừa về phía trước, cái bừa tạo
ra một được rãnh dưới đất, thóc giống đồng thời sẽ theo phễu mà rơi
xuống rãnh đó. Chứng cứ cho sự xuất hiện của loại công cụ này là hình vẽ
mô tả nó được khắc trên một con dấu được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ học
khai quật thành phố Nippour cổ đại.Những điều đã trình bày trên về hệ thống thuỷ lợi, về sự cải tiến công cụ lao động và kinh nghiệm trong nghề nông ở Lưỡng Hà cổ đại cho thấy sự phát triển rất mạnh mẽ về phương diện các lực lượng sản xuất xã hội ở nơi đây vào khoảng thời kỳ thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, thời gian ra đời của bộ luật Hammurabi. Theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, “Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên…Lực lượng sản xuất nói lên năng lực thực tế của con người trong quá trình sản xuất ra của cải xã hội”(9). Lực lượng sản xuất là một mặt quan trọng trong phương thức sản xuất xã hội, làm tiền đề cho sự hình thành các quan hệ sản xuất. K.Marx viết: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người đi vào những quan hệ xã hội nhất định, tất yếu, không tuỳ thuộc vào ý muốn của họ – tức là những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lương sản xuất vật chất của họ”(10). Quan hệ sản xuất xã hội và lực lượng sản xuất xã hội là hai mặt không thể tách rời của phương thức sản xuất, chúng làm nên bộ mặt đời sống vật chất của xã hội. Theo một quy luật tất yếu, lực lượng sản xuất quy định tính chất và trình độ phát triển của quan hệ sản xuất, sự phát triển như đã nói trở trên của lực lượng sản xuất vùng Lưỡng Hà vào khoảng 2000 năm trước công nguyên sẽ làm biến đổi quan hệ sở hữu tài sản, trước tiên là quan hệ sở hữu đất đai, loại tư liệu sản xuất cơ bản nhất và là tài sản có nhiều ý nghĩa nhất ở khu vực.
Khi đề cập đến quan hệ sở hữu đất đai ở Lưỡng Hà cổ đại, cần nhấn mạnh truyền thống thần quyền trong quan niệm thời kỳ đó.
“Lúc
ban đầu thì toàn bộ lãnh thổ của một Thị –Quốc ở Sumer là tài sản của
vị thần bảo trợ đô thị. Hình như là trong thực tế thì tình hình có khác
đi đôi chút, ở chỗ có những khu đất nhất định là tài sản chung của các
công dân (thật vậy, vì là đầy tớ của thần linh nên họ phải được phần
trong tài sản của thần linh), những người này chỉ có trách nhiệm là nộp
tô cho đền thờ. Tuy vậy, phần lớn đất đai vẫn thuộc sở hữu của thần
linh; đất đai đó có thể cho những cá nhân thuê theo hợp đồng, hoặc cho
nhân viên đền thờ khai thác để đổi lại những dịch vụ nhất định, hoặc
ngôi đền có thể khai thác trực tiếp”(11).
“Trong
suốt lịch sử vùng Lưỡng Hà, trên mức độ lớn đất đai vẫn là tài sản của
các vị thần linh địa phương. Nhiều lãnh đại của ngôi đền do nộ lệ hoặc
nông nô canh tác dưới sự quản lý trực tiếp của các tăng lữ…”(12)
Theo quan điểm của các nhà khoa học Liên xô trước đây, ruộng đất ở Lưỡng Hà cổ đại được chia thành hai loại:
- Ruộng đất được tưới nước tự nhiên.
- Ruộng đất cao cần tưới nước và ruộng đất ở đầm lầy. Ruộng đất ở đâm lầy là ruộng đất “chưa kịp khô sau khi bị ngập lụt và cần tháo nước ra để biến nơi đấy thành đất thuận lợi cho nông nghiệp”. (13)
Việc phân chia đất đai thành hai loại trên không chỉ căn cứ vào tính chất của đất và sự thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động nông nghiệp, mà quan trọng hơn mỗi loại đất đó được người ta gán cho các quy chế pháp lý khác nhau. Người Lưỡng Hà cổ đại xem ruộng đất cao và ruộng đất ở đầm lầy trước khi được trồng trọt là những loại đất vô chủ. (14) Một số người, chủ yếu là những người giàu đã đầu tư tiền bạc và đem gia nhân đến những khu đất vô chủ này khai phá. Dần dần, đất đai hoang hoá được cải tạo thành đất có thể trồng trọt được; Và như thế, người đã bỏ công của ra khai phá đất nghiễm nhiên trở thành chủ đất. Người chủ đất này sau khi chết đã chuyển giao quyền sở hữu mảnh đất đó cho các thế hệ con cháu ông ta và “quan hệ lãnh địa thế tập” hình thành. Sự xuất hiện của các lãnh địa thế tập có lẽ là mầm mống đầu tiên của tư hữu về ruộng đất ở Lưỡng Hà cổ đại và chính nó là nguyên nhân “thúc đẩy nông nghiệp tập thể của công xã nông thôn mau tan rã. Nhưng đầu thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên, quá trình này còn diễn ra hết sức chậm chạp”. (15)
Phần trên tôi đã đề cập tới quan niệm thần quyền về sở hữu ruộng đất: hầu như tất cả đất đai ở Lưỡng Hà, trừ đất thuộc lãnh địa thế tập, đều được coi là sở hữu của thần linh. Quan niệm này mang màu sắc tôn giáo, thuộc phạm trù ý thức xã hội. Về thực chất, đất đai ở Lưỡng Hà cổ đại là đất của các công xã nông thôn, dưới quyền quản lý của bộ máy “hành chính” công xã. Nếu xét chung trên phạm vi một Thị quốc (hay Thành bang – bởi vì thời kỳ đầu Lưỡng Hà được chia thành nhiều thành bang nhỏ bé khác nhau), đất đai thuộc quyền quản lý của các vị vua địa phương – các patesi (hay ensi), “người lĩnh canh” của thần linh. Chính vì thực tế lịch sử này mà nhiều tài liệu viết về lịch sử thế giới cổ đại hiện nay, khi viết về chế độ kinh tế ở Lưỡng Hà cổ đại đều cho rằng nhà vua là chủ sở hữu tối cao đất đai thuộc lãnh thổ của ông ta.
Những ruộng đất được tưới tiêu tự nhiên phần lớn thuộc quyền quản lý của các công xã. Các tài liệu về lịch sử Lưỡng Hà cổ đại viết về vấn đề này như sau:
“Từxưa,
đất đai của công xã nông thôn đều nằm ở vùng được tưới nước tự nhiên.
Cố nhiên không phải tất cả đất đai được tưới tự nhiên đều chia cho công
xã nông thôn. Con trai thành niên của công xã được tổ chức thành nhiều
đội riêng biệt, trong chiến tranh cũng như sản xuất nông nghiệp, họ đều
hành động chung dưới sự lãnh đạo của đội trưởng. ở Su-rúp-pa-cơ, các đội
này gọi là Gu-ru-sơ, tức là “người có sức mạnh”, “hảo hán”; ở La-gát-sơ
vào giữa thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên, các đội ấy gọi là
Su-bơ-lu-ga-lơ …”(16)
“Trong xã hội cổ đại Lưỡng Hà, công xã nông thôn còn tồn
tại
khá lâu dài. Đó là vì trong xã hội, sức sản xuất còn thấp kém, người ta
phải hiệp tác lao động trong canh tác nông nghiệp cũng như trong công
tác thuỷ lợi. Ruộng đất của công xã chắc rằng đã được chia ra và giao cho mỗi hộ gia đình canh tác theo định kỳ.
Nông dân công xã là bộ phận rất đông đảo trong xã hội. Họ là những
người tự do về danh nghĩa, song trong thực tế thì họ phải chịu sự áp bức
bóc lột nặng nề của quý tộc. Ngoài công việc sản xuất, họ còn có nghĩa
vụ đi lính, đóng thuế, cầy cấy ruộng đất của quý tộc hay đền đài”.(17)
Như ở trên, chúng ta khẳng định rằng phần lớn đất đai có thể trồng trọt được thuộc về công xã. Nói là “phần lớn”, bởi ngay từ thiên niên kỷ thứ IV và III trước công nguyên, một phần diện tích đất đai đã tách ra khỏi quyền quản lý của công xã để gia nhập vào tài sản riêng của tầng lớp trên xã hội. Thời kỳ đó, các patesi, đội ngũ quan lại cao cấp của ông ta và giới tăng lữ đã chiếm đoạt một số diện tích đất công xã làm trang trại riêng cho mình. Như thế, bản thân các patesi (những vị vua Thị quốc độc lập), trong mối quan hệ với ruộng đất, mang trong mình hai tư cách: tư cách là đại diện chủ sử hữu đối với ruộng đất chung của công xã và tư cách là chủ sở hữu thực thụ trên mảnh đất của chính ông ta. Và một khi đã mang hai tư cách như vậy, cái gì thuộc lợi ích riêng tư chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn. Không phải ngẫu nhiên, một vị patesi (ensi) thành Lagash đã thú nhận: “Những thửa đất tốt nhất của thần linh tạo nên vườn cây ăn quả và ruộng dưa chuột của ensi”.(18) Vị patesi này, vì muốn nêu gương cải cách nên đã đem trả lại đất đai chiếm hữu của mình cho công xã dưới hình thức trả lại đất cho các thần: “Nhà vua đưa Nin-Girsou, chứa tể của các ensi vào ở trong nhà và trên các thửa ruộng của họ, Nữ thần Bau, nữ chúa bảo trợ các phụ nữ, vào ở trong nhà và trên các thửa ruộng của họ, và Dunshagga, chua tể của trẻ thơ, vào ở trong nhà và trên các thửa ruộng của các em”. (19) Đọc lại các tài liệu lý luận chung hoặc lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới lưu hành ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng những tài liệu này đều nói đến việc “Một số người trong thị tộc (tù trưởng, thủ lĩnh quân sự, tăng lữ…) lợi dụng uy tín của mình để chiếm đoạt sản phẩm dư thừa của tập thể biến nó thành tài sản riêng”.(20) Thực ra, việc biến tài sản công cộng thành của riêng không chỉ được thực hiện trên những “sản phẩm dư thừa”, mà được thực hiện ngay đối với ruộng đất, tư liệu sản xuất cơ bản nhất của xã hội, như đã xảy ra ở Lưỡng Hà cổ đại.
ở một khía cạnh nào đó, sự xuất hiện của sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất là một tiến bộ của xã hội. Nơi nào tư hữu xuất hiện sớm và phát triển mạnh, nơi đó nền văn minh có điều kiện sớm ra đời. Một khi tư hữu xuất hiện, hiện tượng tư nhân hoá ruộng đất của công xã nông thôn tất yếu sẽ là một quá trình không thể đảo ngược và quá trình này diễn khá mạnh mẽ vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên ở Lưỡng Hà. “Khuynh hướng thay thế tài sản công cộng hoặc tài sản của thần linh bằng tài sản tư nhân, vốn tồn tại từ rất xã xưa, trở nên ngày càng rõ nét khi mà truyền thống Sumer mai một đi do các tập quán mà những kẻ xâm lược ngoại quốc đưa vào”. (21) Một trong những sự kiện được nhiều sách vở, tài liệu nhắc đến khi minh chứng cho quá trình tư nhân hoá ruộng đất ở Lưỡng Hà là việc Manishtousou, vua thành bang Kish mua ba điền trang lớn và đuổi 1564 nông dân đang làm lụng trên các khu đất đó đi để đưa cháu của mình và những nhà quý tộc khác đến sinh sống. (22)
“Vua
mua rất nhiều ruộng đất ở vùng Kish và ba thành phố lân cận khác, việc
đó được khẳng định trong bản khắc chữ. Số ruộng đất mua ấy được trả bằng
ngũ cốc, bạc và cũng có khi bằng nô lệ nữa. Đúng như giả thiết của đa
số các nhà nghiên cứu, ruộng đất ấy thuộc về các công xã thị tộc bộ lạc
hay công xã nông thôn; song khi làm hợp đồng, vua không liên hệ với toàn
bộ công xã mà chỉ liên hệ với các người đứng đầu đại gia đình, nắm
cương vị lãnh đạo trong công xã. Đó là những nhóm người (hai hay nhiều
người hơn) gọi là “chủ đất” và “người ăn bạc” tức là những người nhận
tiền mua ruộng đất từ nhà vua là người mua. Trong số những “người ăn
bạc” có một số người, trừ giá tiền ruộng đất ra, còn được nhận một số
tặng phẩm như đồ vật bằng bạc hoặc áo quần. Từ bài văn ta thấy rõ những
“người ăn bạc” có quan hệ huyết thống với nhau. Bản khắc chữ sau khi chỉ
rõ diện tích ruộng đất và giá cả thì nhắc ngay đến “người ăn bạc”; như
trên đã nói, vua chỉ ký kết khế ước mua ruộng đất với những người nhận
cho cá nhân mình (“ăn”, “nuốt mất”) tiền mua ruộng đất.
Trong
bản khắc chữ, ngoài việc ghi rõ các mục trên, có lúc cũng kể ra “anh em
chủ đất”, tức là những người thân thuộc của chủ đất. Tuy bản khắc chữ
không nói những người thân thuộc này cũng nhận được một số thù lao nào
đó, song bởi vì họ được nêu ra liền sau “chủ đất”, “người ăn bạc”, cho
nên rõ ràng là họ cũng nhận được thù lao. Căn cứ vào bản khắc chữManishtousou, chỉcó
thể nói đến tàn dư của quyền sở hữu của toàn thể công xã đối với ruộng
đất. Đại biểu của một đại gia đình tự xưng là chủ đất, và chỉ có họ mới
là “người ăn bạc”, họ chỉ cho những người thân thuộc của họ hưởng một
phần nào đó mà thôi…”(23)
Con đường tư nhân hoá
ruộng đất thứ ba, sau sự hình thành ruộng đất tư trong các lãnh địa thế
tập và ruộng mua của công xã, là việc ban cấp đất đai của người đứng
đầu chính quyền cho hệ thống nhân viên trong bộ máy công quyền mới thành
lập.
“Truyền thống cổ xưa theo đó
nhà vua ban phát đất đai để đổi lại sự trưng thành của những người hưởng
lợi, hay để tặng thưởng cho những công trạng đã thực hiện, trở nên phổ
biến hơn. Chẳng hạn, trong thời kỳ Hammurabi, các sĩ quan quân đội hay
cảnh sát chịu trách nhiệm chiêu mộ tân binh được ban phong những khu đất
nhỏ không thể tước đoạt được và được miễn thuế, và những người nối dõi
nam giới có thể thừa kế chúng, với điều kiện đã thực hiện nghĩa vụ của
họ (hay đã đóng khoản thuế ilku, thay cho công trạng)”.(24)
Theo cuốn Lịch sử thế giới cổ đại do ông Lương Ninh chủ biên, NXB Giáo
dục năm 1999, ruộng đất thời Hammurabi được chia thành ba loại:- Ruộng đất của nhà vua, quan lại, quý tộc và tăng lữ.
- Ruộng đất do công xã nông thôn quản lý.
- Ruộng đất tư hữu.(25)
Tôi không tán thành cách phân loại ruộng đất này bởi “ruộng đất của nhà vua, quan lại, quý tộc và tăng lữ” thực chất cũng là ruộng đất tư, tức là ruộng đất không phải của công xã do nhà vua là đại diện chủ sở hữu. Bởi vậy, tôi cho rằng chỉ nên chia ruộng đất ở Lưỡng Hà cổ đại thành hai nhóm: đất công và đất tư tương ứng với quy chế pháp lý của mỗi nhóm đó.
“Cũng
như những thế kỷ trước, các công xã nông thôn còn giữ được quyền chiếm
hữu ruộng đất. Nhà vua là kẻ có quyền sở hữu ruộng đất cao nhất. Song
đặc điểm của giai đoạn này (giao đoạn trị vì của vua Hammurabi- tác giả
nhấn mạnh) là chế độ tư hữu ruộng đất phát triển và ruộng tư đã chiếm tỷ
lệ quan trọng. Ruông đất do đền miếu chiếm hữu cũng khá nhiều. Chủ ruộng đất tư là quan lại, tăng lữ, thương nhân, bọn cho vay nặng lại và một số kẻ có quyền thế trong công xã.
Diện tích ruộng đất do nhà vua trực tiếp quản lý cũng không nhiều như
thời vương triều Ur III, 90 % những khu ruộng tư có diện tích không quá
8,5 ha, những trang trại lớn nhất thời bấy giờ cũng chỉ rộng tới 31,5 ha”(26)
Tình hình chế độ ruộng đất trên đây được phản ánh vào trong bộ luật Hammurabi một cách tương đối cụ thể. Hơn ai hết, là một nhà lập pháp, ông vua Lưỡng Hà cổ đại này thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chế độ ruộng đất công, đồng thời cũng khuyến khích các giao dịch trên ruộng đất tư phát triển. Điều 36 bộ luật Hammurabi quy định rõ: “Nghiêm cấm việc bán ruộng, vườn, nhà cửa của người chỉ huy các chiến binh hay của các chiến binh trong các đơn vị quân đội; đất đã tiến cống cho nhà vua hay cho các đền thờ”. Đất thuộc “ruộng, vườn, nhà cửa của người chỉ huy các chiến binh hay của các chiến binh trong các đơn vị quân đội” thực chất là đất của các công xã chia cho những người dân thực hiện nghĩa vụ quân dịch. Đối với đất này, người dân chỉ được khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi chứ không được phép đem bán. Hợp đồng mua bán đất công được coi là vô hiệu. Người có hành vi mua đất công sẽ bị trừng phạt (Điều 37 bộ luật Hammurabi).
Trái ngược với đất công, nhà nước Lưỡng Hà cổ đại cho phép người dân thực hiện các giao dịch chuyển nhượng trên đất tư. “Đối với các khoản vay nợ của người dân tự do với người khác (các thương gia) hoặc các khoản nợ ở nước ngoài, dân tự do có quyền đem bán ruộng, vườn, nhà cửa thuộc sở hữu riêng của minh để trả các khoản nợ đó. Người mua điền sản tư có toàn quyền khai thác, sử dụng điền sản mà y đã mua” (Điều 40 bộ luật Hammurabi).
Cả đối với ruộng đất công và ruộng đất tư, người đang chiếm hữu, sử dụng nó đều có quyền cho người khác thuê đất. Thậm chí ngay cả người đã thuê đất của người khác để trồng trọt cũng có quyền cho thuê lại mảnh đất đó. Điều này được quy định rõ trong Điều 47 và các điều luật khác của bộ luật Hammurabi.
Nói tóm lại, cho đến thời vua Hammurabi cai trị, Lưỡng Hà cổ đại đã biết đến một nền nông nghiệp tương đối phát triển. Chế độ ruộng đất thời kỳ đó cũng rất phức tạp, quan hệ ruộng đất có nhiều nội dung mới vượt xa sự điều chỉnh của các tập quán cổ truyền. Điều này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực pháp luật, mà kết quả của nó là sự ra đời của bộ luật Hammurabi như chúng ta đã biết. Tuy nhiên, bản thân sự phát triển của quan hệ ruộng đất và sự tiến bộ trên phương diện kinh tế nông nghiệp chưa đủ cơ sở để giải thích sự xuất hiện của bộ luật Hammurabi. Nói cách khác, cơ sở kinh tế cho sự ra đời của bộ luật này còn nằm trong những quan hệ thương mại trong một nền kinh tế cổ đại mang nhiều dáng dấp thị trường.
2. Quan hệ thương mại ở Lưỡng Hà cổ đại
“Bây giờ chúng ta đã đến ngưỡng cửa của thời đại văn minh. Nó mở đầu bằng một bước tiến mới trong sự phân công lao động.
Trong giai đoạn thấp, loài người chỉ sản suất để trực tiếp đáp ứng sự
tiêu dùng của bản thân mình; những hành vi trao đổi, thỉnh thoảng lắm
mới diễn ra, là những hiện tượng đơn nhất và chỉ tiến hành với những sản
phẩm thừa ngẫu nhiên mà có…ở giai đoạn cao của thời đại dã man, chúng
ta thấy có một sự phân công lao động mới giữa nông nghiệp và thủ công
nghiệp và do đó, việc sản xuất trực tiếp ra một bộ phận ngày càng lớn
những sản phẩm lao động để đem trao đổi, và do đó mà sự trao đổi giữa
những người sản xuất riêng biệt đã trở thành một tất yếu sống còn của xã
hội. Thời đại văn minh ... còn thêm vào đó một sự phân công lao
động thứ ba nữa, một sự phân công lao động chỉ riêng nó mới có, một sự
phân công có một ý nghĩa quyết định: sự phân công này đẻ ra một giai cấp
không tham gia sản xuất nữa, mà chỉ làm công việc trao đổi sản phẩm, đó
là giai cấp thương nhân”.(27)
Đoạn trích trên được dẫn ra trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước
của Ph. ăng-ghen. Theo quan điểm của Ph. ăng-ghen, sự ra đời của quan
hệ thương mại là lần phân công lao động lớn thứ ba trên quy mô toàn xã
hội; sự phân công đó có ý nghĩa gần như quyết định cho bước chuyển lớn
lao của xã hội loài người từ giai đoạn dã man sang giai đoạn văn minh.
Một nền văn minh, theo đúng nghĩa của nó, phải có sự phát triển của
thương mại và văn minh Lưỡng Hà cổ đại cũng theo quy luật đó.ở Lưỡng Hà cổ đại, nền thương mại phát triển sớm là do nơi này có những điều kiện thuận lợi cũng như không thuận lợi, những điều kiện mang tính khách quan và cả những điều kiện chủ quan nữa.
Yếu tố đầu tiên thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ thương mại ở Lưỡng Hà chính là sự dồi dào của các sản phẩm nông nghiệp. Như phần trên chúng ta đã nói, bản thân Lưỡng Hà là một vùng đồng bằng rất rộng lớn và mầu mỡ được bồi đắp bởi phù sa hai con sông Tigre và Euphrate. Với sự ưu đãi của thiên nhiên như vậy, người Lưỡng Hà có điều kiện phát triển nông nghiệp. Họ xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi, cải tiến công cụ lao động, tích luỹ kiến thức gieo trồng và thu hái ngũ cốc. Tất cả những điều này làm cho năng xuất lao động của người nông dân tăng lên đáng kể và số lượng sản phẩm nông nghiệp thu về là rất lớn, “số lúa đại mạch thu hoạch được gấp 36 lần và trong một số trường hợp, có thể thu hoạch tới 104,5 lần số lúa gieo”(28)Sự giàu có của Lưỡng Hà đã làm cho Hê-rô-đốt, một sử gia Hy Lạp cổ đại từng phải ca ngợi: “Theo chỗ tôi biết, Babylone là một quốc gia có đầy đủ những điều kiện tốt nhất đối với nông nghiệp trong số tất cả các quốc gia khác”(29) Rõ ràng là, với một khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn như vậy, người sản xuất không thể tự mình tiêu dùng hết, sản phẩm dư thừa cần phải được đem trao đổi và như thế mầm mống của quan hệ thương mại đã hình thành.
Yếu tố thứ hai góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại ở Lưỡng Hà cổ đại cũng liên quan đến điều kiện đặc thù của tự nhiên ở vùng này. Người ta thường có câu: “Trời chẳng cho ai tất cả”, thế cho nên “tuy đất đai phì nhiêu, nhưng tài nguyên thiên nhiên Lưỡng Hà không phong phú lắm. Kim loại hầu như không có, đá và gỗ cũng hiếm hoi”(30) Chúng ta biết rằng sự phát triển của nền sản xuất xã hội và nói chung là sự phát triển của cả xã hội loài người trong các thời đại xa xưa đều gắn với việc sử dụng các công cụ lao động bằng kim loại. ý nghĩa của các công cụ kim loại lớn đến mức người ta đã lấy nó để đặt tên cho các giai đoạn phát triển thời tiền sử của loài người. Các sách giáo khoa lịch sử ngày nay vẫn nói tới thời đại đồ đá, rồi đến thời đại đồng - đá và thời đại đồ đồng. Tiếp sau đồng là đến thời hoàng kim của đồ sắt. Như thế, có thể khẳng định rằng các nguyên liệu kim loại là một nhu cầu thực sự của người Lưỡng Hà. Và tất nhiên, “nếu như không thể dùng vũ lực để cướp đoạt được những gì mà mình thèm khát, thì con người sẵn sàng dùng cách trao đổi để có được”.(31) Việc hình thành các quan hệ thương mại, trên bình diện nhu cầu nhập khẩu kim loại để phát triển sản xuất, diễn ra như một điều đương nhiên, mang tính nội tại của bản thân xã hội Lưỡng Hà.
Sự phát triển của thương mại Lưỡng Hà cổ đại, một phần khác cũng nhờ vào hai con sông lớn. Sông Tigre dài 2.000 km, sông Euphrate dài 2.800 km chảy gần như suốt chiều dài lãnh thổ Lưỡng Hà, như một tuyến đường giao thông thuỷ vô cùng thuận lợi từ Địa Trung Hải đến vịnh Ba Tư (vịnh Péc-xích). Thực ra, để vận chuyển hàng hoá trong những chuyến buôn dài ngày, các thương gia Lưỡng Hà có thể sử dụng hai con đường: đường bộ và đường thuỷ. Tuy vậy, nếu họ lựa chọn đường bộ thì việc đi lại sẽ rất khó khăn và tốn kém. Nói là khó khăn vì vào thời đó, kỹ thuật đóng xe vận chuyển hàng chưa phát triển. Theo những tư liệu mà ngày nay chúng ta biết được, chiếc xe của người Lưỡng Hà cổ đại di chuyển bằng sức kéo của ngựa hay lừa trên những vùng đất lầy lội không có đường sá. Bánh xe lại được làm từ gỗ đặc, đẽo gọt thô sơ. Tình hình này dẫn đến việc vận chuyển hàng hoá bằng xe khá chậm chạp và người ta không thể đi theo cách đó trên những quãng đường xa được. Do việc sử dụng xe để chở hàng không khả thi, cách duy nhất có hiệu quả theo con đường bộ mà người thương gia Lưỡng Hà có thể áp dụng là dùng lừa thồ hàng; nhưng giá mua cũng như giá thuê loại súc vật này không phải là rẻ. Như thế, vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ là tiện lợi nhất.
“Người
Sumer và người Babylone được đặc ân là có hai dòng sông lớn chảy dọc
qua lãnh thổ của họ, tạo nên như thế một tuyến đường sông kép, tuyến
giao thông này đã mở cửa miền Đông xứ Anatolie và miền Bắc Syrie cho
thương mại.
Gỗ, đồng và đá vỏ
chai được vận chuyển theo dòng sông Tigre. Nhựa bitum được khai thác tại
Hit, trên hu vực trung tâm của sông Euphrate, gỗ bá hương trên các dãy
núi Amanus, do bò kéo hay người vận chuyển theo con đường Alalakh-Alep
tới bờ sông, nơi gần Địa Trung Hải nhất. Các loại đá quý của miền
Na-Lu-A mà Gudéa nhập khẩu để xây dựng ngôi đền của đo thị, thì được mua
tại Biridjik. Đá cẩm thạch thì được khai thác trên dãy núi Anti-Taurus.
Đảm nhiệm công việc vận tải là ba loại phương tiện thuỷ, mà ngày nay người ta vẫn còn thấy được sử dụng trên các vùng nước đó.
Loại
phương tiện thứ nhất là những tàu thực sự, có sống tàu và bộ rẻ sườn
bọc bằng những tấm ván dầy, mũi tàu hơi nhọn, còn đuôi thì vuông, đường
nét thật thẳng để giảm thiểu độ cong của ván ốp. Các con tàu được trang
bị một cánh buồm la tinh và những mái chèo nặng hình cái dầm. Chúng được
đóng ở miền Bắc đất nước, nơi có đầy đủ gỗ. Chúng có chiều dài tới 9
mét và khá rộng.
Khi xuôi
dòng, những con tầu đó có thể chuyên chở một lượng hàng nặng và công
kềnh. Khi tới cuối dòng, ở phía Nam, thì chúng được sử dụng trong giao
thông địa phương trên các sông và kênh; những cánh buồm lớn cho phép
chúng đi ngược dòng. Tuy nhiên, ở phía Bắc thì chúng không thể vượt qua
các gềnh phía Nam đô thị Hit; như vậy chúng không thể bảo đảm được giao
thông bên ngoài biên giới Lưỡng Hà. Nếu chúng không được sử dụng ở địa
phương thì người ta tháo dời và đem bán ván cũng như các dầm. Phiên bản
hiện đại là loại tàu belem, cũng được sử dụng hoàn toàn tương tự.
Hai
kiểu phương tiện kia thì không phải là tàu theo đúng nghĩa. Một loại là
coracle, được làm bằng da tẩm nhựa bitum, và do hình dáng tròn nên
tương tự như loại gouffa hiện nay; Hérodote đã coi loại tàu này là kỳ
quan thế giới sau đo thị Babylone. Sau cùng là loại kelek, vốn là loại
kalakku cổ xưa, là một mảng làm bằng những dầm bằng gỗ ghép liền, nổi
được do các túi đầy hơi và có thể chuyên chở một khối lượng hàng nặng.
Các loại phương tiện này xuôi dòng sông rất dễ dàng do được dòng chảy
đẩy đi. Người ta ít dùng mái chèo hay sào đẩy, trừ khi để giữ cho phương
tiện ở giữa dòng sông.
Nhưng
không thể đi ngược dòng: đối với các thuỷ thủ thì hoá ra đây là chuyến
đi một chiều. Khi cái gouffa đến đích và đã bốc hàng thì người ta bóc da
khỏi bộ khung làm bằng sậy và chất lên lừa để trở về, dành cho một
chuyến hàng sau. Cũng như thế, người ta tháo dời cái kelek ra, bộ dầm
đem bán như gỗ, còn da thì quay trở về phương Bắc ”(32)
Yếu tố thứ tư thúc đẩy sự tiến bộ của thương nghiệp Lưỡng Hà cổ đại là
chính sách khuyến khích thương mại, tự do buôn bán của nhà cầm quyền.
Yếu tố này là điều kiện mang tính cách chủ quan. Chính sách khuyến khích
thương mại, tự do buôn bán của Nhà nước Lưỡng Hà cổ đại thể hiện trên
những điểm sau đây:Thứ nhất, nhà nước thừa nhận và bảo vệ chế độ tư hữu về tài sản. Điều 40 bộ luật Hammurabi đã dẫn ở trên cho phép người dân được tự do chuyển nhượng đất đai thuộc sở hữu của mình. Người nhận chuyển nhượng có toàn quyền đối với đất đai anh ta bỏ tiền ra mua. Có thể nói chính sách về chế độ tư hữu là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thị trường.
Thứ hai, nhà nước Lưỡng Hà cổ đại chính sách hỗ trợ vốn cho thương gia. Nhà nước, trong nhiều trường hợp đã bỏ tiền ra cho tư nhân vay với mức lãi xuất thấp hơn mức lãi xuất thị trường. Chẳng hạn, dưới vương triều Ur III, lãi xuất vay bạc trên thị trường là 25 %, trong khi đó mức lãi nhà nước cho người dân vay chỉ có 12 %. Thậm chí, “thời kỳ Babylone, ở Sippar, vị thần Shamash cho vay đại mạch với tỷ suất lãi là 20 phần trăm và bạc với mức lãi là 6,25 phần trăm”. (33)
Thứ ba, nhà nước và giới tăng lữ bình đẳng với tư nhân trong các quan hệ thương mại, đặc biệt là những quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài. Hơn thế, nhà nước đặc biệt chú trọng phát triển thương mại tư nhân. Các sử gia phương Tây hiện nay đánh giá: đây “chính là nét lý thú nhất của nền kinh tế Sumer”.
“Nhưng
do đã thừa nhận rằng, trong lĩnh vực thương mại, tính chủ động tư nhân
có nhiều cơ may thành công hơn là bộ máy quan liêu không có tinh thần
cạnh tranh, nên chính quyền đã không làm gì để thay thế các tư nhân.
Trong suốt lịch sử của miền Lưỡng Hà, các thương gia vẫn được quyền tự
do hành nghề, trong các giới hạn của luật pháp, và điều đáng chú ý là
thương mại tư nhân đã đem lạinhững kết quả tốt hơn là một nền thương mại
do nhà nước chỉ huy vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của các nhân tố chính
trị.
Chẳng hạn, vị pharaon Ai
câp có thể yêu cầu một nhà vua người Hittite, không chịu sự kiểm soát
của ông ta, để mong được cung cấp sắt, và nhận được một sự từ chối ít
nhiều lịch sự. Cũng vậy, khi sức mạnh quân sự của ông ta không còn buộc
người taphải tôn trọng nữa, thì ông ta có thể thấy yêu cầu về gỗ bá
hương bị một ông vua nhỏ bé xứ Byblos từ chối một cách miệt thị. Nhưng
các thương gia miền Lưỡng Hà thì vẫn có thể buôn bán với miền Trung xứ
Anatolie, nơi mà các đạo quân miền Lưỡng Hà mới chỉ đến có một lần, hay
với quột quốc gia ấn Độ xã xôi”(34)
Thứ
tư, nhà nước có sự bảo hộ thích đáng cho các lợi ích thương mại. Sự bảo
hộ này chủ yếu thể hiện trên phương diện pháp lý, mà sự thể hiện rõ nét
nhất của nó là bộ luật Hammurabi những cũng không loại trừ các biện pháp
ngoại giao, và thâm trí là cả biện pháp quân sự. Về biện pháp ngoại
giao boả vệ lợi ích thương mại, có thể dẫn ra đây sự kiện “một đoàn
lạc đà từ Babylone tới, chở theo một chuyến hàng bằng vàng, đã bị bọn
cướp tiến công và cướp bóc khi đang đi qua miền Canaan. Vua Babylone là
Bournabouriash đã viết thư cho vua xứ Canaan yêu cầu ông này chém các
tên cướp và trả lại số vàng; nếu không thì ông ta sẽ ra lệnh chấm dứt
mọi giao dịch thương mại giữa hai quốc gia”(35)Sử liệu cũng ghi lại sự kiện vua Sargon của nhà nước Lưỡng Hà tiến quân “đến tận xứ Anatolie xa xôi để bảo vệ khu di dân của những thương gia xứ Accad, mà các quyền lợi bị ông vua bản địa chà đạp”.(36)Với tất cả những điều đã trình bày trên, có thể thấy rằng người Lưỡng Hà cổ đại có cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho việc phát triển thương nghiệp. Đội ngũ những nhà thương gia được hình thành và phát triển nhanh chóng. Với sự phát triển này, họ có sự phân hoá nội bộ; trong các thương gia, xuất hiện những người mà ngày nay chúng ta gọi là “tư bản tài chính”, chuyên cung cấp vốn cho người khác đi buôn.
“Trong
số các tấm bẳng thuộc thời kỳ Larsa được phát hiện ở Ur, nhiều cái là
những bản hợp đồng, nêu rõ cách thức vận hành của nền ngoại thương.
Thông thường nhất là người tamkarum, tức là nhà tư bản, ứng trước tiền
vốn cần thiết cho người đại diện thương mại theo một tỷ xuất lãi xác
đinh trước và không phải gánh chịu một rủi ro nào cả.
Chẳng
hạn, A và B vay của X hai cân (mine) bạc, 5 thùng (gur) dầu và 30 bộ
quần áo, coi như phần đóng góp của X vào một hợp doanh để mua đồng ở
Dilmoun. Khi kết thúc chuyến đi, X sẽ không phải chịu những khoản thua
thiệt nếu có mà A và B đã phải gánh chịu. Hai người này đã cam kết trả
cho X bốn cân (mine) đồng cho mỗi lạng (sicle) bạc trong một bản hợp
đồng công bằng”.(37)
Về phương tiện thanh toán,
do Lưỡng Hà khởi phát là một quốc gia nông nghiệp nên đầu tiên người ta
dùng ngũ cốc như là vật ngang giá chung. Ngay trong bộ luật Hammurabi,
ngũ cốc vào thời kỳ thế kỷ thứ XVIII trước công nguyên vẫn còn được coi
là một trong những phương tiện thanh toán chính. Chẳng hạn, giá thuê một
con bò đạp lúc là 20 qa lúa (Điều 268 bộ luật Hammurabi) còn giá thuê
một con lừa làm công việc tương tự chỉ có 10 qa lúa mà thôi (Điều 269 bộ
luật Hammurabi). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của kim loại, thì đồng,
sau đó lại được xác định là phương tiện thanh toán thông dụng. Theo Điều
228 bộ luật Hammurabi, giá tiền dịch vụ được trả cho việc xây một ngôi
nhà là 2 sicle bạc, còn việc chữa khỏi khối u ở mắt một người tự do thì
giá cao hơn nhiều, lên tới 10 sicle theo quy định của Điều 215 bộ luật
Hammurabi.Về mặt hàng chủ lực của thương mại Lưỡng Hà, thủa ban đầu, người Lưỡng Hà cổ đại dùng ngũ cốc để đem đổi lấy kim loại, chủ yếu là đồng cũng như các mặt hàng khác như đá và gỗ để phục vụ cho các công trình xây dựng. Chẳng hạn, vào năm 2.200 trước công nguyên, để xây dựng đền thờ Ningirsou, vua Gudéa của thành bang Lagash đã phải cho mua gỗ ở khu rừng bá hương ở Magan và Meluhha, đá phoophia từ Melhha, đá cẩm thạch từ “các núi đá cẩm thạch”. Tuy vậy, việc dùng ngũ cốc làm mặt hàng chủ lực để xuất khẩu đưa lại rất nhiều rủi ro và bất tiện. Sự rủi ro và bất tiện của mặt hàng này có nhiều, nhưng trước hết thể hiện ở chỗ việc bảo quản nó gặp khó khăn khi phải vận chuyển trên một quảng đường dài, thời gian di chuyển lâu với phương tiện vận chuyển quá thô sơ. Hơn nữa, ngũ cốc cũng là một mặt hàng khá cồng kềnh, đòi hỏi thương gia phải bỏ nhiều chi phí vào khâu vận chuyển. Như thế, công sức và tiền vốn đầu tư lớn nhưng lãi đem lại thì lại ít. Tình hình này dẫn đến việc người Lưỡng Hà phải thay đổi cung cách làm ăn. Họ nhanh chóng học tập kinh nghiệm nghề nghiệp trong các ngành nghề thủ công của người dân những nơi mà họ đến rồi phát triển kinh nghiệm đó thành những kỹ năng thực thụ. Trên cơ sở những kỹ năng này, người Lưỡng Hà chỉ nhập khẩu về quê hương nguyên vật liệu ở dạng thô, sau đó gia công, tinh chế chúng thành những hàng hoá có giá trị để đem bán. Như thế, càng về sau, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lưỡng Hà không phải là ngũ cốc nữa mà chính là tư liệu sinh hoạt bằng kim loại và đồ thủ công có giá trị cao. “Do đó, không phải là chuyện ngược đời khi ta nói rằng các cư dân Sumer là những thợ kim loại giỏi nhất thế giới trong thời đại của chính họ vì họ không hề có kim loại”.(38)
Những điều đã trình bày trên phần nào khái quát tình hình kinh tế - thương mại ở Lưỡng Hà cổ đại. Một nền thương mại phát triển như thế chắc chắn sẽ để lại nhiều dấu ấn của nó trong pháp luật và ngược lại, chính bản thân pháp luật là một bảo đảm vững chãi cho thương mại phát triển. Điều này được minh chứng một cách rõ ràng qua bộ luật Hammurabi.
Đến đây, tôi tạm thời khép lại câu chuyện về cơ sở kinh tế cho sự ra đời của bộ luật mà chúng ta đang khảo sát. Thực ra, việc quan niệm cơ sở kinh tế cho sự ra đời của một đạo luật theo cung cách như vậy, như bản thân tôi tự nhận thấy, sẽ ít nhiều mang tính thô thiển và quá máy móc. Sự ra đời của một đạo luật, xét từ góc độ kinh tế chịu ảnh hưởng một cách toàn diện của rất nhiều nhân tố kinh tế hoặc liên quan trực tiếp đến kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt về mặt tư liệu, có lẽ chúng ta cũng phải tạm chấp nhận rằng, ở nét những nét lớn nhất, thì ít ra những gì đã trình bày trên cũng có những tác động nhất định đến sự ra đời của bộ luật Hammurabi.
[1] Xem Chiêm Tế, Lịch sử Thế giới cổ đại, Tập 1, Xã hội cổ đại Phương đông, NXB Giáo dục, năm 1971, tr 137.
[2] Xem Thôi Liên Trọng (dịch giả: Phong Đảo), Lịch sử thế giới, Tập 1, Thời cổ đại, NXB TP Hồ Chí Minh, tr 111.
[3] Xem Cải cách của Urukagina ,
Tư liệu lịch sử phương Đông cổ đại, NXB sách phương Đông, Mátxơcơva,
tiếng Nga, năm 1963, tr 178. (dẫn theo Trịnh Nhu, Nguyễn Gia Phu, Đại
cương lịch sử thế giới cổ đại, Tập 1, NXB Đại học và giáo dục chuyên
nghiệp, năm 1990, tr 103).
[4] Xem Bộ Thông sử thế giới vạn năm, Tập 1, NXB Văn hoá - thông tin năm 2000, tr 116.
[5] Như trên, tr 116
[6]
Có tài liệu nói thời gian trị vì của Naram Shin là từ năm 2259 đến năm
2223 trước công nguyên. Về vấn đề này, xin xem thêm Thôi Liên Trọng
(dịch giả: Phong Đảo), Lịch sử thế giới, Tập 1, Thời cổ đại, NXB TP Hồ
Chí Minh, tr 117.
[7]
Sở di Bộ luật này được gọi là Bộ luật đầu tiên của thế giới vì hiện
nay chúng ta chưa phạt hiện ra dấu tích của bộ luật Mammu (chú thích của
tác giả).
[8] Xem Thôi Liên Trọng (dịch giả: Phong Đảo), Lịch sử thế giới, Tập 1, Thời cổ đại, NXB TP Hồ Chí Minh, tr 111.
[9]
Cùng thời gian này, ở phía Bắc Lưỡng Hà, quốc gia Assyria cũng đã hình
thành. Assyria ngày càng lớn mạnh và đến năm 1165 thì tiêu diệt Babylon.
[10]
Dẫn theo Trịnh Nhu, Nguyễn Gia Phu, Đại cương lịch sử thế giới cổ đại,
Tập 1, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, năm 1990, tr 151.
[11]
Có tài liệu nói đến năm 1165, một đại quan người thành bang Isin đã lật
đổ vua Kassite cuối cùng để lập nên vương triều Babylone IV. Đế quốc
Assyria tiêu diệt vương triều Babylone IV này (Xem Trịnh Nhu…, tra129).
[12]
Xem Trịnh Nhu, Nguyễn Gia Phu, Đại cương lịch sử thế giới cổ đại, Tập
1, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, năm 1990, tr 173.
[13] Vùng đất nằm ở phía Tây nước Xi-ri và Li-băng ngày nay.
Nguồn tin: Nguyễn Đức
0 comments:
Post a Comment