Tuesday, August 20, 2013

Tâm địa thực dân - NGUYỄN ÁI QUỐC

 Thứ sáu - 27/07/2012 12:23

Ít khi chúng tôi có dịp được đọc báo thuộc địa. Hôm nay, chúng tôi nhận được một số Courrier Colonial, đề ngày 27 tháng 6 vừa qua, trên đầu tờ này có đăng một bài dài hai cột, dưới cái đầu đề kích động là "GIỜ PHÚT NGHIÊM TRỌNG". Cái đầu đề kêu rỗng ấy, kêu như một lời hô hào cầm vũ khí, đã khiến chúng tôi phải đọc từ đầu chí cuối bài báo dài này để biết rõ lý do của tiếng kêu cầu cứu đó là gì. Chưa đọc hết cột thứ nhất, chúng tôi cũng đã gần thấy được mục đích của tác giả, và càng đọc tiếp - vừa đọc vừa mỉm cười - thì cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi càng vững chắc lại. Cảm tưởng của chúng tôi tóm lại là: một chàng thực dân đã muốn dùng bản Yêu sách của nhân dân An Nam2 để mở một cuộc tấn công gián tiếp vào chính sách của ông Anbe Xarô, toàn quyền Đông Dương, một cuộc tấn công mà anh ta đã chú ý tô điểm bằng những lời phản đối có tính chất yêu nước, bằng lòng yêu chuộng chân lý, bằng tinh thần hy sinh và tận tuỵ vì lợi ích chung, vân vân, vân vân. 


Phân tích một vài đoạn trong bài báo, chúng ta sẽ thấy được chàng ta hiểu chủ nghĩa yêu nước, chân lý và lợi ích chung của nước Pháp như thế nào. 

Ông Camilơ Đơvila khao khát cái danh hiệu người yêu chuộng chân lý trong thế giới này và trong thế giới bên kia. Lòng khao khát ấy là chính đáng và hợp lý, chúng tôi vui lòng thừa nhận như vậy. Nhưng mong ông cho phép chúng tôi chỉ cho ông thấy rằng cái chân lý theo tâm địa của ông, cái chân lý theo quan niệm của bọn thực dân thù ghét dân bản xứ, không có gì là giống với chân lý của chúng tôi, chân lý mà sau này chúng tôi sẽ nói sơ qua đến, cũng như không có gì là giống với chân lý theo quan niệm của những người Pháp tốt ở nước Pháp cả. Sở dĩ chúng tôi nhận xét một cách lịch sự như vậy, là nhằm tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do ngôn luận. 


Trước hết, chúng tôi thấy trong bài báo nói về vấn đề đó, cái câu ám chỉ có ác ý là "ngay ngày hôm sau ông Anbe Xarô đặt chân trở về đất nước Pháp, thì những nhà ái quốc An Nam lập tức bác bỏ những lời tuyên bố lạc quan của ông". 


Chúng tôi không được biết bài diễn văn mà ông Đơvila đã ám chỉ, chúng tôi không bàn về bài diễn văn ấy. Nhưng ngay từ bây giờ chúng tôi cũng có thể nói rằng, dù sao đi nữa thì tám điểm của bản Yêu sách của nhân dân An Nam không nói ngược lại chút nào những ý kiến của ông Anbe Xarô, người đã tuyên bố trong tất cả những diễn văn của mình đọc trước những người bản xứ rằng mình kiên quyết muốn mở ra cho họ một kỷ nguyên tự do và công lý. Vì những lời hứa hẹn của ông phù hợp với những yêu sách của chúng tôi, nên ngay khi được biết tin ông trở về Pháp chúng tôi vội vã gửi đến ông bản ghi những yêu sách của chúng tôi. Trong lúc chờ xem chính sách của ông đáp ứng được đến mức độ nào những nguyện vọng của chúng tôi, chúng tôi vui lòng thừa nhận rằng đã nhiều lần ông ta phát biểu để bảo vệ những người bản xứ, chống lại sự áp bức của những tên thực dân độc ác và sự chuyên chế của những tên viên chức tàn bạo, bất chấp những đòn công kích của một chiến dịch vừa đáng ghét vừa nham hiểm của báo chí, một chiến dịch không giấu kín được tính phản nghịch của nó bằng những lời nguỵ biện về uy tín và bằng những lý lẽ giả dối về lợi ích chung.

Chúng tôi đã nhấn mạnh những chữ những tên thực dân độc ác và những viên chức tàn bạo, vì chúng tôi biết rằng có những người thực dân chính trực và những viên chức công bằng. Khốn nỗi, họ còn lâu mới là đa số, thậm chí còn đang sợ rằng họ là một thiểu số rất nhỏ nữa. 


Rồi ông Đơvila chép lại tám yêu sách của người An Nam, và kèm theo yêu sách thứ ba - tự do báo chí và ngôn luận - ông đưa ra nhận xét này: mà bản thân chúng ta cũng không được hưởng, và kèm theo yêu sách thứ bảy - thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật- ông đưa ra nhận xét này: hệt như ở nước ta. 


Cũng vậy thôi, tính giả dối cũng không được che đậy kín đáo gì hơn. Chúng tôi xin phép hỏi ông Đơvila rằng phải chăng ông coi độc giả của ông là những người quá ư ngu ngốc, khi ông định dùng cái lối bình luận quỷ quyệt đó để làm cho họ lẫn lộn tình trạng hoàn toàn và vĩnh viễn không có quyền tự do tư tưởng với sự kiểm duyệt, tức là một tình trạng hoàn toàn có tính chất tạm thời và chỉ nhằm một vài loại tin tức thôi. Còn về việc thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật, thì chúng tôi không hiểu tại sao ông Đơvila lại sợ việc ấy đến thế, vì những người trong sạch thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của Nghị viện nữa.


Lời trách cứ nặng nhất của ông Đơvila đối với những nhà ái quốc An Nam là đã phát biểu trực tiếp với nhân dân Pháp và với nền Công lý thế giới của tất cả các cường quốc. Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận với ông rằng những người An Nam đã đi vào một trường hợp hoàn toàn đáng xử giảo, khi không nhờ đến một nhà thực dân cỡ ông làm trung gian. Thừa nhận như vậy rồi, chúng tôi xin chép lại nguyên văn cái câu mà ông cho là khó hiểu, câu đó như sau: "Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hoà, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam". 


Chúng tôi không dám giải thích cho ông Đơvila rằng, thế nào là một nước Cộng hoà, vì môn sư phạm không phải là sở trường của chúng tôi, nhưng vì ông tìm cách bẻ quẹo một câu minh bạch như vậy, nên chúng tôi tự hỏi không biết có phải ông đã có danh dự được làm bồi bếp trong một nhà bếp nhà vua nào đó chăng.


Và bây giờ khi mà ông Đơvila tự hỏi rằng trách nhiệm ở đâu, thì chúng tôi phải nói trắng ra với ông rằng cần tìm trách nhiệm, không phải ở chính sách của ông Xarô mà ở tình hình thảm hại mà người ta đã để lại cho ông Xarô. Nếu sau một nửa thế kỷ sống dưới sự thống trị của nước Pháp mà nhân dân An Nam rút cuộc lại phải đi xin vài bảo đảm cá nhân và vài quyền tự do mà tất cả những nước láng giềng của mình đều được hưởng, thì điều đó không phải là tại ông Xarô thân dân bản xứ, mà điều đó có nguyên nhân sâu xa hơn nữa, đó là do chính sách bóc lột và ngu dân mà ông Đơvila và bè phái tuyên truyền, chứ không phải của ông Xarô. 


A, bây giờ chúng tôi đã nắm được động cơ của những đòn công kích ông Xarô rồi. Ông Xarô bị công kích vì ông thân dân bản xứ. 

Ông Đơvila nhắc nhở rằng những người đã có kinh nghiệm ở Đông Dương đã cố công khuyên ông Xarô, nhưng ông Xarô không chịu nghe họ. Theo ngôn ngữ của những tên thực dân độc ác, thứ kinh nghiệm ở Đông Dương có nghĩa là kinh nghiệm trong nghệ thuật bóc lột, cướp bóc người bản xứ, kinh nghiệm sống bằng mồ hôi của người bản xứ. Ông Xarô đã khinh bỉ không thèm nghe lời bọn cố vấn vụ lợi ấy, điều đó cũng dễ hiểu. 


Cái câu trong tờ Le Courrier d'Haiphong3 mà ông Đơvila dẫn ra và tuyên bố rằng, câu đó là có tính chất tiên tri (sic) xác nhận tất cả những điều mà chúng tôi vừa nói, nguyên văn câu đó như sau:

"Chính sách ấy (chính sách thân dân bản xứ) của ông Xarô chỉ có thể tiến hành được bằng cách hy sinh lòng tự tôn và những quyền lợi của những người Âu ở nước này, vì chính sách đó chỉ nhằm làm cho những dân bản xứ thành những người bình đẳng với chúng ta, rồi nhanh chóng trở thành chủ chúng ta". 


 Kết luận: đối với dân bản xứ, thì phải giữ họ vĩnh viễn trong cảnh nô lệ. Chúng tôi thiết tưởng rằng, những người Pháp thông minh và chân thực biết tỏ tính ưu việt tự nhiên của mình ở bất cứ nơi nào mình sống, thì không cần phải sống giữa những người bản xứ vĩnh viễn bị khoá mồm bịt miệng và bị xỏ mũi, mới có thể giữ được tính ưu việt đó. 


Sau cùng, ông Đơvila cho rằng mình biết rõ là một đảng độc lập đã xuất hiện và đảng này đã vượt qua đầu ông Xarô để phát biểu với nhân dân Pháp và với các cường quốc mà họ muốn nói với tư cách bình đẳng với nhau. Ông nói thêm rằng: đây là một giấc mơ và từ giấc mơ này ông thấy nguồn gốc của sai lầm mà ông Anbe Xarô phạm phải là năm 1913 ông Anbe đã dạy cho người An Nam biết rằng nước Đức đã chiếm Andátxơ - Loren của nước Pháp năm 1871. 


Nếu có một đảng độc lập tồn tại, thì đảng này không phải đi ăn xin một vài quyền tự do, mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khổ. Chúng tôi thử làm yên lòng ông Đơvila bằng cách nói rằng, Đảng của chúng tôi nói với nhân dân Pháp, cũng là nói cả với ông Đơvila. 


Cuối cùng, ông Đơvila không thể không biết về mặt quốc tế, khi người ta nói bình đẳng với nhau, người ta dùng con đường ngoại giao, chứ không phải bằng con đường thỉnh cầu. Vậy thì giấc mơ đẹp mà người ta kiêu hãnh đã tìm thấy chìa khóa, tự nó đã tan tành. 


Chúng tôi để cho ông Đơvila với một giấc mơ khác, giấc mơ làm cho dân An Nam quên đi rằng chỉ với nửa số những luật dân sự mà trước kia những người Andátxơ - Loren có được dưới sự thống trị của Đức, thì dân An Nam cũng sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều. Đúng vậy, theo ý nghĩa đó thì việc so sánh Andátxơ - Loren Phổ hoá với Đông Dương Pháp hóa dĩ nhiên là hại.                                                                               



Tài liệu đánh máy, tiếng Pháp.

Bản chụp lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code