Điều luật này giống với Điều 42 ở trên là đều điều chỉnh quan hệ lĩnh canh ruộng đất và đều được đặt ra để bảo vệ quyền lợi của chủ đất. Điểm khác nhau giữa Điều 42 và Điều 43 là ở chỗ:
- Tại Điều 42, người lĩnh canh không thiết tha với ruộng đất. Có làm ăn cầm chừng, thiếu trách nhiệm nên mùa vụ không cho thu hoạch hoặc thu hoạch không đáng kể.
- Còn tại Điều 43, nhà lập pháp nói rõ: người lĩnh canh đã cố ý bỏ đất hoang.
Chế tài pháp luật đối với người lĩnh canh bỏ hoang đất khá nặng nề:
- Vẫn phải nộp tô cho chủ đất bình thường.
- Phải quay trở về làm việc trên mảnh đất đã lĩnh canh, khắc phục hậu quả của việc bỏ hoang đất rồi sau đó phải trả lại đất cho chủ.
Khác với các nhà lập pháp Phương Đông về sau này, nhà lập pháp Lưỡng Hà đã không “hình sự hoá” quan hệ dân sự nói trên. Thực chất chế tài nêu ra trong điều luật là chế tài của dân luật: buộc thực hiện hợp đồng và buộc khắc phục hậu quả đã gây ra. Rõ ràng đây là một tiến bộ rất lớn về mặt tư duy pháp lý của con người cổ đại.
Điều 44.
Nếu kẻ nào nhận lĩnh canh đất đã bỏ hoang hoá của người khác để cải tạo và trồng trọt trong thời hạn là ba năm;Nhưng trên thực tế y lại không làm gì để cải tạo mảnh đất đó.
Thì sang năm thứ tư, y bắt buộc phải cải tạo mảnh đất đã lĩnh canh.
Sau đó phải trả lại đất cho chủ ruộng;
Và giao nộp cho ông ta hoa lợi thu từ mảnh đất theo theo tỷ lệ là 10 “gour” thóc trên 10 “gan” đất.
Bình luận
Cả ba điều luật: 42, 43 và 44 đều điều chỉnh quan hệ lĩnh canh ruộng đất và đều điều chỉnh theo hướng bất lợi cho người nhận lĩnh canh (tá điền). Điều này ít nhiều phản ánh tính giai cấp trong pháp luật của nhà nước chiếm hữu nô lệ. Thực tế, giai cấp chủ nô không chỉ bóc lột nô lệ mà còn chèn ép, bóc lột cả dân tự do (dân tự do nghèo phải lĩnh canh ruộng đất của quí tộc chủ nô).
Dù vậy, các điều luật này, ở một khía cạnh nào đó cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực, nhất là về phương diện bảo vệ sản xuất, chống hiện tượng bỏ hoang hoá đất nông nghiệp.
Mặt khác, qua Điều 44, luật Hammurabi nêu trên, ta thấy, nhà làm luật có ý thức phân biệt và quan điểm xử lý khác nhau đối với những trường hợp lĩnh canh ruộng đất cụ thể. Đối với loại ruộng lĩnh canh bình thường, nhà lập pháp vẫn tôn trọng sự thoả thuận của các bên về tỷ lệ tô tức (chỉ xác định phương pháp tính tô tức cho phù hợp); còn đối với ruộng lĩnh canh vốn là đất bỏ hoang, nhà làm luật ấn định luôn tỷ lệ tô tức chính xác là 10 gour thóc/10 gan đất, bất kể sản lượng thóc thu được từ mảnh đất lĩnh canh đó là bao nhiêu.
Điều 45.
Trường hợp người chủ đất đem đất của mình phát canh cho tá điền;Và đã thu trước tiền tô của tá điền đó.
Nếu như xảy ra thiên tai lụt lội gây mất mùa;
Thì thiệt hại ấy tá điền phải tự gánh chịu.
Bình luận
Điều luật đưa ra một tình huống pháp lý nhưu sau:
- Giữa chủ đất và người lĩnh canh đất (tá điền) có một hợp đồng thuê đất.
- Trong hợp đồng qui định rõ: bên cho thuê đất sẽ lấy trước tiền tô đất; Nghĩa là, mức tô đất là cố định, không phụ thuộc vào sản lượng thóc (tương lai) sẽ thu được trên mảnh đất lĩnh canh là bao nhiêu.
Trong trường hợp này, sẽ xảy ra 2 tình huống:
+ Tình huống 1: năm đó được mùa, nghĩa là số thóc thu về sẽ là rất nhiều, và đương nhiên người lĩnh canh đất sẽ hưởng cả.
+ Tình huống 2: thiên tai dẫn đến mất mùa, sẽ không thu hoạch được gì (mất trắng) hoặc thu được không đáng kể. Như thế, thiệt hại này đương nhiên người lĩnh canh đất phải tựu gánh chịu. Anh ta không thể nại ra lý do thiên tai để đòi lại hoặc đòi giảm tiền tô đất đã nộp trước đây.
Sự phân tích trên cho thấy, qui định của điều luật là công bằng (về phương diện pháp lý). Tất nhiên điều luật không nói rõ tiền thuê đất thu trước là bao nhiêu, nói đúng hơn điều luật không qui định; công quyền để cho người dân tự thoả thuận chứ không can thiệp vào câu chuyện này. Như thế, sự công bằng về mặt pháp lý chưa chắc đã đưa đến sự công bằng trên thực tế, bởi bên có tài sản (bên chủ đất) bao giờ cũng là bên có thế mạnh hơn trong quan hệ hợp đồng này.
Điều 46.
Trường hợp chủ đất không thu tiền tô trước mà thoả thuận sẽ thu 1/2 hay 1/3 tổng số thóc sẽ có được trên mảnh đất lĩnh canh.Nếu thiên tai xảy ra dẫn đến mất mùa
Thì chủ đất và người lĩnh canh (tá điền) sẽ chia nhau theo tỷ lệ đã thoả thuận trước số thóc thu được còn lại trên mảnh đất đó.
Bình luận
Điều 46 là sự tiếp nối của Điều 45 nêu trên.
Nhà lập pháp đưa ra lý thuyết cùng chịu rủi do trong trường hợp tiền tô đất được qui ra thóc và thu sau vụ mùa.
Điều luật đưa ra một thông tin quan trọng: mức tô là một nửa (1/2) hoặc một phần ba (1/3) sản lượng thu được. Điều này cho thấy mức độ tô tức là khá nặng nề trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại và đồng thời nó cũng phản ánh tình trạng bị bóc lột của nông dân (tự do) ở xã hội đương thời.
Điều 47.
Nếu trong năm đầu tiên chưa thu được hoa lợi, người lĩnh canh có quyền thuê hoặc nhờ người khác cày đất cho mình;Chủ đất không được hạch hỏi người lĩnh canh về việc này;
Khi đất đã dược cày ải và đến khi thu hoạch
Chủ đất sẽ thu phần tô tức của mình theo đúng tỷ lệ đã thoả thuận với người lĩnh canh.
Bình luận
Điều luật điều chỉnh một trường hợp khá phức tạp: đó là hiện tượng cho thuê lại đất.
Theo lời văn của điều luật, ngay trong năm đầu nhận ruộng lĩnh canh, người lĩnh canh đã có quyền cho thuê lại đất và chủ sở hữu mảnh đất đó không được quyền phản đối việc này. Khi đã cho thuê đất, chủ đất chỉ còn quyền thu tô trên mảnh đất đó.
Điều 48.
Nếu kẻ nào phải đi vay nợ một người khác;Mà năm đó, ruộng nhà y (hoặc y đi thuê) bị mất mùa do lũ lụt hoặc hạn hán;
Thì y sẽ không phải hoàn lại nợ gốc và phần lãi trong năm.
Bình luận
Điều luật trên điều chỉnh quan hệ cho vay nợ trong trường hợp xảy ra sự kiện bất ngờ dẫn đến những rủi ro, thiệt hại cho bên vay.
Tình huống được điều chỉnh là:
- Có hợp đồng vay nợ (vay tiền hoặc thóc) giữa chủ nợ và con nợ.
- Xảy ra thiên tai (lũ lụt hoặc hạn hán) làm thiệt hại đến tài sản, do đó dẫn đến khả năng không trả được nợ của bên vay (con nợ).
Phương án giải quyết: cho con nợ hoãn trả nợ (trong năm xảy ra thiên tai); đồng thời, năm đó con nợ cũng không phải trả lãi suất qui định trong hợp đồng vay nợ.
Đây là qui định rất tiến bộ; qui định này tiến bộ trong mọi thời đại và càng tiến bộ hơn khi ta đặt nó trong bối cảnh xã hội chiếm nô. Nếu như ở phương Tây cổ đại, việc không trả được nợ, vì bất cứ lý do gì sẽ dẫn đến việc nô lệ hoá người tự do hoặc áp dụng hình phạt thân thể đối với con nợ thì điều này đã không xảy ra ở phương Đông, ít nhất là về mặt pháp lý qua qui định nêu trên của luật Hammurabi .
Điều 49.
Trường hợp một kẻ đi vay bạc của thương gia; cầm cố đất trồng lúa hay trồng vừng cho người thương gia này.Y nói với người thương gia: Xin hãy trồng trọt trên mảnh đất của tôi, và đến mùa vụ, hãy thu hoạch những hoa lợi từu đất đó;
Và những người nông dân đã trồng lúa (hoặc vừng) trên mảnh đất được cầm cố.
[Đối với trường hợp này], đến mùa gặt, số lúa (hoặc vừng) thu được trên mảnh đất cầm cố vẫn thuộc về chủ sở hữu của nó.
Người chủ sở hữu của mảnh đất phải trả món nợ của y cho người thương gia kia, cộng với phần lợi tức của khoản vay cũng như những phí tổn mà người thương gia đã bỏ ra khi thuê người khác cày ruộng.
Bình luận
Điều luật này điều chỉnh quan hệ hợp đồng vay nợ và vấn đề cầm cố ruộng đất.
Nhìn chung, quan điểm của người làm luật là bảo vệ quyền sở hữu của người có đất; hạn chế việc tước đoạt ruộng đất của nông dân do hoạt động vay nợ gây nên.
Theo điều luật, không chỉ mảnh đất mà số hoa lợi thu được từ việc trồng trọt trên đất vẫn thuộc về người chủ đất.
Bên cạnh đó, quyền lợi của người cho vay (thương gia) cũng được đảm bảo. Luật buộc người đi vay phải trả cả nợ gốc, lãi và chi phí mà người cho vay phải bỏ ra khi thuê nông dân trồng trọt trên mảnh đất được cầm cố.
Điều luật thể hiện rõ tư tưởng công bằng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia quan hệ hợp đồng vay nợ.
Điều 50.
Nếu mảnh đất được cầm cố đã được trồng lúa hoặc vừng thì số lúa hoặc vừng này đương nhiên thuộc về chủ đất.Người chủ đất phải trả số bạc mà y đã vay và phần lợi tức phát sinh từ khoản vay cho người thương gia.
Bình luận
Nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại phân biệt 2 trường hợp cầm cố đất:
- Trường hợp thứ nhất: mảnh đất cầm cố chưa được trồng trọt (Điều 49)
- Trường hợp thứ hai: mảnh đất cầm cố đã được trồng trọt và sắp cho thu hoạch (Điều 50)
Trong cả 2 trường hợp nêu trên, hoa lợi thu được từ mảnh đất cầm cố vẫn thuộc về chủ đất. Người nhận cầm cố (thương gia và cũng là người cho vay) không được lợi dụng mảnh đất đang được cầm cố trong tay mình để chiếm đoạt số thóc lúa thu được trên mảnh đất đó.
Sự khác nhau ở 2 trường hợp trên, về phương diện điều chỉnh của luật, chỉ là việc đối với trường hợp thứ nhất, người vay (người cầm cố đất), bên cạnh việc trả nợ gốc và lãi còn phải trả thêm cả chi phí mà người nhận cầm cố đã bỏ ra để thuê người trồng trọt trên mảnh đất được đem ra cầm cố.
Điều 51.
Nếu kẻ đi vay không có bạc, y có thể lấy thóc (hoặc vừng) để
thay thế, theo tỷ giá do nhà vua quy định để trả nợ gốc và lãi cho
thương gia.Bình luận
Nhìn về hình thức, sự tồn tại của điều luật này thật vô lý. Nếu người đi vay không có tiền thì lẽ đương nhiên anh ta có thể dùng một thứ tài sản khác (như thóc lúa hoặc hoa màu) để trả nợ cho chủ nợ. Điều này là một việc bình thường.
Tuy nhiên, đứng trên phương diện pháp lý (và cả phương diện thực tế nữa), ta mới thấy hết ý nghĩa của điều luật. Tại sao như thế? Bởi căn cứ vào nội dung hợp đồng, nếu như chủ nợ cương quyết đòi số bạc mà y đã cho con nợ vay phải trả bằng bạc thì sao? Và nếu như đặt giả thiết rằng, tại thời điểm phải trả nợ, người vay không thể đem bán ngay lập tức số thóc hoặc hoa màu của anh ta để có được tiền trả nợ? Câu chuyện tiếp theo, tất yếu sẽ diễn ra là, chủ nợ sẽ siết nợ bằng cách chiếm đoạt luôn mảnh đất mà con nợ đem ra cầm cố.
Để tránh cho nguy cơ nói trên không xảy ra, nhà lập pháp đã qui định rõ 2 điều:
- Một là, cho phép con nợ được dùng thóc thay tiền để trả nợ.
- Hai là, việc qui đổi từ thóc ra tiền phải theo tỷ giá mà nhà vua qui định. Điều này đặc biệt có ý nghĩa lớn, bởi nó bảo vệ cho con nợ là bên yếu trong quan hệ hợp đồng vay nợ, không để cho chủ nợ có thể dùng sức mạnh kinh tế của y để chèn ép, tước đoạt thóc lúa của người dân (mắc nợ y).
Điều 52.
Trong trường hợp mảnh đất cầm cố bị mất mùa, kẻ vay nợ cũng
không thể lấy việc mất mùa này làm nguyên cớ để trốn tránh khoản vay
của y.Bình luận
Nếu như Điều 49, Điều 50, Điều 51, bảo vệ quyền lợi cho con nợ thì Điều 52 này bảo vệ quyền lợi cho phía chủ nợ. Trên thực tế, chủ nợ đặt lợi ích của mình vào số thóc lúa hoặc hoa màu thu được từ mảnh đất cầm cố. Điều đó khá bấp bênh, bởi không phải năm nào cũng là năm được mùa. Và như thế, công quyền phải can thiệp vào quan hệ tư của người dân. Nhà làm luật khẳng định rõ: dù được mùa hay mất mùa, khoản nợ đã vay luôn phải được trả. Luật pháp không cho phép con nợ, vì bất cứ lý do gì, trốn tránh khoản nợ của y.
Điều 53.
Kẻ nào, do sự chểnh mảng, mà không chịu gia cố đê đập bên ruộng của mìnhDẫn đến hậu quả đê vỡ, gây ngập lụt cả vùng
Kẻ đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.
Bình luận
Điều luật được đặt ra là để bảo vệ sản xuất; qui định nghĩa vụ của mỗi người dân trong công tác thuỷ lợi.
Hành vi không chịu gia cố đê đập được coi là vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật này có cấu thành như sau:
- Không chịu gia cố đê đập gần ruộng của mình
- Dẫn đến hậu quả thiên tai, gây thiệt hại cho cả vùng. Nguyên bản Pháp văn dùng chữ “canton”, nghĩa là, vùng, miền, tỉnh, bang...Tóm lại là một khu vực địa lý nhất định. Ông Nguyễn Gia Phu dịch luật Hammurabi từ bản tiếng Trung thì dùng khái niệm “Công xã” để chỉ khu vực bị thiệt hại trên đây.
- Lỗi vô ý.
Điều đáng ngạc nhiên là lập pháp Lưỡng Hà cổ đại không coi hành vi trên đây là tội phạm, thể hiện ở chỗ, chế tài mà điều luật đưa ra thuần tuý mang tính chất dân sự: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do hành vi trên pháp luật đưa ra).
Điều 54.
Nếu hắn không đủ thóc bồi thường, người ta sẽ bán toàn bộ tài sản của hắn và bản thân hắn làm nô lệ.Số tiền thu được sẽ chia đều cho những người bị thiệt hại vì trận lụt gây ra.
Bình luận
Điều 54 là sự tiếp nối Điều 53.
Nhà làm luật đã dự phòng đến phương án 2: Trường hợp bản thân tài sản của kẻ gây thiệt hại không đủ để bồi thường cho những người bị thiệt hại, kẻ gây thiệt hại sẽ bị bán làm nô lệ lấy tiền để trả cho những người kia. Xem chừng, biện pháp này mang tính trả thù nhiều hơn là cách thức giải quyết thiệt hại cho những người bị mất mùa, bởi sự thiếu ý thức của một người khác.
Điều luật cũng chỉ rõ đối tượng được đền bù: đó là những người bị thiệt hại do trận lụt gây nên.
Điều 55.
Kẻ nào do bất cẩn, trong khi mở cống nước để tưới tiêu cho ruộng của mình, đã gây úng lụt cho ruộng bên cạnh;Kẻ đó sẽ phải bồi thường cho người có ruộng bị ngập lụt số thóc lúa tương đương với số thóc lúa thu được từ một ruộng liền kề khác.
Bình luận
Tương tự như Điều 53, Điều 54, điều luật này cũng qui định về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy vậy, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này chỉ cho một người: người chủ của mảnh ruộng liền kề bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm trong việc mở cống cấp nước của người khác.
Mức bồi thường được tính căn cứ vào sản lượng thu được của một ruộng liền kề khác không bị ngập lụt.
Điều 56.
Kẻ nào tháo nước trong ruộng nhà mình để ngập ruộng đã trồng lúa của người khác;Kẻ đó sẽ phải bồi thường cho người có ruộng bị ngập, theo tỷ lệ cứ 10 gan đất của người đó thì đền 10 gour thóc.
Bình luận
Nếu như Điều 55 nói về hành vi dẫn nước để tưới ruộng thì Điều 56 nói đến việc làm ngược lại: tháo nước từ ruộng của mình đi. Cả 2 hành vi đều gây thiệt hại cho mảnh ruộng liền kề. Đương nhiên là, việc tháo nước gây thiệt hại ít hơn so với hành vi dẫn nước. Do đó, mức độ bồi thường được luật qui định cũng khác. Nếu như đối với hành vi bất cẩn trong việc tưới nước, nhà làm luật qui định phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thì đối với hành vi bất cẩn trong việc tiêu nước, mức đền bù chỉ là 10 gour[1] thóc cho 10 gan[2] đất bị thiệt hại mà thôi.
Điều 57.
Kẻ chăn cừu nào, khi chưa thoả thuận với chủ ruộng cũng như chưa báo trước cho chủ ruộng về việc cho lũ cừu vào ăn cỏ;Mà đã tự tiện cho lũ cừu vào ăn cỏ trong đám ruộng của người ấy;
Kẻ đó sẽ phải đền cho chủ ruộng cứ 10 gan đất 20 gour thóc;
Còn người chủ ruộng, y vẫn có quyền thu hoạch mùa vụ trên ruộng của y bình thường.
Bình luận
Điều luật xử lý mối quan hệ xung đột về lợi ích giữa 2 ngành nghề: trồng trọt và chăn nuôi trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người chủ đất.
Luật cấm mọi hành vi chăn thả gia súc trên ruộng đất của người khác nếu không được sự đồng ý của người đó. Nếu vi phạm, người chăn thả gia súc phải bồi thường thiệt hại cho người có ruộng bị gia súc vào ăn cỏ và phá hoại lúa cũng như hoa màu.
Bằng Điều 57 nêu trên, nhà lập pháp Lưỡng Hà muốn bảo vệ hoạt động sản xuất (trồng trọt).
Điều 58.
Kẻ nào dẫn những con cừu quay trở lại cánh đồng của người khác sau khi những con vật này đã dời khỏi mục trường;Kẻ đó sẽ có trách nhiệm quản lý cánh đồng mà y đã cho cừu của mình gặm cỏ.
Và y sẽ phải giao nộp cho người chủ cánh đồng, cứ 10 gan đất 60 gour thóc.
Bình luận
Điều luật nói trên phản ánh chế độ sử dụng đất của người Lưỡng Hà cổ đại. Có lẽ người Lưỡng Hà chỉ trồng lúa một vụ, thời gian còn lại trồng cỏ để nuôi gia súc (nuôi cừu) [3].
Nếu theo giả thiết trên, thời gian không trồng lúa, chủ đất sẽ cho những người làm nghề chăn nuôi thuê ruộng của mình để chăn thả gia súc.
Khi mùa vụ đến, người chăn nuôi gia súc phải lùa đàn gia súc của họ đi nơi khác để trả lại đất cho chủ ruộng.
Điều luật đã đề cập đến trường hợp khi mùa trồng lúa đến, nhưng người chăn nuôi gia súc không chịu lùa gia súc của họ đi (hay nói đúng hơn, họ chỉ giả vờ lùa gia súc đi rồi dẫn chúng quay trở lại đám ruộng đã thuê trước). Nguyên văn bản Pháp văn là “si après que les moutons sont sortis du canton, et que le bétail en entier s’est remisé sous les portes, un berger a conduit ses moutons sur le champ”, nghĩa là “sau khi những con cừu đã dời khỏi vùng nhưng đám gia súc [của kẻ kia](người chăn gia súc nói trong điều luật) lủi trốn lại dưới những cánh cổng [thành], kẻ chăn gia súc nọ đã dẫn chúng về lại cánh đồng”.
Trong trường hợp nêu trên, nhà làm luật cho phép người chăn gia súc được quyền quản lý lại khu ruộng đang chăn thả mà không cần sự đồng ý của người chủ khu ruộng đó.
Luật cũng buộc người chăn thả gia súc phải trả cho người chủ khu ruộng một số lượng thóc nhất định căn cứ vào diện tích khu ruộng theo tỷ lệ cứ 10 gan đất thì trả 60 gour thóc.
Như thế, quan điểm của nhà lập pháp thể hiện trong điều luật nghiêng về phía quyền lợi của người chăn thả gia súc và can thiệp một cách trực tiếp vào quan hệ tư (quan hệ hợp đồng thuê ruộng một cách bắt buộc vì quyền lợi của một bên). Tuy nhiên, trong trường hợp này, lợi ích của người chủ ruộng cũng được tính đến một cách đáng kể bởi số thóc mà người chăn thả gia súc phải trả cho chủ ruộng là khá lớn.
Điều 59.
Kẻ nào dám tự tiện chặt cây ăn quả trong vườn của người khác mà không được người này cho phép;Kẻ đó sẽ phải trả cho chủ vườn một phần hai mine bạc (cho một cây bị chặt).
Bình luận
Điều luật bảo vệ tài sản của những người chủ vườn cây ăn quả, Tự tiện chặt cây của người khác thì phải đền tiền.
Điều luật không nói rõ cây ăn quả bị chặt là loại cây gì, nhưng mức tiền phạt thì được qui định rất cụ thể: 1/2 mine bạc cho một cây.
Điều 60.
Trường hợp người chủ vườn giao cho người làm vườn mảnh đất của anh ta để trồng cây ăn quả;Người làm vườn đã trồng cây ăn quả và chăm sóc vườn cây ấy trong thời hạn là 4 năm.
Đến năm thứ năm, sản phẩm thu hoạch sẽ được chia đều cho cả chủ vườn và người làm vườn.
Người chủ vườn được ưu tiên lấy phần của anh ta trước.
Bình luận
Điều luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội mà ngày nay chúng ta gọi là liên kết đầu tư. Quan hệ này phát sinh từ sự thoả thuận giữa chủ vườn và người làm vườn. “Người làm vườn” (trong bản Pháp văn là “jardinier”) trong trường hợp này hoàn toàn không phải là người làm thuê cho chủ đất.
Trong quan hệ nói trên:
- Chủ đất góp đất;
- Người làm vườn góp cây giống và công chăm sóc.
Thời hạn hợp đồng giữa hai chủ thể nói trên, đặt giả thiết là 5 nam. Tại sao lại là 5 năm? Bởi thông thường cây ăn quả là những cây lâu năm. Căn cứ vào nội dung điều luật, có lẽ trong vòng 4 năm đầu, những cây ăn quả này chưa cho thành phẩm.
Đến năm thứ 5, sản phẩm thu hoạch được chia đều cho cả 2 bên, trong đó, nhà lập pháp uu tiên quyền lợi của chủ đất hơn, cho phép ông ta được chọn phần của mình trước.[4]
Điều 61.
Nếu người làm vườn, sau khi nhận đất đã không chịu trồng cây và bỏ hoang hoá một phần đất đã nhận;Thì [đến khi thu hoạch], hắn ta sẽ bị khấu trừ một phần hoa lợi của mình.
Bình luận
Có lẽ người dịch bộ luật Hammurabi từ ngôn ngữ cổ của người Lưỡng Hà ra tiếng Pháp (và cả tiếng Anh) đã không dịch hoàn toàn chính xác điều luật này. trong bản Pháp văn, Điều 61 có viết: “Si un jardinier, dans la planlation d’un champ ou verger, n'a pas du tout planté, mais a laissé une partie inculte, on la lui mettra dans sa portion”.
“n’a pas du tout planté ”, nghĩa là hoàn toàn không trồng trọt gì cả. Đã không trồng trọt thì làm sao có được sản phẩm để sau này chia phần giữa chủ đất và người làm vườn?
Tôi giả định rằng, trong trường hợp này, người làm vườn cũng tiến hành việc trồng cây trên mảnh đất đã nhận, song không nhiệt tâm đối với công việc đó cho lắm. Và cũng vì không nhiệt tâm nên anh ta đã bỏ một phần đất bị hoang hoá, không cải tạo. Thực chất đây là hành vi vi phạm cam kết hợp đồng giữa hai bên. Theo nguyên lý của dân luật, người vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm của mình. Điều này dẫn đến hạu quả áp dụng chế tài của điều luật nêu trên.
Điều 62.
Nếu anh ta [người làm vườn] không chịu trồng cây ăn quả trên mảnh đất mà anh ta được giao (để làm việc đó);Và nếu như mảnh đất này có thể trồng ngũ cốc được;
Thì người làm vườn phải nộp cho chủ đất số sản vật tương đương với số sản vật thu được của mảnh đất liền kề cho tất cả các năm (đã nhận đất) mà y lười biếng. Đồng thời, y phải đi cày lại mảnh đất đó;
Và trả lại cho người chủ.
Bình luận
Điều 62 là sự tiếp nối của Điều 61.
Nếu như ở Điều 61, người làm vườn vẫn thực hiện hợp đồng với chủ đất thì ở Điều 62 này, người làm vườn đã bỏ bê đất trong nhiều năm.
Đối với trường hợp này, luật pháp đã buộc người làm vườn (người nhận đất) phải:
- Bồi thường cho chủ đất;
- Lao động trên đất đã nhận;
- (Rồi sau đó) trả lại đất cho chủ đất.
Chế tài trên vừa mang tính chất kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội.
Điều 63.
Nếu mảnh đất mà anh ta [người làm vườn] đã nhận là đất hoang;Anh ta sẽ phải cải tạo mảnh đất đó;
Và trả lại cho chủ nhân của nó.
Đồng thời, mỗi năm chiếm hữu mảnh đất, anh ta phải nộp cho chủ đất, cứ 10 gan đất là 10 gour thóc.
Bình luận
Điều 63 là sự tiếp nối của Điều 62.
Điều 63 khác Điều 62 ở chỗ, mảnh đất nói tại Điều 62 là đất đang trồng trọt được, còn đất ở Điều 63 là đất hoang hoá. Ngay cả đối với đất hoang hoá, khi người làm vườn đã nhận, luật buộc anh ta phải cải tạo và trồng trọt trên mảnh đất đó cây ăn quả như đã thoả thuận với chủ đất. Nếu làm khác đi, theo tinh thần của Điều 63 nêu trên, người làm vườn sẽ phải:
- Tiếp tục việc cải tạo mảnh đất đã nhận;
- Sau đó, trả về cho chủ đất;
- Bồi thường cho chủ đất.
Điều 64.
Trường hợp một người giao khu vườn cây ăn quả của anh ta cho người làm vườn chăm sóc;Và người làm vườn đã chăm sóc vườn cây đó;
Thì người làm vườn sẽ được hưởng một phần ba (1/3) hoa lợi thu được.
Còn chủ đất được hưởng hai phần ba (2/3) hoa lợi thu được từ khu vườn đó.
Bình luận
Trường hợp nói tại Điều 64 khác với trường hợp nói tại các Điều 60, 61, 62, 63 ở chỗ mảnh đất được giao cho người làm vườn đã được trồng cây ăn quả. Người làm vườn chỉ có nhiệm vụ chăm sóc số cây ăn quả đó mà thôi.
Nhà làm luật định rõ tỷ lệ hoa lợi hai bên sẽ nhận được:
- Chủ đất nhận 2/3 số hoa lợi;
- Người làm vườn nhận 1/3 số hoa lợi còn lại.
Như thế, công quyền đã can thiệp trực tiếp vào quan hệ tư trong trường hợp này để tránh sự tranh chấp của hai bên tham gia quan hệ.
Điều 65.
Nếu người làm vườn không chăm sóc tốt khu vườn được giao;Và [do đó] đã làm giảm sản lượng thu được;
Thì người đó sẽ phải bồi thường cho chủ vườn.
Mức bồi thường được tính trên cơ sở số hoa lợi thu được từ mảnh vườn liền kề.
Bình luận
Điều 65 là sự tiếp nối của Điều 64 nêu trên.
Nhà lập pháp đã dự phòng hành vi vi phạm của người làm vườn và đưa ra chế tài cho sự vi phạm đó. Người vi phạm phải bồi thường dân sự.
Căn cứ để xác định mức độ bồi thường là số hoa lợi thu được từ khu vườn liền kề.
Điều ... [ a]
Trường hợp một người vay nợ của thương gia, đã trao cho người
thương gia này vườn cây chà là của y và nói: “Xin ông hãy lấy hết số quả
chà là trong vườn để trừ nợ cho tôi”.Nếu người thương gia không đồng ý;
Kẻ vay nợ kia vẫn phải trả cho thương gia số bạc và phần lợi tức của khoản vay theo đúng giao kèo.
Còn vườn chà là của y sẽ do y thu hoạch. Tất cả chúng đều thuộc về y.
Bình luận
Điều luật này, trong bản gốc bộ luật Hammurabi không rõ là điều luật thứ bao nhiêu, bởi trên cột đá có khắc bộ luật nhiều chỗ văn tự bị mờ, xoá nên không đọc được. Bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu đánh dấu điều luật này là điều thứ 66.
Điều luật điều chỉnh quan hệ vay nợ có áp dụng biện pháp bảo đảm là cầm cố ruộng đất trên tinh thần tôn trọng ý chí của các bên tham gia giao dịch dân sự. Nếu như bên cho vay không chấp nhận sản vật từ đất thay cho tiền (bạc) thì bên vay vẫn phải trả tiền (bạc) như đúng giao kèo.
Điều ... [b]
Trường hợp người thuê nhà đã trả trước tiền thuê nhà cho chủ trong cả năm;Mà chủ nhà lại yêu cầu y phải ra khỏi nhà trước thời hạn [kết thúc hợp đồng];
Thì chủ nhà phải hoàn lại một phần tiền thuê nhà tương ứng với những ngày còn lại [trong hợp đồng].
Bình luận
Điều luật này điều chỉnh quan hệ hợp đồng thuê nhà. Điều này cho thấy hiện tượng ở trọ, thuê nhà đã tồn tại từ thời kỳ cổ đại, cách chúng ta ngày nay trên dưới 4000 năm.
Theo tinh thần của điều luật, pháp luật Lưỡng Hà bảo vệ quyền lợi cho phía chủ nhà. Chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, kể cả khi đã nhận trước tiền thuê nhà. Nghĩa vụ duy nhất của chủ nhà, trong trường hợp này, là hoàn lại một phần tiền thuê nhà cho người thuê. Như thế xem ra nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại luôn bảo vệ quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là bất động sản, trong mọi trường hợp.
Điều ... [c]
Trường hợp một người cam kết trả khoản nợ của anh ta với người khác bằng lúa mì hoặc bạc;Và vì anh ta không còn lúa mì hay bạc nữa;
Anh ta sẽ phải trao cho chủ nợ tất cả những gì mà anh ta có, trước mặt những người làm chứng.
Người chủ nợ không được phép gây khó dễ cho anh ta;
Y phải chấp nhận điều đó.
Bình luận
Điều luật điều chỉnh vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “tình trạng phá sản”.
Theo điều luật, người trong tình trạng phá sản phải chịu trách nhiệm đến món tài sản cuối cùng của mình và chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của anh ta đến giới hạn đó.
Tại sao lại nói rằng giới hạn trách nhiệm của con nợ là đến món tài sản cuối cùng của anh ta? Bởi vì, nếu như tất cả tài sản của con nợ có không đủ trả nợ thì phần nợ chưa trả (và cũng không trả được) thì không phải trả nữa. Luật Lưỡng Hà không cho phép nô lệ hoá dân tự do, bán anh ta đi để trả nợ như luật của người La Mã. Chỉ điều này thôi cũng thấy được tính tích cực và tiến bộ của luật Hammurabi.
...................
Trong bản Pháp văn, ngoài 3 điều luật được đánh thứ tự là Điều [$a], [$b], [$c] nêu trên, các điều luật từ Điều 66 đến Điều 99 được xem như bị mờ xoá, không đọc được.
Đối chiếu với bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu, Điều 66 tương ứng với Điều [$a]. Các Điều [$b], [$c] không thấy trong bản dịch này.
Bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu có thêm ba điều là Điều 89, Điều 90, Điều 91 không thấy trong bản dịch Pháp văn. Để tiện cho việc nghiên cứu của đọc giả, tôi xin trích ba điều luật trên ở phần dưới đây. Những điều luật này tôi không bình luận.
Điều 89.
Nếu thương gia cho vay thóc hoặc tiền thì mức lãi được qui định là mỗi gur có thể lấy lại 100 ca[5] thóc. Nếu cho vay bạc trắng thì mỗi xiclơ bạc có thể lấy lại 1/6 và 6 seum[6].
Điều 90.
Nếu
người nào đó mắc nợ có lãi, nhưng không có bạc trắng để trả nợ mà chỉ
có thóc, thì theo qui định của vua, thương gia chỉ được tính mỗi guru là
100 ca và lấy thóc để trả lãi.
Điều 91.
Nếu
thương gia không tuân theo qui định là thóc thì mỗi guru lấy lãi 100
ca, bạc trắng thì mỗi xiclơ và 6 seum mà tăng thêm lợi tức thì người này
bị mất vật đã cho vay.
............
Điều 100.
(...) Người gia nhân sẽ ghi lại số lợi tức bằng tiền mà anh ta
nhận được, tính toán tất cả các ngày và trả cho thương gia.Bình luận
Điều 100 có lẽ không được dịch ra bản Pháp văn và Anh văn đầy đủ nên ta không có cơ sở để hiểu chính xác nội dung của nó.
Nguyên văn bản Anh văn là “...interst for the money, as much as he has received, he shall give a note there for, and on the day, when they settle, pay to the merchant”, có nghĩa là “ ... Lợi nhận sẽ được chuyển thành tiền, khi đã kiếm được nhiều rồi, anh ta sẽ ghi lại và vào một ngày, khi thanh toán, sẽ trả cho người thương nhân”.
Nguyên bản tiếng Pháp là (...) “Le commis marquera les interêts de l’argent autant qu’il en a emporté, et it comptera ses jours, et payera le négociant”. (như đã được chuyển ngữ trong phần điều luật).
So sánh điều luật trong hai bản Pháp văn và Anh văn, có thể thấy nội dung bản thân điều luật này được dịch hơi khác nhau.
Bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu không có Điều 100 nên tôi không có cơ sở để đối chiếu.
Tuy vậy, qua sự diễn đạt của điều luật trên, có thể hình dung điều luật này điều chỉnh mối quan hệ giữa thương gia với người giúp việc (gia nhân hay người đại diện của ông ta) khi người giúp việc này tiến hành các giao dịch với người thứ ba.
Điều 101.
Nếu người gia nhân chẳng thu được lợi nhuận từ nơi (anh ta) đến (buôn bán);Anh ta sẽ phải trả gấp đôi số tiền đã nhận từ thương nhân.
Bình luận
Điều 101 là sự tiếp nối của Điều 100 nói trên.
Theo qui định của Điều 101, thương gia giao tiền cho gia nhân của mình đến buôn bán ở nơi xa, có thể là ở nước ngoài. Người gia nhân của thương gia sẽ nhân danh thương gia tiến hành các giao dịch mua bán hàng hoá tại nơi mà anh ta được cử đến. Số tiền mà anh ta thu được sẽ được ghi chép lại theo từng ngày và được chuyển về cho thương gia (Điều 100).
Bởi việc buôn bán tiến hành ở nơi xa và người gia nhân được tự chủ trong việc buôn bán này nên pháp luật buộc anh ta phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ do anh ta gây ra.
Điều 102.
Nếu người thương gia, khi giao tiền cho gia nhân của mình (để buôn bán) mà không đặt ra một nghĩa vụ nào cả;Và người gia nhân này, khi buôn bán ở nơi xa, đã làm ăn thua lỗ;
Thì người gia nhân chỉ phải hoàn trả cho ông ta số vốn gốc mà thôi.
Bình luận
Về điều luật này, tại bản Pháp văn có viết: “Si un négociant a donné de l’argent à un commis à titre gracieux...”, nghĩa là “Nếu một người thương gia cho không tiền của ông ta cho gia nhân...”. Theo tôi hiểu, “cho không tiền” ở đây không phải theo nghĩa hợp đồng tặng cho thuần tuý, mà chỉ là hành vi giao tiền cho người khác kinh doanh mà không kèm theo điều kiện về kết quả hoạt động kinh doanh. Trường hợp này khác với trường hợp nói tại Điều 100 và Điều 101 ở chỗ, tại Điều 100 và Điều 101, người thương gia giao tiền cho gia nhân đi kinh doanh và buộc người gia nhân này phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Có lẽ trường hợp nói tại Điều 102 và Điều 100 là những loại hình đầu tư kinh doanh của các thương nhân thời cổ đại.
Điều 103.
Nếu trên đường đi, người gia nhân bị bọn cướp cướp mất số hàng hoá mang theo;Thì y sẽ phải thề trước thần linh về việc này;
Và người ta sẽ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho y.
Bình luận
Điều luật qui định trường hợp giải phóng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng ở đây là bị cướp đường.
Điều kiện bổ sung để miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại là lời thề trước thần linh. Như thế niềm tin tôn giáo cũng tham gia vào quá trình điều chỉnh pháp luật với tư cách là sự hiện thân của đạo đức - lòng trung thực của con người.
Điều 104.
Nếu người thương nhân giao cho gia nhân của ông ta thóc lúa,
dầu, len hay bất cứ thứ gì khác (để gia nhân này đem bán);Thì người gia nhân, (sau khi bán xong số hàng hoá nói trên) phải ghi lại cẩn thận số tiền y đã thu được;
Và giao lại cho chủ nhân của y.
(Sau khi giao tiền), người gia nhân phải xin được chứng từ, có đóng dấu của thương nhân về số tiền mà y đã giao cho ông ta.
Bình luận
Nếu như trong Điều 100, Điều 101, Điều 102, thương gia giao tiền cho gia nhân của ông ta đi buôn bán ở nước ngoài thì ở Điều 103, Điều 104, thương gia giao hàng cho gia nhân đi bán.
Tại Điều 103, người gia nhân bị mất hàng do sự kiện bất khả kháng (bị cướp) và anh ta được giải phóng khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tại Điều 103, việc bán hàng hoá thành công. Luật qui định người gia nhân phải ghi lại cẩn thận số tiền thu được và đem tiền này về nộp cho chủ. Việc nộp tiền phải được chứng thực bằng văn bản, có đóng dấu của người thương gia. Xem ra nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại đã rất coi trọng vấn đề chứng cứ khi giải quyết các tranh chấp dân sự.
Điều 105.
Nếu người gia nhân quên không lấy chứng từ có đóng dấu của thương gia về khoản tiền đã nộp;Thì y coi như người chưa nộp tiền cho thương gia.
Bình luận
Điều 105 là sự tiếp nối của Điều 104. Luật xem việc lấy chứng từ có con dấu của thương gia là nghĩa vụ của người gia nhân. Nếu người gia nhân, vì một lý do nào đó, không thực hiện nghĩa vụ này, anh ta sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Điều 106.
Nếu người gia nhân đã nhận tiền của thương gia (để đi buôn bán) mà chối rằng chưa nhận;Thì người thưưong gia phải đưa y ra trước thần linh với người làm chứng của mình.
Người gia nhân sẽ phải trả cho thương gia gấp 3 lần số tiền mà y đã nhận được.
Bình luận
Điều luật trừng phạt hành vi gian trá của gia nhân chống lại thương gia, là chế tài của Điều 104 và Điều 105.
Nghiên cứu điều luật, có thể thấy rằng trong tư duy lập pháp của người Lưỡng Hà cổ đại không có sự tách bạch giữa vi phạm dân sự và vi phạm hình sự đối với trường hợp này. Bản thân mức phạt về tài sản (phạt gấp 3 lần số tài sản đã chiếm định) có lẽ cũng xuất phát từ tập quán mà thôi.
Điều 107.
Nếu người thương nhân cố ý làm hại gia nhân của hắn ta bằng
cách chối bỏ tất cả những gì mà hắn đã nhận được từ người gia nhân này;Người gia nhân có quyền đưa ông chủ của mình ra trước thần linh với người làm chứng.
Tên thương nhân kia sẽ phải đền bù số tài sản gấp 6 lần tài sản mà hắn đã nhận được cho người gia nhân.
Bình luận
Nhà làm luật Lưỡng Hà cổ đại đã cố gắng thể hiện sự công bằng của mình trong việc trừng phạt hành vi gian trá.
So sánh chế tài qui định tại Điều 106 và Điều 107, có thể thấy nguyên tắc “bảo vệ kẻ yếu” được đề cao trong luật Hammurabi.
Điều 108.
Nếu mụ bán rượu nào từ chối nhận thóc khi bán rượu mà nhất quyết đòi tiền.Và nếu như mụ hạ giá bán rượu dưới giá thóc.
Mụ sẽ bị quẳng xuống sông.
Bình luận
Điều luật điều chỉnh vấn đề phương tiện thanh toán trong hoạt động mua bán hàng ngày (mua bán rượu).
Theo tinh thần của điều luật, thóc lúa cũng có thể được coi là phương tiện thanh toán trong các giao dịch dân sự thông dụng. Điều này có nghĩa là, trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại, phương thức vật đổi vật (hàng đổi hàng) vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến.
Chế tài mà điều luật quy định là quẳng người vi phạm xuống sông.
Điều 109.
Nếu mụ bán rượu dám để cho những kẻ nổi loạn vào cửa hàng của mình (để uống rượu);Mà không bắt và giải chúng ra trước nhà vua;
Mụ sẽ phải chịu hình phạt tử hình.
Bình luận
Đây là một trong rất ít điều luật nói về những kẻ nổi loạn (les rebelles - kẻ phản nghịch, tạo phản).
Luật pháp nghiêm cấm việc chứa chấp những kẻ phản nghịch. Nghĩa vụ của người dân là phải bắt giữ chúng và giải lên nộp cho triều đình.
Chủ quán rượu để mặc cho những kẻ phản loạn ăn uống trong quán hàng của mình sẽ bị Nhà nước Babilone xử tội chết.
Điều 110.
Người nữ tu nào không chịu ỏ trong các đền thờ thần;Mà dám mở uán rượu;
Hoặc vào quán rượu uống rượu;
Người nữ tu sĩ đó sẽ bị hoả thiêu.
Bình luận
Điều luật đưa ra qui định trừng phạt những nữ tu vi phạm giáo luật.
Luật Lưỡng Hà cấm nữ tu sĩ:
- Mở quán bán rượu
- Vào quán uống rượu
Nếu nữ tu sĩ nào có một trong hai hành vi trên, bà (cô) ta sẽ bị hoả thiêu. Qui định này cho thấy, pháp luật và tôn giáo ở Lưỡng Hà có sự xâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau. Pháp luật chính là một trong những công cụ bảo vệ tính tôn nghiêm của tôn giáo.
Điều 111.
Nếu mụ bán rượu bán chịu (cho khách hàng) 60 qa rượu vào đầu vụ;Thì đến mùa gặt, mụ sẽ nhận được 50 qa lúa.
Bình luận
So sánh Điều 111 và Điều 108, có thể thấy rằng, cả hai điều luật này cùng điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán rượu, trong đó, thóc được coi là phương tiện thanh toán, chỉ có điều, ở Điều 108, việc thanh toán được thực hiện ngay vào thời điểm mua hàng (mua rượu), còn Điều 111 điều chỉnh quan hệ thanh toán sau. (Mua rượu từ đầu mùa gặt, đến cuối mùa vụ, tức là lúc thu hoạch mới thanh toán tiền rượu).
Ta cũng nên lưu ý, việc mua bán rượu được qui định tại hai điều luật trong Bộ luật Hammurabi. Điều này phản ánh một thực tế là mặt hàng này có ý nghĩa lớn trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại.
Điều 112.
Nếu một người nào đó đang trong chuyến hành trình đã trao
vàng, bạc, đá quí hay các thứ của cải khác của anh ta cho kẻ khác vận
chuyển;Kẻ này không chuyển những thứ cần chuyển đến nơi phải đến;
Mà lại chiếm đoạt những thứ đó (cho bản thân y)
Thì người chủ sở hữu có quyền đưa kẻ vận chuyển ra trước toà.
Kẻ đó sẽ phải nộp cho người chủ số tài sản gấp 5 lần số y đã chiếm đoạt.
Bình luận
Điều luật mô tả một tội phạm: Tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài ản theo như cách gọi của chúng ta. Tội phạm này có cấu thành như sau:
- Người phạm tội nhận tài sản của người khác một cách hợp pháp thông qua hợp đồng thuê vận chuyển.
- Chiếm đoạt số tài sản này
- Lỗi cố ý.
Chế tài: Phạt gấp 5 lần số tài sản đã chiếm đoạt.
Điều 113.
Kẻ nào cho người khác vay thóc hoặc bạc;Mà tự ý lấy thóc hoặc bạc của người đó ở nơi cất trữ mà không được sự đồng ý của y.
Kẻ đó sẽ phải trả lại (cho người chủ) toàn bộ số thóc hoặc bạc đã lấy;
Và mất toàn bộ số nợ của y.
Bình luận
Nguyên bản Pháp văn là: “ Si un homme a une créance de blé ou d’argent sur un autre, et si à l’insu du maitre du blé, dans le grenier ou dans le dépôt il a pris du blé, on fera comparaitre cet homme pour avoir pris du blé à l’isu du maitre du blé, dans le grenier ou dans le dépôt; il rendra tout le blé qu’il a pris, et de quoi que ce soit de tout ce qu’il avait prêté, il est frustré’”, nghĩa là: “Nếu một người đàn ông cho người khác vay lúa mì hoặc vay bạc, và nếu như người này lấy đi lúa mì trong thùng hay trong nhà kho của con nợ mà con nợ không hay biết, thì người ta sẽ đưa anh ta ra toà vì đã tự tiện lấy lúa mì trong thùng hay trong nhà kho của người khác; Anh ta sẽ phải trả lại số lúa mì đã lấy, và dù cho số lúa mì đã lấy đúng bằng số lúa mì anh ta đã cho vay, anh ta cũng sẽ bị mất chúng”.
Điều luật thể hiện tinh thần bảo vệ quyền tự do định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản, dù người chủ sở hữu đó có đang là con nợ.
Pháp luật Lưỡng Hà cổ đại chống lại hành vi tuỳ tiện chiếm đoạt tài sản người khác của chủ nợ. Nếu chủ nợ có hành vi này, anh ta không những phải trả lại cho con nợ toàn bộ số tài sản đã lấy đi, đồng thời mất luôn cả quyền đòi nợ.
Tinh thần dân chủ, nhân đạo tôn trọng pháp luật thể hiện khá rõ nét trong Điều 113 nói trên.
Điều 114.
Kẻ nào không phải là chủ nợ của người khác mà dám cầm giữ người đó (hoặc người thân thích của người đó) làm con tin;Thì với mỗi con tin, y phải trả cho họ một phần ba mine bạc.
Bình luận
Theo tinh thần điều luật thì dường như pháp luật Lưỡng Hà cổ đại cho phép cầm giữ con tin như một biện pháp bảo đảm việc trả nợ. Người nào không phải là chủ nợ mà bắt giữ người khác làm con tin thì phải bồi thường cho con tin.
Luật không nói cụ thể việc bắt giữ con tin nhằm mục đích gì.
Điều 115.
Trường hợp chủ nợ bắt giữ con nợ (hoặc người nhà của con nợ) làm con tinMà con tin chết vì những lí do tự nhiên trong nhà chủ nợ
Thì chủ nợ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì về cái chết ấy.
Bình luận
Điều 115 khẳng định quyền bắt giữ con tin của chủ nợ đối với con nợ (hoặc người nhà của con nợ). Nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại, khi thừa nhận quyền này, đã tính đến trường hợp con tin bị chết trong nhà chủ nợ. Nếu con tin bị chết một cách tự nhiên (mort naturelle) trong nhà chủ nợ thì chủ nợ không phải chịu trách nhiệm gì về cái chết đó cả.
Con tin được coi như là vật bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bản thân con tin chưa phải là nô lệ của chủ nợ nên chủ nợ không có quyền tước đoạt tính mạng của con tin.
Điều 116.
Nếu con tin bị chết trong nhà chủ nợ do đói khổ hoặc do bị đánh đập, gia chủ của con tin có quyền kiện chủ nợ ra Toà Nếu con tin bị chết là con trai của một người dân tự do, thì con của chủ nợ sẽ bị giết.
Nếu con tin bị chết là nô lệ của một người dân tự do, chủ nợ sẽ phải trả cho người dân tự do đó một phần ba (1/3) mine bạc;
Khoản nợ trước đây giữa chủ nợ và con nợ phải bị huỷ bỏ.
Bình luận
Mặc dù quyền bắt con tin thuộc về chủ nợ, nhưng luật cấm chủ nợ, côc ý hoặc vô ý tước đoạt tính mạng của con tin.
Theo điều luật, nếu con tin chết trong nhà chủ nợ do một trong hai nguyên nhân: hoặc do đói khổ mà chết hoặc chết do bị đánh đập, chủ nợ sẽ bị trừng phạt khá nặng nề.
Điều 116 áp dụng nguyên tắc trả thù ngang bằng trong việc truy cứu trách nhiệm của chủ nợ đối với cái chết của con tin. Nếu con tin bị chết là con của người tự do, con của chủ nợ sẽ bị giết. Nếu con tin là nô lệ thì chủ nợ phải đền tiền cho chủ nợ (là chủ của nô lệ bị chết). Khoản nợ cũ giữa chủ nợ và con nợ bị xoá bỏ.
Điều luật này dù sao cũng thể hiện tính nhân đạo, dù là nhân đạo trong một khuôn khổ rất hạn hẹp. Nó bảo vệ tính mạng cho các con tin, ngăn chặn hành vi đối xử tàn bạo hay bóc lột vô lối của chủ nợ đối với họ.
Điều 117.
Nếu người nào vì nợ mà phải gán vợ, con gái, con trai cho người khác,Thì những kẻ bị gán nợ phải phục dịch trong nhà người mua hoặc chủ nợ trong vòng ba năm.
Đến năm thứ tư, chúng được trả tự do.
Bình luận
Luật pháp Lưỡng Hà cổ đại, cũng như luật pháp của các chế độ Nhà nước chiếm hữu nô lệ khác buộc con nợ, trong trường hợp không trả được nợ phải đem gán vợ, con hoặc bán họ làm nô lệ để trả nợ. Đây là hiện tượng mà chúng ta gọi là nô lệ hoá dân tự do vì nợ.
Tuy nhiên, so với luật pháp của các Nhà nước chiếm hữu nô lệ khác, Bộ luật Hammurabi có tiến bộ hơn, thể hiện ở chỗ nó đặt ra chế độ “nô lệ tạm thời”. Thời hạn mà những người bị bán làm nô lệ để trả nợ là 3 năm, sau đó, địa vị người tự do của họ lại được khôi phục.
Có thể nói, Điều 117 nêu trên là một trong những điều luật tiến bộ nhất của Bộ luật Hammurabi.
Điều 118.
Nếu con nợ gán nô lệ nam hoặc nô lệ nữ của y cho chủ nợ, chủ
nợ có quyền chuyển nhượng hoặc bán lại chúng cho người khác. Con nợ
không có quyền phản đối việc này.Bình luận
Nếu như Điều 117 qui định việc con nợ gán vợ, con của mình cho chủ nợ thì Điều 118 qui định việc gán nợ bằng nô lệ.
Khi gán nô lệ cho chủ nợ, về thực chất, giữa chủ nợ và con nợ đã diễn ra một giao dịch chuyển nhượng tài sản (tài sản trong trường hợp này chính là người nô lệ bị gán nợ). Do đó, theo pháp luật Lưỡng Hà cổ đại, khi tài sản được chuyển nhượng cho người khác và người này đã xác lập quyền sở hữu lên tài sản chuyển nhượng thì tất yếu anh ta có quyền nhượng lại tài sản đó cho người khác.
So sánh Điều 118 với Điều 116, có thể thấy được sự khác biệt trong cách xử lý tình huống của người làm luật.
- Cả Điều 116 và Điều 118 đều nói đến sự kiện vay nợ, nhưng ở Điều 116, con nợ vẫn còn khả năng trả nợ; còn ở Điều 118, con nợ đã hết khả năng trả nợ.
ở Điều 116, vì con nợ còn khả năng trả nợ, nên chủ nợ chỉ bắt người nhà hoặc nô lệ của con nợ làm con tin như một biện pháp bảo đảm khoản nợ. Còn ở Điều 118, con nợ tình nguyện gán nô lệ của mình cho chủ nợ.
Và như thế, đối với trường hợp nói tại Điều 116, chủ nợ không có quyền tước đoạt tính mạng của con tin. Ngược lại, ở Điều 118, vì nô lệ đã được chuyển nhượng lại (gán nợ) cho chủ nợ nên chủ nợ có toàn quyền với nô lệ gán nợ.
Điều 119.
Trường hợp con nợ bán nữ nô đã có con với mình để lấy tiền trả nợ,Thì đối với nữ nô này, y có quyền mua lại nó.
Bình luận
Điều 119 qui định quyền mua lại nô lệ đã bán (hoặc đã đem gán nợ) của chủ nô. Quyền này chỉ áp dụng đối với người đã có con với nô lệ được đem bán.
Điều 120.
Trường hợp một người đem thóc lúa của mình gửi trong kho kẻ khác, Mà số thóc lúa đem gửi bị hao hụt đi
Thì người đem thóc đi gửi phải thề trước thần linh về số thóc mà y đã gửi
Còn kẻ đã lấy thóc phải đền cho y gấp đôi số thóc đó.
Bình luận
Nguyên bản Pháp văn điều luật này như sau:
“Si un homme a versé, pour emmagasinement, son blé dans la maison d’un autre, et si dans le grenier, un déchet s’est produit, soit que la maitre de la maison ait ouvert le magasin et ait pris du ble, ou soit qu’il conteste sur la quantité totale du blé qui a été versée chez lui, le propriétaire du blé poursuivra son blé devant Dieu, et le maitre de la maison qui a pris du blé le doublera et le rendra au propriétaire du blé”.
Nghĩa là: “Nếu một người đàn ông gửi giữ lúa mì của anh ta ở nhà một người khác, và nếu như có sự hao hụt xảy ra, hoặc là do người chủ nhà mở cửa hàng và lấy thóc đi, hoặc là do anh ta tranh chấp với người gửi thóc về số thóc đem gửi, thì người chủ của số thóc phải thề trước thần linh về số thóc mà anh ta đem gửi; Người chủ nhà sẽ phải trả gấp đôi số thóc cho người đã đem gửi thóc”.
Theo lời văn của điều luật nói trên, có hai trường hợp có thể xảy ra:
Hoặc là, người đem gửi thóc chứng minh được rõ ràng người giữu thóc đã lấy thóc của anh ta;
Hoặc là, hai bên tranh chấp về số lượng thóc đem gửi giữ.
Đối với cả hai trường hợp trên, nhà làm luật có cái nhìn nghiêng về phía người có thóc đem gửi và phạt bên nhận giữ thóc của người khác.
Điều 121.
Người có thóc đem gửi trong kho nhà người khác phải trả cho chủ nhà 5 qa thóc cho 1 gour trong một năm.Bình luận
Nhà lập pháp đã can thiệp trực tiếp vào quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản (gửi giữ thóc lúa) bằng cách quy định cụ thể cụ thể tiền phí gửi giữ tài sản.
Điều 122.
Tất cả những kẻ nào giao vàng, bạc hoặc của cải quí giá khác
cho người khác cất giữ đều phải giao những tài sản này trước mặt người
làm chứng, phải lập giấy giao kèo qui định rõ nghĩa vụ của các bên.Bình luận
Điều luật cho thấy các giao dịch về gửi giữ tài sản được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại, buộc nhà làm luật phải pháp điển hoá vào trong Bộ luật Hammurabi.
Nhà làm luật đã có sự phân biệt các giao dịch gửi giữ tài sản thành 2 loại:
Giao dịch gửi giữ tài sản thông thường (Điều 120, Điều 121). Đối với loại giao dịch này, vấn đề hình thức giao dịch không được qui định cụ thể. Những người tham gia giao dịch có quyền tự lựa chọn hình thức của giao dịch.
Giao dịch gửi giữ tài sản có giá trị (Điều 122). Hình thức giao dịch này nhất thiết phải được thể hiện trên hợp đồng bằng văn bản và có sự chứng kiến của người làm chứng.
Điều 123.
Nếu việc gửi giữ tài sản có giá trị không được lập thành văn
bản, cũng không có người làm chứng, thì khi có tranh chấp xảy ra, người
có tài sản gửi giữ sẽ mất số tài sản đó.Bình luận
Điều 123 là sự tiếp nối của Điều 122. Nhà làm luật không thừa nhận, cũng không bảo vệ mọi giao dịch gửi giữ tài sản có giá trị mà không tuân theo những thủ tục do pháp luật qui định.
Điều 124.
Trường hợp kẻ gửi giữ vàng, bạc và các của cải khác cho kẻ khác trước mặt người làm chứng;Mà kẻ này dám chối bỏ việc đó
Thì y sẽ bị đưa ra Toà và phải đền gấp đôi số tài sản nhận gửi giữ.
Bình luận
Điều 124 là sự tiếp nối của Điều 123 nêu trên. Nhà làm luật đã trừng phạt khá nặng nề người có hành vi gian trá trong việc nhận giữ tài sản của người khác.
Điều 125.
Trường hợp một kẻ gửi tài sản của mình ở nhà một kẻ khác,Nhà của kẻ nhận gửi giữ bị bọn trộm bẻ khoá hoặc đột nhập từ trên xuống,
Và chúng đã lấy đi tài sản gửi giữ cùng với tài sản của chủ nhà,
Thì chủ nhà, do sự thiếu cảnh giác, phải bồi thường toàn bộ số tài sản gửi giữ đã bị đánh cắp cho chủ sở hữu của nó.
Còn y, y sẽ truy lùng bọn trộm và lấy lại tài sản đã bị đánh cắp của y.
Bình luận
Điều luật qui định nguyên tắc bồi thường tài sản bị mất cắp trong trường hợp tài sản ấy là đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản.
Người nhận trông giữ tài sản của người khác phải bồi thường toàn bộ giá trị tài sản trong trường hợp tài sản đó bị mất cắp.
Điều 126.
Nếu kẻ nhận giữ tài sản, mặc dù không bị mất tài sản, nhưng lại khẳng định rằng tài sản của mình nhận giữ bị mất,Cố ý bịa đặt về thiệt hại (không có thật xảy ra)
Và cầu xin trước mặt thần linh để không phải bồi thường thiệt hại;
Thì kẻ đó (chính nó - kẻ khiếu nại vô cớ) phải bồi thường gấp đôi giá trị số tài sản mà y đã bịa đặt là bị mất (cho chủ tài sản).
Bình luận
Điều luật trừng phạt hành vi gian dối của người nhận trông giữ tài sản. Do vậy, Điều 126 là sự tiếp nối của Điều 125.
Điều 127.
Kẻ nào dám xúc phạm nữ tu hoặc xúc phạm vợ của người khác,Mà không có lý do chính đáng,
Kẻ đó sẽ bị lôi ra trước Toà và bị đóng dấu vào trán.
Bình luận
Điều luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho phụ nữ và trừng phạt những người có hành vi xâm phạm khách thể trên.
Tuy vậy, phạm vi những người phụ nữ được bảo vệ, trong điều luật khá hạn hẹp, chỉ giới hạn bởi hai đối tượng:
Phụ nữ là người tự do và đã có gia đình
Phụ nữ là người tự do và đi tu.
Như thế, thực ra đối tượng mà nhà lập pháp muốn bảo vệ chỉ là sự tôn nghiêm của tôn giáo và danh dự của người gia chủ gia đình có người phụ nữ bị xúc phạm mà thôi.
Điều luật không mô tả cụ thể về hành vi “xúc phạm” hai đối tượng phị nữ nêu trên.
Điều 128.
Kẻ nào lấy một người đàn bà mà không làm giấy tờ gì thì người đàn bà đó không phải là vợ của y.Bình luận
Điều luật qui định điều kiện hình thức của kết hôn. Giao kèo hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà phải được lập thành văn bản.
Đây là trường hợp kết hôn mang tính chất phổ thông nhất trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại - kết hôn giữa những người tự do với nhau.
Điều 129.
Người đàn bà nào đã có chồng mà lại lên giường với một người đàn ông khác,Thì sẽ bị trói gô vào người đàn ông ấy,
Và cả hai sẽ bị ném xuống nước,
Trừ trường hợp người chồng muốn tha mạng cho vợ của y hay nhà vua muốn tha mạng cho tên nô lệ của mình.
Bình luận
Điều luật qui định tội ngoại tình. Cấu thành tội này có thể được mô tả như sau:
Hành vi quan hệ bất chính giữa một người đàn ông và người phụ nữ đã có gia đình.
Chủ thể: là phụ nữ đã có gia đình và là người tự do. Người đàn ông (trong bản Pháp văn là “un autre malle”, nghĩa là, người đàn ông xét về phương diện sinh học chứ không xét về phương diện pháp lý) có thể là người tự do nhưng cũng có thể là nô lệ.
Chế tài: bị quảng xuống sông.
Hình phạt bị quẳng xuống sông gợi cho ta nhớ đến câu chuyện thả bè trên sông đối với những người phụ nữ ngoại tình trong xã hội phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. [7]
Hình phạt này có lẽ xuất phát từ tập quán có từ xưa của người Lưỡng Hà cổ đại.
Tuy vậy, điều luật trên cũng cho thấy sự khác nhau về tập quán giữa xã hội Lưỡng Hà cổ đại với xã hội Trung Hoa và Việt Nam sau này. Sự khác nhau này thể hiện ở chỗ Bộ luật Hammurabi có qui định một tình tiết mà nếu theo ngôn ngữ hiện đại là “tình tiết miễn trách nhiệm hình sự”, đó là tình tiết:
Chồng (của người phụ nữ ngoại tình) tha chết cho vợ.
Nhà vua tha chết cho người đàn ông ngoại tình với người phụ nữ đã có chồng.
Tình tiết trên cho thấy:
Nhà lập pháp xem việc ngoại tình là quan hệ tư, để cho tư nhân tự giải quyết; tôn trọng ý chí của người bị hại (trong trường hợp này người bị hại được xác định là người chồng).
Sự can thiệp của công quyền vào quan hệ tư, nếu thấy cần thiết. Bản Pháp văn có viết “à moine ... que le roi ne laisse vivre son serviteur”, nghĩa là “trừ trường hợp nhà vua muốn tên nô lệ của mình sống”. “Tên nô lệ” của nhà vua ở đây không phải là người nô lệ, mà là những thần dân của nhà vua. Trong chế đọ chiếm hữu nô lệ, nhà vua được coi là ông chủ của tất cả các thần dân của ông ta.
Điều 130.
Kẻ nào bị bắt quả tang giao cấu trái ý muốn với người con gái đã là vợ của người khác;Nhưng chưa về nhà chồng và vẫn còn trinh tiêt
Kẻ đó sẽ phải chết
Người con gái được miễn tội.
Bình luận
Điều luật qui định tội hiếp dâm.
Cấu thành tội này, theo tinh thần điều luật, có thể được mô tả như sau:
Hành vi giao cấu trái ý muốn của người phụ nữ
Chủ thể: là người con gái đã hứa hôn nhưng chưa về nhà chồng.
Chế tài: tử hình.
Người con gái được xem là nạn nhân nên nhà làm luật “miễn tội”.
Trong xã hội hiện đại, qui định “miễn tội” cho người con gái là thừa, nhưng trong xã hội cổ đại, qui định này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ người phụ nữ không may là nạn nhân của các hành vi xâm hại tình dục.
Điều 131.
Nếu người chồng buộc tội vợ mình (ngoại tình) mà không bắt được quả tang cô ta đang ngủ với một người đàn ông khác,Thì người vợ phải thề trước thần linh (về sự trong sạch của mình) và cô ta có thể quay về nhà bố mẹ đẻ.
Bình luận
Điều luật không khẳng định là người phụ nữ có ngoại tình thật hay không vì thiếu chứng cứ. Do đó, có thể tách ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Người phụ nữ ngoại tình thật và chồng cô ta biết rõ điều đó nhưng không bắt được quả tang cô với người khác. Trong trường hợp này, vì luật pháp Lưỡng Hà rất coi trọng vấn đề chứng cứ nên người chồng không thể bắt trói vợ và ném xuống sông (Điều 129). Do đó, anh ta chỉ có thể đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ của cô ta.
Trường hợp thứ hai: Người phụ nữ hoàn toàn không ngoại tình. Ngoại tình chỉ là cái cớ để người chồng đuổi vợ ra khỏi nhà.
Điều luật này cho thấy, mặc dù người Lưỡng Hà cổ đại chưa biết đến khái niệm “ly hôn” nhưng sự kiện ly hôn thực tế đã xảy ra. Quyền yêu cầu ly hôn (đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ), trong trường hợp này thuộc về người chồng.
Với Điều 131, người chồng hầu như có quyền ly hôn vợ, hầu như trong bất kỳ trường hợp nào, theo ý chí của bản thân anh ta.
Điều 132.
Nếu người vợ bị kẻ khác lăng nhục về tội ngoại tình,Mà chẳng ai bắt được quả tang thị ngủ với người đàn ông khác,
Thì người chồng có quyền buộc vợ phải trẫm mình xuống sông (để chứng minh sự trong sạch của cô ta).
Bình luận
Điều luật này có lẽ là sự ghi nhận một tập quán đã có từ thời nguyên thuỷ của người Lưỡng Hà: Buộc phụ nữ phải trẫm mình xuống sông để chứng minh lòng chung thuỷ với chồng.
Dù là tục lệ hay luật pháp, điều luật cũng cho thấy cách đối xử tuỳ tiện và khắc nghiệt đối với phụ nữ trong xã hội cổ xưa, một cách đối xử nghiêng hẳn về phía quyền lực gia trưởng của người chồng và tìm mọi cách, dù là phi nhân tính nhất để bảo vệ “danh dự” cho anh ta.
[1] 1 gur (gour) = 121 lít
[3] Đây là giả thiết của tác giả quyển sách này
[4]
Bản Pháp văn dùng thuật ngữ “partager à parts égales”. Ông Nguyễn Gia
Phu cho rằng việc “chia đều” ở đây là “chia đều nhau đất đã trồng cây
chứ không phải chia thu hoạch”.
[5] 1 ca = 0,400 lít đến 0,800 lít
[6] 1 xích lơ = 8,4 cm3 = 180 seum; 1 seum bằng khoảng 0,05 cm3.
Nguồn tin: Nguyễn Đức
0 comments:
Post a Comment