Monday, August 12, 2013

SỰ KIỆN ĐOÀN VĂN VƯƠN VÀ NAN ĐỀ LUẬT HÌNH SỰ

Khu đất bị giải tỏa của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
TS.Nguyễn Sỹ Phương
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 
đăng ngày 5/3/2012,
truy cập đường link gốc tại đây
Không một nhà nước nào, tự nó ban hành nổi một hệ thống văn bản luật đầy đủ công minh cả; mà chỉ có thể tạo ra một quy trình tự động hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, kịp thời, một khi nó tỏ ra bất lực trước những vấn đề xã hội nảy sinh. Tính tự động đó chỉ có ở một thể chế buộc được chính khách, dân biểu vốn đại diện cho lợi ích của người dân phải lên tiếng, mọi cơ quan nhà nước phải hành động, trước tiếng nói của đông đảo dân chúng, của các tổ chức dân sự, của công luận.


Giải thích tại sao ở Đức mỗi năm Quốc hội phải thông qua trên dưới 100 luật, tới 5000 lượt ý kiến phát biểu, cùng chừng đó câu hỏi chất vấn chính phủ, (cần biết quốc hội ta suốt 4 năm nhiệm kỳ trước chỉ ban hành được 68 luật và 12 nghị quyết, tương đương 20 văn bản lập pháp / năm, thua họ 5 lần). Từ vụ một người thanh niên dùng súng giả bắn vào cảnh sát, lập tức bị cảnh sát bắn trả làm người thanh niên chết oan uổng, công luận sôi sục trước tính mạng 1 con người; chỉ sau đó 3 tháng luật vũ khí bổ sung điều khoản cấm lưu hành súng giả trông như thật; tới vụ Tim K cuồng sát ở  Wendlingen, Thủ tướng Đức trên đường đi công tác cũng phải ra tuyên bố, các chính khách, nghị sỹ, đứng đầu các cơ quan công quyền liên quan đều ào ào lên mặt báo, chỉ vài tháng sau, luật đăng kiểm vũ khí được bổ sung. Ở họ bất cứ vụ việc gì, câu hỏi cốt tử bắt buộc phải đặt ra cho cơ quan lập pháp là liệu văn  bản luật hiện hành có lỗi gì trong đó không ? Thiếu câu hỏi này, luật pháp sẽ luôn đứng một chỗ, cả quan chức hành xử lẫn người dân sẽ chịu số phận may rủi, trở thành nạn nhân lẫn thủ phạm của luật pháp bất cứ lúc nào vướng, dù nhà nước đó có tuyên ngôn vì dân do dân của dân tới cỡ nào !


Dưới góc độ hình sự, thực tế bị can Đoàn Văn Vươn bị cơ quan điều tra tố tụng cáo buộc tội danh giết người, quy định tại văn bản luật hình sự Việt Nam 2009 (BLHS), Điều 93 Khoản 1 Điểm L, “phạm tội bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, với khung hình phạt tối thiểu 12 năm tù giam, không thể không đặt ra ngờ vực về tính công minh của điều khoản này, khi cả hai dấu hiệu cho tội danh này đều không có: 1- Không một ai chết, 2- Động cơ giết người không có, bởi súng hoa cải và mìn tự tạo tại hiện trường cho thấy không có chức năng công dụng đó. Cùng thời gian trên, ngày 22/2, TAND tối cao xử phúc thẩm, cũng áp dụng điều 93, Khoản 1, với điểm n, “giết ngườicó tính chất côn đồ“,  tuyên phạt bị cáo Hồ Minh Thừa, 19 tuổi, Vĩnh Long,  8 năm tù giam, tội danh Giết người, chỉ vì đâm bạn thương tật mức 4% (chứ không phải chết), do bạn đùa muốn hôn vợ mình. Liệu đã và sẽ còn xảy ra bao số phận tương tự, nếu điều luật này không được xem xét lại tính công minh của nó từ thực tế trên ?


Liên quan tới tính mạng con người, BLHS ta đưa ra 9 điều, quy định 9 tội danh, gồm điều 93 Tội giết người; Điều 94 Tội giết con mới đẻ; Điều 95 Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 96 Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Điều 97 Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; Điều 98 Tội vô ý làm chết người; Điều 99 Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Điều 100 Tội bức tử; Điều 101 Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát; Điều 102 Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; Điều 103 Tội đe dọa giết người.


Điều 93 Tội giết người, áp dụng cho 2 vụ án viện dẫn, quy định: 1) Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp (từ a – q) sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người, phụ nữ có thai, trẻ em, người đang thi hành công vụ, ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình, giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thực hiện tội phạm một cách man rợ, bằng cách lợi dụng nghề nghiệp, bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, thuê giết người hoặc giết người thuê, có tính chất côn đồ, có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, vì động cơ đê hèn.


Điều 93 không hề định nghĩa khái niệm “giết người“, đây chính là điểm bất cập cơ bản nhất, cần phải bổ sung, nếu không tất dẫn đến bất định trong áp dụng luật tuỳ nhận thức chủ quan, mặc dù có thể suy từ nội dung 9 điều khoản viện dẫn, cho thấy Tội danh giết người phải bao gồm 2 dấu hiệu hành vi cấu thành, như ở mọi quốc gia tiên tiến khác: 1-Có người chết, 2-Có chủ đích chấm dứt cuộc sống của nạn nhân.


Có thể tham khảo BLHS Đức. Để tránh bất định, điều 211 Tội giết người, quy định: “(1) Bị phạt tù chung thân (hình phạt cao nhất, không có tử hình), (2) Kẻ giết người là kẻ làm nạn nhân chết, do thích giết người, hoặc để thoả mãn quan hệ xác thịt, hoặc nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc với những lý do nhỏ nhặt; mang tính chất dã man triệt hạ nạn nhân, hoặc bằng phương tiện nguy hiểm, hoặc để thực hiện hành vi phạm tội khác hay che đậy nó“.


Bị can Đoàn Văn Vươn và bị cáo Hồ Minh Thưà bị áp dụng tội danh Giết người, đều xuất phát từ tính bất định của Điều 93, khái niệm Giết người không được định nghĩa, nên được lập luận: Nạn nhân không chết chỉ do ngoài ý muốn, và trong trường hợp này được hiểu là Tội giết người chưa đạt.


Mỗi tội danh, bao gồm 1 hoặc nhiều hành vi phạm tội đã thực hiện cấu thành. Nghĩa là không đủ hành vi phạm tội cấu thành không được phép khép tội danh đó. Trong trường hợp tội danh đó chưa đạt, nghiã là chưa đủ hành vi phạm tội cấu thành, Điều 18 BLHS ta quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt“ - tức đồng nghĩa với tội danh khác, tên gọi của một tội trạng khác, khung hình phạt cũng khác.


9 điều khoản trên đều áp dụng cho tội đã hoàn thành, không hề có bất kỳ khoản hay điểm bí chú nào áp dụng cho trường hợp chưa đạt cả. Mặc dù vậy, các cơ quan điều tra tố tụng vẫn áp dụng điều 93 Tội giết người đã hoàn thành cho trường hợp chưa đạt, không có người chết, và xưa nay hiếm ai lật lại vấn đề , bởi dựa trên tư tưởng, thoạt nghe rất nhân bản: “Bởi tính mạng con người có giá trị cao hơn mọi thứ vật chất. Người ta cần ngăn chặn việc giết người ngay từ khi nó đang còn manh nha, chứ nếu để tội ác đã hoàn thành (bị hại đã bị chấm dứt sự sống) thì mọi việc đã muộn“. Từ đó đặt ra biệt lệ cho  tội danh giết người: chỉ quy định “hành vi” chứ không nhất thiết bắt buộc hành vi đó đã hoàn thành bằng hành động, như tội ăn cắp hay hiếp dâm quấy rối tình dục, bắt buộc phải có vật chứng mất cắp hay người bị hại. Lập luận trên đã ngộ nhận chức năng của văn bản luật vốn chỉ đưa ra các chuẩn mực thước đo, quy tắc xử sự, ở trên giấy, không hề có chức năng ngăn chặn vốn thuộc cơ quan công quyền hành xử hàng ngày. Xét xử là áp dụng luật cho cái đã xảy ra, nên có tăng hình phạt tới bao nhiêu thì vẫn không thay đổi được thời quá khứ. Mặt khác, bản chất của luật pháp là công minh, đúng người, đúng tội, không thể dùng hình phạt nặng hơn bản thân nó phải chịu (không nhân đạo), để răn đe theo kiểu “giết gà doạ khỉ“, “bóp chết từ trứng nước“, “nhầm còn hơn sót“, để loại bỏ nguy cơ tội phạm, nhằm tạo ra một xã hội hoàn hảo (nhân đạo). Nói cách khác không thể dùng mục đích nhân đạo biện hộ cho hành vi không nhân đạo. Điều đó có thể thấy rõ hơn qua phát biểu Hitler, được cổ vũ nhiệt liệt tại Đại hội Đảng NSDAP, năm 1929, nhằm xây dựng một dân tộc Đức thượng đẳng: “Nước Đức mỗi năm cần đẻ ra 1 triệu  trẻ em để thay thế chừng 700.000 đến 800.000 người Đức yếu kém phải giết đi, có thế mới đạt tới kết qủa thượng đẳng nhảy vọt“. Hậu qủa, chừng nửa triệu người Đức thiểu năng, tàn tật, đồng tính luyến ái, bị giết hại bằng hơi ngạt, những người cộng sản mới chỉ phản đối, chưa hành động gì, đều bị truy bức, giam cầm, hãm hại, tiêu diệt, do phạm tội lật đổ chế độ Phát xít “chưa đạt“, chưa kể cướp đi tính mạng 6 triệu người Do Thái và Zigeune do khác nòi giống họ.


Thực tế bị can Đoàn Văn Vươn, thiếu cả 2 dấu hiệu phạm tội, hoàn toàn không có động cơ hình sự, hậu qủa không ai chết, vẫn bị cáo buộc tội danh giết người, gây bất bình công luận, liệu đã đủ sức thuyết phục các chính khách, các dân biểu, cả hệ thống chính trị lẫn các nhà chuyên môn luật, nhận ra tính bất định của điều khoản 93 Tội danh giết người cần được sửa đổi, vì công minh vì vận mệnh từng con người, vì mục đích tạo dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, hay phải đợi đến bao vụ án khác, bị oan trái hơn nữa, chỉ vì điều khoản này?

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code