Saturday, August 31, 2013

NHÌN NHẬN QUY ĐỊNH PHÁP NHÂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005 DƯỚI CÁI NHÌN KHOA HỌC VÀ HỘI NHẬP

THS. VŨ THỊ MINH HỒNG – Phó Trưởng Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban TW Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam
Đặt vấn đề
Pháp luật Dân sự và Thương mại nước ta trong thời kỳ hội nhập và thách thức này có tạo cơ hội tương thích giữa thị trường và xã hội, cơ hội hỗ trợ giữa Pháp nhân vì lợi nhuận và pháp nhân vì lợi ích công cộng chưa ? Đó là câu hỏi được trả lời phần nào khi chúng ta nhìn nhận lai chế định pháp nhân trong Bộ Luật dân sự năm 2005. 
Thể chế mở ngày nay ở khu vực thị trường với sự lớn mạnh của các doanh nhân cũng đang kéo theo sự phát triển của các thực thể phi lợi nhuận như hội và các dạng hội khác mang yếu tố lưỡng tính hay là pháp nhân không đầy đủ. Các thực thể hai khu vực này đang đan xen với nhau, đang hỗ trợ nhau bởi có chung một yếu tố là lợi ích công chúng.
- Trong khi doanh nghiệp thu hút và tạo việc làm cho công nhân, nông dân công nghiệp và giới chủ cũng như tầng lớp chuyên gia kỹ thuật, thì tổ chức phi lợi nhuận trong đó có hội thu hút hội viên và tạo việc làm bằng những hoạt động dịch vụ công cộng về văn hoá, y tế, xã hội cũng như các hoạt động hỗ trợ về chính sách đến với từng con người;
- Trong khi doanh nghiệp tạo ra hàng hoá, của cải cho xã hội thì hội góp phần tham gia vào các huyết mạch lưu thông của cải xã hội, trong đó có của cải là trí tuệ con người; vận chuyển và đào tạo các kỹ năng con người; khơi dậy lên các giá trị xã hội đang hiện hữu, các giá trị truyền thống đang mất đi;
-  Trong khi doanh nghiệp mải miết và tối mắt làm việc ở thời kỳ công nghiệp và hậu công nghiệp hiện đại – người làm công, giới chủ và tầng lớp kỹ sư chuyên gia còn ít thời gian để quan tâm đến người tiêu dùng, quan tâm đến các giá trị truyền thống đang mai một, quan tâm đến sự bất công của những người yếu thế xã hội, thì hội vẫn nhẫn nại với quá trình nghiên cứu, tư vấn và phản biện của mình để cán cân công lý trở về trạng thái cân bằng của nó. Đó là sự bình đẳng trước pháp luật, sự công bằng vô tư trước lương tri con người.
- Các khuyến nghị và phản biện của doanh nghiệp, hội/quỹ đối với các dự luật và các quyết định đang thực thi có vấn đề, đã tạo nên một kênh tham vấn, thẩm định độc lập, khách quan vô cùng tin cậy mà Nhà nước hiện nay đang nhận ra và cần đặt vấn đề giải quyết về chính sách cho các hội nghề nghiệp phát triển.
I. BẤT CẬP VỀ QUY ĐỊNH PHÁP NHÂN
Xu hướng lập pháp chỉ quan tâm địa vị pháp lý của chủ thể
Hiện nay, theo thói quen xây dựng pháp luật của các cơ quan chức năng nước ta, người soạn thảo luật có xu hướng nhằm vào địa vị pháp lý của chủ thể để định chế thay vì cần thiết, thậm chí là bắt buộc phải quy định về hành vi chủ thể. Văn bản pháp luật quy định hành vi chủ thể, đó là chức năng của quy phạm pháp luật. Do chỉ quan tâm đến việc tìm ra những quyền và nghĩa vụ của chủ thể để định chế nó nên hầu hết các văn bản pháp luật của chúng ta chung chung; chỉ quan tâm về vấn đề tổ chức (ra đời, thành lập, chính sách hỗ trợ, giải thẻ, sáp nhập …thông qua các thủ tục) nên dễ nặng về quản lý và điều tiết bằng biện pháp hành chính hơn là bằng dân sự. Để xác định trách nhiệm của chủ thể là rất khó vì cơ sở của quy kết trách nhiệm được chứa đựng trong quy phạm pháp luật mô tả hành vi, thậm chí là hành vi chi tiết và cụ thể thì lại ít được quy phạm hóa.
Tiếp tục quy định không có căn cứ khoa học và thực tiễn
Thêm vào đó, quá trình sửa đổi Bộ Luật dân sự năm 1995 không những đã không nhìn nhận và đánh giá bất cập trên để định hướng bãi bổ, bổ sung, sửa đổi chế định pháp nhân, mà còn tiếp tục đi con đường cũ, gây thêm rắc rối khi quy định thêm loại hình “tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp”[1]. Bộ Luật dân sự năm 1995 đã phân loại các pháp nhân (phi lợi nhuận) thành ba nhóm: tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Đến Bộ Luật dân sự năm 2005 tiêp tục quy định thêm loại hình tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp. Hệ quả làm tăng xu hướng của không ít pháp nhân là hội muốn được công nhận là tổ chức chính trị-xã hội. Bài học lập pháp này cho thấy việc chia pháp nhân trong Bộ Luật dân sự năm 2005 không dựa trên bất kỳ một luận cứ khoa học nào và không ai trả lời được “chia như vậy có ý nghĩa pháp lý gì” [2]
Trong khi thể chế về tổ chức dân sự phi lợi nhuận chưa được làm rõ, việc mở cửa hội nhập kinh tế vẫn diễn ra, thúc đấy vai trò cá nhân và các tổ chức ngoài nhà nước mới chỉ ở khu vực kinh doanh thị trường. Khu vực dân sự phi lợi nhuận và bán thị trường là nơi tạo nguồn lực lao động và cung cấp mọi dịch vụ xã hội, mọi phong trào nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị dân tộc lại ít được quan tâm. Vai trò của khoa học xã hội trong đó có khoa học pháp lý mà cụ thể là chế định pháp nhân được quy định trong Bộ Luật dân sự còn quá nhiều bất cập bởi tính bảo thủ cố hữu và tính triết lý yếu kém đã không thúc đẩy được nguồn lực của hai loại pháp nhân vì lợi nhuận (kinh doanh/thị trường) và pháp nhân phi lợi nhuận (hội/quỹ) ngày nay ở nước ta.
Nhiều Điều lệ của pháp nhân không quy định "Tôn chỉ"
Đây có thể coi là một bất cập lớn nhất của rất nhiều Điều lệ các hội và quỹ (trung tâm, viện) hiện nay ở nước ta. Đa số Điều lệ xác định được mục đích, nhưng tôn chỉ của tổ chức hầu như khó nhận thấy được trong nhiều điều lệ hiện nay.
Với vị trí trang trọng, thường ở lời nói đầu hay điều 1 của Điều lệ, tôn chỉ được coi như một phần nội dung cốt yếu thuộc tuyên ngônmà nội hàm của nó là nguyên tắc chính,[3] là học thuyết, là giáo lý chính thống, hay một giá trị xã hội nhất định dẫn đường cho mọi hành động của thành viên hội. Chỉ cần đọc tôn chỉmục đích, bất kỳ ai cũng sẽ nhanh chóng nhận ra các điểm cốt lõi của pháp nhân, nhất là với pháp nhân vì lợi ích công để muốn gia nhập nó hay không, muốn tài trợ hay góp phần công sức cho nó hay không. Đó là các vấn đề:
a) Loại tổ chức gì (lĩnh vực hoạt động, tên hội);
b) Dựa trên giá trị xã hội nào (nguyên tắc, học thuyết chính thống, giá trị nhân văn, truyền thống dân tộc);
c) Vì lẽ gì (lý do để hình thành hội);
d) Hành động vì ai (cho nhóm người hay công chúng).
PHÁP NHÂN DƯỚI CÁI NHÌN CỦA PHÁP LUẬT SO SÁNH
Quan niệm về pháp nhân
Với tiêu chí và bản chất quan hệ dân sự thì bên cạnh chủ thể là thể nhân – một chủ thể quan trọng nhất, trung tâm của hầu hết những giao dịch và thực hiện những sự kiện dân sự thì còn chủ thể thứ hai là pháp nhân.
Một số nước theo truyền thống luật Lục địa lâu đời như Quebec (Canada) và Nhật Bản có chế định về Pháp nhân (Legal Person) mà ở đó quy định phân biệt dựa vào tiêu chí mục đích hoạt động: cho mình hay vì công cộng. Từ đó phân định rõ hai loại: pháp nhân vì lợi ích công cộng và pháp nhân vì lợi nhuận. Thể chế của các quốc gia Châu Âu và phương Tây cũng tương tự.
            Thái lan quy định cụ thể chế định về Hội và chế định về Quỹ ngay trong Bộ luật dân sự và là cơ sở chính để hai dạng pháp nhân dân sự này hoạt động. Các thủ tục về đăng ký, báo cáo hay đóng cửa được quy định bằng nghị định. Do đó, xảy ra ít bất cập đối với các tổ chức hoạt động phát triển vì lợi ích công, bởi vì cơ hội để lạm dụng vị thế, lạm dụng sơ hở của pháp luật nhằm vụ lợi cá nhân cho nhóm hay thiếu trách nhiệm thuộc cuơng vị đã được chế định pháp nhân quy định …đều khó có thể xảy ra. Mặt khác nếu xảy ra những vi phạm thì các chế định xử lý hết sức rõ ràng, đó là các chế định về thuế, kiểm toán, bồi thường, giải thể ..chủ yếu là chế định trách nhiệm dân sự hết sức thiết thực và có hiệu quả.
- Pháp nhân vì lợi ích công cộng tồn tại dưới hai dạng: Hội (Association) có hội viên và Quỹ (Foundation) không có hội viên. 
Điều 34 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: “Hội (Association) hoặc Quỹ (Foundation) liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo, từ thiện, khoa học, nghệ thụât hoặc các tổ chức khác có liên quan đến lợi ích công cộng và không vì mục đích đạt được vật chất có thể trở thành đối tượng pháp nhân căn cứ sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền”[4].
- Pháp nhân vì lợi nhuận tồn tại dưới dạng Công ty, Nhà máy, Khu Công nghiệp, Trang trại/Đồn điền, Siêu thị v.v… hoặc hình thái tổ hợp hay liên kết giữa chúng. Dù quy định pháp nhân là hội dưới hình thức Bộ luật dân sự[5] hay bằng đạo luật riêng về hội[6], pháp luật nhiều quốc gia đều đưa ra bức tranh thống nhất về hội với ý niệm và bản chất như sau:
1. Tự nguyện ý chí và tự quyết;
2. Liên kết của thể nhân với nhau hay thể hân với pháp nhân;
3. Có hội viên (hội); không hội viên (quỹ)
4. Có mục đích chung;
5. Được thành lập theo đúng thể thức (đăng ký hoặc xin phép) do cơ quan có thẩm quyền công nhận;
6. Nguồn tài chính hoạt động dựa chủ yếu vào hội phí, các đóng góp khác của hội viên, các hoạt động dịch vụ bán thị trường và nhận tài trợ;  
7. Không chia lợi nhuận chia các thành viên.
Như vậy, Bộ luật dân sự thường không quy định các loại pháp nhân sau đây:
1.      Đảng phái (như Đảng Cộng sản Việt Nam) vì là pháp nhân hoạt động chính trị;
2.      Tổ chức/hội/đoàn tôn giáo vì là pháp nhân hoạt động tôn giáo;
3.      Đoàn thể liên quan đến chính trị (như Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân là Thanh Niên-Nông Dân-Công Đoàn-Phụ Nữ-Cựu Chiến binh) vì là những pháp nhân đặc biệt nằm trong hệ thống chính trị.
Các đặc điểm Pháp nhân dân sự (kể cả thương mại)
Có tư cách độc lập của pháp nhân nếu được thành lập chính thức: Nếu là hình thức đăng ký phải được đăng ký thành lập tại cơ quan có thẩm quyền theo luật định (Toà án, hoặc Chính phủ ) để có tư cách pháp nhân đầy đủ.[7]
Không thuộc nhà nước (non government) hoặc lưỡng tính: Hội/Quỹ/Tổ chức Phi chính phủ là pháp nhân dân sự không thuộc bộ máy nhà nước, không hưởng ngân sách từ nhà nước, không sử dụng cán bộ và quy chế cán bộ công chức.
Tự quản.
Kinh doanh hoặc phi lợi nhuận (non – for profit)
Không vì mục đích chính trị: Một hội đang hoạt động nếu chuyển đổi mục đích sang chính trị, ngay tập tức nó sẽ bị giải thể (bắt buộc).
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA KHI SỬA ĐỔI CHẾ ĐỊNH PHÁP NHÂN
Chế định Pháp nhân trong Bộ luật dân sự của nước ta cần được sửa đổi cơ bản vì chế định này hoàn toàn không phát huy tác dụng trong đời sống xã hội bởi nó chưa phù hợp thực tế cũng như chưa đáp ứng về mặt khoa học pháp lý dân sự. Thậm chí về một phương diện triết học nó còn mơ hồ, lẫn lộn, thiếu hẳn tính tư tưởng và logic. Do đó, yêu cầu khi xây dựng môi trường pháp lý đối với pháp nhân là phải khắc phục được các điểm yếu này.
           Khung chính sách về thuế như miễn, giảm hoặc không ưu đãi đều phải có tiêu chí. Tất nhiên chính sách này liên quan đến chế định quyên góp và nhận tài trợ.
            Chế định về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký hay giải thể cùng với quyền của công dân được tiếp cận một cách công khai quá trình đăng ký thành lập hay giải thể là những vấn đề cần được quy định rõ ràng.
            Bằng việc không quy định rõ ràng trách nhiệm cá nhân trong chế định Pháp nhân của Bộ luật Dân sự và các đạo luật nội dung cụ thể trên từng lĩnh vực, các vi phạm trong các tổ chức lợi ích công của ta hiện nay không thể áp dụng chế định nào để xử lý vì chế độ “trách nhiệm tập thể” mơ hồ đã bị hiểu và áp dụng lẫn lộn, sai trái. Kết quả là công sức và tài sản của nhân dân trong nước, vay của quốc tế huy động cho các tổ chức lợi ích công đã rơi vào tay nhóm hay cá nhân. Chế định hình sự thực tế đã trả lời rất ít tác dụng răn đe hành vi lợi dụng tổ chức lợi ích công, rất ít hiệu quả đòi bồi thường thiệt hại.
Cần coi trọng định chế pháp nhân nghề nghiệp
Coi trọng vì đó là loại pháp nhân có sức đóng góp rất lớn và hiệu quả cho xã hội trong tiến trình phát triển bền vững dân tộc, quốc gia. Nhưng trên thực tế, nó đang gặp rất nhiều trở ngại.
Các pháp nhân nghề nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu xã hội:
- Môi trường dịch vụ xã hội chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người, xã hội.
- Người dân vẫn chưa có nhiều thói quen trông cậy (thuê) người có chuyên môn hành nghề để được hưởng một dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất trên cơ sở hợp đồng thoả thuận về quyền nghĩa vụ hai bên mà hay nhờ vả. Điều này có thể nhận thấy qua hoạt động dịch vụ pháp lý (tuy nhiên ở Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động này phát triển mạnh).
- Một số tổ chức nghề nghiệp vẫn chưa thực sự là tổ chức chuyên môn độc lập bởi vẫn còn mang tính sự nghiệp hành chính, thuộc khu vực Nhà nước. Ngành đào tạo, y tế-sức khỏe, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, dịch vụ tư vấn và hoạt động bổ trợ tư pháp là những ví dụ.
- Các tổ chức nghề nghiệp lệ thuộc và ỷ lại nhà nước; một số tổ chức hoạt động hành chính hoá; năng lực chuyên môn và kỹ năng hành nghề yếu, kém linh hoạt.
- Một số Bộ vẫn đang quản lý và can thiệp quá sâu, thậm chí trực tiếp tiến hành các hoạt động mang tính nghề nghiệp trợ giúp xã hội. Nhiều đơn vị sự nghiệp của các Bộ rầm rộ ra đời đã trở thành “sân sau” của Bộ, gây nên sự bất bình đẳng đối với các pháp nhân nghề nghiệp tư (tự chủ, ngân sách không cấp).
- Sản phẩm của tổ chức nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội có thể thấy qua các đề tài nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp thuộc nhà nước ít được ứng dụng nên gây lãng phí rất lớn.
Chúng có tính chất như:
- Là bộ phận quan trọng cấu thành nên khu vực xã hội công dân (không thuộc khu vực nhà nước và khu vực kinh doanh);
- Không phải là tổ chức chính trị;
- Là tổ chức phi lợi nhuận.
- Tổ chức có thành viên như Liên hiệp, Hội, Câu lạc bộ … hay, tổ chức không có thành viên như Quỹ văn xã, Trung tâm, Nhà…
- Hoạt động nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, môi trường cho con người; phát triển các nguồn lực xã hội.
Chúng có đặc tính ở các điểm sau:
- Phải đăng ký tư cách pháp nhân mới được hoạt động
- Kết hợp lợi ích nhóm với lợi ích công cộng (hoặc lợi ích người thứ ba)
- Hoạt động theo một lĩnh vực ngành nghề nhất định như đào tạo, y tế-sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, tư vấn trong đó có tư vấn pháp luật, các hoạt động bổ trợ tư pháp, các hoạt động dịch vụ thể thao và văn hoá…
- Những đóng góp nhiều nhất của tổ chức nghề nghiệp đối với sự phát triển quốc gia là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và hoạt động dịch vụ xã hội.
- Quy chế tự quản có một đặc thù, đó là loại “Quy chế đạo đức hành nghề” mà các cá nhân muốn hành nghề phải tự nguyện tuân thủ bởi vì các quyền, bổn phận và trách nhiệm dân sự hết sức thiết thân, cụ thể và rõ ràng.
Pháp nhân có sinh thì cũng có tử
Với tư cách là một nhóm người liên kết hoạt động vì mục đích chung, một Ban sáng lập hội với một số người có đủ năng lực dân sự thể nhân cùng nhau chuẩn bị các bước thành lập hội. Sau khi tập hợp đủ điều kiện, Ban sáng lập sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (có thể là cơ quan Tư pháp là Toà án, có thể là cơ quan hành chính thuộc Chính phủ) để trở thành pháp nhân mang tính cách hội (có hội viên) và phi lợi nhuận.
Xem xét tư cách thể nhân (người sinh ra tự nhiên) ta thấy, sau khi được sinh ra sẽ đăng ký khai sinh để có tư cách công dân, đến năm 18 tuổi người này sẽ đăng ký thẻ căn cước/chứng minh thư để có đủ năng lực. Từ đó, người này mới có tư cách hoàn chỉnh để tham gia mọi quan hệ xã hội như kết hôn, giao dịch tài sản, lập hội; trong quan hệ với Nhà nước như làm nghĩa vụ quân sự, đóng thuế.
Đối chiếu quá trình hình thành pháp nhân cho thấy thực chất là thủ tục đăng ký kép mà ở đó vừa là nhằm khai sinh hội, lại vừa để hội có đủ năng lực pháp lý khiến cho pháp nhân đó có đủ tư cách tham gia các giao dịch và quan hệ xã hội tương thích trên cơ sở tự chịu trách nhiệm (dân sự, hành chính, hình sự). Như vậy, cũng giống như thể nhân, pháp nhân có sinh ra và có chết đí, các sự kiện sinh-tử đó đều được pháp luật quốc gia quy định nhằm quản lý xã hội.
Việc sinh ra và chết đi của một pháp nhân dân sự như Hội/Quỹ đều phải được bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng liên tục trong một số ngày nhất định theo nguyên tắc công khai và là cơ hội để thực thi nguyên tắc “biết và không thể không biết”, là một nguyên tắc đặc biệt trong thủ tục kiện đòi thanh toán khoản nợ, bồi thường, hay miễn trừ nghĩa vụ.
Thực tế cho thấy một số hội lớn có tính cách đoàn thể nhân dân đặc biệt của nước ta không “chết” mà chỉ là tự đang đổi mới mình cho phù hợp tình hình mới. Đây là xu hướng không phù hợp với quy chuẩn thông lệ đối với pháp nhân hội. Mọi pháp nhân dân sự sau một thời gian hoạt động nó sẽ kết thúc số phận theo một trong hai con đường: tự giải thể hay bị Nhà nước giải thể. Khi nó tự giải thể có thể diễn ra theo một trong các tình huống sau: i) Đã đến thời hạn cuối cùng do điều lệ của hội quy định; ii) Hoàn thành mục đích của hội; iii) Quá bán số hội viên nhất trí đề nghị giải thể vì căn cứ vào thực trạng của hội như: không còn tài chính để hoạt động, muốn thay đổi mục đích và tôn chỉ hoạt động, người đứng đầu đương nhiệm từ chối vị trí và hội không tìm ra được một ai nhận đảm trách vị trí đó v.v…
Mặt khác, sự tồn tại qúa lâu một hội là cơ hội tạo nguy cơ để hội đó được thủ đắc (chiếm hữu và sở hữu) bất động sản (theo khái niệm pháp lý dân sự truyền thống và thông lệ) quá lâu khiến chúng không đuợc đưa vào quá trình giao lưu hàng hoá trong xã hội. Hệ quả này chúng ta sẽ lường được nếu như hình dung đây đủ nội dung cấu trúc bất động sản, bới bên cạnh việc mất nguồn tài sản xã hội vô cùng lớn còn có thể là cơ chế giao dịch ngầm bất động sản ngoài pháp luật, gây nên rối loạn do không thể áp dụng thể chế đăng ký quốc gia đối vói loại bất động sản ngầm này. Do đó, “nhà lập pháp cũng lo ngại trước việc các hội có thể trở thành chủ sở hữu của nhiều bất động sản trong một thời gian quá dài (vì hoạt động của hội có thể kéo dài mãi mãi thậm chí đến hàng thế kỉ nếu trong điều lệ thành lập không quy định cụ thể thời gian hoạt động của hội). Điều này đồng nghĩa với việc các bất động sản do hội sở hữu sẽ nằm ngoài quy trình lưu thông kinh tế quá lâu”.[8]
Năng lực pháp nhân
Luật dân sự  các nước Lục Địa chỉ dùng từ  ‘năng lực’ – capacity, không dùng từ ‘năng lực pháp luật’ hay ‘năng lực hành vi’, lại càng không dùng cụm từ  ‘mất năng lực hành vi’ mà chỉ là ‘thiếu khả năng phân biệt sự vật/hiện tượng- lacking abilities to discriminate things’ hoặc ‘khả năng bị giới hạn -limited ability’. Các thân trạng yếu thế này hoàn toàn không phải là khái niệm ám chỉ địa vị pháp lý của thể nhân hay pháp nhân như cách phân biệt trong giáo trình giảng dạy luật nước ta. Từ giáo trình lại biến thành quy phạm pháp luật thì quả thật là nhầm lẫn và nguy hại, vì bất cứ ai cũng nại với toà án về tình trạng “năng lực hành vi” của thể nhân hay pháp nhân nào đó để yêu cầu một lệnh khẩn cấp, hay tuyên bố vô hiệu giao dịch.
Với Thể nhân đó là năng lực của người đủ 18 tuổi; với Pháp nhân đó là năng lực của thực thể được Nhà nước thành lập hay công nhận thông qua hành vi đăng ký để trở thành pháp nhân kinh doanh hoặc pháp nhân phi lợi nhuận (Hội/Quỹ).  
Các pháp nhân thuộc kinh doanh thị trường (hay bán thị trường) hoặc là pháp nhân phi lợi nhuận và phi thị trường hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau về văn hoá, thể thao, chính trị…đang được pháp luật quốc gia định chế nó với số phận pháp lý gần tương tự như thể nhân (năng lực thể nhân là năng lực đầy đủ, trọn vẹn nhất so với năng lực pháp nhân).
Đánh giá về Dự thảo Bộ luật Dân sự hiện nay đang trong quá trình sửa đổi
Tôi ủng hộ cao về ý tưởng và nội dung quy định có tính hoàn toàn mới[9] về chương Pháp nhân trong dự thảo lần này, theo đó:
-                     Có các nội dung: đăng ký; thành lập; năng lực; điều lệ; mục đích; điều hành và đại diện; chia tách, sáp nhập và giải thể.
-                     Không phân loại pháp nhân.
Tuy nhiên, tôi kiến nghị cần có khoản ghi rõ: Bộ luật này không áp dụng đối với các pháp nhân Chính trị; Nhà nước và Tôn giáo/.
Phụ lục
Tham khảo nội dung Điều lệ của Học giả phương Tây đưa ra trong luật mẫu (sample law) về Luật các tổ chức phi lợi nhuận [10]
"Điều lệ của một hội bao gồm những quy định sau
(1) Tên chính thức của hội và bất kỳ tên gọi chính thức hoặc tên lóng nào;
(2) Mục đích của hội, kể cả việc liệu mục đích có phải chủ yếu là mưu cầu các hoạt động công ích hay không;
(3) Địa chỉ đăng ký tại quốc gia, mà theo địa chỉ đó, có thể nhận được bất kỳ một văn thư thông báo chính thức hoặc điều tra công nào;
(4) Tên, tuổi và địa chỉ của những người sáng lập
(5) Tổ chức đang được dự định tiến hành đăng ký lập hội;
(6) Tổ chức đó sẽ có một cấu trúc thuộc loại có hội viên thì:
       (i) thủ tục lựa chọn và khai trừ hội viên;
       (ii) điều kiện làm hội viên và nhiệm kỳ, quyền ưu đãi và trách nhiệm của hội viên;
       (iii) liệu có cần có một Hội đồng hay không, và nếu có, thì thủ tục bầu cử và miễn nhiệm thành viên của Hội đồng, việc phân công quyền hạn và trách nhiệm giữa các thành viên, Hội đồng và tổ chức;
(7) Phân công trách nhiệm cho cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức đó đối với các chính sách và vấn đề tài chính của tổ chức;
(8) Các thủ tục lựa chọn và bãi miễn thành viên của Ban kiểm toán, nhiệm kỳ của các thành viên và các quyền, trách nhiệm cụ thể của Ban đó;
(9) Xác định ra bất kỳ cơ quan nội bộ nào khác của hội với quyền và trách nhiệm của các cơ quan đó;
(10) Các quy tắc về số lượng đại biểu và bỏ phiếu thích hợp đối với từng cơ quan nội bộ của hội;
(11) Các quy tắc và thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ, hoặc đối với việc sáp nhập, chia tách hoặc giải thể tổ chức, trong đó bao gồm cả bất kỳ quy tắc đặc biệt nào về số lượng đại biểu cũng như bỏ phiếu theo đa số áp đảo;
(12) Các biên bản có xác nhận về hội nghị thành lập của cơ quan cao nhất của hội;
(13) Một đơn xin thành lập đã được điền đầy đủ."

[1] Quốc hội XI, Kỳ họp 7. Luật sô 33.Bộ luật dân sự Việt Nam. Năm 2005. Mục 2 – Các loại pháp nhân. Điều 100. Khoản 2 và khoản 4.
[2] Vũ Minh Hồng. Thực tế hoạt động Hội ở nước ta và giải pháp lập pháp cho Dự thảo Luật về Hội. Tạp chí Lập pháp số 6. 2006.
[4] The Ministry of  Justice & The Codes of Translation Committee. The Civil Code of Japan. Law No 89, April 27, 1896. Ehs law Bulletin Seies. EHS Vol. II. FA-FAA
[5] Xem: Bộ luật dân sự Thái Lan. Chương II mục II – pháp nhân. Tiểu mục 2 – Hội/Quỹ. NXBCTQG. Năm 1995; Bộ luật dân sự  Nhật Bản; Bộ luật dân sự  Quybec Canada; 
[6] Luật Hội của Cộng hoà Pháp năm 1901; Sắc lệnh 102/SL004 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Ngày 20/5/1957 qui định về quyền lập Hội; Luật hội của Cộng hoà liên bang Đức do Quốc hội ban hành ngày 5/8/1964; Luật số 8 về Hội/đoàn thể quần chúng năm 1985 của Cộng hoà Indoneisia…
[7] QH. Bộ luật Dân sự. 2005. Chương III Pháp nhân.  Mục 2 Các loại pháp nhân. Điểm d Điều 110; Điều 114.
[8] Nhà Pháp luật Việt-Pháp. Hội thảo Pháp luật về hội. Năm 2004
[9] Bộ Tư pháp. Sơ thảo phần quy định chung Bộ luật dân sự (sửa đổi)-Tài liệu cho tọa đàm với IRZ-CHLB Đức. Tr40-50
[10] Nguồn:. Bộ Nội vụ. 2005. Dự luật khung về quỹ sáng lập và Hội. tr 2-4. Tài liệu tham khảo của World Bankv
SOURCE: HỘI THẢO TỔNG KẾT THỰC TIỄN THI HÀNH VÀ GÓP Ý HOÀN THIỆN BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005. BAN PHÁP CHẾ VCCI  VÀ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ  VIỆT NAM (VIAC) TỔ CHỨC. HÀ NỘI, NGÀY 1/3/2013.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code