Nhiều sử gia tin rằng sự thịnh suy hưng phế của các quốc gia, các triều đại xưa nay đều do con người tạo nên, không phải do mệnh trời hay do lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Vẫn biết hết hè thì sang thu, đông tàn rồi xuân thịnh nhưng lịch sử nhân loại có nhiều bằng chứng cho thấy rằng khi nào nhân tài xuất hiện đông đảo và được trọng dụng thì quốc gia thịnh trị, còn khi thiếu vắng nhân tài, quốc gia suy vong.Trong Bình Ngô Đại Cáo, nhà chiến lược Nguyễn Trãi đã khẳng định nước ta là một nước văn hiến, không lúc nào không có bậc hiền tài "dẫu yếu mạnh có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có", nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng khi vận mệnh đất nước lâm nguy, lãnh thổ bị xâm lược, quả thật là cũng có lúc "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu".
Do vậy, phát hiện và trọng dụng nhân tài luôn là nền tảng của mọi quốc sách nhân sự của mọi triều đại, mọi quốc gia, đến nỗi các vị vua chúa thời trước luôn được giáo dục để tin rằng trong đạo trị quốc có ba điềm chẳng lành lớn nhất, đó là: "có người hiền tài mà không biết, biết mà không dùng, dùng mà không tín nhiệm". Còn đối với các bậc trung thần, họ luôn tâm niệm rằng: "làm hại hiền tài, họa đến ba đời; vùi lấp hiền tài thì mình bị hại; đố kỵ với hiền tài thì danh tiếng không toàn vẹn; tiến cử hiền tài là để phúc đức cho con cháu".
Mỗi quốc gia, mỗi triều đại có tầm nhìn lâu dài đều muốn xây dựng một chế độ giáo dục và một hệ thống thi cử tốt nhằm đào tạo và tuyển chọn người giỏi. Một hệ thống giáo dục phổ cập, thi cử công bằng là một phương thức tuyển dụng dân chủ và khách quan, tạo cơ hội tiến thân cho người có năng lực dù xuất thân quyền quý hay nghèo khổ. Nhưng phương thức tuyển dụng bằng khoa cử thường có xu hướng trở thành hình thức, chọn bằng cấp chứ không chọn nhân tài. Chương trình đào tạo càng ngày càng nặng về cái học từ chương, bảo thủ sưu tầm kinh điển mà không khuyến khích tiến bộ, sáng tạo. Vì thế, đỗ trạng nguyên, tiến sĩ không chắc đã là học giỏi, học giỏi chưa chắc đã làm giỏi.
Nền văn hóa khoa bảng, học vị khiến cho các bậc hiền tài có thực học không được biết đến và không được trọng dụng. Trong chốn quan trường phát sinh tệ nạn bè phái, phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Một môi trường thiếu năng động, thiếu sáng tạo như thế dễ khiến nhân tài quốc gia ngày càng mai một và trở nên hiếm hoi.
Tuy nhiên, cũng may là bên cạnh hệ thống tuyển chọn khoa bảng, từ xưa vẫn tồn tại song song phương thức tiến cử người hiền. Tiến cử người hiền là một nét đẹp đặc sắc trong văn hóa trọng dụng nhân tài của người xưa.
Trong văn hóa tiến cử, trước hết việc tiến cử được xem là một trách nhiệm trọng đại của một trung thần đối với xã tắc, đối với quân vương.
Một đại thần đầu triều nếu sau ba năm đảm nhận trọng trách mà không thể tìm được hiền tài tiến cử cho vua phải tự xem là có tội lớn với vua. Nhưng làm người tiến cử cũng không dễ, phải hội đủ những đức tính cần thiết của một bậc hiền tài. Đó phải là một nhân tài chân chính, vì chỉ có nhân tài chân chính mới không đố kỵ tài năng khác. Người không có lòng đố kỵ tài năng thì người có tài năng mới chịu tìm đến. Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân được tiếng chiêu hiền đãi sĩ, lúc nào trong nhà cũng nuôi hàng ngàn người khách, mỗi người một tài năng riêng, chỉ khi có dịp cần mới thi thố. Người tiến cử phải thấy được, biết được, phát hiện được tài năng chân chính, nói theo thuật ngữ xưa đó là người có cặp mắt xanh. Phải có cặp mắt xanh mới không bị lầm lẫn. Thời Nam Tống, tể tướng Trương Tuấn lầm tiến cử Tần Cối cho vua Tống, Tần Cối sau này hãm hại Nhạc Phi, làm cho nhà Tống mất vào tay nhà Kim.
Điều đặc sắc của văn hóa tiến cử là ở chỗ người tiến cử và người được tiến cử đều là những nhà kỹ trị chuyên nghiệp. Phải là nhà kỹ trị chuyên nghiệp mới không tham quyền cố vị, biết nhượng vị trí quyền lực cho người khác có khả năng hơn mình, hoặc phù hợp hơn mình vì lợi ích quốc gia mà mình phục vụ.Lời bình: Từ "kỹ trị chuyên nghiệp" là từ trong sử sách hay là của tác giả gán cho người được tiến cử" và "người tiến cử"? Mà thế nào là "chuyên nghiệp" trong một xã hội phong kiến, vốn chỉ dựa trên nền tảng chế độ khoa cử, lấy tiêu chí "minh kinh, năng văn" làm trọng? "Chuyên nghiệp" hay không thì có đảm bảo gì đến việc "không tham quyền cố vị, nhượng vị trí quyền lực cho người khác"? NMTThái Trạch là một kẻ du thuyết. Năm 43 đời Tần Chiêu Vương biết tể tướng nước Tần là Phạm Thư lo sợ vì tiến cử phải những người làm phản, nên ông sang Tần. Thái Trạch khích Phạm Thư, hai người thi nhau hùng biện về sách lược phát triển nước Tần, cuối cùng Phạm Thư nhận ra tài của Thái Trạch, ông tiến cử Thái Trạch với Tần Chiêu Vương thay mình làm thừa tướng.
Người tiến cử phải là người chí công vô tư, có lòng trung quân ái quốc, biết chọn lựa người hiền tài cho quốc gia, tiến cử người tài là vì tài năng thật sự của họ chứ không phải do mối quan hệ thân hữu hay bè cánh.
Đời Cao Tông Hoàng đế triều Lý nước ta, Thái úy Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh, còn Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá do bận việc công nên ít khi thăm viếng. Khi bệnh nguy kịch, Chiêu Linh Thái hậu Đỗ thị là mẹ đẻ vua Cao Tông thân hành đến thăm và hỏi rằng: "Nếu chẳng may... thì ai là người thay thế ông?".
Hiến Thành trả lời: "Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá có thể thay được". Thái hậu ngạc nhiên hỏi: "Tán Đường ngày nào cũng thuốc thang hầu hạ ông, ông lại không nói đến là làm sao?". Hiến Thành nói: "Nếu Bệ hạ hỏi người hầu hạ, thì xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người giúp nước thì tôi xin tiến cử Trần Trung Tá". Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy. Nhân chuyện này cũng thấy rằng, trong việc tiến cử hiền tài, người tiến cử không những phải là lương thần, người được tiến cử là bậc nhân tài chân chính, bậc vua chúa cũng phải là minh quân, biết nghe lời nói phải, đồng thời có sự tín nhiệm cao đối với người tiến cử, thì việc tiến cử mới có thể thành công trọn vẹn.
Văn hóa tiến cử thường cực thịnh trong thời loạn mà suy yếu trong thời bình. Thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa là thời rất thịnh của văn hóa tiến cử. Điều này cũng dễ hiểu. Thời loạn là thời đấu tranh quyết liệt, quốc gia rất cần những con người chân tài thực học nên ở đâu được tiếng trọng dụng nhân tài là nhân tài đổ xô về. Có khi không cần người tiến cử, những nhân tài thời đó tự mình đến gặp vua, dùng tài biện thuyết của mình để được trọng dụng. Tô Tần là người Lạc Dương, một mình mang ấn tướng quốc của sáu nước Tề, Yên, Sở, Hàn, Ngụy, Triệu thực hiện chiến lược Hợp Tung để chống lại nhà Tần. Trương Nghi là người nước Ngụy, ôm ấp kế hoạch Liên Hoành phá thế Hợp Tung, một mình vào Tần gặp Tần Huệ Vương trình bày kế sách, được vua Tần trọng dụng phong làm Thừa tướng. Họ là những nhà kỹ trị quốc tế chuyên nghiệp, một khi được trọng dụng là tập trung tài trí sức lực phục vụ cho triều đại nước đó, bất kể họ là người nước nào.
Ngày nay, văn hóa tiến cử đã bị mai một dần, không phải là văn hóa tiến cử không còn cần thiết và đã bị văn hóa khoa cử thay thế, nhưng là vì thiếu người tiến cử, thiếu người được tiến cử, thiếu nhà lãnh đạo biết nhận chân tài năng và nhất là không có cơ chế tiến cử.Nhưng nếu ở bình diện chính trị quốc gia, văn hóa tiến cử đã bị mai một thì ở bình diện quản trị điều hành doanh nghiệp, văn hóa tiến cử vẫn còn sức sống mạnh mẽ nhất là ở phương Tây.Một công ty đa quốc gia nổi tiếng là PepsiCo đã cho thấy những điển hình thành công về văn hóa tiến cử. Roger Enrico, vị CEO có công phục hồi ngôi vị số một thế giới của PepsiCo trong lĩnh vực kinh doanh thức uống và thức ăn nhanh vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, sau một thời gian điều hành đã giới thiệu cho Hội đồng Quản trị một tài năng kiệt xuất là Steve Reinemund. Ông này đã giúp PepsiCo tỏa sáng trong những năm đầu thế kỷ XXI, sau đó lại tiến cử người thay thế mình là một phụ nữ tài ba người gốc Ấn Độ, Indra Nooyi. Bà này hiện đang điều hành rất thành công PepsiCo. Hy vọng rằng các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp nước ta thấy được và áp dụng được những nét đẹp của văn hóa tiến cử trong việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài đất Việt.
Lời bình: Văn hóa tiến cử từ Việt Nam thời phong kiến, vốn đã bị "mai một", vậy mà sao lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mức sang hẳn...Phương Tây, thậm chí còn "sống khỏe" ở đó nữa?Từ đầu bài viết tác giả nói nhiều đến "văn hóa tiến cử" trong thế so sánh với hình thức khoa cử trên "bình diện quốc gia" ở Việt Nam, chủ yếu thời phong kiến, cuối bài viết tác giả lại kết luận nó có sức sống mạnh mẽ ở "bình diện quản trị điều hành doanh nghiệp" không phải ở Việt Nam mà...ở Phương Tây ngày nay, vốn chẳng liên quan, ăn nhập gì đến những trình bày trước đó của tác giả.Tác giả bài viết coi việc tiến cử là "văn hóa tiến cử", tiêu đề là "văn hóa tiến cử xưa và nay", vậy "nay" thì như thế nào, cần phải thay đổi gì về thể chế, luật pháp để duy trì và phát huy giá trị của hình thức này trong giai đoạn hiện nay thì tác giả lại chưa đề cập đến.Tôi nghĩ cần tiếp tục làm rõ hàng loạt các vấn đề trước khi kết luận có nên áp dung trở lại cái gọi là "văn hóa tiến cử" hay không, chẳng hạn như: giả sử ngày nay áp dụng cơ chế tiến cử này thì lấy gì để đảm bảo, lấy gì để chắc chắn rằng "người tiến cử" và "người được tiến cử" sẽ hoàn toàn vô tư, khách quan khi hành động? Qui định pháp luật, qui trình thực hiện nào cần có để hạn chế được việc liên kết thành bè phái, thành các "siêu thế lực" trong bộ máy nhà nước hiện nay? Hình thức tiến cử xưa nếu được áp dụng thì phạm vi áp dụng nên đến đâu, chỉ trong các cơ quan nhà nước hay khuyến khích, mở rộng ra cả các tổ chức xã hội, doanh nghiệp? so với cơ chế tuyển dụng cán bộ hiện nay, thông qua thi cử, tuyển chọn khách quan thì hình thức tiến cử này có gì ưu điểm hơn không, tại sao? Phát huy những ưu điểm đó như thế nào, hạn chế tác động nghịch của hình thức này ra làm sao?... NMT
------------
Ghi chú: Đoạn màu vàng cam là đoạn tôi nhấn mạnh trong bài viết của tác giả. Đoạn tô màu xanh là đoạn tôi có lời bình thêm.
Monday, August 12, 2013
VĂN HÓA TIẾN CỬ XƯA VÀ NAY
10:08 AM
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 comments:
Post a Comment