Tuesday, August 13, 2013

Chuyên đề về Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam

Hội đồng bảo Hiến???
TP - Sau khi nghiên cứu dự thảo các văn kiện của Ban chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội lần thứ XI. Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Đoạn cuối điểm 1 phần XI trong dự thảo báo cáo chính trị có nêu: “Khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hiến pháp năm 1992 (đã được bổ sung năm 2001) để phù hợp với tình hình mới. Nếu chủ trương này thực hiện sẽ là sự kiện lớn đối với đất nước. Bản thân tôi nhận thức thấy có 3 vấn đề Đảng quan tâm.

Cũng đoạn cuối điểm 1 phần XI của dự thảo nêu trên có ghi: “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra tính hợp Hiến, hợp pháp trong hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền, cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhìn lại cách đây đúng hai thập kỷ, vào năm 1990, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng tại Đại hội lần thứ VI về “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật lớn: Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.

Xét về mặt pháp lý, việc ban hành hai đạo luật trên trong bối cảnh Hiến pháp năm 1980 chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế. Nên hai đạo luật trên vô hình chung đã vi phạm các điều 18 và 140 của Hiến pháp năm 1980.

Vậy mà trong quá trình thi hành chưa hề có một ý kiến phản biện nào. Có thể lúc đó dân trí còn chưa cao. Nhưng phải nói rằng, tác động của hai đạo luật này đã tạo tiền đề cho Nhà nước ta khai thác tiềm năng của các thành phần kinh tế trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng mới bắt đầu đưa tin về những văn bản vi Hiến gây bức xúc trong dư luận xã hội, như văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về tạm dừng đăng ký xe máy tại Hà Nội, để hạn chế phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Văn bản trên đã bị Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp “huýt còi” vì trái với điều 58 của Hiến pháp năm 1992; một số quy định về đăng ký hộ khẩu nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng lại vi phạm điều 68 của Hiến pháp 1992.

Những văn bản vi Hiến còn nhiều nữa, vậy mà chưa có cơ quan thẩm quyền nào xử lý (mới dừng lại ở mức “huýt còi”) mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã quy định: Quốc hội quyết định bãi bỏ các văn bản QPPL dưới luật vi Hiến (khoản 2 điều 84), Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ các văn bản dưới luật vi Hiến và đề nghị Quốc hội bãi bỏ.

Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ các văn bản vi Hiến của các Bộ, UBND cấp tỉnh; đình chỉ các văn bản vi Hiến của HĐND cấp tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ. Còn hành vi vi Hiến thì bỏ ngỏ, như hành vi trả thù người tố cáo vừa vi phạm luật vừa vi phạm Hiến pháp (điều 74)...

Để đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đã đến lúc cần thành lập cơ quan bảo Hiến.Nhưng xây dựng theo mô hình nào? Hiện nay có ý kiến đưa ra ba mô hình:

Với đặc điểm Nhà nước ta không có sự phân chia quyền lực mà chỉ có sự phân công quyền lực giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp (TAND tối cao, VKSND tối cao) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nên chăng thành lập Hội đồng bảo Hiến.

Hội đồng này có thành phần của Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao. Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội thông qua, các thành viên khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Hội đồng bảo Hiến có bộ máy chuyên trách giúp việc Hội đồng.

Việc xây dựng mô hình Hội đồng bảo Hiến là nhằm đưa việc xử lý văn bản vi Hiến và hành vi vi Hiến đi vào một mối, thay vì nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý trước đây, nhưng hoạt động chưa có hiệu quả cao.

Hà Ngọc Châu - Nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Ban Công tác lập pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam”.

Ở Việt Nam hiện nay, bảo hiến là một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra. Chúng ta chưa có một cơ chế bảo hiến hoạt động có hiệu quả mặc dù đã có một cơ chế bảo hiến theo luật định bao gồm hệ thống các cơ quan lập pháp (Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội), Tư pháp, Hành pháp. Nhiều thiết chế quan trọng trong việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp hầu như không được áp dụng, nhất là trong hoạt động của các cơ quan cao cấp của Nhà nước. Vậy, làm thế nào để xây dựng được một cơ chế bảo hiến hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của Việt Nam? Đây cũng là mục đích chính mà Hội thảo khoa học muốn hướng tới.

Mô hình bảo hiến trên thế giới và Việt Nam

Theo GS.TS Lê Minh Tâm- hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, có thể hiểu khái niệm “cơ chế bảo hiến” theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng, cơ chế bảo hiến là toàn bộ những yếu tố, phương tiện, phương cách và biện pháp nhằm bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng, chống lại mọi sự vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra. Theo nghĩa hẹp (là nghĩa mà các đại biểu tham dự hội thảo đề cập), cơ chế bảo hiến là một thiết chế được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc và quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng, chống lại mọi sự vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra. Đây chính là cơ chế bảo hiến mà Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Tuy bảo hiến là nhu cầu khách quan, song “cơ chế bảo hiến” lại là khái niệm chứa đựng các yếu tố khách quan và chủ quan. Bởi vì, cần phải có cơ chế bảo hiến nhưng làm như thế nào lại phụ thuộc vào sự nhận thức đúng đắn về các vấn đề có tính quy luật, những giá trị của Hiến pháp và nội dung của từng nguyên tắc, quy phạm hiến định…

Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình bảo hiến được áp dụng tại nhiều quốc gia khác nhau. Đó là mô hình giám sát tư pháp hiến pháp kiểu Mỹ, hoạt động bảo hiến không được giao cho một cơ quan chuyên trách về bảo vệ Hiến pháp thực hiện mà giao cho Toà án tư pháp. Ở nhiều nước châu Âu, mô hình bảo hiến kiểu Châu Âu trao quyền giám sát và bảo về Hiến pháp cho một cơ quan chuyên trách đặc biệt, còn gọi là Toà án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến hoặc Viện bảo hiến…Đó cũng có thể là mô hình bảo hiến hỗn hợp Âu – Mỹ kết hợp cả hai mô hình bảo hiến trên (duy trì ở các quốc gia Bồ Đào Nha, Indonesia, Brazil..) hoặc mô hình cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến (áp dụng ở các quốc gia Phần Lan, Trung Quốc, Australia, Lào…)

So sánh với mô hình bảo hiến Việt Nam, các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng, ở Việt Nam đã hình thành một cơ chế bảo hiến với thiết chế và nội dung hoạt động tương đối cụ thể. Theo cơ chế này, việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền như Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân…; trong đó, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước và giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động giám sát và bảo vệ hiến pháp trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền mà không giao cho một cơ quan chuyên trách nên hiệu quả chưa cao; quy định của pháp luật về giám sát và bảo vệ Hiến pháp còn thiếu, chưa có cơ chế giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành…

Có nên thành lập một cơ quan bảo hiến chuyên trách?

Trước những yêu cầu thực tế, cấp thiết về việc cần thiết xây dựng một cơ chế bảo hiến hữu hiệu nhằm hạn chế những tồn tại trong quá trình thực hiện cơ chế bảo vệ hiến pháp, các chuyên gia đều nhấn mạnh tính cần thiết của việc lựa chọn mô hình bảo hiến. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, tổ chức theo mô hình nào là phù hợp nhất với điều kiện nước ta thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong điều kiện của Nhà nước hiện nay, chưa nên thành lập một cơ quan bảo hiến chuyên trách mà nên tiếp tục duy trì cơ chế bảo hiến theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời cần tổng kết lý luận và thực tiễn việc thực hiện cơ chế này để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm ngày càng hoàn thiện hơn;

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị nên thành lập một cơ quan bảo hiến chuyên trách với tên gọi là Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp. Cơ quan này có vị trí độc lập với cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp và thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản như xem xét, bảo đảm tính hợp hiến của các đạo luật và điều ước quốc tế, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giải thích Hiến pháp, xem xét tính hợp hiến của cuộc trưng cầu dân ý, của cuộc bầu cử…

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, việc chưa nên thành lập Toà án Hiến pháp vì chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng có nhiều điểm hợp lý, nhất là phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, song cần thoát ra quy định hiện tại, tìm ra những điểm hợp lý từ kinh nghiệm của nước ngoài để vận dụng vào Việt Nam. Nếu thành lập Toà án Hiến pháp thì cũng chưa thể tách cơ quan này ra khỏi Quốc hội và bước đầu chỉ nên giao một số quyền như: quyền tài pháp đối với văn bản…

Xây dựng một cơ chế bảo hiến hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước là vấn đề mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giám sát và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội chính là nhằm tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết và quan trọng. Sau 3 ngày thảo luận sôi nổi và chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Trưởng ban Công tác lập pháp của Quốc hội đã tóm tắt một số ý kiến thông qua những trao đổi của các chuyên gia về định hướng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở Việt Nam:

Một là, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo hiến phải phù hợp với các đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong đó đặc điểm quan trọng nhất là: Nhà nước ta không thừa nhận “tam quyền phân lập” mà chúng ta khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Việt Nam không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà bảo đảm sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất đối với Nhà nước và xã hội là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước chính là sự thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Vì vậy, giám sát và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội chính là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp cũng chính là góp phần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Ba là, quá trình hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở nước ta không đồng nghĩa với việc xây dựng một cơ chế bảo hiến hoàn toàn mới, thay thế cơ chế hiện hành mà phải dựa trên cơ sở kế thừa, phát triển những gì đã có, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài để tìm ra cách thức, biện pháp bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng, chống lại mọi sự vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra, và phải phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta.

Bốn là, mô hình cơ quan bảo hiến độc lập (được gọi là Toà án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến, Hội đông Hiến pháp, Viện bảo hiến…) với chức năng giám sát và bảo vệ Hiến pháp là một trong những thiết chế bảo vệ Hiến pháp khá hiệu quả, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, để có thể vận dụng mô hình này vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu cụ thể, có hệ thống các vấn đề như: vị trí, tính chất của cơ quan bảo hiến; mối quan hệ giữa cơ quan bảo hiến với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nhiệm vụ, quyền hạn (phạm vi giám sát và bảo vệ Hiến pháp) của cơ quan bảo hiến; cơ cấu tổ chức và hoạt động; hiệu lực pháp lý của các phán quyết của cơ quan bảo hiến./.

http://www.judaca.edu.vn/default.asp...b-1dde20063b68

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code