Dân chủ được bảo vệ không chỉ bởi Đạo luật Hiến pháp mà còn bởi Luật Bầu cử Quốc hội của Đan Mạch. Hệ thống bầu cử dựa trên tỷ lệ đại diện đảm bảo rằng đại diện của tất cả các vùng miền trên đất nước, và những người đại biểu cho bất cứ quan điểm nào – được tổ chức theo các nhóm thiểu số lớn hoặc các phong trào cấp cơ sở đều có ghế căn cứ theo tổng số cử tri. Khoản “tiền lương” mà dân biểu nhận được, nhìn từ góc độ kinh tế, đủ trang trải cho cuộc sống của họ, bất kể họ là ai, thu nhập thế nào.
Quyền và nghĩa vụ
Đặc thù của nền dân chủ Đan Mạch là hoạt động quản lý của Nhà nước dựa trên sự nhất trí tự nguyện giữa chế độ quân chủ lập hiến và các công dân của đất nước. Công dân không có ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động quản lý của Nhà nước nhưng sử dụng ảnh hưởng của mình một cách gián tiếp thông qua quyền bỏ phiếu. Các cuộc trưng cầu dân ý là công cụ để qua đó, người dân tác động gián tiếp tới hoạt động quản lý. Đồng thời, công dân công nhận nguyên tắc mọi người phải tuân thủ luật pháp, đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ quân sự… Đổi lại, Đạo luật Hiến pháp trao cho họ một số quyền quan trọng như quyền bầu cử.
Nếu số đông công dân quyết định sử dụng ảnh hưởng của mình thông qua quyền bầu cử, họ có thể loại bỏ những chính trị gia mà họ thấy không phù hợp. Và theo phần cuối của Đạo luật Hiến pháp (Mục 71-85), mọi công dân đều được bảo đảm về quyền tự do cá nhân và được bảo vệ chống xâm phạm, như bằng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tài sản cá nhân được bảo vệ, cơ hội việc làm như nhau và quyền được hưởng các dịch vụ xã hội.
Tam quyền phân lập
Để bảo đảm một nền dân chủ ổn định và để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực, quyền lực tối cao ở Đan Mạch, giống như ở phần lớn các quốc gia dân chủ phương Tây khác, được chia thành ba cơ quan độc lập kiểm soát lẫn nhau, đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Folketing là cơ quan duy nhất được trao quyền lập pháp. Tuy nhiên, các đạo luật chỉ có thể có hiệu lực sau khi được nhà vua chấp thuận. Trên thực tế, Nhà vua không nằm trong tam quyền phân lập nhưng Nữ Hoàng – hoặc Đức Vua có thể thực thi quyền lực chính thức, ví dụ khi bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các bộ trưởng.
Quyền lập pháp và hành pháp được cân bằng thông qua những quy định cụ thể trong Hiến pháp. Ví dụ một thiểu số trong số 179 nghị sỹ có thể lật đổ một nội các hoặc một bộ trưởng bằng cách đưa ra một chương trình làm việc kèm với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mặt khác, Thủ tướng có thể giải tán Quốc hội bất kỳ lúc nào với hy vọng đạt được một đa số ổn định hơn. Trách nhiệm của các bộ trưởng là tâm điểm của nền dân chủ. Họ có phạm vi thẩm quyền lớn nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của Quốc hội và 25 Ủy ban thường trực của Quốc hội. Trong những trường hợp đặc biệt, các bộ trưởng có thể bị buộc tội.
Chính trị vì lợi ích công
Một trong những đặc thù chủ yếu của dân chủ là công khai và minh bạch với quảng đại quần chúng. Toàn bộ hệ thống chính trị từ trên xuống dưới đang được cử tri kiểm soát và phê bình thông qua báo chí và các phương tiện thông tin khác. Tương tự, nguyên tắc công khai được thực hiện trong hành chính công theo nghĩa mọi công dân có quyền tiếp cận các văn bản tài liệu và có thể khiếu nại tới Thanh tra Quốc hội hoặc tòa án nếu họ cảm thấy bị đối xử không công bằng.
Các đảng phái chính trị và các tổ chức đảng là bên có tiếng nói cuối cùng khi các ứng cử viên ứng cử vào Quốc hội. Các nguyên tắc bầu cử áp dụng cho ứng cử vào Quốc hội có từ thời đa số dân chúng đều có chân trong các đảng phái chính trị. Các nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị mặc dù số người dân thuộc về các đảng phái chính trị đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây.
Suốt 150 năm qua, nền dân chủ Đan Mạch hoạt động tốt trong khuôn khổ Đạo luật Hiến pháp mặc dù dân số đã tăng lên đáng kể và bất chấp nhận thức chính trị của công dân đã được nâng cao. Cuộc đấu chính trị không chỉ là cuộc đấu về quan điểm mà còn vì lợi ích kinh tế. Trong một số giai đoạn nhất định, điều này đã dẫn đến những xáo động trong đời sống chính trị và nới rộng khoảng cách giữa cử tri và đại biểu dân cử. Tuy nhiên, dân chủ đã bén rễ sâu ở Đan Mạch so với các nền dân chủ khác.
Vua Frederik VII ký Đạo luật Hiến pháp đầu tiên của Vương quốc Đan Mạch ngày 5.6.1849. Bởi vậy, Ngày Hiến pháp được kỷ niệm vào ngày 5.6 hàng năm. Văn bản luật tối cao này sau đó được sửa đổi vào các năm 1866, 1915 và 1953. Trong đó, vào năm 1915, Hiến pháp cho phép phụ nữ và tôi tớ được bỏ phiếu.
Quốc hội Đan Mạch (Folketing) gồm 179 nghị sỹ, trong đó 175 nghị sỹ được bầu tại chính Đan Mạch, 2 tại Greenland và 2 tại quần đảo Faroe. Năm lập pháp của Quốc hội Đan Mạch bắt đầu từ ngày thứ 3 đầu tiên của tháng 10 và kết thúc vào cùng ngày năm sau đó. Tuy nhiên trên thực tế, những công việc tại Hội trường thường chỉ thực sự bắt đầu trước ngày Hiến pháp quốc gia (5.6). Trong năm lập pháp, các nghị sỹ nhóm họp khoảng 100 lần tại Hội trường, xem xét, thảo luận từ 200-300 dự thảo luật.
http://www.daibieunhandan.vn/default...4&GroupId=1152
0 comments:
Post a Comment