Tuesday, August 13, 2013

Giám sát và phản biện xã hội, lý do tồn tại của Mặt trận

Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, nói đã rõ như vậy mà vẫn chưa thấy đủ, Bác Hồ còn nhấn mạnh: Chỉ thuộc về nhân dân. Ngay sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, Bác nêu rõ quan điểm:
Dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của dân
.

Toàn bộ quyền lực chỉ thuộc về nhân dân là Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và để không lầm lẫn, vô tình hay cố ý, đã có lời giải thích rất cụ thể và chính xác như sau:

Nhân dân không bao giờ trao chủ quyền của mình, quyền lực chính trị của mình cho bất kỳ ai. Nhân dân không trao cho Nhà nước quyền sở hữu của chủ quyền mà chỉ trao cho Nhà nước quyền sử dụng để thực hành chủ quyền của mình và chỉ trao quyền sử dụng ấy một cách rất hạn chế về thời gian và về cái diện bao quát nội dung của chủ quyền. Đồng thời nhân dân luôn luôn kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc sử dụng phần quyền được trao ấy, nếu thấy cần thiết thì nhân dân thu lại, không trao quyền sử dụng ấy nữa.
Giám sát cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ là quyền của dân, quyền của những người chủ đất nước đối với những quan chức được dân trao quyền sử dụng để thực hành chủ quyền của mình. Chức năng quan trọng hàng đầu của Mặt trận là giám sát và phản biện, đó là trách nhiệm của Mặt trận với dân với Đảng và cũng là lý do tồn tại của Mặt trận. Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước lún sâu vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, dân chủ không còn nữa, giám sát trở nên xa lạ với rất nhiều người dân còn Mặt trận dần dần hành chính hoá, đảng hóa và cách bố trí cán bộ, những người sắp về hưu, điều về Mặt trận làm cho Mặt trận không có thực lực không thể hoạt động độc lập, trở thành một cơ quan của tỉnh, nhiều nơi cán bộ vẫn gọi là "đầu sai" của cấp uỷ.

Thực đáng sợ khi nhìn lại hơn 30 năm qua vắng hẳn vai trò giám sát của dân, của Mặt trận và cái giá ta phải trả khi không có dân chủ đã quá đắt. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất lo lắng trước đội ngũ lãnh đạo ở Trung ương xa dân, quan liêu rất trầm trọng, hàng chục năm đứng ngoài sự giám sát của dân, không tự phê bình và phê bình, kinh tế trì trệ bế tắc vì không chịu nghe dân, nhất là những ý kiến ngược. Ông nói với báo chí:

Giải quyết nội bộ xuất hiện lần đầu chỉ ở cơ quan lãnh đạo bên trên rồi vì dột từ nóc nếu nhanh chóng trở thành phổ biến xuống đến các cơ quan lãnh đạo bên dưới, "vùng cấm" tràn lan đâu cũng có "vùng cấm" không được phê bình, đụng chạm, trong đảng đương nhiên xuất hiện những "siêu đảng viên" hàng chục năm chẳng phải tự phê bình, tự kiểm điểm nhưng khen ngợi, tâng bốc thì quá nhiều, quá đáng cùng với tuyên dương, đề bạt. Đây là thứ đặc quyền, đặc lợi tệ hại nhất làm cho nhiều cán bộ lãnh đạo chẳng cần học tập, nâng cao năng lực lãnh đạo, trau dồi đạo đức vẫn bình chân như vại, giữ hết chức vụ chủ chốt này đến chức vụ chủ chốt khác, chỉ thấy có lên không có xuống, có người năng lực lãnh đạo, quản lý và tư cách đạo đức rất hạn chế lại giữ những mấy chức vụ quan trọng.
(trích trong bài "Cái nóc", báo Đại Đoàn Kết ngày 3-3-1990).

Nhiệm kỳ Đại hội VI, báo chí đã đề nghị cần công khai, minh bạch, dân chủ trước hết trong đảng rồi thì ngoài dân mới có dân chủ, phải dân chủ hoá công tác cán bộ và loại bỏ quan niệm bảo thủ cho công tác cán bộ phải bí mật, mọi đảng viên dù giữ bất cứ chức vụ gì đều bình đẳng trước kỷ luật, pháp luật...

Rất tiếc đến Đại hội VII, cái cũ lại trở về nguyên vẹn, lại khép kín tất cả. "Vùng cấm" và "siêu đảng viên" xuất hiện càng nhiều. Dựa vào các thứ đặc quyền đặc lợi, nhiều cán bộ cao cấp được nuông chiều quá đáng: không có trách nhiệm cá nhân, không có từ chức, cách chức, tại Quốc hội vẫn chưa có bãi miễn và bỏ phiếu tín nhiệm, rất thiếu vắng giám sát và phản biện xã hội của dân và Mặt trận, cấp uỷ Đảng được giới thiệu tham gia bộ máy Nhà nước không phải tranh cử và do Đảng chỉ định... Một số cán bộ cao cấp hàng chục năm để ngành mình xảy ra bao bê bối, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không những không bị kỷ luật mà còn được đề bạt.

Một đảng duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền dứt khoát phải có một mặt trận có đủ trình độ, năng lực, dũng khí giám sát và phản biện xã hội nếu không đảng sẽ đơn độc, dễ lâm vào cảnh "mẹ hát con khen hay" khi hệ thống chính trị đã bị Nhà nước hóa, đảng hóa. Chưa bao giờ bệnh thành tích lại lây lan khắp các bộ, ngành, các địa phương như 10 năm gần đây. Cùng với tham nhũng, lãng phí, sức tàn phá của bệnh thành tích ghê gớm nếu mới chỉ nhìn vào ngành giáo dục đào tạo, hậu quả vô cùng tai hại của bệnh thành tích còn phải nhiều năm mới khắc phục được. Ở đâu cũng có dối trá, lừa bịp, dân và cán bộ biết cả nhưng không nói được, nói ở đâu và nói có được an toàn không? Từ lâu dân và cán bộ vẫn mong mỏi khắc khoải bao giờ Mặt trận trở lại với chức năng đích thực được ghi trong hiến pháp: Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà nước. Đây là vấn đề sống còn của đất nước, càng chậm càng khó xoay chuyển tình hình.

Đại hội Đảng lần thứ X đã thấy cần phải tổ chức cho dân giám sát, và trong hai ngày 3 và 4-7, UBTƯMTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị quan trọng để thực hiện Nghị quyết của Đại hội X, lấy ý kiến góp vào dự thảo đề án giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Các đại biểu phát biểu tại hội nghị đều hướng về mục tiêu: mở rộng dân chủ, thực hiện dân chủ tối đa mới có thể giám sát và phản biện xã hội, Đảng phải thấy xót xa nếu để dân thiếu dân chủ vì đã thiếu dân chủ thì dân bị oan khuất đành nín chịu. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét: dân chủ bị vi phạm rất nặng nề, giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu rất bức thiết.

Giám sát và phản biện xã hội là quyền của dân, giám sát và phản biện xã hội là lý do tồn tại của Mặt trận, là trách nhiệm của Mặt trận với dân, với Đảng. Đảng là thành viên lãnh đạo của Mặt trận, Đảng cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi trong cả nước. Chỉ có dân thông qua Mặt trận, thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, chống đói nghèo, chống tụt hậu có hiệu quả, mới có thể làm trong sạch bộ máy Nhà nước và đảm bảo trong Đảng không còn "vùng cấm" và "siêu đảng viên".
Theo Báo Đại đoàn kết

Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phản biện xã hội là một khái niệm chưa có trong từ điển tiếng Việt. Theo tôi , Mặt trận sẽ tham gia phản biện xã hội trên danh nghĩa được Đảng và nhà nước công nhận nhân danh tiếng nói của nhân dân nêu nhận xét, kiến nghị của mình bằng văn bản hoặc phát biểu trực tiếp tại hội nghị chính thức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước khi ban hành một chủ trương, chính sách nào đó, Mặt trận đều có thể tham gia phản biện các vấn đề, nhưng cần chọn vấn đề đích đáng mà nhân dân mong đợi. Mặt trận cũng phải nêu được chính xác những điều không đúng, không hợp lý, và cùng tìm giải pháp tốt nhất cho những chủ trương chính sách đó.
Phản biện không có nghĩa là chỉ bác bỏ mà phải nhận xét một cách vô tư khách quan, thẳng thắn cả những mặt tốt, mặt xấu. Nhưng quan trọng nhất là phải nêu được những điều chưa tốt, chưa hợp lý, và những điểm cần sửa đổi, bổ sung. Phản biện xã hội khác với phản ánh, tham gia góp ý kiến như Mặt trận vẫn làm hiện nay. Tiếng nói phản biện xã hội của Mặt trận phải được pháp luật thừa nhận, và bắt buộc các cơ quan hữu quan phải nghiên cứu, xem xét. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý phải đảm bảo cho việc phản biện xã hội của Mặt trận đạt hiệu quả thực tế chứ không mang tính hình thức.

Phản biện xã hội của Mặt trận cũng không mang tính chất thẩm định để đi tới quyết sách cuối cùng, nhưng phải được xem xét nghiêm túc để thẩm tra lại trước khi đưa ra quyết định một vấn đề quan trọng.

Muốn thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, Mặt trận phải hội đủ hai điều kiện.

Điều kiện thứ nhất,

Mặt trận phải có thực lực, chẳng hạn như đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, có dũng khí. (Tôi không quan niệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức đối trọng với Đảng và Nhà nước). Nhưng muốn phản biện được, Mặt trận phải có ngay các biện pháp để nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên. Cán bộ, lãnh đạo Mặt trận phải có điều kiện làm việc thế nào đó để đảm bảo cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặt trận cần chủ động kiến nghị Đảng, Nhà nước về chế độ chính sách để đảm bảo đủ điều kiện cho Mặt trận phản biện xã hội.
Trước hết phải thực hiện hai việc.


  • + Thứ nhất là Trung Ương Đảng cần có chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phản biện xã hội.
  • + Thứ hai là Nhà nước cần ban hành một pháp lệnh hay nghị định về phản biện xã hội của Mặt trận.

Trong đó phải nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Cụ thể như Mặt trận được phản biện đối với những chính sách, chủ trương nào, trong phạm vi nào, phản biện theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước hay Mặt trận được quyền tự chọn vấn đề phản biện.

Theo tôi, Mặt trận phải được quyền lựa chọn vấn đề phản biện, được quyền yêu cầu cơ quan chủ trì đề án, dự án, dù có là Quốc hội hay Trung ương Đảng cũng phải mang đề án, dự án sang trình để Mặt trận tham gia phản biện. Vấn đề nữa là Mặt trận được quyền cung cấp thông tin cần thiết ở mức nào để phản biện. Và ý kiến phản biện của Mặt trận có được công khai không, công khai ở mức nào hay vẫn phải giữ bí mật?... Những quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận trong phản biện phải được làm rõ chứ không thể nói chung chung. Cũng phải quy định rõ, cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước phải tiếp thu, trả lời thế nào đối với các ý kiến phản biện của Mặt trận.

Những vấn đề Mặt trận phản biện mà cơ quan chủ trì đề án, dự án thấy không tiếp thu được thì phải giải thích thế nào, Mặt trận sẽ trao đổi lại thế nào hay là thôi, trường hợp Mặt trận không đồng tình với quyết định đó thì sao? Hay các cơ quan Đảng, Nhà nước không trả lời lại các ý kiến phản biện của Mặt trận, hay thấy đúng mà không tiếp thu thì sao?... Tất cả đều phải được quy định rõ thì tiếng nói phản biện của Mặt trận mới có hiệu quả, có giá trị, ý nghĩa thực sự trong đời sống xã hội.

Điều kiện thứ hai

Là Mặt trận phải được tự chủ về tài chính. Mặt trận không thể nhận kinh phí hoạt động từ Bộ Tài chính như hiện nay, mà phải được nhận phân bổ ngân sách từ Quốc hội, từ Hội đồng nhân dân các cấp. Để thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận sẽ phải có rất nhiều chi phí chính trị như nhóm họp các chuyên gia, đại diện các ngành các giới, đi tiếp xúc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng nhân dân,...Nếu cứ tiếp nhận kinh phí như một cơ quan Nhà nước thì sẽ không đảm bảo hoạt động được.

Thay đổi cơ chế tài chính như trên sẽ làm thay đổi quan trọng tính chất hoạt động của Mặt trận. Mặt trận phải được độc lập, tự quyết về tài chính thì mới đảm bảo có tiếng nói khách quan. Nếu cứ duy trì cơ chế tài chính xin cho thì e là nói gì cũng khó.
Nguyễn Mạnh Cầm - (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn đối ngoại và kiều bào UBTƯMTTQ Việt Nam)

Về cơ bản tôi đồng tình với bản dự thảo Đề án giám sát và phản biện xã hội của UBTƯMTTQ Việt Nam, tuy vậy tôi xin bổ sung một số ý kiến để làm rõ hơn một vài vấn đề nội dung của phản biện. Hiện nay Mặt trận đang thực hiện ba nhiệm vụ rất quan trọng.


  • Thứ nhất là động viên quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách.
  • Thứ hai là giám sát.
  • Thứ ba là vấn đề phản biện xã hội.


Trong những nhiệm vụ này, theo tôi nhiệm vụ phản biện xã hội là cực kỳ quan trọng. Chính vai trò của Mặt trận được thể hiện rõ hơn, cao hơn là thông qua vài trò này. Thực chất của vấn đề phản biện xã hội là thực hiện quyền làm chủ của dân trong điều kiện một Đảng cầm quyền, để làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện một cách đúng đắn nhất, đầy đủ nhất nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Những vấn đề này được thể hiện thông qua một tổ chức duy nhất đại diện cho quần chúng nhân dân, tổ chức đó là Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức duy nhất có thể đoàn kết được quần chúng nhân dân, mà không có tổ chức nào khác có thể đoàn kết được như vậy, trên nguyên tắc và phương châm là đại đoàn kết toàn dân.

Theo tôi, khi đề cập đến khái niệm "phản" không nên nghĩ "phản" là chống lại. Phản biện không có nghĩa chỉ có phản đối mà phải hiểu có đồng tình, có phản đối, có chấp nhận, có bổ sung. Phản biện trên tinh thần xây dựng, chứ không phải phản biện là chống lại tất cả. Đồng ý với những vấn đề đúng với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, phản đối là không đồng tình với những chủ trương đi ngược lại lợi ích của nhân dân, chấp nhận những điều tương đối tốt và bổ sung lại những điều chưa tốt. Chính những điều này thể hiện tinh thần xây dựng của phản biện. Sở dĩ có vấn đề này là vì dân chủ đang trở thành xu thế lớn trên thế giới, vai trò của quần chúng nhân dân cũng ngày càng được chú trọng hơn. Dân chủ là một động lực phát triển của xã hội, là một xu thế, đặc biệt cần thiết khi chúng ta tiến hành hội nhập với quốc tế. Khi chúng ta bước vào hội nhập thì chúng ta phải thể hiện tinh thần dân chủ của nhân dân một cách toàn diện, và có làm được như thế thì trong quá trình hội nhập chúng ta mới không bị ảnh hưởng của những thế lực có ý đồ xấu.

Để thực hiện yêu cầu phản biện thì Mặt trận nên làm thế nào? Theo tôi Mặt trận phải thay đôỉ cách làm việc để thực hiện việc phản biện một cách tốt hơn. Bởi vì trong tất cả những nhiệm vụ của Mặt trận mà tôi vừa nêu ở trên thì vấn đề giám sát có thể ở cơ sở làm là chính, nhưng phản biện và góp ý kiến thì phải ở cấp trung ương. Cấp trung ương mới có thể góp ý kiến với Bộ Chính trị để thay đổi, sửa đổi bổ sung đường lối, chính sách. Còn những chính sách đó được thực hiện ở địa phương thì sẽ do Mặt trận địa phương, cơ sở góp ý kiến trong quá trình giám sát. Để cụ thể hoá vấn đề này phải có sự phân công, những đường lối chủ trương lớn thì phải do cấp trung ương quyết định, cấp tỉnh và huyện chủ yếu phản biện về những chủ trương, chính sách thực hiện ở cơ sở. Phải qua quá trình giám sát ở địa phương mới thể hiện được chủ trương, chính sách đó đúng hay sai, chấp nhận hay không chấp nhận.

Trong điều kiện thông tin như hiện nay, muốn có những ý kiến phản biện đúng, chính xác phải có hệ thống thông tin tốt, nhanh nhạy, nhưng đồng thời cũng phải có hệ thống phân tích thông tin trên cơ sở khoa học để thấy thông tin nào thực sự đúng của đa số, cái nào là không phải, chỉ là của thiểu số. Đòi hỏi cấp bách của Mặt trận hiện nay là phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin, trên cơ sở đó để Mặt trận dựa vào đấy đưa ra những ý kiến của mình. Thứ hai là đội ngũ cán bộ phải có trình độ chuyên môn. Khi đặt ra vấn đề phản biện thì các Hội đồng tư vấn của Mặt trận sẽ có nhiệm vụ nặng nề hơn, từng lĩnh vực phải được đòi hỏi chuyên sâu hơn để có thể nghiên cứu dư luận quần chúng, nguyện vọng quần chúng. Dựa trên cơ sở đó Mặt trận mới có thể đưa ra những đề xuất với trung ương một cách chính xác, đầy đủ. Mặt khác, chúng ta phải xây dựng một cơ chế kèm theo trong quá trình thực hiện việc phản biện, chẳng hạn như cơ chế giữa Mặt trận và Ban Bí thư, Quốc hội, và Thường trực Chính phủ để sau khi Mặt trận có ý kiến phản biện thì các cơ quan trung ương liên quan phải có tiếp thu, có phản hồi.

Phản biện và lắng nghe phản biện

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục có nhiều chỉ đạo về việc lấy ý kiến đóng góp trước khi đưa ra những quyết sách, qui định quan trọng. Điều đó thể hiện một thái độ luôn muốn lắng nghe các ý kiến khác nhau, các phản biện nhiều chiều trước khi quyết định.

Gần đây nhất là việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công nghiệp lấy ý kiến các bộ, ngành về việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện sau khi Tập đoàn Điện lực VN có tờ trình xin Thủ tướng phê duyệt thành lập công ty này.

Trước đó, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải phối hợp với Văn phòng Chính phủ đưa các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật của Chính phủ lên website Chính phủ để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức và cá nhân trước khi gửi dự thảo đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Và còn nhiều chỉ đạo tương tự của Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng dự thảo nghị định qui định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước; yêu cầu các bộ ngành lấy ý kiến của doanh nghiệp và nhân dân trong quan hệ giải quyết các thủ tục hành chính...

Không chỉ có Thủ tướng Chính phủ. Gần đây lãnh đạo TP.HCM cũng thể hiện sự lắng nghe phản biện của mình qua việc kiến nghị Chính phủ cho ngưng thực hiện đề án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân, sau khi nghe nhiều ý kiến khác nhau.

Các hoạt động phản biện xã hội cũng diễn ra khá sôi động, từ hoạt động của các tổ chức, hội đoàn, cơ quan ngôn luận, đến các ý kiến, hiến kế của các cá nhân. Mà gần đây được xem là sôi động nhất là các cuộc tổ chức lấy ý kiến phản biện cho đề án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân của UBMTTQ TP.HCM. Trong chừng mực nào đó, các hoạt động phản biện này được xem là có hiệu quả, giúp các cấp lãnh đạo, những người có trách nhiệm có thêm thông tin nhiều chiều để có thể hành xử một cách tự do nhất, đúng đắn nhất.

Một xã hội luôn có nhiều ý kiến phản biện là một xã hội tích cực. Càng tích cực hơn khi những phản biện đó được lắng nghe một cách đầy đủ, thấu đáo, được cân nhắc nhiều chiều để tiếp thu điều gì ích nước, lợi nhà, hợp lòng người nhất.

Hạnh phúc thay khi trong một xã hội, một đất nước mà mọi công dân đều muốn tham gia phản biện và mọi phản biện đều được lắng nghe với thái độ chân thành, cầu thị. Càng hạnh phúc hơn nếu những người có trách nhiệm luôn sẵn lòng tiếp thu và thay đổi trước những phản biện đúng đắn.

Theo Web Tuổi trẻ - AT
Hãy nhìn xung quanh, ta sẽ thấy đâu cũng có sự phản biện. Một cánh đồng lúa xanh êm đềm chứng minh có một vẻ đẹp khác ngoài vẻ đẹp của núi non hùng vĩ. Người chơi bonsai bậc thượng thừa giật mình trước một thế cây tự nhiên trong mé núi không ai để ý.
Hãy quan sát cuộc sống tập thể: mỗi ngày làm việc, mỗi cuộc họp, thậm chí chỉ hai người tán gẫu với nhau là muôn lần cọ xát các ý kiến khác nhau, góc nhìn khác nhau. Bằng cách đó tập thể chọn lựa phương án tối ưu cho từng công việc lớn nhỏ. Hãy nhìn vào bản thân mình. Từ sáng đến chiều mỗi người luôn tự phản biện để rà soát, sửa đổi hình dung, suy nghĩ, quan niệm, phương pháp trước đó của bản thân, để rồi hoàn chỉnh cách nghĩ, cách làm cũ hoặc thay bằng cách mới.

Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện, sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.

Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội. Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai "trái ý". Người ta vẫn hay ca ngợi "Người hay cãi" nói chung, và vẫn ác cảm với "Người hay cãi" cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình. Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó "bất ổn", ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác, mặc dù nó có thể bao gồm phản bác trong những trường hợp đặc biệt, nhưng điểm quan trọng nhất: Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại... rất tự nhiên, rất khó tránh.

Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng "Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết". Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường.

Cách diễn đạt, khái niệm có thể khác, nhưng tinh thần và cội rễ của vấn đề đâu có khác với những yêu cầu Bác Hồ đã đòi hỏi rất sớm, khi chính quyền công nông của ta chỉ 1 - 2 tuổi đời - đó là phê bình, tự phê bình, tự chỉ trích để tiến bộ. Còn trước đó, Lênin đã kêu gọi công nhân dùng tổ chức công đoàn để đấu tranh với chính Nhà nước xô viết của mình, nhằm giữ cho nhà nước ấy khỏi mắc căn bệnh quan liêu. Vậy mà giờ đây còn có sự rụt rè khi đề cập đến phản biện xã hội, còn có sự né tránh với khái niệm xã hội dân sự (thiếu cái thứ hai này phản biện xã hội sẽ rất nghèo nàn), thì thật không nên.

Đã biết bao lần do có sự “rò rỉ" nào đó mà báo giới biết có một dự thảo chính sách, trong đó có những điều bất hợp lý, đang ở giai đoạn sắp thông qua. Dự thảo đó được mổ xẻ trên công luận. Cuối cùng, rất may là ở dạng ban đầu nó... không được thông qua nữa. Cũng có nhiều ví dụ khác, khi có những quyết định được đưa ra một cách rất bất ngờ (do quá trình chuẩn bị được giữ kín, không rò rỉ). Tiếc thay sự trôi chảy về hành chính lại không đem lại sự suôn sẻ lúc thực hiện. Bao nhiêu bất hợp lý nảy sinh, cuối cùng quyết định dẫu có hiệu lực hành chính vẫn chết yểu.

Rõ ràng, đã đến lúc phản biện xã hội phải thành nguyên tắc trong quá trình chuẩn bị và thông qua các quyết định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi của đông đảo mọi người. Người xưa nói “Một người lo bằng kho người làm”, ý nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của người nắm quyền quản lý, lãnh đạo. Nhưng người xưa cũng nói “Ba ông thợ bằng một ông Gia Cát”, để khẳng định việc nghĩ, việc lo không phải đặc quyền của một số ít người.

8/2006 - Trần Đăng Tuấn (Báo Thanh niên)
Phản biện xã hội

Lần đầu tiên cụm từ [B]”.

Phản biện, trong ý nghĩa phổ thông, là những ý kiến ngược lại, ý kiến khác để mong chọn được một đáp số đúng hơn. Nội hàm của phản biện là tri thức, trí tuệ nhằm đi đến cái đúng.

Phản biện rất quan trọng trong quá trình giúp xã hội phát triển đi lên. Xã hội không có phản biện thì dẫn đến một xã hội… đóng băng, xã hội… khô cứng. Có phản biện mới tạo ra một xã hội sống động, xã hội phát triển đi lên nhờ kịp thời giải quyết được các mâu thuẫn trong xã hội luôn bất ngờ xảy ra.

Có thể nói, từ Đại hội VI tinh thần phản biện trong Đảng đã được phát huy. Nhưng nhìn chung toàn xã hội, thì tinh thần đó mới được phát huy trong nội bộ Đảng mà đặc biệt ở tầng vĩ mô. Nếu phản biện được mở rộng ra toàn xã hội, thông qua các tổ chức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng là những đại diện của mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn sẽ giúp đất nước phát triển mọi mặt hơn nữa đồng thời góp phần làm sáng tỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như thế nào.

Với chủ trương “… Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội …”, Đảng đã mở rộng hết biên độ của phản biện. Việc còn lại là Nhà nước có quy chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội.

Thực hiện thành công phản biện xã hội là góp phần thực hiện việc xây dựng nền dân chủ XHCN ngày càng dân chủ hơn và minh bạch hơn.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code