Thursday, August 15, 2013

Đào tạo luật và nghề luật ở CHLB Đức In E-mail

Người cập nhật: Mai-admin   
Việc đào tạo luật của Cộng hoà liên bang Đức có nhiều nét tương đồng với các nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Tuy nhiên, quy trình đào tạo nghề luật lại mang những nét đặc trưng, cụ thể là, ở Đức không tồn tại mô hình đạo tạo riêng cho từng nghề luật như nghề thẩm phán, nghề luật sư... mà chỉ có một quy trình đào tạo chung cho mọi nghề luật. Bài viết dưới đây, tác giả giới thiệu một cách khái quát hai quy trình đào tạo này để bạn tham khảo. 1.      Khái quát về lịch sử đào tạo luật ở CHLB Đức

   Cộng hoà Liên bang Đức là nước có hệ thống pháp luật mang nhiều đặc trưng của truyền thống pháp luật châu Âu lục địa, bởi ngay thế kỷ XI, khi ở châu Âu bắt đầu xuất hiện xu hướng giảng dạy pháp luật trong các trường đại học tổng hợp, trong đó, trường đại học tổng hợp Bologna của nước ý được biết đến như là một trung tâm đầu tiên giảng dạy luật La Mã và là nơi quy tụ các giảng viên và học viên ở khắp châu Âu, nhiều sinh viên trẻ của Đức, những người có tham vọng trở thành luật gia giỏi cũng đã tới Bologna để học. Thừa hưởng kiến thức pháp luật cũng như những phương pháp áp dụng trong giảng dạy, những luật gia được đào tạo ở Bologna đã đặt nền móng cho truyền thống đào tạo pháp luật ở Đức sau này.

Từ thế kỷ XIV, các trường đại học tổng hợp đầu tiên của Đức, trong đó có khoa luật đã được thành lập. Đến nay, các khoa luật này vẫn là những cơ sở đào tạo pháp luật chính thức của Đức. Đây cũng là đặc điểm chung trong truyền thống về đào tạo pháp luật của nhiều nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như: Pháp, Bỉ, Hà Lan... Nhưng, ở Đức có điểm đặc trưng là, chế độ đào tạo luật và nghề luật là một quy trình toàn diện, thống nhất trên phạm vi toàn liên bang (bao gồm 16 bang). Theo đó, quy trình đào tạo này kéo dài khoảng năm năm rưỡi đến sáu năm. Toàn bộ thời gian đào tạo được chia làm hai giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất: đào tạo pháp luật ít nhất là ba năm rưỡi tại trường đại học.

- Giai đoạn thứ hai: đào tạo thực hành nghề luật kéo dài ít nhất là hai năm.

2. Các giai đoạn đào tạo luật và nghề luật ở Đức

 Giai đoạn đào tạo luật

   Đây là giai đoạn thứ nhất trong quy trình đào tạo luật tại Đức. Bất kỳ ai, nếu muốn trở thành luật sư, công chứng viên, thẩm phán, công tố viên... đều phải thi tuyển hoặc được xét tuyển vào học tại các trường Đại học luật  hoặc khoa luật tại các trường đại học tổng hợp (hiện nay, trên toàn nước Đức có khoảng 50 khoa luật  trực thuộc các trường đại học nằm rải rác trong phạm vi 16 bang).

   Theo quy định, các trường luật, các khoa luật thuộc các trường đại học tổng hợp chỉ phải tuân thủ khung chung về đào tạo pháp luật do luật liên bang quy định. Trên cơ sở đó, mỗi bang có thể quy định các chương trình đào tạo chi tiết khác nhau dựa trên thế mạnh trong nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học của bang mình.
 Các môn học

Trong giai đoạn thứ nhất, các sinh viên luật sẽ phải học trong một khoảng thời gian ít nhất là ba năm rưỡi với các môn học mang tính cơ sở về khoa học luật như: lịch sử các học thuyết pháp luật, lịch sử pháp luật, triết học, xã hội học pháp luật và các môn luật mang tính chất bắt buộc như: luật hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính, luật tố tụng dân sự...

Bên cạnh các môn học mang tính bắt buộc thì sinh viên luật ở Đức cũng có các môn học tự chọn, đó có thể là môn luật về thuế, luật về cộng đồng châu Âu, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ... Việc thiết kế các môn học bắt buộc và tự chọn tùy thuộc vào chương trình của mỗi trường. Ví dụ như, theo chương trình đào tạo của trường North – Rhine Westphalia, các môn học tự chọn là luật thuế, luật kinh doanh, luật quốc tế...

Phương pháp đào tạo

     Đối với phương pháp đào tạo luật ở Đức thì hiện nay đang xuất hiện hai quan điểm khác nhau, đó là: quan điểm cải cách và quan điểm bảo thủ. Nhóm quan điểm cải cách cho rằng, nước Đức cũng như nhiều nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa cần phải tiếp nhận phương pháp thực tiễn trong đào tạo luật của các nước Anh – Mỹ. Nghĩa là, cần giảm bớt tính hàn lâm và phải đưa các vụ việc thực tiễn vào giảng dạy các môn luật. Nhóm quan điểm bảo thủ lại cho rằng, chế độ đào tạo pháp luật của nước Đức theo truyền thống vẫn rất hiệu quả. Bởi việc đào tạo pháp luật trong giai đoạn thứ nhất gắn với việc đào tạo kiến thức pháp luật cơ bản, tổng hợp, với mục đích cung cấp các kiến thức toàn diện cho sinh viên. Còn các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành mang tính chất nghề luật là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hai. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, nhiều khoa luật trên lãnh thổ của Đức đã chú trọng đến việc cân đối giữa hàm lượng lý thuyết và thực tiễn pháp luật trong cơ cấu các môn học. Điều này được minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều luật sư và thẩm phán có uy tín được các khoa luật mời đến giảng bài cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong hệ thống câu hỏi của các kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn thứ nhất, tỷ lệ các câu hỏi về thực tiễn pháp luật ngày càng tăng.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và đánh giá kết quả học tập

Nếu nhìn vào quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và việc đánh giá kết quả học tập qua các kỳ thi, đặc biệt là thi tốt nghiệp cho giai đoạn thứ nhất thì có thể khẳng định rằng, việc đào tạo pháp luật ở Đức có chất lượng rất cao. Pháp luật của Đức quy định: Bộ Tư pháp của mỗi bang có trách nhiệm giám sát, quản lý, đánh giá kỳ thi này, thậm chí cả việc ra câu hỏi thi. Các câu hỏi thi thường dài và phức tạp, chẳng hạn như, kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn thứ nhất ở bang Bavarian có tới tám câu hỏi, sinh viên phải hoàn thành bài thi trong thời gian năm tiếng. Đây thực sự là một áp lực đối với bất cứ sinh viên luật nào. Theo tài liệu thống kê được công bố năm 2003, thì chỉ có khoảng 65% sinh viên đạt yêu cầu, còn 35% sinh viên phải thi lại trong các lần thi tiếp theo. Ngoài hình thức thi viết, các trường còn có thể cho sinh viên thi tốt nghiệp bằng hình thức vấn đáp. Theo đó, sinh viên sẽ phải trả lời câu hỏi trước một hội đồng bao gồm: hai giáo sư, hai thẩm phán, một luật sư hoặc một chuyên viên pháp luật. Thời gian thi vấn đáp có thể kéo dài tới bốn tiếng cho một nhóm khoảng năm sinh viên. Nếu  sinh viên bị trượt trong lần thi lại thì coi như họ đã bỏ phí mấy  năm học tại  trường. Những sinh viên đã vượt qua kỳ thi này thì được quyền học tiếp giai đoạn thứ hai.

Một vấn đề không thể không nhắc đến trong thực tế học tập và thi cử của sinh viên luật ở Đức là sự hiện diện của các “ Repetiter” có thể tạm dịch là “thầy dạy kèm” (xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII và XIV trong việc dạy và học luật ở trường đại học tổng hợp Bologna, sau đó lan rộng ra khắp châu Âu và tồn tại cho đến nay). “Thầy dạy kèm” tuy không phải là các giáo sư dạy luật của các trường đại học, nhưng họ có trình độ, kiến thức pháp luật uyên thâm, giúp các sinh viên cách học và tích lũy kiến thức để vượt qua các kỳ thi. “Thầy dạy kèm” tận tụy với việc truyền đạt những kiến thức mà các giáo sư trong trường chưa làm cho sinh viên thỏa mãn. Giả sử như, khi giảng bài trong một lớp học có khoảng 100 sinh viên, giáo sư khó có thể trả lời được tất cả những thắc mắc của từng sinh viên và cách tốt nhất đối với các sinh viên luật trong trường hợp này là đến với các “thầy dạy kèm”. Theo thống kê, có tới 95 % sinh viên luật ở Đức đã từng đến với “thầy dạy kèm”. Các “thầy dạy kèm” sống bằng những khoản phí do sinh viên trả, họ có thể hoạt động đơn lẻ hoặc hoạt động trong một hiệp hội, một công ty. Pháp luật của Đức coi hoạt động dạy kèm là hợp pháp.

Giai đoạn đào tạo nghề luật

Sau khi đã vượt qua kỳ thi của giai đoạn thứ nhất, các sinh viên luật sẽ được tiếp tục theo học giai đoạn thứ hai - giai đoạn đạo tạo nghề luật, nghĩa là, đào tạo các kiến thức pháp luật thực hành. Việc đạo tạo nghề luật của giai đoạn thứ hai kéo dài hai năm và cũng được kết thúc bằng một kỳ thi. Nếu không vượt qua kỳ thi này thì sinh viên luật sẽ không nhận được học vị cử nhân, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, họ không thể bước vào con đường nghề nghiệp như: nghề luật sư, thẩm phán, hay nghề công tố viên...

Đào tạo nghề luật ở Đức có điểm giống với nhiều nước trong hệ thống pháp luật châu Âu ở chỗ, đây là giai đoạn đào tạo kiến thức về các nghề luật như: nghề luật sư, nghề thẩm phán, nghề công tố ... Nhưng khác biệt là: (1) Đây là một phần không thể thiếu trong đào tạo luật ở bậc đại học. (2) ở Đức không tồn tại mô hình đào tạo nghề thẩm phán như ở Pháp (sinh viên luật ở Pháp, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có tham vọng trở thành thẩm phán thì phải tiếp tục thi và theo học trong trường đạo tạo thẩm phán), mà pháp luật của Đức quy định một quy trình chung cho đào tạo mọi nghề luật, nghĩa là, các sinh viên luật, sau khi tốt nghiệp đại học có đủ tư cách hoạt động ở mọi nghề luật. Trong thời gian hai năm gắn với thực hành, sinh viên luật ở Đức vẫn phải tham gia các giờ học mang tính chất lý thuyết. Thông thường, thầy giáo giảng trong các giờ học này là những thẩm phán hay các chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm. Những sinh viên luật dù đã định hướng nghề nghiệp như: nghề luật sư, thẩm phán... thì vẫn phải tham gia tập sự ở tòa án cấp quận hoặc tòa án cấp cao trong thời gian sáu tháng; ở cơ quan công tố ba tháng; ở hội đồng địa phương bốn tháng và bốn tháng tập sự cùng với một luật sư thực thụ. Như vậy, trong thời gian thực tập, sinh viên luật sẽ làm quen với các vụ việc thuộc nhiều lĩnh vực, từ dân sự, hình sự đến hành chính... Mức độ tiếp cận với thực tiễn nghề luật sẽ phụ thuộc vào số lượng công việc nơi thực tập và khả năng học tập của sinh viên. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ tập sự ở các cơ quan nói trên, trong thời gian bảy tháng còn lại, họ có thể tùy chọn tập sự lại ở một trong các vị trí nói trên, nhằm tăng thêm khả năng chuyên sâu nghề nghiệp. Trong bảy tháng này, những sinh viên có định hướng làm nghề thẩm phán thường sẽ chọn tòa án là nơi tăng cường thực tiễn. Còn những sinh viên có tham vọng theo nghề luật sư, thì địa chỉ mà họ thực tập là các công ty luật hoặc các đoàn luật sư. Giai đoạn thực hành nghề luật của sinh viên cũng được kết thúc bằng một kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này còn được coi là quan trọng và khó hơn kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn thứ nhất. Theo thống kê của bang Bavarian, có tới 15% trong tổ số sinh viên luật tại bang thi trượt trong kỳ thi này. Khi những sinh viên đã thi lại lần hai mà vẫn không qua, thì con đường bước vào nghề luật của họ coi như đã bị khép lại. Còn những sinh viên luật đã hoàn thành việc học tập trong cả hai giai đoạn và vượt qua cả hai kỳ thi nói trên sẽ được nhận bằng luật, và họ có đủ tư cách để tìm những vị trí làm việc thích hợp.

 Hiện nay ở Đức, các sinh viên luật sau khi tốt nghiệp có rất ít cơ hội được tuyển vào làm thẩm phán, do công việc này ít có nhu cầu bổ sung. Bên cạnh đó, biên chế trong các cơ quan công tố và cơ quan hành chính nhà nước cũng luôn có giới hạn. Tình trạng này làm cho số người chọn nghề luật sư để kiếm sống ngày càng tăng. Theo con số thống kê năm 2001, toàn liên bang Đức có khoảng 110.367 luật sư được công nhận tư cách trong các đoàn luật sư. Đến tháng 1/2003, số luật sư được công nhận tư cách trong các đoàn luật sư đã lên tới 121.420 người, tăng khoảng 4,4% so với 12 tháng trước đó.  Nghề luật sư ở Đức cũng như ở nhiều nước trên thế giới, tính cạnh tranh ngày càng cao, do đó hình thành xu hướng ngày càng có nhiều luật sư hoạt động chuyên sâu trong một lĩnh vực pháp luật như: luật hôn nhân gia đình, luật thuế, luật hình sự, luật hành chính, luật sở hữu trí tuệ...

Như vậy, việc quy định hai bước trong quy trình đào tạo pháp luật ở Đức vừa có những điểm tương đồng với các nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, đồng thời, cũng có những đặc điểm riêng, thể hiện rõ nét ở việc đào tạo nghề luật trong giai đoạn thứ hai.

3. Đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ luật học

  Đào tạo sau đại học trong lĩnh vực pháp luật ở Đức cũng rất phát triển so với nhiều nước châu Âu, bởi nếu ai muốn khẳng định vị trí của mình nơi công tác hoặc có ước muốn trở thành giáo sư giảng dạy pháp luật trong các trường đại học, thì học tập và nghiên cứu sau đại học là con đường không thể bỏ qua.

- Đào tạo thạc sĩ: phần lớn các chương trình đào tạo cao học luật ở Đức bắt buộc học viên phải có trình độ cử nhân luật, phải tham gia học tập và nghiên cứu theo thiết kế chương trình của các trường đại học. Kết thúc khóa cao học luật, học viên sẽ phải bảo vệ luận văn, nếu luận văn đạt yêu cầu, họ sẽ được nhận học vị thạc sĩ luật học.

 - Đào tạo tiến sĩ: Cũng giống như nhiều nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, quy trình đào tạo tiến sĩ luật học ở Đức phản ánh tính chất hàn lâm. Theo thống kê, có khoảng 1/10 các luật gia ở Đức làm luận án tiến sĩ và để nhận được học vị tiến sĩ đòi hỏi các nghiên cứu sinh phải học tập trung tại các cơ sở đào tạo từ một đến hai năm, khi bảo vệ thành công luận án, họ sẽ được nhận tấm bằng: Dr.jur.(viết tắt của từ tiến sĩ luật trong tiếng Đức).

Học vị tiến sĩ luật không phải là đòi hỏi chính thức với bất kỳ nghề luật nào, nhưng nó tạo ra một vị trí xã hội đáng kể và rất hữu ích với cả những người không mong muốn trở thành giáo sư dạy luật trong trường đại học. Trong các công ty tư nhân, nếu một luật sư có học vị tiến sĩ thì anh ta sẽ có cơ hội được đề bạt ở những vị trí cao nhất.

 Tuy nhiên, sự đào tạo bài bản và rất nghiêm túc trong quy trình kiểm tra, đánh giá thực sự là một thử thách rất lớn cho những ai muốn đạt được học vị tiến sĩ luật ở Đức, bởi một luận án tiến sĩ thường đòi hỏi phải có độ dày từ 200 đến 400 trang và phải đảm bảo tính khoa học rất cao, phải kết hợp được cả giá trị lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, với những tiến sĩ luật học có nguyện vọng trở thành giáo sư, thì họ nhất thiết phải in luận án của mình thành sách sau khi đã bảo vệ thành công.
Cập nhật ( 19/05/2008 )
 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code