Monday, August 12, 2013

CÁC HÌNH THỨC PHÁT TRIỂN CỦA HIẾN PHÁP - KINH NGHIỆM CỦA ĐỨC VÀ VIỆT NAM

TS. Lương Minh Tuân,
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,
truy cập tại đây
1. Sự cần thiết phát triển Hiến pháp     
Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất và là nền tảng của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền dân chủ1. Vì vậy, Hiến pháp cần có sự ổn định lâu dài để bảo đảm cho sự ổn định của hệ thống pháp luật và góp phần bảo đảm, duy trì sự tin cậy của người dân vào Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, Hiến pháp cũng cần có sự phát triển, vì Hiến pháp ra đời trong một bối cảnh lịch sử nhất định và chịu ảnh hưởng lớn của bối cảnh lịch sử lúc đó; thực tiễn kinh tế - xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp thường thay đổi trong tiến trình phát triển của lịch sử và nó không thể không ảnh hưởng đến nội dung của Hiến pháp (mỗi bản Hiến pháp là “Hiến pháp trong thời gian”)2. Nếu nội dung của Hiến pháp bị “hóa đá” thì Hiến pháp sớm hoặc muộn sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ của mình3. Tương tự, Hiến pháp có thể sẽ đánh mất đi vai trò của mình, nếu Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế đã thay đổi theo cách các quy phạm hiến pháp không còn là chuẩn mực cho các quan hệ kinh tế - xã hội mà các quan hệ kinh tế - xã hội trở thành chuẩn mực cho các quy phạm hiến pháp.
Nhìn từ góc độ “Hiến pháp trong thời gian” thì Hiến pháp chỉ có thể thực hiện được các nhiệm vụ của mình ở nơi mà hiệu lực của Hiến pháp được bảo đảm cả trong trường hợp các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp đã có sự thay đổi, nghĩa là phải bảo đảm tính liên tục của những gì thuộc về bản sắc của Hiến pháp (Identität der Verfassung) cần được bảo tồn trong tiến trình phát triển của lịch sử. Ở đây, không được hiểu toàn bộ Hiến pháp cũng như từng điều khoản của Hiến pháp là các từ ngữ chết, những con số thống kê cứng nhắc. Tính liên tục của Hiến pháp trở thành vấn đề của sự thay đổi, phát triển. Sự phát triển của Hiến pháp trong khuôn khổ bảo đảm bản sắc của Hiến pháp diễn ra theo hai con đường: 1) Sửa đổi Hiến pháp và 2) Giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp (làm thay đổi nội dung của quy phạm hiến pháp mà không làm thay đổi lời văn của Hiến pháp). 
2. Phát triển Hiến pháp bằng con đường sửa đổi Hiến pháp
Hình thức phát triển Hiến pháp bằng con đường sửa đổi Hiến pháp là hình thức được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Cộng hòa liên bang Đức (CHLB Đức) và Việt Nam4. Hình thức phát triển này thường có ưu điểm là tạo ra sự rõ ràng về mặt pháp lý, sự minh bạch cho các quy phạm Hiến pháp đã được sửa đổi, bổ sung nhưng có hạn chế là phải tuân thủ một quy trình sửa đổi Hiến pháp được quy định với các điều kiện chặt chẽ và cần nhiều thời gian cũng như các nguồn lực cần thiết.
Việc sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam và CHLB Đức năm 1949 có những điểm tương đồng và những nét riêng phù hợp với truyền thống lịch sử và đặc thù riêng của mỗi nước. Trước hết, có một số điểm tương đồng cơ bản như:
Một là, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam và CHLB Đức cho thấy, không phải mỗi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đều cần phải có một quyết định của nhân dân là chủ thể có quyền lập hiến (pourvoir constituant – die verfassunggebende Gewalt).
Hai là, nhân dân có thể quy định ngay trong Hiến pháp một cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Hiến pháp. Cơ quan này đồng thời là Quốc hội lập pháp (Verfassungsgesetzgeber).
Ba là, Hiến pháp CHLB Đức và Hiến pháp Việt Nam đều quy định việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành5 (đối với việc sửa đổi, bổ sung luật thì chỉ cần quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành).
Bốn là, Hiến pháp CHLB Đức và Hiến pháp Việt Nam hiện hành đều không đòi hỏi văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi Hiến pháp sau khi đã được Quốc hội thông qua phải được đưa ra toàn dân phúc quyết6.
Bên cạnh những điểm tương đồng thì CHLB Đức và Việt Nam cũng có một số nét riêng trong việc sửa đổi Hiến pháp, cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại câu 1, khoản 1, Điều 79 của Hiến pháp CHLB Đức thì Hiến pháp CHLB Đức (Đạo luật cơ bản) chỉ có thể bị sửa đổi bởi một đạo luật do Nghị viện liên bang ban hành và đạo luật này phải sửa đổi hoặc bổ sung quy định cụ thể của Hiến pháp CHLB Đức. Quy định này không cho phép Quốc hội ban hành một đạo luật sửa đổi Hiến pháp với hai phần ba tổng số đại biểu biểu quyết tán thành mà không làm thay đổi lời văn của Hiến pháp CHLB Đức. Đồng thời, cũng cần lưu ý là do VBQPPL sửa đổi Hiến pháp CHLB Đức là một đạo luật do Nghị viện liên bang ban hành, nên việc xây dựng, ban hành đạo luật này về cơ bản cũng phải tuân thủ các quy định chung về quy trình lập pháp của CHLB Đức. 
Trên thực tế, từ năm 1949 đến nay đã có trên 50 đạo luật sửa đổi Hiến pháp CHLB Đức7 được ban hành để Hiến pháp thích ứng với sự thay đổi của tình hình chính trị trong và ngoài nước cũng như các mục tiêu chính trị đề ra. Các đạo luật này không làm thay đổi nội dung cốt lõi của Hiến pháp CHLB Đức.
Khác với Hiến pháp CHLB Đức, Hiến pháp Việt Nam không quy định về hình thức VBQPPL sửa đổi Hiến pháp và cũng không quy định bắt buộc VBQPPL sửa đổi Hiến pháp phải sửa đổi hoặc bổ sung quy định (điều khoản) cụ thể của Hiến pháp. Do Hiến pháp không quy định cụ thể về vấn đề này, nên có thể hiểu Quốc hội Việt Nam vừa là cơ quan lập hiến vừa là cơ quan lập pháp có toàn quyền quyết định về hình thức VBQPPL sửa đổi Hiến pháp, về việc lựa chọn cách thức sửa đổi Hiến pháp có làm thay đổi lời văn hoặc không làm thay đổi lời văn của Hiến pháp. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng có toàn quyền trong việc quyết định về quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp.
Trên thực tế, Quốc hội Việt Nam thường ban hành VBQPPL dưới hình thức nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể của Hiến pháp. Trong những năm từ năm 1986 đến năm 1992, Quốc hội Việt Nam đã ban hành một số đạo luật8 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng pháp luật phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Các đạo luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời và phát triển của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam và có những đóng góp nhất định cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ pháp lý, các đạo luật này với trên hai phần ba tổng số đại biểu biểu quyết tán thành đã có “những bước tiến vượt ra ngoài” khuôn khổ của Hiến pháp năm 19809.
Ngoài ra, ngày 15/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường có hiệu lực từ ngày 01/4/2009. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp hiện hành thì Hội đồng nhân dân có ở các cấp hành chính. Nhìn từ góc độ pháp lý, Nghị quyết này với trên hai phần ba tổng số đại biểu biểu quyết tán thành cũng đã có “những bước tiến vượt ra ngoài” khuôn khổ của Hiến pháp Việt Nam hiện hành.
Trong các trường hợp nêu trên, Quốc hội thông thường lẽ ra nên tiến hành sửa đổi Hiến pháp Việt Nam trước khi ban hành các luật, nghị quyết này nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng của Hiến pháp.
Thứ hai, do CHLB Đức là một Nhà nước liên bang nên việc sửa đổi Hiến pháp còn đòi hỏi phải được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng liên bang biểu quyết tán thành. Quy định này tạo điều kiện cho các bang tham gia vào hoạt động sửa đổi Hiến pháp CHLB Đức.
Trong khi đó, Việt Nam là một Nhà nước đơn nhất nên Hiến pháp không quy định về vấn đề này. Việc hình thành các Đoàn đại biểu Quốc hội từ các đại biểu Quốc hội trong tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam cũng có ý nghĩa nhất định trong việc quan tâm bảo vệ lợi ích của địa phương khi Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo VBQPPL về sửa đổi Hiến pháp cũng như các dự thảo VBQPPL khác.
Thứ ba, Khoản 3, Điều 79 của Hiến pháp CHLB Đức không cho phép cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Hiến pháp CHLB Đức sửa đổi một số nội dung cơ bản của Hiến pháp CHLB Đức10 nhằm bảo vệ Nhà nước tự do, dân chủ, đa nguyên Đức và chống lại tất cả các xu hướng hình thành chế độ độc tài; ngăn chặn một cuộc cách mạng (hợp pháp) trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền bằng con đường sửa đổi Hiến pháp CHLB Đức. Các nội dung cơ bản này của Hiến pháp CHLB Đức bao gồm: các yếu tố cơ bản của Nhà nước liên bang (Liên bang được chia thành các bang; sự tham gia của các bang vào hoạt động lập pháp), các nguyên tắc được ghi nhận tại các khoản từ Khoản 1 đến Khoản 3, Điều 1 của Hiến pháp CHLB Đức (phẩm giá của con người, mức chuẩn tối thiểu về quyền con người, mức độ tối thiểu về các quyền cơ bản), các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước dân chủ (ví dụ như nguyên tắc đa số; sự thống trị có thời hạn; bầu cử tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín…), nguyên tắc Nhà nước pháp quyền (như: nguyên tắc phân chia quyền lực, hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp, nguyên tắc hiệu lực pháp lý cao hơn của luật, nguyên tắc luật điều chỉnh, nguyên tắc tương xứng v.v..), nguyên tắc Nhà nước xã hội (Nhà nước được phép và có nghĩa vụ chăm lo điều tiết xã hội và công bằng xã hội). Những nội dung này tạo nên bản sắc của Hiến pháp CHLB Đức và đồng thời là giới hạn đối với sự phát triển của Hiến pháp CHLB Đức bằng còn đường sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp Việt Nam không quy định về vấn đề này.
3. Phát triển Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp
Sự phát triển Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp từ lâu đã được thừa nhận rộng rãi ở Đức11. Những người ủng hộ hình thức phát triển này của Hiến pháp cho rằng, nhiều quy phạm hiến pháp (ví dụ: các quy phạm hiến pháp về các quyền cơ bản, về các mục tiêu nhà nước) là những quy phạm mở, có tính khái quát cao, có sự co giãn và vì vậy, có phạm vi giải thích rộng cho phép hiểu theo nghĩa này hoặc nghĩa khác một cách chính xác. Các quy phạm hiến pháp này đòi hỏi phải được giải thích, cụ thể hóa. Cơ sở tiếp theo cho sự phát triển hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp là có sự thay đổi của các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội. Ví dụ: sự thay đổi nhận thức về các giá trị và lẽ phải (công lý) hoặc trong lối sống, trong cách cư xử có thể gây ảnh hưởng làm thay đổi đến việc giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp. Thông qua con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp thì sự thay đổi ý nghĩa, nội dung của các quy phạm hiến pháp được ghi nhận trong các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (có thể là Tòa án Hiến pháp) nhằm bảo đảm cho Hiến pháp thích ứng được với sự thay đổi của đời sống thực tế thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy phạm hiến pháp mà không cần thiết phải tiến hành sửa đổi Hiến pháp theo quy trình đã định.
Mặc dù trong từng trường hợp cụ thể, việc xác định giới hạn cho sự phát triển của Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp không hoàn toàn đơn giản, nhưng trong mọi trường hợp thì việc giải thích, cụ thể hóa làm thay đổi ý nghĩa, nội dung của quy phạm hiến pháp so với trước đây là không được phép, nếu việc giải thích, cụ thể hóa đó rõ ràng mâu thuẫn với lời văn của Hiến pháp12. Đây chính là giới hạn cho sự phát triển của Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp.
Từ năm 1949 đến nay, Hiến pháp CHLB Đức không chỉ phát triển bằng con đường sửa đổi Hiến pháp mà còn bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp13. Việc cụ thể hóa các quy phạm hiến pháp trước hết là nhiệm vụ của cơ quan lập pháp liên bang (Nghị viện liên bang). Nghị viện liên bang ban hành các đạo luật để cụ thể hóa Hiến pháp CHLB Đức và Tòa án Hiến pháp liên bang có trách nhiệm kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật đó. Để thực hiện nhiệm vụ này của mình, Tòa án Hiến pháp liên bang phải giải thích, làm rõ ý nghĩa, nội dung của quy phạm hiến pháp liên quan trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, sự phát triển của Hiến pháp CHLB Đức bằng con đường này được thể hiện rõ nét trước hết trong các phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang. Ví dụ:
Ngay từ khi mới thành lập, trong phán quyết của mình14, Tòa án Hiến pháp liên bang nhìn nhận các quyền cơ bản là các quyền tự vệ của mỗi cá nhân được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp của Nhà nước vào các vùng tự do và sở hữu của cá nhân. Ý nghĩa và mục đích của các quyền cơ bản ở đây được hiểu trước hết là nhằm bảo vệ người dân trước sự lạm dụng quyền lực nhà nước.
Từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Tòa án Hiến pháp liên bang trong các phán quyết của mình đã khẳng định các quyền cơ bản không chỉ là các quyền tự vệ của người dân chống lại Nhà nước mà còn là các quy phạm thiết lập một hệ thống giá trị, các giá trị quyết định của Hiến pháp cho các lĩnh vực pháp luật. Hệ thống giá trị này có cội nguồn từ phẩm giá và tự do của mỗi cá nhân là thể nhân15. Cơ quan lập pháp, hành chính và tư pháp đón nhận ở đó đường hướng (Richtlinie) và động lực (Impulse)16. Trên cơ sở đó, Tòa án Hiến pháp liên bang thừa nhận sự tác động trực tiếp đến người thứ ba của các quyền cơ bản (Drittwirkung von Grundrechten). Như vậy, các quyền cơ bản đã trở thành công cụ để bảo vệ tự do không chỉ chống lại Nhà nước mà còn chống lại các quyền lực phi nhà nước. Sự tác động trực tiếp đến người thứ ba của các quyền cơ bản trước hết phục vụ việc phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực kinh tế hoặc quyền lực xã hội.
Từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, ở CHLB Đức đã xuất hiện bước ngoặt hướng đến Nhà nước xã hội. Điều đó đã ảnh hướng đến các phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang. Trong thời kỳ này, Nhà nước không còn được hiểu là Nhà nước pháp quyền tự do cổ điển nữa mà là Nhà nước phục vụ, Nhà nước xã hội. Theo quan điểm của Tòa án Hiến pháp liên bang thì các quyền cơ bản trước hết là để bảo vệ các vùng tự do của mỗi cá nhân chống lại sự can thiệp của Nhà nước và qua đó, bảo đảm cho mỗi cá nhân các điều kiện cần thiết để có thể tự do tham gia tích cực trong cộng đồng17. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho mỗi người dân có được nguồn lực tài chính tối thiểu cần thiết để có thể sống với tư cách là một con người có phẩm giá.
Ở Việt Nam, sự phát triển của Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp mà không làm thay đổi lời văn của Hiến pháp là rất khó xác định, vì các lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hình thức phát triển của Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của Nhà nước, xã hội và cũng chưa có cơ chế kiểm soát có hiệu quả hoạt động này.
Thứ hai, nhiều quy phạm hiến pháp chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về cách thức trình bày, thể hiện bảo đảm để nó có thể làm cơ sở cho hoạt động tài phán hiến pháp. Ví dụ như quy định “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”18, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”19… Với cách thức trình bày, thể hiện quy phạm hiến pháp như vậy thì khó có thể xác định được những nội dung nào của các quyền này được bảo vệ ở tầm Hiến pháp và những nội dung nào của các quyền này được các VBQPPL khác bảo vệ. Điều đáng lưu ý là nếu các quy phạm hiến pháp này không được cụ thể hóa bởi các cơ quan lập pháp thì người dân không thể thực hiện được các quyền của mình.
Thứ ba, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Tòa án Hiến pháp. Quốc hội được Hiến pháp khẳng định là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước20 và đồng thời là cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp21. Theo đó, Quốc hội vừa làm luật và vừa giám sát, quyết định về việc liệu một đạo luật do Quốc hội ban hành có phù hợp với Hiến pháp hay không (quyền tài phán hiến pháp). Việc Quốc hội đồng thời vừa đảm nhiệm chức năng lập pháp vừa đảm nhiệm chức năng tư pháp (hoạt động tài phán hiến pháp) là khó bảo đảm tính khách quan trong quyết định của mình.
Hơn nữa, Quốc hội lại gồm các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; số lượng đại biểu Quốc hội là các chuyên gia pháp luật không nhiều, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm; Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội như vậy không giống cơ cấu tổ chức của cơ quan tài phán (cơ quan xét xử gồm các thẩm phán chuyên nghiệp), không phù hợp với việc thực hiện các hoạt động tài phán này. Trong khi đó, khối lượng công việc lập pháp để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cũng như hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là rất nặng nề đối với Quốc hội Việt Nam. Trên thực tế, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật để cụ thể hóa Hiến pháp, nhưng chưa bao giờ Quốc hội xem xét, tuyên bố một đạo luật do chính Quốc hội ban hành là vi hiến.
Thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được Hiến pháp giao thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh22. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiếm khi23 sử dụng thẩm quyền này vì nhiều lý do khác nhau như: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội hiện đang đảm nhiệm một phần không nhỏ công việc lập pháp do Quốc hội giao (ban hành pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao); thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là các đại biểu Quốc hội; số lượng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chuyên gia pháp luật rất ít, không phải là các thẩm phán chuyên nghiệp; quy trình, thủ tục giải thích hiến pháp cho đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể.
Thứ năm, Quốc hội Việt Nam vừa là cơ quan lập hiến vừa là cơ quan lập pháp. Trong khi đó, Hiến pháp Việt Nam chỉ đưa ra điều kiện là việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, mà không đòi hỏi VBQPPL sửa đổi Hiến pháp phải sửa đổi hoặc bổ sung quy định cụ thể của Hiến pháp (làm thay đổi lời văn của Hiến pháp). Điều này cũng gây khó khăn cho việc xác định khi nào là hoạt động sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và khi nào là hoạt động cụ thể hóa Hiến pháp trong trường hợp Quốc hội không thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề này.
4. Kiến nghị
Qua trình bày, phân tích ở trên, chúng tôi có một số kiến nghị nhằm góp phần phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Việt Nam theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân như sau:
Hiến pháp nên quy định việc sửa đổi Hiến pháp phải bằng một đạo luật do Quốc hội ban hành thay vì dưới hình thức một nghị quyết của Quốc hội, vì Hiến pháp được xác định là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất;
Hiến pháp nên quy định VBQPPL sửa đổi Hiến pháp phải sửa đổi hoặc bổ sung quy định cụ thể của Hiến pháp nhằm góp phần bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của các quy phạm hiến pháp;
Các quy phạm hiến pháp phải được trình bày, thể hiện đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của Nhà nước pháp quyền dân chủ và qua đó, góp phần bảo đảm để có thể thực hiện tốt chức năng tài phán hiến pháp;
Hiến pháp không nên giao cho Quốc hội thực hiện các hoạt động tài phán hiến pháp, vì cơ cấu tổ chức của Quốc hội là cơ quan lập pháp không thích hợp với việc thực hiện chức năng tài phán hiến pháp;
Cần nghiên cứu thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách (có thể thành lập Toà án Hiến pháp)24 để thực hiện chức năng tài phán hiến pháp nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”25;
Hiến pháp cũng không nên quy định giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, vì cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội không thích hợp với việc thực hiện chức năng này;
Hiến pháp nên giao thẩm quyền giải thích Hiến pháp cho cơ quan bảo hiến chuyên trách là cơ quan thực hiện chức năng tài phán hiến pháp;
Cần nghiên cứu, tiến hành các giải pháp đồng bộ để thiết lập cơ chế kiểm soát có hiệu quả sự phát triển của Hiến pháp bằng con đường giải thích, cụ thể hóa Hiến pháp mà không làm thay đổi lời văn của Hiến pháp nhằm góp phần bảo đảm cho Hiến pháp tồn tại được lâu dài mà vẫn thích ứng được với sự thay đổi của đời sống xã hội.
 --------------------------
Chú thích
(1) Hiến pháp thường quy định những nội dung thiết yếu về tổ chức nhà nước, các cơ quan nhà nước, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước và những giới hạn đối với hoạt động của Nhà nước (Ví dụ như: các quyền con người, quyền công dân). Xem Konrad Hesse, Verfassung und Verfassungsrecht, in: Benda/Maihofer/Vogel (Hg), Handbuch des Verfassungsrechts, 2. Aufl., Berlin 1994, § 1, S. 4-7.
(2) Xem Konrad Hesse, tlđd, S. 11.
(3) Hiến pháp có hai nhiệm vụ cơ bản là: thiết lập, duy trì sự thống nhất về mặt chính trị cũng như tạo lập, duy trì trật tự pháp luật. Cả hai nhiệm vụ cơ bản này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các chức năng này có thể được chia thành ba chức năng: Chức năng hòa hợp, chức năng tổ chức và chức năng định hướng pháp luật. Xem Konrad Hesse, tlđd, S. 4-7.
(4) Các bản Hiến pháp Việt Nam (Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992) đều quy định “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp”.
(5) Theo Hiến pháp năm 1959, 1980 và Hiến pháp năm 1992) của Việt Nam, thì “Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
(6) Khác với các bản Hiến pháp sau này, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 tại Điều 70 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
       a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
       b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
       c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.
(7) Xem Zippelius/Würtenberger, Deutsches Staatsrecht,  32. Aufl., München 2008, S. 56-57.
(8) Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1988; Luật Công ty năm 1991; Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1991.
(9) Điều 18 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên”. Việc ban hành các đạo luật nêu trên đã đi ngược lại với tinh thần của quy định này của Hiến pháp năm 1980.
(10) Các nội dung cơ bản này của Hiến pháp CHLB Đức được giới khoa học Đức gọi là bản sắc của Hiến pháp CHLB Đức.
(11) Theo Jellinek, các nguyên tắc của Hiến pháp thông thường là không rõ ràng và có sự co giãn. Trước tiên là cơ quan lập pháp có trách nhiệm ban hành các đạo luật để cụ thể hóa hiến pháp và qua đó, làm rõ ý nghĩa, nội dung của các nguyên tắc này, hoàn toàn giống như việc các thẩm phán làm rõ nội dung của các đạo luật được họ áp dụng về mặt nhận thức. Khi ban hành từng đạo luật để cụ thể hóa hiến pháp thì cơ quan lập pháp cũng giống như tòa án ở khắp mọi nơi đều chịu tác động bởi sự thay đổi về quan điểm và nhu cầu của người dân. Cái mà một thời được coi là vi hiến thì lại được coi là hợp hiến ở thời kỳ tiếp sau đó và như vậy, Hiến pháp đã có sự thay đổi do có sự thay đổi trong việc giải thích, làm rõ (cụ thể hóa) nội dung của Hiến pháp (Georg Jellinek, Verfassungsänderung und Verfassungswandlung, Berlin 1906, S. 26 f.). Xem TS. Lương Minh Tuân, Wirtschaftsverfassungsrecht im Wandel, Frankfurt am Main – Bern – New York – Wien, 1999, S. 31; Zippelius/Würtenberger, Deutsches Staatsrecht,  32. Aufl., München 2008, S. 72-73.
(12) Xem Konrad Hesse, tlđd, S. 12.
(13) Xem Konrad Hesse, tlđd, S. 13-17.
(14) BverfGE 1, 97, 104; 5, 85; 6, 386; 7, 198, 204 f.; 21, 362, 369.
(15) BverfGE 21, 362, 369.
(16) BverfGE 7, 198, 204; 39, 1, 41.
(17) BverfGE 21, 362, 369.
(18) Điều 57 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
(19) Điều 69 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
(20) Xem Điều 83 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
(21) Khoản 2 Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
(22) Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
(23) Ví dụ như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích điểm c, khoản 2 Điều 241 của Luật Thương mại để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
(24) Xem bài viết “Hoạt động của Quốc hội với vấn đề bảo hiến ở Việt Nam”`của TS. Lương Minh Tuân, trong cuốn sách “Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 549; TS. Trương Đắc Linh, Bàn về tài phán hiến pháp và thẩm quyền của cơ quan tài phán hiến pháp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3 (40) năm 2007, tr. 3.
(25) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code