Thursday, August 15, 2013

Khắc phục tình trạng “xử sao cũng được"

Trong bài “Suy nghĩ từ câu nói “xử kiểu gì cũng được” (Thời báo Kinh tế Sài gòn số 32 ngày 1 tháng 8 năm 2002), một số suy luận đã được nêu ra về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các toà án ở ta nhiều lúc “xử kiểu gì cũng được”. Những nguyên nhân này nằm trong hệ thống pháp luật như: kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp luật hạn chế; nhiều quy định của pháp luật xung đột với nhau; những khoảng trống trong hệ thống pháp luật.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng nói trên? Có lẽ, trước tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đó là câu trả lời hợp lôgíc, nhưng chưa chắc đã hợp lòng người. Lý do là sự nghiệp hoàn thiện hệ thống pháp luật chắc còn kéo dài dài (Đặc biệt là khi chúng ta không hình dung được một cách mạch lạc là nên bắt đầu từ cái gì và phải kết thúc ra làm sao). Trong bài này, chúng tôi xin được trao đổi về khả năng chấm dứt tình trạng này sớm hơn thông qua việc bảo đảm sự độc lập tương đối của thẩm phán trong quá trình áp dụng pháp luật. Trước khi trình bày các lập luận tiếp theo, chúng tôi xin khẳng định rằng đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân dựa trên sự học và sự nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới. Những suy nghĩ nêu ra ở đây chủ yếu là để cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc.
1. Nguồn của pháp luật- gốc của vấn đề
Dưới đây là câu hỏi có vẻ ngây thơ, nhưng hết sức hệ trọng: Pháp luật lấy từ đâu ra? Trước hết, pháp luật được lấy ra từ các nguồn khác nhau. Hơn thế nữa, ở các nước khác nhau các nguồn này lại không hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên, ở nước ta nguồn duy nhất của pháp luật là các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành. Chúng ta không thừa nhận bất kỳ một nguồn nào khác. Cách tiếp cận này là một trong những điều mà chúng ta đã học được của nước ngoài, tuyệt nhiên không phải là di sản do cha ông để lại. Nó có ưu điểm là bảo đảm được cái sự “nói có sách, mách có chứng”. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến tình trạng thẩm phán không biết xử kiểu gì hoặc “xử kiểu gì cũng được” khi pháp luật thực định mắc phải những khiếm khuyết như tác giả bài báo đã nêu.
Chủ nghĩa thực chứng (positivism) trong pháp luật, có nghĩa là tuyệt đối hoá vai trò của các văn bản quy phạm pháp luật thành văn, đánh đồng “văn bản pháp luật” với “pháp luật” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nó dẫn đến cái nhìn hẹp hòi, cứng nhắc khi thực thi và áp dụng pháp luật. Hơn thế, xu thế chung của chủ nghĩa thực chứng là chỉ nhìn thấy ở pháp luật những gì có lợi cho Nhà nước, ít nhìn thấy cái lợi của công dân, do đó dễ dẫn đến sự độc tài.
Pháp luật, theo cách hiểu của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, không chỉ giới hạn trong văn bản mà bao gồm cả “những nguyên tắc chung mà nhà lập pháp không cụ thể hoá trong quy phạm thực định”, là thứ pháp luật đứng trên cả chủ nghĩa thực chứng, thậm chí ràng buộc quyền lực lập hiến và lập pháp. ở nhiều nước, thẩm phán trong những trường hợp cần thiết không do dự áp dụng những nguyên tắc về trật tự đạo lý không ghi trong luật. Luật ở các nước châu Âu lục địa còn trang bị cho các luật gia khái niệm công lý, chỉ dẫn họ đến các tập quán và thậm chí đến luật tự nhiên (Pháp điển dân sự áo, Điều 7), hoặc đặt sự áp dụng luật phụ thuộc vào các tiêu chuẩn về nếp sống tốt lành và trật tự công cộng. Thực tế, không một hệ thống pháp luật nào có thể thiếu những quy định như vậy, sự thiếu vắng của chúng có thể dẫn đến xung đột giữa pháp luật và công lý.
Bên cạnh đó, “lý trí”, một khái niệm phổ biến trong pháp luật Anh quốc, cũng là một nguồn mà các toà án nhờ cậy đến để lấp các chỗ trống trong hệ thống luật pháp. Vậy thế nào là lý trí? Đó là quyết định hợp lý về một tranh chấp, khi không có án lệ, không có quy phạm của pháp luật, không có cả tập quán bắt buộc. Đó trước hết là sự tìm kiếm một quyết định phù hợp nhất với luật pháp hiện hành, và bởi vậy bảo đảm xác đáng nhất cho trật tự và công lý, là cấu thành nền tảng của luật pháp. Các luật gia Anh khẳng định rằng: “lý trí – đó là sự sống của pháp luật, còn thông luật không là cái gì khác ngoài lý trí”.
“Mọi lý thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, bội phần phức tạp đòi hỏi pháp luật phải luôn được đổi mới. Tuy nhiên, do các điều kiện khách quan luôn luôn thay đổi, nhiều lúc pháp luật thành văn hiện hành khó có thể giải đáp hết được mọi câu hỏi mà cuộc sống đặt ra. Bởi vậy, một cách tiếp cận rộng mở hơn, linh hoạt hơn là rất cần thiết. Không nên xem xét luật pháp một cách bó hẹp và theo từng câu chữ, tách biệt với những phương pháp giải thích rộng mở thể hiện vai trò sáng tạo của thực tiễn toà án và học thuyết. Các đạo luật chỉ là điểm xuất phát chứ không phải là điểm cuối cùng.
Như vậy, pháp luật được tạo ra không phải chỉ bằng phương pháp tiên nghiệm và không chỉ nằm trong những quy phạm pháp luật thành văn. Sự khám phá pháp luật – đó là nhiệm vụ cần được giải quyết bởi mọi luật gia, mỗi người trong lĩnh vực của mình. Trong đó, họ cần theo một lý tưởng chung – nỗ lực đạt được trong mỗi vấn đề một giải pháp đáp ứng được công lý chung và được dựa trên sự dung hoà những quyền lợi công và tư khác nhau trong xã hội.
Do đó, chúng tôi chia sẻ cách hiểu “pháp luật” theo nghĩa rộng, nghĩa là không chỉ gói gọn trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan lập pháp và hành pháp ban hành. “Pháp luật” đầy đủ bao gồm cả những nguồn khác như: tập quán, thực tiễn toà án, học thuyết, lý trí, các nguyên tắc chung – tất cả đều hướng tới một đích là đạt được công lý.
Cách nhìn này giúp các thẩm phán thoát khỏi những quy định lỗi thời, định hướng cho họ khi có những quy định “đá nhau” và cung cấp những căn cứ cần thiết cho việc xét xử khi có khoảng trống trong hệ thống pháp luật hiện hành.
2. Sự độc lập của thẩm phán- yếu tố quan trọng của pháp quyền.
Vậy thì thẩm phán thể hiện sự độc lập đó như thế nào? ở phần lớn các nước, thẩm phán có quyền giải thích luật trong khi xét xử. ( ở nước ta, thẩm phán không có quyền này).
Trong các ấn phẩm pháp lý nước ngoài chúng tôi đọc được, không một tác giả nào giải thích tại sao thẩm phán lại có quyền giải thích luật. Biển học là mênh mông, những gì chúng tôi đã được đọc chỉ là muối bỏ bể, bởi vậy có thể ở đâu đó người ta có lý giải chuyện này. Tuy nhiên, theo tinh thần của chính những ấn phẩm đã đọc, có thể hiểu rằng, ở những nước đó người ta coi việc thẩm phán được giải thích luật là chuyện đương nhiên, không cần lý giải, lập luận. Tuy nhiên, nếu họ không lý giải, chúng tôi xin thử làm công việc đó và xin áp dụng vào hoàn cảnh của nước ta:
Hiến pháp 1992 nước ta quy định UBTV QH là cơ quan duy nhất có quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Quy định UBTV QH giải thích luật, pháp lệnh là đúng, vì cơ quan làm ra luật dĩ nhiên có quyền giải thích luật. ở các nước cũng vậy thôi, cơ quan lập pháp có quyền giải thích luật do chính mình ban hành.
Thế nhưng kinh nghiệm thực tế cũng là điều cần được cân nhắc. Pháp luật quy định UBTV QH là cơ quan duy nhất có quyền giải thích luật, pháp lệnh. Nhưng từ trước đến nay, chỉ duy nhất một lần UBTV QH thực hiện quyền hạn và cũng là nghĩa vụ này. Có thể nhu cầu của cuộc sống chỉ ở mức đó; cũng có thể luật pháp vẫn được giải thích theo một cách nào đó khi được áp dụng. Điều có thể tin được là không giải thích pháp luật, không thể áp dụng pháp luật để giải quyết một vụ việc cụ thể. Đây có thể là điều đáng mừng. Vì UBTV QH sẽ không có đủ điều kiện cả về con người lẫn thời gian, thủ tục để giải thích pháp luật cho mọi trường hợp.
Ngoài ra, cơ quan lập pháp giải thích một đạo luật để làm rõ ý chí của mình vào thời điểm nó được ban hành. Thế nhưng, điều quan trọng không kém là làm rõ ý chí đó vào điểm áp dụng pháp luật. Thực tế cho thấy, các nhà lập pháp không phải bao giờ cũng dự báo trước được mọi tình huống xảy ra trong tương lai. Điều này dễ dẫn đến tình trạng pháp luật không theo kịp cuộc sống, ù lỳ với những đòi hỏi mới của thời cuộc. Việc trao quyền giải thích pháp luật cho toà án thiết nghĩ sẽ khắc phục được những hạn chế nói trên. Và sự giải thích pháp luật của toà án- cơ quan áp dụng pháp luật hàng ngày cộng với sự giải thích pháp luật của chính cơ quan lập pháp- cơ quan làm ra luật sẽ mang lại cho pháp luật cả tính bền vững và tính linh hoạt.
3. Giải thích pháp luật- góp phần sáng tạo pháp luật
Đến đây, câu hỏi nảy sinh là: thẩm phán giải thích pháp luật như thế nào, dựa vào đâu, trong khuôn khổ nào để không lấn sang “đất” của nhà lập pháp? Dưới đây, xin được giới thiệu một số kinh nghiệm ở các nước, cụ thể là ở các nước châu Âu lục địa vì theo chúng tôi, pháp luật nước ta gần với pháp luật những nước này hơn so với hệ thống pháp luật Anh- Mỹ. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng, nhiều khía cạnh hợp lý của án lệ ở những nước theo hệ thống Anh- Mỹ cũng cần được nghiên cứu, khai thác trong điều kiện của nước ta.
Trong những trường hợp pháp luật hiện hành không lường trước những tình huống mới, theo nguyên tắc tại Điều 4 Bộ luật dân sự Pháp, thẩm phán có nghĩa vụ đưa ra quyết định. Điều 1 Bộ luật dân sự Thuỵ Sĩ chỉ dẫn: khi thiếu vắng luật hoặc tập quán, thẩm phán cần giải quyết vụ việc trên cơ sở nguyên tắc mà ông ta có thể lập ra – đặt mình vào tư thế của nhà lập pháp – dựa theo truyền thống và thực tiễn toà án. Để tránh lời kết tội độc đoán, thẩm phán ở các nước châu Âu lục địa thường ưu tiên cho cách giải thích luật theo cú pháp của luật và coi trọng ý chí của nhà lập pháp. Nhưng nếu công lý đòi hỏi, thẩm phán nào cũng tìm ra phương thức bác bỏ văn bản pháp luật đã cản trở ông ta bằng những cách thức khác nhau. Các cách thức đó là:

Đánh giá các sự kiện

Theo cách này, vẫn giữ sự tôn trọng đối với tinh thần của văn bản luật, các thẩm phán có khả năng sử dụng nó khá tự do theo ý muốn chủ quan dựa vào việc các nhà lập pháp thường sử dụng – cố ý hoặc vô tình – những thuật ngữ và câu cú không chính xác. Khi luật dùng những khái niệm như lỗi, lợi ích gia đình, bồi thường thiệt hại, bất khả thi…, thẩm phán cần phải làm chính xác lại trong mỗi vụ việc cụ thể, các tình huống của vụ việc cho phép áp dụng luật chứa những khái niệm đó hay không. Đánh giá chặt chẽ hoặc ngược lại lỏng lẻo những tình huống cụ thể, thẩm phán có thể thay đổi đáng kể các điều kiện áp dụng luật. Có thể nói rằng, khi đưa ra các khái niệm mà không làm chính xác nội dung của chúng, nhà lập pháp đã công nhận thẩm quyền của thẩm phán “tìm kiếm tự do trong khuôn khổ luật (inter legem)”. Việc tìm kiếm tự do đó đòi hỏi các thẩm phán phải có những suy luận độc lập được rút ra không phải từ pháp luật thực định.
Tuy vậy, những khả năng như thế của thẩm phán trong nhiều trường hợp không đủ để đưa ra quyết định công minh, lúc đó các thẩm phán, thể hiện lòng dũng cảm, thường gạt bỏ những quy định pháp lý không phù hợp với bối cảnh xã hội mới. Và hai phương thức dưới đây sẽ được sử dụng.
Mang lại cho luật ý nghĩa mới
ý nghĩa của phương thức này ở chỗ tách luật ra khỏi ngữ cảnh lịch sử. Những từ ngữ được sử dụng trong luật được diễn giải ngoài ý nghĩa lịch sử, không tính đến ý đồ của tác giả. Chúng được bổ sung ý nghĩa mới – theo ý của toà án- nhằm đáp ứng được những yêu cầu của công lý hôm nay mà không bị ràng buộc bởi những tình huống áp dụng luật trong quá khứ. Ngoài ra, ý đồ của nhà lập pháp – đó là lĩnh vực của dự đoán, đặc biệt khó nhận biết được nó trong điều kiện dân chủ hiện đại, khi pháp luật thể hiện ý chí tập thể với một quá trình hình thành phức tạp.
Chánh án Toà phá án Pháp Ballo – Bopre, trong một bài phát biểu của mình năm 1904 nhân kỷ niệm 100 năm Bộ luật Napoleon ra đời, đã kêu gọi từ bỏ phương pháp lịch sử khi giải thích luật từng ngự trị trước đó trong học thuyết: “Nếu quy phạm mệnh lệnh rõ ràng và chính xác, không gây nên nghi ngờ nào, thẩm phán có bổn phận phải phục tùng nó… Nhưng nếu trong văn bản luật có những điều không rõ ràng thì sẽ xuất hiện những thắc mắc đối với ngữ nghĩa và phạm vi thực thi của quy phạm, còn nếu đặt với quy phạm khác, nó sẽ mâu thuẫn với quy phạm kia. Tôi cho rằng, trong những trường hợp như thế thẩm phán có thẩm quyền giải thích rộng lớn nhất. Ông ta không nên cứng nhắc làm rõ các tác giả của bộ luật đã chịu ảnh hưởng của những yếu tố gì 100 năm trước, khi thảo ra điều khoản nào đó. Tốt hơn hết hãy tự hỏi mình: điều khoản sẽ ra sao nếu tác giả tạo ra nó hôm nay, hãy suy ngẫm xem, với những thay đổi qua 100 năm trong tư tưởng, đạo đức, thể chế, trong thực trạng kinh tế, xã hội nước Pháp, cần thích ứng một cách nhân bản và tự do nhất các văn bản luật với những yêu cầu của công lý, lý trí cuộc sống hiện đại”.
Sử dụng những công thức chung
Đây là phương thức thứ hai để thích ứng luật với những tình huống không được nhà lập pháp tính đến mà không thay đổi ý đồ của ông ta. Khi cần thiết, thẩm phán vô hiệu hoá hiệu lực của những quy phạm cụ thể bằng cách viện đến những nguyên tắc chung cũng do các tác giả của luật tạo ra. Hoặc ông ta áp dụng những nguyên tắc không có trong luật. Ví dụ như một số nguyên tắc mang lại cho các thẩm phán những thẩm quyền rộng lớn trong quá trình áp dụng luật: “Luật có hại không phải là luật”; “Tạo nên con người trung thực – đó là luật cao nhất”; “Một thẩm phán giỏi luôn luôn biết giải quyết phù hợp với hoàn cảnh”; “Từ góc độ của luật sẽ được xem xét tất cả những gì phù hợp với quyền lợi con người, thậm chí nếu chữ nghĩa luật nói đến điều khác”… Tuy nhiên, các công thức chung chỉ áp dụng trong những trường hợp cần thiết, nếu không sẽ dẫn đến một thực tiễn toà án dựa trên một vài công thức chung chung.
Nói tóm lại, ở những nước châu Âu lục địa, người ta cho rằng, “giải thích luật – đó còn hơn là hoạt động khoa học, đó là biểu hiện của sự sáng suốt. Nhiệm vụ của chúng ta là hướng pháp luật gần với sự sáng suốt hơn cả khoa học”. Điểm xuất phát của bất kỳ suy luận pháp lý nào cũng là những văn bản của “pháp luật thành văn”. Nhưng chúng thường được xem như một dạng hướng dẫn để tìm kiếm một giải pháp công bằng hơn là những mệnh lệnh khắt khe phải giải thích và giải quyết theo một cách nhất định. ở những nước nói trên, người ta ưu tiên tuyệt đối cho phương pháp giải thích logic và giải thích cú pháp, nhấn mạnh đến sự phục tùng ý chí của nhà lập pháp, nhưng chỉ trong trường hợp thẩm phán cho rằng điều đó dẫn đến kết quả công bằng. Cái đích cuối cùng và cái chuẩn cao nhất ở đây là công lý.
Kết lại, như chúng ta thấy, để thẩm phán được độc lập tương đối khi giải thích luật, trước hết đòi hỏi người thẩm phán phải có bản lĩnh, cái tâm cộng với năng lực và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, còn khá nhiều việc khác phải làm như: sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi quy trình lập pháp… Và thiết nghĩ, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức và văn hoá pháp luật của chúng ta. Tất cả sẽ góp phần xây dựng thành công một nền công lý cao đẹp. Trong đó, “xử kiểu gì cũng được” sẽ là điều không thể xẩy ra. Nhưng đây lại là những chuyện còn to tát hơn những gì được trình bày trong bài viết này của chúng tôi.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code