Trong dự thảo mới nhất đưa ra trưng cầu, Bộ Tài chính đã tách cụ thể từng đầu mục nội dung của dự luật và minh họa chi tiết đối với những điểm được đánh giá là khá nhạy cảm và còn nhiều ý kiến bất đồng.
Không có nhiều điểm mới so với những nội dung đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong định hướng trưng cầu ý kiến, Bộ Tài chính đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Điểm mới và còn nhiều bất đồng nhất trong dự luật là đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế. Trong định hướng nói trên, Bộ Tài chính khẳng định là “cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến việc gửi tiền tiết kiệm, và không ảnh hưởng đến lãi suất huy động”.
Trao đổi với báo chí chiều qua (2/11), bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo dự luật này, tiếp tục khẳng định lại nhận định trên. Lý do là khởi điểm chịu thuế và mức thuế suất mới chỉ ở mức độ khởi đầu.
Cụ thể, theo dự luật, mức thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng/tháng trở lên mới phải chịu thuế với 5%. Số tiền phải đóng thuế theo đó “sẽ không lớn so với tiền lãi thu được”.
Bộ đưa ra ví dụ: Với lãi suất như hiện nay thì chỉ những người có số tiền gửi tiết kiệm khoảng trên 700 triệu đồng mới thuộc diện chịu thuế. Nếu số tiền gửi tiết kiệm đến 800 triệu đồng, lãi mỗi tháng là 5,6 triệu đồng thì chỉ tính thuế cho phần vượt trên 5 triệu đồng, số thuế là 30.000 đồng/tháng (5% của 0,6 triệu đồng), số tiền lãi sau khi nộp thuế vẫn còn 5.570.000 đồng.
Như vậy, số thuế phải nộp là 30.000 đồng, chỉ bằng 0,53% trên số lãi hàng tháng và chỉ bằng 0,0037% trên số tiền gửi tiết kiệm, “cho nên không phải là nhân tố quan trọng làm tăng lãi suất huy động”.
Về nguyên nhân đưa thu nhập này vào diện chịu thuế, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay và những năm tới, thu nhập dân cư đã được cải thiện nên số người có tiền gửi tiết kiệm gia tăng và thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm cũng tăng lên đáng kể. Đa số các nước trên thế giới cũng đều đã thu thuế đối với thu nhập này.
Theo tài liệu thuế thu nhập cá nhân của 110 nước mà Bộ Tài chính tham khảo thì có 90 nước thu thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Với Việt Nam, mức thuế suất mà Bộ Tài chính cho là phù hợp là 5% (ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines là 20%; Thái Lan là 15%).
Tất nhiên, những diễn giải và nhận định trên của Bộ Tài chính vẫn rất cần sự ủng hộ hoặc phản biện từ lần trưng cầu này. Và trong chương trình nghị sự sắp tới, Quốc hội cũng sẽ dành một ngày để thảo luận; trong đó, đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm dự kiến sẽ là một trọng tâm.
Để đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính, bạn đọc có thể tham gia trực tiếp tại website của bộ này: http://www.mof.gov.vn .
(theo TBKT)
0 comments:
Post a Comment