Có một câu chuyện kể rằng, loài ếch cần một trật tự để sinh tồn nhưng
Thượng đế lại sai rắn duy trì trật tự cho ếch. Nếu không có rắn, ếch sẽ
rơi vào tình trạng hỗn loạn vì không có người duy trì trật tự; nhưng bản
thân rắn cũng lại là một mối nguy hại đối với ếch, có thể thôn tính
ếch...
1.* Khái niệm chủ nghĩa hợp hiến(constitutionalism)
Có một câu chuyện kể rằng, loài ếch cần một trật tự để sinh tồn
nhưng Thượng đế lại sai rắn duy trì trật tự cho ếch. Nếu không có rắn,
ếch sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn vì không có người duy trì trật tự;
nhưng bản thân rắn cũng lại là một mối nguy hại đối với ếch, có thể thôn
tính ếch. Tương tự như vậy, loài người phải cần đến quyền lực nhà nước
để duy trì một đời sống trật tự và phát triển; nhưng loài người cũng lại
phải đối mặt với những tác hại mà quyền lực nhà nước mang đến.
Quyền lực nhà nước khi bị tha hoá sẽ trở thành công cụ thoả mãn
lợi ích của những người nắm giữ và quay trở lại trấn áp xã hội: chính
quyền chủ nô coi người bị trị như những công cụ biết nói; chính quyền
phong kiến đàn áp đẫm máu các cuộc nổi dậy của nông dân; tham nhũng đang
lan toả như một bệnh dịch toàn cầu… Sự nguy hiểm của quyền lực nhà nước
gắn với bản chất của nó. Thuộc tính của quyền lực là lạm quyền. Ai có
quyền lực cũng có xu hướng lạm quyền. Hobbes, một triết
gia lớn người Anh đã nói: "Trước hết, tôi kể trong xu hướng tổng quát
của tất cả nhân loại, một sự thèm khát thường trực và không nguôi hết
quyền lực này đến quyền lực khác và sự thèm khát ấy chỉ chấm dứt với cái
chết mà thôi. Khát vọng quyền lực không phải chỉ giới hạn trong một số
ít người có tham vọng, mà nó hiện hữu phổ biến ở tất cả mọi người. Do
đó, tất cả những gì mà con người có thể quan niệm là đang thèm muốn vì
sự khoái lạc nó đem lại - như kiến thức, nghệ thuật, sự nhàn tản, sự
bình thản - thì mọi thứ ấy đều phụ thuộc vào sự đòi hỏi có quyền lực và
chỉ được phán đoán trên căn bản quyền lực của con người”. Đối với quyền
lực chính trị thì nguy cơ lạm quyền lại càng cao vì đây là một thứ quyền
lực có tác động phổ biến nhất trong xã hội và đem lại lợi ích cho người
nắm giữ quyền lực nhiều nhất. Một nhà cách mạng Pháp đã diễn đạt ý
tưởng này trong câu nói: “Cai trị thì ngây thơ vô tội sao được”.
Nỗi nguy hiểm của quyền lực nhà nước đã đánh thức lương tâm nhân
loại. Từ rất sớm, khi quyền lực nhà nước mới được hình thành thì con
người đã nghĩ đến những phương kế để chống lại sự tha hoá của quyền lực.
Từ những yêu sách đối với đạo đức của nhà cầm quyền đến những định chế
giám sát kiểu như Ngự sử đài đều là những giải pháp để chống lại sự tha
hoá của quyền lực nhà nước. Xã hội ngày càng tiến bộ, suy nghĩ của loài
người về các biện pháp kiểm soát quyền lực ngày càng hoàn thiện hơn.
Theo dòng phát triển đó, chủ nghĩa hợp hiến đã ra đời với những ý tưởng
cách mạng về kiểm soát quyền lực nhà nước.
Chủ nghĩa hợp hiến ra đời giải quyết được bài toán của loài người là vừa
cần quyền lực nhà nước lại vừa có thể tránh khỏi những nguy hiểm do nó
mang lại. “Bất cứ cơ quan nào sử dụng quyền lực đủ để bảo vệ tôi chống
lại sự cướp bóc của người hàng xóm của tôi, cũng có thể sử dụng quyền
lực đó để huỷ hoại tôi hoặc biến tôi thành nô lệ. Sự nghịch lý này dựa
trên nền tảng của lý thuyết về nhà nước tự nhiên hiện đại. Làm sao chúng
ta có thể thoát khỏi tình trạng vô chính phủ mà không rơi vào chế độ
chuyên chế? Làm sao chúng ta có thể trao cho người cai trị quyền kiểm
soát người bị trị trong khi bảo đảm rằng khối quyền lực khổng lồ này
không bị lạm dụng? Giải pháp dân chủ tự do đối với vấn đề này là chủ
nghĩa hợp hiến… Chính quyền tự do là một sự canh tân đối với lý do này,
bởi vì nó có ý nghĩa để giải quyết vấn đề giữa vô chính phủ và chuyên
chế trong vòng những hệ thống các quy tắc gắn kết, độc lập”.
Chủ nghĩa hợp hiến là “khái niệm về một chính quyền hữu hạn mà thẩm
quyền tối hậu của nó là tuân theo sự đồng ý của nhân dân”. Hay “Hiến
pháp thường được định nghĩa là tổng thể các quy tắc thành văn hoặc bất
thành văn, pháp lý hay siêu pháp quy định về chính quyền và sự vận hành
của nó. Tuy nhiên, có những ý tưởng về sự hạn chế nằm trong danh từ hiến
pháp - ý tưởng về hiến pháp như một sự sắp đặt không chỉ quy định mà
còn giới hạn chính quyền, ít nhất là trong những hoạt động hàng ngày của
nó”. Sự giới hạn đó được gọi là chủ nghĩa hợp hiến. “Chủ nghĩa hợp hiến
dân chủ - dựa trên ý tưởng về các quyền cá nhân và các quyền cộng đồng,
và giới hạn quyền lực của chính quyền - tạo lập khung điều chỉnh một
nền dân chủ. Chủ nghĩa hợp hiến nhận thức rằng một chính quyền dân chủ
và có trách nhiệm phải đi liền với những giới hạn mang tính định chế đối
với quyền lực của chính quyền”.
Một học giả Trung Quốc trên cơ sở nghiên cứu quan niệm về chủ nghĩa hợp
hiến đã đưa ra định nghĩa mang tính chất diễn giải về chủ nghĩa hợp
hiến: “Chủ nghĩa hợp hiến nghĩa là một hệ thống các sắp xếp về chính
trị, theo đó có một đạo luật tối cao (thường được gọi là hiến pháp),
toàn bộ hệ thống chính quyền được điều chỉnh bởi hiến pháp, chỉ có ý chí
của nhân dân (thường được xác định thông qua một quy trình đặc biệt có
từ trước, thường thông qua cơ chế bỏ phiếu đa số tuyệt đối) mới có thể
huỷ bỏ hoặc thay đổi đạo luật tối cao đó, sự thay đổi phải được tiến
hành theo một quy trình khó khăn với sự ủng hộ của đa số, có sự phân
quyền và kìm chế, đối trọng quyền lực, và một hệ thống tư pháp độc lập
tài phán về các tranh chấp pháp lý để bảo vệ hiến pháp”.
Như vậy, dù có thể có những cách định nghĩa, cách quan niệm khác
nhau về chủ nghĩa hợp hiến, nhưng vấn đề bản chất của chủ nghĩa hợp hiến
vẫn là giới hạn chính quyền theo một quy trình pháp lý để bảo vệ quyền
con người.
Một chính quyền hợp hiến trước tiên phải là một chính quyền có
hiến pháp thành văn. Ví dụ, chính quyền Mỹ được giới hạn trong khuôn khổ
của bản Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, một hiến pháp thành văn không phải là
yếu tố quyết định một chính quyền có vận hành theo chủ nghĩa hợp hiến
hay không.Chủ nghĩa hợp hiến không đồng nghĩa với một
chính quyền có hiến pháp thành văn. “Chánh quyền hợp hiến không chỉ có
nghĩa là chánh quyền hợp với điều khoản hiến pháp. Chánh quyền hợp hiến
là chánh quyền pháp trị, không phải chánh quyền chuyên chế, là chánh
quyền được điều khoản hiến pháp tiết chế, không phải chánh quyền chỉ
được tiết chế bởi sở vọng hay khả năng của người cầm quyền. Bởi vậy, có
thể có trường hợp chánh quyền một quốc gia được điều khiển đúng với điều
khoản của hiến pháp, song hiến pháp chỉ thiết lập cơ cấu chánh quyền,
và phó mặc cho các cơ cấu này tự do hành động. Trường hợp như trên khó
có thể coi là một chánh quyền hợp hiến”.
Hơn nữa, một chính quyền không có hiến pháp thành văn cũng có thể trở
thành một chính quyền vận hành trên các nguyên lý của chủ nghĩa hợp
hiến. Nước Anh là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Nước Anh không có
một hiến pháp thành văn đơn hành nhưng người ta đều thừa nhận rằng chính
quyền của nước Anh là một chính quyền hợp hiến bởi nước Anh có nhiều
văn bản có sức mạnh của hiến pháp, như: Đại hiến chương Magna Carta năm
1215, Luật về quyền (Bill of Right) năm 1689, Luật cư trú năm 1701 và
những đạo luật đặc biệt của Nghị viện Anh. Những văn bản này có sức mạnh
hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo vệ các quyền tự do của con người ở
nước Anh.
Yếu tố bản chất của chủ nghĩa hợp hiến là giới hạn chính quyền chứ không
phải hình thức của hiến pháp. “Khi chúng ta trao đổi về chính quyền hợp
hiến, thực ra chúng ta không phải nói về có hay không một văn kiện đặc
biệt đơn hành mà chúng ta quan tâm đến một loại hình của cách ứng xử
chính trị, văn hoá chính trị, truyền thống chính trị, lịch sử chính trị…
Hình thức có thể thay đổi nhưng kết quả ứng xử thì giống nhau: những
giới hạn được đặt ra đối với những gì chính quyền được làm”.
Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại bắt nguồn từ những tư tưởng chính trị
tự do ở Tây Âu và Mỹ. Để bảo đảm các quyền và tự do của con người, những
người soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh đến việc kiểm soát đối với những
lĩnh vực của quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, chủ nghĩa hợp hiến có
thể được coi là sự định chế hoá chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa hợp hiến là
sự tổ chức các định chế quyền lực theo tinh thần tự do. Chủ nghĩa hợp
hiến là một chế độ chính trị tự do.
Một điều cần lưu ý là nói đến khái niệm chủ nghĩa người ta thường đề cập
theo hai phương diện: một hệ thống các tư tưởng và một chế độ được tổ
chức dựa trên các tư tưởng đó. ở đây, khái niệm chủ nghĩa hợp hiến có
khi được đề cập đến như một hệ thống các tư tưởng về giới hạn chính
quyền và bảo vệ quyền con người; có khi lại được đề cập đến một chế độ
tổ chức chính quyền dựa trên tinh thần tự do, tức là giới hạn chính
quyền và bảo vệ quyền con người.
2. Các yếu tố cấu thành của chủ nghĩa hợp hiến
Giovanni Sartori định nghĩa chủ nghĩa hợp hiến như là sự cấu thành các
yếu tố: 1) có một đạo luật cao hơn, thành văn hoặc bất thành văn, được
gọi là hiến pháp; 2) có chế độ tài phán hiến pháp; 3) có một hệ thống tư
pháp độc lập gồm các thẩm phán độc lập trong việc giải quyết các tranh
chấp pháp lý; 4) quy trình tố tụng đúng về thủ tục; 5) quy trình lập
pháp như là một cái hãm phanh hiệu quả đối với việc làm luật chỉ dựa
trên lý trí. Định nghĩa này nhấn mạnh tinh thần pháp quyền theo kiểu của
Anh - Mỹ của chủ nghĩa hợp hiến.
Louis Henkin định nghĩa chủ nghĩa hợp hiến như là sự tổ chức của các yếu
tố: 1) chính quyền được điều chỉnh bởi hiến pháp; 2) phân chia quyền
lực; 3) chủ quyền nhân dân và chính quyền dân chủ; 4) tài phán hiến
pháp; 5) tư pháp độc lập; 6) giới hạn chính quyền bởi luật về các quyền
con người; 7) kiểm soát cảnh sát; 8) sự kiểm soát của dân sự đối với
quân sự; 9) không có cơ quan nhà nước hoặc quyền lực được giới hạn nào
có quyền đình chỉ thi hành một phần hay toàn bộ hiến pháp.
Mỗi học giả, tuỳ vào góc độ xem xét của mình, tuỳ vào nền học thuật của
quốc gia có thể liệt kê các yếu tố khác nhau của chủ nghĩa hợp hiến.
Nhưng nhìn chung, những yếu tố của chủ nghĩa hợp hiến theo các tác giả
đều đề cập đến các vấn đề quyền lực của hiến pháp và nội dung của hiến
pháp.
Về quyền lực của hiến pháp, chủ nghĩa hợp hiến yêu cầu hiến pháp phải có
hiệu lực tối cao. Điều này dẫn đến các yếu tố của chủ nghĩa hợp hiến:
bản hiến pháp tối cao, không một cơ quan nào của chính quyền được đình
chỉ thi hành hay đơn phương sửa đổi hiến pháp; chế độ tài pháp hiến pháp
để xét xử những hành vi bất hợp hiến của công quyền. Như vậy, xét dưới
góc độ quyền lực của hiến pháp, chủ nghĩa hợp hiến có ba yếu tố sau: một
hiến pháp có quyền lực tối cao; một chế độ tu chính hiến pháp đặc biệt;
một chế độ tài phán hiến pháp.
Về nội dung của hiến pháp, tinh thần chung của chủ nghĩa hợp hiến là
giới hạn chính quyền và bảo vệ quyền con người. Hiến pháp làm nhiệm vụ
ấn định cơ cấu của công quyền và vạch ra những quyền của con người. Theo
chủ nghĩa hợp hiến, hiến pháp khi ấn định cơ cấu của công quyền trong
đó, để có thể giới hạn được công quyền, phải theo các nguyên tắc chủ
quyền nhân dân và chính quyền dân chủ, phân quyền và kìm chế đối trọng
quyền lực, tư pháp độc lập. Cũng theo tinh thần của nghĩa hợp hiến, để
có thể bảo vệ được quyền của con người, hiến pháp phải liệt kê các quyền
cơ bản với tính chất như là các quyền tự nhiên mà chính quyền không
được xâm phạm. Như vậy, xét trên phương diện nội dung, chủ nghĩa hợp
hiến có các yếu tố: chủ quyền nhân dân và chính quyền dân chủ; phân
quyền và kìm chế đối trọng quyền lực; tư pháp độc lập; các quyền cơ bản
của con người trong hiến pháp.
3. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hợp hiến
Truyền thống của chủ nghĩa hợp hiến đã bắt đầu từ thời cổ đại Aten và
trải qua một quá trình lịch sử phát triển dài, gián đoạn và không theo
quy luật nào cho đến ngày nay. Chủ nghĩa hợp hiến, với cả hai phương
diện xem xét của nó (hệ tư tưởng về sự tự do và sự định chế hoá hệ tư
tưởng đó) đã xuất hiện đầu tiên từ thời cổ đại ở phương Tây. “Có hai
hình thức của chủ nghĩa hợp hiến được diễn đạt bởi các nhà chính trị học
Hy Lạp và các nhà lập hiến Roma”.
Trong thế giới cổ đại, với các định chế cộng hoà, giai cấp có của công
khai bảo vệ mình trước những người nghèo. Trong xã hội trung cổ, khi chế
độ quân chủ là chế độ chính trị chính, giai cấp có của lại phối hợp với
vương quyền. Nhưng chủ nghĩa hợp hiến cũng được sử dụng để bảo vệ quyền
lợi của những người khác. ở Aten vào thế kỷ thứ IV tr.CN, có những định
chế chính trị để bảm đảm dân chủ trước sự lạm quyền của các bạo chúa.
Ý thức lập hiến xuất hiện ở Địa Trung Hải khi tổ chức thị tộc trở nên
yếu đi và sự mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo trở thành một yếu
tố chính trị quan trọng. Solon có lẽ là nhà lập hiến đầu tiên. Với mong
muốn loại bỏ quyền lực trong tay của những người thượng lưu, nhưng để
cho những người bình dân chia sẻ các chức vụ trong chính quyền mà từ
trước đến nay họ bị tước đi, Solon tiến hành định giá tài sản của công
dân. Năng lực tài sản là cơ sở cho việc nắm giữa các chức vụ trong chính
quyền, nhưng không có nghĩa cho quyền bầu cử, một công cụ để bảo vệ
quyền lợi của cả hai giai cấp.
Một mô hình lưỡng viện là một công cụ cổ điển khác. Toà án tối cao ở
Aten và Thượng viện Roman, vào ngày nó được thành lập, điều hành các
chính sách ngoại giao và chia sẻ quyền lực đối nội cho Viện bình dân.
Ciceron tìm thấy ở Thượng viện Roman một sự kết hợp giữa chế độ quý tộc
và chế độ dân chủ thoả mãn cho cả hai chế độ.
Nhưng sự tổ chức các định chế chính trị dân chủ Aten là tinh tế nhất.
Khi chế độ đầu sỏ chính trị của Toà án tối cao Aten bị thất bại, sự quan
tâm chính là bảo vệ dân chủ. Vào thời đại của Demosthenes, thành viên
của bồi thẩm đoàn của Toà án bình dân tối cao, gọi là Heliaea, phải
tuyên thệ: “Tôi sẽ phán quyết theo các đạo luật và sắc luật của người
dân Aten và Hội đồng 500 người. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho chế độ chuyên
chế và đầu sỏ chính trị. Nếu bất cứ người nào cố tình lật đổ nền dân chủ
Aten hoặc có những phát ngôn hay dự định chống lại nền dân chủ đó, tôi
sẽ không nghe theo. Tôi sẽ không cho phép các khoản nợ cá nhân bị hoãn
trả hoặc đất, ngựa của người dân Aten bị phân phối lại. Tôi sẽ không
phục hồi lại hình phạt trục xuất và tử hình. Tôi sẽ không trục xuất và
cho phép sự trục xuất những công dân cư trú ở đây khi họ chống lại các
đạo luật và sắc luật của người dân Aten và Hội đồng 500 người”.
Hơn nữa, tất cả người dân Aten đều nhận chấp nhận lời thề này: “Nếu có
quyền lực, tôi sẽ giết chết bằng lời nói, bằng hành động, bằng bỏ phiếu,
hoặc bằng giơ tay bất cứ kẻ nào đàn áp nền dân chủ Aten, bất cứ kẻ nào
giữ các chức vụ công cộng bằng con đường đàn áp, bất cứ kẻ nào cố gắng
trở thành chuyên chế hoặc ủng hộ chế độ chuyên chế. Nếu có ai đó giết
một kẻ như vậy, tôi sẽ cho rằng anh ta không có tội trong mắt của Chúa
và quyền lực thượng giới vì anh ta giết kẻ thù chung của cộng đồng. Và
tôi sẽ bán tất cả tài sản của kẻ bị giết chết và sẽ đưa cho người giết
hắn hơn một nửa và sẽ không lấy bất cứ thứ gì của kẻ đã chết. Và nếu bất
cứ người nào bị thiệt mạng vì giết kẻ như vậy hoặc nỗ lực để giết hắn,
tôi sẽ thể hiện sự tử tế đối với anh ta và con cái anh ta … Tôi huỷ bỏ
tất cả những lời thề đã thề ở Aten hoặc trong quân đội hoặc bất cứ nơi
nào chống lại nền dân chủ Aten”.
Thời trung đại có những quan niệm khác biệt với thời cổ đại. Những gì mà
thời cổ đại và thời hiện đại hiểu về nhà nước không giống với thời
trung đại. Jelliek cho rằng ý tưởng thuộc thời trung đại là những ý
tưởng có nguồn gốc thuộc dân tộc Đức: “Trong khi nhà nước thời cổ đại
xuất hiện trong buổi đầu của lịch sử như là chính trị (polis) hay công
dân (civita), một cộng đồng không phân chia của công dân, nhà nước quân
chủ của dân tộc Tơ - tông, bắt đầu từ hình thức nhị nguyên - vương quyền
và dân chúng không phải là một thực thể thống nhất, ngược lại còn đối
lập với nhau. Vào thời trung cổ, nhà vua quan trọng hơn người dân. Trong
một phạm vi nhất định, ông ta sở hữu những thần dân của mình với một
quyền lực cá nhân tối cao và không có giới hạn. Gierke cho rằng Hobbes
là người đã trở lại quan niệm ban đầu về nhà nước. Việc xác định thời
gian của ông thì đúng nhưng việc quy kết này quá hạn hẹp. Mặc dù trở lại
quan niệm ban đầu về nhà nước, nhưng quan niệm cổ đại về xã hội nghị
nguyên - Gierke gọi nó là ý tưởng về “double majesty’’ vẫn kéo dài dai
dẳng trong luật của người Anh”.
Lý luận hiện đại về hiến pháp thường xuất phát từ các nhà lý luận về khế
ước xã hội thế kỷ XVII. Để đấu tranh cho một chính quyền hợp hiến,
người ta thường viện dẫn đến những lý thuyết về khế ước xã hội mà những
đại biểu nổi bật là John Locke, Jean - Jacques Rousseau.Những luận điểm
tổng quá của thuyết khế ước xã hội có thể tóm lược lại là: 1) mọi người
sinh ra đều được tự do và bình đẳng; 2) do những lý do nhất định người
dân thành lập ra nhà nước thông qua một khế ước xã hội; 3) trách nhiệm
của nhà nước theo bản khế ước xã hội này là bảo đảm các quyền tự nhiên
vốn có của người dân; 4) nếu nhà nước vi phạm điều đó, người dân có
quyền thành lập một nhà nước khác. Những tư tưởng trên của thuyết khế
ước xã hội tạo cơ sở cho việc hình thành một chính quyền hợp hiến. Những
điều khoản cơ bản của khế ước xã hội khẳng định chủ quyền thuộc về nhân
dân, nhà nước là do nhân dân thành lập để bảo vệ các quyền của con
người. Bản khế ước ghi nhận những điều khoản đó là gì? Đó chính là Hiến
pháp.
Chiến thắng đầu tiên và có lẽ lớn nhất của chủ nghĩa tự do là ở
Anh. Những điều khoản của Dự luật về các quyền năm 1689 cho thấy, cách
mạng Anh không chỉ nhằm bảo vệ quyền tài sản mà còn thiết lập những
quyền tự do mà những người theo chủ nghĩa tự do tin là cần thiết đối với
nhân phẩm và giá trị đạo lý của con người. Những quyền của con người
được nêu ra trong dự luật về quyền của Anh được dần dần công bố rộng
rãi, đặt biệt trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn
nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Thế kỷ 18 đã chứng kiến sự sự
xuất hiện của chính quyền hợp hiến ở Mỹ và Pháp. Người Mỹ đi tiên phong
trong việc xây dựng chính quyền hợp hiến với một bản hiến pháp thành
văn đơn hành. Khi xây dựng chính quyền hợp hiến, người Mỹ đã định chế
hoá các tư tưởng tự do của các học giả khế ước xã hội. Đặt biệt, họ đã
vận dụng một cách sáng tạo học thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu
trong việc kiến tạo một chính quyền hợp hiến. Tam quyền phân lập được
coi như một yếu tố chính quyền của chủ nghĩa hợp hiến. Không chỉ biết
định chế hoá các tư tưởng tự do có từ trước, người Mỹ còn góp phần thúc
đẩy sự phát triển của chủ nghĩa hợp hiến bằng những lý thuyết độc đáo
của riêng họ, mà điển hình là lý thuyết kìm chế và đối trọng quyền lực.
Cơ chế này được luận giải bởi những tên tuổi như Hamilton, Madison, Jay
trong tập Người liên bang.
Thế kỷ 19 có sự mở rộng của chính quyền này với mức độ thành công
khác nhau ở Đức, Italia và những nước phương Tây khác. Sang thế kỷ thứ
20, người ta thấy sự xuất hiện các chính quyền hợp hiến ở các quốc gia
châu Á. Ngày nay, khi một quốc gia mới được thành lập thường cam kết
điều hành chính quyền theo chủ nghĩa hợp hiến.
Những trích dẫn các tác phẩm của Hobbes và Locke trong sách này lấy
từ nguồn: Michael B. Foster, Những bậc danh sư của triết lý chính trị,
Houghton Mifflin Conpany, Boston the Riverside Press Cambridge.
Dẫn theo Lê Đình Chân, Luật hiến pháp và các định chế chính trị, cuốn 1, Sài Gòn, 1974, tr. 267.
Holmes, Stephen. Passions and Constraint: On the Theory of Liberal
Democracy. Chicago: University of Chicago Press, 1995, p. 270-71.
Jay M. Shafritz, Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr.229.
Francis D.Wormuth. The origins of modern constitutionalism (Nguồn gốc
của chủ nghĩa hợp hiến) Copyright 1949, by Harper&Brothers.
Website: http://www.constitution.org.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,Các nguyên lý của nền pháp quyền (Principles of the rule of law), http://vietnam.usembassy.gov
Bo Li. What is Constitutionalism? Website:http://www.constitution.org.
K.C. Wheare. Hiến pháp tân tiến(Bản dịch của Nguyễn Quang), 1967, tr.186.
Mahler, Gregory. Comparative Politics: An Institutional and
Cross-National Approach. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall,
2000, p. 28.
Sartori Giovanni, The Theory of Democracy Revisited. Chatham, New Jersey: Chatham House, 1987, p. 309.
Henkin, Louis, "Elements of Constitutionalism", Unpublished Manuscript, 2000.
Francis D.Wormuth, The origins of modern constitutionalism,
Copyright, 1949, by Harper&Brothers. Website:
http://www.constitution.org.
Charles Howard McILWain, Constitutionalism: ancient and morden,
Cornell University press, New York, 1947. Website:
http://www.constitution.org.
Francis D.Wormuth, The origins of modern constitutionalism,
Copyright, 1949, by Harper&Brothers.
Website:http://www.constitution.org.
Tạm dịch là “vương quyền kép”.
Francis D.Wormuth, sđd.
Jay M.Shafritz. Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 229.
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 127-thang-7-2008 ngày 20/07/2008) Ths. Bùi Ngọc Sơn
Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi
0 comments:
Post a Comment