Tuesday, August 13, 2013

Tiểu luận "Thực tiễn dân chủ"

THỰC TIỄN CỦA VIỆC THỰC HÀNH DÂN CHỦ VÀ NHỮNG ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC HÌNH THỨC NHÂN DÂN THỰC HIỆN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 khẳng định “Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của đất nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua các đại diện được tự do lựa chọn. Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng. Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ, thực chất, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và được thực hiện thông qua bỏ phiếu kín hoặc thông qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự”.

Trong kỷ nguyên của thời đại công nghệ thông tin, của toàn cầu hóa, sự giao lưu hợp tác giữa các nền văn hóa, giữa các chính phủ, giữa các dân tộc, tôn giáo,.. ngày càng trở nên thường xuyên và sâu sắc hơn. Các giá trị tiến bộ của nhân loại như dân chủ, nhân quyền, quyền con người, quyền công dân được sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội dân sự tiến bộ, cùng với khái niệm nhà nước pháp quyền có sức lan tỏa không biên giới, có sự tương tác mạnh mẽ lên ngay chính đất nước và con người Việt Nam, trở thành một hiện thực sống động cho sự hội nhập mọi mặt của Việt Nam vào thế giới.

Xét góc độ đó thì bản chất dân chủ của nhà nước Việt Nam được khẳng định ngay trong hiến pháp đầu tiên khai sinh nước Việt Nam hiện đại và nó được tái khẳng định trong bản hiến pháp hiện hành. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các đại diện để thực hiện việc quản lý nhà nước và xã hội hoặc trực tiếp tham gia quản lý nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau được quy định cụ thể trong hiến pháp & luật được ban hành bởi Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Trong phạm vi nghiên cứu về đề tài - thực tiễn thực hành dân chủ và đánh giá các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước, nhóm 5 chưa đủ thời gian để có thể cảm nhận hết những thực tiễn khách quan sinh động, cũng như đủ kiến thức kinh nghiệm để đánh giá một cách hệ thống về toàn bộ vấn đề. Phương pháp luận được nhóm thực hiện là theo phương pháp liệt kê và so sánh, kèm theo những kiến nghị những mặt làm được và chưa làm được về thực tiễn thực hiện dân chủ của nước ta dựa trên những tài liệu tham khảo. Trong thời gian hạn hẹp cũng như kiến thức thực tế còn nhiều hạn chế, bài luận chắc chắn có nhiều sai sót nên mong nhận được sự nhận xét và ý kiến của thầy và các bạn.

Cám ơn thầy Lưu Đức Quang – GVHD môn Hiến pháp học phần 1 đã tận tình giảng dạy lớp 3B – VB2CQ học phần này.
Bản hiến pháp đầu tiên khai sinh nhà nước Việt Nam hiện đại khẳng định nhà nước ta là nhà nước dân chủ theo chế độ cộng hòa, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo (điều 1 hiến pháp 1946).

Tinh thần nhà nước dân chủ đó tiếp tục khẳng định và phát huy trong bản hiến pháp hiện hành là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân (điều 2,3 hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001).

Trong lịch sử phát triễn của xã hội loài người, thuyết khế ước xã hội và khái niệm chủ quyền thuộc về nhân dân được hình thành từ rất sớm nhưng mãi đến khi chế độ phong kiến suy tàn, Châu âu bước qua đêm trường trung cổ, bắt đầu giai đoạn phục hưng thịnh vượng, thì các giá trị của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trở thành hiện thực sống động nhất và bằng chứng cho sự tiến bộ của nhân loại.

Trong khi các giá trị về tự do dân chủ được hiện thực và phát huy mạnh mẽ ở Châu âu thì đất nước Việt Nam ta vẫn còn trong ảnh hưởng của các giá trị phương Đông truyền thống, nho giáo Khổng Tử. Vua thay mặt cho trời, cai quản thần dân, quyền lực nhà vua làbất khả xâm phạm, tối thượng, con dân có nghĩa vụ phải phục vụ lợi ích của nhà vua. Vua tức là nhà nước và nhà nước cũng chính là vua.

Sau đó các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thực dân tiếp tục đưa dân tộc ta vào tròng nô lệ, áp đặt chế độ cai trị bóc lột tàn khốc của chúng. Bước qua cuộc chiến tranh giành được độc lập, việc ghi nhận giá trị tự do dân chủ, chủ quyền nhân dân đối với đất nước trong bản khế ước dân tộc đầu tiên – hiến pháp là một trong những thành tựu vĩ đại nhất mà dân tộc ta từng đạt được trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước.

Xác định được bản chất dân chủ của nhà nước ta, để tiếp tục khẳng định các giá trị tự do, dân chủ đang theo đuổi và con đường xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn. Khẳng định lại tự do dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong các giá trị và thành tựu tiến bộ mà dân tộc ta đạt được trong tiến trình xây dựng một xã hội công bằng văn minh, dân giàu nước mạnh, nhân dân có một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code